Tư duy giáo dục nhìn từ bộ bàn ghế

1

Có rất nhiều dấu chỉ để cho ta thấy được chân tướng của một nền giáo dục cũng như viễn cảnh tương lai của nó. Những dấu chỉ ấy chúng ta có thể nhìn thấy khắp nơi và sẽ luôn nhìn thấy ở những nơi “tầm thường” nhất, như là một bộ bàn ghế trong lớp học.

Hãy nhìn vào các phòng học của học sinh (và sinh viên) Việt Nam, phổ biến nhất là loại ghế băng dài, cùng với bàn làm thành một bộ, thậm chí bàn và ghế sẽ được đóng liền. Những bộ bàn ghế này thường (phải) kê sát nhau và chỉ trừ lối đi chính ở giữa lớp. Nhất loạt chỉ có một tư thế ngồi là tất cả cùng hướng lên bảng (cao hơn nền lớp học một bậc). Cái vấn đề hệ trọng nằm ở chỗ học sinh sẽ rất khó khăn (nếu không muốn nói là không thể) di chuyển và thay đổi tư thế nếu muốn đối diện với người ở tả hữu và phía sau. Chỉ có một hướng nhìn “chính thống” và chủ đạo là nhìn lên thầy cô / bảng; chứ không có nhìn vào nhau.

Tôi đã nhiều lần nói điều này: Muốn thay đổi một nền giáo dục, việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy (tư tưởng / triết lý); từ đó thay đổi phương pháp, rồi mới tính toán đến chuyện thiết kế phòng ốc, mua sắm trang thiết bị phù hợp và tổ chức lớp học. Một khi tư duy đã thay đổi thì tất yếu sẽ sinh ra phản ứng dây chuyền làm thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. “Chúng ta” hô hào đổi mới với những ngôn từ to tát và với những “bước đi” ngàn tỉ nhưng thực tế đang phơi bày lại là một tình trạng trì trệ. Hãy nhìn vào kiểu bàn ghế trong lớp học thì sẽ thấy ngay điều ấy.

Ở đó vẫn là một lối giáo dục rót đầy, phán truyền giáo điều, thụ động; nó là kiểu giáo dục bề trên, giáo dục trưởng giả. Lớp học ở VN cơ bản đang không khác gì so với một giáo đường, mà đó thầy giáo là người nắm giữ chân lý tuyệt đối, học sinh là những con chiên thụ nhận giáo huấn.

Một nền giáo dục như thế chỉ nhằm đào tạo ra con người công cụ, vâng phục, đồng phục; nó chống lại lý tưởng con người tự do, chống lại cá tính và chống lại thiên tư.

Thực tế, giáo dục VN vẫn chưa chuyển động sau 3 năm công bố chương trình Phổ thông mới (2018). Và, với những gì đang diễn ra, chúng ta sẽ rất khó có thể hi vọng vào một sự chuyển mình, dù nhỏ nhoi trong dăm năm tới.

Giáo dục VN đang gặp phải một mâu thuẫn tự thân rất ghê gớm: thay đổi hay không thay đổi. Nếu thay đổi thật sự thì thiết chế chuyên chế có thể sẽ sụp đổ. Nếu không thay đổi thì bị dư luận lên án, và cả sự tất yếu phải trở về thời bán khai.

Thay đổi tức là chấp nhận từ bỏ lợi ích nhóm để đặt quốc gia dân tộc lên trên hết; không thay đổi nghĩa là chấp nhận đánh cắp tương lai đất nước để giữ lấy lợi quyền của hệ thống cai trị.

Người Việt không phải là một giống dân trì độn từ trong bản chất; nhưng khốn khổ thay nó lại không có khả năng tự cởi trói; nên chỉ cần cởi trói cho nó, trải qua vài thập kỷ thì chân dung nước Việt sẽ được vẽ lại bởi những con người cường tráng cả về trí tuệ và phẩm đức. Không ai có quyền nhân danh những lý tưởng hoang đường để tước đi tương lai dân tộc; không ai nên cúi đầu từ bỏ tương lai của chính mình để đổi lấy những bình yên giả tạo.

Mọi thứ đã hiện ra quá rõ. Thay đổi hay là chết? Không nên tiếp tục diễn nữa. Và nhất là, chúng ta không nên làm khán giả trung thành để tiếp tục hỉ nộ ái ố mà vô tình cổ vũ cho vở tuồng nhạt nhẽo kia cứ được đà diễn mãi.

Hình 1, bàn ghế phổ biến trong lớp học ở Việt Nam; hình 2-3, bàn ghế trong lớp học ở các nước Âu-Mỹ. Thậm chí, Phần Lan còn phá bỏ những vách tường và chủ trương “lớp học không bàn ghế”.

P/S: Hi vọng không phải vì những sự lên tiếng như thế này mà các “nhà quản lý” có thêm lý do để mua sắm bàn ghế mới (vì hoa hồng). Phải thay cái đầu trước khi thay bộ bàn ghế.

Thái Hạo (Tác giả là giáo viên)

(Theo Facebook Phan Ngọc Minh)

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên