Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do với Công nhân

0

Chính quyền Đảng trị thì muốn cho các nhà đầu tư thấy Việt Nam có một môi trường đầu tư an toàn, nên không muốn các cuộc đình công xảy ra gây thiệt hại cho giới đầu tư. Mặt khác, đảng CS tự cho mình là đại diện ưu tú của giai cấp công nhân nhưng cũng chính đảng CS không bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong mối quan hệ tay ba, giữa công nhân-công đoàn quốc doanh-nhà đầu tư thì công nhân là thành phần bị thiệt hại toàn diện.

Hiện trạng đời sống công nhân là như trong thư mời đến dự buổi nói chuyện tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove, California, Hoa Kỳ trưa ngày 25/6/2017 vừa qua, tổ chức Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (Lao Động Việt)  đã viết: “Trong khi các cán bộ CSVN trở thành những triệu phú, tỉ phú dollar thì những công nhân trở thành tầng lớp bần cùng nhất xã hội với đồng lương chết đói và làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ. Tổng liên đoàn lao động VN là công đoàn duy nhất tại VN, là cơ quan ngoại vi của đảng CSVN thì không bao giờ thực hiện nhiệm vụ của họ là bảo vệ công nhân mà còn đứng về phía chủ nhân tiếp tay bóc lột công nhân.” Việc xuất hiện những tổ chức Nghiệp đoàn độc lập đứng ra bảo vệ những quyền lợi của người lao động là rất cần thiết. Tổ chức Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (Lao Động Việt – LĐV) đã ra đời trong bối cảnh này.

Ký giả Ca Dao – Phó Chủ tịch của Liên đoàn Lao động Việt Tự do. Hình: HVL

Qua phần trình bày của Ký giả Ca Dao – Phó Chủ Tịch phụ trách Hải Ngoại của LĐV về lịch sử hình thành tổ chức, khán giả được biết: Hội nghị với chủ đề “Cơm áo và Quyền Lao động” được tổ chức ở Warszawa, Ba Lan năm 2006, được xem là Hội nghị đầu tiên của người Việt hải ngoại bàn về quyền lợi người lao động Việt Nam. Hội nghị này quy tụ đại biểu từ 16 nước, với đủ mọi quan điểm, quá khứ khác nhau. Điểm chung của họ là làm sao tạo dư luận để ủng hộ công nhân và người lao động ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Ủy ban Bảo vệ người Lao động Việt Nam được thành lập tại Hội nghị này.

Vị Phó Chủ Tịch đã khẳng định LĐV là một tổ chức độc lập với mọi tổ chức chính trị. Mục tiêu của LĐV là đấu tranh để bảo vệ quyền tự do căn bản của Nghiệp đoàn, đó là quyền tự do lập hội để bảo vệ công nhân và quyền tự do đưa ra các yêu sách. Về mặt sách lược, LĐV sẽ tiến hành thành lập các Nghiệp đoàn độc lập; Huấn luyện cán bộ hoạt động Nghiệp đoàn; Quảng bá những hoạt động của LĐV và Cố vấn pháp lý cho người lao động.

Bà Ca Dao cũng lần lượt giới thiệu các kỳ Đại hội của tổ chức LĐV. Đầu năm 2014, Tổ chức Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (viết tắt là Lao Động Việt) được thành lập tại Bangkok, Thái Lan. Mục đích của việc thành lập này là để củng cố và phát triển lực lượng nhằm bảo vệ hữu hiệu quyền của Người lao động cũng như đẩy mạnh việc thành lập các Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam. Cũng vào thời điểm 2014, LĐV cũng ghi danh tham gia với Tổng Liên đoàn Lao động thế giới.

Vượt qua một trong những trở ngại lớn nhất là Việt Nam chưa công nhận quyền thành lập Hội về mặt luật pháp, LĐV đã tổ chức được một mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. Để dễ dàng phát triển, LĐV thành lập hai Tiểu ban làm việc cho hai địa bàn hoạt động chính là Việt Nam và Mã Lai.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Tiểu Ban Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động đáng kể như giúp cho công nhân tại các công ty như Diamond, Duke, Yupoong… đòi lại quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, với số lượng công nhân xuất khẩu lao động đứng thứ ba (60.000 – 120.000 người tùy thời điểm) trong các nước có công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động, Tiểu ban Mã Lai của LĐV đã tạo được những thành quả đáng kể. Nổi bật nhất là việc kết hợp với đài truyền hình số 7 của Úc đòi lại được tiền môi giới cho gần 8000 cho công nhân (gồm nhiều quốc tịch khác nhau) tại công ty Nike tại Mã Lai.

Nha sỹ Chu Văn Cương – Tổng Thư ký của Liên đoàn Lao Động Việt Tự do. Hình: HVL

Buổi Hội luận do Nha sỹ Chu Văn Cương – Tổng Thư Ký của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do – là người điều phối chương trình. Liên quan Chương trình làm việc 2017 – 2018 của LĐV, ông Chu Văn Cương đã chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn mà ông đã chứng kiến của đại đa số người lao động Việt Nam xuất khẩu tại nhiều nước Đông Nam Á. Quay lại tình hình Việt Nam, thông qua các nhóm nghề nghiệp, LĐV đang nỗ lực thành lập các nhóm tươnng trợ, tranh đấu cho người lao động.

Ông Cương cũng nhắc đến sự yểm trợ quý báu của các Nghiệp đoàn Lao động tại Pháp, Úc và Hoa Kỳ cho LĐV. Tuy nhiên để LĐV có thể tiếp tục đạt được những thành quả tốt đẹp hơn, vị Tổng Thư Ký đã kêu gọi những góp sức nhiều hơn từ Cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cả tinh thần và vật chất.

Trong phần Diễn đàn trao đổi tiếp theo, Giáo sư Đinh Xuân Quân đã đề cập đến vấn đề quyền lợi người lao động Việt Nam trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Theo ông Quân, có hay không có sự tham gia của Hoa Kỳ vào Hiệp định TPP thì những tổ chức đấu tranh như LĐV – cũng vẫn chú trọng đến quyền lợi người lao động – như một yếu tố quan trọng trong việc cấu thành một Hiệp định kinh tế công bằng và hữu hiệu giữa Việt Nam và quốc tế.

Giáo sư Đinh Xuân Quân. Hình: HVL

Bên cạnh các chất vấn và ý kiến của phóng viên và quan khách, ông Huỳnh Việt Lang có góp ý rằng, trong bối cảnh đặc thù Việt Nam là một quốc gia có cơ cấu là 70 % dân số liên quan đến nông nghiệp thì những tổ chức đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động cần phải xác định tầng lớp nông dân cũng là một đối tượng cần quan tâm – chứ không chỉ có thành phần công nhân.

Đặc biệt trong số quan khách tham dự và phát biểu có ông Trần Sinh Cát Bình – nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Công Nông Việt Nam Cộng hòa, tổ chức Nghiệp đoàn lớn nhất từng hoạt động tại miền Nam Việt Nam trước 1975.

Ông Nguyễn Cát Sinh Bình – Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Công Nông Việt Nam Cộng hòa. Hình: HVL

Xét về mặt chiến lược, quyền lợi của người lao động là một vấn đề kinh tế và xã hội. Việc đấu tranh cho quyền người lao động là một sinh hoạt dân sự quan trọng, vẫn rất thiết thực ngay cả trong giai đoạn hậu Cộng sản tại Việt Nam. Cuộc nói chuyện của LĐV diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, có nhiều chia sẻ chân tình giữa các Diễn giả và Khán giả; tất cả tạo ra một sự phấn chấn rõ rệt, vượt lên trên cơn nóng bức của một trưa hè bán sa mạc miền Nam California.

 

Huỳnh Việt Lang

——————-

Ghi chú:

Phong Trào Lao Động Việt (Viet Labor Movement) và Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (Free Viet Labor Federation) là hai tổ chức khác nhau.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên