Phê bình thuyết Chu kỳ Lịch sử của Nguyễn Hữu Liêm

8
Hình bìa sách của tác giả Nguyễn Hữu Liêm

“Phác Thảo về một Triết học cho Lịch sử Thế giới” của TS Nguyễn Hữu Liêm, nxb Domino Books. 2020.

TS Nguyễn Tuấn Vạn Xuân

Tóm Tắt

Sau bài giới thiệu quá tuyệt vời của TS Dương Ngọc Dũng về cuốn “Phác Thảo về một Triết học cho Lịch sử Thế giới” của TS Nguyễn Hữu Liêm, không ai còn can đảm viết bài giới thiệu cho cuốn sách đó nữa.

Tôi hoàn toàn đồng ý với TS Dũng, rằng TS Liêm là nhà tư tưởng quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam, và quan điểm của Anh về lịch sử khác hẳn và vượt qua Hegel và những triết gia lịch sử, Karl Marx chẳng hạn; TS Liêm cho rằng lịch sử là một diễn tiến vòng tròn với nhiều chu kỳ 4 đoạn, thay vì có khởi đầu và kết thúc như quan điểm của Hegel. Đó là đóng góp quan trọng nhất của Anh trong sách này.

Cũng theo lời TS Dũng, sách của TS Liêm tuy “mang danh là sách triết, lại bàn đến những chủ đề quá cao siêu (thuyết Tính Không của Phật Giáo, thần học kenosis của Thiên Chúa Giáo, cho đến khoa học thực nghiệm, Internet, và chính trị học).” Vì thế trong bài viết này, tôi chỉ góp ý với các bạn về quan điểm triết lý lịch sử của TS Liêm trong bối cảnh chính trị và xã hội hiện nay tại Mỹ, đồng thời tóm tắt 4 giai đoạn lịch sử của TS Liêm theo viễn cảnh tâm linh, khoa học và tâm lý. Sau hết, tôi sẽ so sánh chu kỳ lịch sử của TS Liêm với các khoa học cổ đã thất lạc từ nhiều nhiều năm qua, như Kinh Dịch và chiêm tinh, để nhận ra giá trị của đóng góp quan trọng đó.

Dẫn Nhập

Ngày 8/6/1945, thương, vong tại Hiroshima, Nhật lên đến cả triệu người vì bom nguyên tử của Mỹ. Ngày 8/9/1945, bom thả xuống Nagasaki làm số thương, vong cũng đến cả triệu người. Giải thích của chính phủ Mỹ là hai trái bom đó buộc Nhật đầu hàng để chấm dứt chiến tranh, đồng thời rất  nhiều lính Mỹ không bị giết. Tuy nhiên, theo một số đông học giả, lúc đó Nhật đã chấp nhận đầu hàng với điều kiện Mỹ không buộc tội vua Nhật và giữ hiến pháp Nhật để giữ trật tự khi Nhật đầu hàng. Nhưng Mỹ cương quyết đòi Nhật đầu hàng vô điều kiện, và Mỹ biết Nhật sẽ không chấp nhận để Mỹ có cớ thử bom, và dùng bom cảnh cáo Liên bang Sô viết, vì chủ đích của Cộng Sản thế giới là nhuộm đỏ thế giới. Tuy nhiên, quyết định thả bom của Mỹ đã không đạt được kết quả mong muốn. Hai ngày sau, khi bom thả xuống Hiroshima, ngày 8/8/1945, Nga tuyên chiến với Nhật và trong 6 ngày chiếm một diện tích lớn ở Á châu, mở đường cho Mao Trạch Đông thống nhất China [1, 2, 3]. Kể từ đó các chiến lược gia Mỹ tìm mọi cách để ngăn chặn hiểm họa đỏ.

Một trong những chiến lược gia quan trọng của Mỹ trong thời gian đó là George Kennan, trưởng phòng kế hoạch Bộ ngoại giao Mỹ. Năm 1947, Kennan đăng bài “The Sources of Soviet Conduct,” trên tờ Foreign Affairs. Ý của Kennan là bao vây và không can thiệp vào chuyện của Sô viết, vì ông nghĩ Cộng Sản sẽ tự sụp đổ vì các xã hội độc tài làm việc không hiệu quả [4]. Hơn 40 năm sau, như Kennan đã tiên đoán, bức tường Berlin bị phá huỷ năm 1989, rồi Liên bang Sô Viết tự giải thể năm 1991. Ngay sau đó Kennan được mời đến Thượng viện Mỹ và tuyên bố Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Hegel Và Kết Thúc Lịch Sử

Tuy nhiên, Kennan đã không tiên đoán chính xác thời điểm Cộng Sản thế giới sụp đổ và phải chờ Francis Fukuyama. 42 năm sau Kennan, năm 1989, Fukuyama đăng bài “The End of History?” trên tờ The National Interest, cho rằng Sô viết sắp sụp đổ, và ý hệ đối đầu với tự do sẽ bị xóa sổ; China thì, với chính sách mở cửa và thân Tây phương của Đặng Tiểu Bình, sớm hay muộn cũng gia nhập hàng ngũ tự do. Theo Hegel, đó là lúc lịch sử chấm dứt vì với một xã hội hợp lý, chính quyền sẽ chiến thắng [5].

Vài tháng sau, đúng như Fukuyama đã tiên đoán, bức tường Berlin bị phá vỡ tháng 11/1989, rồi Sô viết tự giải thể ngày 26/12/1991. Tuy nhiên, Fukuyama không hề ngờ biến cố Thiên an môn tháng 6/1989 sẽ xảy ra. Ngày nay Mỹ đang phải điên đầu vì China, và có nhiều tiên đoán khoảng 2030, kinh tế China sẽ vượt qua Mỹ. Thế thì lịch sử chưa chấm dứt. Tiên đoán của Kennan và Fukuyama chỉ đúng cho Âu châu, vì Cộng sản nói chung vẫn chưa tự sụp đổ, nghĩa là lịch sử chưa kết thúc, bởi vì, theo định nghĩa của Hegel, lịch sử kết thúc khi con người hiểu biết hoàn hảo về bản thân và khả năng làm chủ bản thân, khi cuộc sống hợp lý và minh bạch. Hợp lý và minh bạch là giá trị của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), và là hai yếu tố không thể thiếu của thị trường tự do và thể chế dân chủ. Hai yếu tố đó giúp người dân hiểu cách xã hội hoạt động và cho phép họ đưa ra những lựa chọn hợp lý [5].

Thế thì lịch sử không phát triển theo đường thẳng và có điểm cuối cùng, mà theo một đường xoáy ốc, trong đó điểm cuối trở lại điểm ban đầu nhưng cao hơn. Đó là quan điểm táo bạo về lịch sử của TS Nguyễn Hữu Liêm. Dựa vào mô hình tâm lý của Ken Wilber, TS Liêm chia phát triển lịch sử làm các chu kỳ 4 đoạn như sau [6]:

  1. Ta: ý thức về Ta (“I”), đại diện là Phật Thích Ca;
  2. Chúng ta (We): trỗi dậy của năng lực, đại diện là Chúa Giê-Su;
  3. Nó (it): năng lực Tự-Ý thức, đặt Chân lý vào góc độ khoa học thực nghiệm, đại diện là các khoa học gia từ Nicolaus Copernic đến Albert Einstein; và
  4. Chúng Nó (They): nhân loại tìm mình qua ý thức hệ, từ Thomas Hobbes đến Karl Marx.

Bắt đầu từ thế kỷ 21, lịch sử trở về điểm ban đầu nhưng cao hơn, sau hơn 2000 năm ý thức về Ta bị tha hóa.

Chu Kỳ 4 Đoạn Của Lịch Sử Của Ts Nguyễn Hữu Liêm

Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, TS Liêm là người đầu tiên bàn về lịch sử vòng tròn, khác Hegel, Marx và các triết gia khác coi lịch sử là một đường thẳng có khởi đầu, của kết cục. Vì vậy, như lời TS Dũng, TS Liêm khác Hegel và vượt qua Hegel quả không sai. Chu kỳ 4 đoạn của lịch sử là đóng góp quan trọng của TS Liêm và cần phải hiểu rõ.

1 – Ta (I): Ý Thức Về Ta

Đoạn đầu là khởi động của Tự-Ý thức với tuyên ngôn, “Thiên thượng hạ địa, duy Ngã độc tôn,” của Phật Thích Ca. Có người cho rằng khi nói câu đó, Phật đúng là người ngã mạn, kiêu căng, tự cao tự đại. Thiền sư Vân Môn có lần nói, nếu Ngài có mặt lúc Phật nói câu đó, Ngài sẽ đập cho Phật vài cái rồi ném xác cho chó ăn. Hơn nữa, câu này cũng mâu thuẫn học thuyết vô ngã (Anatta) của Phật. Vậy vô ngã là gì? Và “Ta” trong tuyên ngôn của Phật là ai?

Trong bài giảng về vô ngã trong kinh Vô ngã Tướng [7], Ngài nói mọi hiện tượng chỉ là hỗn hợp của năm hợp phần, gồm có sắc, thọ, hành, tưởng, và thức. Năm hợp phần này tạo ra cảm giác về cái tôi vốn vô thường, chóng tàn và luôn luôn thay đổi. Cái tôi này giữ ta trong luân hồi. Nó gây ra tham, sân, si, và là nguồn gốc của đau khổ (Tứ Diệu Đế). Nhưng đàng sau năm hợp phần này chẳng có gì cả. Tựa như từng bộ phận của chiếc xe, những bộ phận này không phải là xe, mà chỉ là những thành phần của xe. Tương tự như thế, đàng sau năm hợp phần chẳng có một thực thể vĩnh cửu, lâu dài và không thay đổi [8]. Trong bài giảng này, Phật nói về thế giới hiện tượng, trong đó vạn vật dựa vào nhau mà thành, không gì có thể độc lập tồn tại. Điều này vật lý lượng tử đã xác nhận là đúng. Neils Bohr (1885-1962), một thủ lãnh của vật lý lượng tử nói, tất cả những gì ta coi là thực đều hợp bởi những cái không có thực. Bohr cũng nói, một hạt điện không tồn tại theo nghĩa nó có một vận tốc và vị trí nào đó trong không gian, nhưng nó chỉ hiện hữu khi có người tìm nó. Thế thì:

Trong thế giới hiện tượng, Phật không nói về “vô ngã” (no-self) “không phải ngã” (not- self).

Từ lâu Phật đã bị hiểu lầm vì chữ “Anatta” được dịch là “vô ngã” (no-self) thay vì “không phải ngã” (not-self). Vậy thì trong thế giới siêu việt, bên ngoài giác quan – gọi là Niết bàn, Phật dạy [9]:

“Có một cảnh giới, nơi không đất, nước, gió lửa, không không gian, không ý thức cũng không vô ý thức; Không có thế giới này cũng không thế giới kia. Không trời, cũng không trăng. Ta không nói cảnh giới ấy đến hay đi, hay ngừng, chẳng chết, chẳng sinh; nó không cần chống đỡ, không có khách thể. Nó chỉ là chấm dứt của khổ đau.”

Như vậy trong thế giới siêu việt, theo ý câu này, Phật không nói gì về ngã hay không có ngã. Tuy nhiên, Bát Nhã Tâm Kinh mở đầu với câu:

Khi Quán Thế Âm Bồ tát đi sâu trong trí huệ bát nhã, Ngài thấy năm hợp phần đều không có tự tánh. 

Điều này gián tiếp khẳng định trí huệ bát nhã là thực thể duy nhất hiện hữu [10]. Thế thì “Ngã” trong câu “Thiên thượng hạ địa, duy Ngã độc tôn,” không phải con người bằng xương, bằng thịt của Phật Thích Ca, mà là “Chân tâm” nằm trong trái tim của vạn vật. Đó cũng là tuyên ngôn, “Aham Brahmasmi” (Ta là Brahman) của Áo Nghĩa Thư. Trang Tử cũng nói trong Nam Hoa Kinh, thiên Tề Vật Luận, “Ta với vũ trụ đồng sinh. Vạn vật với Ta là một.” Thế thì “Ta” trong câu nói của Phật, của Chúa, của Trang Tử, của Áo Nghĩa Thư là linh hồn của vũ trụ, là Thằng Hề (The Fool) trong bài Tarot. Đó là đỉnh cao của tâm thức con người. Cho nên, TS Liêm dùng tuyên ngôn của Phật để đánh dấu giai đoạn khởi đầu của lịch sử là tuyệt đối đúng.

2 – Chúng Ta (We): Trỗi Dậy Của Năng Lực

Nhân vật biểu trưng trong giai đoạn này là Chúa Giê-Su với tuyên ngôn, “Ta với Cha Ta là một!” (John 10:30).

Đầu ngàn năm thứ 1 xuất hiện Kitô giáo cho rằng tuy con người đã phạm tội, nhưng vì Thiên Chúa quá yêu thương con người nên đã hiến Con Một của Ngài, để nếu ai tin người con ấy sẽ không chết, mà được sự sống đời đời (John 3:16). Ngày nay Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 2 tỷ người. Thành công của Kitô giáo một phần được hậu thuẫn của đế chế La Mã, và thời thuộc địa trong 2 thế kỷ 19-20, một phần khác do những tòa án tôn giáo (Inquisition) lập ra để tiêu diệt tà đạo và những quan điểm không phù hợp tín điều Kitô giáo. Điều này buộc những truyền thống tâm linh khác đi vào bóng tối, và thể hiện những hình thức chống đối tinh vi hơn, khó nhận ra hơn, thậm chí ngay trong Phúc âm Gio-An của Kitô giáo.

Chúa nói, “Nước Trời trong lòng các ngươi.” (Luke 17:21). Thế thì muốn lên thiên đường, ta có thể lên ngay bây giờ, bằng cách đi vào trong nội tâm của mình, không phải chờ đến khi chết, và không phải nhờ ai cứu độ. Nhưng ai có thể đi vào bản thể của ta để nhận ra ai là người hiện diện trong cốt lõi bản thể của ta, nếu không phải mình ta thôi? Cho nên Chúa cũng nói, “Các ngươi là thiên chúa.” (John 10:34). Mà khi nhận ra ta là thiên chúa, ta sẽ nhận ra người khác cũng là thiên chúa, nghĩa là, thiên chúa (viết thường) và thiên chúa trong lòng mỗi người, chính là Thiên Chúa (viết hoa) chung cho cả vạn vật. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn thần học Kitô giáo. Hơn nữa, hai câu trong Phúc âm thanh Gio-An, 10:30 và 10:34, không hề có trong các thánh kinh Nhất lãm – Mat-Thêu, Mat-Cô, Lu-ca – cũng không có trong các thánh kinh ngộ đạo (gnostics). Thế thì có 2 trường hợp: hoặc những câu này trong Phúc âm Gio-An được Chúa nói riêng với  thánh  Gio-an, hoặc Phúc âm Gio-An là một ngụy thư.

Nếu Chúa nói riêng với thánh Gio-an, điều này khó chấp nhận được vì hai lý do. Trước hết, Phúc âm Gio-an xuất hiện năm 90 STL, nghĩa là tác giả Phúc âm Gio-an phải là người rất nhỏ tuổi khi Chúa còn tại thế, vì trong thời gian đó người thọ hơn 60 gần như không có; và hai, các Phúc âm Nhất lãm và các thánh kinh Ngộ đạo, cũng như các thư của thánh Phao-Lô không hề nhắc đến một Tông đồ (đệ tử của Chúa) trẻ tuổi như thế. Giả thuyết thứ hai hợp lý hơn, và thật ra, mới trong tháng 3, 2020, Hugo Mendez, giáo sư thần học Đại học North Carolina- Chapel Hill, đã đưa ra nhiều bằng chứng Phúc âm Gio-an là một ngụy thư [11]. Và theo Mendez, Phúc âm Gio-an do nhiều tác giả viết, không phải một người. Quan điểm của Mendez, tôi hoàn toàn đồng ý, và theo tôi, đó là tuyên ngôn chống lại Kitô giáo vì trong Phúc âm Gio-an có nhiều đoạn không phù hợp thần học của Kitô giáo. Vài thí dụ:

  • – “Không ai lên trời, mà từ trời xuống, thậm chí Con người (Chúa Giê-Su) cũng từ trời xuống” (John, 13:13). Thế thì không ai sinh ra trong tội lỗi vì tất cả từ trời xuống, và mượn xác phàm mà vào thế gian. Điều này mâu thuẫn tín điều thần học Kitô giáo nói rằng con người sinh ra trong tội lỗi chỉ vì Adam và Eve đã ăn trái cấm.
  • – “Thật vậy, tôi nói với ông. Nếu người nào không sinh ra trong nước và trong thánh linh (spirit), sẽ không vào được Nước Trời. Xác thịt sinh ra xác thịt, còn thánh linh sinh ra thánh linh” (John 13:5-6). Nước Trời ở đâu? Ở trong lòng mỗi người (Luke 17:21). Mà phương pháp để vào trong lòng mình là qua hơi thở. Đó là một bí mật công khai mà các giáo hội Kitô giáo không nhận Vì Phúc âm Gio-an viết bằng tiếng Hy Lạp, thánh linh (spirit), dịch từ chữ πνεῦμα pneûma của Hy Lạp, cũng là hơi thở [12]. Thế thì chỉ cần theo hơi thở của mình cũng có thể vào Nước Trời, không cần Chúa, hoặc bất kỳ ai cứu mình.
  • – “Ta với Cha Ta là một (John” 10:30)
  • – “Các ngươi là thiên chúa.” (John 10:34)
  • – “Ta là đường, là sự thật, là sự sống. Không ai đến với Cha Ta mà không qua Ta” (John 14:6). “Ta” là thực thể duy nhất hiện hữu trong lòng ta và trong trái tim vạn vật. Chỉ khi nhận ra “Ta” trong lòng ta, ta sẽ nhận ra “Ta” cũng là “Ta” trong vạn vật. Nhưng ta không thể trực tiếp tìm “Ta” trong vạn vật, bởi vì khi ý thức hướng ra thế giới bên ngoài, ta sẽ bị giác quan lừa dối, gạt gẫm. Cho nên cách duy nhất để đến với “Cha Ta,” tức là “Ta” trong vạn vật, trước hết ta phải nhận ra “Ta” trong lòng mình, không có cách nào khác, và phương pháp đi vào nội tâm của mình là qua hơi thở (John 13:5-6).

Vài thí dụ trên đây đủ để chứng minh Phúc âm Gio-an là một tuyên ngôn bác bỏ quan điểm thần học của Kitô giáo, nói rằng vì con người sa ngã do việc Adam và Eva ăn trái cấm, Chúa mới phải xuống thế mà chuộc tội cho nhân loại. Ngoài những câu nói trên, những câu khác trong Phúc âm Gio-an chỉ được dùng để đánh lạc hướng các lãnh tụ giáo hội lúc đó đã gạt rất nhiều thánh kinh Ngộ đạo ra khỏi Tân Ước [13], đồng thời dùng tôn giáo pháp đình để tiêu diệt những truyền thống tâm linh không phù hợp quan điểm thần học của giáo hội.

Tóm lại, từ tuyên ngôn của Phật Thích Ca, “Thiên thượng hạ địa, duy Ngã độc tôn,” đến tuyên ngôn của Chúa Giê-Su, “Ta với Cha Ta là một,” lịch sử đã qua một giai đoạn khác. Đó là lý do TS Liêm chọn Chúa Giê-Su làm mốc thời gian thứ hai của lịch sử.

3 – Nó (It): Tự-Ý Thức Đặt Chân Lý Vào Góc Độ Khoa Học Thực Nghiệm

Từ giai đoạn thứ nhất của lịch sử (“Ta”) đến giai đoạn thứ hai (“Chúng Ta”), “Ta” trở nên xa lạ với chính mình. Trong giai đoạn thứ ba, bắt đầu từ Nicolaus Copernic đến Albert Einstein, con người bắt đầu tìm hiểu chính mình và vị trí của mình trong vũ trụ. Trong giai đoạn 2, thần học Kitô giáo nói rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, và con người được Thiên Chúa dựng lên theo hình ảnh của Ngài (Genesis). Freud nói rằng trong giai đoạn hai, khoa học đã tát vào mặt con người 3 lần vì thái độ tự cao tự đại của họ. Cái tát lần đầu của Nicolaus Copernic nói rằng trái đất chỉ là một phần tử rất nhỏ trong một vũ trụ không thể tưởng tượng được rộng lớn thế nào. Cái tát thứ 2 của Charles Darwin, nói rằng con người tự bản chất không khác các động vật khác, không phải được Thiên Chúa dựng lên theo hình ảnh của Ngài. Cái tát thứ 3 của Freud chứng minh con người không phải là chủ của thân xác mình, mà là một nô lệ của những đòi hỏi vô thức và sinh học, giống như ngựa không những không tuân lệnh chủ, mà chủ phải đến những nơi ngựa muốn đến [14]. Giai đoạn này chấm dứt với Albert Einstein là hoàn toàn hợp lý, vì Einstein đã giúp khai sinh vật lý lượng tử, theo đó tính khách quan của khoa học không còn đúng nữa, vì khoa học gia không còn là một quan sát viên vô tư về kết quả của thí nghiệm của ông, mà là một phần tử không thể thiếu của thí nghiệm. Thí dụ, khi một khoa học gia muốn chứng minh ánh sáng có dạng hạt (particle), ông sẽ được hạt, không phải sóng; mà nếu ông muốn chứng minh ánh sáng là sóng (wave), ông sẽ được sóng, không phải hạt; quy luật này chưa bao giờ bị vi phạm. Quan điểm khách quan tính của khoa học đã bị đánh đổ chính là hạt mầm sửa soạn cho chu kỳ mới, khi giai đoạn cuối cùng chấm dứt. Đặc biệt nhất trong giai đoạn này, nguyên tắc bất định (principle of uncertaity) của Werner Heisenberg khẳng định con người có tự do, và nó chấm dứt tranh cãi gần 2000 năm giữa thuyết định mệnh (determinism) và tự do (free will) [15]. Nguyên tắc bất định nói rằng một hạt điện không ở một vị trí cố định, thậm chí nó có thể ở nhiều nơi cùng một lúc. Nguyên tắc này khẳng định tự do của giai đoạn một; nếu không, tự do, giải thoát chỉ là những ý tưởng hư cấu, mơ hồ, không tưởng.

4 – Chúng Nó (They): Nhân Loại Tìm Mình Qua Ý Thức Hệ

Giai đoạn này bắt đầu từ Thomas Hobbes đến Karl Mark. “Ta” là ai, và “chúng nó” là ai? “Ta” là chính quyền, là tầng lớp cai trị. “Chúng nó” là dân chúng, là tầng lớp bị trị, dân ngu khu đen. Theo quan điểm của Hobbes, xã hội diễn tiến theo 2 giai đoạn, từ trạng thái thiên nhiên đến xã hội văn minh do một chính quyền chuyên chế cai trị. Ngược lại, ý tưởng của Marx đã dẫn đến chủ nghĩa cộng sản, trong đó không còn giai cấp, và người không còn bóc lột người.

Lý thuyết của Hobbs cung cấp một cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao một chính phủ hợp pháp phải được tuân theo. Trong cuốn ‘Leviathan’, Hobbes mô tả ‘trạng thái tự nhiên’ của xã hội loài người, và trạng thái này dẫn đến xung đột và chiến tranh. Trong trạng thái này con người theo đuổi những đòi hỏi ích kỷ cá nhân, chẳng hạn, những ham muốn tài chánh, tình dục, thù hận, tự hào, tuyệt vọng, v.v. Vì thế, nếu không có chính phủ giới hạn những đòi hỏi cá nhân của con người, bất bình đẳng sẽ gia tăng, xã hội sẽ loạn lạc, dẫn đến việc mọi người có thể giết nhau, nghi ngờ lẫn nhau; và để tránh rủi ro, con người tránh tiếp xúc với nhau, làm cản trở xã hội phát triển.

Theo quan điểm của Hobbes, tiến hóa của xã hội loài người diễn ra theo hai giai đoạn, từ tự nhiên đến xã hội dân sự. Khi người dân tìm được người lãnh đạo, họ không còn là những sinh vật nguyên thủy, mà là những công dân của một xã hội dân sự. Quan điểm của Hobbes là một chính quyền chuyên chế không thể bị phán xét hay trừng phạt. Do đó, theo Hobbes, chỉ có hai khả năng đối với xã hội loài người: hoặc trong tình trạng tự nhiên dẫn đến chiến tranh và xung đột, hoặc sống trong xã hội hòa bình do một chính quyền chuyên chế cai trị bằng cách mỗi cá nhân từ bỏ quyền tự do của mình.

Karl Marx (1818-1883), là triết gia, xã hội học, kinh tế, nhà báo, sử gia và nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lý thuyết của ông trong các lĩnh vực kinh tế đã trở thành nền tảng vững chắc cho kiến thức hiện tại về lao động và vốn, và lý thuyết ấy vẫn còn tác động đến nhiều tư tưởng kinh tế hiện đại. Chủ nghĩa Marx – bao gồm các lý thuyết về xã hội, kinh tế và chính trị – tin rằng xã hội loài người tiến bộ qua giai cấp và đấu tranh. Xung đột giữa giai cấp xảy ra khi giai cấp chủ kiểm soát phương tiện sản xuất, và giai cấp lao động cung cấp sức lao động cho sản xuất. Marx gọi chủ nghĩa tư bản là “chế độ độc tài của giai cấp tư sản,” do các tầng lớp giàu có điều hành vì lợi ích cá nhân của họ; và ông dự đoán rằng, giống như các hệ thống kinh tế xã hội trước đây, chủ nghĩa tư bản tạo ra những căng thẳng nội bộ và sẽ tự hủy diệt dẫn đường cho một hệ thống mới  sẽ thay thế nó. Hệ thống mới đó là chủ nghĩa xã hội. Marx cho rằng đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản sẽ dẫn đến việc vô sản chinh phục quyền lực chính trị và cuối cùng thiết lập một xã hội cộng sản không giai cấp, điều hành bởi các nhà sản xuất tự do. Do đó, ông kêu gọi các nhà lý luận xã hội, cũng như những người kém may mắn tham gia các hành động cách mạng để loại bỏ chủ nghĩa tư  bản, và tạo ra thay đổi kinh tế, đồng thời loại bỏ những bất công xã hội.

Mặc dù Hobbes và Marx có nhiều khác biệt, điểm chung của hai lý thuyết đó đều dẫn đến một xã hội độc tài, chuyên chế. Mà thật ra, cho đến nay vẫn chưa có một thực sự là của dân, do dân và vì dân. Thậm chí, mặc dù Mỹ không ngừng tuyên truyền rằng Mỹ là hải đăng của tự do mà toàn dân thế giới phải noi gương, và Mỹ dùng mọi cơ hội để ép các nước khác theo mô hình dân chủ của Mỹ, nhưng thể chế của Mỹ không phải của dân, và do dân bầu, mà do một thiểu số lãnh đạo, và cái mà ta thấy trên bề mặt là Mỹ có hai đảng – Dân chủ và Cộng Hoà – cả hai đều là những tay sai của thiểu số đầu sỏ núp trong bóng tối [16]. Hơn nữa, bản tính tự nhiên của con người là khi nắm được quyền trong tay, nếu có thể giữ được, họ sẽ giữ cho đến chết. Thí dụ, Tập Cận Bình mới đây sửa hiến pháp để ông có thể cầm quyền suốt đời. Ở Mỹ, Donald Trump gợi ý nếu thua trong tháng 11, ông sẽ ở lỳ trong toà nhà trắng, hoặc dùng lý do gì đó để hoãn bầu cử để ông tiếp tục mà tổng thống.

Một điểm chung khác của Hobbes và Marx là cả hai không biết rằng, như tiên đoán của George Kennan về Cộng Sản, các chính quyền chuyên chế sẽ tự sụp đổ vì xã hội không hiệu quả. Cuối cùng, Hobbes và Marx không nhận ra rằng các chính quyền chuyên chế tạo ra hai giai cấp mới: cai trị và bị trị. Điều này dẫn đến các tệ đoan xã hội như tham nhũng, lạm dụng quyền hành, bè phái chính trị và gia đình trị, đặc biệt ở các nước đang mở mang. Cuối cùng xã hội bế tắc, dẫn đến cách mạng mở màn cho chu kỳ mới.

Chu Kỳ Mới

TS Liêm viết, “Bắt đầu từ thế kỷ 21, Ý thức về “Ta” từ bỏ huyền thoại tôn giáo; nghi ngờ chân lý khoa học, vất bỏ ý hệ và tìm lại Tự-Ý thức ban đầu nhưng cao hơn. Toàn thể nhân loại vừa là thực tại, vừa là biểu tượng cho Ý thức mới này. Cái Ta, vốn bị tha hóa từ hơn 2000 năm qua, bắt đầu tìm lại chính Nó, để khép lại vòng biện chứng Tự-Ý thức qua hành trình chuyển hoá đầy bi tráng của lịch sử.”

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, chu kỳ mới bắt đầu từ những năm 1960. Trong giai đoạn này, nhiều chính thể chuyên chế đã bị lật đổ, và trong tương lai nhiều chính quyền độc tài khác sẽ tan rã.

Nổi bật nhất trong giai đoạn này, thí nghiệm 1964 của John Bell xác nhận trong thế giới hiện tượng, tất cả đều tách biệt nhau, nhưng tại cốt lõi bên trong, tất cả đều là một. Điều này xác nhận thông điệp của Chúa, “Các ngươi là thiên chúa” (John 10:34). Nó cũng bác bỏ mọi tín điều trong giai đoạn 2, chẳng hạn sa ngã (original sin), cứu độ (redemption), tiền định (predestination), định mệnh (determinism). Stanley Sobottka, giáo sư vật lý Đại học Virginia viết, “Thiên Chúa không phải là một thực thể tách biệt chúng ta, và có thể làm điều gì đó liên quan đến cảm xúc và ý định. Vì Thiên Chúa không phải là một vật thể hay một thực thể, Ngài không có cảm xúc hoặc ý định. Ngài không và không thể “làm” bất cứ điều gì, vì ngoài Thiên Chúa, không có gì khác để Ngài hành động, cảm nhận hoặc suy nghĩ. Bởi vì không có gì ngoài Thiên Chúa; tôi, bạn, và toàn thể vũ trụ đều là Thiên Chúa” [17].

Về mặt xã hội, khoảng 1960, phong trào Làn sóng Thứ hai của Nữ giới (The second wave of feminism) lan rộng từ Mỹ ra khắp thế giới. Trong thời gian đó các lãnh tụ phong trào khuyến khích nữ sinh học các môn trước đây chỉ dành cho nam sinh, như y, dược, nha, luật, thương mại, khoa học, kỹ thuật, v.v. Kể từ đó nữ giới được giải phóng vì có kiến thức, lại không phải dựa vào chồng mà sống. Kết quả là ly hôn được hiến pháp công nhận. Và khi nam, nữ không bị trói chân trong ngục tù không lối thoát của hôn nhân, năng lực trước đây bị cản trở được giải phóng cho những hoạt động sáng tạo.

Cũng trong thời kỳ này, phong trào New Age và những khoa học huyền bí trước đây bị cấm đồng loạt tái xuất hiện. Cũng bắt đầu từ những 1960, một số đông thanh niên trẻ, trí thức đổ xô về Đông phương tìm hiểu các tôn giáo như Ấn độ giáo, Phật giáo, Thiền, Phật giáo Tây tạng, và Lão Giáo, v.v… Đồng thời những phong trào đòi bình quyền cho nữ giới, phong trào dân quyền do mục sư Martin Luther King lãnh đạo, phong trào phản chiến, cách mạng trong quan hệ tình dục và gia đình theo sau những báo cáo của Alfred Kinsey (1943, 1953), và các hình thức phát biểu mới trong âm nhạc và nghệ thuật thị giác (visual arts). Tất cả những hoạt động này đều xảy ra trong những năm 1960.

Thế thì phải có một quy luật nào đó đã kích thích những biến đổi tâm linh con người trong thời điểm quan trọng đó. Theo Rick Tarnas trong cuốn Cosmos and Psyche, ba hành tinh Thiên vương tinh (Uranus), Diêm vương tinh (Pluto) và Thổ tinh (Saturn) cùng hội tụ quanh Trái đất trong những năm 1960 đã cho năng lượng cách mạng, giải phóng và sáng tạo cho con người trong thập niên này [18].

Ts Liêm, Kinh Dịch Và Chiêm Tinh

Nói rằng lịch sử với chu kỳ 4 đoạn là một đóng góp tối quan trọng của TS Liêm vẫn chưa nói được địa vị của nó trong lịch sử tư tưởng con người. Và khi nói “chu kỳ” tức là lịch sử phải lập lại. Vậy để thấy rõ giá trị của lịch sử chu kỳ của TS Liêm, ta cần so sánh chu kỳ 4 đoạn đó với các khoa học cổ của giai đoạn 1, chẳng hạn, Kinh Dịch và Chiêm tinh. Hãy bắt đầu với Kinh Dịch.

Kinh Dịch và Lịch Sử

Dịch Hệ từ viết, “Vật cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu,” nghĩa là khi lịch sử đến đường cùng phải thay đổi, nếu thay đổi được sẽ hết  cản  trở; hết cản trở sẽ lâu dài. Câu này được các Nho gia coi là chân lý tối thượng của lịch sử. Tuy nhiên, thế nào là biến? Biến có thể là bắt đầu chu kỳ mới, cũng có thể là bị tiêu diệt, chấm dứt. Trong quá khứ đã có nhiều nền văn minh khi gặp những thách đố bên trong, hay bên ngoài, nhưng nội lực văn hoá của những nền văn minh đó không đủ mạnh để đáp ứng những thách đố đó và đã bị tiêu diệt, chẳng hạn, văn minh Sumer, Babylon, Maya, Aztec, La Mã, đế chế Anh, Sô viết… Cho nên quy luật lịch sử phải nhận ra  những  vận động lịch sử để biết sống, còn của các nền văn minh. Hình 1 là Hậu Thiên Bát Quái của Kinh Dịch. Đây là chu kỳ 8 đoạn của mọi hiện tượng, kể cả lịch sử, diễn ra như sau:

Hình 1
Hình 2

8 – Cấn là núi, tượng trưng điểm cuối của một chu kỳ; tại đây tất cả chờ đợi một cơ hội để trỗi dậy ở Chấn (1). Mà nếu sáng tạo ở Càn (6) không đủ mạnh để bắt đầu chu kỳ mới, Cấn sẽ là điểm tận cùng của lịch sử. Trong thiên nhiên, Cấn là điểm cực Đông, hạt giống ở Thu chờ Xuân tới sẽ nảy mầm.

1 – Chấn là sấm sét. Khi mây điện dương và mây điện âm gặp nhau sẽ tạo ra sấm sét, tượng trưng cái đã âm ỷ lâu ngày, khi thời cơ thuận tiện sẽ hiện ra. Trong thiên nhiên, Chấn (1) là Xuân, là điểm bắt đầu của một chu kỳ; hạt giống sẽ mọc thành cây; người thì mới sinh.

2 – Tốn là gió, tượng trưng thời kỳ còn yếu vì gió chỉ bay về một hướng, chưa được mọi người chấp nhận, chưa chinh phục được mọi khó khăn. Trong thiên nhiên, Tốn (2) là chuyển tiếp giữa Xuân và Hè, trái chưa chín; người là thiếu niên.

3 – Ly là lửa. Khác Tốn (2) là gió chỉ bay về một hướng, Ly là lửa có thể lan ra mọi hướng. Vì vậy, Ly tượng trưng giai đoạn phát triển mạnh nhất. Đối với con người, Ly tượng trưng thời kỳ khoẻ mạnh nhất, sung mãn nhất. Trong thiên nhiên, Ly là lúc trái bắt đầu chín. Trong các nền văn minh, Ly là thời kỳ đẹp nhất, cao nhất, mạnh nhất.

4 – Khôn là đất, tượng trưng nhu thuận. Nội lực văn hoá không đủ mạnh để đáp ứng thách đố bên trong hay bên ngoài; thế yếu đã hiện ra. Khôn là điểm chuyển tiếp giữa Hè và Thu. Trong thiên nhiên, trái sắp sửa rụng. Đối với con người, thời kỳ trai trẻ đã qua, bệnh tật bắt đầu đến.

5 – Đoài là ao hồ, tượng trưng an bình, không đấu tranh, chấp nhận, thoải mái như khí hậu Thu mát mẻ. Đối với con người, Đoài là thời kỳ già yếu. Trong thiên nhiên, trái đã chín và đang rụng.

6– Càn là sáng tạo. Khi lịch sử rối loạn, những tâm hồn sáng tạo tìm giải đáp cho rối loạn lịch sử. Đây là điểm quan trọng nhất của chu kỳ lịch sử, và căn cứ vào đó ta có thể tiên đoán chu kỳ mới có thể xảy ra không khi chu kỳ hiện tại chấm dứt. Trong thiên nhiên, trái đã rụng, hạt rơi xuống đất sẽ nảy mầm, chờ Xuân đến sẽ mọc thành cây. Đối với con người, Càn là thời kỳ chờ chết; họ sẽ đến chùa, đến nhà thờ để sửa soạn cho đời.

7 – Khảm là nước, tượng trưng điểm cuối của một chu kỳ vì các phần tử của hệ thống không thể liên kết với nhau. Trong thiên nhiên, hạt bắt đầu mục nát. Đối với con người, Khảm là chết, là điểm cuối cùng của một đời người.

8 – Cấn là núi. Tất cả chờ đợi. Nếu sáng tạo ở Càn đủ mạnh, khi thời cơ đến, một chu kỳ mới sẽ bắt đầu, nếu không, Cấn sẽ là điểm tận cùng của một chu kỳ.

Chu kỳ lịch sử 8 đoạn này có thể kiểm chứng với các nền văn minh thế giới. Hãy lấy China làm thí dụ điển hình. Nhà Chu là thời kỳ đẹp nhất của văn minh China (Ly). U vương mê Bao Tự đã làm nhà Chu suy yếu (Khôn), xã hội loạn lạc, các chư hầu nổi lên khắp nơi (Đoài). Lúc ấy các thiên tài xuất hiện đưa ra những giải pháp khác nhau (Càn), tạo nên thời hoàng kim có một không hai của China, với những tên tuổi lớn như Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Mặc tử, Mạnh tử, Tuân tử, Hàn Phi tử… Đến khi Lưu Bang thống nhất China, mở ra một chu kỳ mới (Chấn), và tôn Khổng Tử làm “vạn thế sư biểu” giúp cho nhà Hán kéo dài hơn 700 năm. Nhưng khi Khổng giáo độc tôn, tư tưởng China bế tắc, thời hoàng kim của China vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Chu kỳ mới của China đến nhà Minh là cực điểm (Ly). Đến khi China bị Mãn châu thống trị, rồi bị Tây phương uy hiếp, nội lực văn hoá của China không thể chống nổi văn hoá cơ khí, thế yếu đã hiện ra (Khôn). Lúc ấy Tôn Văn dựa vào ý của Abraham Lincoln đưa ra chủ nghĩa Tam dân, gồm Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, và Dân sinh hạnh phúc (Càn). Ý tưởng mới của Tôn Văn đã kích thích trí thức China, đồng thời thế lực nhà Thanh hoàn toàn suy yếu và phải chấp nhận nhiều hiệp ước rất bất lợi với Tây phương (Khảm), làm cho các nhóm cách mạng nổi lên khắp nơi (Cấn). Ngày 9/10/1911, một trái bom vô tình nổ ở bản doanh của nhóm cách mạng Vũ Xương. Điều này buộc lãnh đạo nhóm quyết định ngày 10/10/1911 tấn công và cướp được Vũ Xương (Chấn). Biến cố này khích động toàn thể nhân dân China nổi lên cướp chính quyền Nhà Thanh, tạo ra một chu kỳ mới chỉ được một thời gian ngắn. Sau thế chiến thứ 2, quân đội đồng minh đồng ý để Nga giải giáp quân đội Nhật ở Mãn châu. Lập tức Nga trao Mãn châu cho Mao, cùng với một số lượng lớn vũ khí thặng dư sau thế chiến thứ hai. Với những vũ khí mới đó, Mao bắt đầu phản công bằng hai mũi dùi từ Mãn châu ở phái Bắc, và từ Tân Cương ở phía Tây do Mao lãnh đạo; chỉ vài tháng sau trùm tham nhũng Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan thoát thân [19]. Chu kỳ hiện tại của China (Chấn) lấy chủ nghĩa Cộng Sản do Karl Marx khai triển từ thế kỷ 19 (Càn).

Hiện nay kinh tế China đang đến cực điểm (Ly). Bắt đầu từ 2001, China gia nhập Mậu dịch Thế giới (WTO), mỗi năm chênh lệch mậu dịch với Mỹ hơn 500 tỷ USD, chưa kể Âu châu và thế giới. Điều này làm Tập Cẩm Bình say mê muốn lập lại giấc mộng bá chủ thế giới của Đại Hán xưa kia, với kế hoạch vĩ đại như “Made in China 2025” sẽ biến China thành một nước dẫn đầu thế giới trong 6 lãnh vực: dược phòng (pharmaceutical), ô tô (automotive), hàng không (aerospace), điện tử (semiconductor), kỹ nghệ thông tin (IT) và người máy (robotics) [20]; đồng thời Sáng kiến Vành đai, Con đường (Belt and Road Initiative) nối liền China với Âu Châu và Phi châu, giúp đưa hàng của China đi khắp thế giới. Và trong tháng 5/2020, Tập chấp thuận ngân sách 1.4 ngàn tỷ USD để cướp ngôi kỹ thuật cao của Mỹ [21]. Đây là giấc mộng không tưởng của China. Nếu Tập bỏ tiền để thiết lập kỹ thuật mới thì hoàn toàn hợp lý, nhưng muốn thắng Mỹ về IT và điện tử là mơ mộng hão huyền vì ngoài Mỹ, không quốc gia nào có kỹ thuật chế tạo phần cứng và phần mềm. Hơn nữa, lịch sử cho thấy người Hoa thông minh nhưng không sáng tạo; bằng chứng là cho đến nay trong 5 người Hoa được giải Nobel khoa học, 4 người được Mỹ huấn luyện. Cho nên, cũng như trong quá khứ 2 lần Nhật muốn cướp ngôi bá chủ thế giới, China cuối cùng sẽ phải chấp nhận thân phận chư hầu, nghĩa là China đang từ Ly chuyển qua Khôn.

Chiêm Tinh và Lịch Sử

Từ lâu chiêm tinh được coi là khoa học huyền bí, thiếu nền tảng khoa học. Nhưng, thật ra, chiêm tinh là một khoa học lịch sử có cùng nền tảng triết lý với Kinh Dịch, mà 4 chu kỳ lịch sử của TS Liêm chính là một dạng rút gọn của chiêm tinh. Hình 1 có 8 đoạn, có thể chia làm 4 đoạn chính và 4 đoạn chuyển tiếp như sau:

Chấn (Xuân), Ly (Hè), Đoài (Thu), Khảm (Đông) là 4 đoạn chính. Bốn chuyển tiếp gồm có:

1 – Cấn là chuyển tiếp giữa Khảm (Đông) và Chấn (Xuân);

2 – Tốn là chuyển tiếp giữa Chấn (Xuân) và Ly (Hè);

3 – Khôn là chuyển tiếp giữa Ly (Hè) và Đoài (Thu);

4 – Càn là chuyển tiếp giữa Đoài (Thu) và Khảm (Đông).

Mỗi chuyển tiếp này lại được chia làm 2, một nửa thuộc về đoạn trước, và

nửa sau thuộc về đoạn sau:

1 – Cấn có 2 phần, phần trước thuộc Khảm, phần sau thuộc Chấn;

2 – Tốn có 2 phần, phần trước thuộc Chấn, phần sau thuộc Ly;

3 – Khôn có 2 phần, phần trước thuộc Ly, phần sau thuộc Đoài;

4 – Càn có 2 phần, phần trước thuộc Đoài, phần sau thuộc Cấn.

Như vậy, Hậu Thiên Bát Quái là chu kỳ lịch sử có 8 đoạn, có thể được chia làm 4 đoạn chính, tượng trưng 4 mùa, và 8 đoạn chuyển tiếp, tổng cộng 12 đoạn.

Và nếu đặt tên cho 12 đoạn này, ta sẽ có Hình 2, và 12 đoạn này có thể xếp theo 4 mùa như sau:

1 – Xuân: Dần (Aries), Mão (Taurus), Thìn (Gemini);

2 – Hạ: Tỵ (Cancer), Ngọ (Leo), Mùi (Virgo);

3 – Thu: Thân (Libra), Dậu (Scopio), Tuất  (Sagitarius);

4 – Đông: Hợi (Capricorn), Tý (Aquarius), Sửu (Pisces).

Mà nếu đặt tên 4 giai đoạn lịch sử của TS Liêm, ta sẽ có một chu kỳ như sau:

1 – Ta (I): Dần, Mão, Thìn;

2 – Chúng Ta (We): Tỵ, Ngọ, Mùi;

3 – Nó (It): Thân, Dậu, Tuất;

4 – Chúng Nó (They): Hợi, Tý, Sửu.

Kết Luận

Từ lâu tên tuổi của Hegel luôn luôn được gắn liền với triết lý lịch sử. Hegel cho rằng lịch sử kết thúc khi con người hiểu biết hoàn hảo về bản thân và khả năng làm chủ bản thân của mình, khi cuộc sống hợp lý và minh bạch. Hợp lý và minh bạch là giá trị của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), và là hai yếu tố không thể thiếu của thị trường tự do và thể chế dân chủ. Hai yếu tố đó giúp người dân hiểu cách xã hội hoạt động và cho phép họ đưa ra những lựa chọn hợp lý [5]. Tuy nhiên, mọi hiện tượng đều theo một chu kỳ nhất định nào đó, và không hề kết thúc như quan điểm của Hegel. Quan điểm này hoàn toàn khác quan điểm lịch sử của TS Liêm, cho rằng lịch sử không theo một đường thẳng, mà theo một chu kỳ 4 đoạn, hết đoạn 4 lại bắt đầu chu kỳ mới.

Với quan điểm lịch sử đó, vô tình TS Liêm đã tìm lại được quy luật lịch sử đã có từ thượng cổ và đã thất lạc từ hơn 2000 năm qua, nhưng phương pháp của TS Liêm chính xác hơn, và bằng những lập luận và đầy đủ bằng chứng từ triết học, khoa học và thần học. Cho nên nhận xét của TS Dũng hoàn toàn chính xác khi khẳng định quan điểm của TS Liêm khác và vượt qua Hegel.

Nguyễn Tuấn Vạn Xuân


Chú Thích:

1- Alperovitz, (1996). The Decision to Use the Bomb. Vintage.

2- Miscamble, (2011). The Most Controversial Decision: Truman, the Atomic Bombs, and the Defeat of Japan. Cambridge University Press; Illustrated edition (June 16, 2011).

3- Denson, (2020). The Hiroshima Myth. Retrieved 8/9/20 https://mises.org/library/hiroshima- myth

4- Kennan, G. (1947). The Sources of Soviet Conduct. https://foreignaffairs.com/articles/russian-federation/1947-07-01/sources-soviet-conduct

5- Menand, L. (2018). Francis Fukuyama Postpones the End of History. https://newyorker.com/magazine/2018/09/03/francis-fukuyama-postpones-the-end-of- history

6- Nguyễn Hữu Liêm. (2020). Phác Thảo về một Triết học cho Lịch sử Thế giới. Domino Books, trang

7- Rhys Davids, T. (1890). The Questions of King Milinda. In Sacred Books of the East, Volume 35 & 36. Retrieve from http://www.sacred-texts. com/bud/milinda.htm

8- Rhys Davids, (1890). The Questions of King Milinda. In Sacred Books of the East, Volume 35 & 36. Retrieve from http://www.sacred-texts. com/bud/milinda.htm

9- Drake, (2014). Beyond the Separate Self. Colin Drake; First Edition edition

10–Nguyễn Tuấn Vạn Xuân. (2019). Bát Nhã Tâm Kinh, nxb Hồng Đức, chương

11 – Mendez, H. (2020). Did the Johannine Community Exist?

https://doi.org/10.1177/0142064X19890490

12 – Hebrew Roots/Trinity/Holy Spirit.

https://en.wikibooks.org/wiki/Hebrew_Roots/Trinity/Holy_Spirit

13 – Pagels, E. (1989). The Gnostic Gospels. Vintage.

14- Freud, (1900). The Interpretation of Dreams.

15- Gilens, & Page, B. (2014). Testing Theories of American Politics: Elites, Interest Groups, and Average Citizens. American Political Science Association.

16- Kaku, (2011), Why Quantum Physics Ends the Free Will Debate. Retrieved 8/16/20 from https://www.youtube.com/watch?v=lFLR5vNKiSw

17- Sobottka, (n.d.). A Course in Consciousness. University of Virginia. Retrieved 8/16/20 from https://courseinconsciousness.org/Word%20Consciousness.pdf

18- Metzner, Cosciousness Expansion and Counterculture in the 1960s and Beyond. https://maps.org/news-letters/v19n1/v19n1-pg16.pdf

19- Parfitt, (2011). Why China Will Never Rule the World: Travels in the Two Chinas. Western Hemisphere Press.

20- Torrey, (2018). China Prepares for Big Pharma Archived 2018-07-25 at the Wayback Machine. Retrieved 8/17/20 from https://thediplomat.com/2018/03/china-prepares-for-big-pharma/

21 – “China has new US $1.4 trillion plan to seize the world’s tech crown from the US”. (2020). https://www.scmp.com/tech/policy/article/3085362/china-has-new-us14-trillion-plan-seize-worlds-tech-crown-us

8 BÌNH LUẬN

  1. Phải đề cao cảnh giác với ông tiến sĩ đu càng trực thăng chay sang Mỹ; đâm sau lưng chiến sĩ VNCH; rồi về việt nam đi xe của csvn có còi hụ này!!! Nhiều người gọi ông ts hữu liếm này là tiến sĩ còi hụ. Tôi coi ông này như tiến sĩ ống đu đủ… Cứ thổi mạnh đi. Sẽ có ngày được văng tung tóe nhé.

  2. Đưa ra những sự kiện đã xảy ra rồi ghép vào lý thuyết của mình một cách gượng gạo, ô.Liem cố tạo ra một triết lý có vẻ cao siêu và mơ hồ mà khi độc giả đọc vào sẽ cảm thấy hoang man mà ngay chính tác giả cũng không hiểu mình muốn nói cái gì, vì ông ta có thể giải thích sao cũng được. Cái đó gọi là lạm dụng từ ngữ triết học để tự đề cao chính mình, có rẻ tiền lắm không ???

  3. Chào ông Nguyễn Hữu Liêm,
    Tôi có vài điểm nhận xét sơ khởi về tác phẩm “Phác Thảo về một Triết học cho Lịch sử Thế giới” của ông, qua lời giới thiệu của TS Nguyễn Tuấn Vạn Xuân:
    1)- Nếu quả thật ông muốn cho ra đời “một nền Triết học mới về Lịch sử Thế giới”, đề nghị ông nên cho phiên dịch ra hai thứ tiếng thông dụng Anh và Pháp (ít nhất) để nhân loại khắp nơi tìm đọc và cho ý kiến. Xuất bản chỉ bằng tiếng Việt thôi, e rằng tài năng xuất chúng của ông bị mai một trong một xó xỉnh như ở Quảng Trị, VN, chẳng hạn;
    2)- Ông nên cẩn thận sử dụng ngôn từ cho chính xác và nếu cần nên đưa ra định nghĩa (của ông) để mọi người thông suốt. Triết học dựa trên căn bản lý luận rạch ròi và phù hợp với thực tiễn trong tạo hóa, đâu phải là một mớ lý thuyết suông, xào nấu hổ lốn theo kiểu từ chương mà dân tộc VN bị vướng mắc từ xưa đến nay;
    3)- Ông nên cẩn thận khi lạm bàn về triết lý siêu việt của Đạo Phật (Thích Ca Mâu Ni, 2500 năm trước). Quan trọng nhất là “ông hiểu danh từ Phật là thế nào ? Ông phân biệt được chữ TA và chữ TÂM trong Đạo Phật chưa ? Ông hiểu thế nào là GIÁC NGỘ ?
    4)- Chu kỳ lịch sử theo vòng xoáy trôn ốc mà TS NTV Xuân giới thiệu không có gì là mới mẻ, ai ai cũng biết từ lâu, chỉ có ông Liêm mới đưa ra một ý tưởng khác là “Ta, Chúng Ta, Nó, Chúng Nó” có vẻ lạ lùng. Nếu cần tôi sẽ tìm đọc thẳng tác phẩm chính của ông Liêm, thay vì bình luận trên lời giới thiệu của TS NTV Xuân;
    5)- Nhũng sai lầm lịch sử và ngôn từ của ông Liêm đã được nhiều người nói qua rồi, tôi không cần nhắc lại;

  4. Nguyễn Hữu Liêm: lịch sử và triết lý Đạo Phật
    Hãy lắng tai nghe nhà bác học lừng danh A. Einstein nhận xét về Đạo Phật:
    “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.
    Vì không đủ kiến thức khoa học căn bản trình độ đại học nên ông Liêm đã không giải thích được ý nghĩa thâm sâu của bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, không phân biệt được Sắc và Không ra sao:
    Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc
    Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc
    Từ đó ông không định nghĩa được Ngã là gì ? Ngã mạn là sao ? Duy Ngã thế nào ? Vô Ngã có ý nghĩa gì ?
    Ông NH Liêm đã trích dẫn sai lầm một câu nói mà ông gán cho Phật Thích Ca :
    « Đoạn đầu là khởi động của Tự-Ý thức với tuyên ngôn, “Thiên thượng hạ địa, duy Ngã độc tôn,” của Phật Thích Ca »
    Câu thường nghe nhất là : « Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn » phát ra từ cửa miệng một đứa bé sơ sinh mới lọt lòng mẹ (từ nách bà hoàng hậu Maya) đã biết đi và biết nói cho thấy đây là một huyền thoại 100% do người sau thêm thắt cho ra vẻ huyền bí thần thánh.
    Muốn hiểu tận nguồn cơn thì nên để tâm nghiên cứu nghiêm chỉnh triết lý siêu việt của Đạo Phật.
    Vì giới hạn không gian của Trang Mạng DanChimViet nên tôi tạm dừng ở đây

  5. Mới vào đầu nói đến số thương vong của hai quả bom nguyên từ ở Hiroshima và Nagasaki đã có tính quá cường điệu và sai lệch rồi. Tôi đoan chắc một điều những người dưới 70 tuổi hôm nay chắc rất ít người muốn đọc cái gọi là cao siêu vô bổ này; Xin kính chào đỉnh cao của trí tuệ.

  6. Đọc sách của NHL, độc gỉa sẽ bị : “bệnh về nhận thức và óc bị suy nhược”. Sao chép!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên