Phạm Hoài Vũ: Giác ngộ

0

 

Thế là hắn đi đến quyết định cuối cùng.

Chỉ trong khoảng một giờ nữa là hắn đến gặp ông cán bộ ở Ban nhân sự để trả lời ông về quyết định của hắn.

Đó là sự lựa chọn dứt khoát của hắn sau nhiều ngày đắn đo cân nhắc.

Hắn đến gặp ông cán bộ lần này cũng để nộp bản cam kết mà ông cán bộ hối thúc hắn suy nghĩ để viết cả tuần lễ nay. Theo hắn đó là điều hệ trọng về sinh mệnh chính trị và tương lai của hắn. Mỗi ngày, hắn thấy cái lằn ranh trong cuộc đời hiện ra càng rõ. Hoặc là hắn sẽ đi vào con đường đầy vẻ vang của sự nghiệp, hoặc là hắn sẽ ngập vào những tháng ngày tủi nhục không thể nào lường trước.

Hắn phải mất nhiều ngày tĩnh tâm suy xét là vì như vậy.

Tuần trước ông cán bộ hẹn hắn lên gặp để giảng giải cho hắn điều hơn lẽ thiệt khi bước vào con đường sự nghiệp… Ông kể với hắn về những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Ông muốn khuyên bảo hắn… Ông nhắc đi nhắc lại, là ông đã làm cái ông gọi là… công tác tư tưởng cho hắn, khuyên răn hắn, rằng đấy là cách duy nhất hắn có thể lựa chọn để có thể được ông cán bộ đưa vào danh sách trình cấp trên cho đi du học ở nước ngoài kỳ này.

Chẳng là tuần trước thày chủ nhiệm lớp gọi mấy trò thuộc loại đứng đầu lớp cho biết, nhà trường định cử một số học sinh giỏi để xét cho đi du học nước ngoài. Hắn được làm việc với ông cán bộ của cơ quan nhân sự là vì như thế.

Hắn đã mất cả tuần lễ để trăn trở về quyết định mà hắn sắp đến trình bày với ông cán bộ. Hắn cũng đã viết sẵn một bản tường trình về những chuyện rắc rối trong gia đình để Ban nhân sự xem xét việc đi du học nước ngoài của hắn.

***

Thời Pháp thuộc, bố hắn là người có tên tuổi ở thành phố này. Nhà ông thuộc một dòng danh gia vọng tộc. Báo chí ca tụng ông tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ ở Pháp quốc, một bằng tiến sĩ toán, một bằng tiến sĩ luật. Trường đại học mời ông về trường làm giáo sư. Mỗi tháng nhà trường cam kết trả lương tính ra đến hơn hai lượng vàng. Nhưng ông từ chối. Lý do của ông đơn giản. Ông muốn mở văn phòng luật sư để giúp dân chúng giải quyết những oan trái liên quan đến các vướng mắc về luật pháp. Ông từ Pháp quốc trở về, nhận ra xứ ta còn thua kém các nước văn minh. Dân chúng không mấy am hiểu luật pháp, bị bọn hào lý và bọn cường hào áp bức không biết đường kêu. Đến bọn sai nha, là tầng lớp mạt hạng nơi công đường, cũng có thể bắt nạt dân đen thấp cổ bé họng. Đấy là những sự thật phũ phàng thôi thúc ông mở văn phòng luật sư, hơn là đi làm giáo sư đầy trọng vọng chẳng kém gì giới quan lại ăn lương của nhà nước bảo hộ Đại Pháp.

Mở văn phòng luật sư thì khó khăn hơn nhiều so với đi dạy ở trường đại học. Vì nhận lời đi dạy thì chỉ việc chuẩn bị bài vở, ngày ngày lên lớp, tháng tháng lĩnh lương. Còn mở văn phòng thì tự mình phải lo đủ thứ, từ chuyện lớn, như phải tìm cách ứng phó với các đối thủ đầy quyền lực, vừa phải lo mọi việc tỉ mỉ về tài chính để thuê nhà, lo tiền điện, tiền nước, rồi những khoản lo lót nơi công đường… Quan trọng hơn nữa, là việc tìm kiếm những người cộng sự và lựa chọn các điều luật để bảo vệ thân chủ.

Với người nghèo, ông giúp việc kiện tụng không lấy tiền. Còn với người người giàu có thì ông để họ tùy tâm. Thế nhưng chẳng ai quên công lao của ông. Xong việc thì người nghèo biếu ông những thứ cây nhà lá vườn, người thì con gà sống thiến, người thì chai rượu nếp cẩm, người thì ít kí gạo tám thơm, đủ cả mùa nào thức nấy. Còn người giàu thì biếu ông tiền, vàng. Mấy năm đầu ông phải chật vật tìm kiếm thuê nhà làm văn phòng. Vài năm sau ông đã mua được tòa biệt thự sang trọng trên một đường phố lớn. Ông thành nổi tiếng khắp thành phố là vì như thế. Các nơi trong nước đều biết tiếng ông. Nhiều người ở tỉnh xa cũng đến tận nhà nhờ cậy ông giúp cho những vụ việc tưởng đi vào ngõ cụt.

Cách mạng đến. Những người gắn bó với dân như ông đều hồ hởi đi theo cách mạng. Ông được mời vào hội đồng thành phố, làm ủy viên của một tổ chức gọi là Mặt trận. Vậy là ông trở thành một nhân vật có vai vế của cách mạng. Rồi quân Pháp phát động chiến tranh tái chiếm Đông Dương. Chiến tranh ngày càng lan rộng. Ông đi theo chính phủ cách mạng về chiến khu Việt Bắc được mời làm việc trong một cơ quan quan trọng của Mặt trận cho đến ngày chiến tranh Đông Dương kết thúc.

Hòa bình trở lại. cách mạng tiếp quản các thành phố ở miền bắc. Ông trở lại thành phố xưa. Nhớ nghề cũ, ông xin với các cơ quan chính quyền để mở lại văn phòng luật sư. Nhưng không ai dám quyết định. Chỗ này đẩy ông đi chỗ kia. Ông đi cả mười một cửa, xin được cả chín con dấu và mười ba chữ kí, mà không nơi nào đưa ý kiến quyết định, là ông có được mở văn phòng luật sư hay không.

Họ đều nói loanh quanh, văn phòng luật sư là cách làm của giai cấp tư sản thời đế quốc thực dân. Cán bộ là người của cách mạng. Họ làm sai thì cách mạng phê bình, cảnh cáo. Mọi việc có các tổ chức cách mạng lo liệu. Không cá nhân nào có quyền thay tổ chức. Ông là luật sư do thực dân Pháp đào tạo, là sản phẩm của đế quốc tư bản, trí thức như ông là thuộc giai cấp tiểu tư sản tay sai đế quốc phong kiến, bấp bênh dao động, thấy phong trào cách mạng đi lên là hùa theo, thấy cách mạng khó khăn là đả kích, phản bội. Mở văn phòng luật sư là bầy trò xúi dân đả kích cán bộ… tức là chĩa gươm đâm vào người của cách mạng. Như thế là phản động chứ còn gì nữa.

Ông nghe họ mà cứ nghệt mặt ra, lạnh gai cả người. Vậy là những năm đi theo kháng chiến uổng công. Mọi chịu đựng gian khó vì kháng chiến đều bị chôn vùi xuống đất đen. Ông được người ta liệt vào loại phần tử tiểu tư sản không trung thành với cách mạng, xúi giục dân nói xấu bôi nhọ cách mạng. Như thế là chống đối… Trời ơi, họ qui kết cả trăm thứ tội.

Ông nhớ lại những năm tháng lặn lội trong rừng sâu Việt Bắc, ở nhà sàn, ăn cơm lam với dân, làm công tác của Mặt trận. Ông được giao làm công việc gọi là “trí thức vận”, tức là “lôi kéo tầng lớp trí thức tham gia cách mạng” … Thi thoảng nhớ về thành phố quê hương ông, vợ con ông còn ở đó, phải lo phận sự chăm sóc bố mẹ già của ông, không đi kháng chiến theo ông được. Thi thoảng họp cơ quan, ông luôn luôn bị kiểm điểm về việc vẫn để vợ con sống quẩn quanh với tề ngụy trong vùng địch, cứ ở lì mãi trong thành, gọi là gì… cầu an hưởng lạc.

Nhiều lúc ông bần thần nhớ lại phòng làm việc đầy tiện nghi của ông kê liền sửa sổ, trông ra vườn cây rợp bóng hoa ti-gôn sát con đường lớn của thành phố… Nhưng nay chỉ còn như một giấc mơ trong ảo vọng… Biết bao giờ mới trở lại thành phố quê hương.

***

Rồi cũng đến ngày chiến tranh kết thúc. Ông từ chiến khu Việt Bắc trở lại thành phố. Ông vẫn tham gia công tác Mặt trận và được về làm giáo sư chính thức của trường đại học. Ông cũng được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo nhà trường.

Ông tham gia các công việc mới đầy nhiệt huyết, nhưng ông suy đi tính lại, ông thực sự vẫn muốn mở lại văn phòng luật sư ngày trước.

Đi khắp các nơi, gặp đủ hạng người thuộc các ngành các cấp khác nhau, họ đều khuyên ông chuyên tâm giảng dạy đại học và làm việc cho tổ chức. Có sáng kiến gì thì góp ý qua tổ chức. Tổ chức sẽ tiếp nhận ý kiến của ông, đề đạt lên tổ chức cấp trên. Trên báo cáo trên nữa. Trên nữa lại đệ trình lên cấp trên cao hơn. Cứ như thế. Càng lên trên càng sáng suốt. Nhưng họ sáng suốt ở đâu không biết. Chẳng ai trả lời về những ý kiến trình bày của ông.

Rồi đến công cuộc cải cách ruộng đất sau chiến tranh. Sau khi quân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, nước Việt Nam bị chia đôi thành hai miền. Miền Bắc theo phe các nước dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, có các nước đàn anh, Liên Xô và Trung Quốc, là cột trụ hòa bình. Còn miền Nam theo phe đế quốc. Miền Bắc làm cách mạng dân cày, tước đoạt ruộng đất của địa chủ, bắt địa chủ mang ra để mọi người làm cái việc gọi là đấu tố về tội ác trước nông dân. Không chỉ đấu tố bằng mồm, xỉ vả họ, mà còn đánh đập họ và bắn họ không xét xử. Một số bạn bè, người quen là địa chủ nhờ người tìm đến ông hỏi đường đi nước bước về luật pháp. Việc ấy đến tai tổ chức. Tổ chức tìm hỏi ông và khuyên can ông không nên nhúng tay vào công việc của cách mạng. Ông bị tổ chức phê phán là phần tử “liên quan”… tức là có liên hệ với bọn địa chủ cường hào gian ác, những bọn đầy nợ máu với giai cấp nông dân.

Ông cứ ngơ ngơ như người vừa bị đứt dây từ trên trời rớt xuống. Ông thật tình chẳng hiểu gì cả. Vì cứ như ông suy xét, thì địa chủ cũng là dân mình. Có người ác thật, cay nghiệt với con ăn người ở, nhưng cũng có nhà địa chủ đối xử tử tế với canh điền và với người giúp việc. Nhiều địa chủ còn đóng góp tiền của, vàng bạc cho cách mạng, nuôi giấu những người cách mạng trong nhà… Thế mà bây giờ vơ đũa cả nắm đánh địa chủ tràn lan, bắn bỏ cả những người từng là ân nhân của cách mạng. Họ giải thích, địa chủ âm mưu thâm độc, họ muốn dùng cái vỏ ân nghĩa để tạo lòng tin, luồn sâu leo cao, chờ cơ hội phá hoại cách mạng.

***

Rồi đến một hôm.

Hôm ấy với ông là một ngày trọng đại.

Người ta mời các thân sĩ như ông đến tham dự một hội nghị để đóng góp sáng kiến cho cách mạng. Ông được mọi người gọi là thân sĩ, cũng được mời đến hội nghị quan trọng này. Hội nghị lần này là một cuộc gặp mặt rộng rãi để các vị ở trên nghe ý kiến các thân sĩ văn nhân trí thức về thuật trị nước an dân.

Ông sững sờ về cuộc lấy ý kiến này. Ông nhận ra, có lẽ mình hiểu sai cách mạng, đã nghĩ xấu về cách mạng. Thì ra các nhà cách mạng này họ đi theo một chủ kiến khác, không theo đường lối chính trị tư sản mà đại diện là những người ông thường viện dẫn khi viết luận án tiến sĩ ở Pháp quốc, rồi đến những bài giảng về đại biểu của các trường phái chính trị học nổi tiếng mà ông hằng ngưỡng mộ.

Ông mường tượng, giống như vua tôi ngày xưa họp hội nghị Diên Hồng.

Ông nghĩ, phen này có cơ hội hiến kế với tổ chức về thuật trị quốc an dân.

Bấy lâu nay cán bộ làm sai nhiều quá, lòng dân oán hận chất chứa bao trùm xã hội. Tất cả những sự kiện ấy chỉ tạo hàng rào ngăn cách cán bộ với dân chúng. Ông nghĩ rằng các nhà lãnh đạo do bận trăm công nghìn việc không có điều kiện đi xuống nơi đáy tận cùng của xã hội như những người có điều kiện tiếp xúc với luật pháp như ông. Ông có nghĩa vụ phải nói hết sự thực những vi phạm luật pháp trước dân chúng cho các nhà lãnh đạo am tường.

Càng suy nghĩ, ông càng nhận ra, là phải nói để các cụ hiểu. Thôi thì trước đây do bận trăm công nghìn việc phục vụ kháng chiến, các cụ không có thời gian học hành. Nay khác rồi. Thế là ông chuẩn bị một bài phát biểu rất cẩn thận, viện dẫn đủ cả các lời chỉ giáo của học giả danh tiếng mà ông từng khảo cứu ở Pháp quốc, kiểu như nhà chính trị học Tốc-cơ-viu đã từng viết sách nói về nền dân chủ bên Hoa Kỳ, rồi đến cả Mông-te-ski-ơ và Giăng Giắc Ru-sô. Ông dự tính, trong câu chuyện, ông sẽ nói rằng nước ta bây giờ được độc lập, phải xây dựng nền tư pháp độc lập để bảo vệ dân chúng. Vì nhà nước ta là nhà nước của dân, cũng là nhà nước vì dân. Rồi cũng phải dần dần hình thành một nhà nước dân chủ như ở các nước văn minh. Theo ông nghĩ, đó là qui luật lịch sử chính trị của thế giới.

Đến hội nghị, ông đăng kí phát biểu ý kiến. Nhưng ông xin là người thứ ba, thứ năm gì đó. Ông nói sau là để có cơ hội lắng nghe ý kiến của các vị nói trước.

Ông vừa nói vừa theo dõi vẻ mặt mấy nhà lãnh đạo ngồi trên bàn chủ tịch. Ông thấy mấy cụ rung đùi gật gù, mấy ngón tay liên tục gõ trên mặt bàn. Ông đoán chắn các cụ tâm đắc lắm. Vì ông nghe các cụ đã từng làm báo chí cách mạng, chắc là những người có học. Chắc họ cũng có chính kiến tiến bộ như các nhà lãnh đạo ở nước phát triển Âu – Mỹ.

***

Cuộc hội nghị kết thúc một cách lặng lẽ. Mấy ông cán bộ chủ trì hội nghị nói lời cảm ơn các vị thân sĩ, không thấy nói có tiếp nhận ý kiến nào không. Một ông cán bộ hắng giọng ra dáng bề trên:

  • Cách mạng xin cảm ơn quý vị thân sĩ. Cách mạng sẽ nghiên cứu ý kiến của các quí vị. Nhưng có điều có thể nói luôn, chúng tôi biết quí vị tài cao học rộng, nhưng còn xa lạ với đường lối của cách mạng. Nhà nước ta là nhà nước của giai cấp công nông. Chúng ta làm theo các nước dân chủ nhân dân, không học theo các nhà nước của giai cấp tư sản.

Cuộc họp kết thúc không có lời hứa hẹn cam kết nào. Tuy nhiên, cuối cuộc họp có mấy người, còn trẻ, dáng không phải các vị thân sĩ, đến bắt tay ông:

  • Chúng tôi xin chào Luật sư. Thưa Luật sư phát biểu ý kiến rất hay. Xin phép được làm quen với Luật sư. – Họ vừa nói vừa chìa hai tay cầm tấm thiếp, trân trọng hướng về phía Luật sư. Luật sư cũng hướng bàn tay về phía họ. Đón tấm thiếp và bắt tay làm quen.

  • Vâng. Xin cảm ơn các quí anh. – Vừa nói Luật sư vừa giương kính nhìn kĩ tấm thiếp. – À các quí anh là ký giả, Vâng. Rất hân hạnh. Thưa đây là báo Văn nhân? – Ông vừa nói vừa nâng kính nhìn cho rõ những dòng chữ in nhỏ trong tấm thiếp.

  • Vâng. Một anh đỡ lời – Báo này của anh em nhà văn, có cả nhà văn trong quân đội và nhà văn ngoài dân sự.

  • Còn quí anh là … là tạp chí Tiểu phẩm. Tạp chí của các bạn sinh viên?

  • Vâng. – Anh khác đỡ lời.

  • Thưa luật sư. Tòa báo xin hân hạnh được đăng bài của Luật sư về sự cần thiết xây dựng nhà nước pháp trị, như nội dung Luật sư vừa trình bày. – Anh phóng viên báo Văn nhân nhanh nhẩu nói trước.

  • Thưa Luật sư. – Anh phóng viên tờ Tiểu phẩm tiếp lời. – Tạp chí của chúng tôi cũng mong Luật sư chiếu cố cho được đăng một bài nữa liên hệ với sự cần thiết hình thành nền luật pháp quy củ của đất nước sau chiến tranh.

Ông hoan hỉ nhận lời với hai vị phóng viên.

Thế là ngay trong số báo của tuần lễ sau đó hai bài báo của ông về thuật trị nước an dân được đăng. Dư luận sôi động hẳn lên. Dân chúng tán dương hai bài báo, nổi lên tiếng nói đồng tình, rằng nay nước nhà không còn chiến tranh nữa. Tình hình khác rồi. Chiến tranh có thể giết người không xét xử, nhưng nay thì phải có luật pháp, phải có luật sư.

***

Thế là ông vướng vào một vụ rắc rối lớn nhất trong giới báo chí của thành phố những ngày sau đó. Tờ báo Văn nhân số cuối cùng bị thu hồi và đóng cửa. Báo chí qui tội là kêu gọi biểu tình lật đổ. Tạp chí Tiểu phẩm của sinh viên bị đình bản. Hàng loạt nhân sĩ bị bắt không có tòa án nào xét xử, nói là đi học tập cải tạo. Ông bị đưa ra khỏi tổ chức Mặt trận, không còn được qua lại cơ quan Mặt trận nữa. Ông cũng bị trường đại học sa thải, bị xem là phần tử nguy hiểm phản cách mạng, có thể gieo rắc tư tưởng tư sản trong các bài giảng cho sinh viên. Ông cũng bị cấm chỉ hành nghề luật sư.

Tiếp đó, nhóm những người cầm đầu các tờ Văn nhânTiểu phẩm bị đưa xét xử trong một vụ án nói là làm gián điệp cho nước ngoài.

Từ đây, Luật sư bị đứng ngoài lề của chính trường, và cũng bị thải loại khỏi giảng đường đại học. Ông lặng lẽ trở lại mái nhà xưa. Bình tâm ngồi viết sách về những chủ đề mà ông tâm huyết về nhà nước pháp trị. Ông cũng dành một phần thời gian để viết hồi kí về cuộc đời hoạt động của ông, mà phần trang trọng nhất ông dành cho người vợ đã thay ông chăm sóc cha mẹ ông và nuôi dạy các con của ông trong những năm dài ông đi kháng chiến. Bà lặn lội sớm khuya nuôi bốn đứa con học hành thành đạt. Đến ngày chiến tranh kết thúc, những tưởng cuộc sống từ nay hạnh phúc, thì ông bị vướng vào vòng lao lý, lâm vào cuộc sống thân tàn ma dại suốt chuỗi ngày cuối đời cay đắng.

***

Đấy là người bố của hắn. Đấy là người bố đã hồ hởi dấn thân vào các phong trào cách mạng và cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp, để rồi sau đó sống với chuỗi ngày tháng đau buồn.

***

Vậy là hắn đã đến gặp ông cán bộ ở Ban nhân sự.

Điều đầu tiên, hắn thưa với ông, là hắn đã suy nghĩ chín chắn.

Và hắn đã nộp tờ đơn viết về quyết định dứt khoát của hắn. Hắn viết chi chít bốn trang giấy.

Ông cán bộ giương kính đọc chăm chú tờ đơn.

Vừa đọc ông vừa gật gù…

Kính thưa…

Kính thưa…

Tôi là Trần Quý Trung

Trung là tên của hắn. Quý là tên người bố của hắn. Hắn có hai anh em trai. Hắn là Quý Trung, em hắn là Quý Hiếu. Bố mẹ đặt tên với ước vọng anh em hắn là những đứa con trung hiếu với nghiệp tổ tiên.

Đoạn tiếp hắn viết cái gì đó rất dài dòng về cách mạng, về giai cấp công nông, về lòng trung thành, về ý chí xả thân vì cách mạng,. Cuối cùng hắn kể rằng hắn đã vào Đoàn, đang phấn đấu vào Đảng, đã tuyên thệ khi vào Đoàn. Hắn đã thề trung thành với lý tưởng cách mạng. Hắn thấy ông cán bộ lướt rất nhanh. Chắc lẽ ông đã thuộc làu làu những đoạn giống thế này trong các tờ đơn khác.

Đoạn tiếp theo, hắn kể về lai lịch của gia đình hắn. Hắn viết hầu hết những gì như mọi người đã biết ở trên,… về nghiệp học hành thành đạt của người cha, về quãng đường dấn thân trên con đường cách mạng của ông ta, … Rồi ông cán bộ chăm chú đọc đoạn tiếp:

Nhưng thật đáng tiếc, là ông ta đã không giữ được lòng trung thành với cách mạng. Ông ta đã vào hùa với bọn tội phạm phản cách mạng trong vụ nổi loạn của hai tờ báo Văn nhân và Tiểu phẩm”.

Đoạn đầu cuộc đời của ông ta là thần tượng của bọn con cái chúng tôi. Nhưng đoạn sau là một chặng đường đầy oan khiên cho gia đình và nhục nhã cho họ mạc.

Ông ta đã làm mất thanh danh của một gia đình vốn thuộc dòng danh gia vọng tộc, xúc phạm cả bạn bè đồng nghiệp, những người đã dành biết bao tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ và niềm tin vào ông ta.

Chúng tôi cảm thấy xấu hổ trước bạn bè vì ông ta là người mà, theo sự sắp đặt của tạo hóa, chúng tôi phải gọi là bố. Đó là một thứ nghiệp chướng ngăn cản bước đường trưởng thành trong bão táp cách mạng của chúng tôi.

Hắn theo dõi vẻ mặt ông cán bộ, thấy ông dướn lông mày tâm đắc, cứ vừa đọc vừa lẩm bẩm… “Đúng… Đúng…”

Rồi hắn ngẫm nghĩ, cứ tiếc vì đã bỏ quên một đoạn đáng ra phải viết mạch lạc, dứt dóng hơn, rằng tuy trẻ người non dạ, nhưng hắn đã có nhiều phen tranh luận với ông ta, khuyên ông ta, thậm chí nói gay gắt như đấu tố địa chủ, là ông ta phải ngừng truyền bá tư tưởng pháp luật của giai cấp tư sản, … Đây là đoạn thể hiện hắn là một người có giác ngộ giai cấp vượt thế hệ. Hắn đã thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng tư sản lỗi thời của bố hắn…

Tiếc thật. Thật không hiểu tại sao hắn lại quên khuấy không viết cái đoạn quan trọng này.

Cuối cùng là đến đoạn mà ông cán bộ chờ đợi:

Với tất cả nghịch cảnh như đã trình bày ở trên, tôi viết đơn này tuyên bố từ ông ta vì ông ta đã can tội phản cách mạng. Tôi không chấp nhận có một người bố như thế, một người bố đã được cách mạng dìu dắt, giáo dục, bồi dưỡng, nâng đỡ, đưa lên những địa vị được nhân dân kính trọng, mà nay lại phụ công ơn của cách mạng, đã phản bội cách mạng

Tôi viết đơn này cũng tuyên bố từ nay cũng từ cả người đàn bà có tên là Phạm Thị Như Quỳnh, người vợ của ông ta, người mà, cũng chính tạo hóa buộc tôi phải gọi là mẹ, vì bà ta đã tận tụy với ông ta trong suốt cuộc đời, đã lo toan mọi việc gia đình để ông ta rảnh tay trong sự nghiệp phản cách mạng. Khi biết ông ta đã can dự những việc làm sai trái, người đàn bà này đã không ra sức ngăn cản ông ta, để ông ta ngày càng ngập sâu vào con đường tội lỗi

Tôi viết đơn này cũng để tuyên bố từ bỏ ba người con khác của ông ta là Trần Quý Hiếu, Trần Thị Quỳnh Thư và Trần Thị Quỳnh Lan, những kẻ đã mù quáng điên cuồng bảo vệ ông ta khi tôi lên tiếng phản đối ông ta sa lầy vào con đường phản bội cách mạng

Đọc xong những đoạn cuối cùng này, mặt ông cán bộ rạng rỡ, hả hê … Có thế chứ. Phải vậy chứ… Ông ta gật gù đầy tự đắc, đã giác ngộ được con cái những phần tử phản bội… Đã lôi kéo được con cái của bọn trí thức tư sản ra khỏi vũng lầy phản cách mạng. Việc làm của ông đã chứng tỏ sức cảm hóa của cách mạng, để con cái bọn trí thức phản động từ bỏ gia đình đi theo lí tưởng cách mạng… Ông ta lắc lư toàn thân… Chú đã dũng cảm từ bỏ quan hệ riêng tư để đi theo cách mạng. Như thế là tốt… Là tốt… – ông kéo dài giọng… Tô…ốt. – Ông nhấn cao giọng hơn … T…ố…t, … T…ố…t… Chú đã xem sự nghiệp cách mạng là lý tưởng cao cả nhất, vượt mọi tình cảm cá nhân… Tôi sẽ trình đơn này lên cấp trên, và chắc chắn chú được ghi vào danh sách các học sinh đi du học đợt này.

***

Thế là tên hắn được ghi vào danh sách học sinh đi du học.

Hắn về nhà báo tin đi học nước ngoài. Cả nhà sững sờ. Sững sờ nhất là mẹ hắn. Bà không hiểu vì sao bố hắn đang bị can án chính trị mà hắn lại được cấp trên cho đi học. Thật là kỳ lạ. Người ta đã không làm cái việc chu di tam đại. Đúng. Tội của cha là tội của cha. Trên không nỡ đánh vào con cái. Con cái vẫn được hưởng lượng khoan hồng. Thằng Trung học giỏi. Cách mạng không nỡ vì bố phản động mà vùi dập một tài năng.

Rồi đến một hôm, hắn, cùng đoàn du học sinh được gọi đi lĩnh quần áo. Ơn đảng ơn chính phủ, được cấp trên quan tâm… Phần lớn học sinh đều là con cái các gia đình thuộc thành phần công nông, lấy tiền đâu may sắm quần áo. Cấp trên biết chắc họ không thể kiếm được tiền may quần áo, nên lo phát quần áo cho từng du học sinh. Hắn đến kho quần áo của cơ quan tài chính để chọn đồ … Mọi người gọi vui là đi lĩnh “đồ tài chính”. Bọn con nhà nghèo ngày xưa đâu dám mơ ước được sờ đến com-lê, ca-vát… nói gì đến cái va li để đi các nước Âu Tây.

Hắn mang va li quần áo về nhà. Cả nhà mừng rỡ… Mẹ hắn lôi ra từng thứ…, vừa giơ lên cao để mọi người nhìn rõ, vừa kể lể…Đây là bộ com-lê. May quá bộ com-lê của con chật rồi, mẹ chưa kịp mua mới. Đây là ca-vát. Ối giời ca vát bằng sa-tanh màu mận chín. Bảnh nhá. Này đôi giầy da. May quá, đôi giầy của con cũ rồi, mẹ chưa kịp thay giầy cho con. Lại áo len, lại sơ mi nữa này… Úi dào, cả một đôi sơ mi… Đây là… Đây là… Úi giời… Có cả áo khoác dạ nữa. Lại cả đôi tất len… Lại mũ lông để đi trời tuyết. Úi giời… Mặt bà rạng rỡ… Thế là thằng anh lớn được đi du học. Cấp trên thật là đức độ. Các vị cấp trên đầy đức khoan hồng… Bà hết lời ca ngợi đức độ các quí ông bà ngồi ở các cấp bên trên.

Cái Thư, cái Lan cũng tíu tít với mẹ soạn đồ cho anh Trung. Cái Thư trố mặt nhận ra trong va li không có bàn chải đánh răng. Nó lôi từ ngăn kéo tủ đầu giường cho anh hẳn sáu cái bàn chải, sáu hộp kem đánh răng nhãn Bạch Ngọc chính hiệu của Thượng Hải này. Vừa ném vào va li cho ông anh, vừa khoe rối rít… Những thứ này là do công em xếp hàng đây nhá. Hôm ra nhà hàng bách hóa thấy mọi người xếp hàng… Em ngó vào thấy bán những đồ này, em mua về trữ cho cả nhà dùng dần đấy. Xếp hàng hai lần mới mua được ngần nấy cái. Anh cứ mang đi. Lúc nào ra cửa hàng bách hóa nhìn thấy có thứ này em lại xếp hàng mua để nhà dùng sau.

Thằng Hiếu ở đâu vừa chạy về thấy cả nhà nhộn nhịp, ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì… thì cái Thư réo:

  • Anh Hiếu về mừng cho anh Trung này. Anh Trung vừa nhận một va-li quần áo để đi du học… Mẹ ơi. Hôm nay nhà mình mở tiệc ăn mừng anh Trung du học nhá. Mẹ cho tiền con đi chợ mua con cá chép về nấu canh chua. Lâu lắm không được ăn canh chua. – Nói rồi Thư sực nhớ ra… Em có hộp kem bôi nẻ cho anh này.

  • Mày vớ vẩn, con trai chúng tao đâu có cần da mịn màng như lũ con gái chúng mày… Vẽ chuyện… – Thằng Hiếu hua tay ngắt lời con Thư.

  • Này anh đừng đùa, con bạn em nói, anh nó đi Tây da nẻ đến chảy máu đấy.

Mấy mẹ con líu ríu liên hồi.

***

Riêng ông bố trầm ngâm. Ngồi lặng.

Ông không vui. Ông cũng chẳng buồn.

Ông phân vân…

Vì sao họ cho thằng Trung đi học nước ngoài?

Họ bỗng dưng độ lượng vậy sao?

Hay là?… Chẳng lẽ?…

Biết đâu?…

Trăm câu hỏi chất trên mái đầu đốm bạc của ông… Triền miên.

Không dứt.

Hà Nội, Mùa thu 1971

Phạm Hoài Vũ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên