S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thầu chín ở Xiêm & Việt kiều ở Thái

6

Cuối năm rồi, tôi được nghe T.S Mạc Văn Trang giới thiệu (qua) về một nhân vật hơi kỳ lạ:

“Cụ K. cán bộ lão thành chuyên làm công tác tuyên huấn, rồi dạy lý luận Mac- Lê ở trường Đảng của tỉnh, cho đến lúc nghỉ hưu. Cụ vừa tổ chức mừng thọ 80 tuổi khá hoành tráng. Cụ có nguyên tắc bất di bất dịch là : chỉ đọc báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, nghiên cứu sách kinh điển, xem VTV, không bao giờ nghe tin ngoài luồng…”

Cụ K. khiến tôi chợt nhớ đến những vị đồng hương mà mình đã gặp ở Nong Khai, Nakhom Phanom, Sakon Nakhon và Udon Thani – thuộc miền Bắc Thái. Việt Kiều tại vùng này, bây giờ, đa số là hậu duệ của những người di cư (từ Lào) vào thập niên 1940.

Lớp tiên phong đều đã qui tiên, đám cháu chắt thì không mấy đứa nói sõi tiếng mẹ đẻ (và cũng chả quan tâm hay tha thiết gì đến VN) còn lũ con cái thì nay đều đã bước vào tuổi xế chiều. Trước kia, những người này thường là đảng viên cộng sản hay thành viên (tích cực) của Hội Việt Kiều Yêu Nước. Nay, tuy không ai đọc báo Nhân Dân hay Tạp Chí Cộng Sản – như cụ K. ở Hà Nội – nhưng cũng chỉ đều “xem VTV và không bao giờ nghe tin ngoài luồng” cả!

Khoẻ!

Cũng như ông Nguyễn Thiện Nhân, tôi tuy sinh ở trong Nam nhưng nói giọng Bắc.  Có lẽ nhờ thế nên tôi được các cụ ở Bắc Thái chấp nhận dễ dàng, và tiếp đãi khá thân mật, dù là người lạ mặt.

  • Thế ra ông mới từ Hà Nội sang à?
  • Vâng ạ. Tôi “vâng/dạ” cho qua chuyện, chứ thật ra thì chưa bao giờ có dịp được đặt chân đến Mảnh Đất Ngàn Năm Văn Vật lần nào.
  • Đã đi thăm Nhà Bác chưa đấy?
  • Dạ đã.
  • Thấy thế nào?
  • Trên cả tuyệt vời. Quí hóa lắm ạ.

Tôi lại khen (đại) cho vui lòng người đối thoại, chứ mấy cái nhà (thổ tả) của Bác mà tôi đã ghé qua chả thấy có gì là hay ho cả. Chúng đều giống như những cái chùa (trá hình) nho nhỏ, vậy thôi. Nói là “trá hình” vì xây chùa mà không thờ Phật mà lại thờ ông Thầu Chín (nào đó) thì e người dân địa phương bất bình nên mới phải “giả danh” là “Khu Tưởng Niệm” hay còn gọi giản dị (và “thân thương” hơn) là Nhà Bác!

Ở Việt Nam thì Hồ Chí Minh, đôi khi, được lôi tuột lên ngồi ké trên bàn thờ Phật. Còn nơi đây (quỷ lộng chùa hoang) Bác một mình một chợ trên án thờ, với lư hương nhang đèn và trước mặt, cùng hạc đứng chầu ở hai bên.

Thiệt là quá đã và quá đáng!

Từ khi bước vào tuổi thuận nhĩ (lục thập nhi nhĩ thuận) tôi trở thành đằm tính, không còn hay buột miệng phát biểu (“linh tinh”) nữa nên chả làm ai bị phật lòng. Bởi vậy, ai cũng nở nụ cười mãn nguyện khi bất ngờ gặp được một kẻ đồng hương (và lại đúng người “đồng điệu” nữa) nơi đất khách.

Miếng trầu là đầu câu chuyện. Rượu bia cũng thế. Vốn tính Nam Kỳ (đi đâu gặp vịt cũng lùa/ gặp duyên cũng kết/ gặp chùa cũng tu) nên xà vào chỗ nào tôi cũng  mời mọc tất cả ngồi vào chung bàn, và ân cần cụng ly không sót một ai. Sau khi cạn ly đầy (rồi lại đầy ly cạn) vài lần là chúng tôi đều nói cười rôm rả, sôi nổi nhất là khi mọi người đều hào hứng kể lại những hoạt động (“vào sinh ra từ”) vào những ngày tháng cũ.

Có vị đã từng dắt đường cho bộ đội ta tấn công vào căn cứ Ubon của Mỹ hồi năm 1970. Nhân vật này may mắn thoát chết trong khi có đến 5 chiến sỹ đặc công bị lính canh phòng Thái bắn hạ ngay tại chỗ. Nói chung, phần đời tuổi trẻ của họ ở Thái đều rất gian truân và phải trải qua nhiều khó khăn cũng như thua thiệt. Tất tần tật đều bị đối xử phân biệt, bị kỳ thị vô cùng khắc nghiệt.

Dân Thái tương đối phóng khoáng. Chính phủ Thái cũng không hay “ganh ghét” gì với tình cảm mà đám kiều dân dành cho cố quốc. Cộng đồng người Hoa sống “chùm gửi” trên đất nước này rất là ổn thoả, an bình, và phú túc.

Tập thể người Việt tị nạn ở Thái Lan, tiếc thay, đã không có được sự ưu ái tương tự. Họ bị coi là những phần tử nguy hiểm (phá rối trị an) nên bị nhà cầm quyền Thái sách nhiễu, cấm đoán đủ điều (*).

Tất nhiên, đây không phải là chuyện hoàn toàn vô cớ. Hồ Chí Minh đã từng đến đất nước này, và đã reo rắc mầm mống cộng sản trong đám dân Việt tha hương:

  • “Từ châu Âu trở về Xiêm, lấy bí danh là Thầu Chín, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy tìm cách tiếp cận với cộng đồng người Việt tại Xiêm để vận động, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lê nin, kêu gọi tinh thần đoàn kết, yêu nước, và vận động đồng bào, đồng chí Việt Kiều tại Xiêm sẵn sàng cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.” (H.H. “Thầu Chín ở Xiêm và hành trình thành lập tổ chức Đảng gian khó.” Dân Trí – 03/02/2015).
  • “Trong khoảng thời gian hơn 1 năm (1928-1929), Bác Hồ thận trọng và kiên trì mở rộng hoạt động tuyên truyền cách mạng tới bà con Việt kiều đang sinh sống tại nhiều địa phương thuộc Đông Bắc Thái Lan như Phi Chit, U Đon, Nakhon Phanom, Sa Kol, Nong Khai, Mucdahan.” (Nguyễn Tiến. “Bác Hồ Truyển Lửa Cách Mạng Cho Việt Kiều Thái Lan.” Dân Vận – 18/05/2020)

Những “hoạt động tuyên truyền cách mạng” của Người đã gây ra cớ sự và hậu họa khôn lường cho mấy thế hệ kế tiếp. Mãi đến thập niên 1990 – sau khi Chủ Nghĩa Cộng Sản đã chuyển qua từ trần – nhà nước Thái mới hết lo ngại về những “quả bom nổ chậm” do Hồ Chí Minh gài lại, và bắt đầu nới tay với đám Việt Kiều. Từ đó, họ mới ngóc đầu lên được.

Đến nay thì trên những đường phố chính ở Nong Khai, Nakhom Phanom, Sakon Nakhon và Udon Thani… đã có không ít những căn nhà khang trang ̣(cùng với những cửa hàng Việt Nam) xuất hiện, bên cạnh Hoa Kiều.

Nếu Thầu Chín không lò mò đến Thái để “tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê” thì cuộc sống của đám dân Việt ở xứ này đã dễ thở hơn nhiều, và đã khá giả từ lâu. Hồ Chí Minh đúng là một tên phá thối (trouble maker) rất vô duyên, và là một tay xách động (agitator) vô cùng ngu xuẩn.

Sự xuẩn động của Bác đã được nhà đương cuộc Hà Nội “thăng hoa” qua phim Thầu Chín Ở Xiêm. Cuốn phim “cúng cụ” (đối thoại nghe cứ như kịch nói, cùng với nhiều tình tiết rất cường điệu và lố bịch) này, dù đã công chiếu nhiều lần nhưng ngay cả đám nhi đồng Việt Nam cũng không đứa nào để mắt. Khán giả mộ điệu – có chăng – chỉ là mấy cụ cao niên, vẫn còn đang sống sót ở (tận) bên Xiêm.

Họ hãnh diện về Thầu Chín, cũng như hãnh diện về những “hoạt động” cách mạng của chính mình – vào những năm tháng xa xưa cũ – bất chấp đúng/sai và hậu quả. Đủ chân thật để có thể nhìn nhận cả một quãng đời thanh xuân bị lừa gạt không phải là chuyện dễ dàng chi (đối với rất nhiều người) nên trong đoàn quân tiến về Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 – dường như – chỉ có mỗi mình nhà văn Dương Thu Hương đã “ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết, một cảm giác vô cùng hoang mang và cay đắng.”

Bởi thế, tôi không ngạc nhiên lắm khi biết ra rằng quí vị nhân sỹ VN ở Thái cũng  “chỉ xem VTV và không bao giờ nghe tin ngoài luồng” cả. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ và thông cảm với cái tâm trạng “dễ hiểu” này nên chưa bao giờ dám “đặt vấn đề” với bất cứ ai.

Chỉ đôi lần, khi chén chú/ chén anh/ chén tôi/ chén bác thân tình (và tưng bừng nhất) tôi mới dám đặt một câu hỏi nhỏ với tất cả chân thành :

  • Có khi nào các bác nghĩ đến chuyện về sống hẳn ở quê mình không?

Sau vài giây phút tần ngần của những người đối ẩm (rồi) tôi cũng nhận được câu trả lời, cũng giản dị và chân tình không kém:

  • Chúng tôi ở đây nó cũng quen rồi, về Việt Nam sợ cũng có nhiều điều bất tiện.

Nhiều vị Việt Kiều ở bên Tây cũng thế, theo như lời kể của đạo diễn Song Chi: “Nhớ có lần sang Paris được ‘hân hạnh’ gặp một nhóm người, toàn dân ‘trí thức văn nghệ sỹ’ chống Mỹ, thân Cộng ở MN trước kia, nay đã sống mấy chục năm ở Pháp, nhìn chế độ độc tài do ĐCS lãnh đạo ở VN nhưng vẫn không thấy không hiểu ra, sung sướng khi được đăng được in một cuốn sách gì đó ở VN, tiếp tục hăng hái bênh vực chế độ này, nhưng lạ một cái là vẫn cứ sống ở Pháp, bảo về VN sống thì không về…”

Thế mới biết là Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc chưa chắc đã hợp với cái “tạng” của tất cả mọi người nên kính nhi viễn chi (cho nó chắc ăn) là chuyện không có gì đáng trách, hay đáng để phàn nàn. Dù giữa kinh đô ánh sáng Paris hay ở tận những tỉnh vùng ngược, thuộc miền thượng du Bắc Thái (giáp giới với Lào) những kẻ “khôn ngoan” và “thức thời” đều xử sự y như nhau cả.

————————–

(*) Thái thành lập Sở Quản Lý Việt Kiều, một bộ phận riêng trực thuộc tổng nha cảnh sát và nhiều luật cấm được ban hành:

  1. Mọi công chức, cảnh sát, binh sĩ, không được lập gia đình với Việt kiều, nhất là người trong quân đội: phải giải ngũ hoặc ly dị.
  2. Việt kiều chỉ được phép định cư tại 9 tỉnh qui định và không được ra khỏi quận mình cư ngụ. Ra khỏi quận phải có giấy phép để trình tại các trạm kiểm soát dọc đưòng (để kiểm soát VK và cộng sản Thái), nếu không muốn bị bắt tù.
  3. Cấm hội họp, cấm dạy Việt ngữ (sợ cán bộ CSVN dạy lý thuyết CS, tuyên tuyền chống chính quyền).
  4. Không được học đại học.
  5. Cấm làm một số nghề dành cho người Thái hay ngoại kiều hợp pháp.
  6. Cấm mua đất đai, cấm mua xe, cấm xuất ngoại.
  7. Cấp sổ gia đình và giấy chứng minh riêng cho Việt kiều. (Paulle. “Thân Phận Việt Kiều Tại Thái Lan. ” Nghiên Cứu Lịch Sử – 09/13/2016).

6 BÌNH LUẬN

  1. Có tài liệu nó chính ông NCT đã trả khảo và giết Nguyễn văn Nhưng , kẻ giết cố tổng thống NDD .

  2. Những người ở Lào va Camuchea không hẳn hoàn toàn là VM hay CS. Đó là những công chức làm việc cho Pháp và những công nhân ,đi theo cung như có nhiều người lên đó lập nghiêp . (Người Pháp đx lập lm Đông Dương VM L Viên toàn quyen ở Norodom (dinh Độc Lập) coi tất cả 3 xứ. Có đồng tiền Đông Dương xai chung cho 3 nước …vvSau khi háp về nước thì họ ở lại đó ,buôn bán làm ắn .Có người lấy vợ Lào hay Cao miên . Năm(?) bị cáp duồn , họ chạy về VNCH hoặc chay ra Bắc Việt (tùy theo họ là QG hay CS) . Công chức ngach của Pháp đuợc cứu xét cho đi làm lại ,nhưng trụt hạng ngạch … Tuy nhiên sau vụ cáp duồn thì VC và Miên hữu hảo (qua bon Tàu) Và VC vẫn được Miên cộn g ,Pathest lào đón nhận và những nguời theo CS vẫn làm an buôn bán kinh tài cho VC (biết đâu chẳng tai hiện sự việc ở Mỹ và các QG có người Việt ,có cả CS , TN?)
    Năm 60 đão chánh NDD xong NCT tên Đai ta phản loan và sau này lên Thiếu tướng ,đã trở về VN.Một nhà buôn lớn ở Cămpuchea là người săn đón và nuôi “tướng NCT ,bán cả sản ngiệp về theo.lam quản gia cho tướn g vỏ biền phản loan này . Viên quản gia này sau đó được nhận diện là tình báo cs …
    Tóm lại Miên Thái Lào (Nhất là Miên ) là noi đến của CSBV và là đường tiếp tế xâm nhập người vào VNCH (cả những nhà sư như TQ Đ hay TMC….)
    (VC có phim “BĐT ,người cán bộ cao cáp trong quân dội VC dã từ Mien xâm nhập qu ngã Tây Ninh .Cô con gái của một hảng lớn đã đưa xe lên đó Nó . Su đó họ làm dám cưới …có chính quyền và Mỹ cũng như nhiều nhà tai mắt tới dự,chứng nhạn sự ra mắt của chàng rể ,cung là đẻ dể dàng hoạt động ….Phim được ho là có Thật . Sau vụ MT hắn coi như đã chết. Sau 75 hắn vào SG mang cấp bậc Đai tá!)

  3. (Trích)
    Ăn cháo đá nồi.
    Cháo Mỷ ăn xong lại đá nồi.
    Mấy người nước Việt bạc hơn vôi.
    Đói-nghèo khốn-khó chưa xa lắm.
    Hoạn-nạn tai-ương cũng mới rồi.
    Ân-oán phân-minh: Người chánh-trực.
    Bạn-thù bất-luận: Kẻ suy-đồi.
    Nghỉ buồn cho phận nồi cơm Việt.
    Khi vét sạch rồi, cũng đá thôi.
    Chí Phèo Nguyễn-văn-Lợi
    Cái bãn-chất vong-ân bội-nghỉa của người Việt Nam là có thật,dù không nhiều lắm.
    (Xin -lổi tác-giả vì đả sửa vài chổ trong bài thơ.)

  4. Vào đầu năm 1946 khi diễn tiến điều đình với Pháp không xong thì Hồ Chí mInh và đảng cộng sản đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Hồ Chí Minh đích thân đi thăm nhiều vùng, làng xã và kêu gọi người Việt bắt đầu chiến dịch di cư bao gồm thanh niên trai tráng ở những nơi đó tập họp thành đội ngũ di tản sang Lào, Campuchia và Thái. Họ đã tính đến đường là sẽ lưu vong nếu thua cuộc chiến với Pháp. Gia đình tôi là một trong những người đó. Tập hợp này có tới vài trăm ngàn người, sống rải rác ở nhiều vùng khác nhau ở đất người. Họ có chỉ huy, có nguyên tắc, có sinh hoạt đảng và điều lệ của tập thể. Ngay trên đất Thái, họ vẫn sinh hoạt dưới sự chỉ đạo của Việt Minh. Cha và mẹ tôi sau đó được phân công chuyển hướng sang Lào và cuối cùng là Cam Bốt. Có một thời gian thì họ huấn luyện cho nhóm của Sơn Ngọc Minh, tiền thân của Khờ me đỏ sau này. Nó là một câu chuyện dài và là một phần lịch sử nằm trong bóng tối. Cái liên bang Đông Dương dưới sự chỉ đạo của Việt Minh là kế hoạch có thật. Vào thập niên 60 thì Hà nội đã kêu gọi một số trở về nhưng thành phần nòng cốt thì vẫn cài cắm ở Lào và Thái. Chính quyền Sàigon đều biết rõ việc này và đã có những chương trình “chiêu hồi” vừa công khai vừa bí mật. Chuyến đi của Duy Khánh sang Lào vào năm 1972 cũng nằm trong mục đích đó. Tôi biết một người mang gia đình trở về với VNCH vào năm 1972 khi ông ta và gia đình bị giới chức bên Thái quyết định trục xuất vì lý do hoạt động cộng sản bên đó. Đúng lý thì miền bắc phải nhận họ nhưng cộng sản Bắc Việt đã từ chối. Cùng lúc ấy thì chính quyền miền nam mở rộng vòng tay đón nhận mà không đòi hỏi người ấy phải cung cấp bất cứ tin tức gì về những hoạt động của mình. Gia đình ông ta mang ơn VNCH suốt đời. Ông ta mất cách đây 10 năm lúc 95 tuổi ở Canada và lúc nào cũng nhớ ơn miền nam.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên