Trả lại đất cho dân và trả lại rừng cho đất nước

1
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn VOV

Từ khi thoát khỏi thời kỳ hái lượm, con người cần có đất để trồng trọt và chăn nuôi, một bộ phận thoát ly nông nghiệp nhưng cũng làm sản phẩm công nghiệp và dịch vụ để trao đổi với những người có đất mà cùng sinh sống. Ở nước ta, khi 70% dân số vẫn là nông dân thì sở hữu đất đai là quyền thiêng liêng của người dân mà bất kỳ chinh quyền nào cũng phải tôn trọng. Yêu nước trước hết là yêu mảnh đất mà mình đang sinh sống, đánh giặc ngoại xâm trước hết là để bảo vệ mảnh đất mà tổ tiên để lại cho mình.

Vì đạo lý đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời, đã phải giương cao khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, coi đó là nền tảng phát huy chủ nghĩa yêu nước để chống ngoại xâm. Chính quyền ông Ngô Đình Diệm và chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu cũng phải giương cao khẩu hiệu đó. Không được nông dân ủng hộ thì không một chính quyền nào có thể tồn tại trên đất nước này.

Sau một thời gian dài sai lầm áp đặt chủ nghĩa giáo điều, trong đó có “tập thể hóa đất đai”, đất nước rơi vào khủng hoảng. Từ hơn 30 năm trước, công cuộc đổi mới bất đầu từ việc trả dần lại đất cho nông dân, từng bước từ khoán 10, khoán 100 đến công nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho cá nhân và hộ gia đình. Đất nước đã hồi sinh từ điều căn bản đó. Dù chưa công nhận quyền tư hữu về ruộng đất, nhưng với 5 quyền của người sử dụng đất thì thực chất nông dân cũng đã có quyền sở hữu trên thực tế rồi. Đa số nông dân chỉ quan tâm đến thực chất, ít người để ý đến chữ nghĩa.

Nhưng luật pháp về đất đai vốn là thành tựu của đổi mới, đã bị các nhóm lợi ích kéo lùi để trục lợi, khiến cho quyền sử dụng đất của nông dân bị đe dọa. Với việc tùy tiện cho phép chính quyền thu hồi đất của nông dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án kinh tế và “đền bù” với giá rẻ mạt quy định tại Điều 62 Luật Đất đai và các điều khoản liên quan đến giá đất của luật này, hàng chục vạn ha đất của nông dân đã bị chính quyền tước đoạt để giao cho các đại gia buôn đất. Hiện nay bất kỳ nông dân nào cũng có nguy cơ bị thu hồi đất theo cái gọi là quy hoạch và lòng tham của các đại gia buôn đất câu kết với một bộ phận quan chức. Hiến pháp không bảo vệ được tài sản là đất đai của nông dân, đơn giản là chúng ta không có tòa bảo hiến. Quy định cho phép chính quyền thu hồi đất của dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án rõ ràng là vi hiến, nhưng do không có tòa bảo hiến nên các cơ quan nhà nước chẳng coi Hiến pháp là cái đinh gì.

Theo đạo lý nghìn đời nay, đất canh tác và đất ở là tài sản của từng cá nhân và gia đình của người dân, và theo lẽ phải thời hiện đại thì doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để kinh doanh phải mua lại của nông dân một cách sòng phẳng theo giá thị trường. Người dân cũng được góp vốn vào doanh nghiệp bằng đất. Còn đất rừng, đất thắng cảnh và đất phục vụ cho các công trình công cộng là đất công do nhà nước quản lý. Nhà nước có thể cho tư nhân đấu thầu sử dụng phần đất công chưa sử dụng vào mục đích công cộng để kinh doanh, nhưng tuyệt đối không động đến rừng, đến các thắng cảnh. Tuy nhiên, do việc quy hoạch và việc ban hành luật bị các nhóm lợi ích thao túng, nên đất rừng và đất thắng cảnh lần lượt bị các đại gia buôn đất thâu tóm.

Bán đảo Sơn Trà, núi Bà Nà ở Đà Nẵng bị tư nhân xé nát làm dự án. Một loạt các thắng cảnh và sông suối tự nhiên ở phía Bắc được tư nhân hóa vô tội vạ, biến thành các cụm chùa chiền “du lịch tâm linh”. Rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn cũng bị các đại gia buôn đất xẻ thịt. Một loạt các thắng cảnh thắng tích ở nhiều nơi trên đất nước này đã, đang và sắp bị tư nhân chiếm hữu. Nước ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nói là để bảo vệ người yếu thế, để phát triển công bằng bền vững mà làm những chuyện thương luân bại lý gây tổn hại đến hồn thiêng sông núi ngay cả các nước tư bản toàn tòng cũng không dám làm.

Giờ thì người nông dân đang sống trên những mảnh đất không chắc là của mình. Giờ thì bờ biển cũng lần lượt do tư nhân quản lý, dân muốn xuống tắm biển không còn dễ dàng như trước, nhiều nơi phải mua vé. Rừng nguyên sinh không còn nữa, những câu chuyện đường rừng đang lùi dần vào cổ tích. Thắng cảnh thắng tích của đất nước vốn là nơi để dân đến hành hương hòa mình với hồn thiêng sông núi, nay đã và sẽ không còn là của mình nữa. Người Việt chúng ta đang ở đậu trên mảnh đất của mình, đang trở thành khách trên đất nước mình.

Tôi không nói đây là bản chất của chế độ. Đây là sự lầm lạc có thể sửa chữa được, dù đã quá muộn. Việc sửa chữa bắt đầu từ Luật Đất đai, nó phải được sửa theo đạo lý của dân tộc và lẽ phải của thời đại.

HOÀNG HẢI VÂN (Facebook)

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin được phép sửa lại “ những hạt sạn “ và bổ sung cho rõ hơn.
    1/ Luật Cải cách điền địa và luật Người cày có ruộng tại miền nam Vietnam từ 1955 đến 1975 là một cuộc cách mạng ruộng đất thật sự, vừa xóa bỏ triệt để được chế độ sở hữu ruộng đất đại điền chủ và tá điền làm thuê theo kiểu phong kiến, vừa không hề đẩm máu. Chính phủ VNCH đã đại diện cho giới nông dân không có một mãnh đất cắm dùi để trưng mua lại ruộng đất của điền chủ, đem cấp phát MIỄN PHÍ, hay bán TRẢ GÓP cho tá điền bằng giá vốn trưng mua, không tiền lời và trong 12 năm. Do đó trong cuộc điều tra về tình hình ruộng đất ở miền nam tự do ngay từ năm 1976 – 1977 và do các chuyên viên kinh tế nông nghiệp của miền bắc đặc trách thực hiện để chuẩn bị áp đặt kế hoạch tập thể hóa đất đai và hợp tác hóa nông nghiệp miền nam sau năm 1975 đã kết luận….Chế độ tá canh trong nông nghiệp miền nam Vietnam đã bị xóa bỏ, thay bằng chế độ sở hữu nhỏ về ruộng đất của người tiểu nông và giới trung nông. Có 85 – 90% số ruộng đất là tư hữu của 90 – 95% tiểu điền chủ có dưới 5 ha, chỉ còn 10 – 15% số ruộng đất là tư hữu của 5 – 10% trung điền chủ có hơn 5 ha. Tính riêng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long kết quả của cuộc điều tra năm 1978, cho thấy giới trung nông chiếm 70% dân số nông thôn, với 74,5% nguồn lao động, sở hữu 80% ruộng đất, 60% tổng năng lượng cơ khí, hơn 70% máy móc nông cơ cụ và 93% sức kéo trâu bò……( Trần Hữu Đính, Quá trình biến đổi về chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu giai cấp ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long 1969 – 1975, Hanoi 1994 ).
    2/ Ở miền bắc Vietnam trước năm 1975 qua 5 đợt cải cách ruộng đất diển ra liên tục từ 1954 đến 1956, trong chủ trương lấy đấu tranh giai cấp làm động lực cách mạng, đồng thời cổ vỏ hận thù thông qua tiêu chuẩn….ác hóa con người là thước đo cho sự trung thành, đảng cộng sản Vietnam đã xử dụng khẩu hiệu Người cày có ruộng để lừa gạt giới bần công, cố nông đi theo đảng mong được chia cấp đất như đảng tuyên truyền, mau chóng dìm vùng nông thôn hiền hòa vào một cuộc cách mạng long trời lở đất, đấu tố, vu cáo giết người vô tội tràn lan, không gớm tay, nhằm mục đích tối hậu tướt đoạt ruộng đất và ngay sau đó đảng lại điếm đàng đưa ra tiếp chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, hoàn tất mỹ mãn việc biến tất cả nông dân miền bắc trở thành một loại tá điền trá hình cho ông chủ mới là đảng cộng sản Vietnam, được chế độ ban cho chức danh xã viên hợp tác xã làm chủ tập thể (?), chỉ còn con đường cắm cúi lao động theo tiếng kẻng, ăn đói, mặc rách, hoàn toàn phụ thuộc vào sổ báo công, chấm điểm, do chân rết quyền lực của đảng cộng sản là các chi bộ đảng, các ban chủ nhiệm hợp tác xã và các đội, tổ chấm công, cho điểm phết, phẩy, nhằm trói buộc toàn xã hội miền bắc Vietnam phải tuân phục, lệ thuộc hoàn toàn vào đảng và nhà nước cộng sản, dưới chiêu bài xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
    3/ Cái gọi là hiến pháp 2013 và luật đất đai sửa đổi năm 2013 đều quy định đất đai là sở hữu của toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, có toàn quyền quyết định trong thu hồi đất, trưng dụng đất, ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá bồi hoàn cụ thể…..nên với mớ luận điệu lưu manh, đểu cáng đó và do tự cho có quyền hành xử như vậy, thì chỉ cần một sáng đẹp trời nào đó, bọn “ đầy tớ của dân “ và bọn tư bản đỏ đều rất dễ dàng cấu kết nhau để vẽ ra một dự án gì đó, hầu chiếm đoạt mãnh vườn, miếng ruộng, khu nhà của bất kỳ một “ ông chủ đất sét “ nào đó, đền bù bằng một giá rẻ mạt ( nhiều khi cướp trắng, chẳng đền bù, mà chỉ nhả ra một số tiền còm cỏi và lưu manh gọi là hổ trợ ) để bán ra bằng giá ngất ngưỡng mây xanh và chia chác thủ lợi. Do đó khi cho rằng……Quy định cho phép chính quyền thu hồi đất giao cho các doanh nghiệp làm dự án rõ ràng là vi hiến, nhưng do không có tòa bảo hiến nên các cơ quan nhà nước chẳng coi hiến pháp ra cái đinh gì……nếu không chỉ là nói cho có, nói để lách thì đúng là….ngây thơ cộng sản vì tòa bảo hiến nào, hiến pháp nào ở Vietnam có giá trị khi chính Nguyễn Phú Trọng đã nói hiến pháp ( của nước CHXHCNVN ) chỉ là văn kiện pháp lý chính trị ở dưới cương lĩnh đảng. Hết ý kiến.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên