Nợ quốc gia và vấn đề thừa kế

2
Trái phiếu thời nhà Thanh mà TQ chối bỏ

Nợ quốc gia (national debt) là số tiền mà một quốc gia nợ những người cho vay (chủ nợ/trái chủ). Chủ nợ có thể là thể nhân hoặc pháp nhân ở trong hoặc ngoài nước.

Vay nợ quốc gia luôn luôn được các chính phủ viện đến như một trong các giải pháp tài trợ đầu tư xây dựng các dự án quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế quốc gia. Vay nợ quốc gia không phải chỉ là giải pháp dành cho các quốc gia nghèo, trái lại các quốc gia giàu có và phát triển càng vay nợ nhiều nhất. Hoa Kỳ là một trong các quốc gia như vậy.

Nguồn tiền dùng trả nợ quốc gia hầu như trích từ số thuế mà người dân trong nước nộp cho chính quyền. Nghĩa vụ thanh toán nợ quốc gia là của quốc gia, nghĩa vụ này không phụ thuộc vào sự tồn tại hay thay đổi chính phủ vay nợ.

Trong trường hợp có sự thay đổi chính phủ, chính phủ mới mặc nhiên thừa kế nghĩa vụ thanh toán nợ của chính phủ cũ trước đó đã vay nợ. Ví dụ, chính phủ của tổng thống Donal Trump thuộc Đảng Cộng Hòa mặc nhiên thừa kế nghĩa vụ thanh toán nợ được vay từ chính phủ của tổng thống Barack Obama thuộc Đảng Dân Chủ, bởi vì chính phủ tuy khác nhau nhưng quốc gia vẫn bất biến, đó là Hoa Kỳ.

Không chỉ thừa kế nghĩa vụ thanh toán nợ trong phạm vi thay đổi chính phủ, mà điều này còn được áp dụng tương tự cả trong trường hợp thừa kế quốc gia. Ví dụ, khi Liên Xô (Liên Bang Xô Viết) tan rã thành 15 quốc gia độc lập khác, thì một trong số ấy là Cộng Hòa Liên Bang Nga đã tuyên bố thừa kế tất cả các quyền và nghĩa vụ quốc gia từ Liên Xô trong quan hệ quốc tế với các quốc gia khác, đương nhiên bao gồm cả lợi ích lẫn mọi khoản nợ.

Tuy mục đích chung của việc chính phủ vay nợ là để đầu tư xây dựng nhằm phát triển quốc gia. Nhưng đôi khi, vẫn có những ngoại lệ khi chính phủ vay nợ để mua sắm vũ khí, hoặc vì nhu cầu phòng thủ hoặc nhằm chuẩn bị chiến tranh. Có thể là một cuộc chiến chống ngoại xâm, hoặc là cuộc nội chiến.

Vấn đề pháp lý sẽ phát sinh nếu bên thắng trận trong một cuộc nội chiến thiết lập chính phủ mới tuyên bố phủ nhận nghĩa vụ thanh toán nợ của chính phủ bị đánh đổ, viện lẽ rằng không thể thừa kế một “món nợ ô nhục”. Về sau, khái niệm “món nợ ô nhục” đã được ghi nhận như một học thuyết có tính cách tham khảo liên quan đến vấn đề thừa kế quốc gia trong công pháp quốc tế (Public International Law).

Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đã từng đối diện vấn đề thừa kế nợ quốc gia. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã từng vay nợ từ vài quốc gia khác. Sau ngày 30/04/1975, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã phủ nhận nghĩa vụ thanh toán nợ vay của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, bằng cách viện dẫn học thuyết “món nợ ô nhục”.

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, sau những cuộc vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia phương tây, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phải từ bỏ quan điểm nêu trên và chấp nhận sự thừa kế quốc gia đối với các khoản nợ được vay bởi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có khoản nợ 145 triệu USD mà Hoa Kỳ cho vay (bao gồm khoản nợ gốc 85 triệu USD, lãi phát sinh và khoản trượt giá).

Ngoài ra, nhiều khoản vay từ các quốc gia khác cũng được chính quyền Việt Nam hiện nay chấp nhận thanh toán trên danh nghĩa, nhưng sau đó, thông qua hội nghị chủ nợ Paris, phần lớn số nợ này đã được các quốc gia chủ nợ đồng ý xóa.

Trong tình hình thế giới hiện nay, với bối cảnh cuộc thương chiến khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, những món nợ quốc gia được vay từ thời triều Mãn Thanh đang được chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc đưa ra làm vũ khí bên cạnh các vũ khí khác, như hàng rào quan thuế, cấm vận buôn bán một số mặt hàng tối quan trọng, chính sách tiền tệ, v.v….

Chính quyền Trung Quốc do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo chính là thực thể chính trị đã thừa kế nhà nước của triều đình Mãn Thanh trước đây. Thế nên, theo công pháp quốc tế, chính quyền Trung Quốc phải mặc nhiên thừa kế nghĩa vụ thanh toán nợ trước đây của chính quyền Mãn Thanh.

Hơn nữa, trong số khoản vay ấy có phần dùng để tài trợ đầu tư xây dựng tuyến đường hỏa xa nội địa Trung Quốc, chứ không phải là một “món nợ ô nhục” để có thể dễ dàng phủ nhận.

Mặt khác, trong thời gian chưa xa, năm 1987, chính quyền Trung Quốc cũng đã từng phải chấp nhận thanh toán cho Anh quốc khoản vay nợ qua trái phiếu do triều đình Mãn Thanh phát hành. Sự thanh toán này được ghi nhận trong bản thỏa thuận song phương về việc thu hồi Hong Kong và trở thành một tiền lệ pháp trong công pháp quốc tế, không lý gì ngày nay chính quyền Trung Quốc lại hành xử “tiền hậu bất nhất” với Hoa Kỳ?

Khoản vay của triều đình Mãn Thanh vẫn còn hiện hữu theo thời gian và đến nay giá trị ước tính quy đổi (bao gồm nợ gốc, lãi phát sinh và tiền trượt giá) có thể lên đến con số xấp xỉ 1.000 tỷ USD. Nếu phải gánh chịu khoản nợ này, có lẽ chính phủ Trung Quốc sẽ phải chịu đòn khốn đốn nặng nề sau những tổn hại trong cuộc thương chiến.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam, tuy rằng vấn đề thừa kế quốc gia đã được giải quyết, nhưng chỉ trong phạm vi chủ nợ là chính quyền của các quốc gia ngoại quốc. Vẫn còn vô số các khoản vay từ các chủ nợ là thể nhân và pháp nhân tư nhân trong và ngoài nước vẫn chưa từng được “tính sổ”, nhất là từ Pháp và giới tư sản người Việt, người Hoa gốc Việt đang định cư ở nước ngoài.

Sự kiện Hoa Kỳ toan “tính sổ” với Trung Quốc cũng sẽ là một tiền lệ pháp cho những quốc gia tương tự mà Việt Nam khó có thể là ngoại lệ. Khó thoát, nhưng cũng không phải là không có giả pháp “xù” ! Chỉ cần “ngoan ngoãn” hòa mình vào dòng chảy của thế giới tự do, dân chủ. Khó, dễ đều tự do mình.

Tháng 09/2019

Chấp bút : LS Đặng Đình Mạnh
Hiệu đính : LS Lê Công Định

(Facebook ls Lê Công Định)

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhà Mãn Thanh sụp đổ từ 1911, sau đó là Tôn dật Tiên với xứ Cộng hoà Trung Hoa. Từ 1949, sau khi Quốc dân đảng chạy qua Đài Loan, quốc hiệu này vẫn được giữ; như vậy Mỹ muốn đòi nợ thì qua Đài Loan mà đòi chớ mắc mớ gì tới Trung C̀ộng ?
    Nói chuyện cho vui chứ chưa nghe ai đi đòi nợ mồt thằng ăn cướp bao giờ.

  2. Anh buộc phải trả Hồng Kông về cho Trung cộng theo hiệp ước Thanh-Anh ký ờ Nanking vào năm 1842 dù nhà Thanh không còn nữa. Tương tự như vậy, hiệp định hòa bình Paris ký năm 1973 trước sự chứng nhận của quốc tế vẫn còn hiệu lực dù Liên Xô và chính phủ VNCH không còn nữa.

    Nếu Hà Nội kiện Trung cộng về vụ Bãi Tư Chính ra tòa án quốc tế, thì tòa án quốc tế phải truy nguồn cơn chủ quyền và từ đó, “lòi chành canh hẹ” là lãnh hải đang tranh chấp kiện tụng, theo đúng luật quốc tế, cũng không nằm dưới sự kiểm soát hợp pháp hợp hiến của Hà Nội vì Hà Nội xé bỏ hiệp định Paris bằng vũ lực.

    CSVN là một thằng ăn cướp, nay gặp Trung cộng cũng là một thằng ăn cướp, “phen này kẻ cướp bà già gặp nhau” cho vừa. Hai thằng cộng sản nó đánh nhau, thằng Mỹ nhào vào buôn nước bọt xúi đánh, bà con cờ vàng ta đừng có giúp Việt cộng chống Trung cộng mà phải thừa dịp này, vùng lên diệt cộng. Nợ nước thù nhà phải trả. No way out. Very simple!

    (Hãy đọc thêm bài “chuyến tàu đêm” để nhắc nhở người Việt cờ vàng chúng ta về bản chất Việt cộng & mối thù quốc cộng )

    https://www.danchimviet.info/chuyen-tau-dem/09/2019/16248/#comment-118712

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên