Ở hai đầu thành phố

2
Washington-d-c. Ảnh mang tính minh họa

Đây là một câu chuyện hư cấu. Mọi sự trùng hợp với đời thường, nếu có, đều ngoài ý muốn. Tác giả đội ơn

Washington, DC

Cách nay trên 15 năm, hãng tôi đang làm tà tà thua lỗ, đóng cửa. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, một người bạn giới thiệu tôi làm cho một công ty thông dịch có hợp đồng với các trường học trong vùng, khi họ cần cho những buổi họp giữa giáo viên và phụ huynh không rành tiếng Anh.

Trong một buổi họp của trường học có thông dịch viên thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, một đồng nghiệp thông dịch viên tiếng Thái mách tôi nếu muốn có thêm tiền, hãy ghi danh với hội American Translators Association (ATA). Mình đóng lệ phí mỗi năm cho hội, họ sẽ đưa tên mình vào trang mạng của họ và ai có nhu cầu dù ở bất cứ đâu cũng có thể truy cập và liên lạc với mình để mướn.

Job đến với tôi lai rai qua trang mạng của ATA và tình cờ một khách hàng, sau một buổi làm cho họ, khuyên tôi nạp đơn thi vào làm thông dịch theo hợp đồng cho Bộ Ngoại Giao Mỹ, và cuối cùng tôi đã làm cho bộ này trên 10 năm.

Làm theo hợp đồng có nghĩa là khi nào có việc thì họ kêu, và đối với bộ, tôi là một nhà thầu, không phải là nhân viên chính thức. Tôi vừa dịch viết, vừa dịch miệng cho bộ, vừa làm cho những công ty dịch thuật tư nhân khác, kiếm được tiền cũng gần bằng công việc cũ nên tôi cũng chẳng tích cực tìm lại việc cũ, cứ tiếp tục với việc dịch thuật, tự mình làm chủ, có dịp đi đây đi đó bên trong cũng như bên ngoài nước Mỹ, ai gọi mình thích thì nhận, không thích thì từ chối khéo, nghĩ trong bụng đời tỵ nạn không dễ gì kiếm được job nào như vậy.

Khi dịch cho bất kỳ tổ chức thông dịch nào, bạn cũng phải ký giấy cam kết không tiết lộ bất kỳ nội dung nào mình biết trong khi làm việc. Ví dụ như sau khi dịch cho một bác sĩ và một bệnh nhân, bạn không được cho ai biết bệnh nhân đó mắc bệnh gì, nặng nhẹ mức nào vì luật pháp Mỹ coi trọng quyền riêng tư của mỗi người. Ngoài ra, nếu bạn bô bô cái miệng, kể cho người khác bệnh trạng của bệnh nhân, có thể họ sẽ không mua được bảo hiểm nhân thọ, có thể con cháu họ tranh chấp gia tài… họ có quyền kiện bạn đi tù và đền tiền như chơi, đại khái là như vậy.

Vấn đề bảo mật lại càng được đặt nặng hơn nữa khi bạn dịch cho Bộ Ngoại Giao Mỹ, vì nhiều lúc bạn làm việc với những nhân vật tai to mặt lớn, họ bàn đến những chuyện quốc gia đại sự, ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều triệu đô la; cho nên những gì tôi sắp kể cho bạn nghe sau đây là những chuyện tôi thấy vô hại, không ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật mà tôi đã hứa với bộ. Thế nhé.

Một trong những công việc mà Bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ định cho các thông dịch viên là đi theo các đoàn quan chức của Hà Nội thăm nước Mỹ.

Thông thường, một đoàn gồm khoảng 10 quan chức của Hà Nội được 2 thông dịch viên của Bộ Ngoại Giao Mỹ đi kèm, ăn chung thì không bắt buộc nhưng nghỉ chung khách sạn, mỗi người một phòng. Mỗi chuyến đi kéo dài từ hai đến ba tuần, ghé vài thành phố; bắt đầu là Washington DC, nơi sẽ gặp cấp chính quyền liên bang và thường kết thúc ở miền Tây như Seattle, San Francisco hoặc Los Angeles để đoàn về Việt Nam cho nhanh.

Lấy ví dụ một đoàn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tại DC, thông dịch viên sẽ đưa họ đi gặp Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm (FDA) hoặc cơ quan phụ trách về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó đi thăm các lò mổ bò ở Nebraska hoặc các trại chăn nuôi ở Iowa.

Lấy ví dụ một đoàn thuộc Cục Hàng không thì tại DC, thông dịch viên sẽ đưa họ đi gặp Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang FAA, hoặc đến thăm NTSB để biết cách cơ quan này điều tra một tai nạn máy bay; sau đó đi thăm một hai phi trường lớn nhỏ ở miền Trung Tây để quan sát cách vận hành của ban quản lý phi trường, của đài kiểm soát không lưu, trước khi đi thăm dây chuyền sản xuất máy bay Boeing ở gần Seatlle.

Ngoài những buổi họp có tính cách chuyên môn, đoàn cũng được đưa đi xem một buổi tranh tài thể thao – bóng rổ/bóng chày/bóng bầu dục – hoặc một buổi văn nghệ – nhạc kịch Broadway/Con Ma nhà hát Opera – và đi ăn một bữa cơm tối với một gia đình người Mỹ ở địa phương để thưởng thức món ăn Mỹ nấu tại nhà và quan sát khung cảnh của một gia đình Mỹ trung lưu xem có giống như trên màn ảnh không.

Chương trình đi thăm nước Mỹ xuất phát từ cả hai phía. Thông qua đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho phía Việt Nam biết trong tài khóa năm nay sẽ có các chuyến đi thế này thế này, phía Việt Nam đề cử người tham gia. Ngoài ra, nếu phía Việt Nam có nhu cầu đặc biệt thì cứ nói với sứ quán Mỹ, nơi đây sẽ liên lạc với Washington và nếu OK thì chuyến đi sẽ thực hiện.

Có những chuyến Bộ Ngoại Giao Mỹ đài thọ từ A đến Z, có những chuyến phía Việt Nam phải tự chi vé máy bay quốc tế; phía Mỹ chỉ lo thu xếp các sự kiện, chi tiền khách san, vé máy bay nội địa, và tiền ăn theo ngày và theo thành phố.

Thành phần tham dự thông thường từ phó hoặc trưởng phòng hoặc đại biểu quốc hội trở lên ở cấp trung ương, hoặc phó hoặc giám đốc sở trở lên ở cấp tỉnh. Nếu là nhà binh hoặc công an thì thường từ đại tá trở lên. Nói chung là cấp đang lãnh đạo hoặc có tiềm năng sẽ là lãnh đạo.

Thu xếp các buổi họp là công việc của Bộ Ngoại Giao Mỹ, thông dịch viên chỉ việc đưa đoàn Việt Nam đến những nơi họp theo một danh sách đã ghi sẵn. Công việc của hai thông dịch viên là đưa đón đoàn ở phi trường, liên lạc xe cộ để đến các địa điểm, thay nhau dịch trong các buổi gặp mặt với người Mỹ, nhận chìa khóa phòng khách sạn để trao cho đoàn, kể cả đưa đi bác sĩ hoặc bệnh viện khi có người đau ốm.

Thông dịch viên ngoài tiền công thông dịch tính theo ngày, còn hưởng những công tác phí như taxi, ăn uống… y như chế độ dành cho công chức liên bang.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đóng vai chủ nhà và các quan chức Hà Nội được đối xử như khách thăm. Bộ đã dặn dò các thông dịch viên rất cẩn thận khi “sống cùng” các khách thăm, ví dụ nếu có ăn chung thì không được để khách trả tiền mà phải đóng góp, ví dụ khi đi taxi chung thì thông dịch viên trả tiền-giữ biên lai-đòi lại bộ, ví dụ phải ứng xử ra sao khi khách yêu cầu dẫn đi ”vui vẻ tươi mát.”

Bộ cũng dặn dò các thông dịch viên ngoài chương trình làm việc và giải trí chính thức, hãy để cho khách thăm được tự do khám phá con người và đất nước Hoa Kỳ, nhất là bây giờ đã có Internet, cần gì cứ hỏi “bác Gúc” là ra ngay, thông dịch viên không nên đề nghị khách thăm đi ăn đi chơi chỗ này chỗ nọ, khiến khách có thể nghĩ rằng mình bị tuyên truyền, dàn dựng.

Ngoài chương trình làm việc chính thức, thông dịch viên không bắt buộc đi theo các quan chức Hà Nội khi họ đi shopping, có lẽ là vì muốn cho thông dịch viên khỏi bị ngộp khi thấy khách thăm từ Việt Nam móc những ông Franklin ra trả giống như ta đếm tiền lẻ. Nếu thông dịch viên được gọi là Việt Kiều thì đúng là bây giờ Việt Kiều làm chủ những ông Franklin không nhiều bằng Việt Cộng.
Người cộng sản có cách tuyên truyền theo kiểu cộng sản, người Mỹ cũng có cách tuyên truyền theo kiểu Mỹ. Vì thế Mỹ mới thua Việt Cộng?

Tuyên truyền kiểu Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, lấy thân người che lỗ châu mai… nếu đem áp dụng ở Mỹ sẽ bị lộ ngay, vì trình độ dân trí cao, anh xạo ke kiểu gì cũng không qua mặt được người nghe.
Tuyên truyền của Mỹ dựa theo nguyên tắc “một hình ảnh giá trị bằng ngàn lời nói” hoặc “trăm nghe không bằng một lần thấy.”

Anh cộng sản nói cho lắm vào về thế giới đại đồng, ba giòng thác cách mạng, thiên đường XHCN, ăn ngon mặc đẹp… cũng không thuyết phục bằng một chuyến đi thăm nước Mỹ.

Trong chuyến đi kéo dài hai ba tuần qua các thành phố lớn nhỏ, chủ nhà con cháu chú Sam sẽ cho các khách thăm con cháu bác Hồ thấy những cái xấu cái đẹp, cái hay cái dở của xứ cờ hoa để rồi con cháu bác Hồ tự đưa ra kết luận cho mình xem ai thắng ai, hoặc ai tốt hơn ai, cái nào là ưu việt.

Theo đúng lôgic của người cộng sản, sau chuyến đi như vậy, dù anh có ngu dốt, ngoan cố đến mấy đi nữa, anh cũng nhìn thấy sự thật nằm ở đâu. Anh đã thấy sự thật rồi nhưng cái cơ chế này không cho phép anh phát biểu công khai. Anh không dám phát biểu công khai nhưng anh có thể phát biểu với vợ anh, con anh, bạn thân anh… từ đó một đồn mười, mươi đồn trăm, chả cần bắc loa hò hét làm gì.
Xã hội XHCN vốn buộc người ta phải sống hai mặt, một mặt đưa ra ngoài xã hội, một mặt đưa ra với chính anh khi anh ngồi một mình.
Sài Gòn

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng cung cấp thông dịch viên cho các cơ quan liên bang khác khi có nhu cầu.
Tháng 6 năm nay, bộ chỉ định tôi về Việt Nam làm cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm FDA. Tôi có nhiệm vụ đi cùng với Ted, một thanh tra của FDA cũng khởi hành từ DC, đến Sóc Trăng và Bạc Liêu để làm việc với hai doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ, mỗi nơi làm trong bốn ngày, tổng cọng tám ngày, cọng với hai ngày đi đường thành mười.

Phải mất bốn ngày mới thanh tra xong một doanh nghiệp vì công việc của một thanh tra FDA rất tỉ mỉ, chi tiết, khiến thông dịch viên cũng mệt theo.

Trong ngày đầu, Ted và tôi ngồi trong phòng họp của doanh nghiệp để đặt các câu hỏi mà doanh nghiệp xuất trình, kế tiếp là đi thăm chỗ sơ chế, rửa tôm, lựa tôm, bóc vỏ tôm, lưu giữ tôm… nếu thấy có vấn đề gì thì qua ngày thứ nhì, thứ ba, thứ tư; chúng tôi trở lại chỗ đó để kiểm tra nữa để xem đã giải quyết như đã hứa hay chưa.
Có những vấn đề có thể khắc phục ngay, có những vấn đề cần phải thời gian mới khắc phục được thì Ted sẽ ghi nhận để theo dõi, ghi nhận bằng camera, theo dõi bằng cách đến hẹn, doanh nghiệp phải chứng minh cho FDA thấy vấn đề đã được khắc phục. Nếu bằng chứng không đủ sức thuyết phục, FDA sẽ cho người qua kiểm tra lại.
Khi nói kiểm tra tỉ mỉ, chi tiết, ta có thể lấy ví dụ nước để rửa tôm phải là nước sạch và ở nhiệt độ thích hợp, thì Ted lôi ra các dụng cụ để đo đạc xem có sạch và đúng nhiệt độ không. Luật pháp Mỹ kỵ nhất là nhập tôm có dùng nhiều chất kháng sinh. Ted cũng có dụng cụ đo đạc để biết hàm lượng kháng sinh trong mẻ tôm đang kiểm tra là bao nhiêu.

Phòng chứa tôm đông lạnh thiếu ánh sáng cũng được yêu cầu mắc thêm đèn, vấn đề này thuộc loại có thể khắc phục ngay nên đến ngày kiểm tra cuối cùng vẫn chưa thay đổi thì Ted sẽ ghi báo cáo. Nếu bị báo cáo như vậy ở một mức nào đó, FDA, cụ thể là Ted, có thể đề nghị nhà nhập khẩu bên Mỹ không mua tôm của doanh nghiệp đó.

Kết quả thanh tra của FDA quan trọng ở chỗ chẳng những nó tác động vào các nhà nhập khẩu bên Mỹ mà các nước khác cũng dựa vào đó để mua hoặc không mua sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bởi vì kết quả thanh tra được công bố trên trang mạng của FDA.
Môi trường lao động của công nhân cũng bị Ted để mắt tới. Ví dụ công nhân có đủ quần áo trang bị, giày ống cao su, khẩu trang, bao tay, mũ nón hay không. Khi đi kiểm tra, chúng tôi cũng phải trang bị y như công nhân vậy.

Thậm chí nhà vệ sinh của công nhân cũng bị soi. Chỗ đi tiêu đi tiểu này có được lau chùi định kỳ hay không, mỗi lần lau chùi có log và ký tên hay không, làm ơn cho xem cái log được không. Tại sao cái cần giựt nước này giựt được nhưng khi giựt không có nước, tại sao phòng đi tiêu này không có giấy đi cầu. Này, chị công nhân, mỗi lần đi vệ sinh xong chị có rửa tay không? Dạ có. Chị rửa tay thế nào chị làm ơn làm cho tôi coi coi… Chị cho hỏi, sếp có dặn chị mỗi lần rửa tay phải dùng xà bông không? Dạ có. Có nhưng tại sao tôi thấy chị không dùng? Dạ em quên. Ôi, những phụ nữ miền Tây chân chất, lập đi lập lại vài động tác giống nhau trong suốt ca làm để mỗi tháng nhận chưa tới 200 đô la.

Bạn hỏi tôi tại sao thanh tra của FDA khó khăn quá vậy, tôi chỉ có thể trả lời cái cơ chế nó là như thế. Thanh tra của FDA là một công chức liên bang, họ sống bằng lương chứ không bằng lậu. Nếu doanh nghiệp bạn làm đúng như những gì FDA yêu cầu thì bạn không cần lo lằng, bôi trơn gì cả.

Công chức hay tư chức Mỹ có tinh thần tự giác, có ý thức cao. Thanh tra FDA hiểu rằng công việc của họ quan trọng, liên quan đến sức khỏe của nhiều người, công việc của họ chịu sự giám sát của báo chí, của các tổ chức xã hội dân sự… cho nên nếu làm ẩu làm tả, ăn vào trúng độc là cả cơ quan mà họ đang phục vụ sẽ bị mang tiếng, phải trả lời đến nơi đến chốn trước pháp luật, chứ không được hạ cánh an toàn, nhận bản án bỏ túi, hoặc cứ câu giờ rồi để lâu hóa bùn, mọi chuyện rồi sẽ đi vào quên lãng.

Thông qua tôi, hai doanh nghiệp mà Ted đang thanh tra đã hơn một lần đề nghị quà tặng, phong bì nhưng lần nào Ted cũng từ chối.
Đi làm tại Sóc Trăng và Bạc Liêu thì Ted và tôi mỗi người mỗi ngày được 151 đô la tiền khách sạn và 98 đô la tiền ăn, dựa trên bảng công tác phí, tùy theo thành phố và quốc gia, mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã quy định cho công chức mỗi khi đi công tác.

Khách sạn sang trọng nhất tại hai nơi này giá chưa bằng phân nửa giá cho phép trên bảng, nhưng chúng tôi không có quyền hưởng chỗ sai biệt, mà phải thanh toán trước bằng thẻ tín dụng và xin biên lai, sau khi công tác xong sẽ làm giấy tờ bồi hoàn.

Còn tiền ăn mỗi ngày được giao khoán, không cần phải chứng minh giấy tờ, lời ăn lỗ chịu, khi làm giấy tờ bồi hoàn sau công tác, chúng tôi cứ nhân mức giá mỗi ngày với số ngày đi làm thì nhà nước sẽ trả lại mà không một thắc mắc nào.

Trong thời gian ở Sóc Trăng và Bạc Liêu, Ted và tôi coi như không tốn đồng nào về ăn uống, vì ăn sáng đã có khách sạn bao gồm trong tiền phòng, ăn trưa và tối đã có doanh nghiệp bị thanh tra dành phần chi tiền. Trên nguyên tắc, chúng tôi không được để doanh nghiệp bị thanh tra trả tiền các bữa ăn, nhưng trong trường hợp này, nếu có ai thắc mắc, chúng tôi có thể du di bằng cách trả lời rằng, vì chúng tôi không phải là dân địa phương nên phải nhờ những người địa phương dẫn đi ăn cho nó lành.

Chuyến đi này, tôi xin ở lại Việt Nam thêm hai tuần sau khi xong công tác với FDA, cho nên trong hai tuần lễ về Sài Gòn, tôi có thể chi tiêu thoải mái với số tiền ăn mà nhà nước Mỹ cấp cho tôi nhưng tôi đã không dùng đến.

Ở Sài Gòn, tôi có quen với Hạnh, con một hạ sĩ quan làm cùng đơn vị với tôi trước 75. Hạnh năm nay trên 30, một phụ nữ có cá tính, đang làm cho một công ty nước ngoài. Nhan sắc Hạnh thuộc loại trên trung bình, ăn mặc rất lịch sự dù không phải hàng hiệu, nhưng có lẽ cá tính mạnh nên giờ này vẫn chưa lập gia đình. Hạnh nói thà ở vậy còn hơn rước phải ông chồng thiếu tư cách, tối ngày nhậu nhẹt, đánh vợ, xum xoe với thượng cấp.

Trong hai tuần ở Sài Gòn, ban ngày phải đi làm, Hạnh bảo chú tự mình đi thăm bạn bè bà con; còn buổi tối thì Hạnh sẽ tình nguyện chở chú đi ăn đi chơi những chỗ nào mà chú thích.

Thế là vào ban ngày tôi hay lang thang, thường là đi bộ, đi thăm những thằng bạn học, bạn lính, bạn tù còn sót lại, tà tà ở đường sách hoặc những nơi lúc còn trẻ có nhiều kỷ niệm. Tôi không muốn quay về khu nhà cũ vì bây giờ đã hoàn toàn thay đổi, các căn nhà mặt tiền đều do người gốc Bắc làm chủ, tôi sợ mình sẽ tủi thân như ông Hạ Tri Chương “Trẻ con trông thấy hững hờ; Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao.”

Và hầu như mỗi tối, tôi chờ Hạnh đến đón tại khách sạn, đội mũ bảo hiểm nhảy phóc lên phía sau chiếc Vespa của Hạnh để được chở đi Saigon By Night.

Sinh hoạt buổi tối mà tôi thích nhất là đi xem kịch của nhóm Idecaf với cặp Thành Lộc và Hữu Châu, hai chàng quái kiệt diễn vai nào ra vai đó, thiện thì thật là thiện, mà ác thì thật là ác, luôn luôn tạo bất ngờ. Kịch của nhóm Idecaf theo tôi thú vị hơn kịch trước 75 của Kim Cương, Dân Nam hoặc Túy Hồng; nhất là kịch bây giờ được đi kèm bởi hệ thống âm thanh và sound effects rất tốt. Hai chàng phù thủy Thành Lộc và Hữu Châu mà châm biếm, móc méo những chuyện tiêu cực của chế độ thì khó có ai bắt bẻ, chụp mũ được.

Hạnh thích bolero thì tôi đề nghị đi nghe Lệ Quyên ở đường Lê Thánh Tôn, còn tôi thích nhạc ngoại quốc thập niên 60 và 70 nên rủ Hạnh lên sân thượng của Majestic và Rex nghe loại nhạc này vì đặc biệt có ban nhạc từ Philippines và Cuba.

Về ăn thì tôi đặt nguyên tắc với Hạnh là tìm đến những chỗ bình dân mà ngon, bụi bụi một chút cũng được, còn hơn là đến những chỗ sang trọng, nặng phần hình thức nghi lễ lỉnh kỉnh mà nhẹ phần nội dung.
Tối hôm đó, Hạnh và tôi chạy sang Thanh Đa ăn cháo vịt. Ở đây có hai “ông lớn”, được coi là những quán cháo vịt ngon và lâu đời, chỉ cần qua cầu Kinh, nhìn bên tay phải là thấy ngay. Cả hai đều nhận mình là quán gốc, giống như hai quán phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ.

Trước khi đến nơi, tôi nghĩ hai quán này chỉ là hai căn nhà nho nhỏ, bàn ghế xập xệ, có thể phải ngồi bệt ở ghế nhựa không chừng. Đến nơi mới biết mỗi quán chiếm hai ba căn nhà rộng rãi, bàn ghế thuộc loại gỗ chắc chắn, có chỗ dựa lưng.

Chúng tôi nhắm mắt vào đại một quán, quán nào cũng sạch sẽ, khách cũng đông, chỉ còn vài bàn trống phía bên trong. Người phục vụ dẫn Hạnh và tôi tới hai cái bàn vuông nhỏ được ghép lại thành một bàn lớn, mỗi bàn có 4 ghế, có nghĩa bàn đó dành cho 8 người, nhưng vì không còn bàn trống nên chúng tôi được ngồi trong một bàn, nhưng hai bàn vẫn được kê sát nhau.

Chúng tôi gọi gỏi vịt và cháo vịt, nước suối và trà đá.

Đánh giá cá nhân của tôi, thịt vịt ở quán này không được như mức tôi trông đợi, thịt nhạt nhạt, không có vị đặc biệt giúp ta phân biệt giữa gà và vịt, nước mắm gừng cũng không đạt yêu cầu. Đánh giá tổng quát, món này ở đây không ngon bằng DC, khoan nói đến Bolsa.
Hạnh và tôi ăn đâu được nửa phần thì một nhóm ba người đàn ông và một phụ nữ được người phục vụ dẫn đến một trong hai bàn ghép còn trống. Ba ông gần như giống nhau ở chỗ thân hình vạm vỡ, tối thiểu cũng bốn múi, tóc cắt sát, mặc áo thun đắt tiền có logo các đội bóng đá nổi tiếng của châu Âu. Cả ba đều xâm hình đầy người và nai nịt giây chuyền vàng sáng chói, đồng hồ loại xịn.

Cả ba có vẻ khúm núm trước người phụ nữ khoảng trên 40, ăn mặc đầm loại hàng hiệu nhưng thái độ của bà không thoải mái cho lắm, cho lẽ ít khi mặc đầm. Điểm nổi bật của bà này là khuôn mặt mà Hoàng Hải Thủy gọi là khuôn mặt của một người đàn ông không được đẹp trai cho lắm. Ngón tay nào của bà cũng đeo nhẫn và trên cổ là một sợi dây chuyền vàng, gọi là dây xích thì mới đúng, vì mắt xích rất to và dầy, nặng có đến cả kí.

Một ông tự động kéo hộp đựng chén đũa khăn giấy từ phía bàn tôi về phía họ. Một ông tự nhiên kéo hai chiếc ghế dư của bàn tôi đi chỗ khác để có thêm chỗ cho bàn của họ, vô tư xích thêm ghế của họ sang phía bàn chúng tôi, có nghĩa là bốn người bên họ chiếm một bàn rưỡi, Hạnh và tôi bây giờ chỉ còn nửa bàn.

Khi người phục vụ đến, họ gọi bốn ly đá không và hai đĩa lòng vịt để lai rai trước, khiến tôi cũng tiếc, lẽ ra lúc nãy mình cũng nên gọi đĩa lòng để thử xem sao.

Khi đã có lòng vịt và bốn ly đá trên bàn, một ông không hiểu móc ở đâu ra một chai Johnnie Walker nhãn xanh dương, lương thông dịch viên như tôi chỉ uống nhãn đen là cao. Một ông cung kính hai tay rót cho người phụ nữ trước, rồi cả bốn cụng ly dô dô một cách thoải mái, nói năng ồn ào.

Khi cần thêm khăn giấy, tôi chồm tay qua phía bàn bên kia để lấy thì nhận được những cặp mắt gầm gừ của những người đàn ông.
Chẳng mấy chốc, tôi có cảm giác họ đã bắt đầu chú ý đến Hạnh và tôi, họ đã hạ bớt giọng để nói về chúng tôi, hay là tôi nhột nên nghĩ như vậy?

Rồi chẳng hiểu sơ ý ra sao, một ông làm đổ ly rượu quý vào phía chén nước mắm gừng của Hạnh, rượu và đá tèm lem ra mặt bàn của Hạnh.

Anh chàng làm đổ rượu không thấy xin lỗi tiếng nào, chỉ gọi phục vụ này em ơi em ơi, cho anh nhờ cái.

Anh chàng đối diện cầm ly rượu đưa về phía Hạnh:
– Chào người đẹp. Để chuộc tội cho anh bạn của anh, anh đề nghị người đẹp dô với bọn anh một ly.

– Xin lỗi anh, tôi uống rượu không được.

Anh chàng xoay ly về phía tôi:

– Nếu vậy xin mời ông anh đây thay mặt cho người đẹp này uống hộ.
Tôi biết loại whisky của Scotland này hiếm quý, thơm ngon và đắt tiền; nhưng nguyên tắc của tôi là “rượu ngon phải có bạn hiền”, mà bạn hiền của tôi lúc này không có; hơn nữa, bộ tứ này làm cho tôi rơi vào hoàn cảnh rất khó xử, nên tôi chả có hứng thú gì để uống cả. Tôi bèn nêu một lý do rất phổ biến ở bên Mỹ:

– Cám ơn anh, tí nữa tôi phải lái xe nên có lẽ anh cho dịp khác.
Hạnh nhìn tôi thông cảm, vì biết tôi xạo. Cặp mắt của nàng còn ngụ ý nói tôi đừng chấp với mấy tay này. Nàng đứng dậy như muốn nói điều gì.

Anh chàng làm đổ rượu ngồi phía Hạnh cũng đứng lên và trách móc:

– Nhằm nhò gì ông anh ơi, làm một tí cho cho có khí thế để tối nay còn gặm cỏ non nữa chứ. Có phải vậy không người đẹp?

Âm thanh của từ “chứ” được kéo dài với ý mỉa mai, thích thú. Thì ra, bộ tứ này đang nghĩ tôi là một Việt kiều già về đây đi chơi với bồ nhí, chân dài. Họ nghĩ Hạnh là người lợi dụng mấy ông già Việt kiều để có tiền hoặc có vé đi Mỹ.

Chuyện đó không sao, có thể tha thứ được; nhưng chuyện tôi không thể tha thứ được là vừa nói xong “Có phải vậy không người đẹp?”, hắn lại vỗ vào mông Hạnh, khiến cho tôi lại rơi vào tình huống càng khó xử hơn nữa.

Trong cuộc đời, tôi đã mấy lần rơi vào hoàn cảnh tương tự. Những lúc đó, mình ước gì là Lý Tiểu Long hoặc Super Man hoặc có phép thần thông hô phong hoán vũ gì đó; nhưng thực tế không phải như vậy, những chuyện đó chỉ có trên xi nê, mình rút cục chỉ là một thằng bất lực, bó tay.

Giống như khi hàng chục tên trên chiếc tàu đánh cá lớn của Thái Lan đầu tóc bù xù, ăn mặc nhếch nhác, bôi phấn màu lên mặt dùng dao mác, súng ngắn hò hét uy hiếp chiếc ghe vượt biên của chúng tôi để bắt đi các phụ nữ lên tàu của chúng. Chúng tôi là những thằng đàn ông bất lực.

Giống như chúng tôi cũng bất lực nhìn cái đám cộng sản ăn hại, tàn phá cái đất nước này về đủ mọi mặt từ mấy chục năm qua.
Giữa lúc tôi bối rối, không biết nên xử trí như thế nào thì có tiếng la lớn:

– Ơ KÌA, ANH QUANG! ANH VÀO HÔM NÀO THẾ?

Washington, DC
Bạn hỏi tôi tại sao chính quyền liên bang Mỹ dùng tiền người dân đóng thuế để tổ chức những chuyến đi vô bổ như vậy cho các quan chức cộng sản?

Tôi không nghĩ là vô bổ, mà tôi nghĩ không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, không bổ nhiều cũng bổ ít.

Ngân sách của Bộ Ngoại Giao Mỹ đứng thứ nhì, chỉ thua Bộ Quốc
Phòng, một bên sử dụng quyền lực mềm, một bên sử dụng quyền lực cứng, người nào việc nấy, có khi quyền lực mềm hiệu nghiệm hơn quyền lực cứng. Họ có nhiều tài nguyên, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao, ví dụ như gây ảnh hưởng đến quốc gia nào mà Mỹ muốn gây.

Đối với chế độ độc tài như Việt Nam, về mặt đường dài, thông qua chuyến đi hai ba tuần, tiếp xúc với nhiều thành phần, Mỹ muốn gieo vào đầu khách thăm những nguyên tắc chính của một nên kinh tế thị trường, tam quyền phân lập, đa đảng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật… mặc dù những nguyên tắc này nếu bây giờ đem áp dụng ở Việt Nam thì không được, vì “không đúng quy trình”, hoặc vì “cái nước mình nó như thế”.

Cho dù Việt Nam do cộng sản hay không cộng sản cai trị, Mỹ vẫn muốn kéo Việt Nam về phía Mỹ, nhất là trong giai đoạn Mỹ có xung khắc với Tàu về vị trí lãnh đạo thế giới.

Chương trình mời khách đi thăm Mỹ hai ba tuần không những áp dụng cho Việt Nam mà còn cho các nước mà Mỹ thấy có lợi cho nước Mỹ. Cụ thể, Bộ Ngoại Giao Mỹ có nguyên một Vụ, trước 75 gọi là Nha, để tổ chức những chuyến đi như vậy. Vụ này có tên là Vụ đặc trách Văn hóa Giáo dục, nơi trực tiếp giao việc cho thông dịch viên.

Sau chuyến đi thực tế, được nhìn tân mắt nước Mỹ như thế nào, nếu khách thăm có “ấn tượng”, nôm na là nếu những người này phục Mỹ, sợ Mỹ thì coi như chương trình đã thành công.

Đối với những khách thăm “đặc biệt”, Vụ này có thể tổ chức những chuyến đi một mình với một thông dịch viên; do đó, nhóm thông dịch viên khoảng chục người chúng tôi có người đã có dịp “làm việc” với những vị mà sau này nhận mình là người buôn chổi đốt đến thối móng tay, hoặc người về sau đã vào Bộ Chính trị nhưng âm thầm biến mất vì một chứng bệnh mà quần chúng dân đen không rõ…

Đứng ở một khia cạnh khác, các chuyến đi như vậy cũng tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ. Các hãng hàng không, các công ty cho thuê xe có tài xế, các khách sạn, nhà hàng, các nơi giải trí, và nhất là các khu shopping có dịp “ăn theo”, trong đó có cả… thông dịch viên.
Ngân sách các bộ đã được Quốc hội chuẩn chi cho mỗi tài khóa phải xài cho hết, hoặc phải giả vờ ra cái điều hơi bị thiếu; bằng không, qua tài khóa kế tiếp sẽ bị Quốc hội cắt bớt.

Nhân nói đến chuyện “ăn theo”, tôi có một kỷ niệm với một tài xế. Bộ Ngoại Giao Mỹ có hợp đồng với nhiều công ty cung cấp xe lớn nhỏ có tài xế để chở khách thăm. Bữa đó, tài xế lái chiếc xe mười mấy chỗ chở đoàn Việt Nam là một phụ nữ đứng tuổi.

Nhân dịp xe ngừng 20 phút để khách xuống đi bộ thăm đài tưởng niệm Jefferson, tôi nhờ anh bạn thông dịch đồng nghiệp một mình dẫn đoàn đi, vì tôi cần đi tiểu. Trở về lại xe, tôi có dịp tán gẫu với bà tài xế trong lúc chờ đoàn trở về.
Bà Pat cho biết đây là lần đầu tiên bà chở một nhóm người Việt. Sau khi biết tôi là người thuộc “bên thua cuộc”, bà mới thổ lộ, you biết hông, công ty của tao hôm nay cho tao rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu. Tôi hỏi Pat bà nói vậy với ý gì?

Pat nói, you nghĩ coi, thằng em trai tao đi lính bên Việt Nam bị phục kích chết, thế mà hôm nay tao phải chở những thằng “assholes” đã giết em tao đi ngắm cảnh Washington thì thấy có đau không?
Tiếng chửi thề này nếu giảm nhẹ đi một tí thì có thể dịch là “chó đẻ”. Tôi nghe Pat nói như vậy cũng thấy nhột, bà nói cho bà hay nói cho tôi?

Bạn hỏi tôi chương trình khách thăm có bị lợi dụng, có bị sử dụng không đúng cách hay không?

Bạn cũng như tôi đều biết, giữa thế kỷ 21 này vẫn còn những chuyện “chỉ có ở Việt Nam”. Trên nguyên tắc, đại sứ quán Mỹ đã đặt ra một số điều kiện để tham gia các chuyến đi Mỹ này, ví dụ phải thuộc diện có kinh nghiệm trong ngành định đi, đang là hoặc có tiềm năng sẽ là cấp lãnh đạo; nhưng trên thực tế, không phải tất cả các điều kiện đó đều được đáp ứng.

Có những vị nhân cơ hội có vé máy bay miễn phí, ở lại thêm, đổi vé máy bay để đi thăm con đang học trung học hoặc đại học bên Mỹ.
Có những cô thư ký trẻ trung, mủm mỉm, được phong đại cho một chức vụ nào đó, kể ra một số thành tích ma nào đó để nhập vào đoàn, đi theo phục vụ riêng cho trưởng đoàn.

Có những vụ trưởng, cục trưởng sắp sửa nghỉ hưu, được thưởng một chuyến đi miễn phí, sang đến nơi chịu khó ngồi đồng mấy tiếng trong các buổi họp, sau đó là shopping mua đồ về xài hoặc tặng; những món này được xem là “có chất lượng”, vì là “hàng xách tay”.

Tại sao tôi biết những chuyện đó? Xin trả lời, một phần là do tình cờ hay đi lang thang trong khách sạn vào ban đêm sau khi ăn tối về, có khi là đến phòng tập thể dục để xả bớt stress thông dịch nhức đầu trong ngày; và một phần là do kinh nghiệm.

Thông thường trong một buổi họp, diễn giả người Mỹ nói thì thông dịch viên chúng tôi dịch cùng lúc qua micro là máy phát, và tai nghe là máy nhận. Sau khi nói và dịch xong là đến phần thảo luận hỏi đáp. Người không đủ tiêu chuẩn để đi với đoàn thường là những người hay ngủ gà ngủ gật hoặc chẳng bao giờ đặt câu hỏi, hoặc khi buộc vào thế phải đặt câu hỏi thì hỏi những câu thuộc loại “Trường Sơn đông Trường Sơn tây”, chẳng có ăn nhậu gì đến đề tài đang thảo luận cả.

Tại Vụ đặc trách Văn hóa Giáo dục, người gọi tôi đi theo đoàn thường là Brian. Có lần Brian nói với tôi, mình đã bảo với đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hãy nói với phía Việt Nam là thành phần phái đoàn phải được trải đều ra, vừa có người ở trung ương, vừa có người ở địa phương, nhưng cuối cùng chỉ toàn người miền Bắc. Kỳ này, có một người giữ vị trí lãnh đạo ở Nha Trang, một ở Hậu Giang nhưng gốc của hai người này vẫn là gốc Bắc. Brian còn kết luận một câu xanh rờn: Việt Nam bây giờ đang ở thời kỳ người miền Bắc đô hộ miền Nam, chúng ta chỉ có bó tay.

Tôi nói với Brian, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết va Nguyễn Tấn Dũng là người miền Nam đấy chứ; thì Brian trả lời, Sang gốc Hà Tĩnh, các tay còn lại đã bị Bắc hóa cả rồi.

Bạn hỏi tôi các quan chức cộng sản đối xử với thông dịch viên như tôi ra sao?

Trước tiên, họ gọi những người như tôi là phiên dịch thay vì thông dịch viên. Theo chỗ tôi biết, cấp bộ trưởng trở lên mỗi khi ra nước ngoài có quyền mang theo phiên dịch. Bên trong và bên ngoài các buổi họp, tôi thấy các quan chức này đối xử với các phiên dịch giống như một thư ký cao cấp, hoặc nôm na là một loại sai vặt.
Các quan chức của Mỹ thì phần lớn xem thông dịch viên là một chuyên viên, một người trợ giúp mình, nhất là người Mỹ rất lười hoc thêm một ngoại ngữ, cho nên nói chung, họ tôn trọng, đối xử rất lịch sự với thông dịch viên. Sau mỗi lần dịch, họ gửi thư cảm ơn là chuyện bình thường, cho dù chữ ký trong thư có thể là ký bằng máy.

Bạn hỏi tôi các quan chức cộng sản có đủ trình độ để tiêu hóa hết những gì người Mỹ nói trong các buổi họp hay không?

Sự giao thiệp, tương tác giữa đoàn quan chức và hai thông dịch viên lúc mới bắt đầu gặp nhau ở phi trường Dulles thì còn xa cách, bở ngỡ, ngại ngùng; nhưng càng gần đến ngày về lại Việt Nam, hai bên có dịp hiểu biết, thông cảm nhau hơn; mặc dù vẫn giữ một khoảng cách nhất định.

Trải qua hai ba tuần lễ với nhau, các quan chức cũng nhận ra thông dịch viên là những người có kiến thức, có phong cách riêng, làm đúng công việc chuyên môn được giao; thay vì là những công an văn hóa hoặc CIA được chính phủ Mỹ cử đi theo kềm kẹp mình.

Trong lúc họp với người Mỹ, trong đoàn có những thành viên rất hiểu những gì diễn giả nói, nhất là khi gặp đúng ngành nghề chuyên môn. Những người này thường thường ít đeo tai nghe, phần vì vốn tiếng Mỹ họ khá, phần vì họ muốn thử xem trình độ tiếng Anh của mình tới đâu.

Một trong những người thuộc loại này là Vinh, cấp vụ trưởng. Vinh có cảm tình với tôi và có những tối thường lấy cớ này cớ nọ để đến phòng tôi hoặc mời tôi đến phòng Vinh nói chuyện, trao đổi, tâm sự.
Mặc dù đậu thủ khoa ở trường Trung học Thái Bình và Đại học quốc gia Hà Nội, gia đình Tiến sĩ Vinh vẫn phải chạy cho Vinh có một chỗ trong sở rồi đến bộ, và từ từ kinh qua hơn 15 năm, trải qua nhiều cuộc đấu đá, bon chen, thủ đoạn, Vinh mới leo lên chức vụ trưởng, chủ yếu là nhờ có quan thầy vững chắc.

Vinh xác nhận muốn có tiền phải có quyền, thành thử phải chạy vào những vị trí có quyền thực sự thì mới ăn đậm. Nhờ vậy mà bây giờ Vinh cũng có nhà, có ô tô, có hai con tuổi teen, có thể đưa gia đình du lịch Bangkok, Singapore thoải mái; nhưng vợ vẫn phải đi làm.

Khi tôi hỏi đảng cộng sản đã đánh thắng được những đế quốc sừng sỏ, nhất là đế quốc Mỹ, vậy mà có cái nạn tham nhũng dẹp mãi không xong, thì Vinh gạt đi:

– Thôi anh ơi, thắng Mỹ là may mắn chứ có hay ho gì đâu, năm 1972, thằng Mỹ muốn bắt tay với Trung Quốc nên nhả miền Nam ra chứ nếu không thì còn lâu mới thắng.

Vinh cũng thừa nhận chống tham nhũng rất khó, nội cái chuyện kê khai tài sản cá nhân để phát hiện xem nhà cửa có bao nhiêu cái, nguốc gốc từ đâu ra mà cũng không dám làm thì chống thế nào.

Theo Vinh, các hình phạt dành cho tham nhũng quá nhẹ, cho nên các quan chức cứ tranh thủ tham nhũng càng nhiều càng tốt, tích lũy tối đa trước đã, bị phát hiện thì chạy để hạ cánh an toàn, chạy không xong thì sẵng sàng đi tù, vô tù thì chạy để được ăn uống sung sướng, sau vài năm ra tù hưởng thụ suốt mấy đời với số tài sản còn lại, đã được tẩu tán nhiều nơi.

Trước chiến dịch đốt lò hiện nay, Vinh nói chỉ hồi hộp thôi chứ không sợ vì “bề trên” của anh đang rất vững, hơn nữa, anh cũng thuộc loại cá bé, so với những con cá mập, ăn khủng.

Khi tôi hỏi có cách nào “thay đổi” tình hình hiện nay hay không,
Vinh nói chuyện thay đổi rất phức tạp, bởi vì mình phải nhìn nhận một thực tế như thế này anh à.

Sau 44 năm, chỉ có người miền Nam là thấy khổ, thấy luyến tiếc thời kỳ tạm gọi là dân chủ, văn minh trước “giải phóng”. Ngược lại, người miền Bắc cảm thấy đời sống họ bây giờ sướng hơn thời kỳ bao cấp, ăn độn, tem phiếu; họ cứ nghĩ rằng nhờ đảng cộng sản nên họ mới được như vậy, cho nên vẫn còn rất nhiều người miền Bắc ủng hộ đảng cộng sản, cám ơn bác Hồ; họ đâu biết phải có tiền của Việt kiều gửi về, có vay mượn của Ngân hàng Thế giới, có đầu tư FDI hoặc ODA của nước ngoài, đảng đã bắt chước một cách vụng về những gì mà chế độ miền Nam trước 75 đã làm, và nếu đã bắt chước thì giải phóng làm gì để đến nỗi hàng triệu người chết, trải qua 44 năm lòng người vẫn còn ly tán, cơ may hàn gắn bằng không.

Vinh còn nói, giả sử bây giờ có thay đổi chế độ, chính quyền mới sẽ đối mặt với hai vấn đề lớn, chưa chắc họ đã được đa số người dân ủng hộ, và hàng núi rác rưới do chế độ cũ để lại rất khó dọn dẹp, khắc phục.

Trong khoảng 10 năm tôi đi theo các đoàn quan chức, mỗi năm trung bình hai chuyến, tôi đã có dịp tiếp xúc với vài người hiếm hoi như Vinh.

Họ là những quan chức có hiểu biết, có nghiên cứu, đã dính chàm nhưng không thoát ra được vì cơ chế nó là như vậy, họ chỉ làm “đúng quy trình”, họ hiểu những khuyết điểm của chế độ nhưng không dám đứng lên kêu gọi thay đổi, sợ mất nồi cơm, sợ bị tù, sợ mang tiếng phản lại các bậc tiền bối đã cất nhắc họ, sợ đủ thứ. Họ thường sống hai mặt, ở nơi riêng tư với tôi họ có thái độ khác, ở chỗ có những người cùng đoàn họ chuyển sang vai cán bộ gương mẫu, nói vanh vách theo nghị quyết.

Người nào cũng đưa tôi danh thiếp hai mặt giống họ, một mặt tiếng Việt ghi đủ thứ học hàm học vị, mặt bên kia ghi tiếng Anh nhiều chỗ dịch rất ngây ngô. Họ ân cần dặn tôi khi nào về Việt Nam chỉ cần “nháy” một tiếng là họ sẽ lo cho tôi tất tần tật, có ông Hải quan còn bảo tôi, anh mang vào cả chục iPhone em cũng đảm bảo cho qua mà không mất xu thuế nào.

Tôi cũng ân cần nhận danh thiếp nhưng trong bụng nghĩ quan chức như các anh thời giờ là tiền bạc, lúc nào cũng bận rộn mánh mung, hơi đâu mà tiếp những thằng như tôi. Hơn nữa, nếu tôi có về Việt Nam, thời gian của tôi cũng không nhiều, đi thăm bà con, bạn bè, đi ăn uống, du lịch, tìm về những kỷ niệm cũ còn chưa đủ, huống chi tìm gặp các anh.

Ngày qua ngày, thời gian qua mau, tôi cũng quên đi những quan chức Việt Nam đặc biệt mà tôi đã đi cùng trong những chuyến công tác cho Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Cho đến buổi tối khi tôi sắp sửa bị các ông xâm mình đầy người bắt nạt ở quán cháo vịt Thanh Đa.
Sài Gòn

Vâng, bạn đã đoán đúng. Người vừa lớn tiếng gọi tôi chính là Vinh. Và sự ngạc nhiên chẳng những đến với tôi mà còn đến với bốn người ngồi bàn bên cạnh Hạnh và tôi nữa. Có lẽ họ ngạc nhiên gấp mấy lần chúng tôi.

Vì câu chuyện đến đây đã khá dài nên tôi xin tóm tắt phần còn lại.
Vinh giới thiệu với bốn người kia tôi là “ông anh” ở bên Mỹ về chơi. Và trong vòng một nốt nhạc, tôi thấy thái độ của bốn người quay gắt 180 độ.

Chị Ba và ba đàn em có hẹn với Vinh tối nay tại đây để nhờ Vinh thu xếp cho một giấy phép khai thác gỗ ở miền Trung.

Sở dĩ phải hẹn ở một quán bình dân vì quán này có tiếng là ngon và đây mới chỉ là tăng một. Sau khi Vinh xác nhận giấy phép chắc chắn được ký thì sẽ có tăng hai ở một nơi hoành tráng.

Nhân tiện, chị Ba cũng xin lỗi tôi và Hạnh về sự “hiểu lầm” vừa rồi, xin anh chị bỏ qua và cho em được mời anh chị bữa ăn hôm nay, và sẵn dịp mời anh chị tham gia tăng hai với chúng em, có đủ mục từ A đến Zét. Giọng chị thuộc vùng Nghệ hay Quảng mà tôi nhận không ra.

Chẳng những nhóm chị Ba mời mà cả Vinh cũng nhiệt tình lôi kéo tôi tham gia tăng hai để “cho anh thấy cách ăn chơi ở Việt Nam có xịn hơn hơn bên Mỹ hay không.”

Tôi cũng thuộc loại thich trải nghiệm những chuyện mới lạ, mỗi năm vẫn theo lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma tìm đến “chỗ nào bạn chưa từng đặt chân đến”; tuy nhiên, chỉ trong một giây suy nghĩ, thứ nhất tôi phải đi cùng với Hạnh để Hạnh về đến nhà an toàn, thứ hai đây là một phi vụ hợp tác giữa xã hội đen và xã hội đỏ, tôi chẳng thuộc phe nào, có mặt tôi hai phe sẽ không thoải mái, mất tự nhiên, cho dù có JW Blue Label hay Macallan 25 năm, cộng thêm chân dài kế bên, tôi vẫn thấy bơ vơ, lạc lõng.

Tôi cám ơn chị Ba đã thanh toán bữa ăn và bịa với Vinh rất tiếc, tôi có chuyến bay về lại Mỹ quá khuya hôm nay.

Trên đường chở tôi về lại khách sạn, Hạnh nói xã hội bây giờ có câu nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, rồi mới đến bốn trí tuệ; chú thuộc loại thứ ba nên thoát được trận đòn của đám giang hồ.

Tôi trả lời Hạnh nói bậy rồi, bốn tiêu chuẩn đó chỉ dành cho người trong cuộc; còn chú bây giờ là người ngoại đạo.

Cái cảm giác bất lực, bó tay lại đến với tôi, tôi không muốn nói ra với Hạnh, vì ngại có nói, thế hệ của Hạnh cũng không hiểu.

Hạnh chỉ nghe tôi nói, thật ra cũng may đấy chứ, Hạnh còn nhớ mới xảy ra vụ dân giang hồ xâm trổ đầy người bao vây công an ở Đồng Nai gì đó không? Ngay cả trung tá đại tá công an còn bị anh em giang hồ bao vây định tẩn cho một trận, huống chi một gả Việt kiều già và dở hơi như chú.

Châu Quang

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên