Ngọc Tự: tháng 9, nghĩ nhớ loanh quanh

0

(tạp văn)
Khi nói tới tháng 9, người ta thường hay nhớ về mùa Thu và những điều thật lãng mạn. Ví dụ như có trăng mờ bên suối và mây bay lững lờ, rồi giọt mưa và lá vàng rơi, đem nỗi buồn không tên nào đó rơi thẳng vào trong hồn. Một ngày tháng 9 năm xưa, tôi cất tiếng khóc chào đời, giữa lúc không khí chiến tranh loạn lạc vẫn đang bao phủ vùng Phát Diệm Ninh Bình quê tôi, cho nên chung quanh lúc đó, hẳn cũng chẳng có gì gọi là mộng mơ, lãng mạn. Và chắc cũng vì thế mà cuộc đời của tôi bị ảnh hưởng, nên gặp phải khá nhiều long đong lận đận.

Thoắt đấy, tháng 9 /2020 năm nay, tôi đã bắt đầu bước sang tuổi bẩy mươi ba. Một cách văn hoa xưa cũ, được phép đĩnh đạc ngồi vào mép chiếu lứa tuổi cổ lai hy rồi. Và thêm nữa, tôi còn thuộc loại xưa nay hiếm khác, đấy là vẫn ở thành phần thất thập lão nhi bất lập, thây kệ việc đã chậm hơn bốn chục năm, so với tiêu chuẩn tam thập nhi lập. Mấy mươi năm trời qua đi, ngó quanh ngó quẩn, đủ cả không gian ba chiều, trái phải, trước sau, trên dưới, mà sao cuộc đời tôi hình như thấy vẫn vậy, mọi thứ cứ trôi tuột, phẳng lỳ, chẳng có được chút gì đáng để nhớ để quên.

Rất thật lòng, không biết tại sao, kể từ hồi còn trai trẻ mới lớn cho đến bây giờ, chưa khi nào tôi có ý nghĩ về việc ghi nhớ, hay biết đến việc kỷ niệm ngày sinh tháng đẻ của mình. Chắc hẳn do cuộc sống thanh bạch của gia đình nơi xóm nhỏ lao động, đã tác động và hằn sâu suốt mãi trong tâm thức một người tầm thường nhỏ bé. Nhớ khi đời sống khá lên chút đỉnh, thỉnh thoảng có năm, con cháu quà cáp, tặng biếu thứ này món kia và nói lời chúc mừng, mà thấy bố mình, ông nội, ông ngoại như hờ hững quá, chẳng mấy tha thiết,các hắn cũng đâm ra chán rồi thôi luôn. Anh chị em trong nhà bảo rằng dở hơi, gàn bát sách kinh niên. Cũng oan uổng cho một con người thích sống bình dị, nhưng làm sao mà giãi bầy cho hết khúc nhôi được đây.

Vừa mới rồi,qua một mẩu tin nhắn để dẫn vào facebook, như vẫn hay nhận, tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc được những lời chúc happy birthday mình của mấy hiền huynh, hiền hữu thân quen, sinh sống tại nhiều nơi chỗ khác nhau. Ngoài mấy tiểu bang ở Hoa Kỳ, còn thấy có cả tận bên Úc, trên facebook cá nhân mỗi người. Có người tôi rất ít khi liên lạc thường xuyên, có người bây giờ khá tiếng tăm trong sinh hoạt văn nghệ bên Cali, như ông họa sĩ Cao Bá Minh chẳng hạn, mà từ lâu rồi tôi cũng ngại ngần việc điện thoại qua lại,một phần vì biết cá tính của chàng, phần khác sợ rằng thấy người sang bắt quàng để trò chuyện, và chắc gì ông bạn còn nhớ nhiều đến gã bạn cũ mèm thuở chàng bắt đầu cầm cọ, đứng nguệch ngoạc trước giá vẽ.

Hay mấy hiền hữu, hiền muội khác nữa nữa, vẫn thường email qua lại với tôi, cũng phán cho vài dòng chúc tụng theo kiểu văn chương phây búc,mà nào có thấy đả động tí ti nào ở email đâu. Hình như i meo và phây búc là hai lãnh thổ khác nhau về chữ nghĩa, riêng biệt luật chơi thì phải.

Hẳn chắc rằng mọi người chờ mãi sao không nhìn thấy hồi âm, trong khi tôi cứ im như thóc, ngậm miệng ăn chữ, thế nào chả bị mắng là cái đồ tệ bạc, vong ân bội nghĩa. Cũng oan tình thôi, cứ bình tĩnh rồi sẽ hiểu và cảm thông ngay.Xin cám ơn những tâm tình yêu mến ấy của quý thân huynh, hiền hữu, hiền muội; cùng với lời tạ lỗi và xin xí xóa cho một kẻ tội lệ, dốt nát thời buổi công nghệ cao.

Tự dưng thời gian gần đây, cứ cách vài ngày, tôi vẫn thườngđều đặn nhận được tin nhắn như vậy, để mở vào facebook của ông bạn thân tình gần gũi,cùng đơn vị ngày xưa, ngó nhìn, đọc ba điều bốn chuyện đủ thứ loại của bạn mình ở đó, sẵn dịp nhìn sang mấy facebook nằm liền cạnh. Nhờ thế mới tình cờ biết việc mình được happy birthday trên facebook.

Kèm theo cùng với lời nhắc, cũng như chào mời, kết giao facebook. Điều đáng nói là chưa bao giờ tôi làm thủ tục để có mặt nơi sinh hoạt quen thuộc, thông thường này, và tôi cũng chẳng rành rẽ gì về facebook.

Tôi nhớ lại, có lần cũng thử mầy mò dò tìm, bỗng thấy một khung facebook trống trơn, không hình ảnh và chi tiết nhân thân nào, chỉ hiển thị duy nhất họ tên tôi không bỏ dấu, không chữ lót, kèm theo ngày tháng năm sinh và số điện thoại. Bên dưới là lời thúc dục đưa hình ảnh và giới thiệu đầy đủ về bản thân, để mọi người dễ nhận diện. Có lẽ bạn hữu thân thiết cho đó là Fb của tôi, nhờ ở số điện thoại đã được biết, chứ họ tên không bỏ dấu và ngày sinh tháng đẻ thì biết ai vào với ai, trùng hợp giữa nhiều người là chuyện thường tình.

Tôi đoán ra được chút manh mối đầu đuôi. Cách nay cũng khoảng sáu bẩy năm trước, vì không sang Cali tham dự ngày hội ngộ bạn tù cải tạo các trại Yên Bái-Phong Quang-Vĩnh Quang, nên anh em Ban Tổ chức hướng dẫn cho cách xem hình ảnh mấy ngày hội vui gặp gỡ đó nơi trang mạng của nhóm. Theo yêu cầu, tôi đã phải điền mấy chi tiết như trên. Và rồi do đâu lại xuất hiện ở facebook thì đành chịu, không thể nhớ biết được.

Có lẽ cũng giống như trường hợp chẳng biết như thế nào, bỗng dưng tôi có tên trong một vài groups hay diễn đàn lạ hoắc, để rồi ngày ngày nhận đủ thứ emails từ các nơi gửi đến tới tấp. Cũng chẳng sao, và cứ vừa điểm rồi xóa đi, để khỏi buồn lòng người chuyển gửi.

Xin thưa thật lòng, vốn dĩ tôi rất dốt, chưa đến nỗi đặc hết cả cán cuốc, nhưng chắc cũng phải bốn phần năm chiều dài, trong việc sử dụng computer và internet. Trình độ thuộc loại i tờ nét mà lại còn luôn ù lỳ ngoan cố ngoan ráng, vô cùng lười nhác, không có thiện chí học hành để biết rành rẽ, như những người i tờ rít thuở xưa, hăng hái tham gia phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, để mau thông thạo chữ quốc ngữ.

Tôi sang tới Hoa Kỳ vào những ngày cuối năm 2006, và ít lâu sau mới thực sự được biết đến bàn phím computer cùng internet lần đầu tiên, là quá chậm muộn. Và cũng chẳng học qua lớp dậy sử dụng nào,chẳng có tài liệu hướng dẫn nào, chỉ có mớ kiến thức mỏng tanh, hỏi han con cháu trong nhà, người này người kia, tự mò mẫm tìm hiểu trang bị lấy, để biết đôi chút về một phương tiện văn minh, của một anh cổ cầy vai bừa, thân phận trâu chậm, ngày ngày chân tay còn phải kịch liệt với cuộc mưu sinh cơm áo, nơi đất khách quê người.

Cũng cảm thông thêm cho kẻ chậm tiêu, ngu lâu khó đào tạo mọi thứ như tôi. Chưa kể mắt mũi đã kèm nhà kèm nhèm hơn vì cận thị nặng, và đầu óc thì lơ tơ mơ hồi nào mất rồi. Y khoa nói rằng đây là triệu chứng báo hiệu cho Alzheimer đến nơi. Từ lúc cô con gái út mua cho ông bố cái iPhone 6, xem cũng ra vẻ đấy, nhưng đến nay, tôi chưa biết sử dụng hết các tính năng, và cũng chẳng thấy có nhu cầu. Lần đi dự một đám tang vừa mới đây, bỗng không mà quên cả cái việc đơn giản cỏn con, là cách chuyển điện thoại sang chế độ báo rung. Chưa kể, con cũng đưa thêm cho ông bố cả Ipad và laptop, nhưng thường trùm mền để đấy, chả mấy khi sử dụng, vì mỗi lần đụng đến là lóng nga lóng ngóng, nhớ trước quên sau, nút này phím kia. Rõ thật chán mớ đời cho cái nhà anh đần độn quá mức cần thiết.

Sử dụng computer, tôi chỉ biết nhận và gửi email thông thường; cùng cách tìm đọc tí tỉnh các thứ các cái trên internet, ngoài ra công việc nào đòi hỏi thêm các chi tiết kỹ thuật khácthì chịu thua.

Nguồn cảm hứng đã ít, lại cạn queo, nên thỉnh thoảng rặn chữ, ngồi gõ lóc cóc cò mổ thủ công trên bàn phím, chậm hơn rùa bò, mãi mới xong được một bài viết lăng nhăng, chỉ có những trang chữ trơn, không biết cách đưa thêm vào thứ gì cần thiết, như vài hình ảnh kèm theo…; là cả một sự kỳ công, tôi đã ngưỡng mộ tôi vô cùng. Các tác phẩm loại này của một cây bút có thể đầy hứa hẹn, nhưng khó lòng mà nổi tiếng, thì đã vội về già; cũng chỉ gửi duy nhất cho trang mạng chữ nghĩa của ông bạn thân thiết. Việc chỉnh sửa hình thức trình bầy để sáng sủa, thêm thắt tí hoa lá cành, các hình ảnh minh họa cho bài, đâu phải trách nhiệm của tôi với văn học sử. Và có ai đọc bài viết hay không, cũng chẳng phải điều bận tâm, vì tôi viết chỉ để tìm tí vui với vài ba con chữ, nội dung chẳng đáng gì, xong bài nào coi như quên qua luôn. Nhưng vẫn nhớ mãi việc trầy trật lên bờ xuống ruộng, trong những lúc đánh vật, dở khóc dở cười với computer, cùng đủ thứ món các ký hiệu trên màn hình, bàn phím.

Đây là chuyện khổ nhọc diễn ra dai dẳng thường xuyên với tôi, y như chuyện giữa các bên bênh chống hai ông ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ hiện nay.

Tôi có mấy ông bạn thân tình sao mà tài giỏi quá. Chả biết nguồn cảm hứng từ đâu vô cùng dạt dào, để văn chữ cứ ào ạt tuôn ra như thể các ông nhà mình ấy ra chữ, hoặc trong nhà có sẵn cái máy sản xuất chữ nghĩa không bằng. Và rồi văn bài xuất hiện la liệt đây đó, đọc mờ cả mắt không kịp thở. Chưa kể trình bầy thì đủ thứ huê dạng các kiểu, tranh ảnh minh họa mầu mè đẹp đẽ. Ngắt ở chỗ này một tí, véo ở chỗ kia một chút, đem về đưa vô bài cái vèo, thật ngon lành dễ ợt.Tưởng tượng lúc hai bàn tay các ông ấy lướt qua lướt lại thoăn thoắt trên bàn phím computer, như một nghệ sĩ piano đang say sưa chơi đàn, thấy thán phục biết mấy cho vừa.

Có ông còn là một trong những mò đè ra to (moderator) của forum một trang mạng nhà binh khá quen thuộc, với số lượng đông đảo người theo dõi thường xuyên, thế mới hách chứ. Chả bù cho tôi là cái nhà anh cả đẫn, như ở dưới giếng lâu ngày vừa mới loi ngoi leo lên mặt đất, lóa cả mắt mũi.

Tôi cũng nghe bạn mắng chửi nhiều rồi về cái sự thể ngu lười, không thủng được các ứng dụng văn minh thời đại của mình.

Vài người đã cám cảnh thương hại, nên thỉnh thoảng ra sức dậy hàm thụ kỹ thuật sử dụng computer căn bản, nhưng đầu óc tôi hình như lại không connection được bao nhiêu. Bên cạnh đó, sợ tôi nhàm chán cuộc sống, mới khuyến khích tham gia, bằng sự thiết tha giảng giải thêm cho tôi về facebook, với những thứ liệt kê thật ngon lành, thấy mà ham. Các thầy phán rằng, ngoài việc luyện tay nghề bàn phím, thành thạo internet hơn lên, lại còn có thể giao lưu kết bạn, kết tình với toàn thể nhân loại, bất kể nam phụ, lão ấu, tha hồ chọn lựa. Vơ túm chuyện cả thiên hạ về mà nghe lỏm, hóng hớt mỗi khi muốn. Rồi có mà suốt ngày cứ ôm lấy Iphone hay computer, như không muốn rời một người tình, cứ gọi là bận rộn tíu tít với đủ thứ trao đổi qua lại quanh năm suốt tháng, tha hồ vui chơi trong thế giới mơ ảo mênh mông của facebook, chả bao giờ thấy nhàm chán, cuộc đời cứ nhẹ tênh, mặc kệ mọi thứ phiền não lởn vởn chung quanh, hay những ngày mưa gió bão bùng, cảm thấy cô đơn trống vắng vì phải ở rịt trong nhà, không thể bước chân ra khỏi cửa.

Nhà văn nữ Ingrid D. Rowland có đe dọa ở đâu đó rằng:”Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống, không phải là công việc, mà là sự nhàm chán. Nhàm chán rồi sẽ đâm ra buồn bã. Chỉ có sự bận rộn mới đem đến niềm vui.”

Mấy năm rồi, từ lúc đã nghỉ hưu, và nhất là gần một năm nay, dọn nhà ra ở với vợ chồng cô con gái út, thuộc khu vực ngoại thành phụ cận với Houston, tĩnh lặng và thưa thớt dân cư, xa chỗ náo nhiệt đông vui, có nhiều đồng hương người Việt trước đây. Con cái đi làm vắng nhà cả ngày, quanh quẩn sáng chiều, đi ra đi vào chạm trán suốt buổi với nhau, vẫn khuôn mặt người tình già quen thuộc ấy. Công việc trước sau thì cũng các thứ lặt vặt không tên, trong nhà ra đến ngoài vườn, mọi ngày như mọi ngày, tuần này qua tháng khác, cứ thế mà xoay vòng như đã được lập trình. Bên cạnh việc đỡ đần này nọ đôi chút cho con cái, cũng những sinh hoạt riêng tư, lập đi lập lại không thay đổi, phin cà phê đầu ngày, bình trà thân quen, nghiền ngẫm vài trang sách, nghe một chút nhạc, ngồi trước computer đọc emails bạn hữu, thân hữu; điểm qua các trang mạng để biết tin tức và diễn biến chung quanh cuộc sống… Cách ngày, cách buổi, đi ra chợ đong gạo, mua bó rau muống hay đến nhà thuốc lấy thuốc theo hạn kỳ, đã bị nhẵn cả mặt, thuộc cả tên, đối với các nhân viên ở đó.

Cuộc sống và công việc, cũng như mọi thứ sinh hoạt, đại khái chỉ đơn giản loanh quanh có thế, mà đã thấy bận rộn quá và đủ vui, không có gì gọi là gánh nặng, cũng chẳng lấy gì làm buồn bã hay nhàm chán. Có thể với người khác, chắc như vậy là sự đơn điệu tẻ nhạt lắm, chẳng mấy ngon lành, nhàm chán vô cùng.

Vào những buổi chiều nhập nhoạng, thấy lòng mình trống không, tưởng rằng buồn tênh, nên tôi thường hay ra patio sau nhà ngồi lặng thinh hồi lâu, hút vài điếu thuốc, nhắp môi một tí men cay, ngó mông lung khoảng trời hiu quạnh mờ nhạt xa xăm, ngỡ có nỗi buồn bã nào đã đến, khi đang hoài vọng cố hương, nơi còn gia đình các con và mấy đứa cháu nội ngoại, nhưng mãi rồi vẫn không thấy gì, cứ trơ im. Chẳng nhẽ tôi đạt tới vô cảm vô ưu rồi chắc. Nhưng có điều, chừng như tôi cũng thích sự bận rộn nhỏ nhoi của những buổi chiều này quá đỗi.

Tôi cũng từng có ý định muốn thử mon men vào hẳn facebook, để cho biết với đời và xem những chuyệnbđời ra sao, vì hình như hầu hết các bạn hữu thân tình hay quen biết, kể cả em út, con cháu trong nhà, đều là ủy viên thường trực trung kiên của đảng facebook, và chuyện gì cũng đưa lên facebook. Nhưng nhớ đến sự ngu dốt computer và internet của mình, nên vội thôi ngay cái ý định cuồng liều ấy, đành lòng với sự trơ trọi lạc lõng.

Chưa kể, có ông bạn cực đoan nói rằng, phải hoài nghi về sự chân thật của nhiều người sinh hoạt facebook. Facebook đầy dẫy sự phức tạp vì luôn ẩn chứa nhiều vấn đề muôn hình vạn trạng, dễ đưa đến chuyện tranh cãi không đâu, lời qua tiếng lại ngủng ngoẳng, mắng chửi xưng tụng, khoác lác khoe khoang dị hợm vô lối, ngôn ngữ lộn tùng phèo…, là nơi chỗ thiên hạ vạch áo cho người xem lưng, thậm chí vạch quần cho người xem mông. Nơi đó chỉ dành cho dân buôn, và mặt hàng duy nhất là buôn chuyện, nói theo chữ nghĩa bây giờ là buôn dưa lê. Nghe thấy hãi quá, càng đâm ra sợ facebook.

Ông bạn khác trấn an, khi tham gia facebook chỉ cần biết tỉnh táo giữ mình, trao đổi tin tức chuyện trò giới hạn trong vòng bạn hữu thân quen, đừng hào hứng sa đà kết giao lung tung, dù được chào mời tha thiết ngọt ngào đến mấy, rất dễ bị hỏng cẳng.

Như vậy, facebook là nơi chỗ đơn giản để vui đời hay bát quái trận đồ nhiêu khê rắc rối. Thôi thì nói theo kiểu bình dân, xấu đẹp tùy người đối diện. Tiên hạ thủ vi cường, với một gã ngu ngơ như tôi, để thêm phần chắc ăn, xin kính nhi viễn chi. Coi như đã biết thế nào là facebook, vì đã nói không biết facebook. Chẳng phải cụ Khổng đã dậy cho tinh thần về sự biết như vậy hay sao.

*

Dù không giao tiếp với bạn hữu nơi facebook, nhưng qua những phương cách giao tiếp thông thường, chừng như cung nô bộc của tôi, về phần huynh đệ, cũng có được nhiều niềm vui.

Cùng trong đầu tháng 9 này, ngoài việc bỗng được happy birthday ở facebook đã kể lể bên trên, tôi cũng còn nhận được vài món quà đầy bất ngờ khác, chắc chỉ trùng hợp ngẫu nhiên, vào thời gian ghi dấu ngày sinh tháng đẻ của mình.

Một hiền huynh trước giờ thường chỉ gặp nhau ở một dịp tang ma cưới hỏi hay hội họp thân hữu nào đó, và thỉnh thoảng chuyện trò qua điện thoại; bỗng nhiên một buổi chiều, nhắn tin hỏi địa chỉ và đến nhà thăm, đem theo chai rượu vang làm quà.

Tôi nghĩ hiền huynh có điều gì cần thiết muốn trao đổi. Nhưng rồi sau gần ba giờ đồng hồ ngồi ôn nhớ những chuyện xưa cũ, những khuôn mặt bạn hữu đây đó theo thời gian, người còn kẻ mất; cuối cùng khi tiễn ông bạn vai anh ra về, tôi biết cuộc thăm viếng, đơn giản chỉ để biểu lộ sự yêu mến sẵn có luôn dành cho tôi, và cũng vì suốt mấy tháng dịch bệnh căng thẳng, không cơ hội nào được gặp gỡ nhau. Thật cảm động quá.

Món quà thứ hai, cho đến hôm nay, vẫn còn là một nỗi vui, một điều bí ẩn đầy thách đố thú vị, vì tôi chưa thể nào biết đích thật người tặng cho mình là ai.

Quà là một tập sách, đúng ra là tập tài liệu khảo luận về đạo, dầy 129 trang giấy khổ A 4, bìa cứng đóng gáy lò xo. Cũng khá nặng và khó cầm bằng tay, nên khi đọc phải để trên một giá đỡ. Được gửi đến qua đường bưu điện, ghi giá cước phí $3.95 cho loại media. Không có con dấu bưu cục hầu có thể biết nơi gửi từ đâu. Vuông giấy dán kèm ngoài bao bì chỉ đánh máy duy nhất tên và địa chỉ người nhận là tôi, không đề tên và địa chỉ người gửi.

Nhìn nơi trang đầu bên trong, ngoài nhan đề “KITÔ GIÁO ĐƠN THUẦN”, ngay bên dưới,chỉ ghi hai dòng chữ ngắn gọn tên tác giả C.S. Lewis và người dịch Nguyễn Ngọc Bích, cùng với phần mục lục. Không có thêm bất cứ chi tiết nào khác.

Khi vừa nhận và mở xem qua, tôi liền báo tin nhận được sách, và gửi lời cám ơn tới người bạn cũng có tên như tên người dịch ghi ở tập sách, vì nghĩ rằng đây là người gửi tặng. Ông bạn này là một trong số rất ít người, đếm trên đầu ngón tay, biết địa chỉ chỗ ở mới của tôi; và cũng đã từng có lần ghé chơi, vì nhà khá gần. Bạn tôi hết sức ngạc nhiên về việc cám ơn này và hỏi chi tiết tập sách. Nghe tôi giới thiệu tựa đề,cùng vài nội dung, chàng thành thật nói rằng, cho dù sang Hoa Kỳ từ sớm sau ngày 30.4.1975, rồi đi học thêm, tốt nghiệp đại học, cũng con nhà đạo gốc, nhưng không đủ trình độ để dịch một tác phẩm như vậy. Và cũng chưa bao giờ biết đến chuyện dịch thuật. Có chăng chỉ một vài thứ tài liệu công việc dăm ba trang giấy. Và nếu là thật, sẽ đem đến tặng tận nhà để có dịp gặp nhau chuyện trò, chứ hà cớ gì tốn công ra bưu điện gửi. Bạn tôi cười vui trước việc tự nhiên được mang danh dịch giả một quyển sách giá trị nhờ ở sự trùng tên, nhưng nói thêm không được phép mạo nhận.

Vậy trong số vài người bạn biết địa chỉ mới của tôi còn lại, ai là người đã tặng cho tập sách. Tôi dùng cách loại suy và có thể đoán dần ra được. Nhưng thôi, dẫu sao phải tôn trọng ý muốn ẩn danh ấy, dù không hiểu được lý do.

Qua đây, thưa hiền hữu quý mến nào đó của tôi ơi, xin nhận cho tâm tình biết ơn và cảm kích về sự yêu mến này.Tôi cũng cảm nhận ra điều mà hiền hữu có lẽ muốn nhắn gửi, khi ân cần tặng cho tập sách ý nghĩa như vậy.

Không dám nhận là người yêu quý sách, nhưng mỗi khi được cầm một ấn phẩm mới nào đó trên tay, tôi bắt gặp được nỗi vui nhỏ nhoi thinh lặng, nhất là giữa thời buổi của ebooks, và ít còn thấy các loại sách in xuất hiện. Tập sách này còn đặc biệt hơn nữa với tôi, khi được tặng vào thời điểm ghi dấu ngày sinh của mình

Tập sách được thực hiện khá công phu, vì đánh máy lại một quyển sách đã ấn hành của C.S. Lewis. Tác giả C.S. Lewis (1898-1963), một người Anh thuộc Giáo hội Anh Giáo. Ông cho biết tác phẩm gồm tập hợp của ba quyển “Trường hợp Kitô giáo”(1943), được xuất bản trước đó tại Anh quốc với tựa đề “Những câu chuyện truyền thanh”, “Hành vi Kitô hữu” (1943) và “Vượt trên nhân cách” (1945), cùng các phần thêm vào.

Nội dung tập sách nói về đạo và những vấn đề liên quan rất rộng, có vài đề tài quen thuộc. Nhiều chủ đề, trang đoạn, diễn giải hoặc trình bầy bằng văn chương và ngôn ngữ của triết học cũng như thần học.

Có lẽ tác phẩm được chọn lựa để dịch thuật và thực hiện theo cách này, nhằm mục đích phục vụ cho việc học hỏi, tham khảo trong phạm vi giới hạn của một cộng đồng tôn giáo riêng biệt hay thành phần người đọc nào đó, hơn là phổ biến rộng rãi cho nhiều người. Và chắc vì liên quan đến vấn đề bản quyền, nên không có chi tiết về người dịch cũng như nơi chỗ thực hiện việc ấn hành.

Đọc lướt qua một vài phần trong tập sách, tôi chợt nhớ lại và suy nghĩ về bản thân mình trong đời sống tâm linh.Tiếng là con nhà đạo gốc, nhưng hình như tôi chỉ mới giữ đạo chứ chưa thực sự sống đạo trọn vẹn được bao nhiêu. Cố gắng giữ đức tin, tuân giữ đầy đủ các lề luật như thói quen, và có học hỏi, tìm biết về đạo chỉ ở việc đọc các trang Kinh thánh phụng vụ hàng ngày. Không nhiều thời gian cho lắm để tìm đọc thêm các tài liệu, sách báo về đạo, nhằm củng cố đức tin cho mình, và có thể giới thiệu về đạo cho người khác,mỗi khi có dịp.

Đọc tập sách này và hiểu được trọn vẹn những nội dung tác giả trình bầy, hẳn nhiên cũng không phải dễ dàng. Nếu cố gắng tiếp thụ được ít nhiều, tôi biết tầm nhìn về đạo của mình sẽ được rộng mở thêm lên, với những kiến thức mới.

Một lần nữa, xin được nói lời biết ơn, gửi đến người bạn ẩn danh đã tặng cho món quà quý.

*

Có nhà xã hội học nói rằng, một trong những niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống, là có nhiều bạn hữu tốt và được bạn hữu yêu mến. Và nữa, nơi mỗi một người bạn, lại hiển hiện những hình ảnh về một thời khoảng đã qua của đời mình. Tôi may mắn có được những người bạn tốt, thân tình ở từng thời khoảng cuộc đời như thế. Không cần thiết phải khiêm tốn, tôi biết mình được bạn hữu yêu mến, vì với bất cứ ai và trong hoàn cảnh nào, cư xử giao tình của tôi luôn chân thành và chí tình hết mực. Cũng là “chi giao đạm nhược thủy”, học theo người xưa mà thôi.

Cái ngày 30 tháng Tư năm 1975 quái quỷ ấy ập đến làm đảo lộn mọi thứ, trong đó có các giao tình bạn hữu. Rồi tù đầy và cuộc sống ngược xuôi cơm áo, tưởng chừng càng làm cho tương giao bạn hữu thêm xa cách, lãng quên, chẳng còn lại chút lưu dấu nào.

Nhưng khi sang tới Hoa Kỳ, dù muộn màng, do cơ duyên trong nhiều hoàn cảnh, từ một dịp hội ngộ bất ngờ với người này người kia, rồi chuyển tiếp tin tức, nối dần liên lạc qua điện thoại, qua emails, tôi vui mừng gặp lại được nhiều bạn hữu của tháng năm xưa cũ. Có bạn từ hồi tiểu học, trung học rồi đại học. Có bạn thời quân ngũ, bạn cùng xóm ngõ, bạn tù và những ông bạn một thời tuổi trẻ, cùng tấp tểnh chuyện văn chương chữ nghĩa.

Tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ ân cần thật tế nhị của bạn hữu, và vẫn luôn nhớ mãi về điều đó.

Thường thì trong cuộc sống, chắc ai cũng có những lúc bỗng dưng hoài niệm những điều chuyện nơi tháng ngày cũ xa xăm. Tôi không phải một gã ăn mày dĩ vãng, vì cũng chẳng có gì từng vang bóng, nhưng vẫn hay lang thang đi về ký ức, mỗi khi có sự nhắc nhớ nào đấy chợt đến, nhất là sự nhắc nhớ từ các bạn hữu.

Thời gian yên ổn trước đây, việc bạn hữu luôn gặp gỡ nhau là chuyện thường tình. Nhưng cả nửa năm rồi, từ ngày dịch bệnh lan tràn, mọi thứ đều bị giới hạn tuyệt đối. Dù sinh sống gần gũi, nhưng bị đe dọa bởi dịch bệnh, phương tiện liên lạc thăm hỏi duy nhất là điện thoại và email. Nhiều người thân tình ân cần trấn an tôi thường xuyên, và tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của tôi hơn là bản thân. Các bạn tôi nhớ việc mấy năm trước, tôi phải đi bệnh viện cấp cứu, rồi tiếp theo phải mổ để cắt cục u, phát hiện nằm ở vách ngoài bao tử, mà bệnh lý cũng xếp vào một loại cancer, dù mức độ nhẹ. Sau lần qua cửa tử sinh ấy, rồi bây giờ những ngày tháng dài stay home, ai cũng sợ tôi sẽ hom hem, thuộc thành phần dễ bị dịch bệnh tấn công. Cũng có thể là thế, vì để tả chân dung tôi, đơn giản chỉ cần vẽ một vòng tròn méo mó, rồi ghi con số 72 bên trong, sẽ tưởng tượng ra hình dáng một con người đã qua tuổi bẩy mươi.

Một trong những ông bạn thời trung học, hiện định cư bên Đức, gửi email nói dù có lười biếng, không dài dòng cà kê dê ngỗng vụn vặt, thì chí ít cách một hai tuần, tôi cũng nhớ phải email vài hàng, hoặc chỉ cần vắn tắt hai chữ vô sự, như ngày xưa ghi báo cáo trong sổ trực đơn vị, để yên tâm cho nhau. Nào biết được điều gì bất chợt sẽ đến giữa thời buổi dịch bệnh thổ tả này.

Một ông khác, bạn thân thiết đời lính từ những ngày ở quân trường, chiều cuối tuần tháng 9 vừa đây, bằng giọng ông giáo già chậm rãi và từ tốn, gọi điện thoại từ Cali để chuyện trò thăm hỏi. Ông thú nhận vì lười, nên dù vẫn nhớ nhau, nhưng lâu rồi đã sao nhãng liên lạc. Mới bắt đầu chính thức nghỉ hưu muộn, được những ngày rảnh rang, lại đang mùa dịch, có nhiều thì giờ sắp xếp nhà cửa, đồ đạc, và tình cờ tìm thấy vài hình ảnh nhắc nhớ đến bạn hữu, vội vàng nhấc máy. Tôi nói lười là căn bệnh hay lây và nhiều người mắc phải, kể cả tôi, chứ không riêng một ai. Thật ra, cũng có phần lỗi của tôi (vì cùng chứng bệnh lười), khi vịn cớ nghĩ rằng bạn mình rất luôn bận rộn, thành thử ngại ngần việc chuyện trò thường xuyên, dù qua điện thoại hay emails. Ông bạn nhà binh ngành Quân cảnh của tôi là một trường hợp về sự dũng cảm và chí tiến thủ. Ngày trước, là anh cả trong nhà, nên vừa đi học, vừa đi làm để phụ giúp bố mẹ lo cho các em. Cũng bị đi tù cải tạo Cộng sản, nhưng rồi vượt trại, vượt biển. Đến Hoa Kỳ, lại vừa đi làm, vừa chuyên cần học tiếp, để rồi trở thành một ông giáo. Ngoài Stanford, còn dậy thêm hai trường College cùng lúc. Khi tôi sang tới Hoa Kỳ và biết tin tức của nhau qua bạn hữu, anh chàng gọi điện thoại để động viên tinh thần, sợ tôi nản chí buông xuôi.

Những bạn hữu thân quý và yêu mến của tôi ơi, dù xa mặt nhưng lòng bọn mình vẫn luôn gần nhau phải không nào. Xin cám ơn những ân tình ngập tràn thương mến.

Những thân tình bạn hữu dành cho nhau như vậy thật cảm động quá, làm tôi liên tưởng đến biết bao kỷ niệm đẹp của tình bạn với từng người, nơi mỗi thời khoảng ngày tháng cũ.

Cũng trong tháng 9 này, tôi cũng lại có thêm một niềm vui đầy ngạc nhiên bất ngờ khác nữa, nhỏ nhoi thôi, nhưng để biết rằng mình vẫn được bạn hữu nhớ đến, dù xa cách muôn trùng.

Một người bạn cũ năm xưa ở trường Luật, hiện là Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Sinh viên Luật khoa Houston, qua email, gửi cho tôi bản PDF “Đặc san Luật Khoa mùa Thu 2020”, do Gia đình Luật Khoa Bắc California thực hiện và ấn hành, giữa tháng 9 mới rồi.

Điểm qua mục lục, tôi tìm đọc bài “Chuyện tình trường Luật” của Luật sư Phạm Mỹ Lộc (Michael Phạm, sinh viên Luật khoa 1966-1970). Đây là người bạn tài hoa thân thiết, cùng chung nhóm sinh hoạt văn nghệ báo chí với nhau, từ năm thứ nhất trường Luật Sàigòn hồi 1966, mà đã rất lâu, có lẽ cũng năm mươi năm, tôi bặt tin và hầu như đã quên bẵng. Bạn tôi kể lại kỷ niệm về tình yêu của anh ngày đó, và có đoạn văn nhắc đến tên tôi trong việc thực hiện tập nhạc đầu tay”Những bài hát cho tình yêu”, gồm 8 tình khúc do anh sáng tác, khi đang học năm thứ hai. Anh đã giao phó hoàn toàn cho tôi kẻ nhạc, cũng như viết tay lời của các bản nhạc để in ấn, bằng hình thức ronéo type.

Không biết tại sao bạn tôi chọn nhầm người để trao một công việc quan trọng như thế, và cũng không biết tại sao tôi lại dám liều lĩnh nhận lời để thực hiện, khác nào Việt Cộng cả gan mở cuộc Tổng tấn công vào Sàigòn Tết Mậu Thân năm1968.

Khi ấy Phạm Mỹ Lộc là một nhạc sĩ guitar Classique điêu luyện, đang đi dậy môn này ở một trường nhạc tư nhân, và hàng tuần, phụ trách đệm nhạc cho một chương trình văn nghệ trên đài phát thanh Sài gòn. Trong khi tôi thì có hì hục ghè đục cả buổi, không biết có mẻ được mẩu nào của nốt do re mi fa sol la văng ra. Cũng mừng mọi chuyện đều thật tốt đẹp, trong đêm nhạc giới thiệu được tổ chức, đông đảo bạn hữu trong trường và các phân khoa bạn đến tham dự, đã nồng nhiệt đón nhận tập Tình ca ấy của bạn tôi.

Chỉ sau thời gian đó ít lâu, tôi bị động viên nhập ngũ và rồi cuốn hút vào tháng năm đời lính, quên hết bạn cũ trường xưa. Hôm nay, bất ngờ được bồi hồi gặp lại, dù chỉ qua mấy trang chữ của bài viết, và ảnh chụp bán thân tác giả bạn mình kèm theo (nhìn đã già hơn xưa, hẳn nhiên, như tôi bây giờ). Quả thật một niềm vui không đợi chờ mà đến. Cám ơn Phạm Mỹ Lộc, ông bạn tài hoa thân mến ngày cũ, đã nhắc lại kỷ niệm đáng yêu, làm bồi hồi quá đỗi,nhớ sao là nhớ một thời tuổi trẻ thật đẹp vui của bọn mình.

Tìm hiểu và đọc thêm các bài viết đây đó, mới biết bạn tôi tiếp tục học lên khi sang Hoa Kỳ du học năm 1971. Thế rồi, bên cạnh công việc một Tiến sĩ Luật và Kinh tế, Phạm Mỹ Lộc còn học hỏi thêm về âm nhạc cũng như chuyên tâm khảo cứu âm nhạc Việt Nam, nhất là Dân ca, mà bạn tôi đã mê mẩn từ hồi bắt đầu làm quen với cây đàn guitar. Ngoài ra, Phạm Mỹ Lộc còn là tác giả nhiều ca khúc trữ tình, sáng tác thêm sau này, được giới thiệu trên mạng internet.

Xin chúc mừng sự thành đạt và thành danh của người bạn cố cựu trong niềm cảm phục.

Thỉnh thoảng trong các bài viết đăng tải ở đây đó, tôi cũng được bạn hữu nhắc nhớ đến tên như vậy, cùng một kỷ niệm với nhau nào đấy.

Nói đến người bạn và kỷ niệm nhỏ về âm nhạc này, tôi lại nhớ đến một ông bạn rất thân thiết khác, vừa là bạn cùng xóm muống ven kênh Nhiêu Lộc Phú Nhuận, vùng cư xá kiến thiết cổng xe lửa số 6, bạn nhập ngũ cùng khóa 3/69 Thủ Đức, nằm cạnh nhau ở một trung đội sinh viên sĩ quan,và cùng phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị Không quân sau khi mãn khóa, cùng đi học thêm một khóa huấn luyện chuyên ngành trên trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt năm 1970. Sau tháng Tư năm 1975, lại cùng là bạn tù cải tạo, ăn ở bên nhau mấy tháng đầu, trước khi bị chia xa vì chuyển trại đi nơi khác.

Khi ra khỏi trại tù cải tạo đầu năm 1981, anh chàng này đưa vợ con vượt biển thành công, đến được Australia. Ngoài việc kiếm cơm hàng ngày, anh chàng xông xáo hoạt động trong nhiều lãnh vực, từ hội đoàn, đoàn thể, rồi văn nghệ, báo chí, phát thanh… Anh chàng tham dự nhiều sinh hoạt quân chủng Không Quân, thường xuyên tham gia diễn đàn, trong nhóm phụ trách tờ Lý Tưởng Úc Châu, góp nhiều công lao thực hiện quyển Quân sử Không Quân. Là khuôn mặt rất quen thuộc trong giới đội mũ ca lô bên xứ Kăng gu ru.

Chưa hết, tuy không thuộc giới sáng tác hay trình diễn, nhưng anh chàng mình lại nổi danh một thời trong sinh hoạt âm nhạc, và chắc tiếng tăm sẽ còn lưu lại mãi nữa. Chàng lấy bút hiệu Hoài Nam (một bút hiệu có nhiều người sử dụng quá), trong thời gian công phu biên soạn và thực hiện chương trình “70 năm Tình ca Việt Nam”, từ hơn mười năm trước đây. Chương trình như một hình thức nhạc sử, khá nổi tiếng và được đón nhận nồng nhiệt, vì nhắc kể về những tác giả, những nhạc phẩm, những ca sĩ thời danh quen thuộc, cùng những câu chuyện liên quan, qua từng giai đoạn của dòng nhạc nói về tình yêu, từ 1930-2000.

Chương trình “70 năm Tình ca Việt Nam” phát thanh hàng tuần trên làn sóng đài phát thanh SBS Úc châu (tiếng Việt), ròng rã non hai năm trời liên tiếp, qua 94 kỳ, tổng cộng dài hơn hơn 40 giờ thu âm, bằng chính giọng đọc trầm ấm truyền cảm của chàng (nhờ khói và nhựa thuốc lào lâu ngày).

Hồi tôi mới đến Hoa Kỳ và liên lạc lại được với nhau năm 2007, đã nghe chàng khoe kể về chương trình được thính giả ưa thích này. Chẳng ngờ càng ngày, chương trình của ông bạn tôi lại được thêm nhiều người biết tới, yêu thích, rồi cứ thế chuyển tiếp cho nhiều người khác nữa, và vẫn còn tiếp tục được nhắc đến, được giới thiệu.

Không dám mặc áo sơ mi vái nhau, nhưng xin cho tôi được tán tụng bạn mình, vì đã thực hiện một công việc có giá trị và ý nghĩa như thế, mà nhiều người cũng đồng ý công nhận.

Cũng không biết có được phép kể thêm tên ông bạn tù Thanh Trang, một nhạc sĩ quen thuộc của nhiều bài tình ca nổi tiếng từ trước 1975 cho đến hôm nay, mà tôi cũng có nhiều điều quên nhớ trong thời gian ở chung trại cải tạo Long Giao 1976-1977, và lúc sau này khi ra khỏi tù, vì nhà chúng tôi gần nhau.

Như vậy, tôi có các bạn hữu tài hoa quá, và còn nhiều người nữa không nhắc đến trong bài viết này. Nếu cứ vin vào câu ngạn ngữ Anh: “hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”, để đối chiếu vào trường hợp của tôi, hẳn nhiên chẳng đúng lắm đâu. Nhưng các bạn hữu của tôi chắc cũng không từ chối nhận tôi là bạn, khi tôi nói tôi là bạn của họ.

*

Giữa tháng 9 vừa đây, tôi biết tin nhà văn Nhật Tiến từ trần, liền theo tin hiền nội của ông, nhà văn Phương Khanh, cũng mới giã từ cuộc sống vào cuối tháng 8 trước đó, chưa quá ba tuần lễ. Tôi bùi ngùi nhớ lại hình ảnh người thầy cũ, gần sáu mươi năm trước, cùng chút chuyện nhỏ nhoi của mình, nơi thời khoảng này.

Thầy Bùi Nhật Tiến dậy môn Lý Hóa năm tôi học đệ Lục và đệ Ngũ niên khóa1960- 1961, 1961-1962 tại trường Lê Quý Đôn Sàigòn, nằm ngay góc ngã ba Phan Đình Phùng- Nguyễn Gia Thiều. Ngôi trường xây cất mới tinh, do ông bà Nguyễn Ngọc Linh – Phạm Thị Thu ở ngoại quốc về, sáng lập và khai giảng năm học đầu tiên thời gian đó, cùng với một trung tâm dậy Anh văn tại đây. Nếu bố tôi cứ để tôi tiếp tục học tại trường Nguyễn Khuyến của thầy Bùi Hữu Sủng, dưới ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, cách đấy một đoạn đường ngắn, hẳn nhiên tôi đã không được gặp thầy.

Tôi vẫn còn nhớ dáng vóc thầy Bùi Nhật Tiến ngày ấy. Hơi nhỏ người một chút so với các thầy khác, nhưng là thầy giáo trẻ nhất, có khuôn mặt thật sáng, ánh mắt cương nghị sau đôi kính trắng và mái tóc đen dầy hơi quăn xoắn,được chải gọn ghẽ, làm nổi bật vầng trán cao. Giọng thầy giảng bài nhỏ nhẹ và luôn tận tình với lũ học trò nhỏ chúng tôi, những khi bối rối với các công thức hóa học mới mẻ. Trang phục của thầy bao giờ cũng tươm tất, áo sơ mi ngắn tay trắng bỏ trong quần và luôn thẳng nếp. Tôi còn nhớ chiếc xe gắn máy mầu xám của thầy, dường như hiệu Sachs của Đức thì phải. Thầy Bùi Nhật Tiến để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ là điều dễ hiểu.

Vì cũng ở năm đệ Lục này, thầy Nguyễn Văn Hiếu (họa sĩ Văn Hiếu, tác giả hai nhân vật bé Ngôn bé Luận, cùng loạt truyện tranh cùng tên trên nhật báo Ngôn Luận thời bấy giờ), dậy Việt văn, đã truyền cho tôi, cậu học trò nhỏ, từ chỗ yêu thích môn học, rồi sớm biết cảm nhận và cảm thụ tình yêu văn học, dù trong một bắt đầu hiểu biết giới hạn, chừng mực. Cũng từ sự khuyến khích của thầy, tôi háo hức khởi sự ti toe viết những bài văn ngắn, gửi cho báo thiếu niên, nhi đồng.

Ngoài giờ học, nhất là buổi chiều, tôi vẫn thường vào thư viện của trường và tìm đọc mê say các loại truyện, bầy dài trên từng kệ tủ. Ngoài các tác phẩm quen thuộc của nhóm nhà văn Tự Lực văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, truyện của tác giả Hoài Điệp Thứ Lang, Hoàng Ly, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Phạm Cao Củng, cùng các tác giả thời tiền chiến khác; dĩ nhiên không thể thiếu mấy tác phẩm của thầy Bùi Nhật Tiến đã ấn hành như Những Người Áo Trắng, Những Vì Sao Lạc. Tôi đã có một cảm giác rất lạ, vì lần đầu tiên được gần một nhà văn nổi tiếng đương thời, cũng là người thầy mà mình vô cùng ngưỡng mộ như thần tượng. Tôi đã ước mơ sau này sẽ được làm văn sĩ như thầy.

Từ thầy Bùi Nhật Tiến, tôi cũng có cùng tâm tưởng như vậy, khi lên đệ Tứ, học với thầy Hư Chu, dậy Sử Địa [thầy tên thật Nguyễn Kỳ Thụy (1923 – 1973), một nhà văn thời hậu chiến ở Hà Nội trước 1954, tác giả tập “Thơ, Nghiên, Hoa, Mộng”do nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê Sàigòn ấn hành năm 1955]; thầy Bằng Phong, dậy Việt văn (thầy tên thật Trần Ngân, và bút hiệu, biệt danh Bằng Phong, sử dụng từ những năm tháng hoạt động trong các Phong trào, Mặt trận của giới Công giáo vùng Phát Diệm quê tôi, cùng với linh mục Hoàng Quỳnh, nổi tiếng trong một giai đoạn lịch sử, hồi cuối thập niên bốn mươi, đầu năm mươi. Thầy và giáo sư Việt văn Nguyễn Duy Diễn là bạn của thi sĩ Hồ Dzếnh thời còn trẻ).

Cũng năm lớp đệ tứ này, tôi được học vẽ với họa sĩ Nguyễn Sao. Thầy khuyến khích tôi sau này nên đi theo hội họa, vì cũng có vẻ bộc lộ chút năng khiếu, qua những bài tập vẽ tranh mầu nước ở lớp, được thầy chấm điểm cao và chú ý. Nhưng rồi chẳng bao giờ tôi dính dáng chút gì với cọ mầu, giá vẽ.

Có thêm thầy Bàng Bá Lân, người thi sĩ của đồng quê, dậy Việt văn, đã đưa tôi đến với tình yêu thi ca, khi tôi chuyển về học đệ Tam trường Lê Bảo Tịnh năm 1964 cho gần nhà [thầy có tên họ gốc Nguyễn Xuân Lân (1912-1988), sau mới đổi thành Bàng Bá Lân, nổi danh từ thời tiền chiến, cùng thế hệ với nữ sĩ Anh Thơ, Nguyễn Nhược Pháp…]

Thế rồi học tiếp lên trên,xong trung học và bước vào mấy năm đại học, tôi được gặp nhiều thầy nữa, nhưng không ai để lại trong tôi những cảm xúc mạnh mẽ như những thầy kia, nhất là thầy Bùi Nhật Tiến.

Đầu năm 1969, tôi nhập ngũ và bị cuốn hút vào đời lính, xa quên dần tất cả mọi thứ sinh hoạt thời đi học. Và nữa, những biến chuyển dồn dập tiếp theo của đất nước, kéo theo từng lao đao của cuộc sống gia đình cùng bản thân, trôi quên xóa mờ nhiều thứ, nhiều điều chuyện.

Thời gian còn ở lại Việt Nam sau năm 1975, và sau những năm tháng dài tù đầy biền biệt trong hai lần lao tù Cộng sản trở về đời thường, tôi có nghe biết việc một trong mấy cô con gái của thầy Bùi Nhật Tiến, kết hôn với người con trai ông anh họ hàng bên nội của tôi ở California. Nhưng sau rồi mái gia đình này cũng tan vỡ. Tôi nghĩ hẳn rằng thầy Bùi Nhật Tiến đã buồn lắm, vì đọc những trang văn của thầy, dễ thấy thầy là người sống giầu tình cảm và coi trọng tình nghĩa gia đình.

Khi sang Hoa Kỳ, đã nhiều lần tôi dự định việc liên lạc để chào thăm người thầy cũ mà mình yêu mến, ngưỡng mộ; nhưng không hiểu sao cứ mãi chần chừ ngại ngần, nên chưa bao giờ thực hiện được điều này.

Hôm nay đây, dẫu sau muộn hơn mọi người, mọi giới; người học trò cũ nơi năm tháng xanh xưa ấy, xin được tâm thành vọng tưởng, gửi theo hình bóng thầy Bùi Nhật Tiến, cùng hiền nội của thầy nơi cõi vĩnh hằng, tất cả tâm tình quý mến và xin cung kính bái biệt.

Hình như có một nghiên cứu nói rằng trong cuộc sống con người, ngoài những nhu cầu vật chất cần thiết, hẳn nhiên cũng phải có thêm những nhu cầu khác cho đời sống tinh thần, mà âm nhạc là một trong những thứ được kể đến hàng đầu. Cuộc sống không có âm nhạc sẽ là sự thiếu thốn và đầy tẻ nhạt. Âm nhạc có khả năng làm dịu tâm hồn và làm sạch tâm trí. Cũng dễ hiểu, vì âm nhạc, cách riêng những tình khúc, thường đưa ta phiêu diêu đi về ký ức nhớ nhung, đánh thức từng kỷ niệm xưa cũ, dẫn ta lạc lối vào nhiều nơi mê ảo khoan khoái đây đó.

Nhưng có khi nghe vài câu hát của một bản tình ca, tâm hồn ta bỗng nặng nề và tâm trí ta lại bị khuấy động, vì những nghĩ nhớ loanh quanh vẩn vơ. “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại… Làm sao em biết đời sống buồn tênh. Đôi khi ta lắng nghe ta. Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về… Ôi tiếng buồn rơi đều, nhìn lại mình đời đã xanh rêu…” (Tình xa, Trịnh Công Sơn).

Tôi đã ngẩn ngơ biết mấy khi nghe những giai điệu và lời bài hát này vào một buổi chiều muộn tháng 9, lúc ngồi lặng thinh ở patio sau nhà, và cũng đang nghĩ nhớ loanh quanh vẩn vơ về đời mình theo dòng thời gian. Những ngày tháng đời đã lần lượt qua đi nơi những chỗ nào rồi nhỉ.

Tôi thầm nhẩm đếm và nhớ lại lần tham dự cuộc phỏng vấn trong chương trình giới thiệu những khuôn mặt người Việt ở Hoa Kỳ, cách nay cũng hơn chín năm. Hôm ấy, người phụ trách phỏng vấn đã hỏi chuyện tôi, cũng bắt đầu từ nơi chôn nhau cắt rốn, rồi cuộc sống tiếp theo, cùng các kỷ niệm còn nhớ, các diễn biến chung quanh, ở từng nơi chỗ tại Việt Nam, cho đến khi sang tới Hoa Kỳ cuối năm 2006.

Bỗng không, khiến tôi chợt khởi đầu liên tưởng đến miền quê ấu thơ, và thời gian sôi bỏng mấy tháng cuối năm 1954 ngày ấy. Nếu không kịp di cư vào Nam, sau khi hiệp định Geneve được ký kết, gia đình và mình sẽ ra sao nhỉ. Chắc chắn ở dưới quê, ông bà nội sẽ bị đấu tố đầu tiên trong đợt Cải cách ruộng đất dã man và tàn khốc, vì bị liệt vào thành phần địa chủ. Tại thị trấn Phát Diệm, nơi gia đình tôi sinh sống cũng khá sung túc, nhờ có cửa hiệu buôn bán, và bố mẹ tôi rất quen thuộc trong thương giới địa phương và nhiều tỉnh thành, rồi sẽ đi đến kết cục thật dễ biết. Bố tôi vào tù và bị đầy ải lên vùng rừng thiêng nước độc, khó có ngày về; bởi lẽ công an Việt minh đã biết quá rõ những hoạt động đoàn thể, đảng phái quốc gia của ông, nên từng nhiều lần nhắn tiếng lên án, đe dọa. Mọi thứ tài sản cơ nghiệp bị tịch thu và gia đình hoàn toàn trắng tay. Tôi không thể tưởng tượng nổi mẹ tôi khi ấy, một phụ nữ chưa quá ba mươi sáu tuổi, dù rất quen tháo vát ngược xuôi, nhưng một nách bẩy đứa con lít nhít bên cạnh, sẽ xoay sở ra sao với cuộc sống dưới chế độ Cộng sản. Hai chị lớn, mười lăm và mười hai tuổi, vừa được đón về từ nội trú trường dòng, chú em út mới qua thôi nôi và kế út lên hai, còn đang do hai chị vú trông giữ.Tôi tuổi lên sáu, bắt đầu đi học lớp Năm, dưới một ông anh và trên một cô em. Và mọi chuyện sẽ như thế nào nữa với từng người trong gia đình. Nhưng chắc chắn những bóng tối hãi hùng sẽ sớm bắt đầu chụp phủ ngay trên đầu chúng tôi, tất cả là tan tác, mù mịt hết.

Và nếu đúng vậy, ngày tháng vẫn lặng lẽ qua đi, có thể tôi đã không còn hiện diện bên cạnh cuộc đời, hoặc đang ngồi lại ở đâu đó, chứ không phải hôm nay, nơi chỗ này, một xó xỉnh quái quỷ trên đất nước Hoa Kỳ, xa cố hương tít tắp nghìn trùng cả gần nửa vòng trái đất .

Cũng may, tất cả đã đi theo một hướng khác, không hoàn toàn như mong muốn, nhưng cuộc sống của một gia đình di cư từ đất Bắc để tỵ nạn Cộng sản, cũng thật an lành tại Sài gòn, phương trời tự do miền Nam nắng ấm.

Và tôi, cùng một phần gia đình, bây giờ ở đây. Điều mà bao nhiêu năm tháng về trước có khi nào nghĩ đến hay tưởng tượng ra.

Tôi đi qua tuổi thơ, rồi trưởng thành giữa những tháng năm quê hương bình yên ngắn ngủi, và triền miên những đau thương khổ hạnh vì chiến tranh, vì những bể dâu của đất nước, của gia đình cũng của như chính tôi.

Những đời sống buồn tênh, sóng âm u dội vào đời buốt giá, hồn ta gió cát phù du bay về, những tiếng buồn rơi đều, đời đã xanh rêu…, chỉ là sự kể lể, diễn tả bằng ngôn ngữ của nhạc và thi ca, về những tân khổ thường gặp nơi cuộc sống.

Tôi đang nhìn lại đời mình và dường như thấy cũng đã có gặp đủ cả. Có hạnh phúc và khổ đau, có sướng vui và buồn phiền, có may mắn và hoạn nạn, có no đủ và thiếu thốn, có sum vầy và chia xa, có nước mắt và môi cười, có yêu thương và giận ghét, có ngọt bùi và đắng cay, có chân tình và lừa lọc, có đông vui và cô đơn…

Nhân tình thế thái là như vậy, làm sao tránh khỏi. Nhưng tôi biết rằng mình đã không bao giờ gian trá và giả dối. Cuộc sống tôi chưa khi nào giầu sang, để trở thành kẻ hợm hĩnh; và cũng may mắn chưa lâm vào cảnh quá đỗi túng quẫn, để có thể có những hành động đánh mất tư cách. Tôi không có khí phách anh hùng, nhưng cũng chưa bao giờ tỏ ra hèn mạt khiếp nhược. Tôi chưa phải một hiền nhân quân tử, nhưng không bao giờ là kẻ tiểu nhân đốn đời. Chính nhờ vậy mà tôi giữ được là chính tôi cho đến hôm nay, luôn sống đàng hoàng và tử tế. Ước mong sao, tôi vẫn mãi là tôi, cho dù giòng đời có như thế nào

Thời gian này đây, tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn, vì với tôi, mọi sự như thể vẫn đang được yên lành. Nhưng làm sao có thể biết ngày mai điều gì sẽ đến, sẽ xẩy ra cho mình.

Kinh Thánh dậy rằng: “ngày mai là của ngày mai. Sự khổ nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Sách Mát Thêu 6, 34).

Xin vâng nghe như vậy.

ngọctự

(đầu tháng 10/2020, khu Grand Vista)

(thị xã Richmond, Fort Bend, Texas)