Hãy quan tâm tới nhóm Hiến Pháp

1

ĐCV: In hiến pháp, phổ biến hiến pháp để người dân biết các quyền của họ, mà bị đi tù ư? Quyền biểu tình, quyền lập hội và rất nhiều quyền khác đều được hiến định nhưng không được thực thi, chính vì vậy, những người phổ biến hiến pháp bị bắt giữ?

————————————–

Vào ngày 14/01/2020, Tòa án Nhân dân TP.HCM quyết định đưa vụ án “Nhóm Hiến Pháp” ra xét xử công khai tại trụ sở tòa án theo thủ tục hình sự sơ thẩm, với tội danh bị truy tố là “Phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Vụ án truy tố 08 ông bà có tên như sau :

1. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh
2. Hoàng Thị Thu Vang
3. Đỗ Thế Hóa
4. Hồ Đình Cương
5. Lê Quý Lộc
6. Ngô Văn Dũng
7. Trần Thanh Phương
8. Đoàn Thị Hồng

Được biết, một trong các hoạt động của nhóm này là mua sách in bản Hiến Pháp năm 2013 của Nước CHXHCN Việt Nam phân phát cho công chúng để họ biết các quyền hợp pháp của mình. Do đó, nhóm thường được công chúng và ngay cả cơ quan điều tra gọi là “Nhóm Hiến Pháp”.

Nhóm đã từng tham gia biểu tình chống hai dự thảo luật: Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng vào dịp ngày 10/06/2018. Sau đó, nhóm chuẩn bị phương tiện, tổ chức một cuộc biểu tình khác vào ngày 04/09/2018, nhưng chưa khởi sự thì đã bị bắt giữ. Trong số tang vật bị bắt giữ có cả các roi điện tự chế (ống tre + pin tích điện).

Tuy nhiên, vào trước ngày xét xử, ngày 13/01/2020, Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa theo Quyết định số 256/2020/QĐXXST-HS ngày 13/01/2020 của thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh lý do hoãn phiên tòa là cần có thời gian xem xét và giải quyết đơn của ông Lê Quý Lộc, bị cáo trong vụ án, yêu cầu mời người làm chứng.

Theo Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Tuy nhiên, đến ngày 13/02/2020, Tòa án vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một số phiên Tòa sau Tết phải hoãn do dịch Corona. Cùng ngày, facebook Nga Kim, vợ của ông Ngô Văn Dũng, một trong 8 thành viên của nhóm Hiến pháp đã đăng lên facebook cá nhân: “Theo quyết định hoãn không quá 30 ngày. Nên tôi yêu cầu nhà cầm quyền và tòa án thành phố HCM nên làm đúng quyết định. Các ông cũng có gia đình vợ con, các ông cũng là con người cũng có lương tâm để suy nghĩ. Khi nghe chồng tôi chuẩn bị ra tòa xét xử mẹ con tôi và anh chị em tôi đi hàng mấy trăm km để tham dự phiên tòa công khai. Đến ngày cuối cùng mấy ông hoãn có khốn nạn nào bằng.”

Đến thời điểm này, có 6 luật sư tham gia bào chữa cho nhóm Hiến pháp, đó là các luật sư: Lê Khả Thành, Hà Huy Sơn, Đặng Đình Mạnh, Đặng Thị Kim Xuân, Ngô Ngọc Trai và Nguyễn Văn Miếng.

Trước đó, một số thành viên của nhóm Hiến pháp đã được đưa ra xét xử.

Vào ngày 28-12-2018, TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Ông Huỳnh Trương Ca (47 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) năm năm sáu tháng tù về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vào sáng ngày 20/3/2019, ông Lê Minh Thể bị Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ tuyên phạt 2 năm tù giam vì bị cáo buộc tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

Vào 23/8/2019, bà Dương Thị Lanh bị tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 8 năm tù giam với cáo buộc “Phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo trang Người Bảo Vệ Nhân Quyền, cho đến trước ngày 4/9/2018, nhóm Hiến pháp không có trường hợp nào bị chính quyền bắt bớ nhưng sau ngày 4/9/2018 thì những đợt bị bắt bớ liên tiếp diễn ra. Hiện tại nhóm Hiến pháp đã có 11 thành viên bị bắt bớ và thành viên Lê Minh Thể là người bị bắt thứ 11 tính đến thời điểm hiện tại.

Trương Thị Hà

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện hiến pháp và luật pháp của cái nhà cầm quyền gọi là cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN chẳng giống nước nào. Cũng có tòa án, có luật sư nhưng luật sư chỉ hiện diện để nghe tuyên án chứ không được cãi. Chưa hề có cái case nào mà luật sư được cho cãi và cãi thắng quan tòa ở cái nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Phú Trọng và “kẻ” bị xử được tha bổng vì vô tội. Đó là những tội không phải tội nhưng vẫn bị đảng kết tội là “phá rối trật tự” và “lật đổ “chính quyền”.

    Những tội về chính trị. Hễ muốn bắt người nào là đảng cứ bắt và gán cho cái tội “lật đổ chính quyền” và xử bỏ tù là xong. Chẳng hạn “tội” yêu nước, quan tòa là những kẻ bán nước ngồi xử người yêu nước. Hỏi như vậy có ngược đời không nên Nguyễn Phú Trọng cứ một mực đòi tiến lên chủ nghĩa xã hội là vậy. Theo chủ nghĩa xã hội thì đảng làm “đầy tớ” của dân vì hiến pháp ghi như vậy chứ theo tự do và dân chủ thì dân sẽ đòi quyền làm người. Xã hội chủ nghĩa thì không có nhân quyền. Người dân không có quyền bào chữa hoặc tố cáo “chính quyền” nhà nước đảng. Với các vụ xử tội yêu nước đòi bảo vệ đất nước thì chỉ khi có áp lực của quốc tế thì đảng mới xử tống đi ra nước ngoài là xong. Còn xử những vụ đảng cướp đất của dân thì tòa xử huề. Tức là dân thua và nhà cầm quyền thắng. Chẳng có bồi thường cho dân mà cũng chẳng có thằng quan ăn cướp nào bị bắt bỏ tù. Luật sư trong tất cả các vụ xử chỉ hiện diện để tô vẽ cho bộ mặt của chế độ ra cái vẻ văn minh và công bằng như các nước khác nhưng tòa cấm tiệt không được biện hộ và mức án cho “tội nhân” đã được đảng định sẵn. Không có chuyện tha hay giảm khi đảng đã chỉ định tòa phải thi hành theo lệnh đảng.

    Đất nước còn đi theo xã hội chủ nghĩa thì không bao giờ có nhân quyền!
    nv

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên