Tản mạn về một bài viết: Một môn học mà thầy không muốn dạy trò không muốn học của Lý Chánh Trung

4

Tôi đã dụng tâm lấy lại tựa đề bài viết của Giáo sư Lý Chánh Trung đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật, 13.11.1988 làm tựa đề cho bài viết của mình. Nay đã 35 năm trôi qua, 1988- 2023, qua mà như thể nó vẫn đúng.

Cũng ít ai làm như thế, vì thiếu gì tựa đề. Dụng tâm đó có thể là muốn nhắc lại, như ghi nhớ hình ảnh những người đã gặp, đã đi qua đời tôi. Nhưng cũng đồng thời muốn nói cho mọi người, nói cho độc giả đọc bài này thấy rằng: Cái tựa đề đó hay quá, súc tích và đủ nghĩa, muốn chê cũng không được. Vì thế, phần đầu bài viết của tôi chỉ cố gắng triển khai cái tựa đề của bài viết mà không đụng tới nội dung bài viết.

Ông Lý Chánh Trung, mặc dầu dân du học Pháp nhưng gốc gác vốn dân Vĩnh Bình, còn gọi là Trà Vinh, thuộc miền Tây. Ông bảo, về đến Vĩnh Bình là như chui vào cái rọ: tới nữa là lọt xuống biển, sang hai bên thì đụng hai cửa sông Cửu Long. Ông là dân miệt vườn, chữ nghĩa tuy có đầy mình nhưng cách diễn tả vẫn là dân ruộng, có sao nói dzậy. Ông nói: một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học.

Ðối với ông cũng như đối với dân ruộng, nói dzậy là đủ rồi. Qua không muốn nói nữa. Ðủ rồi là không cần nói nữa, nói nữa là thừa. Nói nữa là qua nổi quạu.

Ðã không nói nữa thì ta thử xem, tựa đề đó muốn nói cái gì? Có đời nhà ai, có cái môn học kỳ quái gì mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học? Thường thì chỉ có trò không muốn học. Ðiều đó hiểu được đối với những tên học trò lười. Nhưng học trò giỏi, học trò chăm thì vẫn muốn học.

Nhưng chữ trò ở đây, ông thầy muốn ám chỉ tất cả mọi trò, không trừ đứa nào. Ðứa dốt không muốn học đã đành, đứa giỏi cũng không muốn. Ðứa nhà quê, đứa ở tỉnh, đứa trong Nam, đứa ngoài Bắc, đứa học năm nay, đứa năm tới sắp lên, đứa thế hệ hôm nay, đứa thế hệ ngày mai…

Tất tần tật. Tất cả các trò, bất kể lứa tuổi, bất kể trai gái đều không muốn học.

Chúng đồng lòng bảo nhau không muốn học.

Trò đã không muốn học, đến thầy cũng không muốn dạy là cớ làm sao? Ai đã từng đi dạy học đều ôm lấy nghề, ấp ủ môn mình dạy như đứa con tinh thần. Nghề dạy nó chỉ cao quý ở chỗ ấy, chỗ muốn truyền đạt, muốn để lại di sản tinh thần cho những thế hệ đàn em. Nhưng chính ông thầy không muốn dạy thì còn gì là giáo dục?

Không thể có một nền giáo dục chân chính khi không có thầy, hay có thầy mà thầy không muốn dạy. Không thể nói tới một nền giáo dục hay một môn học mà cả người đi dạy và người đi học đều không muốn nhìn nhận nó.

Mà khi thầy không muốn dạy và trò không muốn học có nghĩa là những người lớn, những đàn anh, những cha mẹ, những cô dì chú bác, những bạn bè, những họ hàng, những láng giềng đều đã có thời chui qua cái ngưỡng cửa hẹp của môn học đó rồi.

Họ đều đã có thời không muốn học. Và ngay cả những kẻ cầm quyền, những kẻ đang hò hét ở bên trên bắt người khác phải học cái môn học đó, cũng đã một thời cố thu nhỏ mình lại để có thể chui lọt qua cái lỗ nhỏ của môn học ấy.

Họ cũng đã cố nhồi nhét cho xong, trợn mắt trợn mũi nuốt cho bằng được chữ nghĩa của môn đó, ê a tụng như tụng kinh cứu khổ. Họ học mà không tin, biết nó tào lao, nhưng vẫn học.

Nói cho cùng, té ra cả nước đều không ai muốn học.

Nhưng nếu không muốn dạy mà vẫn phải dạy, không muốn học mà vẫn phải học thì cớ sự sẽ ra làm sao? Còn làm sao nữa, chết cả nước! Hậu quả không lường hết được.

Nào ta thử xem. Thầy không muốn nói cứ phải nói trở thành giả dối, nói điều không thật, nói một đằng nghĩ một nẻo, hay nói xuôi, nói ngược, nói lắt léo. Thầy lúc đó đánh mất phẩm cách, tự hạ giá mình. Thầy phải đóng kịch giả bộ như tin tưởng vào điều mình muốn nói, giả bộ khen lấy được.

Ðóng kịch như thế thầy không còn là thầy, thầy không phải là người mà hóa ra ngợm. Trò không muốn học mà vẫn cứ phải học hóa ra đầu óc trở thành trì trệ, u tối, nói sảng hay học vẹt. Mất sáng kiến, mất sáng tạo, thiếu óc phê bình, thiếu tinh thần cầu học, thiếu óc tìm tòi.

Thà đừng học, nói cho cùng là càng học càng ngu. Cứ nhân bội số lên cả nước thì sẽ có một dân tộc đầu óc trì trệ, xuẩn động. Một dân tộc có tinh thần nô lệ, bảo thủ, giáo điều cản trở mọi xu hướng canh tân, mọi đà phát triển.

Nếu cả nước đều đóng kịch thì cả nước sẽ làm thành một vở kịch.

Cả nước đóng kịch cho nên bộ môn kịch nước ta coi như không khá được. Trước đây còn miền Nam, trụ sở nhà hát lớn đổi thành trụ sở Quốc hội. Trước thì nghệ sĩ trình diễn, nay có các dân biểu trình diễn thay thế họ. Ðã thế thì cần gì phải đi coi kịch nữa.

Và đây là một vài kết quả để chúng ta cùng nhau suy nghĩ về hậu quả của nền giáo dục của đất nước chúng ta.

Báo Tuổi Trẻ, ngày 21.08.1993 đã báo động về nguy cơ hụt hẫng nghiêm trọng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao. Dân chúng nghi ngờ các bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ ở Việt Nam như ông  Hoàng Ngọc Hiến, một người đỗ tiến sĩ ở Liên Xô về đã nói đại ý: «Dắt con bò sang Liên Xô về cũng đậu tiến sĩ». Nói quá đáng chăng? (Trích Nhìn lại những chặng đường đã qua, Nguyễn Văn Trung, Nhà xuất bản Nam Sơn, Montréal, 1989).

Vì thế, người ta trù liệu ở Việt Nam đến năm 2010 có khoảng 35 ngàn tiến sĩ 62 ngàn thạc sĩ. Con số kể là lớn, đáng nể, nhưng chỉ tội là có đến 75% các ông bà có bằng tiến sĩ đó không giảng dạy mà lại đi làm cho các cơ quan công quyền. Theo Viện Thông tin Khoa học Philadelphia, từ 1998 đến 2002, Việt Nam có công bố gần 1500 công trình khoa học tự nhiên, nghĩa là cứ 200 người làm công trình khoa học ở Việt Nam, chỉ có hơn một người có công trình nghiên cứu (0,3 ở Mã Lai, tức cứ ba người làm công tác khoa học, có một người có công trình. Ở Ðại Hàn, riêng năm 2001, có đến 43.000 bằng sáng chế). Ðã thế, có vị có bằng tiến sĩ về sinh vật, nhưng lại viết hằng trăm bài về những đề tài chẳng có liên quan gì đến ngành học của ông cả (trích «Cái danh và cái thực của Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam», tác giả Nguyễn Thế, talawas, 16.11.2004).

Ðã đến lúc, cần quy định rõ ràng như ở Mỹ, Publish hay Perish, hoặc là công bố công trình nghiên cứu hay xé bỏ văn bằng như tấm giấy lộn. Ở nước người, sau ba năm cầm cái bằng tiến sĩ về treo ở phòng khách mà không dùng để làm gì, không có công trình cũng không có giảng dạy thì nếu có tư cách, nên tước bỏ cái danh đó đi. Ðó chỉ là một thứ tiến sĩ giấy giống như những ông cửu phẩm, bát phẩm thời xưa thôi.

Về phía học trò, dưới đây, xin ghi lại một vài câu trả lời theo lối học vẹt, trả lời ngô nghê đến như… vô học.

«Năm 1963, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Cao Kỳ, cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm đã đi đến thành công tốt đẹp.»

«Ðến rạng sáng ngày 30 tháng tư năm 1975, quân và dân ta hoàn toàn thắng lợi. Ðế quốc Mỹ và tay sai đầu hàng với một số đã rút về nước và một số đã trúng vào mũi tên đã tẩm thuốc độc đã hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam ta.»

«Nhiệm vụ của cụ Phan Chu Trinh là đứng ra thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo các tổ chức của phong trào quần chúng thay đổi về nền kinh tế theo lối tư bản chủ nghĩa.»    

Ngay từ những năm sau Hiệp định Genève, tháng 10 năm 1956, nghĩa là 3 tháng sau khi Đảng nhìn nhận những sai lầm trong cải cách ruộng đất, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, giáo sư trường Ðại học Văn khoa, Hà Nội đã đọc một bài tham luận: «Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo», nhằm vạch ra những sai lầm trong sự lãnh đạo của Ðảng và nhà nước. Cũng vì bài diễn văn này, ông đã mất chức giáo sư đại học và sống cuộc đời còn lại trong túng thiếu và bị bỏ rơi.

Năm 1991, nhân được dịp sang Pháp, ông đã đưa cho nhà xuất bản Quê Mẹ ở Paris in và phát hành cuốn sách tự thuật của mình: cuốn L’ excommunié (Kẻ bị khai trừ).

Kể từ lúc LCT cho đăng trên nhật trình cái bài báo quái đản: «Một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học» đến nay đã gần nửa thế kỷ. Mặc dầu có chính sách cởi trói cho khoa học xã hội, mặc dầu đất nước đã có những thay đổi lớn lao về mặt kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường với những quy luật của nó.

Cái môn học đó vẫn ngồi lì ra đó.

Ngay từ các nước cộng sản Ðông Âu. «Chính Đảng cộng sản và các người cầm đầu kể từ Hồ Chí Minh đã là nguyên nhân cho không biết bao nhiêu sai lầm, di lụy đến số phận dân tộc, đất nước. Di lụy đó kể từ chính sách cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, cải tạo tư sản, đấu tố, chỉnh huấn, Nhân Văn Giai phẩm, chống xét lại.» (Trích Lữ Phương: «Lại một bóng ma của Mác», talawas, 16.4.2005).

Vì đánh mất cơ hội, họ lấn sâu thêm một lần nữa vào những sai lầm đáng nhẽ có thể tránh được sau 20 năm sai lầm ở miền Bắc. Nay thì có những sai lầm với những tên gọi mới: Chính sách đi vùng kinh tế mới, chính sách bần cùng hoá toàn bộ dân chúng miền Nam bằng đổi tiền, đánh tư sản mại bản, đánh tàn dư văn hoá Mỹ ngụy và nhất là chính sách học tập cải tạo đối với quân nhân và công chức miền Nam. Ðất nước Việt Nam thống nhất, một lần nữa chìm đắm trong những hận oán, trả thù đã quẳng hàng triệu người ra biển theo chính sách «con bò sữa thuyền nhân».

Sau 30 năm, chưa hề có một ngày vui. Chưa hề có một lời xin lỗi và chúng ta đòi hỏi cái tối thiểu là một lời xin lỗi đối với dân miền Nam.

Xin lỗi tất cả không trừ.

Xin lỗi ngững người làm ăn buôn bán vì bị tước đoạt tài sản, nhà cửa, tiền bạc. Truất hữu, chiếm đoạt tài sản của hằng trăm ngàn người, phải gọi tên nó là gì? Xin lỗi những nhà văn, những nhà trí thức vì bị sỉ nhục, mất cái quyền được phát biểu, được viết. Xin lỗi những sĩ quan, công chức đi học tập cải tạo chỉ vì khác chiến tuyến, chỉ vì thua và thắng, bất chấp luật lệ, giam giữ vô hạn định. Xin lỗi vợ con những người đi học tập, vì đã chia cắt, xa lìa vợ chồng con cái, làm đổ nát tan vỡ không biết bao nhiêu gia đình. Xin lỗi những người lính đã nằm xuống như tử sĩ ở nghĩa trang Biên Hoà vì không được mồ yên mả đẹp. Xin lỗi tuổi trẻ vì đã đánh mất tương lai, lẽ sống của họ vào những chủ nghĩa giáo điều áp đặt. Không muốn dạy mà phải dạy, không muốn học mà phải học.

Xin lỗi cả nước vì bao nhiêu năm đã làm cả nước buồn.

Trước giải phóng, người dân miền Nam cùng lắm chỉ biết lo. Sau giải phóng, chưa có một ngày vui, người dân chỉ thấy buồn. Nỗi buồn đó lan khắp phố phường, từ ngoài ngõ đến trong nhà, rồi thâm nhập vào tâm hồn mỗi người. Cái cảnh mà Trần Dần đã từng ghi lại:

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà.

Chỉ thấy mưa sa

trên mầu cờ đỏ.

Hòa Thượng Tuệ Sĩ, một cao tăng còn sót lại, cũng ghi lại cùng một cảm nghiệm như thế :

Phố trưa nắng đỏ cờ hồng
Sầu trên thế kỷ điêu linh.
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu
Hận thù sôi giữa nắng chiều
Sông tràn núi lở nước triều mênh mông
Khói mù lấp kín trời Ðông
Trời ơi tóc trắng rũ lòng quê cha
Con đi xào xạc tiếng gà
Ðêm đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh.

Cũng xin ghi lại đây cảm nhận của một người xa quê hương, sau 13 năm du học, trở về thăm quê nhà vào năm 1977: «Trở về Huế sau mười mấy năm xa cách, tôi đã gặp lại một Huế thật là – người Huế thường chỉ tình trạng này bằng bốn chữ ‘xanh xương mét máu’ – một Huế đang giật mình, một Huế đang run sợ kinh hãi cho ngày mai, bên cạnh một Huế rất nghèo, rất khổ. Ði trên đường phố, ít ai ngẩng đầu lên, có trao đổi một nụ cười với ai thì nỗi gượng gạo nơi người ấy đã ngăn vành môi bên kia không cho cười hết miệng.

Huế 1977 mà tôi gặp lại là một Huế lơ đãng, sầu hận và nghi ngờ, một Huế bị phá sản hết mọi thiết tha.» (Thái Kim Lan, «Một niềm vui. Một giọt nước mắt», 1977).

Xin lỗi chính họ vì sự mù quáng, dốt nát của họ đã làm cả nước khốn khổ.

Lẽ dĩ nhiên là họ không bao giờ nhận lỗi. Họ cũng chẳng tự khúm núm để xin lỗi chính mình.

Nhưng tôi vẫn cứ đòi. Ðòi hôm nay. Không được. Mai đòi nữa. Không xin lỗi, cho nên không lạ gì, sau gần nửa thế kỷ, người miền Nam vẫn không quên và hiện nay vẫn chưa hàn gắn được những vết thương cũ.

Vì thế, đất nước chỉ thống nhất về mặt địa lý, nhưng lòng người vẫn chưa thực sự thống nhất.

Tôi cũng xin ghi lại ở đây: Hình ảnh một thanh niên Âu Châu trên chiếc áo T-Shirt với câu: Good bye Lenin. Thế hệ thanh niên, thế hệ tương lai của các dân tộc trên toàn thế giới giã từ cái chủ ngĩa Mác-Lê để lên đường.

Ðiều đó cũng muốn nhắn nhủ, hay mong mỏi, hay ước mơ, hay cầu vọng tuổi trẻ Việt Nam cũng có cơ may giã từ cái chủ nghĩa ấy để cùng với thanh niên thế giới, để có cơ hội xây dựng một đất nước Việt Nam chẳng những thanh bình, thịnh vượng mà còn Nam Bắc một nhà.

Tác giả Hoàng Tùng, với bài tham luận «Thời đại mới, tư tưởng mới» đã đề ra những hướng thay đổi chủ nghĩa xã hội cho kịp thời đại mới, nhưng vẫn khăng khăng cho rằng cho đến nay «chưa có học thuyết nào hơn hẳn học thuyết Marx trong việc thay thế chủ nghĩa tư bản để xây dựng tương lai con người.» (trích Lữ Phương, bài đã dẫn). Nhưng bằng vào cái ý hướng muốn cải sửa chủ nghĩa Mác của một số người trong Đảng, người ta vẫn hy vọng đản cộng sản đem lại một chút ánh sáng mới vào đêm trường tối tăm của cái chủ nghĩa ấy.

Trong bài viết của mình, ông Lý Chánh Trung viết vào năm 1975, ông Phạm Như Cương, Viện trưởng Viện Triết học có cho rằng cần mở thêm một khoa triết học đầy đủ ở trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Ðã 30 năm rồi, lời hứa của ông Phạm Như Cương vẫn chưa thực hiện nổi. L.C. T viết: «Chúng tôi nghĩ không phải chỉ học triết học trước Mác, mà còn học cả triết học sau Mác… ngay cả cái triết học mà chúng ta đã phê phán rất nhiều như triết học hiện sinh thì nó cũng có những phần tích cực của nó. Một anh học trò cũ của tôi, đã thoát ly đi kháng chiến năm 1968, sau đó khi ra Hà Nội thì mấy anh có hỏi: tại sao anh lại đi theo cách mạng, động cơ nào thúc đẩy anh đến với cách mạng? Anh học trò trả lời rằng do triết học hiện sinh, chính vì triết học hiện sinh mà tôi đi theo cách mạng.»

Câu trả lời thật trớ trêu, nhưng vẫn là sự thật.

4 BÌNH LUẬN

  1. Ai củng biết sách vở Đai Hàn đều bắt đầu từ sau ra trươc! Thiệt là ngươc đời, khác với các dân tôc khác, giở sách ra ,là găp ngay trang đầu tiên . Năm 1975,tôi hỏi cô ban dạy văn của Miền Nam ,còn đươc lưu dụng : bây giờ làm sao Chị dạy đươc??” Chị trả lời; “Dễ ẹt! Dạy ngươc lại,giống như người Đai Hàn,dạy từ “sau lưng” ra trước mặt!”.
    Bây giờ ,nghĩ lại quá đúng! Lúc mới vào bọn Bắc Cụ ,vua-chúa ..ai chúng nó củng kêu bằng “thằng” cả.! Con Tâm thần-Thằng vá lốp xe…trở thành anh hùng Dân tộc.. Đó không phải “ngươc đời ” hay sao ?? Đất nước hôm nay đả trả lời điều đó.Thay vì Người thì thàngh”Ngợm” cả!

    • No Star Where. Bi giờ dân hải ngoại cũng kính trọng những gì dân trong nước kính trọng . Chính you đã biện hộ chạy tội cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có sao đâu .

  2. Giáo Sư Nguyễn Đắc Xuân, 1 người (cũng) ở trong nhóm thứ 3 như Giáo Sư Lý Chánh Trung, là 1 nhóm nhân sĩ trí thức yêu nước đấu tranh cho dân chủ

    Trích nhà báo Phan Bùi Bảo Thy theo lời kể của Giáo Sư Nguyễn Đắc Xuân “một số bà con bạn bè thiếu thông tin chính xác và bị tác động bởi tin đồn nên đối với chúng tôi có phần dè dặt, kém thân thiện… và đương nhiên, những tài liệu được những kẻ chống Cộng cực đoan phát tán ấy (kể cả sách và báo) đều rặt một luận điệu cũ rích. Tất nhiên vẫn là ngôn ngữ vu khống Tường – Phan – Xuân là “đao phủ khát máu”.

    Ngoài ra còn vu khống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và rất nhiều sinh viên, trí thức trong phong trào tranh đấu ở Huế là “Việt Cộng nằm vùng” … Sau Tết Mậu Thân, báo chí trên thế giới nóng lên bởi hai vụ giết người ghê tởm: Vụ Nguyễn Ngọc Loan bắn tù binh trên đường phố. Sau đó là vụ tên trung úy Calley tàn sát hơn 500 đồng bào ta ở Mỹ Lai. Chính quyền Mỹ lẫn Sài Gòn rất nhức đầu vì hình ảnh “Thế giới tự do” bị những tên ác quỷ này bôi đen.

    Để đánh lạc hướng dư luận trong nước và trên thế giới, bộ máy tuyên truyền của địch hông qua hai công cụ đắc lực là những cái mồm gian dối của bộ đôi Liên Thành – Nhã Ca, cố tình thổi phồng con số nạn nhân chiến cuộc Mậu Thân và gọi đó là nạn nhân bị Việt Cộng thảm sát. Đặc biệt Liên Thành và đồng bọn không ngừng bịa đặt đủ chuyện tập trung vào Tường – Phan – Xuân nhằm biến hình ảnh những người kháng chiến yêu nước thành những tên đao phủ, cá mè một lứa với bọn Sáu Lèo – Calley”

    Ôi, những nhân sĩ trí thức yêu nước đấu tranh cho dân chủ như Nguyễn Đắc Xuân & Lý Chánh Trung đáng kính đáng trọng quá!

    Phải chi Nguyễn Văn Lục trưng hình Lý Chánh Trung chụp chung với Thủ tướng Sáu Dân lênh láng máu dân Võ Văn Kiệt thì tính kính trọng của Giáo Sư Lý Chánh Trung cứ gọi là chắc như bắp, đ ai chối cãi được

  3. Rất đồng ý với Nguyễn Văn Lục về sự trung thực của Giáo Sư Lý Chánh Trung . Như ông đã chứng nhận, thành quả lớn nhất của cuộc đời mình là “Có lẽ một trong những dấu ấn lớn nhất của GS Lý Chánh Trung, như chính ông từng nhìn nhận, đó là lúc ông viết bài Nói chuyện với người đã khuất – nhân tạp chí Đất Nước thực hiện số báo 14 (phát hành tháng 10.1969). Đó là tờ báo duy nhất ở miền Nam tập trung cả một số báo viết về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Có lẽ Đảng cũng rút kinh nghiệm nên đã bổ xung tư tưởng Hồ Chí Minh vào triết học Mác-Lê . Mà ta đã biết Chủ tịch Hồ Chí Minh được kính trọng tới cỡ nào ở VN, tới độ Giáo Sư Lý Chánh Trung viết bài Nói chuyện với người đã khuất – nhân tạp chí Đất Nước thực hiện số báo 14 (phát hành tháng 10.1969). Đó là tờ báo duy nhất ở miền Nam tập trung cả một số báo viết về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên