Bùa ngải trở lại Việt Nam

5
Yểm bùa. Ảnh minh họa từ Internet

Thật vậy vì trong thời gian gần đây, trên nhiều mạng xã hội, bỗng xuất hiện thị trường bùa ngải náo nhiệt không thua chợ Trời vùng biên giới. Bùa ngải được quảng cáo rầm rộ là vô cùng linh nghiệm. Tình duyên trắc trở, bị tình phụ, nợ không đòi được, làm ăn thất bại, mua chức, mất tiền mà đợi hoài chưa có kết quả, bệnh tật kéo dài chạy chữa đủ thầy hết thuốc…Còn đợi gì nữa? Hãy tìm thầy thỉnh bùa, chuộc ngải là mọi chuyện sẽ được giải quyết vô cùng tốt đẹp.

Hiện tượng bùa ngải ở Việt nam ngày nay, không chỉ sôi nổi trên mạng xã hội, chợ thông tin vô thưởng vô phạt, mà cả trên báo Sài gòn Giải phóng, Cơ quan của đảng cộng sản ở Sài gòn (Ngày 29/09/2018) cũng loan tin nhưng không quên thêm câu thiệu «Việc bán bùa ngải và tuyên truyền mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiễu loạn đời sống» .

Trước đây, vào nửa đầu thế kỷ XX, giai đoạn cuối của chế độ thực dân, ở Việt Nam, nhứt là ở Nam kỳ, cũng rộ lên những hoạt động bùa, ngải, lên đồng, gồng, …vừa thỏa mản mê tín dân gian, vừa là bình phong cho những hoạt động chống Tây của các các Hội kín.
Cho tới chiến tranh kết thúc, hiện tượng bùa ngải, lên đồng mới tàn lụi.

Loại «khoa học huyền bí» này thật ra không phải chỉ có ở Việt nam vì nước chậm tiến mà ngày nay cũng đầy rẫy ở cả những nước tiên tiến như Pháp và Âu châu . Nó là sản phẩm của con người và xã hội.

Khi nói về bùa ngải ở Việt nam, người ta có nhận xét người Nam giỏi về bùa ngải, người Trung giỏi về thư phù, người Bắc thì giỏi về độc trùng (nuôi thuốc độc). Sự nhận xét này nếu đúng, phải chăng là do hoàn cảnh lịch sử và địa lý? Người Nam chịu ảnh hưởng của huyền bí Cao Miên và Lào nên sự phát triển về ngãi nghệ cũng do đó mà ra. Người Trung chịu nặng ảnh hưởng của văn hóa và đạo thuật Chiêm Thành nên thịnh về phù thư, ếm đối và người Bắc thì chịu ảnh hưởng nặng của Trung Hoa do gần gủi, nơi xưa kia từ vua quan tới thứ dân chuyên dùng hương mê và thuốc độc để triệt hạ đối thủ .

Nhưng cũng may mắn là số người sử dụng những thứ huyền bí này chỉ là số rất thật ít . Và có sử dụng nhưng sự ứng nghiệm có được như ý mong muốn hay không lại là chuyện khác nữa . Bởi xưa nay người ta thường nói «Đức trọng quỉ thần kinh» . Hay giữ được «Chánh niệm» thì mọi thứ tà đạo đều không thể ảnh hưởng .

Đủ mặt hàng

Cứ lướt một vòng qua các chợ bùa ngải trên mạng, người ta sẽ thấy rất nhiều trang đăng bán bùa ngải, với đủ các loại được giới thiệu quả quyết là có tác dụng thần kỳ không có gì bằng khi muốn nhờ giúp giải quyết thuận lợi tình duyên, kinh doanh. Đặc biệt có nhiều loại có thể sai khiến người khác hành động theo lời mình, hoặc làm cho đối phương tán gia bại sản, hay đem lại may mắn tiền vào như nước… Chưa biết sự lợi hại thật sự như thế nào nhưng thực tế đã có không ít người, đang trong hoàn cảnh bức bách hay vì lòng tham thúc đẩy, đã dám bỏ ra số tiền lớn để mua về sử dụng.

Hễ có người bán thì có người mua. Đã bảo là chợ mà!

Cách thức mua bán cũng rất đơn giản. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc theo độ linh ứng của bùa. Bùa mắc tiền dĩ nhiên phải mạnh hơn bùa rẻ tiền.

Mua bán tuy nói là chợ nhưng chỉ diễn ra trên mạng. Chợ trên mạng. Sau khi giá cả ngã ngũ qua thương lượng bằng điện thoại, hàng sẽ được giao tận nhà bằng đường bưu điện.

Cách quảng cáo bán hàng cũng vô cùng hiện đại. Họ đưa ra nhiều người đã xài bùa rồi, nói cho biết kết quả, làm nhân chứng. Chưa đủ thuyết phục những người khó tánh, họ vận dụng cả kỹ thuật livestream giới thiệu khách hàng đã hài lòng và cả thầy bùa đang luyện bùa. Cho sống động hơn. Ai coi mà không tin?

Giá của một đạo bùa? Từ 5 triệu đồng tới 10 triệu và 20 triệu đồng nữa. Bùa của Việt nam rẻ hơn bùa Thái lan. Hàng nội dĩ nhiên giá rẻ hơn hàng nhập. Qui luật thị trường nước ta mà.

Chế độ cộng sản phủ nhận mọi sanh hoạt tâm linh, cả tôn giáo còn bị lên án là thuốc phiện. Thế mà sau hơn nửa thế kỷ cai trị Miền Bắc và gần 50 năm ở Miền Nam, ngày nay bùa ngải lại xuất hiện trở lại, với mức độ ồ ạc phi thường. Đặc biệt hơn, giới trẻ tin tưởng mạnh ở quyền lực bùa ngải, rất nhiều người mua về xài. Chợ bùa ngải đang phát đạt. Người buôn bán bùa ngải đang ăn nên làm ra.

Tìm hiểu đôi chút về chợ bùa ngải

Nhiều người đều nghe nói về bùa ngải. Công dụng của bùa ngải là đem lại lợi lộc cho người sử dụng hoặc điều xấu cho người bị ám hại.

Tuy sản phẩm có nhiều nhãn hiệu khác nhau, có thứ nội hóa (thứ lô-can), có thứ nhập ngoại nhưng tựu trung đó đều là thứ pháp thuật sai khiến theo ý muốn nhằm đạt mục đích của người sử dụng.

Nên có thể nói bùa ngải tự nó không có «tốt» hay «xấu», «lành» hay «dữ» mà hoàn toàn do lòng người thiện hay ác khi sử dụng mà thôi.

Mời bạn đọc theo chơn nhà báo của báo Dòng Đời (Em Đẹp, 26/01/2016, internet) viếng một thầy bùa tại nhà riêng của ông ở Quận Bình Thạnh để có vài ý niệm về người của bùa ngải. Đặc biệt ông thầy bùa này là một người có bằng cấp Cử nhơn Luật, năm nay hơn bốn mươi tuổi, không làm ăn theo sự hiểu biết của mình mà chuyên tâm học hỏi, nghiên cứu bùa ngải . Điều này cho thấy ông khác hơn nhiều thầy bùa khác phần đông đều học ít, thích làm thầy vì sướng hơn làm việc khác. Ông ở đây một mình vì gia đình ở nước ngoài.

Căn nhà của ông khá rộng nhưng thường cửa đóng then gài. Bên trong, ông để rìêng một căn phòng làm nơi làm việc, đèn nhang nghi ngút. Dụng cụ làm việc của ông trên bàn là giấy, viết và mực. Trên tường treo đầy hình ảnh các Tổ sư bùa ngải của Tàu, Thái, Ấn độ, …Theo ông, ngoài bùa ngải, còn có nhiều pháp thuật khác như thần thông, thôi miên, nham độn, …

Bùa ngải và các pháp thuật liên hệ, theo ông, có lịch sử lâu đời, ít nhứt phải từ 8000 năm. Nó gần gửi với sanh hoạt con người và tôn giáo.

Ở Việt nam có nhiều thứ pháp thuật bản địa hoặc du nhập. Như trường phái xuất phát từ các dòng Nam Tông (Ấn độ, Thái lan, Miến điện, Cao miên, Lèo, …), hoặc dòng Tiên Đạo (Tàu, Tây tạng, …) và bản địa như từ người Thượng (người Mường). Mỗi thứ có cái hay, có mặt yếu nhưng đều vận dụng để chữa bệnh cứu người, chớ không để ám hại người cho những mục đích mờ ám như thưòng xảy ra.

Người làm bùa ngải hay pháp thuật với mục đích hại người đã phạm vào đại kỵ và quả báo rất lớn. Như trường hợp một thầy bùa ở Tây Ninh chuyên yểm bùa hại người theo yêu cầu. Ông này sống đến 60 tuổi thì bị điên rồi chết. Con cháu ông không hiểu vì sao đều bị điên cùng lúc. Thầy khẳng định việc trả giá như vậy trong huyền giới không hiếm.

Có những dòng huyền thuật hơn 2.000 năm vẫn báo ứng, nhiều thế hệ “chịu tội” là chuyện bình thường. “Đáng buồn là cuộc sống càng phát triển, dục vọng con người càng lớn. Thầy bùa hoạt động công khai, nhiều người chỉ học lỏm được ít kỹ năng đã xưng thầy và hành nghề”.

Ông kể có người bạn chuyên vẽ bùa ở Sài Gòn, khách đông đến nỗi mỗi ngày ông “vẽ bùa” gần 10 tiếng đồng hồ. Mỗi khách như vậy lại “cúng tổ” ít nhất 100 ngàn đồng. Mỗi ngày ông này thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. “Nghề” thầy bùa hấp dẫn đến mức con trai ông đang là sinh viên đại học cũng nghỉ ngang, theo cha học lóm 3 năm và đến nay cũng đang vẽ bùa để làm giàu.

Để minh chứng cho “đẳng cấp” thu nhập thầy bùa, ông «Thầy bùa Cử nhơn Luật» dẫn nhà báo Dòng Đời đi gặp pháp sư N., một thầy có tiếng cao tay nghề ở Sài Gòn. Trước khi đi, ông dặn kỹ không được quay phim hay ghi âm và không được nêu danh ông thầy này vì để tránh phiền phức (làm lén, ổng biết được sẽ yểm bùa làm hại?).

Nhà thầy N. nằm sâu trong một con hẻm ngoằn nghoèo ở Quận Bình Thạnh. Căn nhà được canh gác cẩn mật, vòng trong vòng ngoài cả chục người và thường xuyên đổi địa điểm để tránh bị phát hiện. Phòng khách nhà thầy N. dù còn sớm đã có vài chục người ngồi chờ. Những người đến xin bùa phép đều ăn mặc sang trọng, có cả nhiều cô gái trẻ xinh đẹp.

Theo “giá cả” mà mọi người dặn nhau, vào diện kiến thầy N. thì ít lắm cũng phải “đặt tổ” 500.000 đồng mới xứng với tên tuổi của thầy . Vì vậy, thu nhập của thầy N. mỗi ngày vài chục triệu, thuộc loại «đỉnh» của giới thầy bùa.

Khách xin bùa đều thuộc giới giàu có. Các cô xinh đẹp tới xin bùa yêu để yểm các đại gia. Nghe đâu trong giới đại gia cũng có lắm người là thân chủ trung thành của thầy.

Thầy bùa Cử nhơn Luật cho biết hiện tại có rất nhiều người xưng pháp sư, quảng cáo tràn lan, công khai trên mạng. Nhưng để học được huyền thuật, phải có duyên, người không được chọn thì suốt đời không học được. Tùy vào dòng phái mà thời gian cảm thụ huyền pháp dài hay ngắn. Ít nhất cũng phải mất 5 năm tu luyện khổ cực.

Chính ông dù chưa ở ngưỡng giới cao nhứt nhưng để duy trì pháp lực, một năm phải mất một trăm ngày luyện công. Mỗi lần như vậy phải giử trai giới, ở một mình trong phòng, cắt hết liên lạc với thế giới bên ngoài. Phải làm như vậy thì huyền lực mới thẩm thấu, mới lưu giữ được.

Làm pháp sư phải chịu gian khổ. Việt Nam hiện có 200 pháp sư . Nếu nói đạt đến bực cao thủ thì chỉ có 3 người. “Muốn đi đến bực Thầy thật sự, bực chơn sư, thì không thể dùng huyền thuật mưu sinh hay làm giàu”. Hiện nay, chính người cho bùa chú cũng không hiểu mục đích chơn truyền của huyền thuật. Còn người ham mê bùa chú thì tin mù quáng nên chợ bùa nhờ đó mới nở rộ.

Bùa ngải

Theo thói quen, người ta thường nói chung thành một danh từ ghép «bùa ngải» . Thật ra «bùa» và «ngải» là 2 thứ hoàn toàn khác nhau tuy mục đích sử dụng không khác nhau .

Bùa là ký tự viết hay vẽ trên gìấy, trên một mặt phẳng nào đó để «yếm», tạo chuyện lành hay chuyện dữ. Vì là ký tự nên chữ bùa không đọc được. Thầy bùa chỉ nhớ tự dạng mà biết đó là loại bùa xài cho mục đích gì. Khi trẻ con mới tập viết, thường chúng viết chữ nghuệch ngoạc, bị rầy là «viết như vẽ bùa»!

Nhưng nếu bùa chỉ là những chữ lăng quăng thì sẽ không có nghĩa gì hết. Nó phài có một sức mạnh để nó sai khiến. Nên bùa là những ký tự sai khiến nhằm đạt mục đích mong muốn. Như vậy, thầy bùa phải luyện bùa. Bằng nhiều cách. Điều kiện là chỗ yên tịnh, sạch sẽ, ngồi tập trung tư tưởng vào chữ bùa vừa hiện trong đầu. Giữ như vậy, đầu óc không xao lãng, càng lâu, càng vững, càng tốt, rồi nuốt chữ bùa vào bụng.

Giai đoạn kế, người luyện tập tiếp tục với tư thế ngồi nhìn mặt trăng, rồi nhìn mặt trời, hình dung chữa bùa, hít hơi dài và nuốt vào bụng . Sau cùng, nhìn ánh chớp khi Trời chuyển mưa, trang trí vẻ mầu chữ bùa và nuốt vào. Tới đây là đạt được nội lực cao rồi, có thể vận dụng bùa theo ý muốn của mình được. Để giữ cho bùa linh ứng, thầy bùa phải năng luyện tập. Và giữ nhiều kiêng cữ. Như thầy tu giữ giới luật. Đúng là «Văn ôn, võ luyện». Nếu không thì bùa chỉ còn là hình vẽ mà thôi.

Bùa yêu (tặng ai thât tình hoặc muốn có bồ)

Ở Nam kỳ, vào tiền bán thế kỷ trước, bùa Lỗ Bang thịnh hành nhứt. Là bùa của thợ mộc. Lỗ Bang là ông Tổ của thợ mộc. Thợ mộc cất nhà là phải yểm chủ nhà. Tùy theo sự đối xử của chủ nhà mà yếm nặng hay nhẹ. Nặng là gia chủ làm ăn ngày càng suy sụp, bệnh hoạn, có khi mất mạng vì tai nạn. Nhẹ là chỉ gây xáo trộn trong nhà. Như yếm ở cửa giữa nhà trên và nhà sau. Khi con dâu đi qua cửa thì vổ vào cửa và cười mấy tiếng, làm cho bà mẹ chồng nổi giận vì cho rằng con nhỏ này sao cứ giỡn hoài, không giữ gìn ý tứ của đàn bà con gái.

Xin kể lại trường hợp của chính tác giả. Đúng vậy. Nhà của Cỏ May ở nhà quê trước kia bị thợ mộc yểm bùa lỗ bang trên đầu cây cột cái, tức hàng cột chánh giữa nhà. Tôi còn nhớ nghe ba tôi nói chuyện lại. Hôm sáng dựng đòn vong, vào đúng giờ tốt được chọn lựa, má tôi sửa soạn một mâm cơm cúng đất đai. Thợ chánh leo lên để điều khìển đưa cột kèo, đòn vong, … Gia chủ cũng leo lên đỡ cây đòn vong, gác lên, một cử chỉ biểu hiện uy quyền chủ nhà .

Nhưng đúng vào lúc đó, người thợ chánh không bước lên thang được, và miệng lại ú ớ không ra lệnh được. Thợ phụ làm theo tay chỉ trỏ của thợ chánh. Sườn nhà vẫn được dựng lên đàng hoàng.
Nhà cất xong. Cả nhà sống trong nhà mới.

Cứ đến tối, sau khi tắt đèn, thì ở chân cột cái liền với vách, phát ra tiếng gỏ cộp… cộp … . Ba tôi ngồi dậy, thắp đèn, thì tiếng động hết. Tắt đèn, nằm trở lại, thì tiếng cộp cộp lại vang trở lại.

Sáng ra, ba tôi tìm kiếm chung quanh gốc cột, xới đất bên ngoài coi có con gì ẩn núp không, thì không thấy có gì hết. Dĩ nhiên ba tôi cũng rước thấy bùa, thầy ngải, yếm, cúng kiến nhưng vẫn không hết .

Một hôm, ba tôi lên Chợ lớn, vùng Phú thọ, thăm Tổ đình, nơi thờ ông thầy bùa mà ba tôi trước đó có theo học tuy ông là y tá học ở nhà thương Chợ Rẫy . Vừa bước vào, người học trò giừ đền, úng khẩu, nói với ba tôi “Hôm lên đòn vong nhà mầy, thằng thợ chánh muốn leo lên yếm trên đầu cột cái, yếm nặng hại mầy. Thấy vậy, tao bóp họng nó, không cho nó leo lên . Nó yếm dưới chân cột . Nó lấy cây đinh, xỉa răng chảy máu, vẻ bùa ở dưới chưn cột . Cứ để đó, lâu ngày, nó hết . Không hại gì đâu . Nó sợ nên không dám làm ác” .

Thợ mộc ở Cần đước (Quận của tỉnh Chợ lớn thời đó, sau này thuộc tỉnh Long an) có tiếng thợ giỏi. Ghe Cần đước nổi tiếng ghe đẹp. Và ở đây cũng là xứ sở của bùa Lỗ bang.

Thầy bùa Lỗ Bang cao thắp là do công phu luyện tập. Chuyện khá ly kỳ xảy ra ở Cần đước. Một gia đình làm ăn khá giả, cất nhà mới. Rước thợ tới cất nhà. Việc làm phải mất nhiều tháng, có khi cả năm. Gia chủ có trách nhiệm nuôi ăn, nuôi ở cho ê-kiếp thợ.

Thường gia chủ rất mực hầu hạ thợ mộc để tránh mích lòng, sanh ra “chuyện không hay” sau này. Thế mà nhà cất xong, gia chủ vẫn bị yếm nặng. Việc làm ăn gặp rủi nhiều hơn may. Ông chủ nhà bị bệnh liên miên. Người xuống sắc, trông phờ phạc. Một hôm đi trên lề đường liên tỉnh (Cần đước đi Gò công), bỗng ông băng qua lộ trong lúc xe đò chạy tới. Ông bị xe đụng, té xuống đường nhưng may mà tánh mạng an toàn.

Có lẽ do chuyện ở nhà làm tinh thần của ông bị khủng hoảng trầm trọng mà ông trở thành như người mất trí. Cứ tối, sau khi tắt đèn đi ngủ, chỉ còn để trên bàn thờ ngọn đèn nhỏ, ai còn thức, sẽ thấy thằng nhỏ từ trên đầu cột cái, tuột xuống gần tới đất thì mất .

Cả nhà phải rút vào một phòng cho khỏi sợ.

Nghe tiếng ông Hương thân Lịch ở làng Vĩnh thanh, Cần giuộc, là thầy bùa giỏi. Ông chủ nhà tới rước thầy giải bùa cứu giúp. Nghe chuyện, ông Hương thân Lịch bảo ông về mời ông thợ mộc tới ăn cơm và báo tin để ông cũng tới gặp ông thợ mộc. Tại bữa cơm, ông Hương thân Lịch bảo ông thợ mộc yếm như vậy lá quá nặng trong khi gia chủ ăn ở biết điều với mình. Thôi, tới nay, như vậy cũng đã quá lắm rồi. Hãy giải cho người ta đi.

Ông thợ mộc chối, bảo ông có yếm gì đâu. Ông Hương thân Lịch nghiêm mặt “Nếu ông không làm, để tôi làm, thì có hại cho ông. Chắc ông biết điều đó mà?

Ông thợ mộc vẫn chối .

Ông Hương thân Lịch bèn lột cái khăng đỏ đội trên đầu, thắt làm một hình nộm như con chuột, bước tới cây cột, hất tay một cái, con chuột phóng lên đầu cột .

Mọi người đang ngồi đó đều xanh mặt.

Dĩ nhiên có cả ông thợ mộc.

Tới lúc này, ông thợ mộc mới chịu giải bùa. Ông mượn thang, leo lên đầu cột, gởi ra đồng tiền có hình người, bỏ túi.

Mọi người, ai cũng thở ra nhẹ nhõm. Ông Hương thân tỏ ra vui vẻ với ông thợ mộc.

Từ đó, gia đình ông chủ nhà trở lại bình thường.

Ngải là thảo mộc. Nó là loại củ. Ngải trở thành linh nghiệm cũng do người ta đem vào nó sức mạnh tinh thần để sai khiến theo ý của người luyện ngải. Giống như với bùa. Nhưng với Ngải, ngưòi ta nói là «nuôi ngải». Tức người luyện ngải là sống với ngải. Cho ngải ăn uống, nói chuyện với nó. Nuôi ngải bằng máu tươi của người chủ ngải, và bằng gà, hay một con vật sống, .. . Nghe nói tới ngày cho ngải ăn, người ta đem con gà buộc vào chổ trồng ngải . Chỉ trong một chốc lác, bổng nghe con gà kêu lên. Sau đó, tới coi, chỉ thấy một nhóm lông gà .

1 giống Ngải mã-lai

Nhưng ông Hương thân Lịch thì cắt nghĩa ngải đơn giản hơn. Ông chỉ mấy chậu kiểng trước nhà và bảo «Đó, ngải của tôi đó». Bên cạnh, ông có giăng cái võng.

Ông nói tiếp «Muốn biết ngải linh hay không, lên năm võng, thì biết» .

Có người lên vỏng nằm thử . Vừa nằm gọn trong võng, chỉ vài phút sau là buồn ngủ và nhắm mắt lại ngủ . Nhưng chỉ kịp ngủ là bị té xuống đất . Thử vài lần, cũng đều bị như vậy .

Ông Hương thân nói rỏ hơn ngải là bất kỳ cây, cỏ, bông hoa gì cũng đều được . Nó trở thành ngải linh là do mình sai khiến nó làm theo ý của mình (Muốn biết chuyện bùa ngải ở Nam kỳ, coi Sociétés secrètes en Terre d’Annam, luận án Tiến sĩ Văn chương của Georges Coulet, in ở Sài gòn, 1926, Giáo sư dạy ở P. Ký trong những năm 1930) .
Sau này, ông tu theo đạo Cao Đài và nơi ông ở, cất lại, thành Thánh thất Vĩnh thanh . Ngày nay chắc còn .

Bùa ngải và Phan Xích Long Hoàng đế

Bùa ngải ở xứ Nam kỳ vào đầu thế kỷ XX là một thứ quyền lực giúp kẻ yếu chống lại kẻ mạnh . Phan Xích Long và đảng của ông tập luyện bùa ngải làm thứ võ khí vừa hộ thân, vừa chống thực dân pháp bênh vực người dân bị ức hiếp .

Lúc bấy giờ, Thiên Địa Hội theo chơn người Minh Hương qua Việt nam nhưng Thiên Địa Hội đó là tổ chức của người Minh Hương mưu cầu phản Thanh phục Minh . Nhưng cho tới đầu thế kỷ XX, họ vẫn chưa làm được việc gì ngoài việc cướp bốc, bảo vệ những sòng bạc, …

Theo cách tổ chức hội kín, người Việt nam cũng tổ chức Thiên Địa Hội, qui tụ những người Việt nam yêu nước chờ cơ hội đánh Tây, cướp chánh quyền .

Cho tới năm 1912-1913, thanh niên Phan Xíxh Long ở Chợ Lớn, mới 20 tuổi, học hành ít nhưng có chí lớn, tự xưng Đông cung Thái tử, con vua Hàm Nghi, nhà vua yêu nước, rồi xưng Hoàng đế để lãnh đạo phong trào Thiên Địa Hội nổi lên đánh Pháp.

Ông có tên thật là Phan Phát Sanh, tự Lạc, sinh năm Quý Tị (1893), con trai của Phan Núi làm nghề cảnh sát cho Pháp ở Chợ Lớn. Ông làm bồi cho Tây, rồi bỏ việc .

Sau khi xưng Hoàng Đế, ông tự sắm áo mão, dây đai vàng, và lập đảng kín, tuyển mộ người, chế tạo súng, bôm, rồi kêu gọi dân chúng cùng nổi dậy chống Pháp.

Nhiều người biết chuyện, không ai dám tin việc làm của ông là thiệt. Nhưng ông lại cho mình có số mệnh Thiên Tử, có bùa phép không sợ súng đạn, có thể thắng được Pháp để cứu nước thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp .

Phan Xích Long cũng đưa ra tuyên cáo “Phản Pháp phục Nam” như Nghĩa Hòa Đoàn của người Trung Hoa “Phản Thanh phục Minh”. Từ đây người Việt nam bắt đầu ủng hộ ông .

Thấy lực lượng của mình với 300 người như vậy đã đủ sức đánh Tây, Phan Xích Long đưa ra tuyên cáo đêm 28 tháng 3 năm 1913, toàn dân Việt nam sẽ nổi lên chống Pháp. Vì vậy, đêm 28 tháng 3 hàng trăm người từ Mỹ tho, Tân an, Cần giuộc, Cần đước, Gò công, Chợ lớn, kéo nhau lên Sài Gòn. Họ đều chít khăn trắng, mặc áo trắng không cổ, tay cầm kiếm gổ, gậy, tầm vông, đao, búa… tiến vào trung tâm Sài Gòn. Nhưng vì bọn mật thám biết trước nên cuộc xuất phát mới bắt đầu từ Chợ Lớn đã bị lính Pháp tới bao vây bắt trọn và dẹp tan.

Phan Xích Long bị Pháp bắt tại Phan Thiết trước đó hai ngày. Nhưng nhiều hội viên của Thiên Địa Hội lẩn trốn được nên tiếp tục hoạt động lẻ tẻ ở nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Kỳ.

Phan Xích Long bị giải về Sài Gòn, đưa ra Tòa xét xử chung với 111 người khác cùng đảng. Ông và 5 người nữa bị án chung thân.

Trước tòa, Phan Xích Long dám nói: ông chống đối chính sách thuế khóa nặng nề của người Pháp và đặt những trái bom trong thành phố là để hăm dọa người Pháp, để mong người Pháp giảm thuế cho dân. Và cách chế tạo mấy quả bom là học được ở bên Xiêm-la (Thái Lan). Phan Xích Long vẫn giữ được tinh thần vững chắc, trả lời với tòa rằng ông xem thường cái chết “sẵn sàng chết vì nước và muốn được xử tử”.

Phan Xích Long đặt cơ sở đầu tiên trên đất Cao Miên tại Cần Vọt, cất ngôi chùa do tiền lạc quyên để làm nơi tụ họp. Trước đây, vùng Cần Vọt (Kampot) được xem là nơi trú ngụ lý tưởng của những chiến sĩ Cần Vương sau khi phong trào ở làng An Định (núi Tượng) thất bại, dân làng bị tống xuất về quê cũ.

Máy chém trong Khám

Sau khi xử vụ Phan Xích Long ở phiên tòa Đại hình, người Pháp coi như Thiên Địa Hội là rắn mất đầu, vì một số tay chân của Phan Xích Long đã bị xử tử, còn Phan Xích Long thì bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Song, một số dư đảng của Thiên Địa Hội vẫn còn lẩn trốn, Pháp chưa bắt hết được.

Bốn năm sau, nhơn Pháp bị thua ở Đệ I Thế chiến, dư đảng của Thiên Địa Hội liền qui tụ những đảng viên còn lại chuẩn bị một cuộc nổi loạn tại Sài Gòn, dự trù vào đêm 12 tháng giêng Âm lịch, để giải thoát “Hoàng đế” Phan Xích Long khỏi Khám Lớn .

Ngay chiều ngày 11 tháng Giêng, ở dưới chân cầu Móng Khánh Hội đã có nhiều ghe thuyền từ lục tỉnh kéo lên đậu sẵn ở đó. Đúng 3 giờ đêm thì họ khởi sự. Các đảng viên Thiên Địa Hội từ ghe thuyền lên bờ, người nào cổ cũng đeo bùa phù hộ, súng bắn không chết, tay cầm kiếm gỗ, dao, rựa, tầm vông… kéo vào trung tâm Sài Gòn, hướng về Khám Lớn .

Khi đoàn người đến gần Khám Lớn để xông vào phá khám, bị lính Pháp bắn chết 2 người. Tuy họ cũng gây thương tích cho một vài lính pháp nhưng sau cùng, tất cả đều thoát chạy về hướng Chợ lớn.

Ngày xưa, dân chúng dùng bùa ngải làm sức mạnh chống lại thực dân đô hộ để giành độc lập. Trong tay không ai có tất sắt làm võ khí.

Ngày nay, dân chúng ở Việt nam chạy theo bùa ngải để mưu cầu quyền lợi cho bản thân bởi họ không thể tin tưỏng ở luật pháp hay sự công bằng xã hội. Bùa ngải vì thế cũng không còn là thần quyền, mà trở thành thứ tà quyền – như đảng cộng sản và Nhà nước hán ngụy ở hà nội – và được rao bán trên thị trường bùa ngải .

Nguyễn Thị Cỏ May

5 BÌNH LUẬN

  1. Lúc tôi ở Long Xuyên, tôi và vài người bạn có thấy một ngưởi đàn ông ăn mặc như một tu sỉ vùng Thất Sơn đến tiệm cơm tôi đang ăn cơm tháng đào một lổ nhỏ cở bằng chén cơm và lấy lên một tấm giấy mỏng có vẻ những đường ngoằn ngèo màu đỏ đưa cho bà chủ quán . Tôi biết đó là bùa chú gì đó nhưng không tiện hỏi bà chủ và cứ suy nghỉ “ông nầy tài thiệt (?) biết chổ để đào và chỉ đào một lổ nhỏ ngay sau ngạch cửa cái như có ai chỉ cho ổng biết ! Không biết sau đó thì kết quả như thế nào vì tôi rời Long Xuyên hơn 40 năm và không trở lại.

  2. Không biết cs Hà Nội có biết ngải là gì không chớ bùa thì họ yếm vô cùng linh bằng cách bỏ đói, giết,
    hoặc bỏ tù, cướp của. Bùa đó là bùa “Minh Râu”

  3. Bài của tác giả viết sai nhiều lỗi chính tả quá. Ở Sàigòn có cầu Mống đúng hơn cầu Móng bắc ngang từ quận nhất qua quận tư.

  4. Đọc mà thấy sợ quá. Không biết ai ra sao, nhưng riêng tôi , tôi tin con người có linh hồn, và tôi tin vào luật nhân quả.
    Quả báo nhãn tiền, nhớ như vậy để đừng bao giờ làm chuyện gì không nên không phải, nói xạo chút chút thì được, nhưng hại người thì không nên.

    • Bác Minh nguyen nói..xạo chút chút cho vui, chứ tui thấy bác…Minh Râu cũng chỉ xạo xạo…”đánh Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam” mà đứt hết mấy triệu mạng dân lành!
      Rồi cứu nước VN đâu không thấy chỉ thấy cứu nước Tàu thành giàu sụ còn dân VN vẫn khổ và vẫn “tự vận” chết trong đồn công an đều đều.
      Lối xạo của Minh Râu là…xạo chết người!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên