Từ Lệ Thu đến Hồng Nhung – ba lần chết của nhạc Việt

13
Ca sĩ Lệ Thu

 

Chắc là bạn đã từng nghe ca sĩ Hồng Nhung hát.  Một giọng ca điêu luyện, rất hay – không ai phủ nhận. Nhưng như cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có lần phê bình rằng Hồng Nhung, hay Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều là những ca sĩ được đào tạo bài bản, nhưng chính kỹ năng của họ đã giết chết âm nhạc khi trình diễn. Khi mà kỹ thuật điêu luyện và năng lực lên giọng thật cao kéo hơi thật dài đã trở thành trọng điểm thì chúng trở nên khuyết điểm.  “Rằng hay thì thật là hay,” – nói theo cụ Nguyễn Du, nhưng khi nghe Hồng Nhung hay Bằng Kiều hát – thì “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.” Khi ca nhạc chỉ là một trình diễn kỹ thuật hát xướng thì cái hay của nó chỉ còn là hương vị khô cằn.

Hãy so sánh Hồng Nhung, Bằng Kiều với Lệ Thu và Chế Linh. Khi hai ca sĩ miền Nam nầy hát, họ không mang nặng tính trình diễn – mà họ chỉ hát một cách tự nhiên, chân thành mà yếu tố kỹ năng không là điểm nhấn. Khi Lệ Thu bước ra sân khấu, Chị đi chậm rãi nhẹ nhàng; khi Chế Linh bắt đầu hát, đôi mắt của Anh như trải qua cơn mê hoặc hay đang say rượu. Cái chất nhạc và lời ca đã thôi miên tâm hồn của họ trước khi cất lời. Âm thanh Lệ Thu ướt đẫm cảm xúc thanh ngọt; giọng ca Chế Linh đậm đà như cơm nếp miệt vườn.

Trong khi đó, giọng ca Hồng Nhung, Bằng Kiều mang âm hưởng của cái gì đó không thật, nghe ra thì nông cạn – và nhất là cái âm sắc giả dối. Kỹ thuật luyến láy của họ nắm đầu dây chuyển động cho lời ca – và câu hát càng lên cao, càng kéo dài thì nó càng giao hoán tình cảm tâm hồn về vị thế phụ thuộc và bị coi nhẹ. Nghe Bằng Kiều hát xong, không có gì còn lại trong tâm tư người nghe; khi Hồng Nhung chấm dứt câu ca kéo dài như bất tận thì khán giả mơ hồ thấy cô ca sĩ nầy như muốn được vỗ tay vỡ rạp.  Khi âm nhạc đã bị ngoại thân hóa – tức là hát nhạc một cách vô hồn, vô cảm – thì âm nhạc đã bị phản bội.

Ví dụ, bài “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn, chẳng hạn. Cố Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến ở Trường Viết văn Nguyễn Du thưở trước ở Hà Nội, đã từng cho đó là bài ca với lời thơ hay nhất của tân nhạc Việt Nam. Bạn hãy lên Youtube nghe Lệ Thu hát bài nầy, sau đó nghe Hồng Nhung hay Mỹ Linh, Thanh Lam cũng bài đó. Xong rồi bạn sẽ hiểu tại sao GS Hiến đã tôn vinh bài ca nầy của họ Trịnh như thế. Đơn giản thôi, vì ông nghe Lệ Thu hát nó.

Cũng một lời ca, “Rồi bên vết thương tôi quì,” thì Lệ Thu làm cho một người sành điệu Hà Nội như GS Hiến cảm nhận được cái tính chất bi tráng trong khiêm cung của thân phận làm người Việt Nam. Cũng với chừng lời đó, Hồng Nhung hay Thanh Lam hát thì chỉ làm cho chúng ta quên mất ý nghĩa, cũng như âm hưởng không đụng đến trái tim, từ lời nhạc, mà làm ta chỉ nghĩ đến cung khúc thuần kỹ năng.

Miền Nam trước 1975 có rất nhiều nhạc sĩ ở tầm cao. Từ Lê Thương đến Trầm Tử Thiêng, từ Cung Tiến đến Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, hay Lam Phương, Trần Thiện Thanh. Nhưng ca sĩ thì chỉ có hai người. Đó là Lệ Thu và Chế Linh. Hai ca sĩ nầy là hiện thân khá tràn đầy  tâm chất miền Nam thưở đó. Lệ Thu là biểu trưng một thể loại nhân cách, tầm mức ưu hạng từ tri thức đến giọng nói, của  một tâm hồn miền Bắc trước 1954 di cư vào Nam; trong khi Chế Linh là một niềm rung cảm từ một văn minh đã bị diệt vong của miền Trung mà giọng ca ngọt ngào và chân tình bi đát của anh phản chiếu một âm hưởng bi hùng ở nơi một linh hồn vong quốc.

Trong khi đó, ở miền Bắc từ 1954, sau cái Thời của nhạc Tiền chiến và Văn Cao, khi mà năng lực quốc gia chỉ để dành cho chiến tranh, ta chỉ còn thấy một sa mạc hoang vu cho tân nhạc và ca sĩ.  Có lẽ bài ca xứng đáng nhất cho thưở ấy là “Năm anh em trên chiếc xe tăng.” Cái hay ý nhị của “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” khi đã chuyển qua bài xe tăng nầy đã trở thành một điều nhí nhỏm như là một bài đồng ca cho trẻ em hát – mà khi vừa vỗ tay, vừa hát, các em tất cả đều nhoẽn miệng cười to không ngậm lại được.

Từ trong hoang mạc âm thanh đó, những Bằng Kiều, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh phát sinh.  Khi các ca sĩ miền Bắc nầy cất lời ca cho một bài thật là sến của Tú Nhi chẳng hạn, thì họ chỉ nâng cao kỹ năng của “Năm anh em trên chiến xe tăng” vào một giòng nhạc vốn đã phủ nhận cái kỹ năng đó tự bản chất. Cho dù Hồng Nhung, hay Thanh Lam, Mỹ Linh, có cố gắng bao nhiêu đi nữa thì họ cũng sẽ không khai mở và chuyên chở được giòng mạch ngầm linh cảm của nhạc Trịnh được. Và khi Bằng Kiều muốn hát nhạc Chế Linh, anh ta đã gột bỏ hết cái chất sến rất bình dân, rất thật tình, rất gần gũi của thể loại ca từ và âm hưởng bolero đó.

Âm nhạc khác với toán học – điều dĩ nhiên. Trong khi số học phát huy tính đơn vị đơn lập, thì âm nhạc mang bản sắc liên đới. Một con số tự nó mang một ý nghĩa quy định, nhưng một nốt nhạc, một lời ca đơn thuần chỉ là số không vô nghĩa.  Tính liên đới của âm nhạc không những chỉ mang tính nội hàm, tức là từ nốt này chuyển sang nốt kia, lời này tiếp lời trước,  mà bao gồm tính quan hệ tương tác giữa lời ca, nốt nhạc – và quan yếu nhất là giữa ca sĩ với người nghe. Khi ca sĩ hát, như Hồng Nhung hay Bằng Kiều cất tiếng ca điêu luyện của họ, tính tương tác giữa người nghe và ca sĩ bị cắt đứt. Ta không thấy cảm thông, không bị xúc động bởi bài ca họ hát được.

Ngược lại, khi nghe Lệ Thu hát “Hẹn Hò” của Phạm Duy, Chế Linh hát “Túy Ca” của Châu Kỳ, người nghe bị cuốn vào âm hưởng nơi lời ca – như thấy mình được trôi chảy hay nâng cao bằng cảm xúc cho đến cuối bài.  Cũng những lời ca, nốt nhạc ấy, nhưng khi Hồng Nhung hay Bằng Kiều hát thì thấy linh hồn của nhạc đã bỏ rơi âm thanh. Nỗi khát khao được vỗ về và an ủi cho cuộc đời bình nhật đau thương nay khi nghe họ hát đã trở nên một gánh nặng mệt nhoài.

Nếu từ 1954, người Cộng Sản đã giết chết âm nhạc ở miền Bắc như thế nào, thì sau 1975, các ca sĩ xuất thân từ miền Bắc sau 1954 đã giết nhạc miền Nam như thế ấy.  Âm nhạc Việt đã đi qua hai lần chết. Một đằng thì chính trị phủ định tâm hồn cá nhân qua âm hưởng; đằng nầy thì kỹ năng trình diễn thiếu tâm hồn đã hủy hoại ca từ bằng ý chí xác định ngã thức qua âm thanh. Mỗi lần nghe Hồng Nhung hát nhạc Trịnh hay Bằng Kiều hát nhạc bolero, ta thấy như họ cầm dao sắc ngọt ngào cắt đứt bản nhạc cũ mòn trên tay. Những ai đã từng nghe Chế Linh hát “Thói Đời” xong nghe qua Bằng Kiều hát “Hoài Cảm” hay “Đắp mộ cuộc tình” thì sẽ thấy điều nầy. Một đằng là cơm gạo đồng quê mới giã cối ăn với rau dền hái sau vườn, đằng kia là chiếc bánh hamburger của tiệm McDonald nơi góc phố đầy âm thanh. Ôi là cái Thời của tiếng ồn thay cho âm hưởng.

Lần nữa, âm nhạc Việt đã trải qua hai ba lần chết.  Một đằng bởi ý chí chiến thắng, một đằng với nghệ thuật hòa bình. Không ngạc nhiên gì mà sau 1975, âm nhạc Việt Nam không còn ai sáng tác gì mới và hay nữa.

Vâng, kỹ năng hát cũng như là kỹ thuật karaoke tối tân từ công nghệ Nhật bản. Cả hai cùng là dao sắc đâm chết âm nhạc Việt. Với karaoke, ngày nay, xã hội và con người Việt ta lại còn chịu đựng thêm một cái chết âm nhạc nữa. Đó là cái chết rất hồn nhiên và bình dân từ năng ý trình diễn của dân ta. Hằng đêm, khi ta đi vào bất cứ ngõ phố nào, làng quê nào, thì các loa karaoke inh ỏi cũng muốn bắt chước Hồng Nhung, Bằng Kiều để mà giết chết Chế Linh và Lệ Thu. Trong thao thức vì mất cơn ngủ bởi đám ca sĩ miệt vườn eo éo thâu đêm bên hàng dậu, ta mới cảm nhận được cái ý từ câu ca của nhà Trịnh, “Người chết (ba) lần thịt da nát tan.”

Cho nên khi nghe tin Lệ Thu vừa qua đời ở California, chúng ta phải cùng tiếc nuối.  Bởi vì, cái chết của Chị là dấu ngoặc cho một Thời Quán âm nhạc Việt Nam đã đi qua và không bao giờ trở lại. Nhạc Việt đã bị giết chết từ lâu. Kể từ nay sẽ không còn một Lệ Thu, một Chế Linh nào cho chúng ta nghe và đồng cảm nữa.

NHL

18/1/2021

13 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả có sức cảm thụ âm nhạc rất tinh tế và trình độ diễn tả thật trí thức, nhưng vẫn không thoát khỏi bị ảnh hưởng bởi lăng kính chính trị yêu ghét, cho nên phê phán có phần cực đoan, định kiến…
    Thật ra, nhạc sĩ và ca sĩ có thể ví như những loài kỳ hoa dị thảo, muôn màu muôn vẻ muôn hương; như nhan sắc mỹ nhân mỗi người một vẻ mười phân thằng nào cũng thích…bởi thế mới có nạn đa thê, ngoại tình, ghen tuông…
    Nhưng vốn là loài cần thổ ngơi phì nhiêu, thanh khí thông thoáng tự do tươi mát ướt át để phát triển, nên một Văn Cao tài hoa phi thường đã thui chột trong kháng chiến. Trong chiến tranh lại nở những nhân tài nhạc hùng như Lưu Hữu Phước, Phạm Minh Tuấn…Xét trên tiêu chuẩn nhạc cỏi vũ chiến đấu, thì họ đã rất thành công với những nhạc phong trào. Tuy nhiên, sau chiến tranh, chẳng mấy ai ở miền bắc nghe lại loại ngạc đó. Họ đổ xô vào thưởng thức nhạc trong Nam. Khó lòng phủ nhận hiện tượng nầy.
    Người CS vĩ cuồng, học đòi đàn anh, nên họ khoái opera…từ đó ca sĩ cứ thích cao giọng, dài giọng, khoe giọng…kiểu rống như Trần Hiếu, và gần đây là Quang Dũng. Cũng kiểu đó là Mỹ Linh, và quái chiêu hơn là Thanh Lam!

    Miền Nam tự do là một rừng bạt ngàn những thiên tài, nhân tài âm nhạc, sáng tác và biểu diễn…nhiều không kể xiết, vì họ được nuôi dưỡng bằng thức ăn vật chất, tinh thần, tình người dồi dào phong phú trên nền tảng xã hội thăng hoa nhân vị và văn minh Âu Mỹ kể từ sau HĐ Geneva 1954 – thứ mà miền Bắc hoàn toàn thiếu thốn, và ngày nay cũng đang ngưỡng vọng học theo…cả trong lối sống, thời trang, ẩm thực.
    Cũng nên công bằng vậy thôi.

  2. Bài viết thật Xác Đáng, đây chính là một phần của ”Thực Trạng”’…của nền Tân Nhạc vn….người hát thì cứ Rống Lên, nghêu ngao ,còn người sáng tác thì không còn Tâm Trí nào để mà ….sáng tác. đó là hiện tượng …Tự Chết. đó là Hậu Quả của việc …”Định Hướng”….trong âm nhạc, định hướng trong sáng tác….

  3. Chiên da hôm nay dám mó dái ngựa kkk, khi không cha nhảy vào lãnh vực âm nhạc và phán tứ lung tung, hình như không bị chúng ném đá thì chiên da ăn không ngon ngủ không yên hay sao ấy. Sắp Tết nguyên đán, cầu chúc chiên da nhiều sức khỏe de973 chống chọi với gạch đá. À mà này, chiên da có rảnh làm ơn viết vài bài về thủ Niểng Nổ trong cương vị mới là chủ tịt bù nhìn sau khi cắm đầu ký biết bao là văn bản do bọn khốn đề xướng để giờ được trả ơn cái gớ chủ tịt.

  4. Ông cha giết lại nhẩy xổm lên ông ca sĩ rên rỉ Chế Lính sao mà nồng ấm vào mùa đông lạnh covid19 này…Chế Bồng Nga, Chế Bồng Nga ơi. Ông cha giết Chế Liêm ơi.Chế
    Liêm ôi. Mong được nghe giọng ca siêu rên rỉ của Chế Liêm đánh gục Chế Lính vào một thời mộng mơ xa xưa.
    .
    .

  5. Ca sĩ miền Bắc họ hét chứ không hát, không một ai có thể thay thế Khánh ly Lệ Thu hay Thanh Thuý. Tôi không kỳ thị Bắc Nam nhưng Ca Sĩ hiện thời chẳng đem lại một xúc cảm nào khi nghe họ hát, họ hát theo ý của họ cố rống lên và ngân dài đâm ra lệch điệu nhưng đây là hướng đi của họ, và hầu hết y như nhau.Tôi chưa bao giờ mua một CD nào của họ ./

  6. Tác giả phân tích quá chính xác, tôi mặc dù là người Bắc nhưng không thể chịu nổi khi nghe bọn ca sỹ miền Bắc rống lên bất kỳ loại nhạc gì trừ nhạc đỏ (còn gọi là nhạc Việt cộng), có lẽ tôi thuộc nòi “phản động” khó cài tạo?

  7. Theo như bác ni thì cai’ chi của NGỤY SAI GÒN củng tốt củng gioỉ củng hay. Từ âm nhạc nghệ thuật, ca sĩ nhac sĩ của Ngụy SAI GON cho tơi’ kinh tế, chinh trị van hoá xả hội của NGUY SAI GÒN củng là………..SUPER cả, ngay cà cái’ SAIGON ngày xưa bé bằng lổ muĩ và hàng tra(m khu ổ chuột sống chen chúc 2 ben sông rạch nuớc den ngòm, phảng phất muì thôi’ tha của rác ruoỉ và xu’ uê’ thê’ nhưng đôi voi’ may’ bác NGUY TAN DƯ thì SAI GON vẩn là ………….SUPER thơm, hahahhahaha .

    Đúng là các bác già qua’ rồi cho nên hoài niệm và niú kéo quá khứ mà bất chấp’ quy luật tiến hoa’ của xả hội loài người. Cai’ sau tot’ hơn cai trước cho nên cai’ truoc’ phai bi loai bỏ là quy luật của muon đời .

    • “Cai’ sau tot’ hơn cai trước cho nên cai’ truoc’ phai bi loai bỏ là quy luật của muon đời” . (Lác 19/01/2021 at 04:10)

      Nhưng sự thực thì “cái trước” vẫn không bị loại bỏ, “cái trước” vẫn hiện diện lấn át “cái sau”, người đời vẫn ca tụng thương nhớ “cái trước”, điều này cho thấy “cái sau” do trần ích Tắc hồ chí minh, cộng sản bắc kỳ, dựa vào thực dân đỏ chống lưng đỡ đầu dựng nên, áp dặt lên dân & nước VN, là cái tồi tệ, là đồ lai căng (lai tàu) thối tha, xú uế, nên bị loại bỏ

    • NTDNP chắc thuộc lớp tuổi chưa từng sống qua 2 chế độ. Nói chung, cái trước có bộ mặt người hơn cái sau. Nếu cài sau tốt hơn cái trước thì chẳng ai còn luyến tiếc cái trước cả NTDNP ạ.

    • Giá mà miền bắc ta được mấy con sông đen ngòm đấy thì đâu có cần đi nhặt phân khắp thủ đô. Đồ cứu đói mà bọn ngụy lại xả ra kênh mới chết chứ! Ngoài bắc thì đã…vét sạch rồi.
      Anh dùng đỉnh cao trí tuệ để chửi vô mặt thằng ngu. Có đã hông Lác?

  8. Cám ơn tác giả đã nói lên một điều mà tôi cũng như những bạn đồng lứa tuy cũng muốn lên tiếng, nhưng không biết phải diễn tả sao cho thích đáng. “Bạn đồng lứa” của tôi là những người đã sanh ra, lớn lên trong miền Nam và hấp thụ nền văn hoá VNCH từ nhỏ. Không cần biết đó là là nhạc vàng, nhạc sến hay nhạc tiền chiến, chúng tôi vẫn thích nghe giọng ca của Lệ Thu, Khánh ly, Sĩ Phú, Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh vv… hơn là nghe các ca sĩ miền Bắc hoặc ca sĩ thế hệ sau năm 1975. Có người (miền Bắc) cho rằng chúng tôi có “mặc cảm của kẻ bại trận”. Có bạn cường điệu hơn thì cho rằng chúng tôi “kỳ thị Nam-Bắc”. Cũng may số người tố cáo chúng tôi như trên chỉ là số ít, còn đa phần là đồng ý với chúng tôi.

    Vì không biết phải diễn tả cái “tự nhiên” và cái “gò ép” sao cho “lột” hết ý, chúng tôi chỉ biểt dùng hai chữ: “MƯỚT” và “CHUỐT”.

    – “Mướt”: giọng nghe trơn tru, tự nhiên, không gò, không ép, và chỉ dùng kỹ năng trong trường hợp bất đắc dĩ. Các ca sĩ miền Nam, ngay cả các ca sĩ Bắc 54, đa số có giọng “Mướt”.

    – “Chuốt”: giọng ca phải dùng đến kỹ năng, ca sĩ hát “chuốt giọng” phải “chuốt” phần lớn hoặc toàn bộ bài hát, thì mới gọi là “đạt”, hoặc “chuẩn”. Ca sĩ các thế hệ sau 1975 hoặc Bắc 75 đa số có giọng “Chuốt”.

    Dĩ nhiên, ca sĩ nào cũng thế. Giọng ca họ phải “mướt” hoặc “chuốt”, thì mới được thẩm định là “hay”, và bầu sô mới dám cho lên diễn.

    Để có thí dụ cụ thể, tôi xin trưng dẫn một bài hát . Các bác yêu âm nhạc có thể bỏ ít phút ra so sánh bài “Nửa hồn thương đau” do bốn ca sĩ thuộc ba thế hệ khác nhau trình bày:

    – Giong “mướt”: Thái Thanh: https://www.youtube.com/watch?v=XVf-LTHBmTk
    Lệ Thu: https://www.youtube.com/watch?v=1zvoqKZed9o

    – Giọng “mướt” và “chuốt”: Ngọc Lan: https://www.youtube.com/watch?v=utL_iNvK_jo

    – Giọng chuốt”: Lệ Quyên: https://www.youtube.com/watch?v=OXFmhsG8gos

    Dĩ nhiên, trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. Các bác có góp ý để tôi học hỏi thêm thì tôi cám ơn các bác nhiều lắm.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên