Sau nhiều ngày chống chọi với bệnh viêm phổi do Coronavirus, nữ danh ca Lệ Thu đã từ trần vào lúc 7:00 pm ngày 15.1.2021 (giờ Mỹ).
Lệ Thu và “Khi cuộc tình đã chết”
Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 tháng 7 năm 1943 tại Hải Phòng, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.
Cô đã kể về gia thế của mình: “Cha tôi trước Cách mạng Tháng Tám làm một chức quan nhỏ ở Hải Phòng. Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền của bà vợ cả, phải chịu đựng đủ điều. Bà bắt mẹ tôi làm đủ thứ việc. Năm 1953, khi mẹ tôi vào Nam, bố tôi nói không đi vì ông tiếc của cải. Năm 1954, một ngày nọ tôi đi học về, mẹ gọi tôi vào và chỉ nói một câu ngắn gọn: “Thầy con mất rồi!”. Ông bị xử tử trong đợt cải cách ruộng đất…”.
Lệ Thu đến với nghề ca hát hết sức tình cờ vào năm 1959: trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, được sự khuyến khích của bạn bè, cô đã bước lên sân khấu hát ca khúc “Dang dở” (tức “Tà áo xanh”) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh.
Ngay sau khi nghe cô hát, ông chủ phòng trà đã mời cô ký hợp đồng biểu diễn như lời kể của cô: “Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một người bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Tôi liền đứng lên hát bài “Tà áo xanh” (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Tự dưng giọng hát tôi lọt tai ông chủ phòng trà. Ông bèn ngỏ lời mời tôi đi hát. Ông thuyết phục tôi: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn học bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy.
Thế là tối tối, tôi giấu mẹ đi hát. Nhiều khi tôi mặc cả đồng phục ở trường đi hát luôn. Khi ông chủ phòng trà hỏi tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại bật lên một cách tự nhiên như thế…”
Với thời gian, cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu được coi là một trong những giọng ca lớn của nền tân nhạc Việt Nam.
Từ năm 1968 đến năm 1971, tiếng hát của cô là một trong những yếu tố thu hút khách đến với các vũ trường như Queen Bee, Tự Do và Ritz. Cô còn tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh như Đài phát thanh Sàigòn, Đài Quân đội và thu âm nhiều băng nhạc cho các trung tâm sản xuất băng nhạc. Từ ngày sang Mỹ định cư vào năm 1980 cho đến nay, cô vẫn tiếp tục đi hát và được mời trình diễn cùng với các nghệ sĩ Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy được coi là người thể hiện thành công nhất các sáng tác của nhạc sĩ Trường Sa, Lệ Thu vẫn để lại dấu ấn rất riêng trên các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến… và nhiều nhạc phẩm từ thời tiền chiến cho đến thời kỳ 1954-1975.
Với nhạc Phạm Đình Chương, Lệ Thu là lựa chọn hàng đầu để trình bày những tình khúc như “Đợi chờ” hay “Khi cuộc tình đã chết”. Trong album nhạc tuyển Phạm Đình Chương thực hiện sau khi ông tạ thế, anh Phạm Thành, trưởng nam của ông, đã chọn Lệ Thu để trình bày ca khúc “Khi cuộc tình đã chết”.
Khi cuộc tình đã chết…
Năm 1969, nhà thơ Du Tử Lê đã viết bài thơ “Lúc người chết” để thể hiện nỗi đau đớn khi nói lên lời từ biệt trước lúc vĩnh viễn xa lìa người yêu. Khi hai người không còn gặp nhau trên những nẻo đường đời và tình yêu đã chết, bóng tối sẽ phủ trùm lên mọi vật và gió nổi lên từ hồn người sẽ như một trận cuồng phong làm tan hoang tất cả mọi thứ trong đời sống. Trận cuồng phong ấy sẽ cuốn theo bao điều đã ám ảnh hồn người suốt một thời gian dài như vầng tóc rối, môi hồng, đôi bàn tay, ngực đầy và hương tình đã nhạt phai… Giữa đêm mưa hiu hắt, lời chia tay với tình yêu cuồng điên một thuở là lời cáo biệt đầy đau đớn khi “đời đã đành chia đôi”:
LÚC NGƯỜI CHẾT
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy bóng tối
Một hồn đầy hương phai
Một hồn đầy gió nổi
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy mắt đỏ
Mưa nối liền vai người
Buồn nối liền thân tôi
Tình nối liền nỗi chết
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy bão rớt
Một hồn đầy điên mê
Một hồn đầy mộ địa
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy môi người
Một hồn đầy tóc rối
Một hồn đầy máu tươi
Một hồn đầy tay siết
Một hồn đầy ngực thơm
Chân đưa lời cáo biệt
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy côn trùng
Một hồn đầy tháp chuông
Ngân nga lời báo tử
Hãy mang đi hồn tôi
Khi cuộc tình đã hết
Còn lời nào cho vui
Còn mắt nào không tủi
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy trái rụng
Đời đã đời chia đôi
Tình đã tình khốn nhục
Trước khi người phải chết
Nhớ một lần đêm nay
Mưa đắp mềm vai người
Buồn đắp mềm thân tôi
Quanh ta đời đã lụn.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã phổ nhạc bài thơ của Du Tử Lê thành ca khúc “KHI CUỘC TÌNH ĐÃ CHẾT”:
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy bóng tối
Một hồn đầy gió nổi
Một hồn đầy hương phai.
Hãy mang đi hồn người
Chân đưa lời cáo biệt
Mưa nối liền vai người
Hiu hắt liền đời tôi.
Khi cuộc tình đã chết
Còn lời nào cho vui
Đời đã đành chia đôi.
Khi cuộc tình đã chết
Còn mắt nào cho nguôi
Đời đã đành chia đôi.
Hãy mang đi hồn tôi
Đầy tóc rối
Đầy môi người
Đầy tay siết
Đầy ngực thơm
Đầy bão rớt
Đầy điên mê.
Xin nhớ đêm nay
Xin nhớ đêm nay
Mưa đắp mềm vai người
Đắp mềm tình tôi.
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy bóng tối
Một hồn đầy gió nổi
Một hồn đầy hương phai.
Hãy mang đi hồn người
Chân đưa lời cáo biệt
Mưa nối liền vai người
Hiu hắt liền đời tôi.
Khi cuộc tình đã chết
Còn lời nào cho vui
Đời đã đành chia đôi.
Khi cuộc tình đã chết
Còn mắt nào cho nguôi
Đời đã đành chia đôi.
Ca khúc “Khi cuộc tình đã chết” với giọng ca Lệ Thu: https://youtu.be/f5n-5y7vrK8
Ảnh: Danh ca Lệ Thu
Huỳnh Duy Lộc (FB)
[…] nên khi nghe tin Lệ Thu vừa qua đời ở California, chúng ta phải cùng tiếc nuối. Bởi vì, cái chết của Chị là dấu ngoặc cho […]
[…] nên khi nghe tin Lệ Thu vừa qua đời ở California, chúng ta phải cùng tiếc nuối. Bởi vì, cái chết của Chị là dấu ngoặc cho […]
“Thập niên 1970, tên tuổi bà gắn liền với nhạc sĩ Trường Sa khi là người đầu tiên thu âm ba sáng tác nổi tiếng của ông: Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau, Mùa thu trong mưa. Trường Sa từng kể, năm 1969, khi chạy trên đường phố Sài Gòn, nghe tiếng hát Lệ Thu lồng lộng qua khung cửa sổ phòng trà Tự Do, ông lập tức dừng lại, viết những câu đầu tiên trong Xin còn gọi tên nhau: “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng/ Chiều đong đưa những bước chân đau mòn…” (Nguồn từ mạng, cũng từ những năm 1970 từng nghe và yêu thích tiếng hát Lệ Thu)
Tôi luôn kính mến Lệ Thu từ những tình cảm chân thật, tiếng hát rành rẽ rõ ràng đầy đam mê.
Chỉ có mỗi một lần tôi coi Lệ Thu, Khánh Ly, Trần Văn Trạch với con trai và ban múa Trưng Vương v.v ở trên sân khấu giảng đường đại học Sàigòn, trên con đường Cường Để.
Cô bạn gái cùng lớp rủ, bảo đi vào coi văn nghệ. Tôi bảo đâu có vé. Bạn tôi bảo nó dẫn tôi vào được, một cách đặc biệt. Thì hai đứa vào coi đại nhạc hội được thật, ngồi chỉ vài hàng sau Trần Văn Trạch.
Bản Hạ Trắng khi đó nổi tiếng Khánh Ly ra trước được yêu cầu hát Hạ Trắng, Khánh Ly bảo bài này là bài của Lệ Thu nên không hát bản này. Nên tôi nhớ là Khánh Ly (KL) lè nhè (xin lỗi các bạn, tôi đồng ý với một số người cho rằng KL hát mê hoặc với chất á phiện, lè nhè có ý như thế, và tôi thích nghe Lệ Thu hơn KL hát, là sự yêu thích có tính cách cá nhân của tôi, không có ý va chạm tới nữ danh ca KL. Sau này thì tôi lại không phục Trịnh Công Sơn bao nhiêu, cũng là tình cảm cá nhân, mà KL hay hát nhạc Trịnh) những bài hình như trong Ca Khúc Da Vàng như Ghế đá công viên dời ra đường phố.
Lệ Thu cất tiếng hát bài Hạ Trắng dĩ nhiên là được hoan nghênh nhiệt liệt.
Chuyện riêng của tôi hơi lôi thôi, chưa kể ra bao giờ. Là tôi bảo bạn tôi rằng tôi đi xe lam về nhà, trễ sao mà về. Nó bảo để nó chở về. Nó đi Suzuki màu xanh da trời đậm. Nhưng khi về nó bảo tôi, nó đưa tôi về thì được nhưng đi xe về một mình lại sợ ma. Tôi nhanh trí bảo chị tôi học Anh Văn ở Hội Việt Mỹ, thả tôi ở đó. Thế là hai đứa đều toại nguyện. Câu chuyện văn nghệ này bạn tôi và tôi chưa bao giờ nhớ hay nói chuyện lại với nhau. Chỉ có khi rời VN, tôi mới rất hiếm khi nhớ tới. Mà nhớ thì rõ vì những biến cố chị em trong nhà lại xảy ra cùng lúc.
Gặp chị tôi chị tôi ở Hột Việt Mỹ, chị ấy bảo, “Mày chết”. Tôi hỏi chết cái gì. Chị bảo chỉ lo đi chơi ở nhà em gái bệnh đã vào bệnh viện mổ ruột dư. Tôi thương em tôi quá.
Hôm nay tôi như nhiều người, đã bị nhiễm covid 19 từ Dec 18, 2020 coi như hoàn toàn bình phục. Em gái tôi lại ở bệnh viện, trên ghế tử thần như Lệ Thu, rất khó cứu được mạng sống. Máy thở, không có hy vọng, hãy xem nếu thiên nhiên trị liệu có hiệu quả không. Nếu có sẽ phải cần thêm thời gian máy thở cũng như hồi phục với thời gian rất dài.
Xin tưởng niệm Lệ Thu như thế, với giòng nhạc Trường Sa “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng…” trên những con đường hai hàng cây đầy lá xanh của Đại học Sài Gòn, cũng như sân khấu văn nghệ của giảng đường trong những năm 1970, trước April 30, 1975 với bạn bè chung lớp cùng đại học.
Xin tưởng niệm Lệ Thu như thế cũng với mùa covid 19, 2019-2021, đang tràn ngập trên thế giới, cùng những liên quan về các chị em tôi, rất riêng tư, mà là chuyện thật, dù chưa kể hết.
Với tình thân từ ĐCV và Friends. Have a great Sunday.
Xin bảo trọng và giữ gìn sức khỏe qua mùa đại chịch Covid 19.
Một thời để rất nhớ và bâng khuâng với: Trường Sa, tiếng hát Lệ Thu: “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng…”
Lệ Thu cũng nổi danh với những Bài Không Tên của Vũ Thành An nhưng sao trong bài không thấy nhắc đến. Giọng hát của chị vẫn in đậm trong tâm khảm của những người mến mộ và trong số đó có tôi. Cầu mong hương hồn chị Lệ Thu (Bùi Thị Oanh) sớm về nơi vĩnh hằng, nơi chỉ có niềm vui và hạnh phúc. RIP
“Khi cuộc tình đã chết,
Còn cái gì không chia,
Nhà cũng đành cưa đôi.”
Để tưởng nhớ “giọng ca vàng mười”, Lệ Thu.
LOL cái bài thơ của Du Tử Lê, not for me either. Một cơn bão chữ.