Một thoáng Cảm Tình Viên

7

Thế là bộ phim Sympathizer gồm 7 tập đã khép lại trên kênh HBO với những lời khen chê ồn ào trong dư luận Mỹ, khen nhiều hơn chê. Không rõ kênh này có bao nhiêu người Việt thuê bao hoặc xem, nhưng trong dư luận Việt Nam, bộ phim đi giữa hai lằn đạn, chê nhiều hơn khen, bị cả CSVN lẫn VNCH ném đá; từ phía CSVN là rõ nhất, chẳng những không cho quay ở Việt Nam, đoàn làm phim phải “tị nạn” ở Thái Lan, mà phim làm xong còn bị cấm chiếu.

Báo Mỹ khen là lần đầu tiên có một phim đưa ra một cái nhìn mới về chiến tranh Việt Nam thay vì những phim trước đều đứng trên cái nhìn của Mỹ, chỉ nói về lính Mỹ; và cũng là lần đầu tiên có một bộ phim của Mỹ có nhiều lời thoại tiếng Việt Nam nhất, mặc dù có những vai nói tiếng Việt rất khó nghe.

Sau đây là một số ghi nhận cá nhân của một khán giả không phải là con mọt xi-nê, xem qua bảy tập bằng thái độ tò mò, giải trí, chưa hề đọc sách của Nguyễn Thanh Việt nên không rõ các đạo diễn đã thêm mắm thêm muối cho nguyên bản như thế nào.

Các ghi nhận lướt qua này không được sắp xếp theo thứ tự mỗi tập, mà chỉ là những ý nghĩ vụn vặt còn đọng lại sau khi xem, nhớ tới đâu ghi tới đó.

Những gì được xem

Trong phim, vai Cảm Tình Viên mang lon và mang tên Đại Úy (ĐU) phục vụ cho một đơn vị gọi là Cảnh Sát Đặc Biệt, chuyên môn truy lùng và tra tấn những ai hoạt động cho VC. Đã gọi là Cảnh Sát Đặc Biệt thì một là anh mặc đồ cảnh sát, hai là anh mặc đồ dân sự cho người ta khỏi biết, nhưng tại sao anh lại mặc đồ kaki vàng của quân đội, và quân đội chỉ mặc kaki vàng khi đi phép hoặc khi đi làm nếu là thời bình, còn đây là thời chiến mà. Thêm nữa, trụ sở Cảnh Sát Đặc Biệt mà bên ngoài do Quân Cảnh – cảnh sát của quân đội – đứng gác, thế là thế nào? Nơi làm việc của Cảnh Sát Đặc Biệt mà có người đứng gác bên ngoài thì còn gì là đặc biệt, còn gì là bí mật hay đặc biệt nữa, lạy ông con ở bụi này.

Đồng ý là khi tướng Nguyễn Ngọc Loan của Không Quân về nắm cảnh sát, ông ta có đưa các sĩ quan như Ly, Du, Quế từ quân đội về làm cò phú-lít; nhưng khi được biệt phái như vậy, mấy ông đó mặc đồ cảnh sát khi đi làm chứ không mặc đồ quân đội nữa.

Xem quần áo của người Việt trong mấy đoạn này cứ tức anh ách, giống như cho phụ nữ miền Bắc đội nón lá, phụ nữ miền Nam đội nón quai thao vậy.

Bộ phim đã có công dựng lại bức tượng hai Thủy Quân Lục Chiến trước Quốc Hội, bây giờ là Nhà Hát Lớn, và có quay cảnh một trung tá cảnh sát tự tử trước bức tượng đó sau 30/4; vậy mà bộ cảnh phục của ông trung tá cũng không giúp các nhà thiết kế quần áo cho bộ phim nhận ra cảnh sát VNCH lúc đó mặc áo trắng quần xám?

Nếu cho rằng cần phải dùng óc sáng tạo khi xem một phim hư cấu thì không nên bắt bẻ chuyện trang phục đầu voi đuôi chuột của mấy người thuộc VNCH, thì tại sao phía các vai người Mỹ ăn mặc rất đúng mốt của thời kỳ hippy, 60’s hoặc 70’s?

Cảnh Sát Đặc Biệt có cần dùng nguyên một rạp chiếu xi-nê đèn đóm sáng choang để khai thác, tra tấn những người hoạt động cho VC không, chẳng hiểu rạp đó là rạp nào ở Sài Gòn; hay chỉ cần một phòng vừa phải, đèn đóm âm u cho có vẻ ghê rợn là đủ? Mấy ông Cảnh Sát Đặc Biệt trong phim mặc đồ xi-vin nhưng lại có dây ba chạc bằng da để đeo súng nơi nách. Thưa quý vị costume designer, Cảnh Sát Đặc Biệt của VNCH không đeo súng giống như mấy tay detective trong các bộ phim CSI của Mỹ đâu ạ, quý vị cứ dramatize quá khán giả họ cười cho.

Phim của Mỹ mà quay cảnh bom nổ đạn rơi thì hết chỗ chê, nhưng khi bom máy bay thả xuống gần nghĩa địa có chôn người thân của ĐU thì lại tức anh ách vì nghĩa trang người Việt, dù ở vùng quê hay thành phố, đều có những gò nổi, chứ không chôn ngầm, mặt bằng phẳng như nghĩa trang ở Hoa Kỳ.

Một trong những bạn thân của ĐU sau 75 hiện nguyện hình là một sĩ quan VC, điểm lạ của ông ta là có râu mép và râu cằm, một hình ảnh chưa bao giờ thấy nơi sĩ quan VC.

 

Bạn có bao giờ thấy một sĩ quan VC để râu như thế này chưa? (Ảnh cắt từ trailer của bộ phim)


ĐU theo đoàn quân kháng chiến từ Mỹ trở về phục quốc, nhiều người trong đoàn bị bắt nhốt trong trại cải tạo. ĐU khai mình là người từng hoạt động cho “Cách Mạng” nhưng ban quản giáo không tin, mang ĐU vào bệnh xá của trại, dùng máy móc có dây nhợ quấn quanh đầu giống như bệnh nhân sắp được mổ óc, để xem tên tù cải tạo này khai thật hay khai xạo.

Quá ấn tượng khi thấy bệnh xá của trại cải tạo VC mà cũng có những máy móc y khoa hiện đại để “xử lý” bộ não của con người giống như một bệnh viện năm sao của Mỹ hoặc cơ sở y tế của bọn gian ác trong mấy phim 007. Jason Bourne cũng bị CIA dùng mấy thứ dụng cụ này để biến anh ta thành một hitman văn võ song toàn, nói được nhiều thứ tiếng nhưng không nhiều bằng bác Hù. Có lẽ những người làm phim, hay Nguyễn Thanh Việt, không biết bệnh xá của trại cải tạo VC chỉ có xuyên tâm liên là chính và nếu cần mổ thì đã có lưỡi lam cạo râu hoặc cưa thợ mộc, có che mùng hẳn hòi cho có về sinh, ruồi muỗi khỏi bu lại.

 

Đại úy được mang vào bệnh xá của trại cải tạo để “xử lý” bộ não (Ảnh cắt từ trailer của bộ phim)


ĐU có hai người bạn thân từ thuở nhỏ. Một người tên Bốn, sau này là quân nhân Nhảy Dù vì thấy đội beret đỏ; một người quên tên, tạm gọi là Ba, sau này cũng theo Cộng sản và trở thành chính trị viên trong trại cải tạo mà ĐU đang bị nhốt sau khi từ Mỹ trở về phục quốc.

Ba người này khi nhỏ, tầm 10 tuổi, đã cắt máu ăn thề, sống chết có nhau. Bấy giờ miền Nam đã dịch cuốn Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ của Alexandre Dumas, nhưng không biết sách dịch đã về đến vùng quê, nơi ba cậu nhóc này sống hay không; khi về đến vùng quê, ba cậu này có đọc hay không mà ba cậu làm lễ tuyên thệ giống như d’Artagnan và các bạn. Cũng may vùng quê này không có vườn đào, nếu không thì ba nhóc sẽ bắt chước Lưu BịQuan VũTrương Phi kết nghĩa tại vườn đào và thề: Tuy không sinh cùng giờ cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày cùng giờ. 

Bốn là người lính Nhảy Dù mất cả vợ lẫn con khi sân bay bị VC pháo kích trong lúc anh cùng vợ ôm con chạy bộ trên phi đạo, bây giờ gọi là đường băng, để kịp leo lên chiếc C-130 đang lăn bánh nhưng đuôi vẫn mở. Khi sang tới Mỹ, Bốn hay nhớ tới cái chết của vợ con, thường bị khủng hoảng tinh thần và rất mong trở về Việt Nam kháng chiến.

Mỗi lần Bốn bị khủng hoảng, anh ta vung bàn tay mặt lên định vặn vít con ốc nơi màng tang như muốn cho bộ óc nổ bung ra, hai mắt anh nhăn nhó, miệng anh cũng nhăn ra với đầy đủ bộ răng. Hành vi này chỉ có người Mỹ thứ thiệt mới làm, còn một anh mít dưới 30 tuổi, sinh đẻ tại Việt Nam không có cử chỉ này khi bị khủng hoảng tinh thần.

Cuối cùng thì ĐU cũng theo đoàn quân trở về nước kháng chiến qua ngả Thái Lan, vì Bốn, người bạn mà ĐU thề sống chết có nhau, nhất định theo đoàn quân. Một nhóm tay súng hoạt động âm thấm trong rừng mà ăn mặc quần áo ô-liu sạch sẽ thơm tho, giống như lính của một sư đoàn bộ binh VNCH với đầy đủ nón sắt hai lớp có lưới. Các nhà làm phim chắc không chịu nghiên cứu nhóm của Hoàng Cơ Minh, chỉ có bà ba đen và khăn rằn.

Khi bị người cộng sản điều tra, ĐU phải chứng minh mình cũng là cộng sản chăm phần chăm bằng cách hát một cách hăng say một bài hát của VC. Ý kiến cá nhân: bài này không thuộc loại phổ biến và rất khó hát. Với cái giọng lơ lớ của ĐU, dù Hoa Xuande đã được nhà sản xuất gửi đi học một khóa chuyên tu tiếng Việt trong hai tháng trước khi quay, cũng khó nhận ra ca từ, nếu không đọc phụ đề. Sao không chọn những bài phổ thông như Giải Phóng Miền Nam, Tiến Về Sài Gòn, Kết Đoàn hoặc kẹt lắm thì dùng Quốc Ca của Văn Cao có nhiều người biết hơn? Trông ĐU hát tiếng Việt với ắc-xăng tiếng Mỹ thấy mà tội.

Những gì cảm nhận

Sao lại chọn cái tựa là Cảm Tình Viên thay vì Gián Điệp Hai Mang hoặc Kẻ Nội Tuyến hoặc Kẻ Nằm Vùng? Cảm tình viên chỉ là người có cảm tình, đằng này ĐU là người thực sự liên lạc, nhận lệnh và thi hành những gì Cộng sản đưa ra.

Vai chính trong phim là Hoa Xuande hay Robert Downey Jr. (RDJ)? Bộ phim tung ra vào lúc RDJ vừa chiếm Oscar với Oppenheimer, nhưng dù không chiếm Oscar, RDJ cũng có tiếng hơn Hoa.

Trong phim, RDJ thủ luôn bốn vai: tay CIA chỉ đạo ĐU từ lúc còn ở bên Việt Nam, một giáo sư đại học thiên tả ở Berkeley, một dân biểu mị dân và một đạo diễn kiểu Francis Coppola. Trong cả bốn vai, vai nào RDJ cũng làm đàn anh, đại ca, quan thầy của ĐU.

Kiều Chinh được giao một vai quá khiêm tốn, Sandra Oh cũng không thi thố được hết tài năng, cả hai bà được mời có lẽ để cho bộ phim trông có vẻ đồ sộ. Vai thư ký của Sandra Oh giao cho một diễn viên hạng B đóng cũng được và về mặt ngoại hình, Sandra trông lớn tuổi hơn ĐU người tình lên giường với mình.

Tập họp cựu quân nhân VNCH về nước phục quốc là phong trào của mấy năm đầu sau 75, tạm cho là đến năm 1982 đi. Vậy mà chỉ trong vòng năm bảy năm, ĐU nói tiếng Mỹ vun vút, thái độ như Mỹ con, cặp bồ với phụ nữ Mỹ gốc Nhật, vẫn tiếp tục gặp RDJ-CIA như đã từng gặp khi còn ở Việt Nam, dự party của RDJ-giáo sư đại học trò chuyện rôm rốp với khách mời, giao thiệp như người trong nhà với RDJ-ứng cử viên dân biểu, được mời làm tư vấn cho bộ phim chiến tranh Việt Nam của RDJ-đạo diễn. Tóm lại, ĐU trong phim là một nhân vật xuất chúng, thập bát ban võ nghệ, chứ không phải tay vừa.

Nhiều lúc bộ phim này giống như phim James Bond, khi ĐU vào nhà ông tướng Việt Nam hoặc nhà ứng cử viên dân biểu Mỹ lén chụp hình hồ sơ bí mật; nhiều lúc giống như phim khoa học giả tưởng, khi ĐU bị mang vào bệnh xá của trại cải tạo để tẩy não (?); nhiều lúc giống như phim Spiderman hoặc vở nhạc kịch Phantom of the Opera, khi chính trị viên của trại cải tạo mang mặt nạ chỉ chừa một mắt. Cũng chính vì cái mặt nạ này, một chuyện chưa hề thấy nơi cán bộ nào của VC, mà khán giả có thể đoán trước thế nào ĐU cũng thoát ra được trại cải tạo khi anh chàng mang mặt nạ này tháo mặt nạ ra.

Có một vài chỗ mà đạo diễn muốn khán giả phải hiểu ngầm. Ví dụ cảnh ông cha cố đạo người Pháp từ nhà bà mẹ sinh ra ĐU lón lén ra về, ngụ ý dòng máu lai với cặp mắt xanh xanh của ĐU là đến từ vị linh mục này. Ví dụ cảnh mấy ông cảnh sát đặc biệt trong lúc tra khảo người nữ cán bộ cộng sản họ tu Coca Cola ừng ực ừng ực rồi nhét chai nước vào miệng người bị tra tấn. Cũng may là cảnh này do Don McKellar đạo diễn, chứ nếu để cho Park Chan-wook đạo diễn như mấy tập đầu thì thế nào chai Coca Cola đó không phải nhét vào miệng mà là chỗ khác, để làm nổi bật sự tàn ác của phe VNCH. Đối với đạo diễn người Hàn này thì chuyện máu me lai láng là chuyện nhỏ, như đã từng thấy trong Old Boy.

Phía VNCH không ưa phim này vì nhà sản xuất cho kháng chiến quân ăn mặc bôi bác, beret không biết cách đội, tóc tai lởm chởm giống như đám xã hội đen của Hong Kong, Nhật Bản hoặc Đại Hàn. Lãnh tụ kháng chiến quân là General, thường xuyên mặc đồ đại lễ, dù đứng trước hàng quân đang huấn luyện. General là chủ một quán liqueur, mặc đại lễ nhưng lại quàng phu-la, làm người ta liên tưởng đến ông Nguyễn Cao Kỳ, một người mà hôm trước thề trước đồng bào Công giáo ở Tân Sa Châu – Ngã Ba Ông Tạ sẽ tử thủ; qua ngày hôm sau đã thấy đang ở trên hàng không mẫu hạm Mỹ ngoài khơi Vũng Tàu. Trong những năm đầu thập niên 2000, ông Kỳ còn về Việt Nam bắt tay với VC nên rất nhiều người VNCH không ưa.

Phía VC không ưa phim này vì vai ĐU làm người ta liên tưởng tới Phạm Xuân Ẩn, cả đời phục vụ cho Hà Nội, lập biết bao chiến công, mà vẫn không được tin dùng, họ cấp cho ông quân hàm thiếu tướng rồi mời ngồi chơi xơi nước. Cho phép chiếu phim này bên Việt Nam thì sợ khán giả sẽ nghĩ Cộng sản là bọn vắt chanh bỏ vỏ. VC cũng không dám cho chiếu ở Việt Nam vì phim có nhiều cờ vàng, họ sợ món này như đỉa phải vôi, Dracula sợ thánh giá.

Thay lời kết. Sau phim này, Hoa Xuande sẽ nổi tiếng hơn, được mời diễn nhiều hơn; còn Nguyễn Thanh Việt thì tiền trong nhà băng sẽ phình lên, bảo đảm sống thoải mái dài ngày. Thôi thì, “mua vui cũng được một vài trống canh”, phim thuộc loại xem cũng được, không xem cũng chả thiệt thòi gì.

Châu Quang

7 BÌNH LUẬN

  1. Không đọc sách, cũng chẳng cần coi phim, nhưng chỉ cần nhìn cái tựa “Cảm Tình Viên” là đã hiểu mục đích của sách và phim là không chống cộng.

    Vậy “cảm tình viên” chống ai và chống cái gì nếu không phải là chống lại VNCH tự do và chống chiến tranh; hoặc ít nhất cũng thiếu khách quan, không công bằng trong nhận định và phân tích hai bên Quốc – Cộng? Để từ đó mới có tác phẩm này và nó được người Mỹ trao giải thưởng. Mục đích là dùng một trí thức thiên tả gốc Việt để “giải tội” cho cuộc chiến mà Bắc Việt đã gây ra và cũng là để giải tội cho sự bán đứng đồng minh VNCH của chính phủ Mỹ thời đó. Họ trao giải thưởng cuốn sách và làm phim không ngoài mục đích đó.

    Nhưng dù có “cảm tình” với cộng sản, dù thiên tả, dù chống chiến tranh, nhưng “cảm tình viên” vẫn không thể loại bỏ cái tên VNCH ra khỏi cuộc chiến. Và đây chính là điều mà người cộng sản tối kỵ và lo sợ khi bất cứ ai và phe nào nhắc tới cái tên VNCH nên sách cũng như phim không được Hà Nội đón chào. Cộng sản chiến thắng nhưngvẫn không xóa được cái tên VNCH trong ký ức của người dân VN.

    Cái tên Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn sống trong sách và trong phim, hoặc với bất cứ ai viết về cuộc chiến tranh VN. Và dù đã bị Mỹ và cộng sản Bắc Việt bức tử nhưng cái tên VNCH vẫn sống mãi mãi trong lòng dân và ngay trong lòng những người thiên tả, những người chống chiến tranh, chống VNCH, và ngay trong lòng kẻ chiến thắng.

    Việt Cộng vẫn tránh né cái tên VNCH. Dù đã thắng cuộc chiến 49 năm nhưng cộng sản vẫn không thắng được lòng người dân VN mà sau cuộc chiến mới là lúc tất cả mọi người mới biết bộ mặt thật gian dối và tàn ác của cộng sản Hà Nội nó dần hé lộ khi mỗi năm người cộng sản tưởng niệm chiến thắng lại là lúc VNCH lại sống dậy.

    Việt Nam Cộng Hòa vẫn không chết dù đã bị đồng mình và cộng sản bức từ mà chỉ mờ dần đợi chờ bừng sáng lại. Mỗi khi có bất cứ bên nào viết sách và làm phim về cuộc chiến VN thì cái tên VNCH lại sống trở lại. Hàng trăm cuộc sách đã được viết ra, và hàng chục bộ phim đã được đóng. Nổi cộm nhất gần đây là sách và bộ phim “Cảm Tình Viên” được trao giải thưởng Pulitzer và VNCH một lần nữa đã trở lại trong “Cảm Tình Viên”.

  2. …….Tụi Mỹ đã bán đứng VNCH cho Nga và tàu cộng để chấm dứt chiến tranh lạnh………….rồi giờ điếm thúi viết lại lịch sử đổi thừa tại ẽm tại em, tại ảnh tại anh…….tụi Mỹ giết thảm Ngô Đình Diệm, rồi sau đó bán đứng VNCH……2 năm rỏ mười…._____người Mỹ đừng lừa bịp dân Việt nam nữa, nay kính.

  3. “Sao lại chọn cái tựa là Cảm Tình Viên thay vì Gián Điệp Hai Mang hoặc Kẻ Nội Tuyến hoặc Kẻ Nằm Vùng? Cảm tình viên chỉ là người có cảm tình, đằng này ĐU là người thực sự liên lạc, nhận lệnh và thi hành những gì Cộng sản đưa ra.” -trích.

    Đây là vấn đề dịch thuật. Tác giả Ng.
    Thanh Việt rành tiếng Mỹ hơn tiếng Việt.
    Tác phẩm hoàn toàn được viết bằng
    tiếng Anh với cái tên là Symphathizer.
    Nếu là người rành tiếng Việt,thì không
    ai dại gì mà dịch kiểu “lai căng” thành
    “Cảm tình viên” . Vì nó vô nghĩa trong
    cách dùng thường ngày ,và cả trong
    cách dùng trong văn chương hay học
    thuật cũng không ai dùng chữ “cảm
    tình”+”viên”. Một kiểu dịch rất … ngoại
    lai,mù mờ tiếng Việt.

    Thời oanh liệt với những tác phẩm dịch
    thuật cừ khôi như :”Đỉnh gió hú”,”Cuốn
    theo chiều gió”, … Nay còn đâu.

  4. Châu Quang đã thật sự phê bình phim từng chi tiết sai trái như trên thì ai là ngời VNCH sống và chiến đâu vói CS miền Bắc trong 20 năm (lấy từ 54) có nên coi không dù “mua vui cũng đựợc một vài trống canh “như tác giả kết luận.Thiệt lả ,dù chưa xem phim ,chưa đọc sách ,nhưng hình như “dai trí thức ” T Đ đã,và người ta nói là BỊA.con VN nào đó , ở My nói ghét Biden (1) hơn là ghét VC (2) (phim)…. Hai người 2 nhận xét trái nhau ,sao vậy ? Có phải không cùng một JEU không ?
    Nếu không co phần két luận ,bài đánh giá trên rất đáng đoc,suy ngẫm….

  5. Vậy là nó thuộc dạng mì ăn liền hả, thôi thèm vào, có người tặng mình 1 cuốn bằng anh ngữ nhưng mình không đọc vì éo biết tiếng mỹ.

    • Tôi cũng rất lấy làm ngạc nhiên,khi
      cuốn “Symphathizer” này được trao
      giải thưởng. Chắc con mắt nghệ thuật
      của người Mỹ khác với con mắt nghệ
      thuật của người Việt.

      • Tôi thiển nghĩ Mỹ cho NTV. cái giải văn chương để “đầu tư”
        anh chàng này vốn đang xun xoe học đòi thiên tả Mỹ ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên