Từ Genève 1954 tới Paris 1973

0
Hòa đàm Paris. ảnh Internet
Genève 1954
Việt Minh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền 19-8-1945, Ngày 2-9 Hồ chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập. Việt Minh mau chóng tổng khởi nghĩa trên toàn cõi Việt nam
Năm 1945 ngay sau khi nước Pháp  được quân đội đồng minh  giải thoát khòi bàn tay Đức Quốc Xã, Tướng De Gaulle , Chủ tịch chính phủ lâm thời Pháp tuyên bố các thuộc địa cũ sẽ được chiếm lại. Người Pháp xác nhận những nhà máy, đồn điền, cửa hàng, mỏ than là tài sản của họ
Pháp trở lại Đông Dương sau khi Nhật đầu hàng, họ đưa quân chiếm lại toàn cõi Đông Dương. Thực dân Pháp theo chân quân Anh vào Sài Gòn rồi lân lượt chiếm lại các tỉnh miền Nam. Từ giữa tháng 10-1945 tới đầu tháng 2-1946 quân Pháp đã bình định được miền nam. Dưới đây là giai đọan thắng lợi của Pháp từ 1946-1949.
Tháng 3-1946 Pháp đổ bộ vào Hải Phòng, ngày 19-12-1946 chiến tranh toàn quốc bùng nổ khi VM tấn công quân Pháp tại Hà nội mở đầu cho cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ. Từ đầu năm 1947 cho tới  tháng 10-1947, Pháp chiếm được các thành phố lớn, Hà Nội, Hải phòng, Quảng trị , họ mở cuộc tấn công lên vùng rừng núi chiếm Sơn Tây, Hưng Hóa, Thất Khê, Cao Bằng, Bắc  Cạn, Thái Nguyên, Tuyên quang….
Năm 1948 Pháp chiếm Quảng Yên, Kiến An, Hà Đông, Ninh Bình, Sơn Tây, Việt Trì… Sang năm 1949 tháng 7 và tháng 8 Pháp hành quân chiếm Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên; Tháng 9 chiếm Phát Diệm và Bùi Chu ….
Quân Pháp thắng Việt Minh được những năm đầu vì địch  trang bị yếu nhưng sang đầu năm 1950 gió đã đổi chiều, đây là khởi đấu cho sự cáo chung của chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Tháng 10-1949, Mao Trạch Đông chiếm được phần lớn Hoa Lục, tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, lấy Bắc Kinh làm thủ đô. Cuối năm 1949 Hồng quân tiến sát biên giới Việt Hoa, tác giả Bernard Fall (1) nói Chương Một của cuộc chiến Đông Dương đã khép lại. Tướng Tư lệnh Navarre nói: Cuối cùng khi khi Trung cộng chiếm được nước Tầu và giúp Việt Minh thì cuộc chiến đã sang giai đoạn khác, Tầu viện trợ ồ ạt và huấn luyện cho VM đã mở ra một giai đoạn chiến tranh mới (2)
Cuối năm 1949 Hồ Chí Minh ban hành lệnh tổng động viên vì thiếu quân, cạn nhân lực. Những năm 1950, 1951 Trung cộng giúp VM thành lập nhiều sư đoàn chính qui. Từ 29-9 tới 7-10-1950 Việt Minh đánh thắng trận Cao-Bắc-Lạng, nó đã làm rung động cả nước Pháp. Tổn thất của Pháp quá nặng: trên 7,000 người chết và mất tích. VM tịch thu được nhiều vũ khí có thể trang bị cho hàng trung đoàn.
Từ 1950 cho tới 1952 Trung cộng đang lo chống Mỹ tại mặt trận Cao ly (Triều tiên) nên chỉ giúp VM giới hạn. Tháng 7-1953 đình chiến tại Triều tiên, Trung Cộng giúp VM nhiều hơn, Mỹ cũng gia tăng viện trợ cho Pháp. Đầu thập niên 50 Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp nhưng thực sự giúp từ 1952 vì phải chiến đấu tại Triều Tiên. Henri Navarre cựu Tư Lệnh quân Pháp tại Đông Dương nói:
 
“Qua kinh nghiệm đau thương Trung Hoa và nhất là Triều Tiên, người Mỹ mới nhận ra mối nguy Cộng Sản bành trướng tại Đông Nam Á, nhưng họ biết trễ mất 5 năm” (3)
Đúng ra Hoa Kỳ phải thức tỉnh sớm hơn là để nước đến chân mới nhẩy.
Những năm 1951-1952 Mỹ viện trợ cho Pháp 330 triệu Mỹ kim, tức 20% chiến phí, từ 1953-54 viện trợ Mỹ  tăng lên 785, tức 41% chiến phí, tại Đông dương từ 1951-1954 Mỹ đã chi 1 tỷ rưỡi đô la. Năm 1954 Mỹ đã gánh 78% chiến phí (4). Tình thế năm 1953, 1954 thật bi đát cho Pháp vì địch mạnh hơn, VM có tương đương 9 sư đoàn đa số lưu động, Pháp phải đóng đồn giữ đất, quân lưu động VM gấp 3 lần Pháp  (5). Trung Cộng có lợi thế hơn Mỹ tại chiến trường này, lệnh của Mao được thi hành ngay trong khi chính phủ Mỹ phải tham khảo Quốc hội, phải bàn luận, thăm dò ý kiến người dân.
Các trận chiến lớn tại Bắc Việt những năm 1952, 1953, 1954 hai bên đã đánh tới cấp sư đoàn. Phần vì quá tốn kém mặc dù có viện trợ Mỹ, phần vì tổn thất nhân mạng lên cao: toàn bộ quân đội Liên Hiệp Pháp mất 75,500 người, 64,000 bị thương (6) mặc dù VM tổn thất gấp 4 lần Pháp (300 ngàn) nhưng họ vẫn tiếp tục hy sinh trong chiến lược trường kỳ. Người Pháp quá sợ hãi cuộc chiến Đông dương, nó kéo dài như vô tận không biết bao giờ mới dứt, họ mệt mỏi nên tìm đường ra.
Năm 1945, Tướng De Gaulle tuyên bố sẽ chiếm lại Đông dương vì tưởng là ngon ăn lắm nay mục tiêu dã trở thành miếng xương mắc ngay giữa họng. Mục đích chiếm thuộc địa ban đầu nay đã trở thành cuộc chiến ngăn chận CS vì nhận nhiều viện trợ của Mỹ phải theo quỹ đạo của họ. Thực dân Pháp tìm đường ra vì dù thắng địch cũng không giữ được VN vì mất chủ quyền, quân phí năm 1954 ba phần tư là của Mỹ.  Họ cố gắng cầm cự với VM hy vọng giữ được Đông dương trong Liên hiệp Pháp.
Hội nghị Genève (7) khai mạc ngày 26-4-1954 để giải quyết các vấn đề chiến tranh Triều Tiên và Đông DươngNgày 7-5-1954 ĐBP thất thủ, cuộc họp thảo luận về Đông Dương thực sự bắt đầu ngày 8-5-1954. Các nước tham dự gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung cộng, Quốc gia Việt Nam , Việt Minh (VNDCCH).
Trung Cộng có nhiều ảnh hưởng tới Việt Minh, họ đã gây dựng cho VM lớn mạnh như ngày hôm nay.
Hiệp định được ký kết ngày 20-7-1954 gồm các văn kiện: Hiệp định đình chiến tại Việt Nam , tại Miên, Lào. Hôm sau 21-7 họ ra Tuyên bố cuối cùng, không có chữ ký của các bên (chỉ nói miệng)
Mỹ và QGVN không ký bất cứ văn kiện nào để phản đối chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17.
Thủ tướng Bửu Lộc nỗ lực thương thuyết để Pháp trả độc lập cho VN vào ngày 4-6-1954 (8) nhưng một tháng rưỡi sau thì đất nước bị chia đôi tại vĩ tuyến thứ 17, sông Bến Hải làm ranh giới giới tạm thời.
Người Pháp thực hiện VN hóa chiến tranh từ những năm đầu thập niên 50, nay họ giao lại phần dưới sông Bến Hải cho chính phủ QG để rút quân về nước.
Pháp và chính phủ QG rút xuống dưới vĩ tuyến thứ 17, thời hạn 300 ngày, thực ra Pháp đã rút phần lớn quân đội về nước trong khoảng thời gian này, phần còn lại khoảng ba chục ngàn rút xuống miền Nam chờ ngày về nước.
Pháp ký Hiệp định Genève 20-7-1954 để rút bỏ Đông Dương vì quá sợ hãi cuộc chiến dài vô tận. Từ 19-8-1955 miền Bắc thuộc chính phủ VNDCCH, miền Nam thuộc chính phủ Quốc gia VN. Hà Nội hy vọng vào cuộc Tổng tuyển cử thống nhất, tin tưởng những trò gian lận có thể chiếm trọn miền Nam không mật một tên lính, không đổ một giọt máu nhưng vấn đề không đơn giản.
Năm 1955, 1956 chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố từ chối Tổng tuyển cử thống nhất vì không tin tưởng miền Bắc có tự do bầu cử. Thật ra cuộc bầu cử rất khó thực hiện vì về cơ bản nguyên tắc rất mơ hồ, điều khoản tuyển cử không nằm trong Hiệp định ký ngày 20-7 mà ở trong lời tuyên bố sau cùng ngày hôm sau 21-7. Nó cũng không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nào, chỉ là nói miệng với nhau thôi. Điều khoản chỉ vỏn vẹn có vài hàng về Tổng tuyển cử, không bắt buộc hai bên phải tổ chức.
Nay dữ kiện, tài liệu do chính phía CSVN đưa ra (9) thì miền Bắc năm 1956 có nhờ Liên Sô, Trung Quốc can thiệp vận động tổ chức Tổng tuyển cử. Đau đớn thay chính Nga và Trung cộng không ủng hộ  lời kêu gọi của Hà Nội, họ muốn hiện trạng chia cắt Việt Nam được giữ nguyên, có nghĩa là ở đâu ở đó.
 
Paris 1973
Năm 1956, Lê Duẩn được phân công ở lại lãnh đạo trong Nam, ông ta gửi bản Đề cương cách mạng miền Nam ra Hà Nội đề nghị Trung ương mở cuộc chiến tranh nổi đây, dùng vũ lực thống nhất đất nước, không thể chờ bầu cử.  Hồi ấy, Hồ Chí Minh và Bộ chính trị phần muốn chờ Tổng tuyển cử, họ cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc trước để hàn gắn vết thương chiến tranh tám năm khói lửa. Bộ chính trị chỉ chấp nhận kế hoạch của Lê Duẩn một cách miễn cưỡng và giới hạn.
Năm 1957 Lê Duẩn được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc gấp làm quyền Tổng bí thư thay thế Trường Chinh từ chức vì Cải cách ruộng đất. Năm 1960 Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất đảng Lao động VN, dần dần Lê Đức Thọ, phụ tá thân tín của Duẩn, Trưởng ban tổ chức đảng cho cài đặt tay chân vào bộ máy đảng. Chẳng bao lâu Duẩn và phe cánh nắm quyền tại miền Bắc từ những năm 1963, 1964 trở đi.
Tại miền Nam Tổng thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ nhất Cộng Hòa bị lật đổ cuối năm 1963, nhưng sự thay đổi chính phủ của miền Nam từ ông Diệm sang các ông Hương, Kỳ, Thiệu… không ảnh hưởng gì tới chính sách chung chống CS, được đồng minh Mỹ ủng hộ. Trái lại Miền Bắc cũng khoảng thời gian này, khi quyền lực vào tay Lê Duẩn, Hồ Chí Minh chỉ có vai trò lễ nghi thì cuộc chiến VN đã sang giai đoạn tàn khốc, đẫm máu, phá hoại đất nước gấp bội lần tám năm khói lửa.
Từ cuối thập niên 50, Lê Duẩn cho tiến hành đấu tranh từng bước bằng vũ khí bén nhọn, dao găm, mã tấu, dần dần sau khi thành lập Mặt trận giải phóng cuối 1960 họ đánh bằng những đơn vị nhỏ, xử dụng vũ họ chôn dấu từ trước cũng như được mang vào từ miền Bắc. Từ cuối thập niên 50 tới 1964, Hà Nội chưa đánh lớn vì không được Thủ tướng Khrushchev ủng hộ, thời gian này Nga chủ  trương sống chung hòa bình, vả lại Lê Duẩn chưa làm mạnh vì còn tôn trọng Hiệp định Genève. Sau 1964, Khrushchev bị lật đổ, Brezhnev lên thay với chủ trương cứng rắn hơn khiên BV có nhiều thời cơ thuận lợi. Lê Duẩn nắm thời cơ đưa nhiều trung đoàn chính qui vào Nam đánh mạnh khắp nơi.
T
hời Kennedy từ đầu 1961 đến cuối 1963 cuộc chiến ở giai đoạn du kích, người Mỹ viện trợ quân sự giúp VNCH chống CS xâm lược. Năm 1963 TT Kennedy đã lên kế hoạch rút từ từ mỗi năm 1,000 cố vấn Mỹ (trong số 16,000) (10) nhưng ông bị ám sát ngày 22-11-1963, Phó TT Johnson lên thay thì cuộc chiến đã chuyển sang giai đoạn khác.
Theo thăm dò khoảng từ 65% cho tới 70% người dân ủng hộ cuộc chiến VN chống CS xâm lăng. TT Johnson quyết không để mất VN như TT Truman mất Trung Hoa năm 1949, ông đưa quân ồ ạt 175,000 người sang miền nam VN từ giũa năm 1965, và tiếp tục mỗi năm khoảng trên 100,000 đến năm 1968 đã có hơn nửa triệu quân Mỹ tại VNCH (11). Mặc dù tiêu diệt được mấy trăm ngàn tên địch trong vài năm, vì Mỹ có pháo binh, không quân yểm trợ gây tổn thất cho địch gấp mười lần, nhưng phong trào chống chiến tranh của người dân ngày một lên cao, họ nghi ngờ cuộc chiến chống CS, mà cho là nội chiến. Sai lầm của TT Johnson và Bộ trưởng QP McNamara là không dám làm mạnh, đánh qua biên giới, oanh tạc dữ hơn.  Trong khi phong trào phản chiến ngày một mạnh, TT Johnson và McNamara lại áp dụng chiến tranh giới hạn, kéo dài nên đã thua cuộc chiến ngay tại đất nhà (war at home) mặc dù thắng địch tại mặt trận quân sự ở miền Nam.
CSVN thiệt hại nặng trong cuộc Tổng công kích tết Mậu thân tháng 2 năm 1968, tổng cộng có 58,372 người bị giết (70 % ), 9,461 tên  bị bắt làm tù binh khoảng 11%, 16,168 tên chạy thoát, các cơ sở vùng bị bại lộ. Địch thảm bại về quân sự nhưng Mậu Thân 1968 lại là khúc quành bi thảm cho cuộc chiến VN. Tháng 5-1968 chính phủ Johnson bắt đầu đám phán với Hà Nội tại Hội nghị Paris để tìm đường ra khỏi cuộc chiến.
Nixon đảng Cộng Hòa thắng cử cuối năm 1968, tiếp tục cuộc đàm phán tại Paris, TT Nixon chủ trương hòa bình trong danh dự, có nghĩa là khi Mỹ rút VNCH sẽ không sụp đổ như chủ trương của Humphrey Dân chủ.
Nixon giao việc đàm phán cho cố vấn Kissinger với đại diện BV Lê Đức Thọ. Cuộc đàm phán gay go kéo dài mấy năm vì Hà Nội gây khó khăn, họ biết là Hành pháp bị người dân, Quốc hội, truyền thông chống đối buộc phải nhượng bộ để sớm mang lại hòa bình. BV thảm bại trong cuộc Tổng tấn công 1972 nên họ đã nhượng bộ, từ bỏ các đòi hỏi như Mỹ rút không điều kiện, loại bỏ ông Thiệu, cắt viện trợ VNCH…
Hiệp định Paris chuẩn bị ký kết cuối tháng 10-1972 nhưng trở ngại vì ông Thiệu không đồng ý cho BV còn đóng quân tại miền Nam . Sau đó BV phá hòa đàm để chờ phiên họp đầu năm (tháng 1-1973) của Quốc hội mới khiến TT Nixon phải dội 20,000 tấn bom lên thành trì của CSVN họ mới chịu đàm phán nghiêm chỉnh.
Một số phụ tá trong bộ Tham mưu của Kissinger chỉ trích Hiệp định như đầu hàng, họ nói trận oanh tạc dữ dội cuối năm 1972 không tống cổ được quân BV ra khỏi miền nam VN (12)
Sự thực vấn đề không đơn giản, Nixon phải vội ký kết vì áp lực của Quốc hội mới mà đa số phản chiến, họ sẵn sàng ra luật chấm dứt chiến tranh rút quân về nước để đổi lấy tù binh.
Hiệp định ký chính thức ngày 27-1-1973, đúng một tuần sau khi TT Nixon tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai (21-1-1973), ông hy vọng sẽ được Quốc hội cho phép cưỡng bức đối phương thi hành Hiệp định bằng sức mạnh quân sự. Tháng 8-1974, Nixon từ chức vì Watergate, ông mang theo những lời hứa với TT Thiệu xuống tuyền đài.
Người Pháp ký Hiệp định Genève năm 1954 vì quá sợ cuộc chiến tranh Đông Dương, chết người, tốn của và dài vô tận. Hai mươi năm sau người Mỹ cũng rút ra khỏi cuộc chiến vì không những tốn kém hết tỷ nọ đến tỷ kia, gần 60 ngàn thanh Mỹ phải hy sinh, hơn thế nữa nó gây phân hóa, xâu xé trầm trọng xã hội Mỹ. Cả Pháp lẫn Mỹ đã phải đương đầu với một kẻ thù vô cùng nguy hiểm, chúng đánh tới bao giờ cũng được dù phải thiệt hại mấy trăm ngàn bộ đội, hàng triệu cán binh.
Cuộc chiến tranh tám năm khói lửa do Hồ Chí Minh lãnh đạo chưa tàn khốc bằng giai đoạn sau vì vũ khí chưa tối tân, viện trợ của Trung Cộng cho VM và của Mỹ cho Pháp còn có giới hạn. Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai của Lê Duẫn, một nhà độc tài theo kiểu Staline đã đẩy hàng triệu thanh niên vô tội vào tử địa khiếp đảm gấp bội lần dưới thời kháng chiên chống Pháp của họ Hồ.
Đối với người Pháp người Mỹ, Hiệp định Genève năm 1954 cũng như Hiệp định Paris 1973 chỉ là cách để rút bỏ Đông Dương. Đối với CSVN Hiệp định chỉ là thời gian tạm nghỉ để tiếp tục con đường máu chẩy thịt rơi cho tới khi thỏa mãn cái giấc mộng nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam.
Một điều khó hiểu là CSVN đã hy sinh nhiều triệu người của cả hai miền cho công cuộc giải phóng đất nước để tiến lên Xã hội chủ nghia siêu việt. Nay mộng ước đã thành, họ quay trở lại đưa đất nước theo Tư bản chủ nghĩa như chủ trương mới của CS quốc tế vì Xã hội chủ nghĩa nay đã được đánh giá là sai lầm, như thế vài triệu người đã chết oan vì sự sai lầm ngu xuẩn của lãnh đạo có được đền bù thỏa đáng hay không? Các binh sĩ đã bỏ mình cho Chiến thắng đã bị phản bội có được vài lời tạ tội hay không?
Dù giải thích ra sao thì những kẻ đã gây nên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn vì tham vọng điên cuồng mù quáng sẽ đời đời đắc tội với Non sông và Lịch sử.
(Trích trong cuốn Từ Hiệp định Geneve 1954 tới Hiệp định Paris 1973, xuất bản 2018)
Trọng Đạt
——————————
Cước chú
 
(1) Street Without Joy trang 32
(2) Agonie de l’Indochine trang 18
(3) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 27
(4) Wikipedia, Guerre d’indochine,  Aide américaine.
The Pentagon Papers Volum 1, Chapter 2
(5) Agonie de l’Indochine trang 47
(6) Wikipedia, Guerre d’indochine
(7) Nguyển Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 930-943
(8) Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, Quyển Thượng 1939-1954, trang 224,225
(9) Wikipedia Tiếng Việt, Hiệp định Genève, 1954
(10) Robert S. McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 48, 87
(11) Sách kể trên trang 169
(12) Walter Isaacson, Kissinger A Biography, trang 483
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên