“Tự do phải là tự do cho những người bất đồng chính kiến”

1
Rosa Luxemburg (1871) bị hành quyết ngày 15.1.1919, cách đây 100 năm.

“Tự do phải là tự do cho những người bất đồng chính kiến” (Rosa Luxemburg)

Ngày này cách đây 100 năm, hôm 15.1.1919 lực lượng dân quân cực hữu Đức „Freikorps“ đã hành quyết bà Rosa Luxemburg cùng ông Karl Liebknecht, những lãnh tụ của cuộc cách mạng tháng 11.1918 (Novemberrevolution) ở Đức. Tình hình nước Đức ngày đó phức tạp vô cùng nên bài viết ngắn này không thể kể chi tiết diễn biến của 2 cuộc cách mạng trong cùng ngày 9.11.1918 [1]

Cuộc cách mạng này đã xóa bỏ chế độ Quân chủ lập hiến và tạo nền móng cho nền Cộng hòa Weimar. Cả Rosa Luxemburg, Karl Liebknecht và hội Spartacus, tiền thân của đảng Cộng Sản Đức KPD, được coi là chỗ dựa của dân nghèo và giới lao động Đức.

Bọn cực hữu đã giết bà rất hèn hạ và tìm cách thủ tiêu xác bà, vì chúng sợ một cuộc bạo động của nhân dân lao động, binh sỹ và trí thức.

Nhà của gia đình bố mẹ Rosa Luxemburg hiên nay là nhà lưu niệm tại 37 phố Staszic-Straße ở Zamość, Ba-Lan

Ngày 25.1.1919, hơn 100.000 người Đức đã tổ chức đám tang Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht tại Berlin. Quan tài để trống của Rosa được chôn bên cạnh mộ của Karl-Liebknecht trong nghĩa trang Berlin Friedrichfelde.

Mãi 5 tháng sau, người ta mới tìm thấy xác bà và ngày 13.6, lại một đám tang khổng lồ đưa xác của bà về chôn vào ngôi mộ gió. Cả hai đám tang đều xảy ra trong tình trạng báo động quân sự toàn nước Đức. Ở Wien, thủ đô nước Áo láng giềng, ngày 13.6.1919 cũng xảy ra đình công và biểu tình lớn.

Tôi đến Đông Đức XHCN vào mùa hè 1967. Lần đầu tiên tôi được biết về bà cũng vào ngày này năm 1968. Ở tuổi 17, tôi yêu lý tưởng cộng sản như chàng Pavel Korshagin trong tiểu thuyết „Thép đã tôi thế đấy“. Tuy mới bập bõm tiếng Đức,nhưng tôi đã đủ cảm xúc để rơi nước mắt khi xem bộ phim tài liệu về những ngày cuối cùng của Rosa Luxemburg. Người phụ nữ nhỏ bé, đi cà nhắc này đã chinh phục tôi, bởi bà đã từ bỏ cuộc sống ấm no và địa vị để dấn thân cho một xã hội công bằng, cho những người nghèo khó có số phận hẩm hiu.

Rosa sinh năm 1871 trong một gia đình tư sản Đức ở thành phố Danzig (nay là Gdansk thuộc Ba-Lan). Ngày đó chỉ những phụ nữ xuất chúng (như Marie Curie chẳng hạn) mới được vào đại học. Nhưng Rosa đã tốt nghiệp xuất sắc trường đại học Zürich (Thụy Sỹ) với các chứng chỉ cử nhân về Công pháp Quốc tế, về Luật Bảo hiểm, viết luận văn về „Thị trường chứng khoán“. Bà đã khước từ mọi vị trí đầy hứa hẹn trong ngành tài chính ngân hàng, trở thành một nhà hoạt động xã hôị, chỉ mong xóa bỏ các bất công mà bà hàng ngày chứng kiến.

Ngày đó ở Đức cũng có những Thủ Thiêm và Lộc Hưng. Chủ nghĩa Tư bản cá mập luôn chèn ép những người thấp cổ bé họng. Nhưng chế độ dân chủ tư sản Đức vẫn phải chấp nhận vai trò của các chính đảng cánh tả. Rosa Luxemburg tham gia đảng Xã hội dân chủ Đức SPD và sau này, bà cùng phái tả tách ra thành lập đảng Cộng Sản Đức KPD, với hoài bão xây dựng một nước Đức công bằng và bác ái.

Những lý tưởng và ước vọng đó của Rosa Luxemburg đã không được những người cộng sản hậu duệ của bà thực hiện ở Đông Đức sau năm 1945. Hàng năm, cứ vào ngày này, lãnh đạo đảng và nhà nước CHDC Đức đều đến dâng hoa lên mộ bà tại Berlin-Friedrichfelde, mặc dù họ đang bóp méo lý tưởng của bà. Khi còn trẻ, tôi đâu ý thức được điều này.

Mãi về sau, khi đã 30 tuổi, tôi mới hiểu hết về Rosa Luxemburg khi đọc tiểu luận „Cách mạng Nga“ (Zur russischen Revolution). Bà đã cảnh báo những người Bolchevik Nga về nguy cơ độc tài [2].

Bà viết „Freiheit nur für die Anhänger der Regierung, nur für Mitglieder einer Partei – mögen sie noch so zahlreich sein – ist keine Freiheit. Freiheit ist immer Freiheit der Andersdenkenden. Nicht wegen des Fanatismus der ‚Gerechtigkeit‘, sondern weil all das Belebende,“

Xin dịch là: Tự do cho người theo chính phủ, cho đảng viên của một đảng, dù có rộng rãi bao nhiêu – cũng không phải là tự do. Tự do luôn phải là tự do cho những người bất đồng chính kiến. Điều này không phải vì ai đó quá cuồng tín vào „Công bằng“, mà vì đó mới là sinh lực (của xã hội).

Khái niệm: „Tự do phải là tự do cho những người bất đồng chính kiến“ của Rosa Luxemburg đã trở thành thước đo về tự do của nhân loại tiến bộ.

Köln 15.01.2019

(Facebook)
——————————-

[1]https://en.wikipedia.org/…/German_Revolution_of_1918%E2%80%…
[2] Rosa Luxemburg: Zur russischen Revolution. In: Gesammelte Werke. Band 4, Berlin 1974, S. 359, Anmerkung 3.

1 BÌNH LUẬN

  1. “Khái niệm:Tự do phải là tự do cho những người bất đồng chính kiến ,của Rosa Luxemburg ,đả trở thành thước đo Tư do cho nhân loại tiến bộ”.
    Thật ra cái ” khái -niệm Tự dO ” của Rosa ,đả có người cùng thời với bà: nhà văn Everlyn Beatrice Hall (1868-1910) viết trong tác phẩm ” In the
    friends of Voltaire” khi đề cập đến Tự do Ngôn luận (Freedom of Speech
    )” Tôi hoàn toàn không đồng ý những gì anh nói.Nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết,quyền của anh được nói những điều đó”. Câu nói nầy đôi lúc người ta lầm tưởng là của Voltaire,nhưng không phải. Voltaire-Diderot triết gia của
    Pháp, là những người bạn thân của Thomas Jerfferson (1743-1862). Vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Văn hóa của Mỹ ,trong đó có một phần của Pháp,thật không sai!.Nước Mỹ đả có những “quốc phụ” đầy nhân
    ái,tài ba lổi lạc.Chẳng trách nước Mỹ có vinh quang ngày hôm nay,
    .Thật không lạ!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên