Thực đơn của Putin : BELARUS

1
Lukasenko (trái) và Putin. Ảnh Wyborcza

LND: “Nga Hoàng” Putin luôn thèm khát lãnh thổ và vùng ảnh hưởng ở các quốc gia láng giềng. Năm 2008, Putin cho quân Nga tấn công tàn phá lãnh thổ Gruzja, sau đó rút quân và tạo ra hai vùng ly khai Nam Osetia và Abkhazja, gây bất ổn cho Gruzja. Tháng 03 năm 2014 sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina vào lãnh thổ Nga, kích động, cung cấp vũ khí cho các phần tử ly khai tại 2 nước “cộng hòa tự trị” Donest và Lugansk trong vùng lãnh thổ phía đông Ukraina, sát biên giới với Nga, gây bất ổn lâu dài cho Ukraina. Tháng 11-2018 Nga bắt 3 tầu chiến và 24 thủy thủ của Ukraina ở gần eo biển Kerch, muốn biến biển Azov thành “ao nhà” của mình.

Hiện nay mục tiêu tiếp theo của Putin là Belarus (Bạch Nga), nước láng giềng phía tây với gần 10 triệu dân. Ban đầu là các ưu tiên về kinh tế, biến kinh tế Belarus phụ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế Nga. Belarus được hưởng giá dầu hỏa và khí đốt (gaz) ưu đãi đặc biệt từ Nga. Tháng 12-1999, Nga và Belarus đã ký hiệp định thành lập liên bang. Nhưng từ đó đến nay, ngoài những phụ thuộc kinh tế của Belarus vào Nga, hai quốc gia vẫn riêng biệt. Hiện nay Putin muốn đi xa hơn, sáp nhập Belarus vào Nga bằng sự “tự nguyện” của cả hai bên.

Các hoàng đế Trung Hoa cũng luôn thèm muốn Việt Nam. Có thể một ngày nào đó, trên bàn ăn, trong thực đơn của “hoàng đế” Tập Cận Bình, Việt Nam sẽ được đặt ở hàng đầu. Những người Việt Nam chúng ta phải làm gì để không một hoàng đế Trung Hoa nào nuôi ý đồ đưa Việt Nam vào thực đơn của họ? Có thể Belarus là một bài học cho những người Việt Nam yêu nước?

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà báo Waclaw Radziwinowicz, một chuyên gia về nước Nga, phóng viên nhật báo WYBORCZA của Ba Lan, người đã nhiều năm là phóng viên thường trú tại Mockova.

————————————-

Có thể một nhà nước sẽ biến mất trên bản đồ châu Âu. Mockva đã đẩy Aleksandr Lukasenko (tổng thống Belarus-ND) đến chân tường, sẽ từ chối hỗ trợ kinh tế cho chính quyền Lukasenko nếu Belarus không bắt đầu từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Trong tuần qua, tổng thống Belarus đã có mặt tại điện Kremlin đến 2 lần để gặp ông bạn Putin của mình. Trong những cuộc thảo luận đầy khó khăn, ông đã hiểu rằng, không có sự trợ giúp nào không kèm theo điều kiện. Không có sự cung cấp dầu hỏa và khí đốt của Nga với giá ưu đãi, Belarus khó có thể tồn tại. Các chuyên gia Nga tính toán, trong 20 năm gần đây nhất , sự giúp đỡ của Nga cho Belarus lên đến 100 tỷ USD. Số tiền này bằng tổng thu nhập quốc dân của Belarus trong 2 năm. Thực chất, đây không chỉ đơn thuần là giúp đỡ mà đồng thời còn là trả tiền để Belarus ở lại trong vùng ảnh hưởng của Nga và từ bỏ cải tổ mà các nước cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ đã tiến hành từ lâu.

Sự “hòa nhập” đã đã được thực hiện bằng hiệp ước thành lập “Liên Bang Belarus và Russia” năm 1999. Hiệp ước thỏa thuận thiết lập một đồng tiền chung, môt thị trường thống nhất, một chính phủ và một quốc hội chung. Hiệp ước cũng tiếp nhận biểu tượng của nhà nước chung.

Lukasenko trong 2 nhiệm kỳ tổng thống đã khéo léo thực hiện mọi khả năng có thể được để đưa đất nước của mình tới gần Mockwa, nhưng đi đến “hòa nhập” thì ông đã không sốt sắng. Con đường khéo léo quanh co trong quan hệ với Nga và với châu Âu của Lukasenko làm cho Kremlin lo lắng, rằng một ngày nào đó Lukasenko có thể tìm được những đồng minh mới. Giữa Lukasenko và Putin thường xẩy ra các cuộc chiến, cuộc chiến khí đốt , thịt, sữa, nhưng nhanh chóng kết thúc bằng sự thỏa hiệp và các tuyên bố “tiếp tục xích lại gần nhau của hai đất nước”.

Hiện nay thì khác, Moskva viết các hóa đơn hàng hóa và đòi hỏi Minsk thanh toán đều đặn. Tiếp theo sự đòi hỏi này, phía Nga còn cảnh báo, rằng nếu không có sự nhượng bộ về chính trị, sẽ không có những khoản cho vay, không có giá dầu hỏa và khí đốt ưu đãi. Lukasenko đã tuyên bố, rằng Nga đã không còn là “đất nước hữu nghị” đối với Belarus.

Đất nước của Putin đang mắc kẹt trong những khó khăn kinh tế, Putin đang trong tình trạng không đủ khả năng để thực hiện những gì đã hứa với cử tri của mình như không tăng tuổi về hưu. Ông chủ Kremlin đã mất sự ủng hộ của các đồng hương. Để lấy lại sự ủng hộ này, cần tiếp tục bảng thành tích vĩ đại, giống như sáp nhập Crimea năm 2014 hay cắt bớt lãnh thổ Gruzja bằng cách công nhận 2 nước cộng hòa Nam Osetia và Abkhazia vào năm 2008. Có thể chiếm đoạt Belarus không qua chiến tranh, đơn giản chỉ cần cắt nguồn oxy của nền kinh tế, tức là cắt nguồn cung cấp những nguyên vật liệu quan trọng với giá rẻ.
Những kẻ mang đầu óc đế quốc như vậy đang ngự trị Kremlin, họ có thể sẽ buộc Lukasenko đi đến “hòa nhập” để không lặp lại những gì đã xẩy ra đối với Ukraina. Trong trường hợp của Ukraina, Mockva đã đặt một số tiền rất lớn để giữ Kiev trong vùng ảnh hưởng của mình, nhưng nhiều tỷ đô la đã bay theo mây gió.

Cách đây không lâu, Putin đã có một sự nhầm lẫn cố tình. Đây là phương pháp cổ điển để người nghe không xác định chính xác được người nói muốn gì. Putin nói rằng dân số nước Nga của ông ta là 164 triệu. Đó có thể là đúng, nhưng với điều kiện là sáp nhập vào nước Nga không chỉ Belarus, mà cả những tỉnh phía bắc của Kazakhstan, tại đây phần lớn dân nói tiếng Nga. Như vậy có thể Belarus chưa phải là món cuối cùng trong thực đơn của đế quốc Kremlin.

Dịch từ nhật báo WYBORCZA

Waclaw Radziwinowicz

Đinh Minh Đạo dịch

1 BÌNH LUẬN

  1. Trích: “Lukasenko đã tuyên bố, rằng Nga đã không còn là “đất nước hữu nghị” đối với Belarus.”

    Ố… ồ..phải rồi, có lẽ tại ông Lukasenko này là Tổng Thống nên ông ấy không “nắm bắt” được hay chưa hiểu hết ý nghĩa của hai từ “hữu nghị”. Đề nghị tổng thống Lukasenko hãy bay qua VN gặp Chủ tịch bí thư Nguyễn Phú Trọng để được giảng giải tường tận từ đó.
    Còn nếu ông tổng thống hay bất cứ ông nào của Belarus cố ý phành ngực ra cưỡng lại kế hoạch “tình hữu nghị” thì có thể dễ bị cảm cúm vì…virus lạ lắm!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên