Trade War – Những khác biệt giữa NAFTA và USMCA

0

 

Sau hơn một năm đàm phán gay go, hiệp ước mới về thương mại giữa Mỹ-Canada-Mexico đã được thỏa thuận, thay thế hiệp ước NAFTA ký từ năm 1994. Hiệp ước này có tên mới là USMCA (The United States-Mexico-Canada Agreement) chưa được thi hành ngay vì còn phải chờ sự chấp thuận của quốc hội 3 nước nói trên, tuy nhiên các nhà phân tích tin rằng, tất cả chỉ là thủ tục cho dù có thể kéo dài nhiều tháng.

Nhiều người VN ủng hộ, ca tụng ông Donald Trump về Trade War, ngay sau khi ông Trump bắt tay thủ tướng Canada Justin Trudeau, giới thiệu hiệp ước thương mại mới vào tối ngày thứ hai 01.10.2018 đã nhẩy cẫng lên rằng: “- Từ từ rồi bạn hay thù đều phải bắt buộc chấp nhận sự sắp xếp của ông Trump thôi.

Tờ New York Times ngày thứ ba 02.10.2018, trong phần bình luận Op-ed của tác giả David Leonhart, trích lời của một người sử dụng Twitter – Kevin M Kruse, trả lời Donald Trump, cho rằng hiệp ước USMCA mới, chẳng có gì khác cho lắm với NAFTA, nó giống như một cặp bánh sandwich cũ được bỏ thêm vào chút salad, cà chua với thịt ba chỉ chiên (bacon) và ít bánh mì rồi gọi bằng tên khác cho có vẻ…mới.

Whasington Post có bài phân tích tìm hiểu những khác biệt khi Trump thay thế NAFTA bằng USMCA như sau:

1. Về xe hơi có nhiều thay đổi lớn. Mục tiêu của hiệp ước mới là có nhiều xe ô tô và phụ tùng xe vận tải phải được sản xuất tại Bắc Mỹ. Bắt đầu từ năm 2020, để đủ điều kiện không phải trả thuế khi nhập qua biên giới, một chiếc xe hơi hoặc xe tải phải có 75 phần trăm các bộ phận được sản xuất tại Canada, Mexico hoặc Hoa Kỳ. Tỉ lệ tăng đáng kể so với yêu cầu hiện tại là 62,5%.

Bên cạnh đó là một quy định rõ ràng, các bộ phận tạo thành chiếc xe phải có tỉ lệ đóng góp nhiều công sức của những người công nhân có mức lương tối thiểu 16$/giờ hoặc 3 lần nhiều hơn mức lương tiêu biểu của một công nhân lắp ráp xe ở Mexico. Bắt đầu vào năm 2020, việc sản xuất xe hơi và vận tải phải có ít nhất 30% công sức của những người thợ với mức lương 16$/giờ, tỉ lệ này sẽ tăng lên 40% vào năm 2023.

Trong lúc đó, nhiều nhà kinh tế học cho rằng rằng hiệp ước USMCA với những quy định mới sẽ giúp cho đời sống người công nhân Bắc Mỹ thoải mái hơn nhưng đồng thời cũng làm tăng giá thành phẩm. Điều này có thể sẽ khiến cho việc sản xuất xe vận tải nhỏ ở Bắc Mỹ bị đình động vì giá nhân công quá đắt. Hơn thế nữa việc xuất cảng xe qua Tấu Cộng hoặc nơi nào đó sẽ giảm do giá thành trong khu vực USMCA cao hơn ở các nước Á Châu.

2. Chiến thắng của Trump theo hiệp ước mới. Canada mở rộng cửa thị trường sữa cho nông dân Mỹ.

Trump thường xuyên gửi tin trên mạng Twitter than phiền, cho rằng Canada không công bằng, luôn áp đặt thuế cao cho các sản phẩm của sữa nhập từ Mỹ. Canada có một hệ thống phân biệt sản phẩm của sữa khá phức tạp. Để tránh cho nông dân Canada chăn nuôi bò sữa không bị phá sản, chính phủ Canada phải giới hạn số lượng sản xuất sữa cũng như ấn định mức nhập cảng sữa từ nước ngoài để giữ vững giá cho nông dân. Trump không bằng lòng điều đó nên đó chính là điểm gay gắt trong cuộc đàm phán.

Kết quả đàm phán, Canada vẫn giữ gần như toàn bộ hệ thống phân loại sản phẩm sữa của minh, chỉ mở rộng thị trường, cho tăng số lượng nhập cảng sửa của Mỹ. Các nhà đàm phán Mỹ đánh giá đó là một chiến thắng lớn của họ khi buộc Canada phải từ bỏ việc định giá sản phẩm trong loại sữa số 7. Điều đó có nghĩa là nông dân Mỹ có thể xuất cảng qua Canada các loại sữa, từ loại có chất đạm đậm đặc đến các loại sữa bột ít chất béo và sữa cho người lớn. Đây cũng là những loại hàng hóa dễ bảo quản và vận chuyển.

3. Chiến thắng của Canada. Chương 19 của hiệp định NAFTA cũ vẫn giữ nguyên giá trị trong USMCA. Donald Trump muốn loại bỏ chương này nhưng Trudeau cương quyết không đồng ý.

Chương 19 này cho phép các nước trong hiệp định NAFTA cũ thành lập một hội đồng điều hợp tranh tụng để giải quyết những xung đột trong việc bán phá giá với sự tham dự của thành viên các nước liên hệ. Cơ chế này giải quyết tranh chấp dễ dàng hơn là đưa tranh chấp đến một tòa án thương mại của Mỹ. Trong những năm qua, Canada sử dụng chương 19 để vượt qua những tranh chấp ngăn chận việc xuất cảng gỗ mêm sang Mỹ.

4. Donald Trump cam kết sẽ không đánh thuế lên xe nhập cảng vào Mỹ được sản xuất ở Canada và Mexico. Trước đó ông Trump đã nhiều lần hăm dọa sẽ đánh thuế nặng lên các loại xe và phụ tùng nhập vào nước Mỹ. Với hiệp ước USMCA, nội các của ông Trump đã ký những phụ bản giúp cho Canada và Mexico tránh được sự áp thuế mới.

Những phụ bản bên cạnh hiệp ước USMCA cho phép Canada và Mexico tiếp tục gửi xe và phụ tùng qua biên giới Mỹ không bị đánh thuế và điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào chuyện các sắc thuế mới có hiệu lực hay không. Chỉ có các phụ tùng nằm trên số lượng được ấn định mới phải chịu thuế.

5. Mức thuế 25% đánh lên thép nhập vào Mỹ từ Canada tiếp tục có giá trị. Trudeau muốn Trump chấm dứt việc áp dụng sắc thuế này nhưng chưa toại nguyện. Hai nước vẫn đang tiếp tục đàm phán nhưng theo một viên chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc, cuộc đàm phán về thuế thép là một vấn đề tách biệt không liên quan đến hiệp ước USMCA. Trudeau coi việc đánh thuế thép của Canada nhập vào Mỹ là điều sỉ nhục không thể chấp thuận được vì 2 nước là láng giềng “hữu hảo” sát cạnh nhau như răng và môi.

6. Hiệp ước USMCA có một loạt quy định mới cải tổ về quyền làm việc và môi trường, căn cứ vào những điều kiện hiện tại ở Mexico.Một thí dụ điển hình là một xe vận tải sản xuất ở Mexico chạy qua biên giới vào nước Mỹ phải đáp ứng đúng những điều kiện an toàn USMCA quy định, đồng thời người công nhân ở Mexico có quyền tự do tham gia hay thành lập công đoàn.

Một vài quy định trong số này rất khó thực hiện nhưng chính quyền Trump sẽ thúc đẩy phía Mexico thi hành. Đó cũng là nguyên nhân khiến công đoàn ở Mỹ và một số đảng viên đảng Dân Chủ đồng tình, ca ngợi.

Tăng cường bảo vệ các tài sản trí tuệ. Chương nói về IP mới có 63 trang, quy định sự bảo vệ nghiêm ngặt hơn đối với các bằng sáng chế và thương hiệu, bao gồm cả công nghệ sinh học, dịch vụ tài chính và thậm chí cả tên miền (Domain). Lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý tin rằng những cập nhật, bổ sung này là cần thiết vì thỏa thuận ban đầu đã được đàm phán 25 năm trước.

7. Các công ty dược phẩm lớn của Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ở thị trường Canada. Trước đây, các loại thuốc nguyên thủy (original) được bào chế bởi các công ty dược phẩm Mỹ chỉ có 8 năm để giữ bản quyền, nay tăng lên 10 năm mới phải đối diện với sự canh tranh của các loại thuốc cùng công thức (generic).

8. Giá trị của hiệp ước USMCA kéo dài 6 năm. Sau 6 năm, 3 nước Mỹ-Mexico-Canada sẽ ngồi lại với nhau để đánh giá hiệp ước. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, không có gì để một trong 3 nước phải càm ràm, hiệp ước sẽ được gia hạn 16 năm và mỗi chu kỳ sau đó sẽ là 16 năm. Ông Trump tỏ ý muốn rằng hiệp ước phải luôn được đánh giá, đàm phán liên tục nhưng đó là một qui định đã thỏa thuận.

Cuối cùng cũng sẽ có một sự thẩm định, đánh giá lại hiệp ước nhưng điều đó sẽ không xẩy ra trước khi Donald Trump rời khỏi tòa Bạch Ốc.

9. Chương 11 của NAFTA – cho phép các nhà đầu tư chống lại các quyết định của chính phủ, đặc biệt ở Canada và chủ yếu là Mexico – gần như đã bị gạch bỏ hoàn toàn, ngoại trừ một vài ngành công nghiệp trọng yếu như dầu hỏa, viễn thông.

Chương 11 trước đây cho phép các công ty và nhà đầu tư một quy trình đặc biệt để giải quyết các tranh chấp với một trong những chính phủ trong NAFTA. Ý tưởng là nếu các nhà đầu tư bỏ nhiều tiền vào một dự án và sau đó chính phủ thay đổi các quy tắc, sẽ có một quá trình tranh chấp rõ ràng – bên ngoài hệ thống tòa án – nơi các nhà đầu tư có thể giải quyết vấn đề của họ.

Các nhà phê bình lập luận rằng Chương 11 chủ yếu chỉ được sử dụng như một phương thức để các công ty lớn có được tiền thuế, nhưng các doanh nghiệp nói rằng cần phải bảo đảm để họ không bị thiệt hại bởi những thay đổi đột ngột khi các chính phủ mới lên nắm quyền tại Mexico, Canada hoặc Hoa Kỳ. Cuối cùng, Chương 11 phần lớn đã biến mất, ngoại trừ một số ngành công nghiệp trọng yếu như dầu hỏa, các công ty ở ngành này đã gặp khó khăn khi vận động để có thể chống lại chính phủ Mexico khi chính quyền thay đổi các quy định và tìm cách quốc hữu hóa ngành năng lượng một lần nữa.

Nhìn tổng thể hiệp ước thương mại mới, rõ ràng Mỹ, Mễ, Canada đều được hưởng lợi chứ không riêng gì Mỹ như Trump hứa hẹn và mong muốn. Thế tại sao Trump lại đồng ý ký kết và tuyên bố hiệp ước thương mại với tên mới như là một thắng lợi vĩ đại do Trump lèo lái? Có gì khó hiểu đâu? Trump là lãnh đạo thích chơi pháo đại. Hơn nữa, cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới rồi, ông Trump cần có một thành quả “vĩ đại” nào đó để chứng minh với những cử tri đã bỏ phiếu cho mình rằng họ không hề sai lầm khi bỏ phiếu cho Trump.

Thạch Đạt Lang

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên