Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc[1]: Chính sách kinh tế trải qua nhiều giai đoạn

6

Tiếp theo phần I

Chương 1 tìm hiểu mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã thay đổi như thế nào qua các mốc thời gian. Chương 2 sẽ phân tích chính sách kinh tế của Trung Quốc trải qua nhiều giai đoạn, mục đích nhằm giúp người đọc nhận thấy một chính sách kinh tế đôi khi mất nhiều thập niên mới thấy hết hậu quả.

  1. Trung Quốc lúc mở cửa đón nhận FDI nhưng hạn chế dòng vốn lưu động từ nước ngoài

Vào thập niên 1980 Trung Quốc còn là nước nghèo vừa mới hội nhập nên cần rất nhiều vốn đầu tư và phát triển. Một nước đang mở mang có hai nguồn vốn: (1) dòng vốn từ tiết kiệm của dân chúng (còn ít vì dân nghèo), và (2) dòng vốn từ nước ngoài.

Vốn nước ngoài chia thành 2 loại: (1) dòng vốn FDI do các công ty ngoại quốc đầu tư xây cất nhà máy, hãng xưởng nên được xem như cố định vì khó rút về; (2) dòng vốn lưu động đầu tư tiền mặt ra vào thị trường tài chánh để mua bán nợ, chứng khoán và bất động sản. Khuynh hướng Đồng Thuận Washington (Washington consensus) vào thập niên 1980-90 khuyến khích các quốc gia tự do mậu dịch (free trade), đón nhận FDI và mở cửa thị trường tài chánh (financial liberalization) cho dòng vốn lưu động được tự do lưu thông ra vào trong nước. Trái lại Bắc Kinh nhờ mở cửa mậu dịch và khuyến khích FDI nhưng khép cánh cửa tài chánh để hạn chế dòng vốn lưu động nên tránh được cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Đông Á 1998. Xin được giải thích thêm về năm 1998:

Dòng vốn lưu động từ nước ngoài bơm vào hai thị trường chứng khoán và địa ốc giúp dân cư thành thị làm giàu nhanh chóng. Nhà nước và các công ty xây cất dễ dàng vay mượn quốc tế để đáp ứng hai nhu cầu đô thị hóa và kiến thiết hạ tầng cần thiết cho tiến trình công nghiệp hóa. Nhưng tiền tuôn vào thường sinh ra bong bóng cùng nạn đầu tư lãng phí và kém hiệu quả. Đến khi nợ tăng nhanh hơn khả năng trả nợ thì các chủ nợ nước ngoài nhận thấy rủi ro quá cao sẽ hùa nhau bán tháo nợ để rút vốn mang về nước. Khi đó bong bóng trái phiếu, cổ phiếu và địa ốc nổ tung dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xáo trộn chính trị.

Trước năm 1998 Thái Lan có nhiều triển vọng sẽ thành con rồng thứ 6 ở Đông Á tiếp nối Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Tư bản nước ngoài không muốn đánh mất cơ hội lớn nên hối hả cho vay xây cất đô thị và hạ tầng. Đến khi dấu hiệu của nạn đầu tư lãng phí hiện rõ thì giới đầu cơ tiền tệ quốc tế (currency manipulator) tiên liệu chủ đầu tư sẽ tháo vốn rồi đổi tiền Baht ra USD mang về nước nên tiên cơ hạ thủ tấn công đồng Baht. Chính quyền Bangkok không đủ ngoại tệ chống trả khiến đồng Baht thủng đáy. Khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Thái Lan rồi nhanh chóng lan tràn sang Nam Hàn, Indonesia, Đài Loan,…dẫn đến Khủng Hoảng Tài Chánh Đông-Á 1998 và làm sụp các chính quyền độc tài ở những nước này.

Trái lại Trung Quốc tuy mở cửa mậu dịch và khuyến khích FDI từ 1990 nhưng vẫn khép cửa thị trường tài chánh nhằm (1) hạn chế vay mượn quốc tế và (2) giới hạn dòng vốn lưu động từ nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và địa ốc. Lý do có thể vì Liên Xô sụp đổ khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc thận trọng tuy giao dịch với tư bản nhưng không trao trứng cho ác mà phải kiểm soát nguồn vốn tức là mạch máu của thị trường: vốn FDI được khuyến khích vì không lo rút về, còn vốn lưu động dễ tháo khoán nên cần hạn chế lưu thông.

Bên cạnh việc hạn chế mượn tiền quốc tế và kiểm soát nước ngoài đầu tư vào ngân hàng, mua bán nợ, chứng khoán và bất động sản Bắc Kinh còn giới hạn đổi tiền từ NDT sang USD nhằm chận đứng nạn chảy máu ngoại tệ. Bài học Khủng Hoảng Tài Chánh Đông Á 1998 cho Bắc Kinh thấy phải tăng dự trữ ngoại tệ để đề phòng giới đầu cơ tiền tệ tấn công đồng Nhân Dân Tệ (NDT) giống như đồng Baht trước đó.

Điểm đáng lưu ý là nhờ hạn chế vay mượn nước ngoài nên khi bong bóng địa ốc xì hơi vào năm 2016 Trung Quốc đã không bị nạn tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy giống như Thái Lan trước đây. Trái lại tư bản trong nước sợ đồng NDT mất giá nên chuyển ngân ra ngoại quốc khiến quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hụt mất 1 ngàn tỷ USD trong năm 2016. Bắc Kinh nhanh chóng siết chặt không cho chuyển tiền nên chận đứng được nạn chảy máu ngoại tệ và ổn định đồng NDT. Tuy nhiên nợ trong hay nợ ngoài vẫn là…nợ (tức là thiếu nợ phải trả cách này hay cách khác dù là quịt nợ), hiện Trung Quốc đang trải qua tiến trình thanh toán nợ (deleveraging) rất cam go và nguy hiểm. Vấn đề này sẽ còn được phân tích nhiều lần trong các phần sau.

  1. Trung Quốc huy động dòng vốn trong nước bằng biện pháp áp chế tài chánh (financial repression) và bơm tín dụng

Xin nhắc lại vào các thập niên 1980-2010 Trung Quốc cần rất nhiều vốn để xây cất đô thị và hạ tầng cho tiến trình công nghiệp hóa. Bắc Kinh hạn chế vay mượn từ nước ngoài nên dùng biện pháp áp chế tài chánh nhằm góp vốn từ tiết kiệm trong dân. Nhưng dân Tàu trong những năm 1980-1990 còn nghèo không tiết kiệm đủ cho nên Bắc Kinh bù đắp thiếu hụt bằng cách nới lỏng tín dụng cho thị trường xây cất.

    1. Trung Quốc áp chế tài chánh để thu hút tiết kiệm từ dân chúng

Nhờ Bắc Kinh khép cửa tài chánh nên các ngân hàng nhà nước không bị cạnh tranh từ nước ngoài. Ngân hàng nhà nước độc quyền thu hút tiết kiệm trong dân chúng với phân lời thấp hơn nhịp độ tăng trưởng, rồi sau đó cho các công ty quốc doanh và doanh nghiệp thân hữu vay mượn với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy kinh tế. Dùng thí dụ cho dễ hiểu, giả sử GDP tăng trưởng 10% nhưng lãi suất tiết kiệm 4% nên lãi suất cho vay ưu đãi 6% để công ty quốc doanh vay mượn thì chỉ kinh doanh xoàn xoàn 7% cũng có lời. Trong khi đó doanh nghiệp tư nhân mượn tiền theo lãi suất thị trường 8% (tức là 2% cao hơn lãi suất ưu đãi dành cho công ty quốc doanh) nhưng nhờ đầu tư tốt nên tăng trưởng 12-14% thì cộng lại GDP vẫn tăng vọt.

Chơi chứng khoán ở Trung Quốc cũng giống như đi vào sòng bạc nên dân Tàu dù ham đen đỏ cũng không dám bỏ hết vốn liếng đầu tư cổ phiếu nên phần lớn tiền để dành đành gởi vào ngân hàng cho dù lãi xuất tiết kiệm thấp hơn độ tăng trưởng của GDP. Nhìn cách khác là nhà cầm quyền bóc lột thặng dư lao động của công nhân (tăng trưởng GDP là nhờ vào sức lao động của công nhân) để đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp (lãi xuất tiết kiệm thấp nên lãi xuất cho vay cũng thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.)

Ở Trung Quốc có khoảng 700 triệu công nhân lao động với tay nghề thấp từ thôn quê lên các khu đô thị làm việc. Những người này không được cung cấp hộ khẩu thành phố nên không được hưởng các dịch vụ xã hội tốt về y tế, nhà ở và giáo dục con cái ở những đô thị lớn. Họ phải cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm trong ngân hàng hòng xây nhà dưới quê, cưới vợ, nuôi con, phòng khi mất việc, bệnh hoạn, già yếu v.v… Số công nhân nói trên không được thành lập công đoàn để tranh đấu đòi hỏi các quyền lợi lao động như tăng lương, dịch vụ y tế, tiền hưu bổng v.v…

700 triệu công nhân với tay nghề thấp (tức trình độ học vấn thấp) không được tăng lương (so với lạm phát) từ năm 1990-2005. Trong khoảng thời gian này nhân lực tại Trung Quốc còn dồi dào nên thu nhập ở thành phố dù kém nhưng vẫn rất cao so với nông thôn, cho nên doanh nghiệp không sợ áp lực tăng lương vì lúc nào cũng có nhiều người mới ra đô thị sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp không cần chuyên môn. Nhà cầm quyền không can thiệp bảo vệ quyền lợi người lao động mà trái lại hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí công nhân nhằm tăng vốn đầu tư sản xuất.

Doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài có lời không đổi tiền lời USD sang NDT để tăng lương công nhân mà phải gởi USD vào ngân hàng nhà nước. Bắc Kinh qua đó tích lũy ngoại tệ để hãm giá trị đồng NDT không cho tăng so với USD, một mặt nhằm tăng quỹ ngoại hối phòng khi đồng NDT bị tấn công, mặt khác kềm giá đồng NDT để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Không đổi thặng dư mậu dịch bằng USD sang NDT tức là giảm lượng tiền NDT lưu hành, qua đó giảm áp lực lạm phát và áp lực tăng lương cho công nhân! Ngược lại Trung Quốc nhập cảng lương thực và xăng dầu nên đồng NDT bị ép giá đồng nghĩa với nhà cầm quyền áp chế sức tiêu thụ của quần chúng để phục vụ doanh nghiệp và tăng trưởng.

    1. Bắc Kinh nới lỏng tín dụng cho ngành xây dựng

Nguồn tiết kiệm trong dân chúng không đáp ứng đủ cho nhu cầu xây cất đô thị và hạ tầng đang tăng vọt. Thuế thu vào không đủ cho ngân sách nhưng Bắc Kinh lại không muốn vay mượn nước ngoài. Năm 1994 Trung Quốc cải tổ luật thuế yêu cầu các địa phương tăng % thuế gởi về Bắc Kinh để giảm bớt gánh nặng của trung ương. Bù lại các nhà cầm quyền địa phương có quyền hạn rộng rãi trưng dụng đất đai “của toàn dân” để bù đắp khoảng trống thiếu hụt; đồng thời các ngân hàng địa phương được phép nới lỏng mức tín dụng cho vay. Đây là chìa khóa mỏ vàng cho các lãnh chúa địa phương và tư bản đỏ tha hồ khai thác.

Dân Tàu lần đầu tiên được mua nhà từ sau cách mạng 1949 nên thị trường nhà đất tăng vùn vụt kể từ năm 1992. Nhà cầm quyền địa phương trưng dụng đất đai rồi cho các tập đoàn thân hữu khai thác. Giá trị bất động sản nhảy vọt nên công ty xây dựng dùng làm đòn bẩy để vay mượn thêm tiền từ ngân hàng. Ngân hàng địa phương được Bắc Kinh cho phép nới lỏng tín dụng nên bơm tiền cho doanh nghiệp thân hữu vay mượn. Đầu tư hạ tầng tăng thu hút công ty nước ngoài khiến kinh tế phát triển giúp cho địa phương cùng các quan chức khu vực vừa giàu lại thăng quan tiến chức. Thị trường địa ốc bốc hỏa đến mức những công ty xây cất đòi hỏi dân chúng phải đóng góp tiền hàng tháng ngay vào lúc nhà mới mua nhưng chưa kịp xây, rồi dùng đó làm vốn đầu tư vào các công trình mới. Bong bóng địa ốc ở Trung Quốc sẽ được tìm hiểu thêm trong phần sau, nhưng ý chính nơi đây là của Trung Quốc không vay mượn dòng vốn lưu động ở nước ngoài mà dùng tín dụng thúc đẩy xây cất hạ tầng và đô thị.

  1. Trung Quốc hạn chế tiêu thụ để thúc đẩy đầu tư

Chính sách áp chế tài chánh phân tích nói trên nhằm hạn chế tiêu thụ trong dân chúng để thúc đẩy đầu tư:

  1. 700 triệu công nhân với tay nghề thấp không được tăng lương từ 1990-2005 cho nên sức mua bị giảm.
  2. Trung Quốc không đầu tư cải tiến mạng lưới an sinh xã hội ở thôn quê cho nên 700 triệu công nhân lên thành phố làm việc phải tiết kiệm về thôn quê, tức là sức mua bị giảm.
  3. Dân chúng phải gởi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp, cho nên sức mua bị giảm.
  4. Bắc Kinh hảm giá đồng NDT khiến giá nhập cảng lương thực và xăng nhớt cao thành ra hạn chế sức tiêu thụ của dân chúng. 

Tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc chiếm khoảng 40% GDP trong lúc ở Hoa Kỳ là 70% GDP. Mỹ xài quá nhiều, Tàu xài quá ít tạo ra bất thăng bằng.

Nhiều kinh tế gia cho rằng Trung Quốc xuất khẩu tiết kiệm (export savings, chính xác hơn xuất khẩu hàng hóa) vì Trung Quốc hạn chế tiêu thụ nên dư thừa tiết kiệm dùng làm vốn đầu tư hỗ trợ cho ngành xuất khẩu. Trái lại Mỹ xài quá nhiều mà tiết kiệm không đủ nên phải nhập khẩu tiết kiệm (import savings, tức là mượn tiền và thâm thủng mậu dịch) từ Trung Quốc và nhiều nước khác kể cả Việt Nam.

Có 2 điểm quan trọng không nên lẫn lộn với chính sách giới hạn tiêu thụ của Bắc Kinh:

  • Khi còn nghèo thì Trung Quốc dùng mức tiêu thụ khổng lồ của 1.3 tỷ người để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Câu nói thường được nhắc đến là chỉ cần mỗi người dân Tàu uống 1 lon nước ngọt thì hãng Coca-Cola cũng giàu to.
  • Đến nay Trung Quốc lại trở thành một nước khổng lồ nhưng hai bộ mặt: tiêu thụ của dân lao động và ở thôn quê (700-800 triệu dân) bị hạn chế trong khi mức tiêu thụ ở các thành phố vùng duyên hải (300-500 triệu dân) cao không kém gì Âu-Mỹ. Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Qưyến…là những thị trường tiêu thụ cực lớn với mức tăng trưởng đầy hứa hẹn thu hút các đại tập đoàn quốc tế như Tesla, Apple, BMW, Airbus, Louis Vuitton…Thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc lớn, đa dạng và năng động nên làm bàn đạp cho các công ty nội địa như Huawei, Xiaomi, BYD…hoàn thiện sản phẩm trong nước (điện thoại, xe điện…) rồi mới tung ra cạnh tranh với thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh xã hội Trung Quốc hiện giờ với thời đại Vàng Mã (Gilded Age) bên Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19 khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế và khoảng cách tiêu thụ giàu nghèo đều vọ nhanh tột bực. Nền dân chủ và tự do báo chí ở Hoa Kỳ thời bấy giờ đã tố cáo các bất công dẫn đến nhiều thay đổi chính trị và cải tổ về luật lao động vào đầu thế kỷ 20. Sau đó cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu năm 1929 mang lại sự hình thành của mạng lưới an sinh xã hội ở Hoa Kỳ. Ngược lại Tập Cận Bình vẫn đề cao Đảng và Nhà Nước Trung Quốc sẽ chủ động xây dựng một Xã Hội Hài Hòa (Harmonic Society, nghĩa là không quá giàu hay nghèo, và mọi người đều phải rập nghe lệnh của đấng trời con) thay vì dựa vào tiến trình dân chủ và tự do báo chí; họ Tập còn nhấn mạnh Trung Quốc dù giàu mạnh nhưng không đi vào mô hình xã hội phúc lợi (welfare state) vốn khiến xã hội Tây Phương trở nên lười biếng và đồi trụy. Nhưng đây sẽ là đề tài của những phần sau.

  1. Trung Quốc thặng dư tiết kiệm sinh ra nợ xấu

Như trên đã phân tích Trung Quốc đặt nặng đầu tư hơn là tiêu thụ, và trải qua 3 giai đoạn:

  • Từ thập niên 1980 đầu tư hỗ trợ xuất khẩu.
  • Đến năm 2008 đầu tư hỗ trợ xây cất. 
  • Sang 2021 đầu tư hỗ trợ công nghiệp cao cấp trong nước.

Trước hết hãy làm quen với vài con số ấn tượng:

  • Từ khi mở cửa và nhất là sau khi gia nhập WTO xuất khẩu ở Trung Quốc nhảy vọt lên đến con số kỷ lục 35% GDP năm 2007 (1250 tỷ USD), nhưng từ đó cho đến 2022 sụt giảm xuống còn 20% GDP (3270 tỷ USD).
  • Ngược lại thị trường bất động sản ở Trung Quốc mới thành hình từ năm 1992 nhưng nay chiếm con số khổng lồ 30% GDP (so với ở Mỹ chỉ từ 15-18% GDP).

Mốc điểm thời gian đầu tiên vào năm 2008 khi hai cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 và Khủng Hoảng Euro 2010-12 khiến lượng hàng hóa mua từ Trung Quốc sang Âu-Mỹ sụt giảm mạnh. Thặng dư tiết kiệm của Trung Quốc không thể tiếp tục đổ vào ngành xuất khẩu nên chuyển sang xây dựng.

Năm 2008 Trung Quốc tung ra một gói kích cung khổng lồ lên đến 12.5% GDP (586 tỷ USD). Điểm đáng ghi nhận là Bắc Kinh không dùng ngân sách để kích thích nền kinh tế mà trái lại cho phép các ngân hàng địa phương nới lỏng tín dụng cho doanh nghiệp (thay vì người tiêu thụ) vay mượn. Nhờ vậy Trung Quốc không thiếu hụt ngân sách nên không tăng nợ công ở trung ương so với Âu-Mỹ. Ngược lại nợ nhảy vọt ở địa phương và trong các doanh nghiệp xây cất.

Các công ty xây dựng dễ dàng vay mượn vì ngành xuất khẩu khựng lại. Giá đất đai tăng nên thuế thu vào tăng, nhà cầm quyền địa phương nhờ đó tăng đầu tư xây cất hạ tầng (phi trường, xe lửa cao tốc…) với mục đích thu hút xây cất đô thị mới. Bắc Kinh khuyến khích dân quê dọn lên các thành phố mới nhằm hữu hiệu hóa canh nông bằng cách tập trung trồng trọt ở diện tích rộng.

Vấn đề là từ năm 1980 Trung Quốc còn nghèo nên nhu cầu hạ tầng và bất động sản rất cao, nhưng đến đầu thập niên 2000 thì đã tạm đủ, rồi từ sau năm 2008 sinh ra ngập lụt xây cất vì lạm dụng tín dụng đầu tư. Năm 2013 bắt đầu xuất hiện những thành phố ma (ghost cities), các khu thương xá và chung cư vắng bóng người, nhiều phi trường không máy bay cất cánh và vài cầu cáp treo kiểu cọ lạ đời!

Bắc Kinh lo ngại siết chặt tín dụng đầu tư xây cất vào năm 2016. Kinh tế và khu vực nhà đất chậm lại khiến thành phần tư bản trong nước hối hả chuyển tiền ra nước ngoài làm chảy máu ngoại tệ mất 1000 tỷ USD. Tập Cận Bình nhát tay nới lỏng cho vay nhưng không giải quyết tận gốc tình trạng nợ xấu cho nên khủng hoảng nhà đất nổi lên trở lại từ lúc công ty nhà đất Evergreen vỡ nợ vào năm 2021 cho đến nay.

Vấn nạn của Bắc Kinh là khu vực bất động sản chiếm 30% GDP nên khủng hoảng khiến nền kinh tế trì trệ hay ngã nhào. Nhưng nếu không xuất khẩu hay nhà đất thì ngành nào khác sẽ thay thế thành đầu tàu tăng trưởng?

Mốc điểm thời gian thứ hai vào năm 2021 với 4 sự kiện lớn xảy ra cùng một lúc:

  • Khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc có dấu hiệu ngày càng trầm trọng mà nổi bật nhất là đại tập đoàn xây cất Evergreen bị vỡ nợ.
  • Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu dưới thời Trump nhưng không thuyên giảm với Biden qua chính sách phong tỏa công nghệ cao của Mỹ đối với Trung Quốc.
  • Ngành công nghệ xanh và năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn từ khi Biden đắc cử vào năm 2020.
  • Trung Quốc đang lão hóa với nhịp độ gấp rút nên phải đầu tư vào công nghệ cao để nâng cao năng suất.

Khủng hoảng địa ốc, nợ xấu và chính sách bất nhất của Bắc Kinh vào cuối dịch Vũ-Hán kéo nhịp độ phát triển kinh tế của Trung Quốc xuống còn 5% (nhiều nhà quan sát cho là tăng trưởng thật chỉ khoảng 3%). Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuyển hướng đầu tư từ (1) hỗ trợ xuất khẩu sang (2) ngành xây dựng rồi nay (3) sản xuất năng lượng xanh và công nghiệp điện toán vì nhiều nguyên do:

  1. Bắc Kinh đầu tư ào ạt vào Trí Tuệ Nhân Tạo và chế tạo chip điện toán để tự lực hay bắt kịp Hoa Kỳ trong hai công nghệ cốt lõi của thế kỷ 21. Từ 2021-22 Trung Quốc đã bỏ vốn 290 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip, mục tiêu nếu không theo kịp Mỹ ở loại chip tối tân nhất thì vẫn tràn ngập thị trường chip trung và thấp hạng.
  2. Trung Quốc hiện chiếm ưu thế áp đảo trên thế giới về công nghiệp xanh: 80% năng lượng mặt trời (solar panel), 82% bình điện xe hơi và dẫn đầu sản xuất xe hơi điện. Xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc giá chỉ ½ so với Âu-Mỹ nhờ vào ăn cắp rồi cải tiến kỹ thuật, lương nhân công rẻ, nhà máy tối tân, bình điện xe hơi và nguồn sắt thép dư thừa sản xuất trong nội địa. 

Nợ ở Trung Quốc hiện chiếm 286% GDP. Tăng trưởng giảm trong khi nạn lão hóa tăng vọt. Ngành bất động sản chiếm 30% GDP nhưng nay không còn là đầu tàu tăng trưởng mà còn phải lo giải quyết nợ xấu. Bắc Kinh hiện đầu tư ào ạt vào năng lượng xanh, công nghiệp điện toán và trí tuệ nhân tạo với hy vọng sẽ đẩy nền kinh tế nhảy vọt lên hàng đầu thế giới. Nhưng Hoa Kỳ đang phong tỏa công nghệ cao cấp. Âu Châu và Ấn Độ chuẩn bị dựng lên rào cản thương mại để chận đứng nhập cảng xe điện và sắt thép. Trung Quốc đổ thặng dư sản xuất bán sang các nước đang mở mang nhưng những nước này học khôn sợ rơi vào bẫy nợ. Những năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định không những cho Trung Quốc mà còn cho cả tương lai của toàn thế giới.    

Đoàn Hưng Quốc

6 BÌNH LUẬN

  1. Tin tức chẳng có gì vui cho Tàu+

    “With more than $9 trillion wiped off the mainland and Hong Kong markets since they peaked in February 2021, there has been an increasing sense of urgency in Beijing as the pace of the dumping of Chinese stocks picked up again this month.”

    tạm dịch:
    Với hơn 9 nghìn tỷ đô Mỹ bị xóa khỏi thị trường [chứng khoán] đại lục và Hồng Kông kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 2 năm 2021, Bắc Kinh ngày càng cảm thấy cấp bách khi tốc độ bán phá giá cổ phiếu Trung Quốc lại tăng lên trong tháng này.

  2. Khà khà khà, túm lại một cach’ ngắn gọn là Cộng Sãn không nghèo đói và ngu dốt như đam’ Tàn Dư Ngụy Cock la làng mấy chục năm nay.

    Thèng bu MẼO đang ngày đêm lo sợ thèng Cong Sãn Tàu vượt mặt từ kinh tế , quân sự và ngay cả ngoại giao.

    Đám Tàn Dư NGỤY COCK ngu dốt nhận định theo ước muốn chủ quan mà quên đi FACTS mà cả thé giói đang ngày ngày đối diện vói TÀU.

    Đam’ Tàn Dư Ngụy Cock có tồn tại thêm 1000 năm nửa thì củng chẳng làm rụng sợi lông………..CHIM nào của Viet Cộng nói riêng và Cong Sản nói’chung chỉ vì ĐẦn Độn, Hèn Nhát và Dốt Nát về chinh’ trị , kakkakakkakak.

    • ĐM thằng chó đẻ phét này. Cha mày có bị VNCH bắn chết phơi thây cho quạ rỉa xác cũng đáng tội vì mày.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên