Sự thật về Lenin và cuộc Cách mạng Nga 1917 [1]

1
Sa Hoàng Nicholas 2

Cách mạng Nga thành công vào tháng 10 năm 1917. Khi cuộc cách mạng này bùng phát, cả thế giới vào thời gian đó hoàn toàn bị bất ngờ. Không ai có thể tưởng tượng được rằng một đế chế kéo dài suốt 300 năm lại có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy. Một nhân vật đã gắn liền tên tuổi với cuộc cách mạng, giành được quyền lực và là biểu tượng cách mạng hằn nét lịch sử thế kỷ 20: đó là Lenin, lãnh tụ đảng Bolshevik, tiền thân của đảng cộng sàn Nga.

Nhưng tại sao lại là Lenin mà không phải là một người khác trong các tổ chức chính trị tại Nga thời đó? Và Lenin có phải là nhà chiến lược có tầm nhìn toàn trí như nhiều người nghĩ sau này hay những sự tình cờ đã mở đường cho ông trở thành người lãnh đạo cách mạng? Câu trả lời nằm trong chính nội tình của cuộc cách mạng: các biến động dồn dập xảy ra, xô đẩy nhau như lớp sóng thủy triều, tạo thành cơn hồng thủy lật ngược mọi thế cờ.

Sa hoàng Nicholas 2 vốn là người bất tài cả trong lãnh vực quân sự và các lãnh vực khác. Tuy vậy ông lại là một hoàng đế chuyên chế trong một quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới.

Nước Nga đang lao vào cuộc chiến tranh chống Đức và Austria-Hungary trong thế chiến thứ nhất và các quốc gia này đã tiến sâu vào lãnh thổ Nga 1000 km. Nông dân là những người được đưa ra mặt trận để chống lại kẻ thù. Thiệt hại nhân mạng ở tiền tuyến vô cùng lớn. Hậu phương cũng chẳng khá gì hơn. Bộ máy quản lý nhà nước hầu như bất lực trong việc cung cấp tất cả những thứ cần thiết cho mặt trận. Tuy vậy vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy quyền lực của nhà nước bị lung lay hay suy giảm.

Cuộc chiến đã thúc đẩy mạnh tinh thần yêu nước của người Nga. Chỉ một thiểu số rất ít không đồng tình, trong đó có Lenin. Từ Zurich, trong cuộc sống lưu vong, ông lãnh đạo đảng Bolchevik. Ông viết bài cho tờ báo ngoài luồng Pravda ( Sự Thật), tổ chức các buổi họp mặt thảo luận về chính trị. Ông không những “dị ứng” với chủ nghĩa yêu nước mà còn mong nước Nga sẽ thua trận, bằng cách nhân danh cuộc cách mạng xã hội suýt thành công vào năm 1905. Khởi đầu là sự thất bại quân sự của Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Sự thất trận đã làm người Nga sửng sốt và hủy hoại uy tín của nhà cầm quyền.

Chủ Nhật ngày 09.01.1905, tại thành phố St.Petersburg, một cuộc biểu tình bùng nổ. Công nhân đứng lên đòi hỏi mức sống tốt hơn, sự công bình và sự che chở của luật pháp. Nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp. Kết thúc là 200 xác người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Công nhân khắp thế giới đã phản ứng dữ dội trước việc đàn áp này. Họ đã cùng các nhà hoạt động chính trị thành lập các tổ chức khác nhau, tiếng Nga gọi là Xô Viết. Bắt đầu là tổ chức đình công và chẳng bao lâu trở thành các tổ chức cách mạng.

Những nông dân nghèo khổ chờ cơ hội để vùng lên. Họ sử dụng bạo lực chiếm giữ đất đai và thiêu hủy hàng ngàn bất động sản. Nhà cầm quyền bị lung lay. Giới tư sản xô viết yêu cầu phải thành lập chế độ quân chủ nghị viện. Dưới sức ép, Sa hoàng hứa sẽ cho bầu cử quốc hội (The Duma). Nhưng đây chỉ là màn kịch giả vờ. Nhà cầm quyền bắt đầu đàn áp tàn bạo: 5000 người bị kết án tử hình và 15 000 nông dân bị vệ binh cossacks của Sa hoàng thảm sát. Cosscaks sống riêng biệt trong các khu nông nghiệp đã quân sự hóa, có vai trò cảnh sát và kỵ binh. Giới tư sản rồi cũng được thành lập quốc hội (the Duma) nhưng trong thực tế Duma chi có vai trò cố vấn.

Nicholais 2 không từ bỏ quyền uy tối thượng của mình. Lenin xem sự thất bại của cuộc cách mạng năm 1905 như thất bại riêng của cá nhân ông. Sợ bị giết, ông đi lưu vong. Ông hy vọng sự thất trận sẽ dẫn đến việc bùng phát một cuộc cách mạng mới. Nhưng ông cũng không dám tin là chuyện này có thể xảy ra. Tháng Giêng năm 1917 tại Zurich ông nói: “Không thể không nghi ngờ là một cuộc cách mạng không thể xảy ra trong cuộc đời này của chúng ta”.

Petrograd là phần chính của câu chuyện này. Sau khi cuộc chiến bùng nổ, St.Pettersburg được đặt tên mới. Cái tên cũ bị cho là “quá Đức”. Vào thời gian đó, Petrograd là một thành phố lớn với 2 triệu dân. Thành phố này không chỉ có giới tư sản. Phía Bắc là quận thành Vyborgski, một vùng đất rộng lớn, được xem như một thành phố trong một thành phố. 400 000 người sinh sống và làm việc ở đó. Các nhà máy chiến lược quan trọng nhất đều tập trung tại đây. Và ở khu trung tâm là những nhà máy chế tạo vũ khí. Từ khi chiến tranh xảy ra, lạm phát đã ảnh hưởng đến mức sống của công nhân. Các đợt đình công tăng vọt.

Thứ Tư ngày 15 tháng Hai năm 1917, theo lịch Julian, tướng Khabalov, tư lệnh quân đội Petrograd, được báo cáo cho biết số lượng bột mì dự trữ chỉ còn đủ cho 10 ngày. Ông đưa ra biện pháp phân chia lương thực theo khẩu phần. Ngày hôm sau, trước các cửa hàng đã trống trơn thực phẩm là những đoàn người chen chúc nối đuôi nhau xếp hàng dài. Cướp bóc là chuyện thường xuyên xảy ra tại Nga trong giai đoạn này. Tình trạng hỗn loạn kéo dài 4 ngày.

Ngày 23 tháng Hai, tức là ngày 8 tháng Ba theo lịch Gregorian, cũng là ngày Quốc tế phụ nữ, trong bầu không khí buốt giá của mùa lạnh, các nữ công nhân kéo nhau xuống đường bày tỏ sự bất mãn đối với cách phân phối lương thực. Họ đòi hỏi các gia đình có người thân ra mặt trận phải được chia phần nhiều hơn. Lúc đó không ai lường được cuộc biểu tình sẽ gây ra thêm những vấn đề gì. Ngay cả các tổ chức chính trị cũng không tin nó sẽ trở thành cuộc cách mạng.

Petrograd được thành hình do việc kết hợp các hòn đảo lại với nhau đồng thời cũng bị chia cách bởi những con sông cùng đổ ra sông Neva. Các hòn đảo này nối kết với nhau bằng những chiếc cầu. Từ Vyborgski đến khu trung tâm người ta phải qua cầu Alexandrovski và đi bộ 6 km. Các nữ công nhân muốn tập trung biểu tình tại đường phố đi bộ Nevsky Prospekt. Họ hoàn toàn ngạc nhiên khi đi đến nơi mà không bị cảnh sát hay những người cossacks ngăn cản. Từ chuyện chỉ đòi hỏi thực phẩm lúc ban đầu lần sang đòi quyền đầu phiếu của phụ nữ do sự tham gia của giới phụ nữ trung lưu. Giới phụ nữ này đã lên tiếng đòi quyền đầu phiếu từ 12 ngày trước. Nhà cầm quyền không làm gì khác ngoài việc đóng cửa các công sở và các cửa hàng vì theo họ việc này quan trọng hơn là ngăn cản vào thời điểm đó. Đây là động thái khích lệ những người biểu tình. Họ sẽ tụ họp tiếp vào ngày hôm sau. Tại Zurich, Lenin không hề hay biết biến động này.

Lenin thời kỳ được cho là ở Zurich. Ảnh johnshaplin

Lenin tên thật là Vladimir lljitsj Uljanov. Ông sinh năm 1870 tại Simbirsk, một thành phố nằm dọc theo sông Volga. Ông có 6 anh em. Cha ông làm thanh tra học đường, được Sa hoàng quý trọng và mẹ ông là người đàn bà luôn yêu thương con cái. Năm 1887 tại St.Petersburg, Alexander Uljanov, người anh của ông, bị án tử hình vì đã âm mưu giết Alexandr 3 bằng chất nổ. Uljanov nhận tội và bị treo cổ. Lúc ấy Lenin mới 16 tuổi. Từ đó ông căm thù Sa hoàng, giới quý tộc và tất cả những ai có liên quan đến cái chết của anh mình.

Được gợi hứng bằng cuộc biểu tình của phái nữ ngày hôm trước, các nam công nhân liên kết với phụ nữ tiến hành biểu tình vào ngày hôm sau. Những người đàn ông cầm theo tất cả những gì có thể dùng làm vũ khí. Một số người dự định đánh phá, cướp các cửa hàng trên đường đi. Nhưng lần này cảnh sát bố trí chận cầu Alexandrovski. Đoàn người đã đi bộ vượt sông Neva – mặt sông đã đóng băng đá cứng vì trời lạnh – sang bên kia bờ. 150 000 người tràn về khu trung tâm Petrograd, hát vang bài ca cách mạng Marseillaise, tập trung ở đường Nevsky Prospekt. Bây giờ không chỉ còn là chuyện đòi bánh mì mà lại tràn ngập vang dội những tiếng hò hét đòi dẹp bỏ chế độ quân chủ.
Các nhà hoạt động thuộc các tổ chức chính trị “ngầm”, trong đó có cả thiểu số it́ ỏi những người Bolshevik ở Petrograd, chỉ biết đứng nhìn, lạc loài bất lực, mất hút trong đám đông.

Khác với thái độ lịch sự, hòa hoãn thụ động của những người cossack, cảnh sát quyết định can thiệp. Rồi đám đông tự giải tán và cảnh sát để họ thong thả ra về. Người ta hiểu rằng cảnh sát đã mất sự kiểm soát và công khai tuyên bố sẽ tiếp tục tụ tập biểu tình vào ngày mai. Ngoại trừ Alexander Kerensky, một đại biểu có khuynh hướng xã hội trong quốc hội Duma, các nhà hoạt động chính trị “ngầm” khác vẫn không tin một cuộc cách mạng sẽ bắt đầu.

Trong đêm hôm đó, tướng Khabalov, cho in thông báo dán khắp thành phố: “Cấm mọi sự tụ tập trên đường phố…Lực lượng cảnh sát sẽ sử dụng vũ khí nếu an ninh và trật tự tại thủ đô không được tôn trọng “.

Hôm sau, một không khí đặc biệt căng thẳng phủ lên thành phố. Không ai làm việc. Và rồi từng đoàn người từ Viborgski và các quận thành đổ vào thành phố. Những dòng thác người! Toán cảnh sát gác cầu Alexandrovski bỏ chạy trốn. Viên cảnh sát trưởng bị giết. Tướng Khabalov giờ đây chỉ còn cách điều động quân đội: 200 000 quân đang đóng tại Petrograd.

Tin tức giờ đã bay đến tận Thụy Sĩ nhưng Lenin vẫn không nhận ra thực tế những gì đã xảy ra. Năm 1895 ông bị bắt vì in tờ rơi tuyên truyền ủng hộ các cuộc đình công của công nhân. Từ khi đó ông đã cộng tác với nhóm trí thức mác xít. Ở chủ nghĩa mác xít ông tìm thấy ý nghĩa cho sự phản kháng của mình. Marx nói rằng đấu tranh giai cấp sẽ chấm dứt chủ nghĩa tư bản. Ông và người vợ sắp cưới, Nadezika Krupskaja, bị án lưu đày 3 năm tại Siberia. Sau khi được tha, họ đi lưu vong. Với sự tài trợ của gia đình, Lenin có cuộc sống thoải mái, lãnh đạo nhóm cách mạng Nga lưu vong, lập đảng chính trị dân chủ xã hội rồi sau này tách thành 2 nhóm: bolshevik và menshevik. Lenin thuộc nhóm thứ nhất.

Trở lại Petrograd. Đêm hôm đó, cảnh sát bố ráp bắt những phần tử phản động thuộc các nhóm chính trị “ngầm”. Quân đội được huy động để dẹp loạn. Ngày 26, lúc 12 giờ, công nhân tiến về hướng trung tâm thành phố. Dân tư sản cũng đổ ra đường. Quân đội được lệnh khai hỏa bắn chết 150 người biểu tình. Nhưng không gì ngăn được lớp sóng người.

Cuộc thảm sát thường dân bị giới quân sự lên án vì nhiều người cũng có thân nhân trong đám biểu tình. Rồi những người lính đã nổi loạn. Trong cơn giận dữ họ đã cướp bóc ở trung tâm thành phố, mở kho vũ khí phân phát 40 000 khẩu súng cho dân chúng. Hỗn loạn và giết chóc bắt đầu. Cảnh sát, sĩ quan, các giới chức làm việc cho sa hoàng bị truy đuổi sát hại. Tòa án bị đốt cháy. Nhà lao bị phá, gần 100 người hoạt động chính trị và 6000 tội phạm khác được trả tự do. Trong căm thù, cả một trung đoàn tiến về Cung Điện Mùa Đông (The Winter Palace), dinh thự của Sa hoàng. Cuối cùng…lá cờ hoàng gia bị hạ xuống và lá cờ đỏ được kéo lên.

Trong khi đó hỗn loạn cũng dồn dập xảy ra tại Điện Tauride (Tauride Palace), trụ sở của quốc hội. Sa hoàng đã ra lệnh giải thể quốc hội nhưng một số thành viên không chấp thuận. Đó là những người đại diện cho giới tư sản. Họ đã mong chờ ngày này từ năm 1905. Cầm đầu là Pavel Miljukov. Họ quyết định thành lập hội đồng Duma lâm thời. Đây là một tham vọng lớn vì đoàn biểu tình đang tiến về phía họ. Nỗi lo lắng sợ hãi hiện rõ trên mặt mọi người. 20 000 người lính và công nhân trang bị vũ khí đã tập trung trước tòa nhà. Alexander Kerensky là người đầu tiên chạy ra đón chào đoàn biểu tình. Ông hô hào bắt giữ các bộ trưởng, chiếm bưu điện, công ty điện thoại, điện tín, ga xe lửa. Hội đồng muốn lập một ủy ban xô viết như năm 1905. Họ chiếm giữ Điện Tauride. 250 người đại diện cho quân đội và công nhân mở cuộc họp và thành lập ban chấp hành gồm những người sau đây:

– Nicholai Tsjkheidze, lãnh đạo nhóm cách mạng xã hội
– Nicholai Sukhanov, một người menshevik – Một người theo chủ nghĩa vô chính phủ và 2 người bolchevik

Tất cả các nhóm cách mạng đều được mời tham dự.

Nhưng một sự kiện bất ngờ xảy ra. Không ai muốn nắm giữ quyền lực. Theo Marx, cần phải trải qua thời kỳ quá độ tư sản trước khi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người ta vẫn sợ Nga hoàng và muốn được một chính phủ tư sản bảo vệ.

Cách đó vài mét là hội đồng Duma lâm thời cùng sự có mặt của Mikhail Miljukov. Họ sẵn sàng nắm quyền lực. Nhưng quân đội và nhóm xô viết đang kiểm soát tình hình nên họ phải tìm cách giải quyết. Nicholai Sukhanov đi bước trước, đến gặp Miljukov để giải hòa. Sau cuộc thảo luận với Mikhai Rodzianko, chủ tịch Duma, Miljukov tuyên bố nắm quyền lực. Theo đó, một chính phủ lâm thời sẽ do giới tư sản thành lập. Một hội đồng quốc gia sẽ được bầu cử sớm và sẽ chọn một thể chế chính trị cho đất nước. Trái ngược với các đồng chí xã hội của mình, Kerensky quyết định tham gia chính phủ mới. Ông là cầu nối giữa những người xô viết và chính phủ tư sản.

Sa hoàng đã phong tướng Ivanov lên làm ”nhà độc tài của Petrograd”. Nhưng việc ổn định tình hình cũng chẳng dễ dàng gì. Hầu hết đội tiền quân của ông đã bỏ hàng ngũ gia nhập đoàn biểu tình. Chuyến xe lửa chở “nhà độc tài” và đoàn tùy tùng bị công nhân đường sắt cho chạy sai hướng đến 6 lần. Hiện ông đang ở Siberia, trong một toa xe lửa hư chờ sửa chữa. Mỗi giờ qua đi, cuộc cách mạng càng mạnh hơn. Lượng người khổng lồ tụ tập quanh Điện Tauride càng lúc càng đông. Họ cho người canh gác, kiểm soát lối ra vào. Bên trong là những giờ phút định mệnh. Người ta đang nỗ lực thuyết phục hội đồng tướng lãnh quay lưng chống lại Nicholas 2. Mọi hình thức ngoại giao bị loại bỏ khi họ gặp các tướng lãnh của Sa hoàng. Nhưng quân đội và tầng lớp công nhân chỉ công nhận một cấp lãnh đạo: đó là Petrograd xô viết. Từ nay người lính có quyền tham gia hoạt động chính trị. Điều này chôn vùi uy quyền của các tướng lãnh. Họ bị lâm vào tình trạng khó xử, không thể tự quyết định. Họ điện đàm liên tục với nhau. Thân phận của tướng Ivanov cho thấy việc trở về giải cứu Petrograd không thể thực hiện được nữa. Trong ngày hôm sau, binh lính ngoài tiền tuyến nhận được sắc lệnh đầu tiên (order no.1) do Petrograd xô viết soạn thảo với sự đồng lòng của các tướng lãnh.

Không còn sự hậu thuẫn của hội đồng tướng lãnh, ngày 02.03.1917, Nicholas 2 thoái vị nhường ngôi cho người em là đại công tước Mikhail. Nhưng rồi ông này cũng từ chức vì Duma không thể bảo đảm mạng sống của ông.

Sau 300 năm trị vì, đế chế Romanov sụp đổ chỉ trong vòng một tuần lễ. Nền quân chủ chấm dứt tại Nga.
(còn tiếp)

Hoàng Thủy Ngữ

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên