Một đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam

3

Tôi vừa nhận được quyển Văn Học Việt Nam, tác phẩm khảo cứu vĩ đại, công phu, khoa học, khách quan… nói cho đúng hơn, một công trình văn hóa rất lớn của Việt Nam do tác giả Trần Bích San biên soạn.

Trần Bích San sinh năm 1940 tại Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, thuở nhỏ học chữ Nho, năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam, học các trường trung học Trần Lục, Hàn Thuyên, Chu Văn An, đại học Luật Khoa Sài Gòn. Năm 1969 nhập ngũ trường Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ra trường phục vụ tại sư đoàn 5 BB.

Ông Trần Bích San

Tháng 04/1975 tác giả di tản qua Mỹ và tiếp tục học vấn. Năm 1979, tốt nghiệp cử nhân khoa học (B.S.) về Biomedical Engineering của George Washington University, được nhận vào làm cho Bệnh Viện Touro ở New Orleans, Louisiana và định cư tại đây cho đến nay. Từ 1990 làm Giám Ðốc ngành này, vì nhu cầu điều hành và quản trị, ông tiếp tục học thêm và tốt nghiệp Cao Học (M.H.A.) của Tulane University năm 1995, Tiến Sĩ (Ph. D.) hạng tối ưu Summa Cum Laude về ngành Quản Trị Y Tế.

Sau đây, tôi xin có đôi dòng nhận xét về tác phẩm. Một cách tổng quát, về hình thức, sách in đẹp, dầy 1200 trang, bìa cứng màu xanh lá cây đậm, chữ vàng, trình bày trang trọng, khiến độc giả khi cầm pho sách trên tay cảm nhận như đang tiếp cận với một bậc nho giả nghiêm túc, một lão trượng uyên bác, đọc nhiều hiểu rộng. Nội dung tác phẩm hàm súc, văn phong đơn giản, sáng sủa, nghị luận vững vàng, khúc triết, tài liệu phong phú, chú thích rõ ràng, so với các tác phẩm cùng loại trước đây có nhiều khám phá mới lạ.

Tác phẩm gồm 31 chương từ Nguồn Gốc Văn Học Việt Nam qua Chữ Nho, chữ Nôm, Chữ Quốc Ngữ….tới Phóng Sự, Tùy Bút, Ca Dao. Người đọc có cảm tưởng sắp thưởng thức một công trình đóng góp tập thể với sự hợp tác của nhiều tác gia, không nghĩ là nỗ lực của một cá nhân lại có thể lớn lao đến thế, không thể ngờ một con người, một bộ óc có thể đọc và tham khảo nhiều như vậy. Nhưng khối óc, trái tim của một người yêu quý văn chương chữ nghĩa đã làm nên công trình văn hóa khoa học, phong phú, khách quan… một đóng góp rất lớn cho nền văn học nước ta.

Xin điểm qua một số điểm đặc sắc trong những chương quan trọng của tác phẩm:

Sau chương đầu tiên “Nguồn Gốc Văn Học Việt Nam” gồm ca dao, tục ngữ, câu đố, truyện cổ tích, là các chương về hệ thống văn tự, sau đó là các chương về những nền giáo dục từ xưa đến nay. Sự xắp xếp 9 chương này lên ngay phần đầu của tác phẩm rất hợp lý vì nền tảng văn học được xây dựng trên những yếu tố gì nếu không phải là văn tự và giáo dục. Không có 2 yếu tố thiết yếu này tất nhiên không thể có văn học.

Từ trước đến nay tất cả các nhà văn học sử nước ta hoặc cho rằng người Việt thời cổ không có chữ viết, hoặc nếu có tin thì cũng chỉ bằng suy luận, không chứng minh được. Trong chương “Chữ Việt Thượng Cổ” Trần Bích San sử dụng các chứng liệu khảo cổ cụ thể được tìm thấy từ các di chỉ đã khai quật ở thôn Bán Pha (Sơn Tây), Cảm Tang (Quảng Tây), ở Giả Hồ Trung Hoa trong những năm cận đại để chứng minh chữ Hán chính là do người Việt sáng tạo nhưng đã bị người Tàu chiếm đoạt, sau đó họ phát triển những thành đạt đã có để đi đến hoàn chỉnh khi xâm chiếm được Bách Việt. Từ trước, chữ Hán được các sử gia Tàu xác quyết là do sử thần Thương Hiệt đời Hiên Viên Hoàng Đế (khoảng 2700 TTL) nhìn vết chân chim mà sáng chế ra, hoặc là thuyết của các sử gia Tây phương căn cứ vào loại Giáp Cốt Văn (khoảng 1300 TTL) nên cho là xuất xứ từ chữ tượng hình của dân Sumériens trong thung lũng sông Euphrate (Irag ngày nay). Cả 2 thuyết trên nay đã bị bẻ gãy, lịch sử chữ Hán cần phải được viết lại.

Thi cử trong chương “Giáo Dục Nho Học” cho thấy sự khó khăn thiên nan vạn nan để người đi học ngày xưa đạt được giấc mộng thi cử. Đỗ đại khoa thật tử công phu như cá vượt vũ môn (cá hóa long), không những đã làu thông tứ Thư ngũ Kinh, còn phải đọc thêm bách gia chư tử, thiên kinh vạn quyển. Không những thế, thí sinh ngày xưa còn cần đến sự may mắn nữa vì trường quy quá khắt khe, nhiều người có tài như Tú Xương bị đánh trượt 8 lần oan uổng chỉ vì những vi phạm nhỏ nhặt.

Chủ đích của người Pháp khi thiết lập nền giáo dục cho người Việt được nêu rõ trong chương 7 “Giáo Dục Pháp Thuộc” qua việc phân tích chương trình học dành cho người bản xứ (Enseignement Franco-Indigène). Chương 9 “Giáo Dục Cộng Sản” cho thấy sự khác biệt giữa nền giáo dục Cộng Sản và của người Quốc Gia. Trong khi giáo dục VNCH mang tính cách dân tộc, nhân bản, khai phóng, coi giáo dục là hiện tượng tự nhiên, vô tư, thì Cộng Sản lại sử dụng Giáo Dục phục vụ cho mục tiêu chính trị, đặt dưới sự chỉ đạo chuyên chế tuyệt đối của đảng CSVN nhằm xây dựng chế độ độc tài toàn trị.

Ba chương tiếp theo gồm chương 10 viết về “Nho Giáo”, chương 11 “Quan niệm Quân Tử, Đại Trượng Phu”, và chương 12 “Mẫu Người Kẻ Sĩ” trình bày cái gốc tinh hoa tư tưởng cấu tạo nên phẩm chất Việt, giúp xã hội Việt Nam bền vững hơn 1000 năm, nhờ thế mà giữ được thế đạo nhân tâm. Các tác gia văn học lịch triều khi trước tác đã bị những tư tưởng này ảnh hưởng, chi phối. Cái vốn chữ Nho hấp thụ từ hồi nhỏ có lẽ đã giúp tác giả Trần Bích San một phần không nhỏ trong việc tham khảo để biên soạn các chương này.

Độc giả thường có quan niệm biên khảo khô khan khó đọc, điều đó không đúng hoàn toàn. Văn Học Việt Nam của Trần Bích San được viết hơi khác với lối thông thường của các sách cùng loại. Tác giả sử dụng phương cách mới để tác phẩm không những bớt khô khan mà còn có phần trở nên hấp dẫn, lý thú.

Hấp dẫn nhờ hơn 500 hình ảnh, chứng liệu quý hiếm. Người đọc có thể nhìn thấy hình những mảnh đá có khắc chữ Việt thời thượng cổ, các tranh dân gian Đông Hồ, khung cảnh trường thi ngày xưa, lều chõng của thí sinh, diện mạo các tác gia văn học là những người được đề cập đến trong sách, v.v.

Lý thú nhờ những lời giải thích các câu ca dao, các câu đối nổi tiếng của các nhân vật lịch sử, các giai thoại liên quan đến các vị Tam Nguyên, Phó Bảng, v.v. Nhờ phần này ta được biết Gia Long đã trả thù nhà Tây Sơn như thế nào. Hai vị Tiến Sĩ theo Tây Sơn bị Đặng Trần Thường theo lệnh Gia Long đem ra Văn Miếu nọc đánh mỗi người 100 trượng, ai chết, ai sống? Sau khi Gia Long thống nhất đất nước, Ngọc Hân Công Chúa, vợ vua Quang Trung, giả làm dân đi buôn trốn về quê ở Quảng Ngãi sau bị bắt đem về Thuận Hóa gia hình “tam ban triều điễn”, hay là bà bị Gia Long nạp làm phi?, v.v.

Có thể nói ra một sự thực mà không ai có thể phản bác là “tất cả mọi tác phẩm văn chương học thuật dù hoàn hảo đến đâu, ít hay nhiều, đều có một số sai lầm hoặc thiếu sót”. Văn Học Việt Nam của Trần Bích San không phải ngoại lệ. Bác Sĩ Trần Văn Tích đã đúng khi nhận xét là sách thiếu 1 chương về thi loại Từ. Theo ông, tất cả các sách về Văn Học Sử từ trước đến nay của cả 2 miền Nam Bắc không có quyển nào viết về thi loại này. Đến lượt Trần Bích San cũng chỉ viết vỏn vẹn có 5 chữ “các bài Từ của Phạm Thái” khi liệt kê các tác phẩm bằng chữ Nôm ở thế kỷ thứ XIX.

Ngoài ra, phải kể đến một thiếu sót khác nữa là trong phần viết về Ban Tu Thư của Bộ Giáo Dục VNCH trong giải pháp hợp soạn để tránh những sai sót trong việc biên khảo, Trần Bích San chỉ nhắc sơ qua mà không ghi nhận chi tiết những công trình đáng kể của bộ phận này trong việc dịch thuật, phổ biến những tác phẩm giá trị cổ học.

Trong chương “Chữ Quốc Ngữ” Trần Bích San kết luận:

“Giấc mộng của tiền nhân có được thứ chữ riêng cho dân tộc không còn là mơ ước mà đã trở thành sự thực. Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ là những người từng ấp ủ và khởi xướng, nhưng Chữ Quốc Ngữ lại được những người tu hành Thiên Chúa Giáo từ bên trời Âu xa xôi đem tới. Phải chăng hồn thiêng sông núi tạo cơ duyên cho dân tộc Việt được đón nhận món quà vô giá của Thượng Đế?”

Về phần dân tộc thụ nhận Việt Nam phải có bổn phận bồi đắp thứ chữ của mình để ngày một hoàn chỉnh. Trong quá khứ, đất nước may mắn có được Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, các văn gia Tự Lực Văn Đoàn và những nhà văn, nhà báo, nhà giáo, những nhà trí thức từ Bắc chí Nam đem tâm huyết thực hiện ủy nhiệm của dân tộc một cách xuất sắc.

Ngoài công việc làm cho chữ Việt ngày một hay đẹp hơn, mỗi người Việt Nam còn có nhiệm vụ phải duy trì thứ chữ của nước mình, chứ lẽ nào lại như một số người vong bản dưới thời Pháp thuộc muốn thay thế chữ nước ta bằng chữ Pháp? Hay như mới đây, tên giáo nô ngu dốt Bùi Hiển cam tâm âm mưu hủy hoại chữ Việt bằng cái quái thai gọi là “Chữ Việt cải cách”?

Hiện nay phẩm chất ngôn ngữ Việt đang bị chế độ Cộng Sản hạ thấp. Những tiếng mới của Việt Cộng sai nghĩa, cộc lốc, thô kệch, mất đi sự đáng yêu, vẻ mềm mại dễ thương của tiếng Việt. Một số danh từ thanh lịch được thay bằng ngôn ngữ đường phố khiến người quan tâm đến tiếng mẹ đẻ phải lo âu cho thứ chữ cao quý của mình.

Tác phẩm Văn Học Việt Nam của Trần Bích San là một nỗ lực trong mục đích bảo tồn văn học Việt Nam, bảo tồn chữ Việt đáng yêu của chúng ta như học giả Trần Văn Tích nhận định: “Ra đời trong bối cảnh lưu vong, Văn học Việt Nam của Trần Bích San đáp ứng được phần lớn nhiệm vụ mà văn học sử đã uỷ thác cho nó. Nó là một trân phẩm hiện đại, khoa học, nhân bản, khai phóng; nó đáng được xem là của gia bảo đối với những ai còn nặng lòng với tiếng Việt chữ Việt”.

Những bài nghiên cứu văn học mà tác giả Trần Bích San đăng trên các tạp chí văn học Cỏ Thơm, Tân Văn từ những thập niên trước đã là khởi điểm cho công trình vĩ đại này. Mỗi chương sách là một thiên khảo cứu rộng mênh mông với đầy đủ dữ kiện văn học, dẫn chứng tài liệu, tham khảo thư tịch Đông Tây kim cổ. Đây là một trong những quyển văn học sử công phu, khoa học và xứng đáng nhất của nền văn chương Việt Nam . Có thể nói vào thời điểm này, Tiến Sĩ Trần Bích San là nhà văn học sử duy nhất của người Việt quốc gia cũng như của văn học hải ngoại.

Trọng Đạt

———————————————

Tất cả tiền bán sách dùng yểm trợ quỹ giúp thương phế binh VNCH thuộc nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn trước Tết Canh Tý . Địa chỉ liên lạc mua sách:
Trần Ngọc Châu
P.O.Box 740248
New Orleans , LA 70174 , USA .
Điện thoại: (504) 615-5606 – Email: chautran6@aol.com.
Giá bán $50 – độc giả ở Hoa Kỳ miễn bưu phí. Check hay Money order xin đề tên Thái Trần

3 BÌNH LUẬN

  1. Phai goị là Van Hoa’ cua Ngụy Sai Gon moi’ dúng nhản hieu 3///. Khong duoc lạm dụng ngôn từ mot cách bưà bãi như the’ . Van chưong của ai phải rành mạch rỏ ràng khong nhập nhằng vu vo* như the’ . Ngụy là Ngụy, van hoá Ngụy khong the nào là goi van Viet Nam duọc. Dè nghị tác giả cẩn thận khong nen dồng hoa’ NGỤY voi’ Viet Nam duoc.

    • Cũng như vậy, Ngụy Van Phét là đồ CHÓ ĐẺ, xin quý vị đừng nhập nhằng nó với loài người.

  2. “Có thể nói vào thời điểm này, Tiến Sĩ Trần Bích San là nhà văn học sử duy nhất của người Việt quốc gia cũng như của văn học hải ngoại.”

    Xin cảm ơn t/g Trọng Đạt đã giới thiệu “quyển Văn Học Việt Nam, tác phẩm khảo cứu vĩ đại, công phu, khoa học, khách quan… nói cho đúng hơn, một công trình văn hóa rất lớn của Việt Nam do tác giả Trần Bích San biên soạn.”. Sẽ đặt 2 quyển sách ủng hộ.

    Nhà biên khảo Trần Bích San tên thật là Trần Gia Thái, sinh năm 1940 Mỹ Lộc, Nam Định. Bút hiệu Trần Bích San.

    (Tran adopted the pen name Trần Bích San after his great, great grandfather who was the top honor graduate of the national exam[3] in 1865 and a famous 19th century poet [4] in Vietnamese literature. He chose the name to continue his ancestor’s unfinished work in literature and honor the last official Vietnamese scholar of the 19th century.)

    Nhà biên khảo Trần Bích San, một tên tuổi quen thuộc trong làng văn học hải ngoại vừa qua đời tại thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ vào ngày Thứ Bảy 9 tháng 1, 2021 sau một cơn bạo bệnh.

    Người Việt khắp Năm Châu dù ở đâu cũng nhớ đến quê hương.

    Xin ghi khắc ghi trong lòng, tưởng niệm tiến sĩ Trần Bích San (1940-2021) đã góp rất nhiều tâm tư và thời gian biên khảo Văn Học Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên