Lễ Tạ Ơn Thanksgiving 23/11/2017

1

Hằng năm ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 của tháng 11 theo phong tục ở Hoa Kỳ là ngày Lễ Tạ Ơn (23.11.2017). Để tưởng nhớ và tạ ơn Thượng đế, hơn bốn trăm năm trước vùng Bắc Mỹ là nơi mà những người cùng khổ khắp năm Châu đến tìm vàng, hy vọng thoát khỏi những khó khăn về kinh tế hay chạy trốn vì lý do tôn giáo. Miền đất hứa của những người lao động nhọc nhằn, đầy dẫy những hiểm nguy, bất công, bóc lột, kỳ thị… Họ phải chiến đấu để bảo vệ sự sống còn và vượt qua nhiều gian khổ để thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là quốc gia độc lập, dân chủ và giàu mạnh nhất thế giới.

Canada và Hoa Kỳ có lễ Tạ ơn Thanksgiving để nhớ lại nguồn gốc tổ tiên. Lễ Thanksgiving có ý nghĩa thật sâu xa, con người có thể khác nhau về chủng tộc, màu da, đức tin tôn giáo hay vô thần. Trong đời chúng ta không ít thì nhiều mình từng nhận ơn của người khác giúp cho mình và ngược lại. Thanksgiving là dịp để nhắc nhở mình nhớ lại những hạnh phúc lớn nhỏ đã nhận trong đời mà Thượng Đế ban cho. Tạ ơn Trời theo truyền thống của mỗi dân tộc, thời xa xưa người ta tin các vị thần linh làm cho mùa màng được tươi tốt, gia súc sinh sản nhiều đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Việt Nam vùng nông thôn tổ chức tế lễ Kỳ Yên, cúng Thần Hoàng, đầu mùa gặt thì cúng cơm lúa mới…“lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày“. 

Triều đình Huế qua các triều đại hàng năm có tục tế lễ Nam Giao nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, Lễ tế Nam Giao với mục đích cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình để tạ ơn Trời Đất, nhờ mưa thuận gió hòa đem lại no cơm, ấm áo cho toàn dân.[1] (Buổi lễ tế Nam Giao, chỉ những người trong Ban nghi lễ mới được bước qua 15 bậc thang để lên đỉnh cao nhất của Đàn, gọi là Viên Đàn. Đó là khoảng sân hình tròn tượng trưng cho trời. Còn người đến dự thì chỉ được bước lên 7 bậc thang và đứng ở tầng dưới được gọi là Phương Đàn. Phương Đàn có hình vuông tượng trưng cho đất). Thanksgiving là ngày tạ ơn Trời vừa tạ ơn Đời, ơn Người. Tục ngữ, ca dao VN nói lên lòng biết ơn người:
Ơn ai một chút chớ quên

Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Uống nước, nhớ nguồn

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng…

Nguồn gốc lễ Tạ ơn gắn liền với các “Lễ hội ngày mùa hay Lễ hội thu hoạch” được tổ chức ở Âu Châu từ hai ngàn năm trước. Tất cả các tôn giáo rất đặc biệt, rằng họ là “hoa trái của đất và công trình của bàn tay con người”, vì nó là trong mọi cử hành Thánh Thể, coi như là quà tặng của Thiên Chúa…  Người Do Thái có tạ ơn lễ hội thu hoạch vào mùa Thu vẫn còn tồn tại từ ba ngàn năm đến nay

Lễ Tạ Ơn được tổ chức trong các nền văn hóa khác, truyền thống của lễ hội lớn ở nhiều quốc gia tuỳ theo thời tiết, thu hoạch vụ mùa thuận lợi như mùa hè, mùa xuân truyền thống lấy một ngày hay một mùa để cảm tạ ơn trên đã có từ thời xa xưa mà tổ tiên chúng ta muốn chứng tỏ lòng biết ơn với trời đất. Tại Hy lạp thời cổ đại, hàng năm có tổ chức lễ hội để cúng nữ thần chăm nom mùa bắp, làm tiệc tùng để cùng vui với nhau. Mỗi năm, người La Mã tổ chức một kỳ lễ hội cho mùa gặt lớn, tên là Cerelia để thờ lạy Ceres với những trò chơi, diễn hành và lễ lạc.

Riêng tại Đức mùa Thu về gió lạnh với mưa sa cây lá xanh đổi màu vàng úa rơi rụng, nông dân lo thu hoạch mùa màng, theo truyền thống hàng năm vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Mười, họ tổ chức lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân từ ban phước lành „mưa thuận gió hoà“gặt hái thành công tốt đẹp. Thánh lễ Erntedankfest 新嘗祭 Chúa nhật 01.10.2017. Trước cung Thánh được trang trí hoa hồng, hoa hướng dương, các sản phẩm được chưng bày như bánh mì, táo, nho, bí đỏ, carot…và các loại rau xanh tươi đầy màu sắc…Dâng Thánh lễ biểu tượng đơn sơ là bánh mì và rượu nho để tạ ơn Thiên Chúa cho lương thực hàng ngày. Bản Thánh ca, ca tụng tôn vinh Thiên Chúa „Du hast uns deine Welt geschenkt, den Himmel die Erde. Du hast uns deine Welt geschenkt. Herr wir dank dir…“ Nhiều địa phương khác tổ chức rầm rộ hơn, tại Munich ngày lễ Hội Bia Tháng Mười vừa qua trong đoàn diễn hành xe hoa trang bày nhiều loại lương thực, thổ sản, trái cây, lúa mì… của vùng quê sản xuất và cảm tạ Chúa…

Theo tài liệu thì những người Âu Châu di cư đầu tiên đến Bắc Mỹ và nhóm Thám hiểm Frobisher năm 1578 tổ chức lễ tạ ơn ở Newfoundland. Một lễ hội khác được tổ chức vào ngày 4.12.1619 khi 38 người khai hoang từ giáo khu Berkeley xuống thuyền tại Virginia. Trước đó ngày 23.5.1541 tại Texas cũng có  buổi tiệc tạ ơn tổ chức bởi Francisco Vásquez de Coronado cùng với nhóm người da đỏ Teya, ăn mừng việc họ tìm ra lương thực. Một phần tư thế kỷ sau vào ngày 8.9.1565 tại St. Augustine, Florida sự kiện tương tự xảy ra khi Pedro Menéndez de Avilés gặp đất liền, ông và những người trên thuyền đã tổ chức bữa tiệc tạ ơn có gà Tây nướng trộn đậu que, bí đỏ với người bản xứ.

Ngày 16 tháng 9 năm 1620 tàu buồm Mayflower[2] khởi hành từ Plymouth với 101 người Anh di cư do thuyền trưởng Christopher Jones (1570-†1622) cùng với thuỷ thủ đoàn 34 người đàn ông, 31 trẻ em. Trong đoàn có 35 người bị vua Jacques đệ nhất đuổi ra khỏi xứ. Họ đặt tên là nhóm Cha hành hương Pilgrim (Pilgrim Fathers) theo đạo Tin Lành cải cách ly khai / Puritan separatists rời Anh Quốc sống ở Leyden Hòa Lan, thuê tàu để vượt Đại Tây Dương tìm vùng đất hứa. Thời gian ấy bão mùa thu, tàu buồm có đầy đủ ánh sáng, phòng chứa hàng hóa dài 9,15 m. Nơi trú ẩn dành cho hành khách vào ban đêm và lúc biển động thời tiết xấu, trần rất thấp, người lớn không thể đứng. Thời tiết tốt hành khách ở trên boong tàu và nấu ăn với chảo than nhỏ được để trong hộp cát. Cuộc hành trình dài trên biển lênh đênh 65 ngày qua 2750 hải lý, Mayflower trải qua nhiều cơn bão, thành tàu bị vỡ nước tràn vô khiến mọi người sợ hãi, hành khách phải ở dưới hầm tàu ói mửa, say sóng…Một hành khách và một thủy thủ chết vì bệnh, bà Elizabeth Hopkins sinh con trai đặt tên là Oceanus.

Lúc đầu họ muốn đến Jamestown, Virgina nơi đã có người di dân từ trước, nhưng tàu Mayflower bị bão giạt lên phía Bắc và đến Cape Cod Bay ngày 21.11.1620 bờ biển chưa ai đặt chân tới (sau này là Massachusetts). Họ xuống tàu qùy gối tạ ơn Thiên Chúa, nhưng trên vùng đất cằn cỗi này bắt đầu giá lạnh và tuyết rơi. Dưới sự lãnh đạo của Capt Miles Standish họ phải tiếp tục thực hiện những cuộc thám sát để tìm đến vùng đất mà trên đó họ có thể trồng trọt, sinh sống. Ngày 15 Tháng 12 ‘Mayflower’ đến Plymouth Rock. Trong suốt mùa đông hành khách vẫn ở trên Mayflower bị bệnh viêm phổi, bệnh lao, rất nhiều người chết vì bệnh truyền nhiễm, chỉ 53 người còn sống. Trước hoàn cảnh khốn cùng, như một phép lạ họ gặp thổ dân da Đỏ láng giềng (Narranganset và Wampanoag) cho họ bí, thịt gà, giúp họ sống qua mùa đông, họ tự xây dựng những ngôi lều vào mùa xuân. May mắn thay họ gặp thổ dân Squanto/Tisquanto một người tốt bụng nói tiếng Anh, hết lòng giúp đỡ họ làm thế nào để săn thú rừng, bắt cá ở sông và chỉ cách trồng bắp, gieo hạt giống do chính ông mang lại. Trong mùa thu, những người di dân thu hoạch được thực phẩm. Nhóm dân di cư Pilgrims mở tiệc ăn mừng, tạ ơn Thượng Đế “uống nước nhớ nguồn ” với người bản xứ (thổ dân da Đỏ) giúp họ những ngày đầu khó khăn trên đất Mỹ. Từ đó trở đi Thanksgiving thành một tập quán của Hoa Kỳ. Thanksgiving mang ý nghĩa đặc biệt là một truyền thống từ những nhà lập quốc cho đến các người định cư lập nghiệp trên đất nước này. Thanksgiving vừa bày tỏ tinh thần tín ngưỡng, cảm tạ Thượng Đế, vừa thể hiện tinh thần hợp tác giữa các dân tộc chung sống hòa bình.

Tổng thống Washington George (1732-†1799) chọn ngày 26.11.1789. Thời Nam Bắc phân tranh các tiểu bang miền Bắc chọn ngày lễ Thanksgiving riêng. Năm 1830 bà Sarah Josepha Buell Hale (1788-†1879) là nhà văn tác giả của cuốn “Mary Had a Little Lamb”. Bà viết trên Boston Ladies’ Magazine và Godey’s Lady’s Book đi vận động khắp các tiểu bang để có chung một ngày lễ trọng đại nầy. Mãi cho đến năm 1863 Tổng thống Abraham Lincoln (1809-†1865) thống nhất chọn ngày thứ Năm cuối của tháng 11 làm lễ thanksgiving để nhắc đến công ơn của các di dân đầu tiên dựng nên nước Mỹ. Đến đời T.T. Frank Delano Roosevelt năm 1940 biểu quyết ngày thứ Năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 chung cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cho đến ngày nay. Mọi người được nghỉ bốn ngày cuối tuần.

Thanksgiving thể hiện truyền thống sinh hoạt của Pilgrims là các cư dân đầu tiên trên đất Mỹ, người lớn, trẻ con mặc y phục kiểu Pilgrim trong lễ hội hay diễn hành. Ngoài ra còn có các hình thức khác xuất xứ từ những cổ tục lâu đời hơn của các dân tộc về lễ hội ngày mùa như cornucopia, chiếc mỏ hình cái sừng cong tràn đầy trái cây, rau qủa, là biểu trưng đặc biệt về Thanksgiving. Những hình ảnh đẹp trang trí trong dịp lễ cũng là trái củ, hoa lá, bông lúa mì…

Tiệc tùng thường có gà Tây nướng vàng, bí đỏ (thức ăn chính mà người da Đỏ đã mang tới cho di dân) với những thứ rau như đậu que, khoai lang, bắp, nấu nướng theo lối cổ truyền đặc thù của Mỹ là bánh nhân bí đỏ và bánh nhân hạt pecan, mứt dâu cranberry và rau xà lách…

Những người di cư (Pilgrims) khởi đầu của những cuộc hải hành nối tiếp đến vùng đất mới bao la, trù phú với nhiều hứa hẹn cho một tương lai rực rỡ …Năm 1630 có thêm 17 tàu chở người di dân đến với ‘Thế giới mới/ Neuen Welt’. Trong 250 năm sau các thuyền buồm tiếp tục vượt Đại Tây Dương, đó là những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đến cuối Thế kỷ 19 có khoảng 11.000.000 người đã đến đất Mỹ. Nay dân số của Hiệp Chủ Quốc Hoa Kỳ hơn 300 triệu người.

Năm 1879 Quốc Hội Canada chọn ngày 06 tháng 11 làm Thanksgiving. Tới 1957 Canada căn cứ vào lịch sử ấn định ngày thứ Hai thứ nhì của tháng 10 là ngày lễ Thanksgiving

Biến cố ngày 30.4.1975 người VN phải từ bỏ quê hương giống như những người di dân đầu tiên đến nước Mỹ. Trong những thập niên qua hơn 1 triệu rưởi người Việt cùng đón mừng Thanksgiving trọng đại nầy, tạ ơn Thượng Đế đã ban cho đời sống hội nhập tốt đẹp, sung túc trên đất nước tự do dân chủ, phú cường. Ở Đức nói chung Âu Châu không có lễ Tạ Ơn, người Việt tại Đức trong những dịp tổ chức Tết đều nhớ ơn và vinh danh chính phủ và nhân dân Đức đã mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận người Việt Nam từ biển Đông hay làn sóng người đi lao động vượt tường đến từ các nước Đông Âu thời còn theo chủ nghiã CS. Đặc biệt thuyền nhân không bao giờ quên một ân nhân vĩ đại là cố tiến sĩ Rupert Neudeck người đứng đầu tổ chức đưa con Tàu Cap Anmur cứu vớt thuyền nhân trong hoàn cảnh „thập tử nhất sinh “. Ngày 31.5.2016 ông qua đời hưởng thọ 77 tuổi, trong sự thương tiếc của Cộng Đồng Người Việt tại Đức cũng như trên thế giới. Thánh lễ cầu nguyện cho Dr. Rupert Neudeck tại Thánh đường St Aposteln do Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki (Tổng Giám Mục tổng giáo phận Köln) chủ lễ tháng 6/2016 có hàng ngàn người Việt khắp nơi về Köln tham dự thánh lễ. Người Việt năm qua quyên góp đủ tiền xây tượng ông sẽ khánh thành ngày 12.5.2018 ở Troidorf để tạ ơn và luôn tưởng nhớ ông, người Việt Nam luôn thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

Nguyễn Quý Đại (Facebook)

—————————————-

Tài liệu

Lễ tạ ơn tham khảo tài liệu bản tiếng Đức của trang Wikipedia

The History of thanksgiving & hình trên Internet  

[1]Trong suốt 79 năm (1807-1885) độc lập của nhà Nguyễn, đàn Nam Giao luôn là nơi tổ chức nghi thức tế Nam Giao đều đặn vào mùa xuân hàng năm. Từ năm  1886 đến năm  1890, triều đình Huế không tổ chức lễ tế Nam Giao. Bắt đầu từ năm 1891 cứ ba năm một lần, vua nhà Nguyễn tế lễ Trời Đất ở đàn tế Nam Giao. Lễ tế cuối cùng của triều Nguyễn tại đây là vào ngày 23 tháng 3 năm 1945. Như vậy, đã có 10 trong tổng số 13 vị vua nhà Nguyễn đích thân tế hoặc sai người tế thay ở đàn Nam Giao với 98 buổi đại lễ được tổ chức.

[2] Theo tài liệu hãng tàu ‘Mayflower’ năm 1588 đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại Armada Tây Ban Nha. Các loại tàu có kích thước tương tự và hình dạng của một Galleon. Một Dreimastschiff với một lâu đài cao, khoảng 180 tấn, chiều dài 28m, chiều rộng 8m (90 ‘x 24’), sâu 3,5 đến 4m, vũ khí trang bị 10 khẩu súng, hải hành đoàn 40 người tàu có hai buồm vuông trên cột buồm mui và cột chính. Các ‘Mayflower’ thương mãi sử dụng trong việc vận chuyển rượu vang từ vùng Địa Trung Hải đến Anh, vải và lông thú đi đến nước Pháp. Năm 1620 một chiếc tàu “Mayflower chở một nhóm ly khai tôn giáo Anh. Năm 1607-1608 bỏ chạy sang sống lưu vong tại Hòa Lan. Những người nầy được gọi là Pilgrims fathers không trở về Anh, họ muốn di cư đến một vùng đất mới…

1 BÌNH LUẬN

  1. Xuất phát tại Âu châu vào cùng một thời điểm nhưng kết quả trái ngược vì mục đích khác nhau. Số người đến Phi châu với chủ trương khai thác kim cương, vàng bạc, đá quý, còn một nhóm nhỏ khác, chỉ hơn 100 người, tìm đến Mỹ châu để được tự do thờ phượng Thượng Đế, tránh sự hà khắc của Thanh giáo. Một bên chủ trương vì vật chất, một bên chủ trương vì đức tin. Hiện tại Phi châu là nơi nghèo nhất, còn Mỹ châu giàu và văn minh nhất. “Hãy gieo sẽ được, hãy tìm sẽ gặp”!
    Tạ ơn Thượng Đế, tạ ơn đời, ơn người.
    Happy Thanksgiving!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên