Trần Ngọc Tuấn: Anh Thi

10

Làm văn tả người, tôi dốt thảm hại. Năm học lớp bốn cô giáo ra đề bài: “Em hãy tả bạn trưởng lớp…”Tôi tả thế nào mà cuối cùng bạn trưởng lớp xinh xắn lại có: đôi mắt tròn to lông mi cong như đôi mắt con bò nhà bác Thìn…

Tôi hay liên tưởng kỳ quặc giữa chó, mèo, dê, hải cẩu, hà mã…và thấy mỗi người đều có nét của của thú vật và ngược lại thú vật cũng có nét giống người. Tôi tự thấy mình giống con thằn lằn sấm. Đầu bé tẹo không tương xứng với thân hình khổng lồ. (Chắc giống ấy ngu ngốc không kém gì tôi).

Cũng vì vậy, nếu bây giờ phải tả anh Thi tôi đành thúc thủ, mặc dù tính cách dáng điệu của anh tôi nhớ rất rõ. Nếu bắt phải tả, giỏi lắm, tôi chỉ chấm phá được vài nét mơ hồ: khuôn mặt anh góc cạnh gồ ghề. Nhìn vào, người nhìn dễ liên tưởng nó được tạc đẽo từ đá, lạnh lùng, u uất.

Gọi anh Thi là nhà văn, thi sĩ, kịch gia hay là thợ chữa xe đạp cũng được. Anh Thi nổi tiếng từ khi tôi còn mặc quần thủng đít. Tác phẩm của anh được in rất nhiều, vậy mà anh vẫn nghèo, thường xuyên uống chè mậu dịch ăn cơm với cà, thỉnh thoảng mới mua ít cá vụn. Tôi biết lúc đó anh vừa có tiền nhuận bút từ những đứa con tinh thần anh mới bán cho các trại tế bần. Hôm nào rỗi, anh xách thùng đồ nghề ra ngồi chữa xe đạp ngay đầu phố, mắt lơ đãng bần thần.

**************

Anh Thi nói: Phòng anh chật. Lúc mặc áo giơ tay ra sợ đụng phải người đi qua hành lang, khi anh vào phòng. Con Thúy Kiều phải ra ngoài vì hết chỗ.

Thúy Kiều là tên con chó anh nuôi đã lâu. Tôi hỏi: Sao anh lấy tên Mỹ Nữ đặt tên cho chó vậy? Anh trả lời: giống chó sống có tình. Đặt tên nó là tên một con người, lại là người đẹp có tiếng trong văn học cổ điển Việt Nam hoàn toàn xứng đáng.

Anh Thi nhiều bạn. Đôi khi có một cô gái xuất hiện đến ăn ở chăm sóc anh giống như bà Sơ làm việc thiện giúp người bị bệnh hủi. Khi con bệnh đã đỡ bà Sơ ra đi cái ào.

Anh Thi trở thành câu chuyện đàm tiếu cho mọi người quanh đấy. Cô diễn viên điện ảnh đã bốn lần ly dị chồng nói với mẹ tôi: ông khùng, nghèo kiết xác. Con nào lấy ông ấy chỉ có ăn xuông văn thơ. Cô diễn viên ở nhà hát Tuổi Xanh đẹp như nàng Bạch Tuyết trong phim thần thoại. Đi thi hoa hậu mấy lần không đoạt giải vì trả lời các câu hỏi quá kém, ví dụ như hỏi sông Nince bắt nguồn từ đâu? Cô trả lời: bắt nguồn từ châu Âu, đế vào: kịch anh ấy diễn thích lắm vì có nhiều phân cảnh ôm hôn nhau. Nhưng nhìn tác giả chẳng thích chút nào. Ông nghệ sĩ kéo Violon nói giọng mã vĩ: Paganini ngày xưa cũng vậy.

*******

Tôi hay lui tới phòng anh. Vào phòng phải leo lên giường ngay, anh Thi ăn ngủ, viết đều ở trên giường. Xung quanh tường là giá sách, rất nhiều sách. Dưới gậm giường, nồi niêu, bát đũa, bếp điện…Con Thúy Kiều phải ngủ ngoài hành lang, mùa đông anh thu dọn lại trải bao tải cho Thúy Kiều có chỗ ngủ. Tội nghiệp nó, trong một năm nó phải chuyển chỗ ngủ hai lần song chẳng kêu ca phàn nàn. Mỗi lần đi xa, anh thường dẫn nó đi theo. Giữa anh và nó có mối liên hệ hết sức đằm thắm của hai tâm hồn, một chó, một người. Tôi hỏi anh Thi: đi lấy tư liệu sáng tác vui không anh? Anh trả lời: buồn lắm! Niềm vui bây giờ trở nên hiếm hoi. Anh yêu “chân, thiện, mỹ” song anh đã sống nhầm thời đại. Còn cái thiện, anh chọn nhầm cả thế giới. Thế giới bây giờ chỉ biết cúi đầu tuân thủ lợi nhuận. Còn cái mỹ, anh đã đánh giá nhầm nhân loại trong quá trình nghiệm sinh. Nhân loại lõa lồ, tồng ngồng hưởng thụ quen với vui chơi du hí, và cam chịu giam mình trong những bức tường thành.

Thế anh viết để làm gì?

Anh sẽ đánh mất mình, nếu đến một lúc nào đó không viết được nữa. Phải sống chết với từng con chữ.

Anh được in nhiều sách, tiền em nghĩ đâu có thiếu mà anh sống quá khổ hạnh?

Nghèo, khổ hạnh không phải là tội. Chỉ tội cho những người nghèo theo đúng nghĩa với từ này.

Đột nhiên anh Thi hỏi: em bao giờ ra trường? Còn một năm nữa anh ạ! Em hạnh phúc thật. Ngày trước, khi còn là sinh viên anh già hơn em bây giờ. Già trong cách nghĩ trong cách nhìn đời.

Anh không nên coi em là một cậu bé. Em đã hỏi bố bạn em làm ở công ty phát hành sách, bố nó nói: trừ đầu trừ đuôi số sách của anh mỗi lần phát hành, tái bản là một số tiền không nhỏ. Đó là chưa kể các nhà hát kịch phải trả tiền bản quyền cho anh khi dựng vở, việc gì anh phải ngồi chữa xe đạp?

Chữa xe đạp đâu phải việc xấu.

Vậy tiền anh để làm gì? (Tôi muốn dồn anh tới cùng.)

Rồi em sẽ hiểu. Nghề văn bạc phước lắm, y hệt con dao mổ. Khéo thì cứu được bệnh nhân, còn không khéo sẽ mang tội. Mặt anh nhăn lại, sự đau khổ dằn vặt thầm kín không giấu được bất ngờ hiện rõ.

*******

Về sau, khi tiếp xúc với anh nhiều hơn tôi hiểu ra: anh là con người lạc loài, không có tên họ thật. Tâm hồn anh yếu ớt, nhạy cảm với những việc xung quanh, lý trí lại mạnh mẽ tạo thành một đối cực khiến anh không bình thường. Anh cực đoan, thiếu sự linh hoạt, anh cưỡng lại những điều trái với nhân sinh quan mà anh tạo dựng, thẳng thắn, cay độc đến độ lạnh lùng. Cái tôi trong anh tưởng hòa quện được với số đông, nhưng thiên hạ khéo léo và mưu mô hơn anh nghĩ. Anh muốn vất chiếc áo vá víu, may một cái áo khác hoàn thiện hơn ở cách sống của mỗi người. (Cái áo ấy luôn chỉ là mơ ước, đọc qua các tác phẩm của anh, tôi nhận được điều này.) Anh quên, con người thích sống trong vòng tròn, thích nghi với chiếc áo cũ họ đang sử dụng. Họ chưa đủ độ tin cậy vào chiếc áo mới anh đang cố may.

*******

Mùa đông năm ấy trời rét lắm, cá chết nổi trắng ven hồ. Mấy người cao tuổi nói: Hà Nội hơn hai mươi năm mới có một đợt rét như vậy. Anh Thi sang tìm tôi, anh bảo: sắp tới anh đi xa, có thể không mang con Thúy Kiều theo được, nhờ em chăm sóc nó hộ anh. Giọng anh rất buồn, yếu ớt giống người sắp chết trối chăng với người thân.

Ngồi trong phòng anh Thi nghe tiếng gió hú ngoài kia tôi có linh cảm có điều gì bất ổn. Anh Thi tư lự xoay xoay chén nước: sống cho ra con người quả không dễ chút nào. Viết càng ngày càng khó, viết thật còn khó hơn.

Thế từ trước tới nay anh toàn viết dối cả sao?

Không hoàn toàn, chỉ đúng một phần rất nhỏ của sự thật. Phải có thời gian, thời điểm, phải tích lũy sự kiện, tiền bạc. Anh sẽ cho ra đời ở thời gian gần nhất và đó cũng là dấu chấm hết đặt vào anh theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Con Thiên Nga trước lúc chết bao giờ cũng có một vũ điệu và giọng hót tuyệt hay. Văn anh dở thôi, không dám so sánh ám chỉ với Thiên Nga, nhưng sẽ gần gần như vậy.

Anh nói với em anh yêu nghề lắm kia mà. Anh mà bỏ nghề là em sẽ coi thường.

Em sẽ khinh bỉ anh. Nếu một ngày kia em phát hiện ra anh là một thằng hèn. Anh Thi nói.

Thế anh định làm gì? Anh tự cho văn thơ đánh thức được “chân, thiện, mỹ”, cải tạo được thế giới tâm linh ở những tâm hồn bệnh hoạn?

Chỉ đúng có một nửa. Nửa tiếp theo phải dữ dội hơn, quyết liệt hơn, để mọi người bàng hoàng nhận ra rằng cả niềm tin của họ bị tiêu chảy, họ sống nhầm lẫn, ảo tưởng, họ bị thui chột tất cả một cách vô thức.

Nghệ thuật có sức mạnh thế kia à? Anh hơi chủ quan và hoang tưởng.

Hoàn toàn không! Anh Thi đáp giọng tự tin kiêu hãnh. Em cứ hình dung đi. Giữa chợ đông người, có một thằng móc túi. Mọi người đều sợ không dám tố cáo, sợ thằng ăn cắp và băng đảng của nó trả thù. Bấy giờ có một người kêu lên: thằng ăn cắp kia kìa. Rất có thể con người chính trực đó sẽ bị đâm chém đến chết, có thể ngắc ngoải. Nhưng kêu lên được để minh chứng mình là một con người, không phải ai cũng làm được. Văn chương phải kêu lên được như vậy. Anh nói hơi dài dòng. Em hiểu chứ?

Em hiểu!

Phải có đức tin và hy vọng em ạ!

*******

Lần ấy anh Thi đi lâu lắm. Con Thúy Kiều chiều nào cũng chạy ra phố ngóng anh. Tôi cố chăm sóc nó, nhưng nó vẫn lạnh nhạt với tôi, có lẽ trái tim của nó dành trọn cho anh Thi, không muốn chia sẻ cho bất cứ người thứ hai. Đêm đến, nó choàng dậy tru lên từng hồi như gặp cơn ác mộng.

Vừa đi thư viện về, tôi còn đang bị ám ảnh vì mấy cô thủ thư mặt khó đăm đăm ngáp chẳng bao giờ lấy tay che miệng. Dắt xe vào cổng tôi thấy một đám đông đang túm tụm trước cửa phòng anh Thi.

…Cái ông Thi nom lầm lì mà ghê thật. Dám xuất bản sách nói xấu chế độ chẳng ra gì hết.

Thế tại sao nhà xuất bản lại phát hành?

Thời buổi này, “có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược chẳng xong. Tiên cũng cần tiền để đong gạo” Xuất bản tư nhân thì cần quái gì.

Ông ấy nói thật tại sao lại bảo phản động?

Mấy ông công an tới khám nhà nói vậy thì biết vậy.

Thằng cháu nhà tôi đọc cuốn sách đó rồi. In tận Sài Gòn, nó nói viết tuyệt hay và đúng lắm. Mới bung ra thị trường được mấy ngày thì an ninh văn hóa phát hiện được tịch thu gần hết.

Tên cuốn sách đó là gì?

“Mafia Đỏ”. Số sách còn lại bán chui giá đắt khủng khiếp.

Đắt cũng mua. Tôi sẽ tìm mua bằng được.

Ông Thi đi tù ít nhất là mười lăm năm, tới hai mươi năm.

Luật với chẳng lệ…

Tôi chạy lên nhà hỏi mẹ: mẹ ơi! Con Thúy Kiều đâu rồi? Mẹ nói: thương nó quá! Lúc mấy anh công an lấy đồ đạc sách vở của anh Thi mang đi, nó chạy ra kéo lại, khôn thế không biết, anh công an đá nó chảy cả máu mặt, mẹ sợ không dám can. Bây giờ không biết nó lủi đi đâu?

Suốt cả đêm ấy. Tôi lang thang khắp phố tìm nó, lục tìm mọi xó xỉnh tìm con Thúy Kiều. Tôi thấy mình có lỗi với anh, một cái lỗi không thể tha thứ cho mình được. Khoảng hơn hai giờ sáng, khi đi ngang qua nhà ông nghệ sĩ kéo Violon tôi thấy ngạc nhiên khi nhà ông vẫn còn sáng đèn. Tiếng cười nói nghe rõ mồn một.

Ông Thi nuôi chó mát tay. Thịt ngon và thơm quá! Giọng cô diễn viên điện ảnh ré lên.

Bác làm ơn cho thêm tí mắm tôm. Chấm với thịt chó hấp tuyệt lắm. Đúng là giọng cô diễn viên nhà hát Tuổi Xanh.

Thúy Kiều ơi! Hóa kiếp cho mày, nếu còn nghiệp chướng chưa làm người được mà vẫn phải làm chó thì để người khác nuôi cho sướng. Chọn nhà nào có của. Giọng mã vĩ của ông nghệ sĩ nhân dân ưu tú cấp nhà nước chêm vào.

Tôi sững lại. Không thể tin được. Hai cô diễn viên chuyên đóng những vai nhân hậu, dịu dàng tôi được xem nhiều trên tivi, màn ảnh. Ông nghệ sĩ kéo đàn đã cho tôi bao nhiêu cảm xúc khi nghe những bản nhạc cổ điển mà ông trình diễn trong nhà hát lớn.

Tôi không tin – một ngàn lần không tin lại có những người nhẫn tâm ăn thịt con chó của người hàng xóm trong khi chủ nhân của nó đang ngồi trong tù.

Có thể, có một sự nhầm lẫn nào đó. Có thể có một con chó trùng tên với Thúy Kiều? Và chủ của nó trùng tên với anh Thi. Tôi cố bám vào giả thiết đó. Anh Thi đã từng nói với tôi:..”Phải có đức tin và hy vọng…”

Đêm sau, tôi lại đi tìm Thúy Kiều. Thúy Kiều ở đâu rồi? Biết đâu nó đã tìm được chỗ anh Thi đang bị giam? Có nó, chắc anh sẽ vui và đỡ cô đơn hơn.

Tôi bỗng thấy bức bối, khó thở, ngột ngạt. Nếu như bây giờ tôi nhìn thấy một thằng ăn cắp chắc chắn tôi sẽ kêu lên để minh chứng mình là một con người (như anh Thi có lần nói.)

Nhưng giá như cuộc đời không có những thằng ăn cắp. Thì mọi sự vẫn tốt hơn.

Trần Ngọc Tuấn

10 BÌNH LUẬN

  1. Xin rất cảm ơn bài viết rất thú vị của t/g Trần Ngọc Tuấn: giới thiệu với vật và người với đoạn kết cũng người vài vật.

    “Có thể, có một sự nhầm lẫn nào đó. Có thể có một con chó trùng tên với Thúy Kiều? Và chủ của nó trùng tên với anh Thi. Tôi cố bám vào giả thiết đó. Anh Thi đã từng nói với tôi:..”Phải có đức tin và hy vọng…”

    “Đêm sau, tôi lại đi tìm Thúy Kiều. Thúy Kiều ở đâu rồi? Biết đâu nó đã tìm được chỗ anh Thi đang bị giam? Có nó, chắc anh sẽ vui và đỡ cô đơn hơn.

    “Tôi bỗng thấy bức bối, khó thở, ngột ngạt. Nếu như bây giờ tôi nhìn thấy một thằng ăn cắp chắc chắn tôi sẽ kêu lên để minh chứng mình là một con người (như anh Thi có lần nói.)

    “Nhưng giá như cuộc đời không có những thằng ăn cắp. Thì mọi sự vẫn tốt hơn.”

    Từ bài viết, tôi học được từ rất cũ nhưng mới đối với tôi là:
    mã vĩ: 1. Đuôi ngựa, lông đuôi ngựa. 2. Đồ dùng làm bằng lông đuôi ngựa, có cán cầm, để xát vào dây nhị thành âm thanh.
    dĩ vãng: d. Thời đã qua. Câu chuyện lùi dần vào dĩ vãng.

    *trong bài có nói về con sông Nince. Tôi tra không ra sông Nince, nên cho rằng bài đánh máy sai vì phải là: Nile: River in Africa, Con sông Phi Châu (không phát ra từ Âu Châu)
    Wiki: Sông Nin hoặc Nile (tiếng Ả Rập: النيل, an-nīl, tiếng Ai Cập cổ đại: iteru hay Ḥ’pī – có nghĩa là sông lớn), là dòng sông thuộc châu Phi, là sông chính của khu vực Bắc Phi, thường được coi là con sông dài nhất trên thế giới,[1] với chiều dài 6.853 km và đổ nước vào Địa Trung Hải, tuy vậy có một số nguồn khác dẫn nghiên cứu năm 2007 cho rằng sông này chỉ dài thứ hai sau sông Amazon ở Nam Mỹ.[2] Sông Nin được gọi là sông “quốc tế” vì lưu vực của nó bao phủ 11 quốc gia gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Sudan và Ai Cập.[3]

    “Nhưng giá như cuộc đời không có những thằng ăn cắp. Thì mọi sự vẫn tốt hơn.” (Trần Ngọc Tuấn)

    Xin cảm ơn ĐCV, t/g, bạn đọc và bạn còm.
    Have a Great Day. Best Wish to All.

  2. Ở xứ khác thì con chó được đối xử như
    con người, còn ở xứ Vẹm nhà ta thì con
    người bị đối đãi không hơn gì một con
    chó . Con Thuý Kiều phải vào nồi , anh
    Thi cũng được vào tù .Lũ trộm hả hê với
    những chiến lợi phẩm nhỏ nhoi ,hão huyền, vô bổ …

  3. Tui cực lực lên án tác giả bài viết! Ông là tội đồ đã giết con Thúy Kiều một cách dã man thay vì cho nó sống và bị mất tích… thể hiện tính nhân bản cần có với mọi người, ví dụ, như tui. Qua giọng nói thường được trau chuốt dịu dàng, ngọt như mía lùi trước đám đông của cô đào điện ảnh lại là… “Thịt (con Thúy Kiều) ngon và thơm quá”. Híc (!) Tui yêu chó, lúc nó bệnh… có lần chịu mất $500 gửi nó qua đêm tại bệnh viện thú y, sáng ra đem về nhà chăm sóc khoảng một tuần thì nó trút hơi thở trong lòng tui. Ôm như thế cho đến khi cơ thể nó nguội lạnh… Trải nghiệm 2 lần như vậy nên dù yêu chó nhưng sợ đến khiếp, tuyệt đối không dám nuôi tiếp. Tui biết, chắc ông rất vui vì phản ứng này phải không? Nhưng liệu hồn, bụp ông đó!

    • Tôi không đọc bài chủ nhưng đọc comment của Ban Mai.

      Tôi cũng yêu thú vật nên hiểu tâm trạng của Ban Mai.
      Tôi có nuôi hai con chó nhỏ một trắng và một đen, rất dễ thương; chúng nó thương tôi và tôi cũng rất thương chúng nó. Con đen được 13 tuổi và con trắng 11.

      Một đêm nọ con chó Đen sủa ầm trời giữa đêm khuya kêu tôi dậy. Nhìn đồng hồ gần 1 giờ sáng. Tôi xuống bếp thì thấy con chó trắng nằm trong góc nhà dương cặp mắt nhìn chủ. Tôi ẵm nó đặt lên cái ghế sofa và vuốt đầu cả hai con rồi quay trở lại phòng ngủ trên nhà.

      Khoảng nửa giờ sau con chó đen lại sủa kêu tôi dậy. Tôi lại trở xuống bếp xem tụi nó làm gì thì thấy vẫn vậy. Tôi trở lên ngủ tiếp thì khoảng chỉ 15 phút sau con chó đen lại sủa kêu lần nữa. Lần này là lần thứ ba. Tôi linh cảm phải có điềm gì đó nên con chó đen mới sủa kêu tôi như vậy mà từ trước tới nay không hề sủa kêu tôi giữa đêm.

      Trở xuống nầy lần thấy con chó trắng nằm trên sofa nhưng mắt đã trợn ngược và không còn động đậy. Tối hốt hoảng chạy lại ôm nó trong tay và kêu tên nó. Mắt nó vẫn trợn ngược nhưng vẫy đuôi như báo cho tôi biết nó đã nhận ra tôi. Tôi hiểu nó sắp ra đi nhưng vẫn cố gắng gượng sống chờ tôi. Ôm nó trong tay và miệng nói con hãy ra đi thanh thản, rồi tôi vuốt mắt nó. Đuôi nó vẫy mạnh lên lần cuối và nhắm mắt ra đi trong tay chủ. Trải nghiệm này có lẽ cũng không khác gì của Ban Mai. Rất đau thương.

      • Nhân chuyện của anh thì tôi có chút ít xin đóng góp. Bởi lẽ tôi đã từng trải qua kinh nghiệm nuôi chó nên suốt mấy mươi năm không dám nuôi nữa. Bởi vì mỗi lần chúng chết thì cả gia đình tôi như mất đi người thân. Đó là chuyện lúc còn ở VN. Đứa con gái út của tôi sinh và lớn lên tại Canada, đến một ngày nọ thì cháu bị depression mà chúng tôi không biết. Tối ngày chỉ nằm tren giường và không nói chuyện gì cả. Tôi suy nghĩ mãi mới tìm ra một phương cách là phải kiếm một người bạn cho con tôi. Đó là một người bạn luôn ở bên mình, chỉ có yêu thương mà không hờn giận, trung thành và chỉ biết nghe. Tôi đã dẫn cháu đến một nơi chuyên nuôi giữ những con chó vô chủ để cháu chọn và mang về. Con tôi khỏi bệnh sau 3 tháng. Hiện cháu là y tá trong bệnh viện và đã có gia đình. Tôi thầm mong chuyện này sẽ giúp ích cho nhiều người khác, nếu con cháu có chuyện giống như con tôi lúc trước. Khi bạn mang chú hay cô chó nhỏ về thì điều đầu tiên mà bạn sẽ thấy là con cháu của mình bắt đầu “active”. Rồi chúng sẽ dẫn chó đi ra ngoài, sẽ chăm chút và tập trung. Dần dà thì sẽ khỏi bệnh như là một phép lạ.

    • Nhiều gia đình người bắc nuôi chó là để ăn thịt. Với tâm lý đó thì những người như vậy hoàn toàn không hiểu nỗi đau của những người nuôi chó để làm bạn. Tuy vậy, tôi vẫn không tin là tác giả cố tình khiêu khích bất cứ người đàn bà nào đang có sẵn bên cạnh nồi nước sôi. Ít nhất ông ta cũng nói lên cái sự thật tàn nhẫn.

      • @ Bees & 10,
        Tính nhân văn của 2 bác rất VNCH. Tác giả lại rất Bắc, khi đưa vấn đề là họ khai thác triệt để tính cay nghiệt. Cho con TK bị giết không phải vì bản chất của t/g mà chỉ để lột trần bản chất của con người từng sống trong xã hội đó. Nghĩ xa hơn, cách mạng VN khởi đầu phải từ miền Nam nhưng giải quyết dứt điểm phải là người phía Bắc. Vì người phía Nam lấy nhân hậu làm gốc, thường thiếu dứt khoát lúc cần thiết.
        @ bác Mừ, khều tui vô mần chi. Tha tui nghen bác. Bấm phone mệt rùi.

          • Văn với vẻ đây nè bác, bấm phone trong lúc chờ được phục vụ bữa ăn sáng chảnh, oai hông? Bác thì khẩu xà tâm Phật, tui biết tỏng. Nhưng khẩu xà mần chi với họ chỉ phí thời gian mà vô tình giúp họ xả rác bừa bãi? Vui thôi nghen bác.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên