Kết quả bầu cử sơ bộ tại 15 tiểu bang và 1 vùng lãnh thổ trong ngày “Super Tuesday” – Siêu thứ Ba – hôm 5/3 vừa qua cho thấy Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump xem như sẽ tái đấu trong ngày tổng tuyển cử 5/11.
Cử tri của Đảng Dân chủ đã đưa Tổng thống Joe Biden đến chiến thắng ở 15 tiểu bang, ông chỉ thua tại vùng lãnh thổ American Samoa nằm giữa Thái Bình Dương. Trong khi đó, cử tri Cộng hoà đã chọn cựu Tổng thống Donald Trump tại 14 tiểu bang. Cựu Thống đốc Nikki Haley chỉ thắng ở bang Vermont và khu vực Thủ đô Washington và bà đã quyết định ngừng vận động tranh cử.
Theo tin Reuters ngày 8/3, đến nay Joe Biden đã có 1.553 đại biểu của Đảng Dân chủ, trong khi cần 1.968 đại biểu để được để cử. Bên Đảng Cộng hòa, Donald Trump đã có 1.060 đại biểu, trong số 1.215 cần có để được đề cử.
Phía Cộng hòa, bà Nikki Haley đã ngừng vận động tranh cử và theo CBSNews.com bà hiện có 91 đại biểu của đảng và vẫn chưa lên tiếng ủng hộ ông Trump. Với số gần 100 đại biểu ủng hộ bà, tuy không nhiều nhưng từ nay cho đến ngày Đại hội Đảng Cộng hòa vào giữa tháng 7, bà sẽ có tiếng nói trong nội bộ về chính sách tương lai, trước khi đảng chính thức đề cử Donald Trump.
Hiện nay, ứng cử viên Trump còn đang phải đối diện với nhiều cáo buộc vi phạm pháp luật, quan trọng nhất là vụ việc liên quan đến bạo động xảy ra tại trụ sở Quốc hội ngày 6/1/2021 và sự việc ông dùng quyền lực, can thiệp với giới chức tổ chức bầu cử của tiểu bang Georgia hầu mong thay đổi kết quả để ông có thể thắng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2020.
Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay hứa hẹn nhiều sôi động và ngạc nhiên, từ đại hội của hai đảng vào mùa hè cho đến ngày tổng tuyển cử 5/11.
Kể từ tổng tuyển cử 2020, vì dịch Covid-19 nên các tiểu bang trên toàn nước Mỹ đã thay đổi luật bầu cử, cho phép mọi cử tri có thể tham gia bỏ phiếu bằng thư, gửi qua đường bưu điện hay bỏ vào thùng phiếu đặt tại nhiều nơi tại địa phương. Trước đây, việc bỏ phiếu bằng thư rất khó khăn tại nhiều tiểu bang, cử tri phải chứng minh vì sức khỏe mà không thể đến địa điểm bỏ phiếu, hay vì đang phục vụ trong quân đội phải xa nhà mới được bỏ phiếu bằng thư.
Tại California, từ mấy thập niên qua, cử tri đã được quyền bỏ phiếu bằng thư mà không cần nêu lý do. Phiếu bầu gửi qua đường bưu điện phải đóng dấu trước 8 giờ tối ngày bầu cử và văn phòng bầu cử quận hạt phải nhận được phiếu bầu trong vòng 7 ngày sau ngày bầu cử.
Trong nhiều kỳ bầu cử vừa qua, số phiếu công bố vào đêm của ngày bầu cử không còn là kết quả mà các ứng cử viên có thể vui mừng, đặc biệt là kết quả của các chức vụ địa phương như dân cử tiểu bang, quận hạt hay hội đồng thành phố. Điều này xuất phát từ thực tế là số phiếu bầu bằng thư quá nhiều và giới chức bầu cử phải kiểm tra sự hợp lệ của lá phiếu, như địa chỉ và chữ ký phải đúng như trong hồ sơ đăng ký tham gia bầu cử.
Theo dõi kết quả bầu cử từ bốn thập niên qua, tôi quan sát thấy trước đây, đại đa số cử tri trực tiếp đến địa điểm bầu cử gần nhà, nhận lá phiếu rồi bầu chọn, bỏ vào thùng phiếu, thực hiện quyền công dân. Sau khi phòng phiếu đóng cửa lúc 8 giờ tối, đến 11 giờ đêm là các ứng cử viên đạt đa số hay có số phiếu về nhất, nhì trong bầu cử sơ bộ có thể ăn mừng chiến thắng, hay trễ lắm là qua sáng ngày hôm sau là biết kết quả thắng thua vì số phiếu bầu bằng thư rất ít.
Ngày nay, việc kiểm phiếu đã khác vì phiếu bầu được gửi đến nhà cử tri một tháng trước ngày bầu cử, rồi cử tri chọn ứng cử viên của mình trên phiếu, ký tên ngoài bì thư và gửi về cơ quan tổ chức bầu cử. Đến chiều Chủ nhật 10/3, nhiều nơi tại California vẫn còn tiếp tục đếm phiếu. Trang mạng của Bộ Hành chánh Tiểu bang – California Department of State – vẫn còn đang cập nhật kết quả bầu cử các chức vụ hành pháp và lập pháp của tiểu bang.
Kỳ bầu cử 5/3 vừa qua, theo thông tin trên mạng của cơ quan tổ chức bầu cử của San Francisco đã có 500.856 cử tri đăng ký và thực sự tham gia bầu chọn chỉ có 216.280 cử tri, đạt 43,18%, trong số đó có 38,88% bầu bằng thư và 4,31% đã đến phòng phiếu. Cho đến tối ngày Chủ nhật 10/3, số phiếu bằng thư vẫn còn phải đếm là khoảng 9.000 phiếu.
Tại vùng San Jose, với khoảng hơn một triệu cử tri ghi danh và đã có 30% tham gia kỳ bầu cử vừa qua, nhưng đến lúc này vẫn còn 76.000 phiếu bầu bằng thư chưa đếm.
Đến hôm nay (10/3), 5 ngày sau ngày bầu cử và dù tại các cơ quan tổ chức bầu cử là quận hạt – District Registrar Office – còn một số phiếu nữa chưa được đếm thì kết quả cho đến lúc này sẽ gần nhất với con số chính thức để gửi về tiểu bang để được phê chuẩn chấp thuận trong tháng tới. Với những kết quả mà giữa hai ứng cử viên có số phiếu sít sao thì việc đếm phiếu lại sẽ được thực hiện để đảm bảo cho sự minh bạch, tôn trọng ý nguyện của dân.
Sau đây là ghi nhận kết quả của khoảng 20 ứng cử viên gốc Việt tại Quận Cam, miền nam California và San Jose ở miền bắc là hai nơi có đông người Việt sinh sống nhất.
Tại Quận Cam:
- Giám sát viên, Địa hạt 1: với 5 ứng cử viên, trong đó có 4 gốc Việt. Kết quả, Janet Nguyễn được 44,31%, Frances Marquez 25,3% là hai ứng viên sẽ vào chung kết. Văn Trần đạt 17,97%, Kimberly Hồ 6,29% và Michael Võ 6,14%.
- Dân biểu tiểu bang Địa hạt 70: Dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Trí Tạ đạt 60,1%, Jimmy Phạm của Đảng Dân chủ 39,9%.
- Nghị sĩ tiểu bang, Địa hạt 37: với 11 ứng cử viên, Nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Josh Newman được 30%, Steven “Steve” Choi của Đảng Cộng hòa về nhì được 22,8%. Ứng viên gốc Việt duy nhất là Stephanie Lê, theo Dân chủ, về thứ 8 với 2% số phiếu.
- Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ, Địa hạt 45: với 5 ứng cử viên trong đó có 2 gốc Việt. Kết quả Dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Michelle Steel về nhất với 55,8%, Derek Trần của Đảng Dân chủ về nhì với 16,1% và Kim Bernice Nguyễn-Penaloza về thứ ba với 15%. Steel và Trần sẽ vào chung kết trong tháng 11.
- Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ, Địa hạt 47: với 10 ứng cử viên, trong đó có 1 gốc Việt. Kết quả ứng viên Cộng hòa Scott Baugh về nhất với 32,8%, Dave Min của Đảng Dân chủ về nhì với 25,7%, Long Phạm theo Cộng hòa về thứ 5 với 2,8%. Baugh và Min sẽ vào chung kết.
- Chánh án Tòa Thượng thẩm Văn phòng 16 có ứng viên Bình Đặng tranh cử với Richard Zimmer và thua với tỉ số 24,68% – 75,32%.
Các ứng cử viên gốc Việt ở miền bắc California đạt kết quả khá tốt và sẽ vào chung kết trong kỳ bầu cử tháng 11 tới đây.
- Vùng East Bay (phía Đông Vịnh San Francisco) có Jennifer Trần, theo Đảng Dân chủ, tranh chức dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ, Địa hạt 12 về nhì trong số 9 ứng cử viên, được 15,7%, trong khi người về nhất là Lateefah Simon, cũng là thành viên Đảng Dân chủ, được 49,7%. Simon và Trần sẽ vào chung kết.
- Vùng thủ phủ Sacramento có Dân biểu Dân chủ đương nhiệm Stephanie Nguyễn tái tranh cử tại Địa hạt 10 và được 67,1% so với đối thủ là ứng viên Cộng hòa Vinaya Singh được 32,9%.
- Tranh cử vào hội đồng thành phố San Jose, Đơn vị 8 có 4 ứng cử viên gồm 1 gốc Việt. Kết quả Tâm Trương về nhì với 33,13%, sẽ vào chung kết với Domingo Candelas về nhất với 39,17%.
- Tranh chức Dân biểu tiểu bang Địa hạt 25 có 1 người Việt trong 3 ứng cử viên. Kết quả Dân biểu Dân chủ đương nhiệm Ash Kalra về nhất với 50%, Ted Stroll của Cộng hòa về nhì với 26,9% và Lan Ngô của Dân chủ về chót với 23,2%.
- Tranh chức Giám sát viên Địa hạt 2 có 5 ứng cử viên, gồm 2 gốc Việt. Kết quả là hai ứng viên Việt sẽ vào chung kết là Betty Dương về nhất được 31,53% và Madison Nguyễn về nhì với 29,89%.
Nhìn vào các kết quả mà ứng cử viên gốc Việt đã đạt được, ngạc nhiên nhất là Văn Trần không lọt được vào vòng chung kết cho chức giám sát viên Quận Cam.
Giáo sư Jennifer Trần, thuộc khoa sắc tộc học, Đại học California State University East Bay, về hạng nhì để vào chung kết là một chiến thắng ngoạn mục vì bà chưa bao giờ tranh cử. Là một người đồng tính, hòa nhập với nếp sống và sinh hoạt chính trị vùng Vịnh, bà sẽ là tiếng nói đại diện không chỉ cho người gốc Việt, gốc châu Á mà cho khối cử tri cấp tiến trong khu vực. Cuộc tranh cử của bà Trần với đối thủ khiếm thị Lateefah Simon, một người có bề dày tham gia chính trị, là một con dốc cao. Dù thế nào, tiếng nói của bà Trần đã có nhiều người ủng hộ và con đường tham gia chính trị sẽ còn mở ra nhiều hướng cho bà trong tương lai để phục vụ cư dân.
Trên miền bắc California với Madison Nguyễn, một ứng cử viên đã nhiều lần thắng cử hội đồng thành phố San Jose nhưng lần này lại về nhì, sau Betty Dương là một người chưa bao giờ tranh cử, tuy bà đã làm việc nhiều năm trong cơ quan công quyền và văn phòng của các dân cử địa phương.
Cuộc tranh đua Dương-Nguyễn vào tháng 11 sẽ là cuộc tranh giành gắt gao lá phiếu của cử tri gốc Việt vùng San Jose.
Nếu quan niệm rằng cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho ứng viên đồng hương thì nhiều cử tri ở San Jose lại phân vân chọn ai bây giờ, vì Betty Dương và Madison Nguyễn đều là gốc Việt. Dù ai thắng cử cũng sẽ làm nên lịch sử vì lần đầu tiên có một giám sát viên gốc Việt tại quận hạt Santa Clara, vùng San Jose.
Còn dưới Quận Cam, Janet Nguyễn là người gốc Việt, nhưng không hẳn cử tri gốc Việt đều chọn người cùng quê hương với mình. Điều này có gây thiệt hại chính trị cho cộng đồng người Việt hay không và cử tri gốc Việt có thể tiếp tục giữ ghế này cho người Việt hay không là chưa thể đánh giá? Ghế này vốn do Giám sát viên Andrew Đỗ đảm trách từ 10 năm qua và trước đó là bà Janet Nguyễn.
Trong một bài viết hai năm trước về sinh hoạt chính trị của cộng đồng Việt, tôi có phỏng vấn ông John Quốc Dương, một người theo Đảng Cộng hòa và từng làm việc trong chính quyền của Thống đốc California Pete Wilson và Tổng thống George W. Bush (con), ông nêu nhận xét cử tri gốc Việt thiếu sự đoàn kết khi so sánh với các cộng đồng châu Á khác, đặc biệt là cộng đồng người gốc Hàn. Theo ông, cử tri gốc Hàn Quốc hết lòng ủng hộ ứng viên cùng nguồn gốc với họ, dù là Dân chủ hay Cộng hòa.
Điều này có thể đúng vì từ đầu thập niên 1990 ở Quận Cam đã có dân biểu gốc Hàn trong Quốc hội Hoa Kỳ. Hiện nay có Dân biểu Cộng hòa Young Kim, Địa hạt 40 thuộc Quận Cam. Cộng đồng người gốc Hàn ở California không đông bằng gốc Việt nhưng đến nay chưa có một dân cử gốc Việt từ California được bầu vào Quốc hội liên bang.
—
Bài viết phản ánh cách nhìn của tác giả là một giảng viên đại học cộng đồng từ vùng Vịnh San Francisco.
6lfggz
Tránh xa! Virus không đó!
Ông Beees bị tự kỷ trầm trọng rồi ông đóng góp được mấy xu mà lên tiếng không du lịch gửi tiền thì CS sẽ sập . Ông già quá lú hay giả vờ ngu ?
Có nghe câu = góp gió thành bão?
Tôi cũng như Bees= không về Việt Nam, không gửi tiền về Việt Nam, không mua do made in Việt Nam ở đây.
Mỗi người tự biết mình nên làm gì
x36v8o
Tránh xa! Virus không đó!
Tới mùa bầu cử tự nhiên cộng đồng VN trở thành người Mỹ gốc việt, họ ứng cử và đi bầu, nhưng xong bầu cử thì tất cả lại biến thành việt kiều. Và cũng như nhiều lần trước, mùa bầu cử tới lại không thấy bóng dáng anh chị việt kiều nào trong bài mà chỉ thấy người gốc việt. Mặt đỏ mặt vàng, tự đeo hay bị đeo? Đã hơn bốn mươi năm hội nhập vất vả cũng chỉ chiếm giữ được một góc nhà quanh quẩn chỉ trong xóm, Thế hệ đầu là những viên gạch lót đường để những thế hệ sau tiếp nối nhưng muốn bơi xa ra biển lớn thì phải thoát ta cái xóm nhỏ hội nhập vào các cộng đồng bạn.
Một người việt riêng rẽ không thua một người nước nào nhưng ba người thì thua và càng đông càng thua là bởi vì sự chia rẽ thay vì đoàn kết. Lấy ví dụ. Nếu cùng một lòng đoàn kết chống cộng sản, không gửi tiền và không đi du lịch về VN thì không quá 5 năm chứ không kéo dài gần 5 mươi năm chế độ cộng sản sẽ phải sụp đổ. Không có số tiền hàng chục tỷ từ nước ngoài gửi về hỗ trợ mỗi năm thì liệu chế độ cộng sản còn mạnh?
Hãy thay đổi cách nhìn và hành động. Đoàn kết để sống chứ không phải để chết. Chỉ có chia rẽ mới yếu thua và chết. Người Việt trong nước bị cộng sản kìm kẹp nhưng chúng ta sống bên ngoài tự do và có đủ mọi loại vũ khí nhưng chúng ta không dùng để diệt cộng sản mà lại lấy nó nuôi cộng sản. Chình sự chia rẽ của chúng và sự chụp mũ của cộng sản gọi tất cả chúng ta là việt kiều khúc dồi ngàn dặm làm chúng ta tự chia rẽ và suy yếu để kẻ thù lớn mạnh chứ không phải kẻ thù lớn mạnh vì chúng ta yếu.
Hãy tự hỏi tại sao chúng ta càng đông thì lại càng yếu.