Nguyen Phuc Anh: Tại sao Nhật không ngần ngại cho Việt Nam vay ODA ?

1
Quang cảnh lễ ký kết tài trợ ODA

CHẾT DƯỚI TAY NHẬT BẢN – ODA VÀ NHỮNG CÂU HỎI KHÔNG DỄ GÌ GIẢI ĐÁP ?

Có quá nhiều câu hỏi nảy ra khi tôi ngồi làm tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu ODA của Nhật Bản mà bản thân tôi không thể nào giải đáp được. Tôi nghĩ có lẽ nên đưa lên đây để mọi người giúp tôi trả lời?

Nhật Bản đã trở thành nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam từ năm 1992 trở lại đây với tổng số tiền tài trợ lên đến 2,800 tỉ yên (tương đương với $27 tỉ dollar) với lãi suất không phải thấp (chứ không phải không có lãi suất!!) từ 2% đến 3.5%. Tại sao Nhật Bản lại hào phóng với đất nước nhỏ bé của chúng ta đến vậy? Có lẽ là vì họ yêu quý dân tộc chúng ta chăm chỉ cần cù, chịu khó, biết tiết kiệm, sử dụng nguồn vốn ODA cẩn thận, không lãng phí tham nhũng?

Tại sao người Nhật thích cho vay bằng tiền Yên đến vậy? Lịch sử và biên độ lên xuống của đồng Yên trong một năm và nhiều năm trở lại đây có liên quan gì đến việc cho vay và nhận ODA? Những con số nói lên điều gì? Tại sao cứ đến kì trả lãi, đồng yên Nhật lại liên tục tăng giá?

Tại sao không nước nào của thế giới tư bản có can đảm cho chúng ta vay nhiều đến vậy? Và giả sử như không có món nợ nào là không kèm điều kiện, vậy điều kiện của Nhật Bản đối với đất nước chúng ta là gì?

Nước Nhật luôn hào phóng cho vay, nhưng tại sao có quá nhiều quốc gia trên thế giới từ chối vay ODA của Nhật Bản để đầu tư phát triển? Tại sao những nước nhận viện trợ ODA của Nhật hầu hết là những nước có quản lý xã hội – tài chính yếu kém ở châu Á?

Tại sao dù đầy tai tiếng với ODA, chính phủ Nhật vẫn tiếp tục chính sách cho vay của mình? Nghiên cứu của Keiko Hirata, học giả người Nhật cho biết trong vòng 10 năm tính từ năm 1990 đến 2002, đã có hàng trăm vụ tham nhũng lớn nhỏ liên quan đến ODA đã bị phát lộ trên phạm vi toàn thế giới (Keiko Hirata 2002). Những tổ chức đại diện cho chính phủ Nhật và các NGOs đóng vai trò ra sao trong hoạt động đầu tư của người Nhật vào Việt Nam?

Những công ty Nhật Bản liên tục vướng vào những scandals về tham nhũng. Sau những vụ lùm xùm hối lộ, gian lận thầu được phát lộ, người ta nhận ra rằng trong xã hội Nhật Bản đang hình thành một NGÀNH CÔNG NGHIỆP SỐNG NHỜ VIỆN TRỢ ODA, với ba loại công ty:

1.Công ty thương mại mậu dịch (sogo shosha): gồm 6 công ty Nissho Iwai, Mitsubishi, Sumitomo, C. Itoh and Co., Marubeni, và Mitsui.

2.Công ty xây dựng (zenekon): Hazama, Obayashi,Taisei, Shimizu,Toda, Kitano, và Fujita.

3.Những công tư tư vấn gồm: Nippon Koei, Pacific International, Sanyu Consultants, Yachiyo Engineering, Engineering Consulting Firms Association (ECFA)

Vụ án Hối lộ, tham nhũng của PCI 2008 (Đại lộ Đông Tây), vụ Đường sắt cao tốc trên cao gần đây là một vụ tiêu biểu. Người ta băn khoăn tự hỏi, tại sao người Nhật cho vay nhiều đến vậy mà người CHO VAY phải tiếp tục hối lộ NGƯỜI NHẬN TIỀN để họ TIẾP TỤC VAY TIỀN của mình?

Những công ty tổ chức này gây sức ép khủng khiếp buộc chính phủ Nhật Bản phải giúp họ giành chiến thắng trong bất kì dự án ODA nào của Nhật. Những doanh nghiệp kể trên, theo Hirata, đã thúc ép chính phủ tập trung ODA cho những dự án liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng cầu đường, và các hệ thống nhà máy điện chứ KHÔNG TẬP TRUNG tài trợ những dự án phát triển “mềm” như giáo dục, y tế, xã hội. Quan chức Nhật trong chiến lược ODA nhấn mạnh TẬP TRUNG tài trợ cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (Xem sách của Hiroshi Kato 2016) và phải TẬP TRUNG vào CHÂU Á.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng đại diện JICA và Bộ Tài chính Việt Nam tại lễ ký kết

Điều này là HẾT SỨC KHÔNG BÌNH THƯỜNG. Ví dụ một nước khác, Thụy Điển cấp ODA cho các nước khác dựa trên nguyên tắc hướng đến HỖ TRỢ phát triển kinh tế, giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế, xã hội, hỗ trợ nâng cao khả năng quản lý xã hội, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường bình đẳng giữa nam và nữ chứ KHÔNG TÀI TRỢ CHO VIỆC XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG hết sức tốn kém (xem sách David Arase)

Chính phủ Nhật và các cơ quan ngoại giao của Nhật đặt ra những điều khoản VÔ HÌNH và thậm chí đôi khi HỮU HÌNH cho chính phủ những nước nhận viện trợ buộc phải để DOANH NGHIỆP NHẬT THẮNG THẦU. Viện trợ Nhật cuối cùng sẽ QUAY LẠI NHẬT và để lại NỢ cho những quốc gia vay nợ. Nếu một doanh nghiệp Nhật không thắng thầu trong những dự án ODA của Nhật thì chính phủ Nhật TỨC GIẬN và dọa cắt viện trợ.

Yêu cầu phải để các công ty Nhật Bản thắng thầu, phải mua trang thiết bị của Nhật Bản, phải sử dụng “chuyên gia” Nhật Bản đã khiến cho dự án trở thành những khoản vay đắt giá. Việc nghiên cứu để tìm hiểu xem những “chuyên gia” này làm gì ở Việt Nam, tiền lương, công việc trong suốt quá trình của dự án là một câu hỏi thú vị. Chúng tôi đang nghiên cứu bằng cách hỏi chuyện và phỏng vấn một số kĩ sư Việt Nam làm cho các dự án ODA của Nhật ở Việt Nam để hiểu thêm về “quan hệ rắc rối” giữa kĩ sư Việt Nam và kĩ sư Nhật Bản tham gia các dự án này.

Chi phí chi cho các dự án do công ty Nhật đưa ra cũng KHÔNG HỀ RẺ. Thường đắt hơn bình thường từ 20 đến 30 phần trăm. Quan chức Nhật nói rằng, “đắt nhưng mà chất lượng công trình cao”. Nhưng điều này là một cách nói GIAN LẬN bởi không nên so sánh với công ty NHẬT với những công ty của TRUNG QUỐC hay VIỆT NAM. Hãy so sánh với những công ty của Mỹ và Đức, với chất lượng không thua kém và giá thành chi phí rẻ hơn nhiều.

Điều này tạo ra một nghịch lý mà ở Việt Nam gọi là: “Dự án ODA: Giải nghịch lý giá đắt dù lãi suất thấp”.

Tôi ước tính MỘT PHẦN LỚN số tiền ODA cho vay (trên 50%) đã quay trở lại Nhật Bản bằng một cách nào đó và để lại nợ cùng lãi trả thường niên cho những nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu vậy thì ODA thực sự là những khoản vay đắt giá!

Mượn lời một người bạn: “Malaysia có hai ngày độc lập, ngày độc lập thứ nhất là thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, ngày độc lập thứ hai là thoát khỏi ODA của Nhật” để kết bài. Việt Nam có cần ngày độc lập thứ hai?

(Tựa bài viết do ĐCV đặt lại)

Nguồn: Facebooker Nguyen Phuc Anh

1 BÌNH LUẬN

  1. Facebooker Nguyễn Phúc Anh và ĐCV đưa lên để độc giả giúp trả lời.
    Câu trả lời là: Lãnh đạo nước CH XHCN VN là những ‘con lợn’ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hết.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên