22 tháng 4, Ngày Trái Đất

1

Hôm qua, 22 tháng 4 là Ngày Trái Đất, khởi nguồn từ 1970 nhằm hỗ trợ bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên.

Ý tưởng trời-đất-người ngang hàng và nhất thể đã bàng bạc trong văn hóa Á Đông cả  ngàn năm qua. Đặc biệt với người Việt trong nền văn minh nông nghiệp sống nương nhờ vào thiên nhiên, thời tiết nên đất trời, tự nhiên với họ rất gần gũi. Quan niệm về “trời” nhờ vậy mà rất thân thương do tiếp cận hàng ngày qua nghề nông chứ không xa xôi, cao cả uy nghi và có quyền lực trên người như nhiều văn hóa khác, mặc dù hàng ngày họ vẫn “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…“, và vào dịp đầu năm, vua tôi trăm họ vẫn lập đàn cầu nguyện với đất trời cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Ngày vua lên ngôi cũng làm lễ tế cáo trời đất để làm trọn đạo trời và đạo người, tuân phục ý trời tức ý dân.

Người Việt thờ trời mà cũng thờ người, những người có công với làng nước. Công lao lớn với đất nước thì được tôn làm thần làm thánh (Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh / Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần – Phan Bội Châu).

Lý Đông A, một nhà tư tưởng và cách mạng Việt (1920-1946?) đã làm rõ hơn các ý tưởng trên bằng cách cho ta thấy chân lý của “trời” (tự nhiên) là vô nguyên tương đối (nhiên-vô-nguyên). Trời xuất hiện ra sao (Big Bang?), phát triển theo quy luật nào là do khoa học khám phá, tìm hiểu, vì chúng thuộc về thế giới vật chất – đối tượng nghiên cứu của khoa học. Tự nhiên vô nguyên vì, nói nôm na thì… nó là vậy, không do “nguyên” nào cả, không có đầu, không có cuối. Dân Do Thái cũng có cùng khái niệm khi nói thượng đế (trời) là vô thủy, vô chung, nhưng lại đặt nặng vào tôn giáo. Nước có khi là chất lỏng, có khi là hơi hay đặc lại như đá; do đó, tự nhiên có tính tương đối. Vật chất chỉ là một phần của đời sống. Vật chất không thể có tính quyết định như cộng sản nhận thức một cách sai lầm.

Ngày nào nhân loại ngộ được chân lý nhiên-vô-nguyên thì sống bên nhau vui thuận biết bao, không còn cảnh ‘thượng đế của tôi quyền uy hơn của anh’, đã từng là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu trong quá khứ và vẫn còn tiếp diễn.

Dân Việt đã sẵn có tính tôn trọng đất trời vì sống nhờ đất trời, lại cổ súy tình yêu thương nhau vì sinh cùng bọc trăm trứng, nên khi các tôn giáo được truyền đến Việt Nam thì dễ dàng hội nhập vào văn hóa Việt, không có cảnh chiến tranh tôn giáo như với các dân tộc khác. Hình ảnh bọc điều trăm trứng còn cho thấy tính nhất mực bình đẳng của Việt tộc: nở cùng lúc, không trước không sau để người trước không lấy quyền huynh thế phụ buộc người sau phải phục vụ mình; hay đảng, nhà nước tước quyền làm chủ của dân, nhảy phóc lên đòi lãnh đạo, buộc dân phải tuân thủ mọi điều. “Lều” của cán bộ đảng viên to đẹp gấp vạn nhà dân mà miệng mồm lúc nào cũng bô bô dân làm chủ, đảng là đầy tớ một cách trơ trẽn không biết xấu hổ. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hoàn toàn đi ngược, làm ngược với di chúc cha ông.

Người Việt và văn hóa Á Đông nói chung tuy thờ trời, nhưng cũng thấy mình có vai trò quan trọng không kém trời đất. Đất trời có đó, vần xoay cả triệu tỉ năm nhưng người biết làm lịch, phân chia đặt định đầu cuối, mừng ngày đầu năm, đặt lễ nghi phục vụ nhu cầu tâm linh lẫn thể chất của người. Do vậy, phải mừng Xuân trước chứ, ai lại mừng đảng trước, lấy đít làm đầu? Một đảng lấy đít làm đầu có còn phải là người hay là ngợm? Tôn trọng ý dân làm đầu thì được dân nâng đỡ, thương yêu. Khi vua coi dân là con đỏ thì lộc dân ăn mãi không thôi. Còn ‘lều’ đảng hoành tráng hơn nhà dân thì xem như đã hết thời rồi. Lộc dân, lộc trời đang cạn mà ngu ngơ không biết.

Không có người, đất trời hiện hữu cũng thành vô nghĩa. Người đã làm cho trời đất có ý nghĩa. Người đã “lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh, kế vãng khai lai” (Lý Đông A). Đây chính là sự chủ định, chủ quan (nhân chủ tính) của người mà Marx không thấy; Marx chỉ biết có khách quan.

Người có vai trò quan trọng không kém trời đất. Trời-đất-người là một thể, liên hệ nhất quán với nhau và phải quân bình trong đời sống người.

Nghiêng về trời nhiều thì dễ sinh độc tài cá nhân. ‘Ta là thiên tử, đất trời này là của trẫm’. Nghiêng về đất nhiều thì dễ nảy sinh thuyết xã hội kiểu cộng sản, lấy tập thể đè bẹp cá nhân, không cho cá nhân có tiếng nói riêng, phá bỏ quy luật dân là đa nguyên. Một vườn hoa mà chỉ có một màu, một loại thì dù đẹp cách mấy cũng thành đơn điệu, nhàm chán. Thiên nhiên đã vậy, xã hội người phải hơn nhiều chứ? Một xã hội được chỉ đạo phải suy nghĩ một chiều là xã hội hủ lậu, kém văn minh, không phát triển bình thường được. Một tư tưởng thấy vật chất là quyết định thì chỉ biết đến giành giật tư liệu vật chất trong quan hệ sản xuất, không thấy được đa thành phần kinh tế đều đóng góp cho tiến bộ chung, không thấy được chân lý dân-đa-nguyên.

Dân đa nguyên, nhưng nhân là nhất nguyên. Người ở đâu cũng biết làm lịch để phục vụ đời sống, thể hiện tính nhân-nhất-nguyên tuyệt đối của người. Ngày nay, các nguyên tắc dân quyền, nhân quyền, tôn trọng ý dân (dân chủ), tự do của dân đã trở thành quy luật sống, tồn tại và phát triển (sống còn, tiếp nối và tiến hóa). Việt Nam đang hồ hởi tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028 mà toàn làm điều ngược lại, tước đoạt tiếng nói nhân dân, tước đoạt quyền con người của dân.

Chủ thuyết cộng sản đã hoàn toàn đi sai quy luật, cả khách lẫn chủ quan. Sai mà biết sửa, biết quay về là có thiện tâm, thiện chí, được mọi người tôn trọng là làm đúng ý dân, biết thuận theo quy luật để tồn tại và phát triển.

Làm được như vậy là thức thời. Cả đảng cộng sản mấy triệu đảng viên, từ trung ương đảng, bộ chính trị cho chí đến tứ trụ triều đình, dân có thấy ai là người thức thời không?

Nhân dân nên mừng hay nên lo cho vận nước ngả nghiêng dưới sự lãnh đạo u mê của Đảng?

Tạ Dzu