Việc cốt lõi là thay đổi tư duy

0

Trước hiện tượng tổng biểu tình đồng loạt trên cả nước với số lượng lớn chưa từng có từ trước tới nay, với một lý do bề nổi công khai là phản đối Luật đặc khu, phản đối nguy cơ chính quyền bán nước cho Tầu cộng, những quan sát đơn giản nhất cũng thấy nó chứa đựng một căn nguyên lớn hơn nhiều, đụng đế nền tảng của chế độ. Nhưng các nhà lãnh đạo chính quyền không thấy, vẫn không thấy.

Chuyên gia làm luật cao cấp có tiếng “thông thái” Nguyễn Khắc Định, chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, uỷ viên thường vụ Quốc hội thì nói rằng “Dự án Luật Đặc khu là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ”, “Nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm”. Ông cho rằng: “các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, nhân dân chưa hiểu (do trình độ có hạn!?), có lẽ vì thế mà dân phản đối nhiều thế”!?

Còn bà Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 11/6, trước khi bước vào chương trình họp chính thức, kêu gọi người dân “bình tĩnh trước những thông tin tụ tập đông người tại một số địa phương ngày hôm qua 10/6″ .

Bà này nói: “một bộ phận nhân dân tụ tập đông người gây ách tắc giao thông và có những việc làm quá khích.”và còn nói: “không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng.”

Rồi tiếp kêu gọi “nhân dân cả nước bình tĩnh và tin tưởng vào những quyết định của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là những dự án luật mà Quốc hội đang thảo luận.”

Một ông chuyên gia luật thì khinh rẻ trình độ của dân chúng, còn bà chủ tịch quốc hội quy cho dân là bị xúi dục và bị lợi dụng.

Cái đáng nói là bà chủ tịch dùng từ ngữ tệ hại của một người có lẽ thiếu học thức cần thiết tương xứng vớicương vị đại diện dân bậc cao nhất của bà. Bà quy việc biểu tình có ý thức của người dân là “tụ tập đông người”, nghĩa là theo bà, hàng chục ngàn người bỏ công ăn việc làm, xuống đường hô vang lên những khẩu hiệu phản đối Chính phủ và Quốc hội chỉ là việc tụ tập vô công rồi nghề của lũ dân không hiểu biết gì!?

Tệ hơn, bà còn ngăn cả đại biểu không cho họ nói: “đ nghị đại biểu quốc hội trong hành động, phát ngôn đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu nhầm nào nữa”. Chỉ nên nói vào, không được cào ra?! Một bà chủ tịch Quốc hội vi phạm nhân quyền.

Với một cái não trạng lạc hậu như vậy mà làm chủ tịch Quốc hội, thì chắc chắn sẽ còn nhiều biểu tình của dân chúng nữa. Thậm chí, sẽ có phản đối, dù có thể âm thầm, ngay trong phòng họp quốc hội, trừ phi cả 954 vị đại biểu toàn là những cái đầu mụ mị, mít đặc.

Đặc điểm nổi bật lần xưống dường ngày 10/06 là không có mặt những nhà tranh đấu, tất cả đều bị canh giữ phong toả tại gia, 24/24 giờ trong suốt thời gian trước và sau vụ biểu tình xảy ra, không một ai ra lời kêu gọi, và không cuộc xuống đường nào được tổ chức tổ chức.

Nhưng Công An TP HCM vẫn nhai lại những luận điệu cũ rích: “Sự việc cho thấy có âm mưu kích động, chống phá. Bà con cần bình tĩnh, không để mắc bẫy”, đó là lời đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu Công an TP HCM.

Ngày 11/6, thay mặt Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi thư kêu gọi “toàn thể đoàn viên công đoàn, công nhân lao động hãy bình tĩnh, đề cao cảnh giác, không nghe theo và không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu; không để lòng yêu nước bị lợi dụng; đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp không tham gia các hành động trái pháp luật, không chia sẻ những nội dung kích động trên các trang mạng xã hội”.

“Vì sự ổn định và phát triển của đất nước, tất cả chúng ta hãy đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ công ty, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm của chính mình,”

Những kiểu suy nghĩ như vậy chính là nguyên nhân thất bại của nhà cầm quyền.

Ai cũng biết, động lực của việc phản kháng là sự thối nát của hệ thống chính quyền từ địa phương tới trung ương. Thực chất của phẫn uất là sự thực phơi ra hàng ngày, là sự giàu có bất chính, là cuộc sống phè phỡn ngông nghênh của lũ quan lại đối lập với cuộc sống nghèo hèn, trên xương và trên máu của người dân lao động.

Ở Bình Thuận, người dân bao vây trụ sở Uỷ Ban tỉnh, giật đổ hàng rào, phá vòng vây lưới thép gai, đốt cháy 10 xe, chặn đường, ném đá tấn công cảnh sát, phong toả quốc lộ 1, đập phá và đốt xe của Cảnh sát PCCC, dùng bom xăng ném vào phòng làm việc, đốt cháy phòng hồ sơ, đánh bị thương nhiều cảnh sát, tấn công Bộ chỉ huy Biên phòng và trụ sở Sở kế hoạch đầu tư …

Đây là bạo lực tự phát, không có người xúi dục, nảy sinh trong không khí hừng hưc được đốt lên từ sự phẫn uất bị dồn nén từ lâu được dịp bùng phát, không có sự lường trước.

Cái nguy hiểm cho chế độ chính là lối tư duy cổ hủ bị dẫn dắt bởi lối suy nghĩ một chiều đơn giản là, chụp mũ, quy tội đế đàn áp.

Có âm mưu “lật đổ” không? Chắc chắn là có, nhưng không phải là âm mưu mà là khát vọng. Con giun xéo lắm phải quằn. Cái cơ cực bất công hàng ngày là nguồn gốc của thèm khát thay đổi.

Nếu cứ tiếp tục cái lối tư duy này, thì nguồn gốc của sự phản kháng không được giải quyết, và sự đàn áp chỉ như lửa đổ thêm dầu. Nhà cầm quyền có thể tưởng như vẫn giữ được trật tự sau hàng loạt bắt bớ và đàn áp, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Đàn áp bằng thủ đoạn và bạo lực sẽ chỉ tạo ra sự đáp trả bằng thủ đoạn và bạo lực tương ứng tự phát.

Mỗi một lần bị đàn áp sẽ là một kinh nghiệm, và bạo lực không gơi ý cho sự dàn xếp hoà bình, tất yếu dẫn đến đáp trả bằng bạo lực tương tự. Đơn giản là nếu không được phép công khai, sự đáp trả sẽ trở thành bí mật. Và nếu chưa thể lật đổ toàn bộ, thì việc đáp trả sẽ quay tới cá nhân. Sự trừng phạt sẽ hướng tới những cá nhân giàu có nhờ tham nhũng, những cá nhân cảnh sát ác ôn, những chánh toà xử tội bất công, phi lý…sẽ có những toà án ngầm và những đội thi hành án ngầm. Sẽ có ám sát, sẽ có đốt xe, đốt nhà…Đó là sự phát triển của lôgic tự nhiên.

Và nếu chưa thể đập được cả cái chế độ thì người ta, người ta đốt xe, đốt biệt thự, đốt biệt phủ, đập phá trụ sở công quyền, người ta phá đường, giật cầu…Mà đân tự làm thì chả có chính quyền nào bắt cho hết được.

Nếu không thay đổi nhận thức, thì các nhà cầm quyền chỉ có thất bại, và sự sụp đổ chế độ là không thể tránh khỏi.

Lập ra Luật an ninh mạng để bịt miệng người dân, tước đoạt quyền tự do phát biểu, cũng là một biểu hiện lối tư duy bạo lực cổ hủ. Người ta dù không được nói, nhưng những suy nghĩ, ý kiến, tư tưởng vẫn còn đấy, vẫn tồn tại, vẫn lặng lẽ phát triển, nghĩa là sự phản kháng vẫn còn nguyên âm thầm hoàn chỉnh và chuẩn bị cho sự bùng nổ. Sự lật đổ nó nằm ở đó chỉ vì sự đối thoại giải toả không có.

Mấy chục năm nay, đàn áp bắt bớ, tù đầy, nhưng không một tù nhân nào sau ra tù nhụt mất ý chí. Tất cả các tù nhân đều trưởng thành tiến bộ về trình độ và dầy dạn thêm về kinh nghiệm hành động. Mọi cuộc nổi dậy phản kháng tự phát đều bị nhà cầm quyền dùng mọi thủ đoạn đàn áp, nhưng cuộc biểu tình sau, đông và có cốt cách đàng hoàng tự tin, bài bản và chững chạc hơn.

Nhưng những kẻ cầm quyền không thấy, tư duy của những người cầm quyền không tiến bộ hơn. Đó là sự trì độn.

Những người như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, như ông Bùi Văn Cường không hiểu dân, không đại diện cho dân, cho người lao động, tưởng là có ích cho chế độ, nhưng thực chất là những kẻ tự đào đất dưới chân chế độ. Vì, chỉ có đứng cùng phía với dân mới kéo chế độ tới gần dân, còn ngược lại, là biến chế độ thành một thứ đối kháng. Chả có gì đối đầu với dân mà tồn tại. Gần thì mất chức, xa hơn thì sụp đổ.

12/06/2018

BÙI Quang Vơm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên