Nguy cơ lương thực

2
Hạn hán (Ảnh Vi Thanh)

Lâu nay dân ta cứ nghe đài, báo nhà nước mà tự hào, Việt Nam cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, nhưng không để ý tương lai sẽ ra sao? Rồi tự hào GDP tăng trưởng top đầu thế giới, nhưng không rõ tăng trưởng đó rơi vào túi ai, chứ nhìn đa số người nông dân vẫn xác sơ, tội nghiệp? Hay Thủ tướng mơ Việt Nam thành Hổ, thành Rồng, thì sẽ không ăn gạo nữa? Sự thật nguy cơ lương thực đang đe dọa nước ta với ngưỡng 100 triệu dân đang hiện hữu.

Tôi tìm trên Google không thấy có nghiên cứu cơ bản nào về tình hình trên, đánh nhặt ra một số bài viết lẻ tẻ và với trực giác cá nhân, chia sẻ một vài điều đáng lo ngại.

1. Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang mất dần và có nguy cơ mất hết

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số Việt Nam, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhưng “Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht ở Hà Lan vừa cảnh báo, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của Việt Nam, đang phải đối mặt với nguy cơ bị chìm gần như hoàn toàn vào năm 2100”

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Nước biển ngày một dâng cao, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu; do khai thác cát vô tội vạ, các lòng sông cạn kiệt và gây sạt lở nghiêm trọng; nhưng khủng khiếp nhất là do các “đồng chí” ở thượng nguồn sông Mekong ra sức thi đua xây đập, chặn nguồn nước và phu sa bồi đắp cho Đồng bằng sông Cửu Long.

“Thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 thủy điện trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ gây sạt lở và xói mòn ở hạ lưu”

2. Chưa bao giờ miền Trung ngày càng hạn hán khốc liệt như mấy năm gần đây. “Dự báo, đến cuối mùa khô sẽ có khoảng 52.180ha diện tích nông nghiệp bị hạn hán, thiếu nước. Tại tất cả các tỉnh, diện tích hạn hán, thiếu nước sẽ tăng so với hiện tại. Cụ thể, Thanh Hóa 10.000ha, Nghệ An 22.000ha, Hà Tĩnh 1.200ha, Quảng Bình 4.500ha, Quảng Trị 2.900ha, TT.Huế 2.580ha, Bình Định 9.000ha”

3. Diện tích lúa bị thu hẹp do phát triển công nghiệp, đô thị…

Báo Nhân dân đã nhiều lần cảnh báo
“Cần quyết liệt bảo vệ đất nông nghiệp.
Hiện nay, việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích ngày càng gia tăng khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Mặt khác, kinh tế phát triển càng nhanh thì nhu cầu chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp rất lớn. Vì lợi nhuận nhiều người vẫn làm liều. Nếu không có biện pháp bảo vệ đất nông nghiệp, sẽ gây ra những hậu quả khó lường cả về xã hội lẫn kinh tế, nhất là vấn đề an ninh lương thực
”.

Theo Thời báo Tài chính thì “Mỗi năm mất 34.000ha đất lúa

“Không chỉ lạm phát đô thị, tình trạng các địa phương đổ xô làm dự án các khu công nghiệp cũng đang ở mức báo động. Hiện cả nước có 267 khu công nghiệp với diện tích 72.000ha. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ từ năm 2011 đến 2015, tầm nhìn đến 2020 càng khiến dư luận băn khoăn. Theo quy hoạch này, số lượng các khu công nghiệp tăng chóng mặt. Dự kiến năm 2020 cả nước sẽ có 558 khu công nghiệp với tổng diện tích 200.000ha, nghĩa là tăng thêm 128.000ha.

Điều đáng lo hơn: tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp rất thấp. Cao nhất chưa quá 45%, trung bình là 30%, thậm chí chỉ 20%. Đó là lý do khiến quy hoạch treo diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương và nhiều khu công nghiệp chỉ là bãi cỏ hoang để… nuôi bò. Khu công nghiệp lấn đất lúa, kể cả nơi bờ xôi ruộng mật làm nông dân mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gây ra khiếu kiện kéo dài, làm mất lòng tin của người dân vào chính quyền. Chỉ với việc duy trì các khu công nghiệp hiện tại, theo nhiều chuyên gia, cũng phải mất… 50 năm mới có thể lấp đầy. Đó là chưa kể, cả nước hiện có 15 khu kinh tế ven biển với diện tích 630.000ha và 28 khu kinh tế cửa khẩu với diện tích 500.000ha, tỷ lệ sử dụng đất chỉ đạt 15%”

VNExpess.net có bài ‘Sân golf ở VN nhiều gấp 10 mức bình quân thế giới’, từ lâu đã cảnh báo: “ông Võ Hồng Phúc cho biết, với số liệu vừa cập nhật cách đây 10 ngày, hiện trên cả nước có tới 166 dự án sân golf. Trong đó 145 dự án đã cấp đất, 84 cấp giấy phép đầu tư. Diện tích các dự án này đang chiếm dụng tới 10.500 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.900 ha đất lúa”

“Đa số dự án sân golf là trá hình, trung bình mỗi sân hơn 300 ha, gấp 3 lần quy định”, ông Phúc nói”. Nghe nói sau này có chấn chỉnh, nhưng bớt sân golf, chứ đất đã vào tay doanh nhân thì mất toi rồi. Ngay sân golf 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất mà Quốc hội rồi Thủ tướng cũng chả đòi được để mở rộng cái sân bay ngày càng kẹt cứng!

Đấy là từ thời ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép các tỉnh, thành được quyết các dự án Sân golf, các dự án cho nước ngoài thuê đất 50 năm (nên hơn chục tỉnh cho nước ngoài thuê đất rừng 50 năm; đặc biệt ông Võ Kim Cự còn tìm cách cho Forrmosa thuê cảng Vũng áng và vùng đất rộng lớn ven biển 70 năm…).

Tóm lại, ai cũng thấy nguy cơ nhưng đều lơ ngơ, mặc kệ!
Các nhà lãng đạo quốc gia chỉ ra sức phấn đấu bằng mọi cách đạt thành tích tăng trưởng GDP vào hạng cao của thế giới và mơ thành Hổ, thành Rồng, cuối thế kỷ không biết có CNXH hoàn thiện chưa?…

Các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức và nhiều người dân nghĩ đến dân, đến nước có kiến nghị bao nhiều năm nay, vẫn như nước đổ đầu vịt!

Đa số các đại biểu QH, HĐND là “nghị gật” theo nghị quyết của Đảng Trung ương hay địa phương (Trung ương thì Bà Ngân, ông Chính, vân vân chỉ muốn cho nước ngoài thuê Đặc khu 99 năm, hay 120 năm càng thích; Địa phương thì những Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, vân vân, càng cướp được nhiều đất càng thắng lợi).

Các quan chức cấp tỉnh/thành, huyện, xã, thôn, chỉ biết “Tư duy nhiệm kỳ”, sao bán được nhiều đất, chộp được nhiều tiền cho bản thân và ăn chia cùng phe nhóm… Có ai “hành động tại địa phương, tư duy toàn cầu”, hay nghĩ đến vận mệnh dân tộc, đất nước sẽ ra sao?

Vì thế, ai kiến nghị cứ kiến nghị; ai ra lệnh cứ ra lệnh; ai gào thét, chửi bới, kiện tụng, cứ việc… Chính quyền quản lý ruộng đất ở các nơi cứ thi nhau xẻ thịt ra bán, càng nhiều càng tốt.

Ngay xã Nam Đồng (Nam sách, Hải Dương) quê tôi, dân bảo, hàng 100 ha chính quyền đã thu hồi đang bỏ hoang ở khu Ba Hàng, sao không sử dụng đi, lại tiếp tục san lấp đất nông nghiệp ở Vũ La, Đồng Ngọ?…

Mà có lẽ không một quan chức nào từ thôn xã đến trung ương ngày nay thấu hiểu rằng: Để có những cánh đồng bằng phẳng cấy lúa nước, ông cha ta đã khai hoang, phục hóa, san lấp, bồi đắp, canh tác hàng mấy trăm năm đến cả ngàn năm mới tạo nên được lớp đất màu mỡ trên nền đất sét giữ nước để cấy lúa… Họ chẳng có chút xúc cảm nào khi khoanh trên bản đồ một “phát” và ra lệnh đổ gạch đá nháo nhào lên những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật”, mỗi năm hai vụ lúa, một vụ màu, thẳng cánh cò bay…

TIỀN cho cá nhân và ăn chia với nhóm lợi ích là trên hết!

Ngày 20/7/2019

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi vẫn cho rằng tỷ lệ dân số sống bằng chế độ ở Hà Nội là không cao hơn là mấy nơi khác.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên