Hai lần gặp may

2
Một chốt kiểm dịch (Ảnh SGGP)

Đã ba tháng rồi  ông Thành luôn trong tình trạng khó ngủ, dịch cô vy, cô vit kéo dài, ông mất việc như bao nhiêu con người lao động tự do khác. Thời gian đầu ông vẫn tin vào sự lãnh đạo toàn diện, tài tình của Đảng, mọi chuyện từ đối nội đến đối ngoại, từ vi mô đến vĩ mô đều đã có đảng và nhà nước lo, nay con vi-rút bé tí xíu này làm gì đảng chả tiêu diệt được như lời phát biểu hùng hồn trên báo chí  “Chống dịch như chống giặc” “quyết tâm biến nguy cơ thành cơ hội thách thức để phát triển kinh tế”. Rồi “đoàn kết toàn dân để giải bài toán Covid 19 v.v” 

Khu nhà trọ nơi ông ở cứ thưa vắng dần, đầu tiên là lôi người đi cách ly tập trung, vài ba hôm sau lại nghe người nọ người kia kháo nhau có người chết, đặc biệt là số trẻ em không có bố mẹ trông nom…Trong khi ở nơi cách ly: đói không có đồ ăn, đau không được phát thuốc, cứ lả dần rồi chết. Khi chết bộ phận tiếp nhận xác chết đưa vào lò hỏa thiêu xong còn đòi gia đình phải trả 21 triệu đồng mới được mang tro cốt về, nếu không coi như …mất xác. Ông nghe mà ngán ngẩm thở dài.

Lòng tốt nào cũng chỉ có giới hạn, thời gian đầu nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, cô chủ cũng đồng ý cho cả xóm trọ giảm 50% tiền trọ trong 3 tháng, mỗi tháng còn cấp cho 10 kg gạo để bọn già các ông nấu cháo xì xụp với nhau, nhưng rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Trung bình mỗi tháng cả tiền điện, tiền nước, tiền trả lãi ngân hàng cho cả xóm trọ tồi tàn 35 phòng này cũng lên tới vài chục triệu. 3 tháng qua là ngót nghét 100 triệu đồng rồi , trong khi tất cả dãy nhà trọ như ông, không ai bảo ai đều “bất tuân dân sự”, có nghĩa là ở thì cứ ở, nhưng giảm 50% tiền phòng cũng lấy đâu ra mà trả? Thương cô chủ tốt bụng nhiều người lặng lẽ …quay lưng, không một câu chào hỏi, một lời xin lỗi , xin hứa…Mới tinh mơ mờ đất 3, 4 giờ sáng đã thu gom đủ mọi thứ chổi cùn giế rách để ra đi đầu không ngoảnh lại, mặc sau lưng nợ tiền nước, tiền phòng…Đa phần là bồng bế , dắt díu nhau về quê. Phòng trọ sát ông cũng có 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con, đứa bé mới tròn 1 tuổi. Cả nhà năm bố con trên một chiếc xe ga cũng ì ạch nổ máy về tận quê nhà Nghệ An xa lắc xa lơ, Tò mò ông hỏi:

– Thế cô chú còn tiền không mà dám bỏ đi như thế? Chí ít cũng cần tiền đổ xăng, tiền mua sữa dọc đường cho con bé chứ? 

Người chồng câm lặng, chị vợ rút hết túi nọ, túi kia ra một tờ bạc lẻ 1000 đồng nhàu nát, nét mặt căng thẳng lo âu, giãi bày:

– Thú thực với bác, trừ tiền đổ đầy bình xăng, tiền mua chục hộp sữa cho con bé, mua chục cái bánh mì cho cả nhà, tất cả còn có 1000 đồng đây thôi bác ạ . Thôi thì tất cả trông vào may rủi vậy. Ở trong nhà ngồi chờ chết, đành ôm nhau ra đường, may ra có mạnh thường quân nào cứu giúp, qua được bữa nào hay bữa ấy. Chỉ cần về được quê là có cháo rau qua ngày, sống lay lắt qua đợt dịch này.

Chợt nhớ ra ông hỏi: 

– Ơ hay! Còn tiền “ngoáy mũi” khi qua chốt kiểm dịch nữa chứ, ít nhất cũng 230 ngàn đồng một người, một lần có ít đâu?

Nét mặt người chồng vẫn lạnh lùng câm nín, chị vợ nể tình ông những ngày trước đó đã nhiều lần chia xẻ với gia đình chị nhũng lúc khó khăn, từ đồng quà tấm bánh cho ba đứa, đến chỗ chơi, chỗ ngủ vào ban ngày, thẽ thọt: 

– Đành ngồi bệt ăn vạ thôi bác ạ, cứ lạy lục van xin chắc người ta cũng nể tình cho đi…Nếu không, chị đứng phắt dạy, chỉ vào ngón tay đeo nhẫn của chồng: Cái này là nhẫn cưới của chồng cháu mua tặng vào ngày cưới, cách đây gần 10 năm , sáng nay anh ấy lấy lại để giữ giúp vợ cho an toàn… Cháu nói thật, nếu nước “ăn vạ” mà không xong đành phải dùng để “ngoáy mũi” vậy, chứ còn biết làm sao?

Ông ngán ngẩm thở dài quay đi, nuốt những giọt nước mắt vào lòng. Bình thường không có mệnh hệ gì, thể nào ông cũng dúi cho họ vài chục bạc gọi là cộng thêm chút đỉnh, hoặc đồng quà tấm bánh cho đám trẻ, nhưng bây giờ ông cũng xác xơ không kém…Thậm chí họ còn cái xe ghẻ mà đi, còn ông, thân cô, thế cô, chiếc xe cỏ đời 81 của ông, một thời là “kim vàng giọt lệ”, nay sau mấy chục năm sử dụng, qua tay người này, người khác rồi đến tay ông đã xuống cấp trầm trọng, nhiều lúc vừa đi , vừa đẩy, ông cũng tống khứ nó đi rồi…Định bụng đi làm, bớt ăn, vay mượn thêm để mua xe mới, dẫu có là second hand cũng phải đời 92 trở lên. Không ngờ nạn dịch ập đến, tiền bán xe bị tiêu sạch vào những việc không đâu; Nào một tuần “ngoáy mũi” một lần, nào nằm dài trong nhà chờ chính phủ mở chốt… dẫu chỉ là mì tôm, cơm muối hay cháo rau qua ngày , bỏ rẻ cũng vài chục ngàn tiền hồ mỗi ngày… Huống hồ những 3 tháng trời… Còn cái điện thoại cùi bắp, cả ngày không một cú gọi, ông cũng dự định đẩy đi nốt, mua thùng mì tôm may ra cầm cự được một tuần, quanh đi quẩn lại cũng không cánh mà bay. Có lẽ người nào trong khu trọ túng quẫn quá đã làm thay ý định của ông rồi …

Mấy đứa trẻ đưa cặp mắt ngơ ngác nhìn ông. Bình thường một thân một mình, những ngày “vào cầu” xin được nhiều việc, ông vẫn mua gói kẹo, nải chuối chia cho mấy chị em chúng nó, trưa tối còn để mở cửa để bố chúng nó và thằng cu lớn chạy sang ngả lưng cho đỡ mỏi, kẻo một phòng chật 7 mét vuông cho 5 người – túi bị buộc bọc vứt khắp sàn chẳng thể nào đủ chỗ nằm cho cả năm con người, đặc biệt là con bé út. Đã ôm chặt lấy mẹ để ngủ mà thỉnh thoảng vẫn phải khóc ré lên vì những cú tạt sườn hoặc khuỷu tay thúc mạnh của hai thằng quỷ sứ anh nó, nằm cạnh em mà cứ như hai con gà chọi, lúc ngủ cũng tranh thủ đấm đá túi bụi. Chưa kể còn những phút xao lòng, cần không gian để tình yêu hóa thân thành các động tác tính dục ngàn đời giữa hai vợ chồng…Vì vậy cả ngày lẫn đêm, căn phòng trọ của ông đều mở cửa thông thống, bọn trẻ dễ dàng chạy sang bất kỳ lúc nào cũng được. Thay vì gọi ông là ông như bình thường, chúng gọi ông là “Nội” xưng con ngọt xớt.

Lê bước về phòng, ông buồn vì không giúp gì được cho đôi vợ chồng trẻ đã đành còn vì sự đơn chiếc trống trải mà hàng ngày ông phải đối mặt, mà không biết sẽ tiếp tục sống ra sao? … Thôi thì chia ly nào cũng có sóng buồn, đến chính phủ- Người luôn miệng nói “cho dân và vì dân” còn phải bất lực nữa là những thân phận già cả , nghèo khó như ông …

Đêm ấy là đêm đầu tiên cánh cửa khép hờ nhà ông không bị mở ra lần nào. Người vợ ôm đứa bé trên tay ngủ gà gật bên cạnh hai thằng con ngủ lăn quay trên sàn, mặc những tiếng động sột soạt từ những túi, bọc, buộc bị của bố nó giũ tung ra sàn nhà để nhặt nhạnh gói buộc vào sau xe máy trên dặm đường thiên lý ngày mai.

Gần sáng, ông mệt mỏi thiếp đi, khi cơn đói hành hạ, dạ dày liên tục co thắt trong đầu, ông mới choàng tỉnh, lê bước ra khỏi nhà ngắm trời, nhìn đất như một thói quen, dù biết trong túi chẳng còn một xu.

Xa xa bóng chủ nhà thấp thoáng phía đầu dãy, nhìn thấy ông, cô chủ hỏi, giọng thoáng vẻ ngại ngần:

– Bác vẫn quyết định ở lại à?

– Ờ, Ông ngán ngẩm đáp, giọng lấp lửng, khôi hài: – Quê tôi ở tận Nghệ An , đến chiếc xe đạp cà tàng không có, mà cái xe “căng hải” cũng rệu rã quá rồi, không cuốc bộ nổi nghìn ky lo met đâu cô ạ, đành để mặc cho con tạo, vận nước xoay vần vậy, cùng lắm lên đài hóa thân à “khỏa thân hoàn vũ”, đau cùng ngọn lửa thôi cô ạ.

Cô chủ phụng phịu thanh minh: 

– Điện nước đắt quá mà mọi người bỏ đi vãn cả, chả ai chịu trả cho cháu một đồng…Tình thế này cháu đành để họ cắt điện, cắt nước vậy, tình hình chung, bác thông cảm nhé. 

Ông chưng hửng, thế là cả cái thói quen duy nhất là chiều chiều vác xô, vác chậu đi tắm, giặt, rồi cắp đít lên phòng khách nhà cô chủ xem vô tuyến, nghe thời sự cũng không còn ? 

Mặt tái xanh, tái tử, ông gượng gạo đáp: 

– Lòng tốt của anh chị cả dãy nhà trọ đều biết cả, ngặt một nỗi ở lại không sống được, họ phải bỏ đi không dám chào hay xin lỗi anh chị chứ mọi người không có ý trốn tránh chị đâu. Nếu thành phố mở cửa trở lại, có công ăn việc làm đàng hoàng, thu nhập ổn định, họ lại tìm mọi cách quay trở lại, xin vào trọ nhà chị đấy…

Ông định nói thêm: “Tìm trong cả thành phố Sài Gòn này, không có ai tốt tính như anh chị” đã bị nụ cười nửa miệng và tiếng nói nhát gừng, ngượng nghịu của bà chủ xóm trọ cắt ngang:

– Cháu cũng biết thế, tất cả do con virus Vũ Hán gây ra nhưng bác thử nghĩ lại đi. Đi vài ngàn ky lo met, về đến nhà, qua bao đường đất , xóm thôn với cái bụng rỗng, lại phải đối phó bão lũ, mưa giông, chốt chặn, không chết đói, chết bệnh là may, có ai dám nghĩ đến chuyện quay trở lại thành phố không? Hay sống chết cũng phải bám lấy mảnh ruộng cằn, mái nhà tranh để sống cho qua ngày đoạn tháng.

– Chị nói cũng phải , ông tần ngần hỏi như một sự câu thúc bên trong- Tôi nghe nói sắp có hỗ trợ đợt 3, mỗi người được 1 triệu rưởi phải không chị?

Bà chủ trọ đột nhiên nổi nóng: 

– Ôi dào bác lên đài truyền hình mà hỏi, đến đợt đầu, đợt hai, gói hỗ trợ 90 ngàn tỉ, rồi 62 ngàn tỉ cũng chẳng thấy đâu nữa là đợt ba này

– Tôi hiểu, ông phân vân nhắc lại lời lưu truyền trong dân gian

“Bồ dục đâu đến bàn thứ 8, cám nhỏ đâu đến lượt lợn xề, nhưng”…

Bà chủ trọ đột ngột cắt ngang: 

– Có bao nhiêu lại vào túi quan tham hết thôi, cứ to ăn to, nhỏ ăn nhỏ, đến cái test covid giá nước ngoài chưa đầy 1 đô la mà bò đến Việt Nam, bộ y tế cũng biến thành 230 ngàn đồng, chả phải móc túi dân là gì

– Chết chết ông tặc lưỡi , tính ra đợt này bộ y tế xơi cả trăm tỷ đô la ấy chị nhỉ. Cứ tính sơ sơ Sài gòn có 11 triệu dân nhân với 200 nghìn một lần một người, sau khi trừ đi giá gốc thì mua được cả chục chiếc máy bay, mỗi chiếc 5, 7 tỷ đô đấy chị ạ.

Xoáy cái nhìn vào gương mặt già nua khốn khổ của ông, cô chủ trọ gay gắt:

– Một người một lần là thế nào ? Vợ chồng cháu đây này, từ đầu mùa dịch đến giờ không dưới chục lần bị “ngoáy mũi” đâu nhớ?

Như có người chia xẻ nỗi mất mát đau thương trong lòng, ông xòe rộng hai bàn tay phân bua:

– Thì tôi cũng vậy. Cái xe máy cà tàng của tôi bán được 3 triệu bạc, cũng mất cả triệu bạc vào việc “ngoáy mũi” rồi.

Người phụ nữ nguây nguẩy bỏ đi, ông ngán ngẩm đi quanh dãy nhà trọ xem ai còn, ai ở mà không khỏi cám cảnh thở dài:

– Trời ! Nhà Dũng Hạnh cũng bỏ đi rồi, gia tài quý giá nhất là hai con gà mái đẻ cũng cho vào lồng buộc sau xe máy đem về quê. Mấy hôm trước ông còn vui miệng đùa:

– Ê hóa kiếp cho nó đi, kẻo đại dịch thế này, nhiều người còn chả có gì bỏ bụng , anh chị còn bụng dạ nào mà nuôi gà đẻ trứng nữa?

-Ấy chết , vợ Dũng mau miệng: – Vợ chồng cháu đâu dám ăn, chỉ mong bỏ chốt , chợ búa bình thường trở lại đem đổi lấy mấy thùng mì tôm cho các cháu thôi ạ.

Vậy mà…

Xung quanh các nhà khác cũng vậy. Bao nhiêu chổi cùn, giế rách chăn màn, đồ đạc cũ kỹ cũng thu gom hết buộc vào sau xe chất ngất trên suốt chặng đường thiên lý… Ông đau khổ nghĩ… cả xóm trọ ba nhăm phòng, ba mươi nhăm nóc nhà này ông cũng chẳng lạ gì. Khi quyết định bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp, ai cũng đầy hứng khởi ngày trở về “Vinh quy bái tổ” tiền bạc đầy túi, ít nhất cũng xây cất được cái nhà tử tế ở quê cùng cuốn sổ tiết kiệm vài chục triệu… Vậy mà cả hai vợ chồng làm cật lực, lấm lưỡi cũng chỉ đủ 10 triệu một tháng nuôi thân và đàn con hai đứa. Vừa vấp dịch, không công ăn việc làm ba tháng đã trong cảnh đói dài đói rạc rồi. Nhiều người khi bỏ đi còn không có nổi chục nghìn tiền hồ đút túi, nhà nào may mắn được chính phủ hỗ trợ, phải chờ đợi mòn mỏi cũng chỉ được một triệu rưỡi bạc cho bốn, năm con người cùng tồn tại trong ba tháng, làm sao chịu nổi? 

Nghĩ gần, nghĩ xa, hết phận người đến phận mình xong ông lại cám cảnh thở dài …Đi bộ đội về, như mọi trai làng, ông cũng lấy vợ, lập nghiệp , đẻ tù tì bốn đứa con gái, ông buồn, một nỗi buồn cố hữu vì không có con trai nối dõi nhưng vẫn bám đất, bám quê, ngày ngày vui thú với mảnh vườn, góc sân…Rồi công nghiệp hóa mở ra, cả khu nhà và mảnh đất của ông đều trong diện quy hoạch hóa. Cả vườn xoài trĩu chịt quả, mỗi mùa cho ông cả triệu bạc tiền lãi, vào tay mấy chủ doanh nghiệp còn 600.000₫ cho cả khu vườn, ông không chịu . Rồi đất nhà trung bình một triệu một mét vuông, qua tay họ còn lại chưa đầy 100 triệu cả đất lẫn nhà, ông cương quyết giữ nhà, giữ đất dù mất tiêu chuẩn Đảng viên…Nhưng rồi ,thân cô thế cô, cả bà lão và bốn cô con gái cùng bốn chàng rể sợ ông tiếc của, nghĩ quẩn, cho nổ mìn banh xác cùng cả cơ ngơi của ông bà hương hỏa để lại nên ra sức can ngăn, gàn quải. Chán nản ông nhận mớ tiền (chỉ bù mà không đền), chia đều cho các con mỗi người một ít, rồi dắt lưng 5, 7 triệu bỏ làng, bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp, định bụng hai vợ chồng cùng xúm vào làm khoảng năm, bảy năm đủ tiền về xây một cái nhà nhỏ ở góc vườn nhà cô cả hoặc cô út, sống nốt quãng đời còn lại. Không ngờ đời chẳng được như mơ. Cuộc sống ở Sài Gòn tấp nập bụi bậm nhưng không thích hợp với những kiếp phận làm thuê như ông . Sau khoảng chục năm ông vẫn ở trong dãy nhà trọ. Mới đầu hai vợ chồng còn dám thuê một phòng 10 đến 15 mét vuông để ở. Rồi bà mất vì ung thư cổ tử cung, số tiền dành dụm trong suốt 10 năm cũng chỉ đủ cho bà vào ra bệnh viện mấy lần. Hết tiền, một thân một mình đưa thi hài vợ về quê, ở lại nhà con gái, con rể cũng buồn, ông quay trở lại, bám trụ ở thành phố này. Không đủ tiền để thuê phòng trọ lớn, ông dạt sang khu này thuê một phòng mà diện tích sàn sàn bằng nhau ,mỗi phòng 7 mét vuông, thấm thoát đã được 3 năm

Giờ thì dịch bệnh xảy ra, cả dãy phòng trọ bỏ hoang, điện nước cũng không còn, tiền ăn thì hết nhẵn, Nếu bỏ về quê, phải đặt mình vào mối quan hệ con người cầu xin con người, đi ăn xin, ăn mày để kéo dài sự sống của thân xác, ông cũng ngán..Cho dù có vượt được chặng đường cả ngàn ky lô mét đi chăng nữa, về nhà cũng chỉ còn da bọc xương, không quà cáp, biếu xén , không chỗ ăn chỗ ở , lại bám vào bốn đứa con gái, chúng nó cũng khinh rẻ, coi thường. Còn ở lại… thời thế này chắc gì còn đủ sức mà chịu đựng. Trông vào nhà nước lúc nào cũng “cho dân và vì dân” mà ngoài nỗi nghèo khổ, chịu đựng ra, họ có cho thêm ông cái gì nữa đâu? Câu nói của cậu bạn từ thời còn là bộ đội vẫn đêm ngày ám ảnh ông : “ Tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng” huống hồ còn phải đeo cả cái thân xác già nua, tàn tạ này . Ở lại thì không được mà về thì còn sức lực, sự hăm hở nào mà về cơ chứ ? Càng nghĩ càng cám cảnh, óc ông thấp thoáng nghĩ đến sợi dây thừng treo cổ, coi như chấm dứt mọi sự ràng buộc, dan díu với đời, khỏi phải trăn trở, suy tính, đắn đo gì. 

Trong bóng chiều chập choạng, ông tìm được một cuốn vở học trò và cây bút bi vẫn còn cất kỹ trong hộc tủ , định viết vài lời trăng trối cuối cùng cho bốn đứa con gái, cũng là giải tiếng oan cho cô chủ nhà trọ, rằng ông ra đi là tự nguyện, là bước đường cùng, ông không muốn để lại gánh nặng nề cho ai, kể cả nhà nước. Nếu tử tế cho thân xác ông vào hộp các-tông hỏa táng ông rồi gửi tro cốt về quê theo địa chỉ nhà các con, hoặc rải xuống sông Sài Gòn cùng những người xấu số , bất hạnh của đại dịch Covid là được rồi…

Bỗng cánh cửa bật mở , cô chủ trọ lao vào, tay cầm điện thoại, miệng la hoảng: 

– Bác, Bác làm gì mà không nghe điện thoại để con gái bác phải gọi điện thoại cầu cứu cháu?

Gấp vội cuốn vở, ông ngẩng lên, mắt vẫn còn ầng ậc nước

Không thèm để tâm tới tâm trạng thất thần, u u minh minh của ông, cô chủ đã dúi vào tay ông chiếc iPhone đời mới:

– Đây bác nghe đi, cô ấy bảo gọi cho bác từ vài tuần nay rồi, sốt ruột ghê lắm mà chả thấy có tín hiệu gì. 

Run run cầm điện thoại, ông vẫn chưa tin vào tai mình, đầu óc vẫn còn ám ảnh trước bao điều vừa kịp viết : Không lẽ đây là một sự giải thoát ?

– Bố! Giọng con gái ông vang lên: – Bố còn làm gì trên đấy mà chưa chịu về nhà? Cả tháng trời nay con gọi điện thoại cho bố mãi mà không được…Cũng may, mấy năm trước khi chuyển về khu trọ này bố cho con số điện thoại của cô chủ nhà để nếu cần giải quyết gấp chuyện gì thì nhắn qua cô ấy, thế là con gọi liều…may quá, con chỉ sợ người ta đưa bố đi cách ly rồi chết ở trong ấy rồi cơ…

Áp sát điện thoai vào tai nghe, ông trả lời, giọng ráo hoảnh:

– Thân tàn ma dại , còn gì mà về nữa hử con? …Cũng may mày gọi kịp cho cô chủ, nếu không… “Tấm thân về với cỏ cây cũng vừa” * rồi con ạ.

– Bố! giọng con gái ông gắt lên: – Bố không được nói gở…Không hiểu lần này có linh tính gì mà con sốt ruột quá, lòng dạ cứ nóng như lửa đốt, không khác gì đêm mẹ con mất…May mà gọi điện thoại được cho cô chủ. 

Ông ậm ừ, đầu óc vẫn vương vấn trong làn sương mù dày đặc

Đầu dây tiếng con gái ông réo rắt:

– Con biết mọi chuyện qua cô chủ nhà trọ rồi, bố không có xe máy để đi, cũng không có tiền để ăn đường, cũng may con đã bàn kỹ với cả hai vợ chồng cô ấy rồi. Trước mắt cô ấy ứng trước cho Bố một triệu tiền ăn đường, còn tiền nợ phòng, tiền điện …Tất cả là bao nhiêu bố cứ ghi vào tờ giấy biên nhận cùng tên tuổi, địa chỉ, chữ ký của cô ấy hễ ngày nào gửi được, vợ chồng con sẽ trả đầy đủ cho cô ấy 

– Trời! óc ông thầm rên lên: – Mày… à vợ chồng mày làm gì mà bỗng dưng nhiều tiền thế hả con? Những bảy, tám triệu có ít đâu.

Giọng cô cả vỡ òa ra sung sướng: 

– Bố về sớm ngày nào vợ chồng con và các cháu mừng ngày ấy. Từ mười mấy năm nay vợ chồng con chỉ trông vào vài sào ruộng khoán với cửa hàng mộc của anh Túc gọi là giật gấu vá vai, túc tắc rau cháo qua ngày thôi. Từ ngày dịch bệnh nổ ra, bạn anh ấy ở trên tỉnh mở xưởng đóng quan tài, làm không hết việc bố ạ. Cả anh Túc, cả cháu Quý nhà con cũng bỏ học lao vào phụ với bố và bác mà làm không xuể. Giờ nếu đón được bố về, anh ấy sẽ mở xưởng đóng quan tài ngay tại nhà luôn.

– Trời đất! ông không tin vào tai mình, gặng hỏi: – Thằng Quý mới 14 tuổi đầu, sao không để nó đi học để thoát nghèo, thoát khổ như bố mẹ và ông bà nó, sao bắt nó đi làm sớm thế? 

Giọng con gái Ông lảnh lót 

– Bố cứ nói thế , xã mình cả chục đứa tốt nghiệp đại học có đứa nào ra người đâu? Đứa đi chăn bò, đứa chạy xe ôm, đứa cắt tóc dạo, tử tế nhất là làm công nhân, lương ba cọc ba đồng…

Trước thế thời loạn lạc, ông không kịp phản ứng gì đã nghe con ông gay gắt trên điện thoại:

– Bọn con nghĩ chán ra rồi , xã hội chủ nghĩa Việt Nam mình bây giờ chỉ có hai nghề không lo thất nghiệp là đào huyệt và đóng quan tài thôi, chả cứ thằng Quý nhà con mà cả mấy thằng Cường, thằng Tuấn, Thằng Tú con các dì và bác cả nữa…Nghỉ tất, theo bác và các anh, học việc, đục đẽo, trông nom quản lý cửa hàng. Ngày nào rỗi việc, cả nhà lại kéo nhau đi đào huyệt thuê.

-Trời! Ông nghe mà lạnh gáy, dù cũng cảm thấy nó nói không sai mấy. 13 năm ở Sài Gòn , trải qua bao nhiêu công việc, tiếp xúc bao nhiêu hạng người, ông bắt gặp bao nhiêu cảnh trớ trêu ở đời. Bố mẹ dành dụm , tích cóp để nuôi con ăn học đại học, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của. Ngày ra trường, không có nổi tiền kê chỗ đứng, đành chịu cảnh thất nghiệp ở nhà, tiếp tục ăn bám bố mẹ. Hoặc nhà có hai thằng con, thằng anh học giỏi vào đại học , thằng em học dốt làm công nhân. Sau 6 năm, thằng dốt đạt mức lương 8 triệu đồng một tháng thì thằng anh tốt nghiệp ra trường, chịu cảnh thất nghiệp hai năm liền mới đệ đơn xin vào làm nhân viên tạp vụ ở cùng công ty em, lương khởi điểm 3,5 triệu đồng một tháng. Xem ra thằng dốt lại có tương lai hơn thằng giỏi, vì thằng dốt yên vị làm lụng, lấy vợ cùng ngành nghề, còn thằng giỏi chán đời, chỉ tu bia, nốc rượu, chửi thề là giỏi…Lại còn có chuyện khôi hài ở ngay mảnh đất Bình Dương cạnh Sài Gòn này. Bố mẹ bán 14 con bò lấy tiền nuôi con ăn học trong 4, 5 năm trời. Cuối cùng khi con ra trường lại phải vay ngân hàng ba chục triệu để mua hai con bò cho con chăn thả vì thất nghiệp, đói rã họng . Xem ra trong xã hội ưu việt hiện tại, đúng là chỉ còn hai nghề không lo thất nghiệp là đào huyệt và đóng quan tài thật . Không kể bệnh dịch thì người chết đã đủ kiểu . Nào ung thư, nào HIV, nào là ngộ độc thực phẩm, nào tai nạn giao thông, nào đâm chém, giết người …Chẳng phải chiến tranh mà thảm cảnh hơn cả chiến tranh, cứ trung bình vài tiếng lại có một vụ xô xát, máu chảy, đầu rơi, đặc biệt là trong đồn công an, oán khí rợn người.

Từ trên nhà, cô chủ lật đật chạy xuống, tay cầm một phong bì: 

– Bác nói xong chưa? Đây… tin và nể lời con gái bác lắm cháu ứng cho bác 1 triệu kèm giấy nợ tiền nhà tiền điện 3 tháng, vị chi là…

Đỡ lấy tờ giấy đặt trang trọng trong chiếc phong bì dày cộp, giọng ông khản đặc: 

– Cảm ơn chị quá! Ơn này sống để dạ, chết mang theo, nhất định sau ngày hết dịch, đích thân tôi và các cháu sẽ lên tận nhà để giả nợ tiền chị và dập đầu cảm ơn chị đã giúp đỡ cưu mang trong những ngày khốn khó, không trông chờ được ai, kể cả nhà nước.

Lấy lại điện thoại từ tay ông, cô chủ dặn: 

– Thôi bác cố đi nghỉ rồi sáng mai đi sớm, nhớ tụ tập đông người mới qua được các chốt kiểm dịch bác ạ. Đi một mình như bác họ không cho qua đâu, còn khám xét kinh khủng lắm. Thấy có tiền là họ phạt không thương tiếc. Không những không còn tiền đi đường mà còn mất thêm cả triệu bạc nữa đấy.

Ông ngơ ngác chưa hiểu cô chủ định nói gì, giọng cô chủ đã đanh lại:

– Thế bác không nghe chuyện các chốt kiểm dịch mọc ra như nấm đấy à? Họ yêu cầu mở cốp xe, mở túi đựng thức ăn cho họ kiểm tra, nếu mặt hàng tiêu dùng nào không nằm trong diện thiết yếu là bị phạt hoặc tịch thu trắng. Bà cụ hàng xóm nhà cháu vừa mở cửa hàng mấy tiếng đã bị dân phòng cảnh vệ đến tịch thu hết rau củ quả đem về đồn công an phường chia nhau rồi phạt nóng 2 triệu đấy. 

Ông mang máng nhận ra gương mặt thân quen của bà cụ, người rất thông cảm với những người lao động xa quê như ông, đã mấy lần cho ông mua chịu hàng, khi nào có thì trả sau…Đợt “cô vy, cô vít” này, nghe đâu bà cụ cũng bị thất thoát vài chục triệu đồng từ cái xóm trọ nghèo nàn này. Vậy mà… chưa kịp chia sẻ sự may mắn vì bà cụ đã được mở cửa hàng trở lại , đã nghe tin dữ này.

Giọng cô chủ chua chát:

-Họ bảo tiệm tạp hóa của bà cụ không được bán rau, củ, quả các loại…

– Ô hay, ông buột miệng: – Thế nào là tạp hóa ? Chả lẽ một khái niệm đơn giản đấy họ cũng không biết sao? Tạp là tất cả các loại hàng hóa tạp nhạp, sao lại phân biệt rau, củ, quả với các loại hàng tiêu dùng khác như mì tôm, mì chính, nước mắm cơ chứ ?

– Tốt nhất, cô chủ cắt ngang : – Bác hãy cuộn chặt mớ tiền lẻ này lại, nhét sâu vào trong cạp quần, khi nào cần ăn mới bỏ ra, mà phải ngó trước ngó sau, trông chừng cẩn thận không lại mất hết đấy. Thời buổi dịch, giặc này có người đi mòn gót mới lĩnh được một triệu rưỡi tiền hỗ trợ, khi qua chốt kiểm dịch lại bị phạt 2 triệu vì ra đường không có giấy phép, không rõ lý do …

Cô chủ vừa quay lưng, ông ngơ ngẩn lắp bắp khi nghe tiếng sôi réo câu thúc của dạ dày…Kể từ buổi trưa hôm qua đến bây giờ, ông không có tí gì vào miệng, dù chỉ là nước lã cầm hơi : 

– Chị… chị… lên nhà xem còn có gói mì tôm hay tí cơm nguội nào không… vét…vét… cho… cho tôi…một bát…Thú thực, tôi đã định làm ma đói, không làm phiền ai, không ngờ mọi sự đã rõ mười mươi như thế này tôi không thể thành ma được nữa… phiền chị quá

Ăn xong hai gói mì tôm pha nước sôi bỏng rẫy, ông tỉnh người…

Quay vào sờ soạng thu xếp mấy bộ quần áo vào chiếc túi vải rồi nằm phịch xuống chiếc phản ọp ẹp ở góc phòng, cố giỗ giấc ngủ, đợi trời sáng, giọng cô con gái vẫn văng vẳng: “Bố nhớ đi bằng bất cứ phương tiện gì cũng được, xe trâu, xe bò, xe chở lợn, xe đông đá… miễn về đến nhà là được. Lẽ ra vợ chồng con hoặc các dì phải đi đón bố nhưng đang thời đại dịch, bận bịu quá, nào lo đục đẽo quan tài, nào đi chở hòm cho chủ theo hợp đồng rồi lo đào huyệt thuê, nên bố chịu khó đi một mình vậy…

Nén tiếng thở dài , ông chìm vào giấc ngủ, lần đầu tiên sau hơn 3 tháng trời chống dịch ông mới được ngủ một giấc ngon lành như thế..Đời ông không ngờ lại có kết cục tốt đẹp đến vậy . Đúng là hai lần gặp may, lần đầu nhờ cô chủ tốt bụng, đã cho ông ăn ở miễn phí suốt ba tháng trời lại còn ứng cả triệu bạc để ông về nhà nữa. Lần hai, nhờ chàng rể năng động sớm nắm bắt được thị trường lao động để ông và cả ba chàng rể khác cùng một lũ sáu đứa cháu trai của ông cùng xúm vào mở xưởng mộc đóng quan tài, kiêm cả dịch vụ đào huyệt thuê để mở mày, mở mặt với đời.

Quay người vào tường, ông cố kéo giấc ngủ trở lại vì ông biết đây sẽ là đêm cuối cùng ông còn được ngủ trên chiếc giường cũ kĩ nhưng ấm áp này. Từ ngày mai, dấn thân vào cuộc hành hương định mệnh, ông cũng sẽ như mọi người đồng hương đông đảo khác, ăn bờ ngủ bụi ở bất kỳ chỗ nào có thể ngủ được sau cả chặng dài di chuyển bằng đủ các loại xe đạp xe máy, đi bộ hoặc xe trâu v.v Ông dự định: “ Nếu không bị phạt , bị “ngoáy mũi” qua các chốt kiểm dịch, ông còn đủ tiền để mua chục cái bánh mì và mấy gói kẹo xanh đỏ làm quà cho bọn trẻ con hàng xóm nữa…

Trong giấc ngủ chập chờn nông sâu, ông mơ thấy bà hiện về, miệng nhai trầu bỏm bẻm, tay khươ khoắng ầm ĩ: “Thật là mừng cho ông, không phải cảnh bó chiếu đem chôn hoặc khỏa thân trong hộp cacton ở trên đài khỏa thân hoàn vũ nữa nhé. Ở dưới này tôi vẫn đang đợi ông đấy…Tôi biết , khoảng chục năm nữa đám tang của ông to nhất làng, và thứ áo quan ông mặc, không phải loại gỗ hòm, gỗ tạp , chật chội như tôi mà là gỗ thông hẳn hoi, dày dặn, sạch sẽ, ấm cúng, rộng thùng thình và thơm tho lắm”…Lúc ấy ông đừng chê tôi đấy nhá…

Choàng mở mắt, ông hiểu đó không chỉ là giấc mơ mà còn là hiện thực của mười năm sau đó. Bất giác ông nhếch mép cười khẩy…

Sacto những ngày theo dõi dịch covid Wuhan tại quê nhà Việt Nam.

Tháng 10-2021

Trần Khải Thanh Thủy

2 BÌNH LUẬN

  1. Bà Thanh Thủy,đọc xong tôi chảy nước mắt,nhớ lại thời năm 75,nhà bố mẹ tôi sống ở miền quê Nam Việt Nam,làm nghề mổ heo(lợn),dĩ nhiện là chui,Công An chờ cho tới khi sãn sàng ra thịt chúng ập vào tịch thu hết, kể cả nồi nước luộc lòng.

Leave a Reply to Kỷ Trần Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên