Cuộc chiến Giang – Tập & Đại hội đảng CS TQ 19 (4)

Ngày 15/4/2016, Đài Phát thanh Hoa Kỳ VOA cũng thảo luận về cách thức ĐCSTQ chọn người kế nhiệm Tập Cận Bình. Nhà sử học về ĐCSTQ, Cao Văn Khiêm bày tỏ rằng tình hình về người được chọn kế nhiệm trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 6 của ĐCSTQ khá phức tạp và chưa rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu khó hoàn thành như kế hoạch.

0
Chủ tịchTập Cận Bình (G), thủ tướng Lý Khắc Cường (T) và nhiều lãnh đạo cao cấp Trung Quốc TQ trong ngày lễ Quốc Khánh 01/10/2016 tại Bắc Kinh REUTERS/Damir Sagolj

Người sáng lập tổ chức nhân quyền “Sức mạnh công dân”, ông Dương Kiến Lợi cho rằng điểm quan trọng nhất của Đại hội 19 là có bố trí được hay không và làm thế nào để bố trí được người kế nhiệm. Ông cho rằng: “Nguy cơ chính trị lớn nhất của hệ thống chính trị chuyên chế là khủng hoảng người kế thừa quyền lực, tranh đấu quyền lực nội bộ chủ yếu xoay quanh việc tiến hành tìm người để kế thừa quyền lực, và mức độ kịch liệt có thể sẽ làm hủy diệt toàn bộ đất nước…”

Tác giả chuyên mục, nhà phân tích chính trị Trần Phá Không cho rằng, nội bộ ĐCSTQ và các phe phái đang chuẩn bị cạnh tranh quyền lực cho Đại hội khóa 19. Chế độ hiện tại của ĐCSTQ không thể giải quyết được vấn đề chuyển giao quyền lực tối cao, vì vậy luôn kèm theo tranh đấu trong ‘mưa máu gió tanh’. Nhân tố ngẫu nhiên và sự kiện bất ngờ bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện, làm thay đổi cục diện chuyển giao ban đầu.

Tập Cận Bình hai lần hủy bỏ người kế nhiệm

Tháng 4/2016, trang tin tức Tranh Minh (Hồng Kông) đưa tin rằng, ông Tập Cận Bình gần đây đã hủy bỏ hai người kế nhiệm được xác định từ trước, cho rằng điều đó rời xa thực tế, sắp xếp quá sớm, vô hình đã cố định hình thức thứ tự của các thành viên trong “ban lãnh đạo” cao cấp. Điều này dẫn đến việc xuất hiện căn bệnh thăng chức, xuất hiện bệnh bao che dung túng, kết cục là tạo ra bè phái băng nhóm, cái giá phải trả quá nặng nề.

Theo bài viết, vào ngày 2/3/2016, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ xem xét thông qua nghị quyết hủy bỏ bản dự thảo mà hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ban hành hồi đầu tháng 10/2012, bao gồm việc hủy bỏ các quy định liên quan đến ngăn chặn “bổ nhiệm tạm thời”.

Bài viết cho rằng, đầu tháng 10/2012, Hội nghị cao cấp ĐCSTQ đã thông qua danh sách nhân sự lãnh đạo cho Đại hội Đảng khóa 19 và khóa 20. Trong đó danh sách mà Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại Hội Đảng khóa 19 đề nghị gồm 9 người: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Lý Nguyên Triều, Lưu Kỳ Bảo, Tôn Chính Tài, Hồ Xuân Hoa, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính. Và danh sách lãnh đạo hạt nhân mà Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại Hội Đảng khóa 20 kiến nghị gồm 5 người: Lý Khắc Cường, Hồ Xuân Hoa, Tôn Chính Tài, Uông Vĩnh Thanh, Triệu Lạc Tế.

Nụ cười của hai Thủ tướng Trung – Việt vào năm 2013.

Ngày 11/8/2016, đã từng có bài viết của truyền thông Hồng Kông phân tích rằng, Đại hội Đảng khóa 19 cũng không phải là đại hội mà ông Tập Cận Bình giao ban, luôn luôn có người kiêm nhiệm là 2 quan chức cao cấp ông Hồ Xuân Hoa và ông Tôn Chính Tài “nhập thường”, cũng không đồng nghĩa với việc nhất định kế nhiệm vào năm 2022.

Ông Hồ Xuân Hoa “trúng cử” đại biểu tham gia Đại hội 19 ĐCSTQ

Ông Hồ Xuân Hoa. Hình: internet

Vì trước đây ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhoa) không nằm trong danh sách đại biểu sơ bộ tham gia Đại hội 19 của tỉnh Quảng Đông nên đã có những đồn đoán khác nhau về ông. Tuy nhiên hiện nay ông đã được chọn làm đại biểu tham gia Đại hội 19, ông Hồ Xuân Hoa cũng là một trong những nhân vật “nóng” trong cuộc đua vào Ban Thường vụ. Có tin tức cho biết, ông Hồ Xuân Hoa đã trải qua cuộc “sát hạch” của lãnh đạo cao cấp và đã vượt qua cửa ải quan trọng trong cuộc đua vao Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, tỉnh Quảng Đông đã bầu chọn ra 70 đại biểu tham dự Đại hội 19, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Hoa cũng có trong danh sách này.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 5, trong danh sách 84 người được đề cử để bầu chọn làm đại biểu tham dự Đại hội 19 của tỉnh Quảng Đông không có tên ông Hồ Xuân Hoa, cũng vì thế mà dẫn đến nhiều đồn đoán của giới quan sát về ông.

Tuy nhiên, ngày 14/5, theo Trung tâm Thông tin Dân vận Nhân quyền Trung Quốc tại Hồng Kông, ông Hồ Xuân Hoa là người được Trung ương trực tiếp lựa chọn làm đại biểu tham gia Đại hội 19 của tỉnh Quảng Đông. Vì thế mà ông không được đưa vào danh sách sơ bộ những người được đề cử để bầu chọn.

Trước đó tại Đại hội 18, ông Uông Dương cũng không được đưa vào danh sách sơ bộ những người được lựa chọn tham dự Đại hội 18 của tỉnh Quảng Đông, tuy nhiên ông vẫn trúng cử đại biểu tham dự Đại hội 18 của tỉnh Quảng Đông.

Thông thường chỉ những thành viên thuộc Bộ Chính trị mới được Trung ương trực tiếp lựa chọn làm đại biểu địa phương tham gia Đại hội Đảng.

Ông Hồ Xuân Hoa, 54 tuổi, quê ở huyện Ngũ Phong, tỉnh Hồ Bắc. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc;  Bí thư chi bộ, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông. Năm 2012 ông thăng chức vào Ủy viên Bộ Chính trị và làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.

Tỉnh Quảng Đông từng là một trong những địa bàn quan trọng của phe cánh ông Giang Trạch Dân. Những nhân vật thuộc phe ông Giang Trạch Dân như ông Lý Trường Xuân và Trương Đức Giang đều lần lượt nắm giữ chức vụ chủ chốt của tỉnh Quảng Đông, họ dần dần củng cố thế lực tại đây. Tuy nhiên, sau khi ông Uông Dương và Hồ Xuân Hoa lần lượt quản lý Quảng Đông đã loại trừ nhiều người thuộc phe của ông Giang Trạch Dân.

Từ thời ông Hồ Cẩm Đào đương nhiệm, hai ông Hồ Xuân Hoa và ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) luôn được coi là quan chức cấp cao địa phương nằm trong quy hoạch tiếp nhận chức “thái tử”, được cho rằng sẽ là một trong những người vào Ban Thường vụ.

Trong những năm gần đây, liên qua đến sự biến đổi đại cục của Trung Quốc, không ít người liên tục kêu gọi ông Tập Cận Bình loại bỏ ĐCSTQ. Giáo sư Đại học George Washington, chuyên gia lâu năm về các vấn đề Trung Quốc, ông Thẩm Đại Vỹ (David Shambaugh) đã từng khẳng định: “Ngày diệt vong của ĐCSTQ đã bắt đầu,” cải cách chính trị đã trở thành một xu hướng lớn. Ông cho rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình sẽ có thể mở ra cục diện thay đổi lớn của Trung Quốc.

Cũng có tin cho rằng, đến nay, ông Tập Cận Bình cơ bản đã sắp xếp xong nhân sự cho các vị trí then chốt ở phía đảng và nhà nước của 31 tỉnh thành. Trước Đại hội Đảng 19, thế lực của ông Giang Trạch Dân trên toàn quốc đã bị phân tán toàn diện.

Thủ đô Bắc Kinh thời cổ đại được mệnh danh là kinh đô “dưới chân Hoàng Đế”, sự ổn định và an toàn của kinh đô có thể dẫn đến sự thay đổi toàn cục, trong đấu tranh chính trị, để mất kinh đô cũng tương đương với để đối thủ bóp nghẹt cổ họng. Bắc Kinh cũng chính là nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tranh đoạt khi đấu tranh quyền lực, nếu như không thể nắm vững quyền lực về quân đội phòng thủ Bắc Kinh, chính quyền thành phố Bắc Kinh và trung ương cảnh vệ đoàn trong tay, thì những nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ không thể an toàn.

Bắc Kinh là đại bản doanh của quyền lực chính trị của ĐSCTQ, chức vị Bí thư Thành ủy Bắc Kinh là một trong những chức vị đứng đầu cấp địa phương của ĐCSTQ, cũng phải là một thành viên của Bộ Chính trị Trung ương. Trước Đại hội Đảng 19, một trong những bố cục nhân sự cấp địa phương quan trọng nhất, chính là bố cục nhân sự cho các vị trí then chốt ở Bắc Kinh.

Cuộc chiến quyền lực Đại hội 19 sẽ kết thúc vào đầu tháng 11/2017

Ngày 8/6 vừa qua, tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) đã điểm lại lịch trình của ông Tập Cận Bình trong nửa cuối năm nay và đưa ra phán đoán: Đại hội 19 có thể sẽ kết thúc trước đầu tháng 11/2017. Những ngày gần đây, có không ít phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình đang đối mặt với nhiều thách thức trước thềm Đại hội 19.

Ông Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm Kazakhstan (7 – 10/6) và tham dự Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (the Shanghai Cooperation Organization), đây là chuyến thăm nước ngoài duy nhất trước khi ông đến thăm Hồng Kông.

Theo thông lệ, trước khi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc 5 năm một lần, Tổng Bí thư sẽ có một bài phát biểu nhằm định hướng Đại hội cũng như tiết lộ chủ đề báo cáo chính trị.

Tại 3 lần Đại hội trước đều diễn ra như vậy. Do đó trong lần này, trước khi thăm Hồng Kông, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ có một bài phát biểu vào trước hoặc sau ngày 1/7 để định hướng Đại hội 19 diễn ra vào mùa thu tới.

Bài báo cho biết, lịch trình của ông Tập Cận Bình trong nửa cuối năm nay đã được sắp xếp kín. Sau ngày 1/7, ông Tập lại tiếp tục tới Đức để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg.

Ngày 1/8 là Ngày kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội và sẽ có hoạt động kỷ niệm long trọng, có thể là cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn và duyệt binh, ông Tập Cận Bình sẽ chủ trì hoạt động này.

Đầu tháng 9, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao BRICS tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Với danh nghĩa nước chủ nhà, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp đón nguyên thủ 4 nước là Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Từ ngày 8 – 10/11, ông Tập Cận Bình sẽ đến Đà Nẵng, Việt Nam để tham dự Hội nghị cấp cao APEC. Trước hoặc sau thời gian này, ông Tập sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng thống.

Theo phán đoán về lịch trình của ông Tập Cận Bình, nếu không có gì phát sinh thì Đại hội 19 sẽ kết thúc trước đầu tháng 11.

Theo thông lệ, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức 5 năm một lần, từ Đại hội 11 đến nay đều diễn ra trong khoảng thời gian nửa cuối năm, cụ thể khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, muộn nhất sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 11.

Trước khi diễn ra Đại hội 19, có không ít phân tích của giới quan sát cho rằng vì liên quan tới nhiệm kỳ mới của lãnh đạo cấp cao, nên cục diện trở nên vô cùng mẫn cảm, làn sóng ngầm trước Đại hội 19 đang dần dần hiện rõ và ông Tập Cận Bình đang đối diện với rất nhiều thách thức.

Trí Đạt – Hoàng Quân

(Tri Thức)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên