Ngày N Giờ G

1
Mervyn Kersh, 99 tuổi, Cựu chiến binh D-Day, tại nhà riêng ở London, ngày 8 tháng 4 năm 2024. (Ảnh AP/Kirsty Wigglesworth)

Chuyện của mình

Khi nói Ngày N và Giờ G, người ta muốn dùng ký tự đầu của Ngày và Giờ để chỉ thời gian mang một ý nghĩa đặc biệt hoặc để nhấn mạnh cho một chuyện sắp sửa diễn ra có ảnh hưởng quan trọng cho cá nhân hay tổ chức nào đó.

Ví dụ, họ Tô muốn đánh úp họ Nguyễn để thống lĩnh cơ đồ nhà Sản, anh ta tập họp hơn 60 đàn em lại, lấy một lý do vớ vẩn nào đó cho họ Nguyễn khỏi nghi, rồi đóng cửa lại bảo vào tai các đàn em phải làm như vầy, như vầy.

Đến phần giải đáp thắc mắc, khi đám đàn em hỏi khi nào ra tay vậy đại ca, anh Tô nói các chú cứ nai nịt sẵn sàng, chờ đến ngày N và giờ G thì chúng ta triển khai, bởi vì nói ra bây giờ đíu có được, thiên cơ bất khả lậu.

Trên đây chưa hẳn là một kịch bản giả tưởng, vì trong quá khứ anh Tô đã từng có kinh nghiệm. Đêm 8 tháng 1 rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, anh đã mang hàng ngàn quân tấn công thôn Hoành, Đồng Tâm, bắn chết và phanh thây đảng viên 58 tuổi đảng Lê Đình Kình, tóm gọn hết con cháu của cụ.

Chiến dịch Đồng Tâm của anh Tô thắng lợi vẻ vang một phần nhờ giữ được bí mật đến phút chót, toàn bộ phe địch trong thôn Hoành không kịp trở tay, chứ nếu như biết được giờ G ngày N thì không phải chỉ có ba công an được Tổ Quốc Ghi Công.

Chuyện của người ta

Tiếng Anh có “D-Day” tương tự như “Ngày N” của ta. Đã xảy ra tranh cãi về “D” trong “D-Day” để xem nó thực sự viết tắt của cái gì. Người thì nói đó là Decision Day (ngày Quyết định), người thì khẳng định đó là Designated Day (ngày Được chỉ định), người thì cãi Deliverance Day (ngày Giải phóng) mới đúng, người thì đùa Doomsday (ngày Tận thế) hoặc bi quan hơn, Death Day (ngày Tử thần).

Cuối cùng thì đa số nhất trí D-Day dùng để chỉ ngày quân Đồng minh đổ bộ bờ biển Normandy của Pháp, mở cuộc tấn công ác liệt vào quân Đức Quốc Xã và ngày 6 tháng 6 năm nay đánh dấu 80 năm xảy ra cuộc đổ bộ, giải phóng Bắc Âu, mở đường cho cái kết của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, dẫn đến cái chết của Hitler.

150.000 quân Đồng minh của 12 quốc gia đã tham gia trận đánh cùng với hàng ngàn máy bay và hàng trăm tàu chiến, có 4.415 quân nhân Đồng minh thiệt mạng, thân xác nằm lại rải rác trong khu vực.

Cuộc chuẩn bị đổ bộ Normandy đã khởi đầu vào năm 1942, chỉ riêng địa điểm đổ bộ cũng giữ bí mật và phải thay đổi để đánh lừa người Đức, ban đầu D-Day được lên kế hoạch vào ngày 5 tháng 6 năm 1944, nhưng phải lùi lại một ngày vì dự báo thời tiết xấu.

Tướng Mỹ Eisenhower, sau này là Tổng thống, đã ra Nhật Lệnh: “Chúng ta sẽ không chấp nhận gì khác ngoài Chiến thắng hoàn toàn! Chúc các bạn may mắn và tất cả chúng ta hãy cầu xin Thượng Đế toàn năng ban phước lành cho công việc vĩ đại và cao quý này.”

Đã có viện bảo tàng dành riêng cho D-Day, đã có bộ phim và bài hát riêng cho nó. Trong chiến tranh Thế giới thứ Hai cũng có các D-Day khác, như mặt trận ở Bắc Phi và Sicily, nhưng Normandy vẫn có chỗ đứng số 1 khi nói đến D-Day.

Mark Calhoun, giảng viên trường Cao đẳng quân sự tại Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas giải thích rằng D-Day – ngày một chiến dịch quân sự bắt đầu – là một thuật ngữ được các chiến lược gia ưa chuộng trong việc vạch ra một nhiệm vụ mỗi khi không định ngày chính xác.

Dần dần, D-Day cũng được sử dụng một cách phổ biến, tiện lợi và linh hoạt. Ví dụ, các nhà hoạch định quân sự sử dụng “D-2” có nghĩa là “hai ngày trước D-Day” và “D+6” khi muốn nói “sáu ngày sau D-Day”, tránh phải đưa ra ngày chính xác và duy trì tính bảo mật.

Chuyện bên lề

Phóng viên chiến trường, Martha Gellhorn không được phép tháp tùng lực lượng đổ bộ Đồng minh vào D-Day bởi vì mình là phụ nữ. Cô không chấp nhận lệnh đó, muốn đi cho bằng được. Đêm trước cuộc đổ bộ, cô đã kiếm được một chỗ trên tàu bệnh viện bằng cách nói với quân cảnh rằng cô lên tàu để phỏng vấn các y tá. Gellhorn chui vào một vệ sinh, khóa cửa và trốn trong đó cho đến khi con tàu đến Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1944. Cô là nữ phóng viên duy nhất có mặt tại mặt trận này.

Cụ Mervyn Kersh, người Anh đang sống ở London, là một cựu chiến binh tham gia trận Normandy. Khi đó, cụ là một hạ sĩ bộ binh 19 tuổi. Cụ trở lại Pháp vào tuần này để tham dự các buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 80 năm D-Day. Số lượng cựu chiến binh còn sống từ Normandy ngày càng teo lại, người nào cũng xấp xỉ 100.

Các cựu chiến binh trận Normady thường truyền tai nhau câu chuyện vui.

Một cựu chiến binh 93 tuổi đáp máy bay đến Paris. Khi cụ đang loay hoay nơi túi áo để tìm hộ chiếu, một bà hải quan Pháp nhăn mặt hỏi cụ đã từng đến Pháp bao giờ chưa.

Cụ thú thật mình đã từng ở Pháp trước đây. 

Bà hải quan bèn nói: “Vậy thì cụ phải biết để sẵn hộ chiếu ra ngoài cho chúng cháu dễ làm việc, thưa cụ.”

Cụ trả lời: “Tôi biết, nhưng lần trước tôi đâu cần để sẵn ra ngoài đâu.”

Bà hải quan nghi ngờ: “Không thể nào như thế được, mông-xừ, tất cả người nước ngoài đều phải xuất trình hộ chiếu mới được nhập cảnh.”

Cụ từ tốn nói: “Tôi hiểu, ma-đam, khi tôi đến vào D-Day năm 1944, tôi có thấy một người Pháp cà chớn nào đâu để xuất trình.”

Châu Quang

Chiến hạm USS Nevada khai hỏa vào các vị trí trên bờ trong cuộc đổ bộ Normandy vào D-Day, 6 tháng 6 năm 1944. (Ảnh Wikimedia Commons)
Một cựu chiến binh Thế chiến II nói chuyện với một người bạn vào cuối buổi lễ kỷ niệm 75 năm D-Day tại Nghĩa trang Normandy ngày 6 tháng 6 năm 2019. (Francisco Seco/Ảnh tư liệu AP)
Một góc của trận đổ bộ bờ biển Normandy (Ảnh tài liệu của quân đội Hoa Kỳ)

 

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngày D và Giờ G là ám chỉ ngày và giờ một sự kiện quan trọng sẽ xảy ra vào ngày đó và giờ đó mà chưa hoặc không muốn tiết lộ, chờ tới khi sự kiện chính thức xảy ra và nó được lấy làm cái mốc gọi là Ngày D và Giờ G.

    Thế giới có ngày D Day là ngày đồng minh đổ bộ vào Pháp đánh phát xít Đức. Kể từ sau ngày đó, hàng năm các nước ăn mừng để kỷ niệm.

    Riêng VN dưới chế độ cộng sản, bất cứ cái gì thuộc về của đảng thì đều là bí mật. Người dân không được biết và không có quyền được nghe đảng trình bày sau sự kiện. Tất cả là bí mật vì những chuyện đảng làm là những chuyện hại dân và hại nước.

    Như cái chuyện Trọng đốt lò. Ban đầu còn sợ vỡ bình. Nay bình vỡ thì đổi bình khác. Lò chỉ để đốt cán bộ lãnh đạo và đảng viên tranh giành quyền lực và tham nhũng mà tên nào cũng một chân trên miệng lò và một chân ngoài lò và bất cứ ngày D hay giờ G nào cũng có thể bị xô vào lò.

    VN vừa có hai sự kiện xảy ra. Một là sự xuất hiện nhà sư Thích Minh Tuệ làm bẽ mặt bọn cộng sản. Hai là tác giả “Bên Thắng Cuộc” vừa thua cuộc và mất tích.

    Người ta đồn rằng Huy Đức bị bắt cóc. Bắt cóc người thì chế độ cộng sản Hà Nội nổi tiếng thế giới. Trốn ở nước Đức hay nước Thái Tô Lâm cũng dám bắt cóc khi muốn thì bắt cóc người ở trong nước lại càng dễ. Huy Đức là cây viết của Trọng, trước viết đánh Dũng đuổi Dũng về vườn làm người câm. Vừa rồi Huy Đức viết chống Tô Lâm mà Huy Đức quên Lâm là vua bắt cóc người và nay là chủ tịch nhà nước côn an việt cộng.

    Đất nước bây giờ Trâu Bò tranh ăn, Chó Mèo cũng bị đạp…vào lò.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên