Tiếng hát Lộc Vàng

0
Ảnh Trần Trung Đạo
Boston, nơi tôi ở, trời đã cuối thu. Những cơn mưa đêm tuốt đi những chiếc lá cuối cùng. Lárơi đầy trên những con đường trong xóm, trên mặt hồ và hàng cây trước mặt nhà chỉ còn những cành trơ trụi.
 
Sáng thức dậy là nghe tiếng chổi vọng về từ phía sân thiền viện bên kia đường. Những cánh chim Cardinal màu đỏ thắm, Blue jay màu xanh mới hôm nào nhộn nhịp đã không về nữa. Bầy ngỗng không còn kêu trên mặt hồ lạnh giá. Khu vườn chỉ còn là một thảm lá dày. Cô con gái út lặng lẽ đem cất bình đựng thức ăn dành cho chim vào trong kho đựng đồ đạc góc vườn và bảo chúng đã di cư về miền nam, hy vọng sang mùa nắng ấm chúng sẽ nhớ đường về.
 
Hôm trước, ngồi nghe ca sĩ Ánh Tuyết hát Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn lòng chợt nghĩ về một nghệ sĩ khác có lần đã hát bài hát đó mà tôi nghe qua youtube. Bỗng dưng muốn viết về anh.
 
Tên anh là Nguyễn Văn Lộc, chủ quán Cà phê Lộc Vàng ở ven hồ Tây, Hà Nội. Tôi chưa gặp, chưa quen anh nhưng có thể tôi nghĩ về anh nhiều hơn những nghệ sĩ tôi đã gặp và quen. Hai tuần trước lại một lần nữa tâm sự với một người bạn trên Facebook về anh. Mới biết, tâm hồn con người là một thế giới tinh thần kỳ diệu, có điểm hẹn hò và có lối đi riêng, tưởng như vô hình và xa xôi nhưng lại vô cùng cụ thể và gần gũi.
 
Con người và con vật giống nhau ở chỗ sống theo bản năng nhưng khác nhau ở chỗ con người có tâm hồn mà con vật thì không. Trong một góc kín của tâm hồn có những người tôi thương mến dù biết có thể không bao giờ gặp nhau, vẫn nghe ấm lòng khi nghĩ đến dù có thể sẽ chẳng bao giờ được cầm lấy bàn tay nhau. Bởi vì, trong không gian vô cùng của ý thức có một sợi nhân duyên nối lại những tâm hồn mang nặng tình thương, tình yêu, tình đồng bào và tình nhân loại.
Nếu anh Nguyễn Văn Lộc sống ở các nước Đông Âu hay một trong 15 nước thuộc Liên Xô cũ, có thể nhiều tác phẩm đã viết về anh và nhiều phim ảnh được dựng quanh cuộc đời gian nan, cay nghiệt, đầy nước mắt nhưng cũng đầy huyền thoại của anh, nhưng tại Việt Nam, anh chỉ là một nghệ sĩ và chắc anh cũng chỉ mơ ước làm một nghệ sĩ cho đến cuối đời.
 
Những lời ca của anh chảy ra từ dòng suối tự do bất tuyệt. Giữa tiếng đạn réo bom rơi của hận thù tiếng nước vẫn reo róc rách. Không một Joseph Goebbels hay Heinrich Himmler của Đức Quốc Xã, không một Nikolai Ivanovich Yezhov hay Lavrentiy Beria của Liên Xô, không một Lê Đức Thọ hay Trần Quốc Hoàn của Việt Nam có thể làm suối tự do khô cạn trong lòng người khao khát tự do.
 
Tại Việt Nam, dòng suối tự do trong lòng các Phan Thắng Toán, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc đã chảy dù nhiều khi chảy rất cô đơn. Các anh cô đơn bởi vì tuy giống nhau về khát vọng so với phong trào Nhân văn giai phẩm, các anh lẻ loi và đơn độc hơn nhiều. Những Phan Khôi, Trần Dần, Hữu Loan v.v… có trong tay võ khí là cây bút, có trong tay phương tiện là tạp chí Nhân Văn, có ảnh hưởng ít nhiều trong quần chúng, các anh không có gì cả ngoài tiếng hát, lời ca.
 
Những người tôi quen đều biết đến anh và hẹn nhau nếu có dịp về Hà Nội sẽ đến quán Lộc Vàng nghe anh hát. Tôi cũng vậy, mơ được ngồi trong góc của quán Lộc Vàng để nghe anh hát như những ngày trước năm 1975 lang thang ở Sài Gòn với Cà phê Hân trên đường Đinh Tiên Hoàng, Cà phê Da Vàng gần Cổng xe lửa số 6 và vô số quán không tên dọc Thư viện Quốc Gia, trường Luật hay hẻm 220 trên đường Trương Minh Giảng. Sài Gòn ngày đó là Sài Gòn chiến tranh, Sài Gòn biểu tình, Sài Gòn “đại bác ru đêm” nhưng vẫn có một Sài Gòn với trái tim rung động theo từng nốt nhạc trong những tình ca của Đoàn Chuẩn, Văn Cao.
 
Nghe anh Lộc Vàng hát, tôi chợt nghĩ đến tiếng dương cầm của nhạc sĩ Do Thái Władysław Szpilman trổi lên từ căn gác nơi ông đang trốn ở Warsaw trong Thế Chiến thứ Hai. Phim The Pianist được dựng từ câu chuyện thật của đời ông. Nhạc sĩ Do Thái Władysław Szpilman may mắn hơn nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Lộc. Viên sĩ quan Đức đứng nghe Władysław Szpilman chơi đàn có một trái tim nhân bản và lòng yêu âm nhạc nên Władysław Szpilman được cung cấp bánh mì và cho phép sống yên ở đó, nhưng những tên công an rình nghe nghệ sĩ Nguyễn Văn Lộc hát là những kẻ không có trái tim mà chỉ có cái đầu u mê cuồng tín nên anh phải chịu bản án mười năm lao động khổ sai trong các trại tù.
 
Cay nghiệt của đời anh bắt đầu từ thập niên 1960 khi anh và hai người bạn đam mê âm nhạc thường gặp nhau trong những tối và đàn hát nhau nghe những bản tình ca, nhiều nhất là của Đoàn Chuẩn. Mùa thu Hà Nội đi vào tâm hồn anh qua những ca từ lãng mạn “Anh mong chờ mùa thu, dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai, và cánh chim ngập ngừng không muốn bay, mùa thu quyến rũ anh rồi.” Anh không vào chốn thiên thai mà vào Hỏa Lò. Anh bị bắt ngày 27 tháng 3 năm 1968, mới 23 tuổi, và ba năm sau bị kết án 10 năm tù cộng 4 năm mất quyền công dân chỉ vì cái tội hát tình ca. Quãng thời gian đẹp nhất của một đời người, từ đó, bị đóng khung trong bốn vách tường rêu.
 
Trong những bài phỏng vấn anh mà tôi được đọc, không ai hỏi anh hay vì không muốn gây khó cho anh, có bao giờ anh đã hát tình ca trong tám năm sống trong tù. Chắc là có dù có thể không hát lớn. Anh hát khi đứng nhìn những chiếc lá vàng bay qua cửa sổ nhà tù. Anh hát khi thức dậy nửa đêm nhìn ánh trăng thu soi bóng trong sân nhà tù vắng lặng. Và anh hát vì biết ngoài kia có một người con gái đang vượt qua bao nhiêu khổ đau để chờ đợi anh về. Ngày đó anh chị chưa cưới nhau nên những bản tình ca, ngoài ước mơ về một mái ấm gia đình còn mang nhiều mơ mộng phiêu du của hai trái tim son trẻ.
 
Làm sao ngăn được nhất là những đêm trăng anh nghe lòng cất lên “Chờ trăng lên ánh trăng e lệ mãi, vương vấn mong lá rơi bên thềm vắng, gió thu như cùng chia mối âu sầu của bóng cây tàn lá, trong đêm hờ hững, rồi trăng lên ánh trăng mơ huyền quá, âu yếm hoa ý tơ dịu dàng say” trong nhạc phẩm Ánh trăng mùa thu, hay “Gửi gió cho mây ngàn bay, gửi bướm muôn màu về hoa, gửi thêm ánh trăng màu xanh” trong bài Gởi gió cho mây ngàn bay.
 
Chị đã chờ đợi và chờ đợi cho đến ngày anh ra khỏi nhà tù. Họ cưới nhau và sống với với nhau những ngày vô vàn khổ cực nhưng cũng vô vàn hạnh phúc. Hạnh phúc của anh chị không phải trong một lâu đài mà chỉ là căn phòng vỏn vẹn 9 mét vuông, nhưng không gian nhỏ hẹp đó đã chứa được cả quả địa cầu của tình yêu chung thủy. Chị qua đời về thể xác nhưng vẫn mãi mãi sống trong anh một tình yêu tròn như trăng mười sáu.
Các anh vào tù là phải. Những năm 1960 không phải là thời của tình ca mà là thời “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” được tiêm vào trong máu, phà trong từng hơi thở của mỗi con người miền Bắc.
 
Đó là thời thịnh hành của những nhạc phẩm cỡ Xin khắc tên anh trên vách chiến hào của Huy Du để ca tụng một “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” “như bông hoa rực sáng bầu trời, hương toả ngát nơi nơi, tiếng mìn anh vang dội...” dù lúc đó anh Nguyễn Văn Bé đang sống bình an ở Sài Gòn và cũng chưa hề ôm mìn, ôm bom gì cả mà chỉ trốn dưới con lạch nhỏ cho đến khi bị kéo lên.
 
Đó là thời của những bài thơ như “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu vinh danh một “anh hùng Nguyễn Văn Trỗi”, người thợ điện không phân biệt được cực âm dương nhưng lại có phép thần thông để “giật phắt mảnh băng đen” dù cảnh sát tư pháp VNCH đã “trói Anh vào cọc, mấy vòng dây.” Đất nước có một thời đã sống trong niềm tin ngoại cảm như thế và vẫn còn tiếp tục sống cho đến ngày nay.
 
Giống như tại Liên Xô chỉ trong vòng hai năm, 1917 đến 1918, Agitprop, bộ tuyên truyền của Liên Xô, đã phát hành 3600 mẫu bích chương tuyên truyền, tại khắp nơi ở miền Bắc Việt Nam, từ mọi cửa hàng, đường phố, cơ quan, đâu cũng dán truyền đơn, bích chương, biểu ngữ tuyên truyền đập vào mắt, xoáy vào nhận thức người đọc bằng một khẩu hiệu, một mệnh lệnh, một giáo điều tuyệt đối. Chính sách tẩy não đạt đến mức triệt để và tận cùng.
 
Giữa một xã hội mà sự lừa dối chế ngự mọi lãnh vực của đời sống, các anh như dòng sông chảy ngược trong đau nhức để tìm lại cội nguồn nhân bản và sự thật từ trái tim mình.
 
Cách đây hai tuần, trên đường từ phi trường đến khách sạn ở Las Vegas, tôi bắt chuyện với anh tài xế taxi gốc Nam Mỹ vào tuổi trung niên. Anh đang tính đưa gia đình về miền tây nam vì sau 23 năm làm tài xế taxi ở Las Vegas anh vẫn chưa dành dụm được gì. Anh than thở, 23 năm ở khu sòng bài này thật là lãng phí. Tôi khuyên anh nên đi vì ở lại thành phố cờ bạc này đến cuối đời anh cũng chỉ là tài xế taxi nhưng đừng hối tiếc 23 năm lãng phí. Không ai biết được con đường ngày mai sẽ có ít hay nhiều gai góc nhưng nếu không gặp bất trắc anh sẽ có ít nhất 23 năm nữa để sống, và nếu có quyết tâm anh sẽ xây dựng cho anh chị và gia đình một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Thời gian 23 năm tới mới là quan trọng chứ không phải 23 năm đã qua. Khi bước xuống xe, tôi khuyên anh một điều, thời gian không bao giờ mất khi chúng ta còn sống.
 
Thật vậy. Thời gian trôi trên sông đời bất tận và chúng ta cùng trôi với thời gian. Không mất gì cả. Bầy chim bay về hướng nam tìm nơi ấm, người tài xế taxi dời về nam để tiếp nối cuộc đời và anh Lộc Vàng mỗi đêm vẫn hát tình ca.
 
Trần Trung Đạo

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên