Tiễn đưa Võ Nhơn Trí

4
Ông Võ Nhơn Trí

Cách đây vài tuần, anh hẹn tới nhà ăn trưa cùng với một số bạn bè. Giờ chót, anh không tới được, vì đi nhà thương về, ‘’mệt quá, lết không nổi‘’. Khi anh nói lết không nổi, nghĩa là …lết không nổi, bởi vì tính anh thực thà, không biết bịa đặt, dù để cáo lỗi. Nghĩ chắc tại đôi chân, vì từ mấy năm nay, anh đau chân, đi vài bước phải kiếm chỗ ngồi thở. Không ngờ anh đang chuẩn bị đi xa. Tiến sĩ Võ Nhân Trí vừa từ trần ở Paris, hưởng thọ 92 tuổi Những ngày gần đây, không thấy anh ở thư viện. Thường gặp anh ở một thư viện nhỏ, quận 10, Paris. Sách không nhiều, cuốn nào đáng đọc đã đọc hết, nhưng báo chí có đủ loại, từ nhật báo, tuần báo tới các đặc san.

Nhiều khi mở một tờ báo, thấy có dấu bút chì gạch dưới vài đoạn. Biết là ông Võ Nhơn Trí đã tới trước. ‘’Tôi đánh dấu để anh đọc những bài đáng chú ý‘’. Thư viện vừa mất một độc giả trung thành, lúc nào cũng tò mò, muốn tìm hiểu. Gặp, anh hỏi đủ thứ chuyện, phải tường trình đủ chuyện. Anh có thói quen ít người Việt có, nhất là người Việt đôi chút khoa bảng: nghe ý kiến của người khác.

Là công tử Nam kỳ, có dân Tây, đi Pháp sớm, học Luật ở Pháp, kinh tế ở Anh, nhưng Võ Nhơn Trí chỉ muốn về giúp nước. Theo anh Nguyễn Văn Trần, anh Trí căm giận thực dân, vì khi học nội trú trường Taberd, phòng anh sát tường bót Catinat, Sàigon, đêm ngủ giật mình nghe tiếng rên la của tù nhân bị lính kín Tây tra tấn. Khi sang Pháp du học, cư ngụ ở Cité Universitaire, Paris, anh hoạt động với phe tả.

Anh gia nhận đảng CS Pháp từ 1952 và đảng CS VN từ 1961. Năm 60, thay vì ngồi ở Paris ủng hộ cách mạng, như nhiều trí thức thiên tả khác, anh về Hà Nội, tưởng sẽ có cơ hội giúp nước. Khám phá ra chuyện coi trí thức là cục phân là một thực tế. Hơn thế nữa, trí thức là một đe dọa cho chế độ, nhất là trí thức trưởng giả, từ Pháp về, tư duy rất khả nghi, dù thật lòng yêu nước. Bởi vì lòng yêu nước không phải là một yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định là sự trung thành với Đảng. Trong suốt thời gian ở VN, anh chỉ ngồi chơi xơi nước, trừ khi chính quyền cần gởi một người có bằng cấp, thông thạo ngoại ngữ đi tuyên truyền ở Bắc Phi.

Chế độ không cần chuyên, chỉ cần hồng. Nhất là hồng dễ bảo, không suy nghĩ rắc rối. Chị Trí, dược sĩ, đang làm cho viện Pasteur Pháp, cũng bỏ việc theo chồng về ‘’giúp nước‘’, được đưa vào một phòng thí nghiệm không thí nghiệm gì, dưới quyền bà trưởng phòng có trình độ chuyên môn tương đương với nhân viên rửa chai lọ. Ngồi chơi xơi nước là thời gian chưa bị nghi kỵ, vì những lời chỉ trích Đảng và nhà nước của anh được báo cáo đầy đủ.

Tiến sĩ Võ Nhơn Trí khám phá ra cách mạng còn dã man với đồng bào hơn cả thực dân trong khám lớn Sài gòn. Khám phá ra người CS không có đất nước, chỉ có Đảng. Vài năm sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, anh mới được phép từ Hà Nội trở về miền Nam. Một phó thủ tướng nói với anh: nếu cho những người như anh vào Sài gòn ngay khi giải phóng, nghe anh nói xấu XHCN, chắc thiên hạ sẽ bỏ chạy hết.

Sang Pháp tỵ nạn năm từ 1984, anh viết sách, đa số bằng Pháp (hay Anh Ngữ (thí dụ: Vietnam economic since 1975, nxp Pasir Panjang. Singapour) vạch trần những tệ hại của chế độ. Cuốn ‘’Việt Nam cần đổi mới thực sự‘’ (2004) phân tích những lý do đưa VN tới tụt hậu, trong khi các nước trong vùng không ngừng phát triển. Theo tác giả, muốn ra khỏi cái nhục của một nước chậm tiến, VN phải thay đổi cả về chính trị lẫn chính sách kinh tế, đầy những vụng về, lầm lỗi.

Nhưng tác giả bi quan: VN chỉ có thay đổi nếu có một lực lượng đối lập mạnh, và đối lập ở VN đã bị tiêu diệt từ trứng nước. Khác với những nhà trí thức thiên Cộng, biết mình lầm đường, nhưng ngậm miệng, anh Trí nghĩ nêu rõ cái sai lầm của chính mình là một bổn phận đối với những thế hệ sau, là một món nợ phải trả.

Những người tiếp xúc với anh Trí thấy anh chống Cộng, gay gắt, kiên trì hơn cả những người đã mục xương trong nhà tù CS. Gần như một ám ảnh ngày đêm. Ngay cả khi ăn nhậu, sớm muốn gì cũng đi tới đề tài: làm cách nào chấm dứt được chế độ CS ở VN. Anh Nguyễn Văn Trần giải thích: đó là phản ứng của một người giầu tình cảm. Theo Cộng Sản vì yêu nước, bị phản bội, còn đau hơn là những người đã biết thực chất CS từ những ngày đầu. Cuộc đời của anh Trí là một thảm kịch. Như cuộc đời của rất nhiều người VN.

Từ Thức (Facebook)

4 BÌNH LUẬN

  1. Về việc triết gia Trần Đức Thảo về Việt nam để cộng tác với Việt Minh , thân phụ của ông đã thốt lên rằng :

    “Về như vậy là mày tự giết mày rồi! Mà cũng là giết cả mẹ mày và tao nữa. Thảo ơi! Phải chi mà mày học được cái nghề như thợ nề, thợ máy, thợ mộc gì.. thì đỡ khổ cho tao biết mấy… Chúng nó đã xúi mày đi vào chỗ chết. Có là điên mới đi theo chúng nó. Mày về đây là mày giết mày giết cả tao đấy Thảo ơi là Thảo ơi!”.

    Triết gia Trần Đức Thảo, sinh ngày 26/9/1917, là học sinh xuất sắc của trường trung học Pháp Albert Sarraut (Hà Nội). Đậu tú tài Pháp năm 1935 . Năm 1936, được học bổng của Phủ toàn quyền Đông Dương sang Paris. Thi đậu vào trường École normale supérieure (Paris) năm 1939. Đậu thủ khoa đồng hạng bằng Cao học triết học lúc mới 26 tuổi . Ông bắt đầu làm luận án tiến sĩ về Husserl, được vào biên chế nghiên cứu viên ở CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học), và sang Louvain (Bỉ) làm việc một thời gian ở “Kho lưu trữ Husserl”.

    Năm 1952, ông về chiến khu Việt Bắc tham gia Mặt Trận Việt Minh của Hồ chí Minh chống Pháp.

    Năm 1955, ông trở thành giáo sư triết học và là phó giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa,và Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

    Năm 1957-1958, Ông bị Cộng sản kết án dính líu đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm khi ông công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị cách chức phó giám đốc trường Đại học Sư phạm , bị cách chức Trưởng khoa Lịch sử , Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy. Ông phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển. Ông hạn chế liên hệ với người khác, bị Cộng sản cô lập trong cuộc sống.

    Thái Vũ kể: Gặp Thầy lủi thủi đạp chiếc xe đạp cộc cạch cũng đành làm ngơ, nhiều khi không dám nhìn .

    Giáo sư Nguyễn Đình Chú – trường Đại học Sư phạm Hà Nội- viết: Gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy .

    Trong quyển sách hồi ký nguyên văn bằng tiếng Pháp là Mémoire d’un Vietcong , Trương Như Tảng có nhắc tới Trần Đức Thảo : “Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.”

  2. Nếu tất cả những trí thức Việt Nam hiểu rõ được thực chất sai lầm ác độc của cộng sản – Chỉ có đảng và vì đảng tuyệt đối- ngay từ đầu, thì Việt Nam khá hơn bây giờ.Luật gia Nguyễn Mạnh Tường,hay triết gia Trần Đức Thảo là một điển hình cụ thể nhất mà ai cũng biết.
    Bây giờ thì đảng cộng sản là đảng trá hình.Họ còn giàu hơn những người tư bản,không bao giờ chia sớt cho nhà nghèo,nên chẳng còn gì để tuyên truyền, nhưng vẫn còn khối người Việt Nam trí thức hải ngoại muốn về giúp nước và có tham vọng biến đổi những cái đầu đã thành đá.
    Như cụ Võ Nhân Trí là một điển hình.Cụ là một người trí thức lỗi lạc tài ba,nhưng cụ vẫn có tham vọng như trên khi muốn trở về xoay ngược những đầu đá. Dĩ nhiên là thất bại.Khi cụ khám phá ra chế độ cộng sản dã man hơn thực dân thì đã quá muộn cho một người đã thành đạt,cũng vì lòng ngây thơ yêu nước.
    Người cộng sản không hề yêu nước.Họ chỉ yêu quyền lực và bây giờ là yêu tiền…
    Chúng ta kính trọng những trí thức yêu nước,nhưng phải hiểu là người cộng sản không có lương tâm.Họ là cỗ máy xây một chiều và nghiền nát những cái gì đi ngược lại.
    Đơn giản thế thôi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên