Tết năm này nhớ Tết năm xưa

1
Ảnh mang tinh minh họa. Nguồn Internet

Tốc ký 

Tại Xứ cờ Hoa( Mỹ) tôi gọi điện thoại về cho anh chị em bên chồng. Chả là ông xã mới qua, vẫn sống bằng tài trợ của chính phủ Mỹ, nên cuối năm lo khoản bảo hiểm hai chiếc ô tô, hơn 1000 USD đã đủ mệt rồi, lại còn mẹ đẻ già ốm, cậu em ruột thất nghiệp cũng không thể bỏ qua.

Vì thế mãi 28 tết chúng tôi mới lo đủ 500 USD để gửi về bên nội cho 5 gia đình ăn tết. Cứ nghĩ như ngày thường, chỉ sau 24 giờ là tới, vẫn kịp trước giao thừa. Ai ngờ ngày 28 ở Mỹ đã là 29 ở Việt Nam, công ty Vinaco đã cho nhân viên nghỉ từ chiều 29 đến hết ngày 6, nên cũng kém vui. Vì thế sang ngày 7 tết, từ Mỹ, tôi gọi điện thoại về cho chị dâu cả, hỏi thăm 5 gia đình đã nhận được tiền chưa? Ở nhà ăn tết có vui không?

Trong ống nghe, chị dâu tôi cười giòn tan, nói:

– Tết năm nay nghèo lắm nhưng tinh thần thì vui như tết…cho dù khoản tiền của chú thím gửi về chậm mất mấy hôm cũng vẫn vui.

– Ô hay! tôi không hiểu hỏi lại: – Thế có nghĩa là từ giờ bọn em không cần gửi tiền về nữa à?

– Không! Chị bảo: – Cháu Hoa nghe chú dặn, không dám về vào trưa 29 tết theo lịch của công ty mà chờ đến tận 8 giờ tối ở Hà Nội vẫn không thấy gì, mới điện thoại đến công ty Vinaco ở Việt Nam. Nghe người trực điện thoại thông báo lại đầy đủ ngọn ngành chi tiết mới về. Vui là vui ở tinh thần ấy, thím biết không? Nhà chị có 3 đứa con làm ở ba công ty khác nhau .Mọi năm đứa nào cũng biếu bố mẹ vài trăm đến cả triệu đồng. Năm nay chẳng có đồng nào cả vì cả ba đứa, đứa nào cũng góp têt bằng hiện vật.

Tôi ngờ ngợ nghe chị giải thích tiếp:

– Đầu tiên là thằng Hoàng, cháu thím. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ra không xin được việc, phải nhờ bác cả là trung tướng quân đội lo lót cho vào làm ở công ty may mặc Hà Nội… Mấy năm trước không sao, nhưng năm nay đem về 70 cái quần đùi…biếu mẹ.

-Ô, tôi giỏng tai nghe: – Thật là chuyện chỉ có ở Việt Nam.

– Mới đầu chị tưởng nó đùa, ai ngờ nó lôi ra một bịch toàn quần đùi làm cả nhà cười ồ. Con Hoa trêu:

– Ôi, anh Hoàng tâm lý thế, biết “đổi mới tư duy” cho mẹ rồi…Mẹ ơi, anh ấy chê mẹ là bà lão nhà quê, suốt đời búi tó, răng đen, quàng một lô xiềng xích lên cổ, nên bây giờ muốn mẹ phải ăn mặc như ở Hà Nội ấy mẹ ạ. Đúng là bây giờ con gái ra đường “ngầu” lắm. Nào quần bò, quần jean, quần lửng…Chỉ có con trai không mặc váy thôi, chứ con gái thì mặc tất, cả quần đùi, quần sóoc, áo ba lỗ…may ô, không dây, có dây… đủ hết

Nhìn bảy chục chiếc quần đùi đặt chềnh ềnh giữa bàn tiếp khách, chị giãy nảy:

– Thôi mẹ không mặc đâu, chúng mày đừng thấy mẹ quê mùa mà bắt nạt …

– Thế còn anh Kỳ,anh Kèo và mấy cậu em chồng đâu? Sao không bảo các ông ấy mặc.

– Ôi, anh em nhà ông ấy nhỏ như con nhái bén, thím còn lạ gì. Quần lại xuất khẩu sang Tây, to tổ bố, có mà nhét cả hai chân vào một ống cũng vừa, mặc sao nổi.

– Còn lũ cháu ‘đít tôn” với cả đám họ hàng nội ngoại hai bên nữa, sao không đem đổi quần lấy bánh chưng mà ăn, tôi đùa.

Chị lại dài miệng kể:

-Thằng Tiến bé xíu, vừa lẫm chẫm biết đi, mặc vào có mà ngã lộn cổ, những đứa khác cũng vậy, đã đứa nào 9,10 tuổi đâu.

– Thì để thằng Hoàng mặc cả đời luôn, bây giờ nó mới 28, còn 50 năm nữa cơ mà, nó cao to thế, sợ gì, tôi trêu.

– Đấy ý tôi cũng định thế, nhưng nó lại bảo: – Con không có tiền thưởng tết như mọi năm, chả lẽ sếp cho lại không nhận, thôi thì mẹ cứ ra đầu ngõ nhà mình bày ra bán, cứ nói là sản phẩm may mặc của công ty cháu Hoàng. Mọi người mua giúp được bao nhiêu thì được

-Không được, bán đổ bán tháo thế thì tiếc lắm, anh Kỳ – ông anh chồng tôi góp lời: – Con còn lạ gì tính người làng mình nữa, cứ lấy đại cho con cho cháu mặc rồi xin khất sang năm, rồi nhớ nhớ quên quên , đòi được vài chục bạc có mà đi cả năm… Lại còn kỳ kèo , mặc cả nữa chứ. Quần đùi ngoại mà họ cứ so với giá quần đùi lồng chun may bằng vải trung quốc, mặc ba bảy hai mốt ngày là bục chỉ, quăn queo, rách đũng, lòi cả … của quý ra(!) Lấy đâu ra cái chất vải mềm mại, mịn màng, bắt mắt như thế này.

– Thế cuối cùng quyết định ra sao? Tôi dồn.

-Thì thằng Hoàng giữ lại dăm cái làm quà tết cho mấy cậu bạn, còn lại dúi cả cho mẹ chứ sao nữa. Nó bảo: -Miễn là con không lẩn khoản tiền góp tết là được rồi, còn mẹ muốn làm thế nào thì làm. Con chịu.

– Còn hai Cách Cách thì sao? Tôi hỏi: – cũng đem chiến lợi phẩm về nộp mẹ chứ?

– Cách Cách nào? Chị ngẩn ngơ:

Thì hai con bé nhà chị đấy, tôi đùa: – Tưởng Việt Nam hay xem phim trung quốc lắm nên biết rõ hai từ này chứ.

-Ôi- chị ngẩn ra: -Thế thì thím phải gọi là “công chúa” chứ. Tôi là vợ cả, là người đàn bà duy nhất của ông ấy, chứ có phải vợ hai hay quý phi đâu?

– Ờ nhỉ, tôi chợt nhận ra điều sai sót chết người của mình nên xí xóa:- Em xin lỗi, hóa ra chỉ con của hoàng hậu mới được gọi là công chúa và hoàng tử, còn con quý phi, thứ phi hay cung tần mỹ nữa đều là Cách Cách và Tiểu A ka à?

– Ừ, ví như ở ngoài đời, con của vợ cả được coi là công chúa. Từ vợ hai trở đi mới phải xếp hàng làm Cách Cách ấy.

– Xem ra chị hiểu phong tục tập quán của tàu hơn Việt Nam rồi, tôi đùa.

– Thì Việt Nam mình thế mà, có làm được bộ phim nào ra hồn đâu? Tiêu bạc tỉ nhưng toàn hàng chợ, xấu cũng xấu giả mà tốt cũng tốt giả, đến cụ hồ còn đóng giả được nữa là, nên cả nhà chỉ thích xem phim tàu thôi, Hễ bật ti vi lên thấy phim Việt Nam là tắt luôn cho rồi.

Tôi đắng họng, cuộc trò chuyện ngừng lại một lúc, chợt chị hớn hở khoe:

-À để tôi kể nốt chuyện hai cháu gái của thím. Con Thảo khệ nệ ôm về 300 cụộn giấy vệ sinh bảo:

– Thôi nhà mình bây giờ dùng xả láng nhé, không phải hà hiện một tháng bốn cuộn như trước nữa.

Ông bố ôm chiếc điếu cày ho sặc sụa: – Mày làm bố nhớ đến câu :

Từ ngày có giấy vệ sinh, 
Đảng ta đã hết quang vinh, muôn đời
Nhân dân nay đã xa rời
Báo Đảng thô ráp , người người …bán cân .

Trong khi tôi đang ngơ ngác không hiểu, bố cháu đã giải thích:

– Thì đấy, ngày trước báo Nhân Dân- tiếng nói chính thức của đảng cộng sản Việt Nam được phát không đến tận tay người dân, có ai đọc đâu? Toàn chữ vô nghĩa cả. Công dụng hữu ích nhất là để dùng mỗi ngày một lần cho việc đại tiện…Bây giờ toàn cầu hóa rồi,có ai dùng báo đảng chùi đít nữa mà chả phải xa rời quần chúng…vì thế quang vinh, muôn năm, muôn đời sao được? Kể cả trong bồn cầu, toa lét cũng khó.

Trong ống nghe, tôi cười như nắc nẻ, đúng là “lời ngọt, lọt tận xương”…

Cười chán tôi hỏi:

– Còn cô út thì sao? Chắc không đem về vài trăm cục gạch cho bố mẹ kịp xây nhà cầu trước giao thừa chứ?

-À, nó đem về hai thùng tương ớt, mỗi thùng 25 chai biếu bố mẹ. trong lúc cả nhà méo mặt vì không biết lấy gì lo cho ba ngày tết thì nó tủm tỉm đọc thơ :

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy sếp kêu nghèo
Thế này mình chắc chết
Đời cứ nhục như heo

Bao nhiêu tiền đâu hết?
Mà sếp có vẻ nghèo
Làm quanh năm suốt tháng
Tiền lương trả như bèo

Và bây giờ sát Tết
Miệng sếp lại eo xèo:
“Nhà tôi vợ thất nghiệp
Thêm bao người ăn theo”

Chờ đến 23 Tết
Vẫn chưa thấy xu nào
Bỗng sếp lấy tương ớt
Tặng mỗi người vài bao...(1)

– Ô trời! Tôi cắt ngang khi hình dung ra bối cảnh vui nhộn bất đắc dĩ này : -Hay thật. Tết đến cả nhà – ba thế hệ mặc mỗi người vài cái quần đùi mới toanh, ăn hai thùng tương ớt cay xè rồi dùng giấy vệ sinh miễn phí…hí hí …

Chưa hết cơn cười nghẹn, đã nghe giọng chị réo rắt ở đầu dây:

-Cái Na nhà bác Tiếu ngay cạnh nhà mình, thím nhớ không? Nó theo bạn bè vào tận huyện Nga Sơn, Thanh Hóa làm cho doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Tết này cũng đem về một đôi chiếu hoa, một bộ thảm chùi chân và vài bộ thảm nhỏ để đặt ấm chén,bằng cói…Còn thằng Cừ anh nó, Nhân viên của doanh nghiệp sửa chữa, bảo dưỡng ô tô tại huyện Từ Liêm, Hà Nội còn đem về cả túi ốc vít kia.

– Cái gì? Tôi hỏi giật giọng : – Thưởng tết bằng ốc vít ầy à? Có khác gì thời bao cấp bắt cán bộ công nhân viên phải nhận mỗi người vài chục kg xi măng hay vài chục cái bát ô tô méo xuệch méo xoạc thay 13 ký gạo không?

Chị thủng thẳng:

-Hồi bao cấp, chúng tôi làm nông dân nên không biết “cụ tỉ”đời sống cán bộ các thím thế nào, chứ tết này, ai cũng kêu nghèo, lời qua tiếng lại eo sèo, đời còn nhục hơn heo. Vì heo còn xót lại tí cám, chứ nhà tôi chẳng có nổi ký nếp nào, đành theo anh chị em con Na ra chợ huyện bán đổ bán tháo các loại đinh ốc, quần đùi, giấy vệ sinh, tương ớt, chiếu, thảm v.v…được bao nhiêu quy đổi thành gạo dốc tất vào nồi, thổi xôi nấu chè, nấu cháo hoa ăn với đậu phụ, cà muối . qua quýt cho xong.Chờ hôm qua nhận được mỗi nhà hơn 2 triệu của chú thím gửi về mới mua chục chiếc bánh trưng, với hai con gà, gọi là “hậu tết”

– Ra thế! Tôi cười gượng, hỏi gặng: – Thế mà chị bảo vui như tết?

– Ầy, tôi chưa kể hết thím nghe, lúc ba chúng tôi quay về làng, đã thấy trên sân đình, dưới gốc cây thị khổng lồ, tuổi thọ hơn 100 năm, bày kín các loại hàng hóa rồi. Nào là gạch ngói, xi măng, nào xì dầu, nước mắm, dầu ăn, tương ớt, quần sịp và thậm chí cả vài chục bó nhang nữa …chỉ thiếu mỗi bao cao su thôi .

– Ô hay! Tôi hỏi: Chợ làng mình lùi vào tận trong đình kia à? Trước em nhớ mỗi lần về quê đi chợ tết, anh chị phải đạp xe cả tiếng đồng hồ cơ mà?

-Không! Thím nhớ lộn rồi. Tôi đang nói về phiên chợ tết đầu tiên họp ở đình làng bây giờ cơ. Nghĩa là làng có khoảng bảy tám nghìn người, hơn một nghìn hộ, nên cũng có khoảng dăm bảy chục hộ có con làm ăn ở tỉnh ngoài. Mọi năm có lương, có thưởng, mà năm nay hàng họ ế ẩm, sản phẩm không bán được, chất đầy trong kho, giám đốc bèn ăn vạ nhân viên bằng cách bắt tiêu thụ hết kho hàng, coi như trả lương tháng một và thưởng tết luôn :
Ống nghe hờ hững rời khỏi tay, trong tôi loang loáng hình ảnh của một thời quan liêu bao cấp. Cả nước húp chung một niêu cháo loãng, đắm chìm trong những ô tem phiếu, mặt người nào người ấy dài như bơm, chỉ mong tết đến xuân về để mỗi người được vài làng thịt, mấy ký gạo tẻ, nửa ký nếp …sì sụp húp cháo, ăn láo nháo trong 3 ngày tết. Hết tết lại đói meo, đúng như ông bà mình ví: “No đột xuất , đói triền miên “…

Những tiếng nói vẫn phát ra từ ống nghe, tôi vội vã nhặt lại, nghe chị kể tiếp

– Cậu “Bình xuôi”, thím nhớ không… còn khóc rưng rức giữa đình làng kia. Hai vợ chồng cậu ấy làm công nhân ở cơ sở sản xuất Hương và vàng mã. Vợ mất vì ung thư chưa đầy năm, hai con còn nhỏ…Mọi gánh nặng từ tiền bệnh viện, tiền chăm sóc thuốc men, lo lắng cho vợ đều đè lên vai cậu ấy hết. Khi vợ chết, gần cả năm kéo cày trả nợ, chắt bóp tằn tiện vẫn không đủ tiền cho con đi học, mong vào dịp thưởng cuối năm thì “xếp” lại bảo: -“Năm nay xí nghiệp không có tiền đâu, anh chị em chịu khó vào kho nhận vài chục bó nhang đem về dùng thôi.Bên doanh nghiệp làm gạch bông trước cửa xí nghiệp mình, họ cũng thưởng tết cho nhân viên mỗi người 100 viên gạch- ứng với số tiền một triệu đấy.

Lại đến lượt tôi dở cười dở mếu, 55 tuổi đầu, băm mấy năm làm dâu, làm sao tôi có thể quên mấy người hàng xóm khốn khổ của mình được. Cả làng có 3 ông Bình, thì một ông là “Bình phuồi”, vì chân vòng kiềng ngắn ngủn lại lùm lùm một đống dưới bụng, nên thay vì dân gian nói “chân đi chữ bát, dứt khoát gí…to” người ta gọi ông là “Bình phuồi” để nói lái cho tiện. Ông lớn tuổi nhất có tên khá kỳ cục: “Bình hôi ruồi”, mới đầu tôi cứ tưởng do ông ta ngớ ngẩn vì mồ côi cha mẹ từ hồi cải cách ruộng đất nên lẩn thẩn, ăn bẩn, ở bẩn, râu ria xồm xoàm, đi tới đâu là ruồi nhặng bám theo đến đó. Thậm chí để tranh ăn với ruồi, ông ta còn sẵn sàng xà vào bãi rác của làng để bới thức ăn, từ cơm thiu, bánh mì mốc, sắn khô, chuột chết v.v nên mới có tên đặc biệt khốn khổ như thế, ai ngờ mấy chị em bên chồng cứ nắc nẻ cười, có chị còn hỏi kháy:

– Tưởng thím là nhà văn, giỏi văn hóa dân gian lắm mà. Gọi là “Bình hôi ruồi” cũng đúng nhưng phải biết nói lái mới thấy hết cái hay của nó…

Đến lượt anh “Bình xuôi” này, chả cần ai giải thích tôi cũng biết tỏng cái tên ghép của anh ta ám chỉ điều gì. Không đơn giản vì anh ta đẹp trai, trẻ tuổi nhất trong số 3 ông Bình của làng, mà anh ta cũng chính là nạn nhân của sự nói lái nổi tiếng thâm thúy trong làng…giờ không hiểu sao anh ta lại ôm cả bó nhang to tướng đứng khóc rưng rức giữa đình cơ chứ?

– Có gì đâu! Chị dâu tôi giải thích :- Cậu ấy tâm sự với mọi người là không thể nào kìm lòng được. Vợ mất vì ung thư, bà con đến phúng viếng còn cả trăm thẻ hương trên bàn thờ kia, chờ mãi đến tết hy vọng có ít tiền đóng học cho con, ai ngờ lại phải vào kho nhận hương, mỗi người 7 loại, mỗi loại 5 bó, quy ra tiền mặt là 350 nghìn VND. Nên cậu ấy thấy tủi quá, tủi vì phần thưởng tết ít ỏi, bôi bác đã đành, nhưng tủi hơn cả là lời nói của ông giám đốc lại đánh vào nỗi đau chưa kịp mọc da non của cậu ấy:- Anh mang hương về thắp cho chị nhà…Cứ thắp thoải mái, bao giờ anh chị gặp nhau dưới ấy là vừa hết… hà hà…

Đúng là hàng nửa thế kỷ sống tại Việt Nam, ngót nghét 30 năm cầm phấn và cầm bút, chưa có cái tết nào( từ sau ngày nước nhà đổi mới tư duy) tôi lại được chứng kiến sự kỳ lạ, dở mếu dở cười như thế này. Rõ là phú quý giật lùi. Tưởng đổi mới làm dân giàu nước mạnh, ai ngờ dân mỗi năm một nghèo mạt vận, chỉ có lũ đầy tớ của dân là béo núc ních như những con giòi trong hố xí xã hội chủ nghĩa. Trời đất! Thiên đàng hạ giới đây ư?

– Còn gì nữa không? Tôi hỏi trước khi kết thúc cuộc nói chuyện vui vẻ này:

– Ôi còn nhiều chuyện lắm; khắp trong huyện ngoài làng ai cũng kháo về thưởng tết cả, đúng là …chẳng ai giống ai. Con Thúy là giáo viên tiểu học tận Đắc Lắc, Kon Tum, tết về được thưởng một can dầu ăn 3 lít và một chai nước mắm 0,75 lít…Nó bảo: “Chen ô tô mửa mật về được đến nhà thì nước mắm cũng vỡ, mà dầu cũng bẹp rúm, tốt nhất nhờ phụ huynh học sinh đem ra tiệm tạp hóa của thị xã bán hộ, “được đồng nào xào đồng ấy”. Còn anh ruột nó là thằng Hưng, thường gọi theo tên bố là Hưng Sáng cũng đem cả 100 viên gạch đá hoa bán đổ bán tháo cho chủ nhà trọ. Thay vì giá thị trường là 10 nghìn đồng một viên thì nó bán được non nửa, vừa đủ tiền ô tô về tết và biếu mẹ một cặp bánh chưng gọi là quà…xí nghiệp cho. Nếu không từ Hưng Sáng lại thành…sưng háng ấy à?.

Tôi bật cười vì tài nói lái có một không hai của chị: – Thế sau tết mọi người còn rủ nhau đi vặt khế ngọt ở quê người nữa không? Tôi hỏi:

-Ôi, bọn con trai sợ đến…giai téo rồi, còn con gái thì…sợ đến Hạnh láng (nói lái) luôn. Tết này chúng nó bảo về nhà nuôi heo cho khỏe, đỡ phải còng lưng làm thuê ở xứ người. Cho dù thành Hưng néo, Hưng rèo (4) còn hơn là Hưng sáng thím ạ.

Buông máy xuống rồi, trong tôi vẫn vẩn vơ mấy đoạn thơ mà con gái chị vừa đọc:

Tết này sao “cay” quá
Mồm miệng sẽ sưng vù
Tiền “thưởng” của ngày Tết
Ăn chắc đến… mùa thu!

(May công ty không bán
Mặt hàng bao cao su
Không thì qua năm mới
Ai cũng gầy như… tu)(3)

Sacramento January 28. 2016

Đón xuân Đinh Dậu 2017

TKTT
———————-
1 và 3: Thơ vui của Cử Tạ
2. Bình phuồi, bình hôi ruồi, bình xuôi …nói lái thành… b. phình , b. hôi rình, b. xinh !
4. Hạnh láng nói lái thành lạnh háng, còn Hưng néo, Hưng rèo thành heo nứng, heo rừng.

5. Bài viết từ năm trước, nhưng xem ra tết này còn “độc” và “lạ” hơn.Xem https://news.zing.vn/thuong-tet-bang-thuoc-tru-sau-phan…

1 BÌNH LUẬN

  1. Tuyệt vời. Hôm nay mới đọc được thì qua Tết rồi, nhưng tôi có một trận cười ” hậu tết ” chảy cả nước mắt.
    Cảm ơn tác giả, Chúc bà chị một năm mới vui vẻ, khỏe mạnh .

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên