Ông Đinh La Thăng từng dàn xếp nhằm trốn tránh trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại PVN

0
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà (Zing)

Lời bình của LS Lê Công Định: Bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng được lập tính từ ngày bắt giam ông vào 8/12/2017 đến 20/12/2017 (tổng cộng 12 ngày, bao gồm cả 4 ngày nghỉ cuối tuần), cho thấy đây có lẽ là cuộc điều tra được tiến hành và kết thúc nhanh nhất trong lịch sử tư pháp ở Việt Nam thời cộng sản.

Thời gian nhanh chóng mặt dành để thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ như thế càng chứng minh tính chất hài hước của vụ án này. Dường như người ta đang gấp rút chạy đua với thời gian?


Ngày 20.12, nguồn tin Thanh Niên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Theo đó, ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 5 bị can khác cũng bị truy tố cùng tội danh, gồm: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank); Nguyễn Xuân Thắng,  Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức, cùng nguyên là thành viên HĐTV PVN. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc PVN, bị đề nghị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
 
Theo kết luận điều tra, năm 2008 – 2011, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm là thành viên HĐTV PVN đã thống nhất chủ trương và quyết định góp vốn mua 20% cổ phần tại OceanBank, tương đương khoản tiền 800 tỉ đồng.
Kết luận điều tra khẳng định, ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) việc góp vốn vào ngân hàng này, đồng thời cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.
 
Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng cũng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào OceanBank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ OceanBank.
 
Dù được Hội đồng thành viên và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định, nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn.
 
Việc ông Thăng làm trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN tại OceanBank.
 

Trong thời gian là ‘‘tư lệnh’’ Tập đoàn dầu khí VN (PVN), ông Đinh La Thăng và Hội đồng thành viên PVN đã ban hành chủ trương, quyết định đầu tư nhiều dự án không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn tiền của Nhà nước.

Đáng chú ý, kết luận điều tra thể hiện khi sự việc tại Oceanbank đổ bể, ông Đinh La Thăng lúc này đã là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã có những động thái nhằm trốn tránh trách nhiệm.
 
Cụ thể, việc ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Oceanbank, về việc góp vốn vào ngân hàng Oceanbak không thông qua HĐQT, hồi tháng 3, khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang làm rõ một số sai phạm tại PVN, ông Thăng đã gọi điện nhờ một số người là cán bộ PVN xác nhận thời điểm góp vốn có họp HĐQT thống nhất chủ trương góp vốn.
 
Ông Đinh La Thăng cũng đã sử dụng giấy xác nhận để cung cấp cho cơ quan điều tra nhưng sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 8.12, ông Thăng đã xin thay đổi lời khai và thừa nhận sự việc trên.
 
Ngoài bị truy tố trong vụ án này, ông Đinh La Thăng còn phải chịu trách nhiệm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang thụ lý.
 
Theo Thanh Niên, FB LS Lê Công Định

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên