Nhóm tổ chức Trưng Cầu Dân Ý gửi Thư Ngỏ tới ASEAN và Quad Plus

0

Trong bức Thư Ngỏ gửi hai khối ASEAN và Quad Plus (bao gồm bốn nền dân chủ khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương – Mỹ, Nhật, Úc, Ấn; trong cuộc họp ngày 20 tháng Ba chống dịch Covid-19, có thêm ba quốc gia mới tham dự: Việt Nam, Nam Hàn và Tân Tây Lan), các tổ chức thực hiện cuộc trưng cầu dân ý trên trang Facebook cho hay có đến 95% số người Việt được hỏi, đồng ý kiện Trung Cộng ra toà quốc tế.

Bức Thư Ngỏ nói trên cho biết:

“95% DÂN VIỆT ĐÒI KIỆN TRUNG CỘNG RA TOÀ QUỐC TẾ DỰA THEO CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý 

Trong nhiều thập niên qua, Trung Cộng đã từng bước xâm lăng Biển Đông qua các hành động mua chuộc, ép buộc, khiêu khích, gây hấn, quân sự hoá, thay đổi tình trạng và vi phạm Luật Tự Do Hàng Hải. 

Gần đây, từ ngày 13 đến 19 tháng 4 năm 2020, Trung Cộng đã lợi dụng đại dịch cúm Vũ Hán (COVID-19) mưu toan kết thúc việc chiếm trọn khu vực Biển Đông của Việt Nam bằng cách đưa Công hàm CML/42/2020 lên Liên Hiệp Quốc, ngang ngược, tự tiện lập hai quận Nam Sa và Tây Sa nhằm hợp thức hóa việc cai trị hành chánh và hăm dọa Việt Nam và các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông phải rời khỏi các đảo Trung Cộng đang chiếm đóng. Ngoài ra, Trung Cộng toan tính muốn đưa ra Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ), nhằm khống chế toàn thể cả vùng trời Đông Nam Á Châu và đe doạ an ninh của tất cả các quốc gia Đông Nam Á. 

Căn cứ trên lịch sử, địa lý và Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS), Quần đảo Hoàng Sa và phần lớn Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Mặc dù lần này nhà cầm quyền Việt Nam lên tiếng, nhưng vẫn chỉ lấy lệ, và giữ thái độ nhu nhược cố hữu. 

Đồng bào Việt Nam đã lên tiếng đòi công lý buộc Trung Cộng chấm dứt xâm lăng lãnh hải của Việt Nam. Đồng bào Việt Nam đã lên tiếng đòi công lý buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế để minh bạch đòi lại chủ quyền. Đại đa số 97 triệu người dân bày tỏ nguyện vọng được đứng chung với thế giới tự do. 

Ngư dân Việt Nam và các nước Đông Nam Á không thể mưu sinh vì bị Trung Cộng ức hiếp bằng cách ra lệnh cấm đánh cá trong vùng lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á. Đó là chưa kể việc Trung Cộng đánh cướp hải sản, bắn giết, đánh chìm tàu đánh cá. 

Môi trường và lòng biển toàn khu vực Đông Nam Á bị Trung Cộng tàn phá vi phạm Công Pháp Quốc Tế Luật Biển. Việc Trung Cộng xâm lăng và bành trướng dưới biển lẫn trên không đe doạ đến sự sinh tồn của toàn vùng Đông Nam Á, và trực tiếp đe doạ hòa bình, an ninh khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. 

Trước tình trạng ấy, chúng tôi, những tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và tự do, dân chủ cho Việt Nam, qua các trang mạng xã hội, đã thực hiện cuộc thăm dò qua cuộc “Trưng Cầu Dân Ý” người dân Việt Nam trong và ngoài nước với nội dung: “Trước sự xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, bạn nghĩ Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế không?”

Tính đến hôm nay, đã có trên nửa triệu người Việt tham gia và 55 tổ chức trong và ngoài nước yểm trợ cuộc Trưng Cầu Dân Ý này; với tỷ lệ 95% đồng ý kiện.

Quad tức Nhóm Nòng cốt khu vực (Regional Core Group) được thành lập từ năm 2004, có mục đích ban đầu là nhằm đối phó với sóng thần làm chết khoảng 230 ngàn người ở Ấn Độ Dương. Cuối tháng 3 vừa qua có cuộc họp vòng 2 về dịch Covid-19, đồng thời còn thảo luận làm thế nào để tránh khủng hoảng và đưa kinh tế trở lại bình thường. Được biết, các quốc gia được mời thêm (Plus) vào Bộ Tứ (Quad) còn có cả Phi Luật Tân, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Pháp và Sri Lanka.

Thư Ngỏ trên cho biết thêm:

Chúng tôi kính gửi Thư Ngỏ này đến quý vị lãnh đạo các quốc gia tự do tôn trọng hòa bình và công lý, hy vọng truyền đạt ý muốn của đại đa số người Việt. Mong quý vị đồng lòng và tích cực ủng hộ dân tộc Việt Nam đạt nguyện vọng trên bằng cách kêu gọi, thúc đẩy, và hỗ trợ cho việc kiện Trung Cộng trước Tòa án Quốc tế. 

Đặc biệt, chúng tôi kính gửi để quý quốc hiểu được và mạnh mẽ ủng hộ nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Hy vọng tiếng nói và nỗ lực của dân tộc Việt, thể hiện qua cuộc Trung Cầu Dân Ý sẽ giúp ASEAN [“quý ngài” trong thư gửi Quad Plus] trong việc bảo vệ quyền lợi, an ninh, hoà bình, và phát triển cho tất cả mọi dân tộc trong khu vực Đông Nam Á Châu và Ấn Độ Thái Bình Dương, trước hiểm hoạ bành trướng của Trung Cộng.”

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên