Không đến được ước mơ

1
Ước mơ

Cậu ta trạc bằng tuổi tôi, đấy là người duy nhất mà tôi chưa bao giờ nói chuyện. Suốt từ lúc tôi khoảng 14 tuổi đến lúc cậu ta chết, chúng tôi chưa hề nói với nhau một lời nào. Chúng tôi là hàng xóm của nhau. Các bạn ở thành phố thời bao cấp thì hẳn biết, trong một khu phố hay một khu tập thể , bọn trẻ kiểu gì chúng cũng một vài lần chơi hay nói chuyện với nhau. Ngày ấy đường phố còn vắng hơn cả làng quê bây giờ, trò chơi của bọn trẻ là đầu ngõ, sân tập thể.

Cậu ta ít nói, có việc gì ra đường là cậu đi thẳng, không ghé mắt xem chúng tôi chơi bao giờ.

Từ tuổi chơi cá chọi, gà chọi đến xóc đĩa, tiến lên, tất cả đều diễn ra giữa ngõ hay đầu ngõ, không bao giờ cậu ta ghé mắt đến.

Đó là người có ý chí nhất trong đám trẻ chúng tôi cũng là đám thanh niên chúng tôi sau này trong ngõ. Khi chúng tôi lớn, chúng tôi tụ tập tính chuyện xoay sở tiền, như trộm cắp hoặc tiêu thụ đồ trộm cắp lấy tiền tiêu, thì cậu ta đi học nghề.

Nghe nói cậu ta học nghề nấu ăn, lúc đó bắt đầu sang những năm 90.

Một ngày nọ, tôi nghe tin cậu ta chết, cậu ta treo cổ tử tự hay uống thuốc ngủ tôi cũng không nhớ. Nhưng dù cách nào thì cũng là cậu ta tử tự chết.

Lý do cậu ta học xong nghề nấu ăn, nhưng không có tiền để xin việc ở một khách sạn hay nhà hàng gì đó của nhà nước quản lý.

Dăm năm sau, hàng quán, khách sạn tư nhân mở ra ầm ầm, nghề đầu bếp trở thành một nghề quý báu rất dễ xin việc, thậm chí nếu có tay nghề giỏi hay kinh nghiệm còn được săn tìm và được mức lương hấp dẫn.

Tôi nghe tin cậu ta tự tử là lúc tôi ở tù về, mẹ tôi bán hàng nước tại nhà, tôi ở tù ra không có việc gì, hàng ngày bán hàng cho mẹ. Cách anh em tôi đã lập gia đình mỗi người một nơi, căn nhà cũ chỉ có tôi và mẹ sống. Khi trông hàng, bán nước cho khách , người ta nói chuyện tôi mới biết tin cậu hàng xóm ít nói, chăm chỉ và có chí tiến thủ ấy đã tự kết liễu đời mình vì giấc mơ không đạt.

Tôi tự hỏi giấc mơ của cậu ấy có lớn đến nỗi người ta phải thất vọng mà tự vẫn không.?

Nó không lớn, nó rất hiện thực và phù hợp với thực tế. Chính vì nó quá thực tế đến nỗi không thành, khiến cậu ta thất vọng.

Một chàng trai chăm chỉ, có ý chí, không đặt tham vọng xa vời. Trong hoành cảnh gia đình nghèo khó, chàng trai không màng đến những thú vui của tuổi thanh niên, gầy gò và tồi tàn nhưng đầy nghị lực, hàng ngày đạp xe đi học nghề, đi thực tập để ước mơ mai sau có một công việc bình thường, có thu nhập để sống.

Nhưng bao năm miệt mài và hy vọng, cuối cùng chỉ đến ngưỡng cửa cuối cùng, đó là không xoay đâu ra được chút tiền hối lộ để được làm việc. Một chút tiền thôi để xin được việc làm.

Chàng trai tự kết thúc cuộc đời của mình.

Lúc đầu tôi nghe tin ấy, tôi nghĩ cậu ta là người thiếu suy nghĩ chín chắn, là người quá mỏng manh.

Sau này tôi nghĩ, biết đâu là một con người chân chính, anh ta nhận ra rằng một cái xã hội mà đến cả một ước mơ nhỏ nhoi, chính đáng và hoàn toàn trong khẳ năng của một người lương thiện mà không được chấp nhận, dù anh ta đã miệt mài hết sức. Liệu cái xã hội ấy còn đáng cho anh ta nhìn thấy nó nữa hay không.?

Giả sử anh ta không tự vẫn, anh ta sẽ sống cuộc đời vật vờ như lũ chúng tôi, rồi đến ngày các nhà hàng, khách sạn tư nhân mở cửa ầm ầm, anh ta sẽ có một công việc tốt, có thể anh ta sẽ còn là chủ một nhà hàng. Chẳng biết anh ta có thấy ý nghĩ tử tự năm xưa là một sai lầm không.?

Với nhiều người, chắc hẳn sẽ có câu trả lời ngay, anh ta thấy sai lầm.

Tôi thì không, tôi thề thật đấy. Bởi tôi nghĩ rằng anh ta là một người quá lương thiện về tâm hồn, nếu anh ta sống tiếp tục và đến ngày làm chủ một nhà hàng, sự lương thiện của anh ta bị vấy bẩn nhiều lần, hoặc gọi cách khác là anh ta bị suy thoái bởi những trò hối lộ công an để nhà hàng anh không bị quấy phá, hối lộ đủ các cơ quan chức năng để nhà hàng không bị tước giấy phép …

Còn nếu anh ta có việc làm lương thiện để giữ một tâm hồn lương thiện, dành được những đồng tiền mồ hôi nước mắt, anh ta mở một nhà hàng nhỏ như ước mơ chính đáng của anh. Chính quyền đến nhũng nhiễu đòi hối lộ, anh ta không đủ tiền, nhà hàng bị đóng. Nếu vậy thì anh ta không tử tự lúc không có tiền hối lộ xin việc, anh ta cũng tự tử vì không có tiền hối lộ để nhà hàng hoạt động được.

Tôi nghĩ, anh ta không phải tự tử, thực ra anh ta rời bỏ một xã hội thối nát và bất công. Nơi mà một con người chân chính, lương thiện không đáng phải sống chung với nó. Anh ta tự vẫn không phải vì thất vọng lúc đó anh ta không có chút tiền để chạy việc, mà anh ta tự vẫn vì nghĩ rằng một ước mơ chính đáng và thực tế như thế nhất định không thể bị người ta bắt phải trả tiền mua.

Gần 30 năm sau khi anh ta chết đi, xã hội này sự thối nát không hề giảm, nó còn tăng với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều. Nhưng người ta đã thích nghi với sự thối nát ấy, coi đó như là điều bình thường, người ta không những hối lộ bằng tiền, họ còn hối lộ bằng thân xác họ, bằng cách tố cáo đồng nghiệp, lừa thầy, phản bạn.

Thuở nhỏ tôi ước mơ trở thành nhà văn, nhà báo . Tôi chăm chỉ đọc sách truyện, báo chí hàng ngày để rèn luyện bồi dưỡng cho ước mơ của mình. Thế rồi tôi bị đuổi học một cách lãng nhách, ước mơ của tôi không thành hiện thực.

Tôi trở thành một tên lưu manh, giang hồ như muôn vàn bạn bè cùng lứa với tôi. Tôi dấu kín ước mơ của mình, tôi còn cho nó là viển vông nữa.

Thế rồi một ngày ước mơ viễn vông ấy của tôi suýt thành hiện thực, ông anh quen nhiều giới báo chí giới thiệu tôi đến chỗ ông Đăng Vương Hưng để xin việc. Ông Hưng nói anh … đã giới thiệu là mày có khả năng rồi, giờ mày cứ chọn những vụ án nào thật giật gân mà viết, khai thác tối đa những đoạn hút độc giả.

Tôi trở về suy nghĩ, một nữ nhà văn rất tốt với tôi, chị bảo phải tìm chỗ làm em ạ, chị giới thiệu tôi đến một toà soạn báo khá lớn. Ông Sếp ở đấy cũng nói như ông Hưng, chị ấy đã giới thiệu thì không phải xét khả năng, mày làm hai tháng là vào biên chế rồi sẽ cấp thẻ. Mày chuyên viết về bọn diễn viên, người mẫu, cứ theo nó xem nó ăn gì ở đâu, mặc gì, nói gì rồi viết là ok.

Tôi vâng dạ rồi xin phép ra về, ra khỏi toàn soạn phi xe lên vườn hoa Hàng Đậu ngồi, tôi chảy nước mắt. Tôi không thể đến với ước mơ của mình bằng những điều như người ta yêu cầu. Bỗng nhiên tôi nguyền rủa ước mơ của mình, rồi tôi nghĩ về anh bạn hàng xóm kia với ước mơ của anh. Nghĩ đến đó tôi bỗng nhẹ nhàng hơn, tôi rút ra ở xã hội này, không nên có những ước mơ tốt đẹp là tốt đẹp hơn cả.

Cuối cùng thì tôi cũng chạm đến ước mơ của mình, tôi có sách xuất bản, có sách in ra tiếng nước ngoài, có nhiều bài báo..số tiền nhuận bút tính ra bằng tiền Việt phải tiền tỷ.

Tôi ước mơ nếu anh bạn hàng xóm kia còn sống đến giờ vì một phép màu nào đó khiến tâm hồn lương thiện của anh ta còn nguyên vẹn, tôi sẽ đưa anh đến ước mơ của anh, đó là đưa anh ta ra khỏi xã hội mà anh ta không muốn sống, tạo cho anh ta một việc làm đúng nghề trong nhà hàng của tôi tại nước Đức này. Nơi mà mọi ước mơ mà chính bản thân tôi nghĩ là viển vông lại trở thành hiện thực.

(Facebook)

1 BÌNH LUẬN

  1. Trích, “Một ngày nọ, tôi nghe tin cậu ta chết, cậu ta treo cổ tử tự hay uống thuốc ngủ tôi cũng không nhớ. Nhưng dù cách nào thì cũng là cậu ta tử tự chết.” Bùi Thanh Hiếu

    Có lần ở nơi làm việc của tôi, có một bạn trẻ vừa được nhận được viêc nơi tôi làm. Công việc bảo đảm, có công doàn, có contract, luật lệ bảo đảm cho công nhân của cơ quan phục vụ sức khỏe. Anh ấy vui lắm. Vậy mà hôm sau tôi được tin anh tự tử chết. Tôi rất buồn, sững sờ lúc đó và đến bây giờ nghĩ lại vẫn ân hận, rất tiếc rằng tôi đã không để ý chào thăm hỏi người bạn mới này. Anh ấy tươi cười nhận công việc bận rộn không phiền hà và ai cũng thích anh ta.

    Tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao anh bạn này phải chọn lựa giã từ cuộc sống. Xin cầu nguyện cho những người phải quyên sinh, những người đã qua đời cũng như những người sống chung quanh ta.

    Tôi mang ơn cuộc sống và cảm tạ loài người cũng như thương đế mỗi ngày đã luôn chăm sóc tôi từng lúc.

    Xin cảm ơn t/g Bùi Thanh Hiếu đã đưa lên câu chuyện mang nhiều ý nghĩ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên