Chuyện lạ: Xẻ đất công để bán?

0

ĐCV: Bài báo dưới đây được đăng trên trang báo giấy ‘Người Cao Tuổi” từ năm 2016. Đây là tờ báo không ngại ngần phanh phui nhiều vụ việc nhạy cảm trong xã hội. Cựu TBT của tờ báo, ông Kim Quốc Hoa từng bị bắt giam và khởi tố theo điều 258 bộ luật hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vì đã đăng nhiều bài “ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức Nhà nước”. Tháng 12/ 2016 vụ án của ông được đình chỉ và ông được miễn truy cứu hình sự. 

Tuy nhiên, tờ báo do ông làm chủ bút đã bị ngừng hoạt động. Nhân sự việc vừa xảy ra tại Đồng Tâm – Mỹ Đức, chúng tôi xin phép đăng lại bài báo này.


Năm này, qua năm khác, Nhân dân xã Đồng Tâm mỏi mòn chờ đợi được giao đất để sản xuất từ Dự án an ninh quốc phòng không khả thi. Trong khi đó, một số hộ gia đình trong xã lại nhận được hàng nghìn mét vuông đất để xây nhà kiên cố, mua bán, chuyển nhượng với xác nhận, làm chứng của các cán bộ UBND xã, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư…

Đất “công” bị xẻ bán tùy tiện

Theo đơn phản ánh của ông Lê Đình Kình và Nhân dân xã Đồng Tâm: Đầu những năm 80, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đỗ Mười kí quyết định thu hồi 47,36ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, để phục vụ cho Dự án an ninh quốc gia, làm sân bay Miếu Môn và tạm bàn giao cho Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân quản lí. Năm 2007, Dự án làm sân bay Miếu Môn không khả thi, nên Lữ đoàn 28 vẽ sơ đồ và cắm mốc giới bàn giao toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi cho UBND xã Đồng Tâm. Ngày 30/7/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm kí xác nhận và quản lí. Cùng ngày, UBND xã Đồng Tâm xác nhận mốc giới, phân định rõ ràng giữa đất Quốc phòng và đất nông nghiệp. Từ đó, Nhân dân xã Đồng Tâm hi vọng, sau khi được nhận bàn giao mốc giới sẽ được nhận lại đất để tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Đình Kính đang giải thích về xung đột đất đai ở Đồng Tâm. Ảnh cắt từ video clip

Thế nhưng, chờ đợi hết năm này, qua năm khác, Nhân dân xã Đồng Tâm vẫn không được giao đất để sản xuất, trong khi đó một số hộ gia đình trong xã lại “sở hữu” hàng nghìn mét vuông đất để xây nhà kiên cố, mua bán, chuyển nhượng. Đặc biệt, hai hộ gia đình ông Trần Ngọc Viễn và ông Nguyễn Văn Toán “sở hữu” những diện tích đất “khủng” lần lượt là 12.000m2 và 11.000m2… trên phần đất được cho là đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm?! Kì lạ hơn nữa, khi thực hiện việc giao dịch mua bán trên những diện tích đất “khủng” này, gia đình ông Viễn và ông Toán đều được các cán bộ của UBND xã Đồng Tâm thay nhau kí giấy tờ làm chứng cho việc mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho…

Đất Quốc phòng hay đất nông nghiệp?

Tại Thông báo số 65/TB-UBND ngày 23/05/2014 của UBND huyện Mỹ Đức, về việc giải quyết nội dung tố cáo của công dân xã Đồng Tâm, thay mặt UBND huyện Mỹ Đức, Chủ tịch Hoàng Mạnh Sơn kết luận: Căn cứ bản đồ mốc giới quản lí đất của đơn vị D31- Lữ đoàn 28 lập ngày 14/4/1988, thì phần diện tích đất do gia đình ông Trần Ngọc Viễn (đội 13, thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm) sử dụng là đất của Quốc phòng. Theo bản đồ mốc giới quy hoạch mở rộng sân bay Miếu Môn lập năm 2007, phần diện tích đất gia đình ông Viễn đang sử dụng là đất của Quốc phòng. Ngày 21/3/2014, Đoàn Thanh tra làm việc với đơn vị D31- Lữ đoàn 28 và xem xét các tài liệu liên quan. Đơn vị này cho biết, toàn bộ phần diện tích đất do gia đình ông Viễn đang sử dụng là đất của Quốc phòng thuộc Lữ đoàn 28 quản lí. Do là đất của Quốc phòng nên UBND huyện không xác minh nội dung trên.

Tiếp đó, trong kết quả giải quyết tố cáo của công dân xã Đồng Tâm, ngày 23/10/2014, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân có Thông báo số 916A/TB-LĐ do Lữ đoàn trưởng Trịnh Văn Chuyển kí, kết luận: “Đơn vị khẳng định việc các hộ dân, trong đó có diện tích đất của gia đình ông Trần Ngọc Viễn, gia đình ông Nguyễn Văn Toán nằm hoàn toàn trong đất Quốc phòng, do tiểu đoàn 31- Lữ đoàn quản lí (trong phạm vi đất Quốc phòng, sân bay Miếu Môn từ mốc 13 đến mốc 16). Việc các hộ gia đình ông Viễn và ông Toán tiến hành các thủ tục sang tên chuyển nhượng, thừa kế trái phép đất Quốc phòng sân bay Miếu Môn, đã được cấp chính quyền địa phương xã Đồng Tâm xác nhận về việc thừa kế, sang nhượng của địa phương đã không thông báo cho đơn vị, nên Tiểu đoàn 31 không nắm được. Lữ đoàn sẽ đề nghị UBND huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hủy các xác nhận không đúng thẩm quyền của UBND xã Đồng Tâm, về việc xác nhận cho các hộ dân trên, đồng thời yêu cầu các hộ dân phá dỡ những công trình trái phép, di dời ra khỏi đất Quốc phòng…”.

Tuy nhiên, qua xác minh thực tế và phản ánh của người dân nơi đây, diện tích đất của ông Toán và ông Viễn có dấu hiệu nằm ngoài mốc giới của đất Quốc phòng. Mặt khác, tại sơ đồ bàn giao mốc giới ngày 30/7/2007 của đơn vị với UBND xã Đồng Tâm, thì diện tích đất của ông Toán và Viễn nằm trong diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Nhưng không hiểu vì lí do gì, Lữ đoàn 28 vẫn một mực cho rằng đây là “đất do đơn vị quản lí”, UBND huyện Mỹ Đức cũng nhanh chóng xác nhận việc này?! Dư luận cho rằng, liệu đây có phải là “chiêu trò” mà UBND huyện đẩy “quả bóng thẩm quyền” sang đơn vị Quốc phòng để không phải giải quyết?!

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng?

Hãy khoan xác định diện tích đất trên là đất Quốc phòng hay đất nông nghiệp, việc chuyển nhượng hàng chục nghìn mét vuông đất tại xã Đồng Tâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, tại Khoản 2, 3 Điều 50 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định:

“2. Đất sử dụng vào mục đích Quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, thì UBND cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì UBND cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng.

3. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất Quốc phòng, an ninh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt, thì đơn vị sử dụng đất phải xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an”.

Vậy, cứ cho đây là đất Quốc phòng như Lữ đoàn 28 xác nhận, việc để cho hàng nghìn mét vuông đất bị người dân tự ý chuyển đổi, “xẻ thịt” để xây dựng và bán vô tội vạ, cần phải được xem xét một cách nghiêm túc trách nhiệm của đơn vị này và chính quyền sở tại. Mặt khác, với những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy, nhưng trong Thông báo số 65, UBND huyện Mỹ Đức lại chỉ xử lí chung chung, không kết luận trách nhiệm sai phạm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân trong việc buông lỏng quản lí đất đai, để cho hàng chục héc ta đất là tài sản Quốc gia rơi vào “ tư túi” cá nhân một cách vô lí, khó hiểu?!

Từ sự việc và phản ánh trên, nên chăng UBND thành phố Hà Nội, Thanh Tra Bộ Quốc phòng cần nhanh chóng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ, xử lí dứt điểm, tránh tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gây bất ổn tình hình an ninh, chính trị và dư luận trái chiều về chính quyền tại địa phương.

Đối với các cá nhân mua bán đất bất hợp pháp, tự ý phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở kiên cố, Điều 270 Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”.

Tác giả: Hải LongBáo Người Cao Tuổi 2016

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên