Ba Lan: Xử 5 người đưa người VN vượt biên; Bão đưa hổ phách vào bờ; Warszawa ‘không còn người thất nghiệp’

0
Fot. SG

1- Xử 5 người Ba Lan:

Tin ngày 4/1/2019 cho hay, Tòa án Zielona Góra đang thụ lý hồ sơ vụ án, theo đó 5 người Ba Lan được cho là phạm tội có tổ chức khi đưa nhiều người Việt Nam vượt biên giới Ba Lan sang các nước Tây Âu. Vụ điều tra do biên phòng Nadodrzański thực hiện dưới sự giám sát của công tố viên Zielona Góra.

Hoạt động của nhóm người này nằm trong đường dây đưa người từ các quốc gia phía Đông như Nga, Ukraine, Lithuana sang Ba Lan và sau đó chuyển tiếp sang các nước phía Tây.

Những người Ba Lan này đã cung cấp chỗ ở, phương tiện vận tải, tài xế và đảm bảo an toàn cho các di dân bất hợp pháp trong chặng đường tại Ba Lan. Các nghi phạm cũng được cho là đã nhận tiền thanh toán từ 10.000- 15.000 usd từ mỗi người Việt Nam.

Các nhà điều tra cho rằng,trong khoảng thời gian 1 năm, từ tháng 9 năm 2015 tới tháng 10 năm 2016, nhóm người này đã vận chuyển sang Tây Âu ít nhất 96 công dân Việt Nam.

Các bị cáo có thể bị án tới 8 năm tù giam.

2- Dân đổ xô đi kiếm hổ phách

Cơn bão đầu năm đã khiến nhiều hổ phách dạt vào bờ biển khu vực Gdansk. Hàng trăm người dân đã đi dọc bờ biển để tìm kiếm loại đá quý này. Nhiều người đến từ các vùng xa xôi với hy vọng kiếm được chút ‘lộc trời’.

Có những người kiếm được 2kg sau chừng 5-6 tiếng. Những viên hổ phách lẫn trong rong rêu bị sóng biển đánh vào bờ, có viên nặng tới 100gr.

Có người đi với hy vọng kiếm chút tiền, nhưng nhiều người sử dụng cho bộ sưu tầm của mình. “Chúng tôi đã chờ đợi cơn bão như thế này từ lâu lắm rồi, tôi sẽ ở lại đây, thậm chí qua ngày hôm sau“- một người chia sẻ trên kênh Onet.

Việc tìm kiếm được coi là hợp pháp nếu không sử dụng các công cụ đào bới và không với mục đích kinh doanh.

Người dân đi dọc bờ biển kiếm hổ phách. Ảnh Onet

Một kg hổ phách dạng thô trên thị trường Ba Lan có giá từ 8.000-14.000, zł tùy theo chất lượng. Trong những năm qua Trung Quốc là quốc gia nhập nhiều hổ phách từ Ba Lan cho ngành công nghiệp đồ trang sức, nhất là sau khi Nga – nước xuất khẩu hổ phách- bị áp lệnh cấm vận.

3- Warszawa ‘không còn người thất nghiệp’

Theo Wyborcza, tỉ lệ thất nghiệp của thành phố Warszawa còn 1,7% và đây là con số thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên Warszawa chưa phải là đầu bảng, nếu so sánh với các tỉnh thành trong cả nước. Poznań là thành phố dẫn đầu về tỉ lệ thất nghiệp thấp.

Con số 1,7% có nghĩa là Warszawa có khoảng 20.000 người ‘chưa tìm được việc làm’. Nhưng, theo đánh giá của phòng lao động thì nhiều người trong số 20 ngàn người kia đang ‘đi làm chui’, tức tỉ lệ thực sự thất nghiệp còn ít hơn nữa.

“Một nửa trong số những người thất nghiệp tới phòng lao động không phải để tìm việc làm mà chỉ để lấy giấy chứng nhận thất nghiệp. Họ làm việc chui, nhưng muốn sử dụng dịch vụ y tế công cộng, không muốn trả tiền nuôi con hoặc các khoản nợ khác” – Wyborcza trích lời của một cán bộ thuộc phòng lao động của thành phố Warszawa.

4- Lại lừa đảo vay tiền

“Mục tiêu của chúng tôi là cho những người bị ngân hàng từ chối vay tiền” – Một công ty có tên là “Tín dụng Con Kiến” (Kredyt Mrówka) đã quảng cáo rầm rộ như vậy.

Trang web của công ty cho các khách hàng vay trực tuyến mà không đòi hỏi bất kỳ sự xác minh tài chính nào, cũng không cần kiểm tra khả năng thế chấp hay các khoản nợ nần của các khách hàng.

Sau khi ký hợp đồng vay Online, các khách hàng phải trả khoản tiền 145zł gọi là ‘bảo hiểm cho khoản tín dụng”.

Sau khi trả tiền xong thì mọi liên lạc với Công ty Con Kiến đều chấm dứt.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện hình thức lừa đảo này. Lợi dụng sự khó khăn về tài chính của nhiều người Ba Lan, các tổ chức tín dụng đen, tín dụng lừa đảo đã đưa nhiều người vào cạm bẫy.

5. Vài thay đổi về luật giao thông trong năm 2019

Những thay đổi này sẽ khiến luật giao thông ở Ba Lan gần với các nước phương Tây hơn. Đi kèm với mỗi thay đổi là mức tiền phạt khi vi phạm. Thời gian áp dụng cho mỗi luật chưa được công bố cụ thể, nhưng đây là những quy định chắc chắn sẽ thực thi trong năm nay, 2019.

– Khoảng cách an toàn với xe đi trước: Xe đi sau buộc phải giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước ít nhất bằng 50% tốc độ (tính bằng đơn vị mét). Tức, nếu xe đang đi với tốc độ 100km/h thì khoảng cách với xe đi trước không dưới 50m. Quy định này có thể chỉ áp dụng với những tuyến đường cao tốc.

Để phù hợp với quy định này, năm 2019, cảnh sát giao thông Ba Lan sẽ được trang bị khoảng 400 thiết bị đặc biệt, ngoài đo vận tốc ra, thiết bị cũng xác định được khoảng cách giữa các xe đang lưu thông trên đường.

– Nhường đường cho xe ưu tiên: Quy định có tên gọi “Korytarz życia” tức các lái xe trên đường phải mở ra một làn xe dành cho xe ưu tiên bằng cách dãn xe về 2 bên lề, tạo ra làn đi giữa cho các xe cứu thương, cứu hỏa, xe công an có hú còi. Quy định này thực ra đang có và vẫn được thực hành hàng ngày trên các tuyến đường Ba Lan, nhưng không phải lái xe nào cũng tự giác tuân thủ.

Quy định mới có tên “korytarz życia”

Luật mới sẽ quy định rõ hơn, xe đang đi làn trái phải dạt vào phía bên trái, xe đi làn giữa và làn phải phải dạt vào phía bên phải để nhường đường ngay lập tức cho các xe ưu tiên.

Các xe không nhường đường hay chậm nhường đường sẽ bị phạt rất nặng.

– Hộp thuốc “Apteczka” bắt buộc phải có trong mỗi xe. Trước kia, trang bị bắt buộc bao gồm bình cứu hỏa, tam giác báo hiệu, nhưng 2019 sẽ thêm “Apteczka”. Apteczka có thể mua trên Allegro với gía từ 30-70zł, tùy theo từng loại. Tuy nhiên, giá này có thể chưa bao gồm các trang bị y tế cần thiết cơ bản ở bên trong như bông, băng, nước khử trùng, kéo…

Nhiều quốc gia trong EU đã áp dụng quy định như vậy trước Ba Lan.

– Quay lại, hay chỉnh sửa công-tơ-mét có thể bị án tù từ 3 tháng tới 5 năm. Mức án này dành cho cả 2 phía, người thực hiện việc sửa số km của công-tơ cũng như người đặt hàng dịch vụ chỉnh sửa.

– Trẻ em bậc tiểu học bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp. Quy định áp dụng với trẻ em dưới tuổi 14.

Thay đổi này đã được đưa vào phổ biến trong các trường từ 2018 và sẽ áp dụng thực tế từ 2019.

Đàn Chim Việt tổng hợp

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên