Xóm Người Việt

3
Chợ chồm hổm ở Mỹ. Ảnh mang tính minh hoạ
Thật khó có thể hình dung nổi, giữa thủ phủ Cali, hàng trăm dân bản xứ , từ Lào, Thái, Mỹ, Ấn, Nga, Pakistan v.v lại tồn tại một xóm người Việt gần 100 gia đình, nói chính xác hơn 99% là người Việt Nam. Cả xóm chỉ có một Người mễ duy nhất, thêm một người Mỹ trắng và vài người Hoa cũng trọ trẹ nói tiếng Việt.
Ngay cả quản lý cũng là người Việt, rồi lần lượt từ các lão làng đến trẻ con cũng là người Việt nốt. Một khung cảnh nên thơ rất Việt Nam. Tuy cái tên của khu hoàn toàn Mễ xong nhìn quang cảnh biết ngay là dân Việt ở .
Khắp hai bên lối đi là những chậu dọc mùng tốt um tùm , mỗi cây cao to như một cây chuối con, đủ để cả xóm chia nhau nấu canh chua cá lóc. Theo quy định của trưởng xóm, mỗi người chỉ được 3 tàu loại to hoặc 4 tàu loại vừa, hay 5 tàu loại nhỏ, đủ để khỏa lấp hương vị quê hương, không được lấy trộm hoặc lấy thừa để người sau …đứng ngó.
Các loại cam quýt, chanh bưởi mọc tốt um trước cửa mỗi nhà. Bất kể sáng, trưa, chiều, tối, mùi canh dưa hay thịt cá kho nước mắm tỏi, gừng hành, hẹ , sả , ớt bốc lên thơm lừng cả không gian sống của làng… Ti vi loa đài phát đi những bài hát, bản tin bằng tiếng Việt.
Sáng ra tíu tít gọi nhau đi tập thể dục hay chợ cũ, siêu thị, hoặc chợ giời của người Lào để mua đồ đùng, thực phẩm, rau tươi v.v
Sở dĩ có chuyện độc đáo này bắt nguồn từ một ông già mà người làng thường gọi là “ngài đại tá” vì ông vốn trước là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, sang Mỹ theo diện HO . Thoạt đầu như bao công dân khác , ông cũng chỉ là dân nhập cư sống ngoan ngoãn, lặng lẽ trong khu Aprtment . Đang yên ổn thì con trai ông mua nhà mới, căn nhà rộng thênh thang năm phòng ngủ, ba phòng tắm, đủ cả bể bơi, sân bóng rổ , tổng cộng không dưới 5000 squarefeet. Nghĩ như ở Việt Nam: “trẻ cậy cha già cậy con “ ông bà tha lôi hết của nả đến nhà con ở . Thời gian đầu yên ổn , cậu con trai cắm đầu đi làm để có tiền trả nợ nhà nhưng rồi vui bạn, vui bè, đặc biệt là khi giá đất sôi lên sùng sục , căn nhà mua từ thập kỷ 90 chỉ khoảng 100.000 đồng, sau vài năm đã tăng gấp đôi, gấp ba. Thế là bạn bè, bồ bịch kéo đến nâng cốc chúc mừng như ở Việt Nam. Nếu chỉ là vài lần, hẳn ông bà cũng hết lòng cung phụng cơm nước, hầu hạ con và bạn bè của con , khổ một nỗi các vụ ăn nhậu ngày càng dày đặc, mà cứ mỗi lần có khách đến nó lại dúi cho ông năm bảy chục đồng, hạ lệnh:
– Ba đi chợ cho tôi nghe, mua cho tôi mấy món đồ nhậu ngon ngon rồi về nói má nấu cho tôi và tụi bạn ăn. Hôm nay tôi có khách ở xa đến, ba đi ngay cho kịp giờ để má còn vào bếp giúp tôi.
Thế là ông đi, quầy quả, tất bật, hơn người chăm vợ đẻ. Mang tiếng ở Mỹ nhưng cầm tiền con đưa mà ông sót ruột , đứng trước quầy bán đặc sản biển, một con cua giá gần 20 đồng, chưa đầy 3 lb, tính ra tiền Việt là gần 500 nghìn bạc. Một con tôm hùm chưa đầy nửa ký có giá cả trăm đồng vì gần 22 đồng 1 lb,. Nếu là ông bà, dù có phải làm cả cuộc cách mạng tư tưởng chắc không dám động đến một cái càng cua, một sợi râu tôm, huống hồ còn ốc vòi voi, cả mấy pound gân bò, làm gỏi…
Thôi thì “ý con là ý chúa”. Tiền của nó làm ra do mua bán bất động sản thu lời thì nó tiêu mặc sức, ông đâu có thể hà tiện như thời còn ở xóm nghèo Quảng Nam?
Trở về nhà lần nào ông cũng bị nó mắng tơi tả:
-Ba đi đâu mà lâu thế? Bộ tôm cua nó trốn hết sao ? Hay ba sợ tốn kém phải mặc cả chọn lựa như ở Việt Nam. Nói thiệt, ba mà mua được hàng thì cá tôm nó cũng phải đẻ thêm mấy lứa.
Xách túi đồ chợ vào vào nhà, nó ra lệnh:
– Thôi ba má xuống bếp làm cho tôi, nhanh nhớ , Cho đủ hành, hẹ và sả, tiêu như nhà hàng ấy, đừng nấu kiểu “chém to kho mặn” mà bọn bạn tôi nó chê dở ẹt.
Nấu xong, mồ hôi còn chưa kịp khô trên lưng áo, nó đã giở giọng anh chị hoạnh hoẹ:
– Thôi ông bà sang nhà hàng xóm chơi đi , đúng 04.00 chiều mới được về , kẻo đi ra đi vào bọn bạn tôi không thích.
Những lần đầu bà còn tần ngần vì chẳng biết đi đâu về đâu những năm tiếng đồng hồ? Hết ra công viên ngồi ngắm trời, ngắm đất chán lại đi siêu thị mà chẳng biết mua sắm gì ? Chỉ muốn về nhà, thả dài lưng đo chiếu với giường vì tuổi đã cao, lại bao nhiêu sóng gió tích tụ từ ngày giải phóng; nào vượt biển, vượt biên hết lần này lần khác( mỗi lần vài ba chỉ hoặc vài ba cây để con thoát thân mà cứ bị bắt lên bắt xuống). Cuối cùng phải thuê người đưa ra tận Đồ Sơn Hải Phòng – nơi họ hàng của người ta sinh sống để nhờ họ đưa ra thuyền đánh cá của hợp tác xã Hạ Long… Lần nào cũng lo thắt ruột, thắt gan, khi nào ra được phao số không, sang đến Hồng Kông, Malaixia mới thở hắt ra một hơi
Lần lượt cả đàn con sáu đứa, đứa theo đường bộ sang Campuchia, Thái Lan, Phi luật Tân, đứa ra tỉnh Quảng Ninh trốn lên đảo Vân Đồn , Hải Vân nơi có người quen môi giới để sang Hồng Kông.. Trong khi chồng vào tù, nhà bị tịch thu, phải lăn lê ngoài vỉa hè cả mấy tháng trời mới lấy lại được.
Của đáng tội, nếu lần đấy bà không nhanh trí, không lì đòn thì cả 7 mẹ con còn gối đất, nằm sương không biết đến khi nào. Cũng may trời còn có mắt, biết thương một người mẹ trẻ đẹp một nách 6 con trong cảnh loạn ly như bà để mở một con đường sống. Lần ấy, theo đúng lịch trình, mỗi tháng một lần, vài tên cán ngố lại rủ nhau chui vào lúi húi bên trong cả mấy tiếng đồng hồ. Vô phúc thằng quản kho lại bỏ quên cả chùm chìa khóa lơ lửng ở ngay chốt cửa. Bà biết được liền ôm gọn rồi ném xuống dưới ao nhằm phi tang dấu vết, khi quay trở ra cả bọn chưng hửng vì không thấy chìa khóa đâu, chỉ chỏ, lùng sục chán chê rồi cả bọn bỏ đi , để lại kho đầy súng đạn quân trang quân dụng cho thủ kho canh giữ. Quanh quẩn một lúc như chó nằm trên đống lá han, nó cũng sốt ruột bỏ đi nốt, thế là bà chui tọt vào, kéo theo tất cả đàn con sáu đứa vào theo… Đến lúc tên thủ kho tìm được người vào làm chìa khoá thì ôi thôi mẹ con bà đã nằm lăn ra đất cùng hằng hà sa số bao tải buộc bị quần áo xoong nồi
Khi tên cán ngố định giở trò đuổi mẹ con bà đi để khóa cửa như mọi bận thì bà lên giọng
– Nhà của tôi đang ở mắc mớ chi mà các ông phá cửa tịch thu vậy ? Má con tôi không đi đâu hết. Ba tụi trẻ đã bị vào tù để “đền tội” rồi sao còn bắt mẹ con tôi ra đường? Bây giờ muốn bắt, muốn giết gì thì cứ bắn chết cả bẩy má con tôi đây này, thà chết một đống còn hơn sống một người . Cả vùng rộng lớn này thiếu chi kho xưởng bỏ hoang, sao các ông không để súng đạn mà lại nhằm vào nhà tôi trong khi tôi đi vắng?
Biết không co kéo được với người đàn bà một sống một chết này, lại bị ông thợ khóa chơi xấu , đánh cả ngày trời không cái nào vừa ổ nên cán ngố đành bỏ đi, thế là cả bẩy mẹ con xúm tay vào vứt hết đồ đạc, súng đạn của tụi nó ra ngoài trả cho quân đội Bắc Việt, lấy chỗ ngủ.
Năm tháng qua đi, bao vất vả hằn sâu trên đôi mắt, khuôn mặt, vừa đối phó với chính quyền mới ,vừa lăn như bống để làm ăn, có tiền tích cóp nuôi chồng trong tù, vừa lo cho đàn con vượt biển…Tất cả đã in dấu ấn trên cơ thể và làm bà mệt mỏi. Nếu trước kia còn trẻ, bà như con tàu vững chãi vượt qua được cả vũng lầy cách mạng để băng ra đại dương cuộc đời thì bây giờ sau bao năm tháng thê thảm của thời hậu chiến, gánh gồng chồng con trên vai , cơ thể bà hệt như một cái lồng ọp ẹp không giấu nổi nỗi khổ, nỗi đau cứ trào chạt ra ngoài thông qua những căn bệnh của tuổi già. Nào mỏi lưng, đau đầu, chân tay run rẩy…
Sợ bà ngồi lì ở nhà, nó mách nước:
– Má sang nhà bà già đen ngồi chơi hay ông Mỹ hàng xóm đó. Nhớ sau 4 giờ mới được về nghen. Nếu lũ bạn ở lại vì nhậu say thì cũng quanh quẩn đằng sau thôi nha, đừng lên nhà trước làm gì.
Chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như ông không một lần tự nhiên ngắm cây ngắm cối trong vườn sát mé nhà hàng xóm, thấy có cái cây mọc vô cớ giữa hai nhà, sẵn vốn tiếng bồi từ ngày đi lính Việt Nam Cộng Hòa ông đánh tiếng với hàng xóm chặt nó đi cho quang quẻ rồi làm một hàng rào sắt ngăn lại, không ngờ cả hai còn đang cò cưa, kéo xẻ thì nó về, phóng xe vào tận cửa nó quát:
– Các người làm gì thế, đây là nhà ai hả? có muốn báo cảnh sát không?
– Ba, ba bị điên à? đây là nhà tôi, bộ ba muốn ra khỏi nhà hả?
Thế là giọt nước làm tràn ly, ông nóng máu xách vali ra khỏi nhà, tất nhiên bà chờ đợi ông ngần ấy năm trong tù rồi theo ông sang đây, làm gì có chuyện bỏ lại ông mà ở với con , thế là hai ông bà xách hai cái va li trở về xóm cũ. Nhà cũ đã có người ở, trong tình trạng tứ cố vô thân, không nơi bấu víu ông đành lên office gặp quản lý, nói lí nhí về việc ông bị con trai đuổi khéo ra khỏi nhà, bây giờ ông không biết đi đâu, về đâu?
Quen như ở Việt Nam, ông liều mạng móc túi trong túi ngoài tất cả được 500 đồng liền nhét vào tờ giấy và dúi vào tay nó kèm mấy câu tiếng bồi…
Người quản lý vốn là một người đàn bà da đen không chồng nhưng ham vui, lại thích hút thuốc, uống rượu và thỉnh thoảng còn kéo máy đánh bạc ở các casino nên cầm luôn số tiền ông đưa và bố trí ông vào một phòng trống mấy tuần sau đó, để rồi ngẫu nhiên lại thành tất nhiên, hễ có phòng nào trống lại xuống gõ cửa phòng ông thì thào:
– Phơng ơi, có phòng trống rồi đó, mày xem đưa người vào đi
Thế là ông liên tiếp kéo họ hàng, người thân, bạn bè vào, cả lớp ESL( tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ 2) có 11 người việt thì ông lôi kéo đến tám người, rồi người nọ truyền tai người kia, tất cả đều phải nhờ cậy ông, cuối cùng cả khu chỉ còn trơ trọi mỗi ông mỹ trắng độc thân và bà mễ , còn lại dẫu có là người Hoa cũng là người Tàu chợ lớn, trọ trẹ nói tiếng Việt.
Cái giá tiền đầu tiên chỉ là $ 500. Những lần tiếp theo cứ theo tăng dần đều $ 800, $ 1.000 nghìn rưởi rồi 2000 USD. Tất nhiên với vai trò môi giới, dẫn đường, ông cũng được họ cho chút đỉnh, như vé máy bay về Việt Nam, hoặc gửi thẳng về họ hàng, làng mạc để làm từ thiện theo danh sách của ông đưa, đến khi quản lý bị phát hiện phải đổi đi chỗ khác hoặc ra tòa vì tội ăn hối lộ cũng là lúc gần 100 gia đình người Việt phủ kín khu apartment.
Thế là vỏ Mỹ, Mễ nhưng ruột Việt. Nhìn tấm bảng của khu , đố ai nghĩ đó là khu của Người việt, nhưng chỉ cần bước chân qua barie vào trong xóm là nắm bắt được ngay hồn Việt, người Việt, từ cách trồng cây cối đến bố trí đồ đạc trong nhà, cách giặt và phơi quần áo. Cả khu có chung một nhà giặt, gồm 10 máy thi nhau hoạt động bất kể lúc nào, nhưng chỉ có cánh trẻ giặt, còn các ông các bà thuộc diện U60 trở lên, hàng chục năm cấm có mất một cent tiền giặt, đơn giản vì ngày nào cũng thay rửa, tắm giặt nên tiện thể giặt tay rồi phơi phóng ngay trước cửa, chỉ vài tiếng đồng hồ là khô, manager có nhắc nhở thì xách vào trong nhà, manager đi rồi lại đâu vào đó, chỉ 1, 2 bộ thôi mà, lại tiết kiệm mỗi lần được $ 3 tiền giặt, sấy khô.
Mỗi lần đi chợ, đi chùa, đi nhà thờ cả xóm lại í ới gọi nhau hết từ đầu dãy đến cuối dãy, từ trên gác đến dưới nhà. Cứ 4 , 5 người một xe rồi góp tiền cho tài xế- cũng là người Việt ở cùng khu. Tất nhiên phải quy định giờ giấc để bác tài khỏi đợi lâu. Lai nhớ mỗi lần chợ food Co , hay Bellar có hàng giảm giá là tất cả lại kháo nhau đến mua, cả quầy hàng gần trăm pound, cả xóm chỉ quơ mỗi người một lần là sạch bách, kèm theo những tiếng Việt thuần nhất:
– Trời, thịt heo ngon thế mà rẻ rề, có $1,39 1 lbs, rẻ bằng nửa chợ Vĩnh Phát hay Thuận Phát à, tội gì mà không mua?
– Cả củ đậu cũng vậy, có 49 cent một pound, mua về thái nhỏ với mộc nhĩ, nấm hương trộn với thịt nạc băm rồi gói lại làm mọc, nhân nem ngọt và giòn thơm lắm các bá ạ. Bình thường chợ rẻ nhất cũng 79 hoặc 99 cent 1 pound, mỗi lần đụng việc chỉ dám mua 1 củ be bé thôi hà…
Vui nhất là mỗi lần chợ nọ chợ kia có tôm, cua hạ giá, cả xóm lại hồ hởi kéo nhau đi…Khổ nỗi, cua đáy bể , giá hạ còn non nửa thì lấy đâu ra khối lượng nhiều mà phục vụ cả xóm, thế là người nọ trách người kia, người đi sau ghen tị với người đi trước, cứ ù xọe cả làng ngay tại cổng:
– Tại ông Bà đại tá ấy, có mỗi việc xách ví ,thay đồ đi chợ thôi mà chuẩn bị rõ lâu. Cả 3 chúng tôi đã lên xe ngồi chờ rồi mà tận 15 phút sau ông bà ấy mới dắt díu nhau ra. Mà khổ đi chợ cũng phải có đôi sao?
– Thì đã là vợ chồng mà, sung sướng cũng có nhau, đau khổ loạn lạc mất nhau rồi mới tìm lại được nhau, bây giờ về già rồi, sự đau ốm cũng phải có đôi chứ?
– Thì thế, mấy nhà trước họ đi nhanh, về nhanh, mua được cả ký luôn, giờ ngửi hơi cua mà thèm
– Giời ạ, Một cái bể con con, giờ người ta dốc bể làm vệ sinh, toàn những con gày, con đuối nước mới bán với cái giá rẻ như cho: 3,99 đồng 1 pound thì lấy đâu ra nhiều mà các bà chùng chình đòi đến lượt.
– Thôi lần sau đánh lẻ chắc ăn, nhờ con, nhờ cháu đi xe nhà cho được việc, đằng này cứ chờ xếp đủ 5 người một xe, cả xóm 10, 15 xe bò ra khỏi cổng nối đuôi nhau chạy rề rề như cua bò ngang dưới nắng mặt trời thì bao giờ tới chợ? mà có tới được cũng chẳng đến lượt vì lấy đâu ra cả trăm pound cho tất cả các ông bà mua?
Cả xóm có vài cây táo, đào hay hồng giòn trồng lấy bóng mát từ khi khu apartment mới xây, nay sau 20 năm trở nên um tùm tươi tốt, đến mùa thu hoạch, nhà nào cũng sắm sào, sắm gậy để hái xuống ăn, rồi ù xọe tranh cãi nhau như mổ bò thời bao cấp:
– Này, cây ấy mọc ngay trước cửa nhà tôi, phải để tôi hái trước.
– Ô hay, mọc ở đâu thì cũng là của chung chứ, sao bà không hái để đến bây giờ đến lượt tôi hái lại trách cứ:
– Sở dĩ tôi chưa hái vì thấy quả nó còn xanh, ăn thử thấy chát sin sít ra mới phải chờ,.. ai dè
– Thôi…giờ tôi với bà chia đôi, được chưa?
– Còn các nhà khác thì sao?
– Kệ họ, trâu chậm thì uống nước đục
– Nhưng bà Hoa ở sát vách tôi, thấy tôi chuẩn bị đồ lề đi hái cũng nhờ tôi đem về cho bà ấy một mớ… chia đôi là chia thế nào?
– Nè, mấy bà phải nhớ, ai là người hàng ngày tưới cây để quả sai trĩu cành cho các bà hái nhé…
– Thôi, đã thế thì hái hết đi, non già, xanh, chín…hái hết, lại phải chia năm, sẻ bảy như mọi lần …nếu không, tôi tuy là ở ngay trước cửa cũng hết phần, chứ tưởng à ?
– “Cha chung không ai khóc”, nên khi chia “quả thực” xong rồi, cây nào cây ấy dập ngọn, gãy cành, cứ như gặp bão.
Tuy vậy ai đã từng ở Mỹ, tới xóm người Việt ở mới thấy hết cái hương vị ngọt ngào thơm thảo của nó, vượt lên tất cả vẫn là cảnh tha hương ngộ cố tri ( xa quê hương gắng tìm người tốt ) tối lửa tắt đèn có nhau, cảnh “bánh ngon bẻ đôi, sách báo hay truyền tay nhau đọc. Một tờ báo làng, báo mõ cả xóm chia nhau từng mẩu tin tức, câu thơ, truyện ngắn trích dẫn, hoặc trêu chòng nhau theo đúng kiểu Vietnamese:
– Chết chết tối qua tôi chỉ ăn có chút đồ biển mà giờ nổi mề đay khắp người
– Thế à, có ngứa không, có cần tìm người gãi không?
– Cha bố tiên sư nhà anh, già đầu rồi mà còn thả thính , dâm dê thế à, có muốn tôi mách con mụ Thuần, vợ anh không?
– Ấy chết, mách mụ ấy thì làm gì được, quan trọng là gãi đúng chỗ ngứa thôi mà.
– Đù má lão già , đã biểu nổi mề đay khắp người thì chỗ nào chả ngứa. Thôi về vòng tay xin phép con mụ Thuận, chở tôi đi hospital, nhanh, tôi giả tiền
– Ừ, ờ mà tiền gì ấy nhỉ;
– Mẹ lão già, ỡm ờ mãi , tiền xăng chứ còn tiền gì…nhanh. 20 đồng cả đi lẫn về, ok không?
– Ô, thế là không phải tôi gãi, mà là bà gãi đúng chỗ ngứa của bà xã tôi đấy nhé , để tôi về vòng tay xin phép bả…
Cả trăm nóc nhà nên cũng không thiếu chuyện cãi vã hiểu lầm phát sinh:
-Đêm hôm kia tôi mất chậu bonsai, mấy sáng nay đi khắp các nhà trên lầu, dưới đất thấy một chậu bonsai giống hệt của nhà tôi, không biết có phải bà Hường lấy không?
– Ông điên à, bà ấy không con cái gì, 70 tuổi đầu rồi sao bê nổi chậu bon sai của ông?
-Thì thế, nhỡ đâu bà ấy mua lại của bọn trộm
– Sao ông không gõ cửa hỏi bà ấy cho khỏi một mất mười ngờ
– Thôi của đi thay người. Mất tiền mất bạc không bằng mất tình hàng xóm…
Tết đến xuân về, 1 nhà gói bánh chưng cả xóm góp tiền, góp gạo , mua nồi nấu chung. Mỗi đợt vớt khoảng 50 cái bánh, cả xóm, người vác rổ, người vác chậu hay xoong nồi đến để chia …chộn rộn cả một góc làng, không khác gì cảnh thôn quê Việt Nam mỗi lần giỗ chạp, chỉ thiếu mỗi tiếng lợn kêu, bò rống…Những con người tuy nhàn nhã, cao sang trong cảnh xứ người vẫn không rũ bỏ cung cách truyền thống xa xưa của người Việt, như rêu xanh bám chặt vào tảng đá, vẫn í ới gọi nhau, bóc ra một đôi chiếc ăn thử rồi bình loạn, đưa đẩy, và tìm mọi cách để …khoe răng mình và đếm răng mọi người, vui đáo để.
Thừa thời gian lại dư thừa thực phẩm nên cánh bà già trên 60 tuổi thường xúm vào nấu chè, nấu xôi hoặc các món ẩm thực của Việt Nam từ phở, bún, miến, bánh canh, khổ qua nhồi thịt nạc và mỗi ngày, mỗi lần như thế lại thơm thảo xóm làng, ai ai cũng có phần.
Ngẫm ra người Việt sống xa xứ mà được hưởng cảnh vui vẻ, đoàn tụ tình nghĩa này, chẳng phải ấm lòng lắm sao?
Sacto 16-4-2021
T.K.TT

3 BÌNH LUẬN

  1. Dạ xóm này có thật 100%, Thủy rất thân vói ông bà đại tá tên Phương nên hiểu rõ xóm này như lòng bàn tay. Giờ không còn làm ở xóm đó nữa nên rất nhớ con người và cảnh vật của xóm đó…

  2. Cậu chuyện kể rất hay, dù không rõ hư thật.

    “Ngài đại tá” cựu dĩ quan VNCH cũng như phu nhân trước và sau 1975 rất đáng chúng ta kính nể với tù tội vượt biên và thành lập một cộng đồng sinh hoạt rất ấm lòng người.

    Chồng ở tù, bà đại tá một mình ở nhà lo cho 6 người con, cả vụ vượt biên. Con cái có khi hời hợt cũng không nghĩ tới. Ông bà cũng không than thân trách phận mà tự sống riêng lại còn đã thành lập được một cộng đồng mới tự sinh hoạt, chăm sóc cho nhau từ việc đưa nhau đi chợ búa, đến việc rủ nhau đi nhà thờ nhà chùa, thể dục thể thao, hay giúp nhau đi khám bệnh v.v. không phiền đến sở xã hội.

    Dĩ nhiên xã hội nào cũng phải có một ít rắc rối như hối lộ hay trộm cắp vặt v.v. nhưng tổng quát là một cộng đồng lành mạnh thân thương.

    Ở một xứ sở tụ do, con người cũng được tự do phát triển và lãnh đạo cộng đống với những luật lệ riêng để tôn trọng lẫn nhau.

    Tôi rất thích được lân la ở những nơi độc đáo như thế.

    Có lần con trai tôi bảo, ông hàng xóm hỏi thăm gì đó, nó nói tôi không hiểu rõ và cũng ông hích lằng nhằng nên bảo, không được nói với người lạ. Nó nhất định là ông ta sẽ ghé nhà hỏi thăm vì cái quái giw tôi không rõ. Ông ta gõ cửa nhà tôi thật. Hoá ra ông hỏi có biết ai ăn cắp chậu cây xương rồng (cactus) của ông không vì họ làm bể cái bình sau nhà tôi. Tôi lại phải ra ngoài nghe và xem dấu vết bình bể. Ông ta bảo cây của grandma cho. Tôi bảo, nhà không thâu video bên ngoài mà tôi cũng không thấy ai bưng bình làm bể. Tôi nhìn quanh vườn, để an ủi ông tôi bảo để tôi đào cho ông một ít cây sống đời gọi là sedum về mà trồng cho khỏi tiếc cây xương rồng đã mất. Sedum sống đời đời kiếp kiếp dù rằng nhiệt độ ở đây có thể tới trừ 50 độ C.

    Sedum đang nhú ngọn lên ngoài vườn như những niềm vui được nói chuyện với người hàng xóm.

    Tưởng tượng tới một cộng đồng của ngài đại tá và phu nhân hơn trăm gia đình quây quần, thì niềm vui của tôi được nhân lên gấp trăm lần.

    Rất chân thành cảm ơn t/g Trần Khải Thanh Thủy và ĐCV. Chúc sức khỏe đến tất cả mọi người ở đây như một cộng đồng thân mến. God Bless.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên