Những Mảnh Rồng – cuốn tiểu thuyết đi tìm và ghép lại linh hồn Việt của Hoàng Minh Tường

3
Nhà văn Hoàng Minh Tường. Ảnh Văn Việt

Có thể nói, những năm gần đây Hoàng Minh Tường là một hiện tượng lạ của Văn học Việt. Không chỉ góp phần làm sống lại dòng Văn học hiện thực phê phán, mà ngòi bút của ông còn chọc thẳng vào những điều cấm kỵ, nhảy cảm nhất của những kẻ cuồng cộng cùng những người chống cộng cực đoan. Những Mảnh Rồng được viết gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết điển hình như vậy của Hoàng Minh Tường. Theo cách nói của giới chè chén vỉa hè, thì Hoàng Minh Tường to gan, lớn mật, dám cả gan bóp một phát cả hai dái ngựa, để lãnh trọn hai chân ngựa đá. Do vậy, để cho ra lò được cuốn tiểu thuyết này, chỉ riêng tài năng, sự can trường của Hoàng Minh Tường thì quả thực chưa đủ, mà còn cần sự can đảm của bà đỡ. Vâng! Con đường buộc phải đi giữa hai làn đạn ấy, không phải nhà xuất bản nào cũng đủ dũng khí để đi đến tận cùng với Hoàng Minh Tường.

Về đề tài này, trước Hoàng Minh Tường đã có một số tác phẩm, bài viết của những Dương Thu Hương, Trần Trung Đạo hay Trần Hoài Thư…tuy nhiên hình thức, hoặc mức độ nông, sâu có khác nhau. Cho nên, cũng cần phải nói thẳng, kể từ sau 1975 chưa có một cuốn tiểu thuyết nào đi sâu vào mổ xẻ cái thối tha, bỉ ổi của cả hai phía cuồng cộng và chống cộng cực đoan một cách thẳng thừng, mạnh mẽ, sâu sắc như tiểu thuyết Những Mảnh Rồng. Và có lẽ, đây cũng là cuốn sách gây cho Hoàng Minh Tường nhiều áp lực nhất, trong sự nghiệp cầm bút của ông.

Xuất thân từ nhà giáo, và đã vào cái tuổi thất thập, tưởng chừng nhà văn xứ Đoài Hoàng Minh Tường đã vắt kiệt cho những: Gia Phả Của Đất, Thời Thánh Thần, hay Nguyên Khí…Nhưng không! Đọc Những Mảnh Rồng, ta thấy ông vẫn còn sung sức và khoáng đạt lắm. Về thủ pháp nghệ thuật, với tôi Những Mảnh Rồng không phải là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Hoàng Minh Tường. Nhưng nó mang tính tư tưởng, dự báo, giải quyết những mâu thuẫn bế tắc của xã hội hiện nay.

Thật vậy, chiến tranh đã đi qua trên bốn mươi năm, nhưng lòng người vẫn ly tán. Linh hồn con dân đất Việt vẫn như những mảnh vỡ trôi dạt khắp muôn nơi. Sự lưu manh hóa của xã hội, con người càng đào sâu thêm hố ngăn và khoảng cách. Dẫu biết rằng, nó chẳng khác công việc đội đá vá trời, vậy mà Hoàng Minh Tường vẫn cần mẫn đi tìm và hàn gắn lại những linh hồn, thân phận con người thông qua những trang sách của mình.

Những Mảnh Rồng là cuốn tiểu thuyết có tính khái quát cao, với nhiều tuyến nhân vật gắn với những sự kiện nóng hổi chìm trong mâu thuẫn đang diễn ra ở trong nước cũng như nơi hải ngoại. Qua cuốn tiểu thuyết này, một lần nữa cho ta thấy bút pháp biến hóa, già dặn của Hoàng Minh Tường. Bút pháp ấy, tuy mang đậm tính tự sự truyền thống, nhưng những sự việc, nhân vật chồng chéo đan xen nhau, không theo một trình tự nhất định, vẫn hiện lên một cách sinh động. Có điều đặc biệt, cuốn tiểu thuyết này, dường như tác giả không chủ định xây dựng nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Bởi, nhân vật, sự kiện trên trang sách là hình mẫu thật khác nhau ngoài đời, được tác giả xâu chuỗi lại, và tiểu thuyết hóa đều trở thành hình tượng tiêu biểu. Và mỗi mảnh ghép ấy, là những số phận gắn liền với biến cố, thăng trầm của đất nước. Dù đã được tiểu thuyết hóa, vậy mà người đọc vẫn bắt gặp hình bóng của những văn sĩ, nhà báo trên trang văn như: Vũ Thư Hiên, Ba Xàm Nguyễn Hữu Vinh, Huy Đức, Trương Duy Nhất… Hoặc những nhóm, ký giả cực đoan: Vạn Thắng, Hoàng Dược Thảo, Việt Thường… Hay tầng tầng, lớp lớp bọn sâu mọt đang tàn phá đất nước, làm giầu trên nỗi thống khổ của người dân oan mất đất, mất nhà, như: Từ Ba Dũng đến Phạm Nhật Vượng, Trịnh Xuân Thanh trở về từ Đông Âu… và trở cờ như Trần Trường ở Hoa Kỳ…

*Chiến tranh và thân phận con người sau 1975.

Có thể nói, Những Mảnh Rồng là pho tiểu thuyết trải dài gần nửa thế kỷ, kể từ sau 30-4- 1975 cho đến nay. Nó được bắt đầu bằng cuộc phân ly, trốn chạy CS lần thứ hai của con dân đất Việt. Mâu thuẫn, dấu ấn để lại sâu đậm trong lòng người đọc vẫn là chiến tranh và những hố ngăn của ý thức hệ. Dù chiến tranh chỉ thoắt ẩn, thoắt hiện trên những trang viết, nhưng nó là sự khởi nguồn của những nỗi đau và cả điều phi lý để làm nên cuốn sách.

Có lẽ, không có nỗi đau nào bằng nỗi đau của người mẹ, phải chứng kiến hai người con (đều là sĩ quan cấp cao) ở hai đầu chiến tuyến lao vào bắn giết nhau. Với cái chết phơi thây nơi chiến trường đó của họ, và lao tù là nơi buộc phải đi đến của người cháu đích tôn sau chiến tranh là nhát dao cuối cùng chém (vỡ) nát tâm hồn người mẹ, người bà. Những mảnh vỡ (Tiên – Rồng) ấy, chính là những điều buộc Hoàng Minh Tường phải (giải quyết) tìm tòi hàn gắn lại trong cuốn tiểu thuyết này. Đoạn trích dưới đây chỉ là những lời tự sự và hình ảnh nghịch lý của cuộc chiến vừa qua, tuy không mới, nhưng tác giả đã cho người đọc thấy được cái nguyên nhân cốt lõi đó: “…Ba Bối nói: Anh Hai chết rồi. Ảnh từ trên xanh luồn xuống vùng Điện Bàn, bị pháo hạm Mỹ bắn thủng ruột, chết giữa sông Thu Bồn. Bà cụ không tin lời Ba Bối. Nó nói thế cốt để cho bà khỏi chờ, và để vợ chồng nó đón bà vô Sài Gòn. Bà đinh ninh thằng Hai Bửu con bà không thể chết… Người em Phạm Trọng Bối đã có lúc leo tới chót vót nấc thang quyền lực chính thể Việt Nam Cộng hoà. Ấy là năm 1972, ông từng đeo lon đại tá, tư lệnh mặt trận An Lộc. Nhưng rồi mùa hè đỏ lửa năm ấy, để tử thủ bảo vệ phòng tuyến tây bắc Sài Gòn, chặn đứng bước tiến của quân cộng sản miền Bắc từ Lộc Ninh theo đường 13 tràn xuống, đại tá Phạm Trọng Bối và hai cộng sự cùng bị chôn chung trong một căn hầm trong rừng cao su dưới làn hoả pháo dày đặc của đối phương…“ (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Tuy Hoàng Minh Tường tháo bỏ được chiếc vòng kim cô trên đầu đã lâu, nhưng có một số từ ngữ, hình ảnh trong tiểu thuyết Những Mảnh Rồng làm người đọc khó có thể đồng cảm. Bởi, dù dưới nhãn quan và lăng kính nào đi chăng nữa, nhà văn luôn phải công bình đối với người lính của cả hai chiến tuyến. Cái khó đồng cảm này, có lẽ không chỉ ở các nhà văn xuất thân từ miền Bắc như: Hoàng Minh Tường, Dương Thu Hương, hay Bảo Ninh…mà ngay một số nhà văn miền Nam rất đáng kính cũng vậy, khi viết về những anh bộ đội, người lính phía Bắc thường có những từ ngữ chua cay, làm cho người đọc phải cay cay nơi sống mũi. Ta có thể thấy, xuyên suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, dù ở thời kỳ nào, chế độ nào, người lính trận luôn phải gánh chịu những thiệt thòi, gian khổ, đáng trân trọng nhất. Do vậy, những người lính Việt Nam Cộng Hòa không thể là ác ôn, hay những anh bộ đội không phải là kẻ sắt máu. Bởi, họ đều là những học sinh, người nông dân lành như đất, buộc phải cầm súng theo lệnh của những kẻ đầu cơ, mua bán chiến tranh mà thôi. Hình ảnh, đoạn văn dưới đây là một trong những cái nhìn hơi bị cực đoan, méo mó. Cùng với tình tiết đã được tiểu thuyết hóa một cách vượt ngưỡng của nhà văn Hoàng Minh Tường. Tôi cho rằng, đây cũng là hạn chế của cuốn sách này. Dù đó chỉ là từ ngữ, thông qua lời kể của người mẹ mất cả hai người con ở hai bên chiến tuyến:“… đêm thằng Ba Bối bỗng đi xe Jeep dẫn mấy đứa ác ôn trên đồn Cầu Đá về nhà. Nó bảo, có tin mật báo, anh Hai từ miền Bắc mới đột nhập vĩ tuyến trở về. Thể nào anh Hai cũng về gặp má. Con về đây đón lõng. Nếu anh Hai về con quyết xin ông cộng sản ấy cái đầu nộp Chánh phủ quốc gia…“(Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Sau chiến tranh, sự bắt bớ tù đày, cải tạo công thương, đuổi dân lên rừng với mỹ từ kinh tế mới, đã đẩy con người xã hội vào đường cùng, ngõ cụt. Lối thoát duy nhất của họ cùng với chiếc thuyền mỏng manh, lao ra biển cả. Tôi đã đọc rất nhiều hồi ký, bút ký của những thuyền nhân, trốn chạy, hoặc của những nhà văn khác viết cùng đề tài. Vậy mà, đọc Những Mảnh Rồng của Hoàng Minh Tường không thể kìm nén được cảm xúc. Vẫn từ ngữ dân dã, ngắn gọn tạo ra những tình huống, hành động bất ngờ. Hình ảnh cô giáo Nhạn bị hải tặc cưỡng hiếp trên thuyền, dẫn đến cái chết của chồng con, buộc phải sinh non, đẻ sớm dường như đã lột tả đến tận cùng sự khốn nạn, và nỗi đau của con người. Một nỗi đau không thể so sánh, như trước đây đã có trong câu thơ của Cao Đông Khánh: “… em nói, chồng em chết tù cải tạonhững đứa con ngọc ngà chết ở biển đôngcòn đứa trẻ khôi ngô này, sinh ở trại tị nạncha nó đang làm hải tặc Thái lan…”

Có thể nói, những đoạn văn miêu tả của Hoàng Minh Tường về thảm cảnh vượt biển, trốn chạy sinh động, và thành công nhất trong cuốn tiểu thuyết này:

“Trong một góc hầm tàu, hai tên cướp đang lột truồng một phụ nữ cưỡng hiếp. Ở một góc khuất, ánh đèn pin của gã râu xồm tay cầm khẩu Pạc-hoọc chĩa thẳng vào mặt Nhạn. Một giọng Việt lơ lớ, giống như cái giọng trên con tàu hải quân hôm qua, reo lên: “ Hơ hơ… Đ. cái l. chửa sướng nửa tháng giời, chúng bay ơi…” Cô giáo Nhạn rú lên, lủi sâu vào trong góc, hai tay ôm lấy bụng. Bé Yến từ đâu đó lao ra, gào xé giọng: “ Má… Cứu má, ba ơi…” Một tiếng thét kinh hồn của Bắc, kèm theo là một cú đá song phi vào thẳng mặt tên râu xồm khi hắn vừa xé toạc váy của Nhạn. Ngay sau đó là hai phát súng làm cả tàu chết lặng. Bắc và con gái nằm vật, ôm lấy người đàn bà ngã ngửa, quần áo bị xé toang, lồ lộ một vùng tròn căng trắng mờ…“ (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Mượn lời người Malaysia, khi xua đuổi thuyền nhân, thay cho lời cáo trạng, cũng như biểu lộ sự kinh tởm đối với chế độ cộng sản, là ý đồ nghệ thuật của Hoàng Minh Tường chăng? Để từ đó bật ra cái thân phận hẩm hưu, rẻ mạt của con dân đất Việt đang thất tán và phiêu bạt. Vâng! Dưới ngòi bút Hoàng Minh Tường, ta thấy được tư tưởng, ý thức đè nặng trên những trang văn là vậy:

“Người Mã chúng tôi ngày trước còn nghèo hơn nước các người. Chúng tôi hạnh phúc vì chúng tôi sống yên bình, không thích đánh nhau. Bây giờ chúng tôi cũng không muốn các người mang mầm mống cộng sản sang đây. Hãy trở về và cam chịu sống với chế độ ưu việt nhất thế giới của các người. Đất nước chúng tôi ghê sợ Việt cộng lắm rồi…“ (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

*Những mâu thuẫn ý thức, tư tưởng về bức tranh hiện thực của xã hội đương thời.

Những Mảnh Rồng là tiểu thuyết mang tính thời sự, xã hội trong không gian rộng mở. Do vậy, nhiều tuyến nhân vật với hệ tư tưởng khác nhau, ắt dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột. Những mâu thuẫn, xung đột ấy, hoàn toàn không thể hóa giải, nếu không có tự do, và công lý, đất nước vẫn còn độc tài trị. Có thể nói, khi Phạm Hải Hành và David Bùi giương cao lá cờ ba màu vàng, xanh, đỏ bị những người chống cộng cực đoan đánh trọng thương, thì mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm. Sự quá khích ấy, không chỉ dừng lại đánh đập thế hệ trẻ như Phạm Hải Hành, hay David Bùi, mà còn hạ triệt cả cha mẹ, dù là những trí thức đáng kính. Đoạn trích dưới đây, trong bài báo của Tổng biên tập Lê Sa Biền cho ta thấy rõ điều đó: “Một nhà văn được chính quyền Hà Nội xếp vào danh sách chống cộng cỡ như Nhân Mục, giờ phải như thế nào mới quay ngoắt một trăm tám mươi độ như thế chứ? Hẳn ông ta muốn lấy điểm để chính quyền Hà Nội thí cho một suất về thăm cố hương? Hẳn là ông ta đã được cộng sản Hà Nội cho ăn bánh vẽ, rồi sẽ tiếp bước tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ và đại nhạc sĩ Phạm Duy, quá hám lợi mà đã phản bội lý tưởng quốc gia, vì thế khi về Mỹ, họ càng ra rả tuyên truyền không công cho giọng điệu hoà hợp dân tộc giả dối và bỉ ổi. Nhân Mục thực sự đã lộ mặt nạ là một Việt cộng nằm vùng. Và hôm nay, thưa bạn đọc, ông bố dượng tinh quái và thâm độc đã huấn luyện cậu con riêng đi theo con đường bán mình cho quỉ…” (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Không chỉ có bị đánh đập như ở Little Saigon, quận Cam, Hoa Kỳ, mà với lá cờ ba màu này ở Hà Nội thì chắc chắn Phạm Hải Hành và David Bùi sẽ gia tăng thêm tội, nhập kho, bóc lịch là điều không thể tránh. Có lẽ, để viết được những điều này, trước nhất nhà văn phải can đảm vượt qua sự sợ hãi của chính mình. Cái tư tưởng, cũng như ý tưởng ấy không mới, nhưng không phải ai cũng dám viết, dám đưa cuộc sống, thân xác mình vào giữa hai gọng kìm như Hoàng Minh Tường. Nhất là khi ông đang sống, và làm việc ở trong nước:

“Hai thanh niên trẻ Phạm Hải Hành và David Bùi chỉ là con rối trong tay những kẻ muốn phủ nhận thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, muốn xóa nhòa thành quả của cách mạng, do Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo. Không thể và không bao giờ có bóng dáng của lá cờ vàng trên một lá cờ nào đại diện cho dân tộc. Chính quyền tay sai Sài Gòn mãi mãi bị lịch sử đào thải, loại bỏ khỏi dòng chảy của tổ quốc Việt Nam XHCN…” (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Dường như, những trí thức khoa học, nhà văn hóa tên tuổi đều là những nạn nhân của chính quyền độc tài. Tù tội, rồi trốn chạy sang các nước Âu- Mỹ là đặc điểm chung của họ. Nếu Phạm Đăng Sinh một chính khách có một chút tư tưởng tự do, dưới tầm ngắm của anh ninh, hay tù nhân, nhà văn của chế độ cũ Nhân Mục đều phải bỏ nước ra đi, thì Lưu Sơn, Thái Đàm những nhà văn của chế độ cũng ngơ ngác trong vòng lao lý, rồi bị lưu đày nơi đất khách, uất hận đến tột cùng. Và bên cạnh Lương Vĩnh Nhân một ký giả chống cộng một cách cực đoan, ta bắt gặp những nhà báo như Vũ Bảo Huy có cái nhìn trong sáng, cởi mở. Là nhà báo của chế độ, nhưng Vũ Bảo Huy dám nhìn thẳng, dám đi đến tận cùng của sự thật. Anh đánh đổi tất cả để đi tìm một chữ công lý. Cái chết trong tù của anh như một bản cáo trạng sống về mức độ dã man và tàn bạo cho một thể chế. Phải nói, mối tình giữa Vũ Bảo Huy và Mỹ Hằng tuy muộn màng, nhưng đó là cuộc tình đẹp và cao thượng. Nó góp phần không nhỏ làm dịu bớt những mâu thuẫn, khô khan và căng thẳng của trang sách. Tuy nhiên, cũng như một số nhà văn khác thường mắc phải, khi chưa hiểu hết luật ngoại kiều, và điều kiện nhập quốc tịch ở các nước Âu –Mỹ, nên thường viết: “Thời gian này, mặc dù đã kết hôn với Mỹ Hằng, đã có bé Jennyfer Bảo Hằng, nhưng Huy vẫn là người tự do. Huy chưa muốn nhập quốc tịch Mỹ.“ Có lẽ, luật ngoại kiều của Mỹ cũng giống như ở Đức thôi. Người nước ngoài có vợ (hoặc chồng) là người mang quốc Đức, phải sống tối thiểu 3 năm liên tục ở Đức, kể từ ngày kết hôn, mới có quyền đặt đơn xin vào quốc tịch. Được chấp nhận hay không là chuyện khác. Nếu được chấp nhận phải trải qua thi cử, và nhiều thủ tục khác, thời gian phải mất một, hai năm… Những hạt sạn tuy rất nhỏ, vậy mà khi đọc cũng cảm thấy có chút lăn tăn. Đành rằng đây là tiểu thuyết, nhưng không phải tình tiết nào cũng có thể tiểu thuyết hóa được.

Chỉ có những thi sĩ, trí thức vừa là con đẻ, vừa là nạn nhân của chế độ như Lưu Sơn, Thái Đàm, mới thấu hiểu hết cái giả dối, suy đồi của chế độ, của chủ nghĩa Marx. Có lẽ, gần mười năm tù đắng cay không án, với những ngày trốn chạy, truy đuổi cùng bản thảo hồi ký, từ Nga đến Balan, sang Đức rồi tới Pháp, nhà thơ Lưu Sơn mới hiểu được sự  sai lầm của Marx, và cái ươn hèn của trí thức Việt. Chúng ta đọc lại đoạn trích dưới đây, một nhận định của nhân vật Lưu Sơn, hiện thân của nhà văn Vũ Thư Hiên, hay đó là những lời thú nhận đắng cay của chính triết gia Trần Đức Thảo:

 “…Cả đời Trần Đức Thảo mù quáng cả tin vào ý thức đấu tranh giai cấp của Marx, đi theo cái sai lầm của Marx. Nhìn lại quá khứ, biết bao trí thức cũng hèn như Thảo, chỉ biết theo đuôi ca ngợi lãnh tụ và đảng, ca ngợi chủ nghĩa Marx, thì Nhân dân và Tổ quốc còn biết trông cậy vào ai? Tội ác cứ tiếp tục hoành hành, xã hội cứ tiếp tục suy đồi vì giả dối, vì tội lỗi. Tất cả do đám trí thức hèn như Thảo… Ở Hà Nội họ bảo: Cứ giữ danh nghĩa ông Marx thì ăn tiền. Vậy là họ thừa biết ông Marx sai, cả ông Hồ cũng sai, nhưng nếu không thờ Bụt thì làm sao được ăn oản?” (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Ngoài sự khác biệt về tư tưởng, ý thức hệ, Những Mảnh Rồng còn cho người đọc thấy được những mâu thuẫn trầm trọng giữa những người bị trị với bọn thống trị, và cường hào mới. Nó hiện lên một chế độ độc tài, tư bản hoang dã, với thứ luật rừng. Điển hình là những kẻ cơ hội, bè cánh từ Nga, từ đông Âu trở về. Dựa vào những con buôn chính trị, chúng tàn phá đất nước, làm giầu trên nỗi thống khổ của những người dân lương thiện. Đọc nó, ta còn thấy được cái sân sau, nơi giữ cất khối tài sản cướp được từ trong nước của chúng là những khu chợ, đất đai nhà cửa, kể cả chùa chiền ở Nga, Đức, Tiệp, Balan:

“ Chỉ cần anh Chín nói với Mặt trận Tổ quốc đưa vào danh sách, rồi  chọn một đơn vị bầu cử của một tỉnh có nhiều chiến hữu, nói là Trung ương giới thiệu, có trật đằng giời. Ngô Bỉnh Thạc được đưa về đơn vị bầu cử quê hương, ba chọn hai, Thạc là doanh nhân Liên bang Nga, Tổng giám đốc tập đoàn Beroza Group, hai người kia một là cô hiệu trưởng trường mẫu giáo, một là ông trưởng trạm thú y huyện. Không bầu cho Thạc thì có mà điên.

Như diều gặp gió, tại Quốc hội, Thạc đại diện cho khối doanh nhân hùng hậu Đông Âu góp vốn về chung tay xây dựng đất nước. Trụ sở chính của Beroza Group được chuyển từ Matscơva về Hà Nội. Thạc để vợ chồng con trai cả Ngô Bỉnh Cẩm bên Nga, danh nghĩa là giữ đầu mối nhưng thực chất là nơi bảo toàn lợi nhuận thu được từ trong nước.“ (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Bè phái, lợi ích nhóm bện đan nhau như sợi dây thừng, dây chão vậy. Đám cưới giữa Thái tử đảng Trịnh Minh Hoàng và Ngô Đoan Diễm con gái của soái Nga, thực ra chỉ là sự liên minh bẩn thỉu giữa quyền lực chính trị và kinh tế. Qui về một mối, nhằm thao túng quyền lực, độc quyền hút trọn tài nguyên của đất nước, tài sản của nhân dân. Nếu ta đã đọc Gia Phả Của Đất, hay Thời Của Thánh Thần thấy được ngòi bút của Hoàng Minh Tường chọc thẳng vào cái ung nhọt, một hiện thực nóng bỏng nhất của xã hội đương thời, thì đến với Những Mảnh Vỡ ngòi bút ông bật lên nấc cao hơn thế nữa: Xổ toẹt Marx, bóc trần cái lưu manh của sự thần tượng hóa, và chỉ mặt điểm tên những kẻ tội đồ, một cách rõ ràng.  Ta hãy đọc đoạn văn, với hình ảnh so sánh một cách thâm thúy này của Hoàng Minh Tường để thấy rõ điều đó:

Đám cưới giữa Thái tử đảng Trịnh Minh Hoàng, con trai đồng chí Trịnh Tiến Cửu và kiều nữ luật sư Ngô Đoan Diễm, con gái soái Nga, đại gia Ngô Bỉnh Thạc, đã được tổ chức long trọng tại Hôtel Victoria… người ta thấy gần đủ mặt hội đồng Vua-tập thể, những anh Cả, anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm…, những Bộ trưởng, Thứ trưởng…Về phía doanh nghiệp, thấy đủ mặt Tổng giám đốc các quả đấm thép Vinashin, Vinalines, Vietnam Airlines, Vinamilk, các tập đoàn Dầu khí, Bưu chính viễn thông, Viettel, các ngân hàng Techcombank, Agribank…khối thương gia và doanh nghiệp có phần hoành tráng và ồn ã với những lẵng hoa đắt tiền, những thùng quà biếu lỉnh kỉnh…Riêng tờ “ Nông thôn tươi sáng” lại thâm thúy đăng bài tổng thuật về đám cưới bên cạnh bức ảnh bọn người bảo kê và côn đồ đang dùng đoản côn đánh đập, đấm đá trấn áp những người nông dân Sông Văn trong vụ dự án khu đô thị Beroza chiếm đất.”(Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Có thể nói, tiểu thuyết Những Mảnh Vỡ  như một bức tranh tổng thể, phơi bày tất tần tật những đang diễn ra trong xã hội đương thời. Kể cả vì quyền lực, tiền tài con người dám vứt bỏ tình mẫu tử. Nhân cách, hình ảnh Tạ Kiều Sương là sự tận cùng của sự khốn nạn mà chế độ xã hội đã sản sinh ra.

*Hàn gắn vết thương, trách nhiệm, lòng tin đè nặng trên vai thế hệ trẻ.

Tuy không dụng công xây dựng nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhưng hồn vía hai nhân vật trẻ Phạm Hải Hành và David Bùi, xuyên suốt tác phẩm. Thuộc thế hệ thứ hai sống ở Hoa Kỳ, họ là chiếc ngòi nổ khai mở, và cũng là chiếc chìa, khóa lại (kết thúc) pho tiểu thuyết này. Cũng như nhà thơ Trần Trung Đạo, nhà văn Hoàng Minh Tường luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ trước vận mệnh của dân tộc. Và họ (Phạm Hải Hành và David Bùi) hoàn toàn là hiện thân của Nhà văn. Những tư tưởng, hành động ấy, như một lòng tin, trách nhiệm đối với dân tộc, mà nhà văn đã chuyển sang cho thế hệ kế tiếp. Lá cờ ba màu vàng xanh đỏ chỉ là biểu tượng, hàn gắn lòng người, với ý đồ chuyển tải, thông qua thế hệ trẻ của nhà văn. Nếu Hoàng Minh Tường đã dành những từ ngữ đẹp nhất để viết về tư tưởng, hành động quả cảm, trong sáng vì đất nước và con người, như: Phạm Hải Hành, David Bùi, hay Đoan Diễm… thì với Trịnh Minh Hoàng, một kẻ bỉ ổi, được lưu manh hóa từ người cha, có thế lực địa vị cao ngất trời, ông hạ bút bằng những từ ngữ mạt hạng nhất. Hình ảnh Trịnh Minh Hoàng lừa, cưỡng hiếp Đoan Diễm bằng một thủ đọa đê hèn, như một cái tát vào chế độ thối nát đương thời. Hình ảnh đó, nói lên một điều, lưu manh, và quyền lực chỉ có thể xiềng xích, trói buộc thể xác, chứ không bao giờ thu phục được nhân tâm.

Để làm dịu bớt cái khô, nóng về lịch sử, xã hội Hoàng Minh Tường đã dụng công sử dụng thủ pháp nghệ thuật phối ghép, cài đặt những chuyện tình lãng mạn vào trang viết. Bên cạnh sự lãng mạn đó, nó cũng bật ra cái mọi thủ đoạn, kể cả tình yêu và hôn nhân của những tên (lợi ích nhóm) chóp bu. Có thể nói, tả cảnh, tả tình là những đoạn có lời văn đẹp nhất trong cuốn tiểu thuyết này của Hoàng Minh Tường. Đoạn tình giữa cô gái Balan và Phạm Hoài Trung, nếu nhà văn không cái quan sát tỉ mỉ, và trí tưởng tượng phong phú, thì có lẽ, không có lời văn đẹp và mượt mà đến vậy:

“Ôla định véo tai Trung, nhưng anh đã chạy thoát. Hai người đuổi nhau quanh những gốc sồi cổ thụ, tiếng cười ngân xa mãi trên sông Warta. Rồi họ đi xuyên qua những cánh rừng thông, rừng bạch dương, bỏ lại những thị tứ cổ kính và thơ mộng với những nếp nhà cổ, mái nhọn nhà thờ, một quảng trường nhỏ đầy hoa và nắng. Con đường thẳng tắp đang chạy giữa những cánh rừng, bỗng đột ngột ào ra cánh đồng lúa mạch chín vàng, ken dày những cánh hoa macki  đỏ rực mỏng manh như những cánh bướm dạt dào trong gió.“(Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Tiểu thuyết Những Mảnh Rồng có cái kết rất nhẹ nhàng và độc đáo. Hoàng Minh Tường đã hình tượng hóa giọt máu trinh nguyên của người thiếu phụ, dường như không phải chỉ đề cao cái đẹp, cái trinh trắng của tâm hồn, mà sự cảm thông và tình yêu đích thực sẽ vượt qua hận thù, tư tưởng và chính kiến, cùng mở ra một con đường đi đến của dân tộc. Dù sự chờ đợi ấy đã rất lâu rồi, nhưng có lẽ, không bao giờ muộn:

“Đạo diễn Phạm Hải Hành thực sự bắt đầu phim “Thuyền Nhân” từ cái đêm sông Hương ấy.

         Suốt đời anh sẽ không bao giờ quên cảm giác sững sờ, ngây dại, khi hai đứa tỉnh dậy, Diễm vào phòng tắm.

          Máu!

         Anh bàng hoàng nhận ra một vệt hồng tươi trên nền drap trắng.

         Dường như đó là sự trinh trắng của TÌNH YÊU mà suốt bao năm nàng vẫn âm thầm gìn giữ để dâng hiến cho anh“ (Những Mảnh Rồng- Sách đã dẫn)

Vâng! Với tấm lòng bao dung và độ lượng ấy, cũng chính là cái tư tưởng xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này mà nhà văn Hoàng Minh Tường muốn gửi đến người đọc.

Leipzig ngày 11-4-2018

Đỗ Trường

3 BÌNH LUẬN

  1. Nhà văn miền Bắc muốn thực sự có tài năng để chinh phục độc giả thì phải tốt nghiệp Đại học Địa ngục như Nguyễn chí Thiện, nhà văn này vẫn chưa thoát được cái bóng của ý thức hệ CS, của trường viết văn Nguyễn Du.

  2. Pham Trọng Bối là tư lệnh An Lộc? Anh ta đón lõng người anh hai để xin cái đầu nộp cho chính phủ quốc gia? Nó hỏng ngay lập tức, ngoài trừ ông ta viết cho người ngoài miền bắc. Văn của ông Vũ Thư Hiên thì mới sáng giá , trong những văn sĩ ở miền bắc về sau này. Cái lối viết của người từng trải, đắng lòng của chính mình, chứ không tưởng tượng lô bịch vô căn cứ, coi thường người đọc.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên