Nguyễn Văn Gia- Người tìm lại hồn quê

0

Thời gian gần đây, những lúc tâm trạng không được thăng bằng, tôi thường tìm đến Nguyễn Văn Gia. Đọc thơ ông, tuy không có cái chất cổ phong, với chiều sâu suy tưởng của Phạm Ngọc Lư, nhưng cho tôi cái tĩnh tại của nội tâm, cùng sự lắng đọng mang mang hương lúa, hồn quê. Khi đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy, cái cái truyền thống văn chương xứ Quảng đã đưa Nguyễn Văn Gia đến với thi ca ngay từ cái thuở học trò. Song cái hồn thơ ấy, dường như bị chẻ, chia ở đâu đó. Và phải đợi đến biến cố lớn nhất của cuộc đời ở cái tuổi ngũ tuần, mới làm hồn thơ Nguyễn Văn Gia chợt tỉnh. Tuy nhiên, là người trầm tư, kỹ tính, do vậy, Nguyễn Văn Gia viết không nhiều. Cho đến nay, ông mới cho in ấn và phát hành ba thi tập: Đôi Bờ Thời Gian (2010) Lặng Lẽ Phù Sa (2015) và Nắng Gió Quê Nhà (2019). Có thể nói, đây là những tập thơ hay về nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật sáng tạo, mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Nếu Đôi Bờ Thời Gian và Lặng Lẽ Phù Sa hồn quê, hương lúa được vọng lên từ tình yêu, lẽ sống của con người, thì đến với thi phẩm Nắng Gió Quê Nhà ngòi bút Nguyễn Văn Gia đã chọc thẳng vào những nỗi đau đang hằn lên hình đất nước. Và có thể nói, đi tìm lại ký ức, tìm lại đất nước, hồn quê là tư tưởng xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông.

Nguyễn Văn Gia sinh năm 1951 tại Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ông theo nghề dạy học. Rồi bất chợt, đứt gánh (giữa chừng), ông ngoặt trở lại con đường thơ ca, thi phú: “Bỏ rơi viên phấn nửa chừng/ Ta về nằm ngủ giữa rừng chiêm bao“ (Về Vườn). Hiện nhà thơ Nguyễn Văn Gia đang sống và viết tại thành phố Đà Nẵng.

Nhà thơ Nguyễn Văn Gia

*Hương lúa, hồn quê giữa đôi bờ lục bát.

Những năm gần đây người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, cho đến tổ nhóm, hội người làm thơ, đặc biệt là thơ lục bát, song còn đọng lại trong lòng người đọc không nhiều. Và trong cái à uôm đó, thì thật may mắn, khi đi sâu vào đọc văn chương miền Trung xứ Quảng, bất chợt để lại cho tôi, không chỉ một Nguyễn Văn Gia lục bát, mà còn một Nguyễn Văn Gia ngũ ngôn thơ.

Thật vậy! Tiếng chim rơi lệ, hay tiếng hú âm hồn xưa vọng lại trong tâm hồn thi nhân, khi quê nhà đã trở thành cố hương. Với thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng trong những câu thơ lục bát của bài: Nhớ Bóng Tre Xưa, dường như đã cắt nát tâm trạng của thi sĩ, cũng như người đọc. Có thể nói, đây là bài thơ lục bát rất hay của Nguyễn Văn Gia. Và với tôi, chỉ hai câu thơ tuyệt bút bút: “Chim ơi mầy hót lẻ loi/ Hay nghìn xưa đã mồ côi hồn người“ Nguyễn Văn Gia có thể ngồi cùng chiếu, cùng mâm nhấc lên nhấc xuống với các bậc đàn anh Luân Hoán và Phạm Ngọc Lư…rồi. Ta hãy đọc lại bài thơ này, để thấy rõ hồn quê và nỗi nhớ trong nghệ thuật làm mới thơ lục bát của thi sĩ Nguyễn Văn Gia:

“Rồi thôi

Đành cũng xa người

Chắc buồn như thuở ru hời võng đưa

Chim ơi mầy hót lẻ loi

Hay nghìn xưa

Đã mồ côi hồn người

Bóng tre xanh

Đã mù khơi

Về đâu …

Chim sáo

Chìa vôi

Chào mào ?

Nhấp nhô nhà ống vươn cao

Trăng xưa

Vườn cũ

Rớt vào lãng quên“

Gần đây, có một số nhà văn, nhà thơ (chủ trương) cách tân thơ. Chẳng biết các bác cải tiến, cải lùi thế nào, cho ra lò một thứ gọi là thơ đọc không thể hiểu, với từ ngữ dễ dãi và dung tục. Và ngược lại, có một số bác đã bật ra được một tứ thơ, câu thơ rất hay, hình ảnh đẹp, nhưng do cố uốn ép vào khuôn khổ thơ Đường, cổ phong buộc phải thay từ, chọn ý cho đúng niêm luật, thành ra những câu thơ trở nên méo mó, tầm thường.

Thật vậy, đọc câu thơ hình tượng, giầu cảm xúc dù có phạm niêm luật, quả thực vẫn khoái hơn những câu thơ chu chỉnh (niêm luật), nhưng gò bó, không hồn vía. Ta có thể thấy, gần đây một số nhà văn, nhà thơ tên tuổi đã dùng thủ thuật phá cách, để cho câu thơ phóng khoáng giữ nguyên cảm xúc ban đầu. Điển hình là thi tập Vịn Vào Lục Bát của nhà văn Trần Hoài Thư. Thật ra, thể loại thơ chỉ là hình thức. Thơ hay dở, cũ mới chẳng liên quan gì đến thể lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, hay thơ tự do cả…Mà nó phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng trí tưởng tượng, liên tưởng với những cảm xúc chân thực của người nghệ sĩ. Do vậy, từ những đặc điểm trên, khi đọc lục bát Nguyễn Văn Gia, luôn cho tôi cảm xúc mới mẻ. Bởi, ngoài trí tưởng tượng, tài năng sử dụng từ ngữ, ông còn làm mới hình thức bằng những thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng. Tuy nhiên, thủ pháp nghệ thuật này không mới, song không có nhiều nhà thơ sử dụng được như Nguyễn Văn Gia.

Thật vậy! Cùng một tâm trạng, nếu Nhớ Bóng Tre Xưa là tiếng nấc, thì bài Mơ như là lời ước nguyện, một giấc mơ xa vời vợi. Lời tình tự về xóm làng, về cố hương ấy, được hoán đổi ra từ những cảm xúc của thi nhân vậy. Chỉ bốn câu lục bát, với từ ngữ mộc mạc được đặt đúng trong hoàn cảnh, tâm trạng, đọc lên ai cũng phải bùi ngùi xúc động:

“Chẳng còn đâu

Bóng tre xanh

Quê nhà giờ đã trở thành cố hương

Ngậm ngùi ta

Giữa phố phường

Mơ …

Mùa trăng cũ

Ruộng

Vườn

tiếng chim. »

Không chỉ dừng ở lục bát, mảng đề tài này, Nguyễn Văn Gia sử dụng khá nhiều thơ thất ngôn, bát ngôn. Vẫn thủ pháp nghệ thuật ngắt nhịp, xuống dòng, Hương Hỏa là một trong những bài thơ thất ngôn hay nhất của ông. Nó không chỉ cho ta thấy, cái diễn biến tâm lý, và thái độ ứng xử của con người trước cuộc sống hiện thực: «Vườn mênh mông giữa cơn sốt đất“ mà còn bật lên cái triết lý sống của tự nhiên, và con người:

«Ta về

Ngó sững mái từ đường

Vườn mênh mông

Giữa cơn sốt đất

Chẳng thèm hỏi lòng người

Được

Mất

Cây khế già lặng lẽ trổ bông.“

Dường như, đi sâu vào đọc Nguyễn Văn Gia càng cho tôi nhiều điều thú vị. Cũng từ đó, tôi chợt nhận ra, có một Nguyễn Văn Gia ngơ ngác hoài cảm, sống ở quê, mà ngỡ như xa cách ngàn trùng: «Nghìn trùng xa thương nhớ một cố hương. » Bởi, ông thì vẫn vậy, nhưng quê giờ đã mất: «Biển trong xanh khuất bóng tự bao giờ/ Rừng đâu nữa bơ vơ chim mất tổ ». Do vậy, ông nhớ cố hương, đi tìm quê cũ trên chính quê hương, trên chính mảnh đất mình đang sống. Và hồn quê cùng những hoài niệm ấy, như một món nợ đối với người thi sĩ. Nó buộc Nguyễn Văn Gia mãi mãi phải đi tìm.

*Tình yêu, và lẽ sống.

Có một điều đặc biệt, ngay từ thuở ban đầu biết yêu cho đến cái tuổi nửa trăm năm, thơ tình Nguyễn Văn Gia luôn gắn chặt với đất nước và gia đình. Chứ dường như không (hoặc chưa) có một một bài thơ nào, ông viết thuần túy về tình yêu lứa đôi? Nhớ một lần, tôi được xem cái Videoclips thấy vợ ông (cô giáo Phương Lan) đẹp và hát rất hay. Tôi liền hỏi, này Nguyễn Văn Gia, nhìn bác (cũ cũ người) không đẹp giai cho lắm, làm thế quái nào lấy được vợ xinh đến thế? Ông bảo, tớ giăng bà ấy bằng thơ đấy. Tôi đùa chọc lại, thơ tình của bác toàn gắn lịch sử, xã hội khô như ngói, lừa thế đếch nào được các cô mới yêu đầy mơ mộng ấy. Ông cười phơ phớ trong máy, vậy mà, bà ấy lại khoái và yêu tớ ở cái khoản khô như ngói ấy đấy.

Không rõ, Nguyễn Văn Gia đùa hay thật, nhưng quả thực, ngay từ năm 1972, khi còn trên giảng đường đại học, ông viết Lặng Lẽ Phù Sa, bài thơ tình (thế sự) rất hay. Không rõ, Nguyễn Văn Gia đã lấy cảm hứng chuyện tình với một nữ giáo sinh môn lịch sử nào, để khơi dậy niềm tự hào, ý chí quật cường chống giặc Trung Quốc xâm lược của cha ông. Và ước vọng quét sạch những mê lầm của cuộc chiến huynh đệ tương tàn đang diễn ra trên thân gầy đất mẹ. Với nghệ thuật vắt dòng, cùng lời thơ tự sự nhẹ nhàng, song Lặng Lẽ Phù Sa vẫn toát lên được chân lý, tính thẳng thắn và chí khí của nhà thơ :

«… vẽ lại được bốn nghìn năm dựng nước

chỉ trong phút giây

cả sử vàng xóa bụi thời gian sống dậy

có Đinh Lê Trần Lý…

ôi tay phấn dịu dàng

Em vẽ lại một mùa xuân…

quét sạch mê lầm dựng lại quê hương…

không ai có thể cấm chúng ta biến

những ước mơ thành hiện thực

khi trái đất

mặt trời

và mặt trăng vẫn còn đó

thì không ai hủy diệt được niềm tin

cũng như không ai có quyền

rút bàn tay em ra khỏi tay anh.”

Dường như, phải chờ đến nửa trăm năm, bất chợt anh mới nhận ra, em vẫn là cái thuở yêu ban đầu. Đôi Bờ Thời Gian là bài thơ như vậy của Nguyễn Văn Gia. Có thể nói, đây là một trong số rất ít bài thơ lục bát hay nhất của ông. Tính vĩnh cửu của tình yêu, tình người, đã được hình tượng hóa một cách sinh động qua những hình ảnh so sánh hay đến bất ngờ: «Vọng phu xưa – Em bây giờ/ Chữ Tâm đứng giữa đôi bờ thời gian ». Đoạn trích dưới đây, không chỉ cho ta sự bùi ngùi xúc động, mà còn thấy được tài năng sử dụng biện pháp tu từ của nhà thơ Nguyễn Văn Gia:

«Vẫn là em

Rất dịu hiền

Thảo thơm với mẹ

Nghĩa tình với thơ

Vọng phu xưa – Em bây giờ

Chữ Tâm

Đứng giữa đôi bờ thời gian

Phải chờ đến nửa trăm năm

Để anh mới nhận ra anh lần đầu… »

Đi sâu vào đọc và nghiên cứu Nguyễn Văn Gia cho tôi một điều thú vị. Khi viết bài thơ Trở Về, ông đã lấy nguyên cảm hứng từ bài Lạc của thi sĩ Đông Trình. Tuy chưa được đọc, nhưng tôi nghĩ, Lạc của Đông Trình như một lời xám hối của một thời lạc bước chăng? Bởi, đọc Trở Về của Nguyễn Văn Gia, ta cảm được tính nhân đạo, tấm lòng vị tha cao cả của con người. Với tôi, Trở Về là bài thơ lục bát toàn bích, điển hình nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Văn Gia. Nếu cái tính vĩnh cửu của tình yêu, tình người ở Đôi Bờ Thời Gian chỉ dừng lại hình ảnh so sánh, thì Trở Về hình ảnh ẩn dụ, với những ám chỉ thâm sâu, đa nghĩa trong từng câu thơ, buộc người đọc phải suy tưởng. Thật vậy, hình ảnh, một điển tích: «Về ngồi dưới mái hiên xưa/ Lặng nghe thánh thót giọt mưa cam lồ» là sự cảm thông hay một con đường sám hối mà nhà thơ đã mở ra:

«Chắc gì đâu giữa vô thường

Ai không một thuở lạc đường, nổi trôi?

Xưa ai cánh nhạn lạc trời

Vì đâu nên nỗi thuyền trôi lạc dòng?

Chuông chùa vẫn giọt hư không

Cỏ cây xưa vẫn thủy chung một màu

Ruộng vườn chẳng lạc gì nhau

Tang thương cũng bởi bể dâu lòng mình

Thơ ai lạc chữ, lạc tình

Ngàn năm Phật vẫn lặng thinh trong chùa

Về ngồi dưới mái hiên xưa

Lặng nghe thánh thót giọt mưa cam lồ.”

Thời gian gần đây, Nguyễn Văn Gia đi sâu vào ngũ ngôn thơ. Những câu thơ mang đậm tính triết lý như thể răn đời, và răn mình: «Sư nhất bộ nhất bái/ Chậm rãi vẫn đến nơi/ Mình hối hả một đời/ Đường đi hoài không tới »(Nhanh & Chậm). Và đọc thơ ngũ ngôn Nguyễn Văn Gia, nhiều khi tôi cứ ngỡ, mình đang đọc những câu châm ngôn vậy. Vâng, cho nên, ta có thể thấy, Khuyết Tật là một bài thơ, một câu hỏi tu từ, hay một châm ngôn sống: «Những khuyết tật cơ thể/ Vẫn có thể bù trừ/ Đã khuyết tật tâm hồn/ Biết lấy gì thay thế ? ». Và không ai có thể cưỡng được sự tạo hóa, qui luật của tự nhiên: «Ta muốn ta đổi mới/ Bằng cách đi giật lùi/ Khi quay đầu nhìn lại/ Mùa xuân đã phai rồi » (Tân Trang Đời Mình).

Không chỉ trong thơ văn, mà cuộc sống, tư tưởng của Nguyễn Văn Gia cũng vậy, ngày càng đến gần với triết lý nhà Phật: “Chẳng cần tìm đâu xa/ Đừng mất công tìm Phật/ Thế Tôn tại lòng ta”. Tuy nhiên, từ cuộc sống xã hội đảo lộn tùng phèo, ông chợt nhận ra cái vòng luẩn quẩn trong lẽ sống được cho là vô thường ấy. Và cái ai dè, bất ngờ của Lên Chùa như một nhát búa, ngọn roi quất thẳng vào hồn không chỉ riêng người thi sĩ:

« Lên chùa tìm chút thảnh thơi

Ai dè

Chùa cũng như … đời ngoài kia

Cũng thứ hạng

Cũng phân chia

Chỗ này vô nhiễm

Chỗ kia thị trường

Đành rằng tất cả vô thường

Thôi

Ta về lại phố phường

Ẩn tu.”

Là người trầm lặng, và kiến thức sâu rộng, do vậy thơ Nguyễn Văn Gia tuy từ ngữ mộc mạc, dân dã, song đa nghĩa, giầu hình tượng, có chiều sâu tư tưởng. Tình yêu và lẽ sống là một trong những yếu tố xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông.

*Có những nỗi đau quất lên hình đất nước.

Giữa ban ngày ban ban mặt, nơi chốn đông người, vậy mà gã cứ co rúm người lại. Bởi, xung quanh gã chỉ thấy hồn ma bóng quế. Nỗi cô đơn luôn làm gã sợ hãi, buộc phải đốt đèn đi tìm đồng loại của mình. Thoạt tưởng, hồn ma của gã triết học, kịch nghệ Diogenes từ Thổ Nhĩ Kỳ về nhập vào gã. Nhưng không phải vậy, gã tỉnh lắm, thơ phú cứ bắn ra đều đều. Chứ hồn ma làm chó gì biết làm thơ… Đang mơ màng, tôi giật mình tỉnh giấc, bởi tiếng hát của vợ gã với nhạc phẩm Đôi Bờ Thời Gian, được cài tự động ở trong điện thoại. Thì ra, mình vừa bị thơ của gã ám. Cái bài thơ ám quẻ Diogenes này, không biết Nguyễn Văn Gia đã mượn hình ảnh Diogenes, và viết trong hoàn cảnh, tâm trạng nào, nhưng đọc lên cứ thấy rờn rợn. Bởi, linh hồn, và nhân phẩm con người đã mất, buộc Nguyễn Văn Gia phải mải miết đi tìm. Một nỗi đau chìm khuất sau hình ảnh ẩn dụ, được cài đặt trong từng câu thơ:

“Cầm đèn giữa ban ngày

Mong tìm được con người”

Con người đâu chẳng thấy

Lạnh lùng bóng ma trơi »( Diogenes)

Phải nói, thời gian gần đây, tôi khoái đọc thơ ngũ ngôn thế sự của Thái Bá Tân và Nguyễn Văn Gia. Bởi, họ là hai trong những nhà văn can đảm, tài năng viết về đề tài này. Do vậy, có lần tôi đã viết: Đọc thơ ngũ ngôn thế sự Nguyễn Văn Gia, luôn làm tôi liên tưởng đến thơ thế sự của Thái Bá Tân. Dù thơ Nguyễn Văn Gia trau chuốt, đầy hình tượng, khác hẳn với khẩu ngữ xù xì, thẳng thắn của Thái Bá Tân. Nhưng mức độ lột trần, đả kích sự thối nát của xã hội đương thời một cách sâu sắc và mạnh mẽ, không hề khác nhau. Và nếu như nỗi đau, tiếng cười trong thơ Thái Bá Tân được bật ra, thì dường như nỗi đau, tiếng cười ấy trong thơ Nguyễn Văn Gia lại lặn vào trong lòng người đọc.

Thật vậy, hình ảnh ẩn dụ trong bài thơ ngũ ngôn Đổi Thay, không chỉ cho thấy cái qui luật tuần hoàn của tự nhiên sự, mà còn cho ta thấy rõ, sự thâm thúy mang đến tiếng cười chua cay trước sự lố bịch, rởm đời của kẻ thống trị, cũng như sự can đảm, thẳng thắn của thi sĩ Nguyễn Văn Gia: «Chẳng có gì bất biến/ Thành đồng cũng tan hoang/ Nực cười cái vách đất/ Cũng muốn mình muôn năm ». Có thể nói, thơ văn Nguyễn Văn Gia luôn gắn chặt với đất nước và thân phận con người. Tính thời sự xã hội nóng hổi trên những trang viết của ông. Thơ ông như những mũi dao bóc trần hiện thực xã hội, và những thói lưu manh đê hèn của tầng lớp thống trị. Cùng đó, làm người đọc phải xót xa, uất hận cho cái giá trị nhân phẩm của nhân dân, tầng lớp bị trị bị đè nén xuống đến tận cùng. Tuy nhẹ nhàng, nhưng lời thơ cảnh báo ấy, như vết cắt, hằn sâu vào lòng người. Những đoạn trích trong bài Đất Nước dưới đây, sẽ làm sáng tỏ điều đó:

«Và hàng trăm mẹ già chít khăn

Lần đầu tiên người để tang cho đất

Những mẹ chị ở tận Cái Răng

Cũng đành lột truồng giữ đất…

Không biết chiếc giày thời trang của Cô Ba

Sài Gòn

Đã rơi vào đâu giữa đất trờ Thủ Thiêm

đầm đìa nước mắt

Chúa, Phật và Thánh Thần cũng lặng thinh

Trước những nỗi đau có thật

Tại sao nhân dân không có quyền được biết

Cái gì đã dồn mẹ chị cha anh ta vào bước

đường cùng

Tổ quốc sẽ ra sao

Nếu cứ mất dần

Ruộng vườn

Núi sông

Biển đảo

Đất nước sẽ mồ côi

Nếu không có nhân dân»

Bước qua tuổi lục tuần, dường như Nguyễn Văn Gia trút bỏ được những ràng buộc trên vai. Và sự can đảm cho ông nghị lực sống. Do vậy, trước nỗi đau và sự uất hận, Nguyễn Văn Gia Thử Làm Tráng Sĩ, song ông đã thất bại: «Mài lưỡi bút sắc nhọn như một thanh gươm/ Chém một nhát quyết liệt/ Vào bức tường câm/ Lạnh tanh/ Oan nghiệt/ Lưỡi gươm cong queo/ Chuôi gươm bật ngược/ Sự thật lẩn trốn nơi đâu/ Sao chỉ thấy tay gươm rỉ máu!» Và đất nước ông cứ luẩn quẩn trong cái vòng tròn lừa đảo, chém giết lẫn nhau:

« …Giải tỏa đền bù bốn chục ngàn, bán ra bốn

chục triệu…

Những vụ cướp của giết người quá đỗi

thương tâm

Bước chân ra đường cứ như ra mặt trận

Liệu chiều nay có còn sống sót trở về…?» ( Phiêu lãng…)

Có thể nói, Nguyễn Văn Gia viết, in ấn chưa thật nhiều, nhưng là một trong những cây bút tài năng, có nội lực ở Đà Nẵng, xứ Quảng miền Trung hiện nay. Xuất thân từ nhà giáo, do vậy thơ ông nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, dù đó là những bài thơ thế sự xã hội bức xúc. Thơ Lục bát và Ngũ ngôn của ông để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Bởi, nó gần với Đạo giáo, gắn liền với những triết lý nhân sinh. Và nếu nói, thơ Nguyễn Văn Gia thơ thức tỉnh, thì quả thật cũng không ngoa. Và tôi xin mượn bài Tự Họa của Nguyễn Văn Gia để làm sáng tỏ thêm (tính can trường) chân dung một nhà thơ, để kết thúc bài viết này :

« Và cứ thế đôi lần tôi chết ngộp

Sông thì trôi tôi cố lội ngược dòng

Không là thông sao nghìn năm cô độc

Đã có khi phải phủ định chính mình”


Leipzig ngày 22-8-2019

Đỗ Trường

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên