Tiễn bạn

0
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet

 

Trước năm 1975 tôi không biết anh Đỗ Văn Thọ (anh em gọi Đỗ Thọ hoặc Thọ nhí, vì nhỏ con). Không cùng trại lúc ở trong Nam. Mới ra Bắc cũng vậy. Nhưng năm 1979, lúc Đặng Tiểu Bình “dạy cho VN một bài học”, Việt cộng phải phân loại thành phần tù kỹ hơn nữa, gom trại, để từng bước chuyển ngược vô nội địa giao công an quản lý, tránh xa biên giới phía Bắc, vì Nghĩa Lộ có thể bị tấn công. Gặp nhau từ đó. Từ trại 3 thuộc nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn dời ra Yên Bái và sau cùng về trại 5 Thanh Cẩm, thượng nguồn sông Mã, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá, không xa lắm biên giới Lào. Về đấy vẫn bị xáo trộn liên tục vì để tù ở chung đội, chung buồng lâu e sẽ tổ chức thành nhóm, có nguy cơ đưa đến nổi loạn hoặc trốn trại. Nhưng chúng tôi vẫn cùng đội. Đội có người đội trưởng, về sau lên chức Trật Tự trại (là người trực tiếp nhận lệnh cán bộ để điều động mọi sinh hoạt trong trại, tiếng lóng là “cầm chìa khóa”) đã nổi tiếng đánh đập bạn tù, đánh và bỏ đói đến chết một người trong toán vượt ngục bất thành, có Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, tại khu kỷ luật và kiêng giam, như trong hồi ký Tôi Phải Sống. Người đó là ông Bùi Đình Thi.

Thọ nhí là “nhân vật” của ông Bùi Đinh Thi. Ông Bùi Đình Thi là nhân vật chính trong Hồi ký của LM Nguyễn Hữu Lễ.

Nhân vật” của ông Bùi Đình Thi có nhiều chuyện cụ thể trong khi đi lao động từ lúc ông còn là đội trưởng cho đến Trật tự trại. Vô số chuyện thường nhật như làm cỏ mía, thu hoạch sắn, nhổ đậu phộng, đi lao động khổ sai linh tinh đủ loại… cho đến việc sắp hàng chờ vô cổng sau giờ lao động để Trật tự đếm người, lục soát thu giữ mọi thứ có thể ăn được, bị cấm đem vào…

Mỗi lần anh em gặp mặt vẫn kể đi kể lại những chuyện ấy. Nhưng vễnh tai nghe Thọ nhí với cái giọng bựa “Bắc kỳ quấc” nhè nhè, thì câu chuyện vẫn hấp dẫn như mới. Vẫn xôm tụ, cười đến không thể ngưng nên… “chảy nước mắt”. Cười “chảy nước mắt” vì tính khôi hài chứ không phải vì cay đắng! Nội dung từng chuyện khá căng thẳng. Có đấu trí, nhiều khi phải giấu củ sắn sát “súng ngắn”, xoay người khéo léo đúng lúc, né bị sờ nắn. Có lời lẽ gay gắt, có phản ứng, có bị đánh, có thái độ căm thù ngay lúc đó… nhưng cái lạ, và rất lạ, là toàn bộ chuyện kể lại không hề vương vấn đến hận thù! Dù đó là sự thật dã man, vì anh em cũng từng là nạn nhân và nhân chứng! Bây giờ nếu ông Thi và Thọ nhí gặp nhau ở đâu đó, chắc ông Thi đã chìa tay ra trước hehe với câu hỏi… sao tìm gặp mình sớm vậy? Đang ở thế kỷ 21 nhưng Thọ nhí mới 69, chưa tới “thất thập cổ lai hy”!

Sau khi ra tù hắn sống nhà bố mẹ ở khu vực gần ngã ba Ông Tạ, Sài Gòn nhưng chỉ lo chuyện vượt biên. Còn tôi, vì vợ con ở Kinh tế mới trốn về, nên dù sống trong chính gia đình mình với cha mẹ vẫn rất bấp bênh. Vừa nghèo rách mồng tơi phải chạy gạo từng bữa, vừa không có hộ khẩu. Mà hộ khẩu là yết hầu của mọi chuyện. Thỉnh thoảng hai đứa vẫn đạp xe qua lại thông báo chuyện công an khu vực theo dõi và tán dóc chuyện vượt biên. Nhà hắn ở đường Thánh Mẫu, là xóm Đạo. Cùng xóm với anh Tùng, “Thiếu Tá thợ mộc”, cùng trại Thanh Cẩm. Đầu đường Thánh Mẫu, theo ngã Lê Văn Duyệt, một thời là nhà in báo Xây Dựng của Cha Lãm, với bút danh Thiên Hổ làm chủ nhiệm. Con đường đó rất quen nhưng bấy giờ rất lạ, như tâm trạng Ta Về của Tô Thùy Yên: http://poem.tkaraoke.com/10069/Ta_Ve.html

ta về cúi mái đầu sương điểm

nghe nặng từ tâm lượng đất trời

cảm ơn hoa đã vì ta nở

thế giới vui từ mỗi lẻ loi

.

ta về như đứa con phung phá

khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu

mười năm, con đã già trông thấy

huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

con gẫm lại đời con thất bát

hứa trăm điều một chẳng làm nên

đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn

giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

.

Đang qua lại bình thường, bỗng vắng hắn hơi lâu. Tôi ghé nhà mới hay hắn có mối kêu đi bất ngờ. Thoát được, đến Thái Lan. Mừng cho hắn!

Gần một năm, sau vài lần thất bại, cuối cùng tôi được tàu vớt đưa vào Singapore, nếu không, đã bỏ xác trên biển vì ghe nhỏ chỉ 11 mét, bị lạc hướng, hết nước và thực phẩm. Hơn 5 tháng sau đó tôi đến Mỹ, hắn vẫn còn kẹt ở Thái. Vậy là hên xui không thể nào biết, như chuyện Tái Ông thất mã!

Đến Mỹ, Thọ nhí sống ở Boston khá lâu, gặp lại một số bạn cùng trại. Rồi chia tay. Hành trình 2 ngày hắn lái xe Uhaul chở gia đình xuôi Nam cũng là đề tài vui. Vì hắn thuộc loại “chuyên viên lạc đường” (!) Ở Boston bao nhiêu năm nhưng cứ mỗi lần hẹn gặp tán dóc ở đâu đó, dù được chỉ vẽ cặn kẽ đường đi hắn cũng đến trễ. Lạc! Biết như thế nên anh em cứ nhâm nhi đợi phone hắn, mà lúc đó đâu đã có cell phone (!) hắn phải tìm trạm… để kêu cứu… chỉ đường đi tiếp!

Xuôi Nam, sau khi ổn định nơi ở mới, cách nhà tôi 1 tiếng rưởi lái xe, hắn tìm đến thăm. Lần nầy lạ hẳn, cứ ngập ngừng “đến nhờ anh chị… tụi em viết trong di chúc giao tất cả tài sản nhờ anh chị chăm sóc 2 cháu nhỏ nếu chẳng may tụi em…” Tôi ngạc nhiên và bối rối. Phải khá lâu mới trả lời. “Chuyện nầy nên để thằng T, người trong gia đình…”. Hắn im lặng. Chắc suy nghĩ nhiều đến cảnh cha già con muộn nên không cà tửng như đã! Tôi ngẫm nghĩ, rồi thoái thác. “Vậy thì nhờ thằng bạn độc thân của mày ở Boston thử coi. Nó đủ điều kiện”. Chuyện chỉ có vậy nhưng tôi cứ nghĩ nghĩ hoài.

Bây giờ 2 cháu đã tốt nghiệp đại học, bất chợt nghe tin hắn đi xa… !

Sau khi liên lạc lòng vòng có được số phone của vợ hắn vì gọi số của hắn chuông vẫn reng nhưng không ai bắt. Để lại lời nhắn không ai trả lời. Chị nghẹn: “ảnh bệnh nặng… đi không nỗi, nghi là tim rồi đến phổi… mất hôm July 4th”, tức 2 tuần sau khi lo hậu sự xong, chị mới thông báo. Tôi và một người bạn vốn cùng buồng ở trại giam, cũng từng gặp nhau tại Mỹ, tỏ ý đi thăm ngay. Chị húng hắng ho, lại gặp lúc đang lo kiếm sống “em chỉ nghỉ ngày Chúa nhật” “vậy hẹn chị tuần sau”.

Nhìn tấm ảnh bàn thờ và hũ tro cốt của hắn tôi ghìm cơn xúc động. Chị nói “anh Thọ di chúc là thiêu rồi đem tro rãi xuống biển nhưng mẹ con em không ai đành lòng nên đã mua một chỗ để gửi hũ tro cốt ở nghĩa trang”. Tôi nghĩ, chỉ cần đợi thêm chút thời gian nữa rồi sẽ đem tro cốt Thọ về chôn tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, chắc hẳn Thọ sẽ vừa lòng!

Thọ ơi, thân xác mày đã trở về tro bụi. Tro cốt cũng vô hình vô tướng nhưng hình ảnh mày đang sống giữa vòng anh em trong những ngày nầy. Mầy đã xong cuộc chơi ở cõi người rồi nghe Thọ!

Nghiêm chỉnh chào vĩnh biệt mày theo quân cách, cố Trung Úy VNCH Đỗ Văn Thọ. R.I.P.

(28/7/2018)

Hồ Phú Bông

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên