Nga, Belarus họp Hội nghị Thành Đô

0
Tổng thống Lukashenko gặp những người ra đón tại sân bay Sochi của Nga hôm 14 tháng 9 (Belta/Reuters)

Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus đã gặp Tổng thống Vladimir Putin của Nga vào thứ Hai, cuộc gặp gỡ đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Belarus từ tháng trước, một dấu hiệu cho thấy hai nhà lãnh đạo đã xích lại gần nhau hơn giữa cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự hỗ trợ của Nga đối với Lukashenko có thể là sự hợp nhất chính trị và quân sự mà Belarus đã cố gắng chống lại từ hai thập niên qua.

Điện Kremlin cho biết chương trình nghị sự cho cuộc họp hôm thứ Hai sẽ gồm “triển vọng thúc đẩy các quá trình hội nhập thành một Liên minh Quốc gia”, ý muốn nói đến thỏa thuận kết hợp hai nước vào năm 1999. Chương trình nghị sự không nói sẽ có họp báo nào được tổ chức sau hội nghị thượng đỉnh tại khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen.

Khi Putin và Lukashenko gặp nhau lần mới nhất vào tháng Hai, quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm này vẫn còn xấu. Lukashenko một lần nữa từ chối thành lập một nhà nước thống nhất, vì vậy Nga đã ngưng không bán cho Belarus số dầu giảm giá mà lâu nay họ vẫn bán. Lukashenko phản ứng bằng cách nhập khẩu dầu của nhiều nước, thậm chí còn mua của Hoa Kỳ.

Hiện Lukashenko phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ lúc cầm quyền cách nay 26 năm, qua các cuộc biểu tình lớn và liên tục kêu gọi lật đổ ông, do đó ông đã phải gặp Putin để được giúp đỡ. Hai người đã có 6 cuộc nói chuyện điện thoại trong tháng 8, nhiều gấp đôi so với tất cả các cuộc gọi năm ngoái. Cuối tháng 8, Putin tuyên bố rằng một lực lượng quân sự Nga sẵn sàng can thiệp nhân danh Lukashenko “nếu cần”.

Alexander Baunov, chuyên gia của Trung tâm Carnegie Moscow viết trong một bài bình luận gần đây “Trong hai tuần, Điện Kremlin đã theo dõi chặt chẽ để xem liệu Lukashenko có đủ quyết tâm để bám lấy quyền lực hay không, liệu có sự chia rẽ trong giới tinh hoa cầm quyền hay không, và liệu lực lượng công an có phản bội ông ấy hay không. Sau khi thấy Lukashenko thực sự có quyết tâm ở lại và không có sự chao đảo hay mất đoàn kết nào, Điện Kremlin đã đưa ra quyết định chung cuộc là ủng hộ ông ấy. Rốt cuộc, Điện Kremlin đã kết luận rằng không thấy có ai khác tốt hơn cho việc hình thành một Nhà nước Liên minh giữa Nga và Belarus , và cũng không có ai sẽ giữ khoảng cách giữa Belarus với phương Tây bằng hoặc xa hơn Lukashenko”.

Các cuộc biểu tình ở Belarus xảy ra mỗi ngày kể từ 9 tháng 8, khi Lukashenko tuyên bố đã giành được nhiệm kỳ tổng thống lần thứ sáu với hơn 80% phiếu bầu, bất chấp những cáo buộc gian lận bầu cử lan rộng. Các nhóm đối lập và chính phủ phương Tây đã bác bỏ kết quả bầu cử.

Cử chỉ thể hiện sự ủng hộ của Putin dường như đã khích lệ Lukashenko đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn trong những tuần gần đây. Nhiều hãng tin tức độc lập nước ngoài đã bị tước giấy phép hành nghề trong khi các thành viên của cơ quan truyền thông nhà nước của Nga được mời đến tác nghiệp.

Nhà hoạt động đối lập hàng đầu Maria Kolesnikova đã bị giam vào tuần trước và sau đó đã bị các nhân viên an ninh Belarus trùm một cái bao lên đầu và chở bà tới biên giới với Ukraine để trục xuất bà ra khỏi nước.

Nhà chức trách cũng mạnh tay hơn trong các cuộc biểu tình: Bộ Nội vụ Belarus cho biết hôm thứ Hai 774 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật tại nhiều thành phố, trong đó có hơn 500 người ở thủ đô Minsk.

Việc khóa Internet liên tục để ngăn chặn các cuộc biểu tình cũng đã làm tê liệt lĩnh vực công nghệ thông tin mới chớm nở của Belarus, ngành duy nhất của nền kinh tế nước này có mức tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Tháng trước, giám đốc điều hành của các công ty công nghệ hàng đầu của Belarus đã kêu gọi Tổng thống Lukashenko tổ chức một cuộc bầu cử mới và ngăn chặn cảnh sát sử dụng bạo lực, họ đe dọa sẽ dọn doanh nghiệp của họ ra khỏi nước. Nếu ngành này sụp đổ, Belarus cuối cùng có thể phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư của Nga.

Nhưng Artyom Shraibman của Sense Analytics, một tổ chức tư vấn chính trị có trụ sở tại Minsk, cho biết sự lựa chọn của Lukashenko không nhất thiết sẽ khiến liên minh giữa Nga và Belarus sâu sắc hơn. Lý do quan trọng là, một liên minh như vậy sẽ không được những người biểu tình và các chính phủ phương Tây công nhận, họ đã coi việc thắng cử của Lukashenko là bất hợp pháp và có thể đe dọa trừng phạt kinh tế.

Chuyên gia Shraibman nghĩ rằng Putin có thể nhận được những nhượng bộ khác khi ủng hộ Lukashenko, chẳng hạn như giao thương thông qua các cảng của Nga thay vì các cảng các nước vùng Baltic.

Lukashenko cũng có thể có những phản ứng không thuận lợi cho Nga.

Chuyên gia Shraibman nói: “Nếu Lukashenko không chịu đáp ứng một số đòi hỏi tham lam của Nga, thì Nga có thể can thiệp quân sự, chiếm đất hoặc ngưng cho Belarus vay thêm? Nếu vậy, sau đó Lukashenko sẽ ngừng trả các khoản vay cũ.”

Chuyên gia Shraibman kết luận: “Điều này không dễ dàng như mọi người tưởng. Tính chính danh bị suy yếu của Lukashenko không phải là giải pháp cho Nga, mà đó là một vấn đề của Nga.”

Lời bàn của Mao Tốn Cơm: Cuộc họp ở Sochi hôm thứ hai khiến ta liên tưởng đến cuộc họp Thành Đô giữa đảng Cộng sản Việt Nam và đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1990. Bối cảnh của hai cuộc họp na ná như nhau. Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa công khai các điều khoản của mật ước này. Mặc dù Việt Nam chưa chính thức trở thành một tỉnh của Trung Quốc, nhưng Bô-xít Tây nguyên, Formosa Vũng Áng, các đặc khu, mua bán đất vàng ở các khu vực chiến lược… đã cho thấy hiện nay nay, bàn tay của Trung Quốc đã thò ra nắm lấy nhiều nơi.

Theo Washington
ẢNH: Tổng thống Lukashenko gặp những người ra đón tại sân bay Sochi của Nga hôm 14 tháng 9 (Belta/Reuters)

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên