Lê Hân- Câu thơ bất chợt thả hong thu chiều

4
Lê Hân

 

Khi đọc Văn học Việt hải ngoại, ngoài chia ra từng giai đoạn hình thành, phát triển gắn liền với biến cố của xã hội, con người, tôi còn thường đi sâu vào khai thác chân móng, nền tảng làm nên dòng văn học này. Dường như, nói đến Văn học hải ngoại, ta thường nghĩ ngay đến cái mốc 30 tháng 4-1975, khi người Việt ồ ạt trốn chạy, bỏ nước ra đi. Nhưng với tôi, có lẽ không hẳn vậy. Bởi, Văn học hải ngoại đã được manh nha từ trước 1975 khá lâu, với những cây viết phần lớn là du học sinh. Họ đã góp phần tạo dựng, khơi nguồn làm nên dòng Văn học Việt nơi hải ngoại phong phú và đặc sắc sắc.

Thật vậy, ngay từ thập niên 50, ngoài tác phẩm Đời Phi Công của Nguyễn Xuân Vinh, ta thấy đã có hàng loạt bài thơ về Paris rất hay, mới lạ của những Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa. Đến thập niên 60, 70, 80 cùng với nhà phê bình Đặng Tiến, các nhà thơ: Đỗ Quỳnh Dao, Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến, Minh Đức Hoài Trinh (Pháp Quốc) và đặc biệt nhà văn Ngô Nguyên Dũng (Đức) nhà thơ Lê Hân (Hoa Kỳ/ Canada) để lại ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người đọc. Họ đều là sinh viên, do vậy thời gian này viết không nhiều. Tuy còn mờ nhạt, song nó như những viên gạch lót đường cho những sáng tác sau này của họ, cũng như Văn học Việt hải ngoại.

Và trong khuôn khổ bài viết này, tôi đi chỉ sâu vào thơ ca Lê Hân. Một trong những viên gạch ấy, đã đặt nền móng cho Văn học Việt hải ngoại, mà dường như từ trước đến nay ít được nhắc đến.

Lê Hân sinh năm 1947 tại Hội An. Sau khi đậu tú tài tại Saigon, năm 1966 ông sang Mỹ du học, và trở thành kỹ sư hóa học. Canada và Hoa Kỳ là nơi ông sống và làm việc suốt gần sáu chục năm qua. Tài năng thi ca Lê Hân phát tiết sớm. Do vậy, thơ ông được đăng rải rác trên các báo Văn nghệ Saigon, ngay từ khi còn là học sinh trung học: “một hôm vào Sông Đà/ Lật báo đọc lướt qua/ Bài thơ nằm trong báo/ Tên mình thấy lạ ra“ (Giờ nghiêm trọng). Đến với thi ca sớm như vậy, nhưng Lê Hân viết không nhiều. Cho đến nay ông mới cho in ấn và phát hành hai tác phẩm: Tình Thơm Mấy Nhánh (2003) và Ngọn Tình Lục Bát (2016). Có người cho rằng: Lê Hân viết ít, bởi sống ở nước ngoài gần hết cả cuộc đời, nên cứ như cây nhiệt đới ép trồng nơi miền ôn đới vậy.

Vâng, một kiểu ví von thật hình tượng, song không hẳn đúng. Bởi, đi sâu vào nghiên cứu, có thể thấy: Lê Hân viết bằng cảm xúc tự nhiên, bất chợt chứ ít bị chi phối bởi lý trí. Do vậy, ông viết không nhiều, song tính mộc mạc, chân thực in đậm trên từng trang thơ:  câu thơ bất chợt thả hong thu chiều“. Một câu thơ có hình ảnh rất đẹp trong bài lục bát: Lá Phong Mùa Thu, dường như không chỉ chứng minh điều ấy, mà còn tóm gọn hồn cốt con người, thi ca Lê Hân vào đó vậy. Và tôi xin mượn nó để làm lời tựa cho bài viết này.

*Tuổi thơ với khát vọng.

Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong bom đạn, do vậy không chỉ tuổi thơ Lê Hân, mà cả thế hệ ông cô đơn, buồn tẻ. Núi rừng là nơi tuổi thơ của Lê Hân phải đến: “lên hai từ giữa núi non/ Tiên Châu, Tiên Phước chon von đỉnh trời/ mái tranh, nền đất nện ngồi/ ngó trời mưa phủ ngút hơi đá già:“. (Mưa núi). U buồn là thế, song vẫn thấy tâm hồn trong trẻo lạc quan của cậu bé Lê Hân: “những buổi trưa cúi lom khom trong bụi/ trốn tàu bay do thám đảo vòng vòng/ bàn tay cầm một nụ hoa dủ dẻ/ hương cùng lòng như bay bổng lên không”. (Về lại ấu thơ). Có thể nói, Về lại ấu thơ là một trong những bài thơ bát ngôn hay viết về tuổi thơ của Lê Hân. Mỗi khổ thơ là một câu chuyện với những diễn biến tâm lý khác nhau. Và nó hoàn toàn có thể đứng độc lập, với bố cục rõ ràng, như một bức tranh động trong cái tĩnh của núi rừng vậy. Với biện pháp tu từ ẩn dụ, nhà thơ mượn thời gian, cảnh vật thiên nhiên bộc lộ cảm xúc tâm trạng của mình. Và mỗi khổ thơ này đều có thể hoán đổi cho nhau (như điệp khúc của lời ca vậy). Có sự lỏng lẻo ấy, bởi nó được bật ra từ những rung động bất chợt của nhà thơ. Thủ pháp nghệ thuật này, ta đã từng bắt gặp ở Đinh Hùng, Du Tử Lê trước đây hay của Đinh Thị Thu Vân hiện nay. Và nếu ước vọng con người (cùng hương dủ dẻ) được mở ra, thì điểm tựa ấy chính là hồn quê, bằng những gốc quế hương rừng:

“những buổi chiều rảo chân trong rẫy quế

gió không đưa mà nhận hết hương rừng.

mỗi gốc quế mở ra một cách cửa

cửa chẳng để vào mà để dựa lưng“. (Về lại ấu thơ)

Có lẽ, cũng từ núi rừng Tiên Phước hoang dã, gian nan đó đã sớm gieo vào hồn cậu bé Lê Hân những tư tưởng và khát vọng. Để rồi Lê Hân đã ủ khát vọng ấy vào trong thơ của mình. Thật vậy, Mộng, bài thơ ngũ ngôn, một thể thơ sở trường có ngay từ ngày đầu cầm bút của Lê Hân dưới đây, sẽ chứng minh cho ta thấy rõ cái điều đó. Và dường như, ở cái tuổi thiếu niên, rất hiếm người viết được những câu thơ đã chín như Lê Hân: “ thi đậu vào đệ thất/ tôi thấy mình bảnh thật (…) mai sau không kỹ sư/ cũng phải thành bác sĩ (…) không nên thành văn sĩ/ nhưng nếu vì không may/ sa tay vào cây bút/ phải viết cho thật hay/ đừng lộng ngôn lấy được“. Để đạt được những mục đích khát vọng ấy, dường như cậu học trò Lê Hân phải: “Tự hứa sẽ chăm hơn/Luôn luôn đứng hạng nhất“ (Mộng). Nhưng đọc, ta thấy có sự mâu thuẫn giữa thi ca và tư tưởng, con người Lê Hân. Và cái sự mâu thuẫn này, có lẽ đi qua hầu hết lứa tuổi của mọi học trò. Và Tình Học Trò là một bài thơ (chứa mâu thuẫn) như vậy. Vẫn ngũ ngôn, thể thơ dễ làm, khó hay, song cậu học trò Lê Hân đã xóa đi cái mâu thuẫn ấy, chinh phục được người đọc, bởi sự hồn nhiên, trong sáng và chân thực: “em học Phan Thanh Giản/ tôi học Phan Châu Trinhkhông chung trường, chung lớpchỉ chung một cuộc tìnhem không hề trốn họctôi đều đều cúp cuacổng trường em cây lámọc thêm tôi, không thừa”

Với nghị lực và tài năng, Lê Hân sớm đến được cái đích mà mình đã chọn. Chiến tranh leo thang đến mức tàn khốc. Chẳng cứ miền Nam, mà miền Bắc cũng bom rơi máu chảy. Du học Hoa Kỳ là con đường đã mở ra (tương lai) cho Lê Hân, nhưng nỗi buồn cô đơn luôn dày vò trong lòng thi nhân. Buộc thi sĩ cuộn tròn nỗi cô đơn đó vào trong thơ. Và đọc Trên đường du học, bài thơ thất ngôn, Lê Hân viết về thời gian ấy, có những câu thơ rung lên cứ ngỡ là thán từ, làm cho lòng mình buốt nhói:“Không phải mồ côi mà đơn độc“. Và nó là một bài thơ đánh dấu bước ngoặt đầu đời quan trọng nhất của thi sĩ Lê Hân:

“Bịn rịn nhìn quanh phi trường rộng

Người đưa người, đâu kẻ đưa ta

Không phải mồ côi mà đơn độc

nhìn mây thấy rõ bóng cha gìa“ (Trên đường du học)

*Tình yêu – nỗi nhớ về quê hương, đất nước.

Tình yêu, một đề tài có lẽ bất cứ văn nhân, thi sĩ nào cũng đã thử bút qua. Nhưng sâu đậm và xuyên suốt sự nghiệp thi ca của mình như Lê Hân, thì quả thực không có nhiều. Với ông tình yêu là lẽ sống. Do vậy, nó như một sự trải nghiệm sống để yêu người và yêu mình của Lê Hân. Thật vậy, đặc điểm này thể hiện rất lãng mạn, đậm nét trong bài lục bát Thơ Tình Riêng Tôi. Với biện pháp nói quá (khẩu ngữ) mang tính triết lý nhân sinh: “một đời tôi chưa thất tình/ yêu người là để yêu mình rõ hơn/ nhớ nhung lãng mạn giận hờn/ bao nhiêu chiêu giúp tâm hồn trẻ luôn“.

Thơ tình Lê Hân, nếu đọc thoảng qua, ta chỉ thấy được cái vỏ, cùng với những tiếng cười. Chẳng vậy, hôm rồi tôi có gã bạn đọc bài Luận về yêu của Lê Hân bảo: Gớm tình yêu, tình iếc gì của bác này (Lê Hân) cứ như bày binh bố trận vậy. Nhưng hãy đọc chậm lại một chút thôi, ta sẽ nhận ra tính triết lý ở đằng sau hình ảnh, câu chữ ấy. Bởi, các động từ cũ kỹ ấy được tác giả đặt đúng văn cảnh, nó trở thành từ mới nghĩa mới. Ở đây đã hoán đổi động từ (phục kích, lăm le, hay lấp ló) thành tính từ trạng thái chỉ mức độ, diễn biến tâm lý con người (em) bật ra những tiếng cười cho người đọc. Thủ pháp nghệ thuật này không mới, tuy nhiên độc đáo và sâu sắc như Lê Hân, không phải nhà thơ nào cũng làm được: “mỗi nhánh chữ đều có tôi phục kíchnằm lăm le tình mộng trong timem lấp ló, tức thì tôi nhận diệnyêu hay không là chuyện của trái tim” (Luận về yêu).

Đi sâu vào đọc, ta thấy thơ tình Lê Hân luôn có sự biến đổi thống nhất diễn biến hành động cũng như tâm lý. Và phải nói, ông có cái nhìn, quan sát thật tỉ mỉ và tinh tế, mới viết được những câu thơ sinh động, chiều sâu về tâm lý đến vậy:

“yêu em chẳng phải dễ dàng

lệch con mắt ngóng, mòn bàn chân đi

tiếng cười bỗng chợt lạ kỳ

giọng nói bỗng đổi, nhiều khi lạ lùng” (Yêu)

Có thể nói, Lê Hân có sở trường về thơ lục bát. Và chắc chắn tôi chưa đọc hết thơ của ông, song những bài lục bát đã in, hoặc chưa xuất bản tôi đã được đọc không có bài thơ nào dở. Bởi, lục bát Lê Hân hình ảnh, từ ngữ giản dị, hồn vía rất gần với ca dao. Cho nên thơ ông không hề kén người đọc: “áo em mặc loãng nắng trời/ làm con bướm dạo lưng đồi quên bay…/ áo em có ướp ca dao/ hai tà khép mở đường vào cõi thơ“ (Tà áo mùa thu).

Nếu được phép tuyển chọn, với tôi: Lục Bát Tình, và Thu Trong Lục Bát, hai bài thơ hay nhất ở thể loại này của Lê Hân. Hai bài thơ này đối nghịch nhau về thái độ, hành động, cũng như tâm lý của (hai) người tình xưa, khi gặp lại người thi sĩ. Thật vậy, nếu Lục Bát Tình ấm áp bao nhiêu: “mắt nồng ấm trải chiếu giường/ môi thơm từng nụ quê hương ru hời/ em hiền dịu đến cùng tôi/ thản nhiên như tự muôn đời có nhau“ thì Thu Trong Lục Bát lại hờ hững, lạnh lùng bấy nhiêu: “năm xưa nhặt lá thu vàng/ ép vào trang vở mơ nàng hóa thơ/ thu nay chợt thấy bất ngờ/ gặp lại khuôn mặt hững hờ năm xưa/ ngửa tay đựng mấy hạt mưa/ xoa lên mặt mũi vẫn chưa tỉnh người“. Đọc nó, không chỉ cho ta thấy rõ, cái giá trị của tình yêu, tính chân thực, mà còn thấy được tài năng, sự đa dạng trong thi ca và cuộc sống Lê Hân.

Sống và tiếp thu văn hóa Âu Mỹ, do vậy Lê Hân chịu ảnh hưởng khá sâu sắc hồn vía thi ca tiền chiến lãng mạn. Nếu ta đã đọc Đinh Hùng, Bích Khê hay Nguyễn Bính, thì không ngạc nhiên lắm, khi bắt gặp những câu thơ mượt mà, song ám ảnh, rờn rợn của Lê Hân:“có phải em từ một kiếp thu/ mắt xanh lấp lánh ngấn sương mù“ (Em, biển và trăng). Với giọng điệu này, ta bắt gặp nhiều ở những thể thơ thất ngôn và bát ngôn, đôi khi là lục bát của Lê Hân:

“và biết đâu chừng hai chúng ta

bay vào vũ trụ nhặt sao sa

mỗi sao là một con chim nhỏ

biết thở, biết cười, biết hát ca”. (Đón xuân)

Có lẽ, không thể thơ nào viết về quê hương đất nước hay và nhiều bằng lục bát. Chẳng vậy, mà Lê Hân đã dành riêng cả một tập thơ cho lục bát. Lục bát Lê Hân rất gần với ca dao. Đọc nó, tôi cứ ngỡ ông đang trộn tình yêu quê hương vào ca dao lục bát vậy. Cho nên, cả cuộc đời cầm bút Lê Hân cứ mải miết đi tìm lại hồn thơ cũ:  

“mẹ ươm hạt giống ca dao

nở nhánh lục bát ngọt ngào Việt Nam

trời còn tinh khiết trăng vàng

đời còn sáu tám nồng nàn ấm tay” (Trích: Ngọn Tình Lục Bát)

Gần sáu mươi năm xa quê, xa tổ quốc, một lần về lại, làm cho bước chân Lê Hân ngập ngừng. Ký ức khó có thể xóa nhòa, dù hồn quê dường như đã mất. Những câu thơ mộc mạc, nhẹ nhàng, song đọc lên như một lời than tiếc nuối quặn thắt trong lòng: “bước chân không dám, ngập ngừnghình như tôi sợ rưng rưng mắt buồnlàng quê ơi hỡi quê hươngmất rồi gò mả những đường dọc ngang” (Thăm Làng).

Dù viết về quê hương, nhưng câu thơ nào của Lê Hân cũng buồn vời vợi. Không chỉ mất những con đường dọc ngang, mà còn vắng bóng người xưa. Và chỉ còn hình bóng lẻ loi xưa của chính mình chợt hiện về trong ký ức thi nhân: “chợ mai nắng hấp hơi người/ và tôi chạm mặt cái tôi thuở nào”. Thăm Chợ Miếu Bông là một bài thơ mang mang nỗi u hoài như vậy của Lê Hân. Nó không thuộc trong nhóm những bài thơ hay, song Lê Hân làm cho người đọc phải bùi ngùi xúc động, bởi lời thơ chân thực, và dung dị: “xuống xe, đứng dựa cột đèn/ nhớ ra bỏ thuốc ngàn trăng thu rồi/ chờ mà chẳng đợi ai đâu/ bọn đàn em cũ theo nhau bỏ làng”.

Lớp Cũ Trường Xưa, có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất viết về thuở học trò của Lê Hân.  Trước ngôi trường xưa tiêu điều, nám bụi, (dường như đã đổi họ thay tên) hình ảnh, kỷ niệm xưa chợt hiện về, làm cho nhà thơ bồi hồi xúc động. Nước mắt rơi, trộn trong nỗi buồn vui của mình: “tay nám bụi tôi vịn vào cửa lớp/ nhận ra mình ứa nước mắt hân hoan”. Và trích đoạn dưới đây, không chỉ có lời thơ, hình ảnh đẹp, mà ta còn thấy khả năng đưa lối nói thậm xưng vào trong thơ của Lê Hân:

“tôi đứng tựa cổng trường đôi ba phút

mắt ngước nhìn mái ngói (đổ mồ hôi)

trời tháng bảy ngói (chồng nhau mấy lớp)

từng vách tường buồn lặng lẽ (bốc hơi)…

tôi gặp lại bín tóc nâu biết hát

đoạn ca dao phổ nhạc rất quen thân

tôi gặp lại những (bàn tay óng mát)

thơm hương me hương cốc ổi … ngại ngần”

Lê Hân dành rất nhiều trang, nhiều giai đoạn viết về cha mẹ, gia đình. Rất nặng tình, với nhiều hoài niệm ở mọi hoàn cảnh, song thật đáng tiếc, nó không thuộc về những bài thơ hay của ông. Bởi, lời thơ nặng về kể lể, thiếu những hình tượng độc đáo như trang thơ viết về tình yêu, hoặc về quê hương, đất nước. Tuy nhiên, ở đó ta vẫn nhặt ra được những câu thơ với hình ảnh ẩn dụ/ so sánh hay, và sâu sắc: “Mẹ chẳng nói gì chỉ ngắm thôi/ giữa trưa trăng mọc thay mặt trời/ dịu dàng âu yếm tâm hồn mở/ tiếp tục cho con những vốn đời”. (Mẹ)

Và (hầu như) Lê Hân viết gần hết về các nhà văn, nhà thơ và các nhạc sĩ là bạn bè, hoặc ông yêu mến. Tôi đã đọc khá nhiều người vẽ chân dung các nghệ sĩ bằng thơ. Song với tôi, Xuân Sách, Luân Hoán và Lê Hân là ba thi sĩ tôi khoái đọc nhất. Có điều đặc biệt, Lê Hân viết (vẽ) chân dung tuốt tuồn tuột các văn nghệ sĩ, từ Nam ra Bắc cho đến hải ngoại, bất kể nguồn gốc xuất thân. Sự không định kiến này, cho thi ca Lê Hân rất phong phú, và đa dạng. Do vậy, ai cũng có thể đọc, và tự suy xét đánh giá. Ta hãy đọc hai trích đoạn về Nguyễn Ánh 9 (gốc Nam) và Trần Tiến (gốc Bắc) hai nhạc sĩ tài hoa, đức độ dưới đây, vẫn bằng thủ pháp, ngôn ngữ thậm xưng để thấy hình ảnh lời thơ rất đẹp và công bình của Lê Hân:

“bén duyên trên phím dương cầm

mười ngón tay thở dần dần tỏa hương

khởi đi từ một nỗi buồn

Không… không… để có yêu thương một đời”

                                (Nguyễn Ánh 9)

“độc huyền cầm khúc thủy tinh

Nguyễn Du giao lại tay linh hiển trồng

cũng nhờ lòng dạ trổ bông

nên dòng nhạc mới như sông đưa người”

                                                       (Trần Tiến)

Cũng như những nhà thơ cùng thời (cùng tuổi Nguyễn Trọng Tạo, hay Trần Mạnh Hảo) đề tài về tình yêu, và quê hương đất nước có thể nói là quan trọng nhất trong những năm tháng dài sống và viết của Lê Hân. Và chính nó là nền tảng, vốn sống cũng như nghị lực để ông đến với những trang thơ mang tính thời sự, xã hội.

*Dòng thơ này xin đắp thành bia mộ. (thơ thế sự)

Có lẽ, chỉ có những biến động lớn của xã hội, con người mới làm ngòi bút của Lê Hân thực sự rung động chăng? Do vậy, Lê Hân gửi hồn vào thơ thế sự, xã hội không nhiều. Tuy vậy, thơ thế sự Lê Hân không hề lên gân, đao to búa lớn. Bài nào của ông cũng rất nhẹ nhàng, và sâu sắc. Cái đặc điểm nghệ thuật miêu tả, và tự bộc lộ nội tâm, dường như Lê Hân làm cho người đọc dễ cảm thông hơn chăng: “Sớm ba mươi tháng ba/ Đà nẵng chết hôm qua/ Tôi ngồi trên cao ốc/ Tay tỳ chồng hồ sơ …/ Sao lòng tôi bối rối/ Sao chân tay không yên/ Tiếng cười của đồng nghiệp/ Bỗng nhiên thành vô duyên” (Đà Nẵng 29-3). Đà Nẵng thất thủ, một viễn cảnh điêu tàn về gia đình, xã hội, làm cho Lê Hân bối rối, và lo lắng. Đi giữa phố đông người, mà Lê Hân cảm thấy mình trống rỗng. Cùng với sự cô đơn, giá lạnh, để cho ông viết nên những câu thơ thật bùi ngùi, xúc động: ”Xe chạy giữa phố đông/ Trăm ngàn người trước mặt/ Lòng tôi lạnh, trống không”. Và vẫn là những lời tự sự, song thơ Lê Hân nặng hơn cả ngàn trang cáo trạng: ”Cha tôi vừa 79/ Già một đời ngụy quyền/ Anh tôi làm công chức/ Sau khi là ngụy quân… /Em tôi bỏ hẳn trường/ Bà con tôi thất sắc/ Đồng bào tôi tang thương/ Vị cà phê quá đắng” (Đà Nẵng 29-3).

Lê Hân nhận ra, nguyên nhân của làn song dữ, dẫn đến những biến cố tang thương, và chứng kiến hàng trăm ngàn con dân đất Việt bị nhấn chìm giữa biển cả: “làn sóng dữ từ Mạc Tư Khoa háo hức/ kéo Bắc Kinh, Việt Bắc dậy cơn cuồng/ song nhổ người bén rễ giữa quê hương/ phải bật gốc ùn ùn ra biển cả/ sự sống mỏng vật vờ như chiếc lá”. Hiện thực ấy, gây cho Lê Hân một cảm xúc mạnh để viết: Bia Mộ Thuyền Nhân. Với tôi, đây là bài thơ sâu sắc nhất của ông về đề tài này. Đọc Bia Mộ Thuyền Nhân của Lê Hân làm cho tôi lại nhớ đến những câu thơ cùng tâm trạng của Trần Mạnh Hảo: ”Những người Viêt Nam vượt biên chết chìm trên biển…/ Chết rồi còn giơ tay cầu cứu/ Chết rồi còn quờ tay tìm lối thoát/ Đâu nhà văn, đâu người cầm bút”. Vâng, và cái nỗi đau của mình nằm trong nỗi bất hạnh của dân tộc, người cầm bút Lê Hân mượn dòng thơ để vuốt mắt, đắp bia mộ cho chính những nhân vật của mình:

“tôi chẳng dám nhìn lâu dòng bi kịch…

những cánh tay, những thân xác nhạt nhòa

chới với mãi trong hồn tôi u uất…

dòng thơ này cũng xin là bia mộ”

Không dừng ở đất Việt, Lê Hân còn đi sâu vào thế sự, xã hội ở Hoa Kỳ, hay Canada nơi ông cư ngụ. Mỗi biến cố đều được ông nghi lại bằng thơ, qua góc nhìn, cảm xúc riêng của mình. Qùa Cho Người Lính Mỹ, Vòng hoa cho Hoa Kỳ…là những bài thơ như vậy của Lê Hân. Nó không chỉ ghi lại những hiện thực, mà còn cho người đọc một lòng nhân ái, qua lời thơ rất đẹp của ông: “Khi không nhớ New York/ Nhớ cao ốc sinh đôi/ Nhớ chỗ mình đang đứng/ Thử giơ tay với trời/ Khi không ngồi tưởng tượng/ Gặp kỹ sư Nguyễn Khang/ Bốn ngọn nến ai thắp/ Vào ngày sinh nhật An?/ Khi không sao thấy nhớ/ Loanh quanh trái đất này/ Giật mình chợt phát hiên/ Nụ hoa cầm trong tay”  (Vòng hoa cho Hoa Kỳ)

Có thể nói, ba đặc điểm chính trong thi ca Lê Hân cũng là những đặc điểm làm nên nền móng văn học Việt hải ngoại. Vào cái tuổi 76, Lê Hân vẫn miệt mài viết, và chăm lo in ấn sách ở Nhà xuất bản Nhân Ảnh cũng như tạp chí Ngôn Ngữ của mình. Tôi chưa một lần được gặp gỡ, hay chuyện trò, song mỗi lần đọc Lê Hân cứ làm cho tôi nhớ đến nhà văn Trần Hoài Thư, cả cuộc đời tận tụy cho Văn học Việt Nam.

Leipzig 21-8- 2023

Đỗ Trường
 

4 BÌNH LUẬN

  1. “Câu thơ bất chợt thả hong thu chiều”
    “Thả hong thu chiều” là cái chó chết gì vậy?
    Bọn nó viết như thế này thì chĩ có bố-mẹ nó hiễu!

  2. “Có thể nói, ba đặc điểm chính trong thi ca Lê Hân cũng là những đặc điểm làm nên nền móng văn học Việt hải ngoại.”
    *
    Kinh thế!
    Và,
    thối thế.

  3. Ơ, thế văn thơ hải ngoại hổng có bao gồm những trí thức theo Đảng bên Pháp à ? Cao Huy Thuần, Đặng Tiến … & whole xítload of them, rùi gần đây là Nguyễn Đức Tùng, Khánh Trường & đám hợp niêu đã viết về Việt Nam như 1 niềm vui dưới sự lãnh đạo của Đảng . Thơ văn các trí thức bên Pháp tràn đầy niềm tin phấn khởi vào 1 miền Nam vừa được giải phóng, và họ cũng tránh viết về những cái-gọi-là “chưa được” của Đảng của chánh phủ . Đọc Cao Huy Thuần như đọc 1 ông tiên đang biện hộ cho cái ác vậy . Chính vì thía mà Thái Hạo & đám hết biết phải gọi là gì trong nước mê mẩn đến mụ cả người

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên