Tưởng nhớ bà Jean Libby (1940-2023)

2
Tập sách về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, Nxb Allies For Freedom, 2008 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khoảng đầu thập niên 2000, trong một lần gặp thi sĩ Nguyễn Chí Thiện [1939-2012] tôi có hỏi về bản thảo tập thơ “Tiếng vọng từ đáy vực” của thi sĩ và những tài liệu liên quan, ông nói đã đưa hết cho bà Jean giữ.

Qua đó tôi biết bà Jean Libby, là giảng viên sử học và sắc tộc học tại đại học cộng đồng trong vùng Vịnh San Francisco và là một người quan tâm đến những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, có nhiều gắn bó với cộng đồng người Việt ở California.

Bà Libby vừa qua đời hôm 11/8, được chôn cất hôm 1/9 bên cạnh chồng ở Nghĩa trang Quốc gia Sacramento Valley, vì chồng bà, ông Raph Libby, từng là một cựu chiến binh đã qua đời năm 2012.

Sinh ngày 28/9/1940 tại Binghamton, New York, với tên khai sinh Jean Ann Titus, bà qua California sinh sống ở Palo Alto, vùng Vịnh San Francisco, từng học nhiếp ảnh và hành nghề chụp hình. Tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử người Mỹ gốc châu Phi từ Đại học UC Berkeley năm 1986, cao học ngành sắc tộc học từ San Francisco State University năm 1991, với giáo sư hướng dẫn là một người cộng sản nổi tiếng Angela Davis. Các nghiên cứu của bà về John Brown, một người chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ từ trước khi có nội chiến Mỹ. Bà hết lòng bênh vực người thiểu số nhưng không theo khuynh hướng cộng sản.

Theo ông Steve Denney, một người hoạt động với Ân xá Quốc tế từ thập niên 1970 và là người theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam cho tổ chức, thì sau khi ông thôi đảm trách việc này, bà Jean Libby thay ông làm phối trí viên về Việt Nam cho Ân xá Quốc Tế, vì bà Libby là thành viên trong Nhóm 19 ở vùng Vịnh San Francisco, trong đó có bà Ginetta Sagan [1925-2000] là người sau năm 1975 đã lên tiếng về việc Hà Nội giam giữ văn nghệ sĩ và hàng trăm nghìn người mà không xét xử trong những trại tù học tập cải tạo.

Lúc mới sinh hoạt với bà Libby ông Steve có quan ngại về quá khứ của bà có thể bị ảnh hưởng bởi Angela Davis, như thế bất lợi cho những hoạt động nhân quyền cho Việt Nam, nhưng không bao lâu sau, qua nhiều tiếp xúc và trao đổi ông Denney nhận ra bà Libby luôn mạnh mẽ lên tiếng trước công luận về các vi phạm nhân quyền của Hà Nội.

Bà Libby cũng quan tâm đến người Mỹ gốc Việt. Tôi còn nhớ khi Bảo tàng Oakland thực hiện triển làm về ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam đối với tiểu bang California, làm việc trong dự án có cô Mimi Nguyễn, khi cô đòi hỏi cuộc triển lãm phải có hình ảnh về người Việt tị nạn và vì thế mà cô bị cho nghỉ việc. Cô Mini kiện bảo tàng ra toà. Bà Jean Libby là một cố vấn cho ban tổ chức đã đứng ra bênh vực cho cô.

Trong một lần họp với ban tổ chức, khi bàn đến nội dung triển lãm, phần nói về “Thuyền nhân” trong tập sách giới thiệu có đoạn viết: “Chuyện xảy ra là chính phủ Việt Nam trả thù những người Hoa ở Việt Nam. Vì thế người Việt gốc Hoa bị ngược đãi… Nhiều thuyền nhân thực ra họ là người gốc Hoa. Không phải tất cả.” Khi tôi chỉ ra rằng, nếu nói người gốc Hoa bị ngược đãi nên kéo nhau ra biển, vậy lý do những thuyền nhân Việt chính gốc, đông hơn người Hoa, ra đi là vì sao? Họ và gia đình không bị Hà Nội ngược đãi hay sao? Ban tổ chức nói sẽ sửa sai, khi đó bà Libby đã phát biểu: “Lỗi có thể sửa được. Nhưng bỏ sót những sự kiện là một tội lịch sử lớn.”

Qua những phản đối và đóng góp của người Việt, trong triển lãm “What’s Going? – California and the Vietnam Era” tại Bảo tàng Oakland vào năm 2005 đã có di vật của những tù nhân cải tạo, của thuyền nhân và những câu chuyện và hình ảnh, tài liệu về sinh hoạt trong nhiều lãnh vực từ kinh tế, văn hoá đến chính trị của người Việt tại California.

Bà Libby thường có mặt để phản đối những hoạt động tuyên truyền cho Hà Nội. Khi đạo diễn Peter Davis của phim “Hearts and Minds” về cuộc chiến Việt Nam, sản xuất năm 1974, đến vùng San Francisco tham dự hội thảo, bà đã có mặt cùng với nhiều người Việt biểu tình phản đối và đối chất với nhà làm phim.

Ông Nguyễn Tâm, cựu nghị viên Thành phố San Jose, còn nhớ những kỷ niệm với bà Libby. Biết bà từ khi bà còn dạy ở San Jose City College 30 năm trước đây, ông Tâm nhận thấy bà là người biểu lộ quan tâm đặc biệt về công bằng xã hội đối với người nghèo, giới lao động và người da màu. Bà đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các hoạt động, các dự án của người Việt trong vùng, như việc thành lập Trung tâm Cộng đồng Việt-Mỹ. Bà cũng đã ủng hộ tài chánh khi ông Tâm ra tranh cử. “Bà Jean” là cách ông gọi bà với lòng quí mến và nhớ ơn.

Năm 2008 Đại sứ Mỹ Michael Michalak từ Việt Nam đến San Jose tiếp xúc với cộng đồng người Việt, bà Libby có mang theo mấy tác phẩm về trại học tập cải tạo, về thuyền nhân, tập thơ của Nguyễn Chí Thiện và muốn trao cho ông để đưa vào thư viện của đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Nhà ngoại giao lịch sự từ chối, nói bà có thể gửi thẳng những sách đó qua đường bưu điện.

Ngoài việc dạy học, bà Libby còn trông coi nhà xuất bản Allies For Freedom đã xuất bản nhiều sách về John Brown và những nhân vật đã tranh đấu cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ.

Năm 2008 bà cho xuất bản tập sách song ngữ “Hai truyện tù – Two Prison Life Stories” gồm sáng tác thơ, những bài viết và tài liệu về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, một nhà thơ Việt Nam đã được bà viết nhiều bài giới thiệu trên các diễn đàn, tạp chí văn học.

Khi có người cho rằng tập thơ “Tiếng vọng từ đáy vực” không phải của Nguyễn Chí Thiện, bà thuê chuyên viên về bút tích để phân tích và so sánh chữ viết của thi sĩ và bản chép tay những bài thơ và được xác nhận đúng là của tác giả Nguyễn Chí Thiện.

Ông Đỗ Thành Công, từng về Việt Nam hoạt động và bị Hà Nội bắt, khi được thả về lại Mỹ, ra tranh cử dân biểu tiểu bang ông cũng được sự ủng hộ của bà. Bà đã viết trên mạng Amazon.com những cảm nghĩ chân tình sau khi đọc sách “The Cost to Freedom” của ông Công về hành trình tranh đấu ở hải ngoại cũng như ngay trong nước và đã bị Hà Nội giam giữ. Theo ông, bà Libby là một người bạn của những người Việt tranh đấu cho tự do và dân chủ cho Việt Nam.

Bà Jean Libby và thi sĩ Nguyễn Chí Thiện trong buổi nói chuyện về tập thơ “Tiếng vọng từ đáy vực” ở San Jose, tháng 11-2007 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

2 BÌNH LUẬN

  1. Sao ? O. Bùi văn Phú cùng con trai ăn phở nhìn ngắm cờ đỏ máu què + hình bác Hồ giặc già – Tiên sư cha nhà bác bắc kỳ già – có còn thấy ngon ko ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên