Trung Quốc dẹp tan chống đối ở Hồng Kông trước kỳ họp lưỡng hội

0
(Ảnh ABCNews)

Trung Quốc dẹp tan chống đối ở Hồng Kông trước kỳ họp lưỡng hội

Các nhà lập pháp và các nhà tư vấn cho chính quyềnTrung Quốc tụ tập tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong tuần này để tham dự cuộc họp “lưỡng hội”, vạch ra các chính sách quan trọng trong năm.

Kỳ họp “lưỡng hội” thường niên gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (tức cơ quan cố vấn, bà con của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức cơ quan làm luật, bà con của Quốc hội Việt Nam) khai mạc vào thứ Năm.

Mặc dù có đại dịch, số đại biểu có thể ít đi, ngồi xa nhau, nhưng xe cộ lưu thông gần Quảng trường Thiên An Môn vẫn bị đổi hướng, nhân viên an ninh phủ khắp các đường phố và ga tàu điện ngầm ở trung tâm Bắc Kinh, và tin tức về lưỡng hội tràn ngập khắp nơi.

Cái này nghe quen quen. Trước ngày khai mạc, lực lượng chức năng đã lập thành tích mừng đại hội bằng cách truy quét phong trào chống đối ở Hồng Kông.

47 nhà hoạt động coi như đầu não của Hồng Kông đã bị bắt giữ trong đợt mới nhất về tội âm mưu lật đổ theo luật mới, với mức án thật nặng để răn đe, có thể tù chung thân. Lãnh tụ trẻ tuổi Hoàng Chí Phong đã bị bắt ở đợt trước. Nhiều luật sư không được gặp thân chủ.

Coi như phong trào chống đối tại Hồng Kông đã bị đè bẹp, những người cốt cán tham gia phong trào kẻ thì ngồi tù, người thì lưu vong.

Những gì được trông đợi?

Hồng Kông: Nhiều người trông đợi kỳ họp lưỡng hội sẽ đưa ra những chính sách mới, ví dụ như nắm trọn quyền kiểm soát Hồng Kông. Tuần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đang tính vẽ lại các khu vực bầu cử của Hồng Kông và yêu cầu các ứng cử viên phải được đề cử bởi một hội đồng gồm giới doanh nhân và chính trị gia thân Bắc Kinh. Coi như trước đây ai muốn ứng cử cũng được, sắp tới thì đảng cử dân bầu.

Tăng trưởng kinh tế: Trung Quốc có thể đã thoát đại dịch corona trước các nền kinh tế lớn khác, nhưng có thể rất khó để duy trì tăng trưởng lâu dài, đặc biệt là loại tăng trưởng xanh bền vững mà Bắc Kinh mong muốn. Các nhà kinh tế Trung Quốc đã cảnh báo từ nhiều năm rằng đất nước đang trước áp lực về số nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình gia tăng; nhưng chính phủ vẫn phải bắt buộc đưa ra các kế hoạch chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng mới để khởi động quá trình phục hồi sau đại dịch, và các nhà đầu cơ tiếp tục mua vào những bất động sản có thể trở thành bong bóng tài sản lớn nhất thế giới.

Thương chiến với Mỹ: Mặc dù Trump đã ra đi, nhưng lãnh đạo Trung Quốc tin rằng quan hệ với Hoa Kỳ đã thay đổi vĩnh viễn. Bắc Kinh có cảm tưởng sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa Biden và Tập, Hoa Kỳ vẫn giữ quan điểm cứng rắn với các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ đang chiêu mộ các đồng minh để giúp cạnh tranh với Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều người khác đã thừa nhận “tình hình quốc tế phức tạp” mà Trung Quốc phải đối mặt. Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng chính sách kinh tế cần phải thoát khỏi xuất khẩu hàng hóa sản xuất giá rẻ, chi phí thấp và cần phải duy trì sự vững mạnh cho dù Trung Quốc bị các đồng minh của Mỹ bao vây về mặt địa chính trị hoặc đối mặt với suy thoái toàn cầu.

Khủng hoàng dân số: Dù Trung Quốc bỏ chính sách một con vào năm 2016, việc giải quyết cuộc khủng hoảng dân số vẫn diễn ra một cách chậm chạp. Sau khi Bộ trưởng Bộ dân sự Lý Kế Căng cảnh báo vào tháng 12 rằng tỷ lệ sinh sản của Trung Quốc vẫn ở dưới “mức cảnh báo”, gây ra một cuộc thảo luận nảy lửa để xem có nên đưa ra luật mới để hủy bỏ tất cả chính sách kiểm soát sinh sản hay không. Các gia đình Trung Quốc phải đối mặt với chi phí sinh hoạt, chăm sóc con cái và giáo dục ngang bằng với nhiều nước phát triển, di sản của chính sách một con đã làm gia tăng sức ép dân số. Những người trên 65 tuổi chiếm 8% dân số Trung Quốc vào năm 2000 nhưng sẽ đạt khoảng 20% ​​vào năm 2025. Vào năm 2050, khoảng 40% người Trung Quốc sẽ trên tuổi nghỉ hưu. Dân số trong độ tuổi lao động, từ 16 đến 59, có thể giảm 35 triệu trong vòng 5 năm tới.

Có quyền lực thực sự?

Kỳ họp “lưỡng hội” thường niên của Trung Quốc được khoác lên người bằng những bó hoa tươi thắm và những nghi lễ rườm rà, nhưng tất cả đều mang tính hình thức.

Cái này cũng nghe quen quen. Mặc dù Quốc hội được xem là cơ quan quyền lực cao nhất nước, hầu hết những công việc nặng nề trong hoạch định chính sách đều do các quan lớn Đảng Cộng sản làm trước, những ai tham gia kỳ họp chỉ có quyền đưa ra những bất đồng hạn chế, có tính cách tượng trưng.

Mọi thứ sẽ được thông qua với đa số áp đảo, trên 99 phần trăm, sau đó sẽ có họp báo dành cho các máy thu hình, các nhà báo lề phải. Tất cả chi phí tốn kém và vô tích sự đều do người dân đóng thuế nai lưng gánh vác.

(Theo Washington PostTân Hoa xã)

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên