Nhuận bút

0

ÔNG NÓI GÀ BÀ NÓI VỊT

Truyện của Evgeny Nagornyuk (Nga)

Kỹ sư Sergey Krivoruchko hết sức ngạc nhiên khi theo thói quen mở hòm thư và phát hiện ra một tờ giấy lĩnh tiền trị giá 20 rúp. Ai gửi cho mình nhỉ? – Trên đường ra bưu điện anh ta vừa đi vừa nghĩ. – Có thể đây là tiền lợi tức phần trăm của Công ty Cổ phần năng lượng Nga chăng? (hiện tại anh có mua cố phiếu của công ty này). Căn cứ vào số tiền thì có vẻ đúng. Vừa vặn có thể mua được một chai bia. Mà cũng có thể, tiền mẹ gửi? Bà già đôi khi có gửi cho anh một ít tiền, trích từ lương hưu. Số tiền này, tất nhiên, không thừa đối với mức lương kỹ sư còm hiện nay của anh. Nhưng chưa chắc. Mà cũng có thể anh bạn Kurochkin trả nợ? Có một dạo anh ta vay của Sergey 10 rúp và bây giờ trả lại, kèm theo tiền “trượt giá” chăng?

Thật khó diễn tả hết sự ngạc nhiên của Krivoruchko sau khi nhận tiền và đọc trên tờ biên lai chuyển tiền dòng chữ: “Nhuận bút năm 2009”, kèm theo dấu Tòa soạn báo “Đường sắt” đỏ chót. Sergey có biết tờ báo này, anh thường mua về nhà đọc và giải ô chữ. Nhưng tại sao lại nhuận bút?

“Rõ ràng là có sự nhầm lẫn nào đó” – Krivoruchko thầm nghĩ và hỏi cô nhân viên bưu điện.

– Cô gái ơi, liệu cô có trả nhầm tiền cho tôi không đấy?

– Họ, tên có đúng của anh không? Đúng. Địa chỉ đúng của anh. Anh còn muốn gì nữa? Nếu anh thừa tiền thì chạy sang cái quán bên cạnh mua lấy một ly cà-phê và chiếc bánh ngọt mà ngồi nhấm nháp – Mắt vẫn không rời màn hình máy tính, cô gái nói.

Nhưng Sergey Krivoruchko đâu phải là kẻ đang tâm uống cà-phê và ăn bánh ngọt bằng tiền của một nhà thơ hay một nhà báo nào đó đã chong đèn thâu đêm ngồi viết tác phẩm của mình. Anh chạy ra quán báo gần đó mua ngay tờ “Đường sắt” số mới nhất, tìm số máy ông Tổng biên tập, và ghé vào bốt điện thoại công cộng. Sergey gặp may, từ phía đầu kia đường dây có tiếng trả lời ngay lập tức.

– Tổng biên tập nghe đây.

– Xin chào. Tôi là Krivoruchko, tôi có nhận được một khoản tiền nhuận bút của quý báo. Chắc hẳn có sự nhầm lẫn nào đó, vì tôi chưa bao giờ …

– Hai mươi rúp phải không? – Không đợi Sergey nói hết câu, Tổng bên tập hỏi.

– Vâng, đúng là hai mươi rúp.

– Ở đây không có sự nhầm lẫn nào hết, nhuận bút của anh là hoàn toàn chính xác. Anh xứng đáng được hưởng số tiền đó, vì vậy anh có thể thanh thản chi tiêu cho bất cứ việc gì mình thích – Tổng biên tập nói.

– Vâng, nhưng sao lại như vậy ạ? – Sergey gào lên trong ống nghe – Tôi chưa bao giờ viết và gửi gì cho báo của các anh.

– Chính vì thế mà chúng tôi trả nhuận bút cho anh – Tổng biên tập nói, giọng mệt mỏi – Anh có biết hàng ngày chúng tôi nhận được rất nhiều bài vở không: nào truyện ngắn, thơ, bút ký, nào bài góp ý, phê bình… Ai cũng viết. Cả toà soạn đang tìm mọi cách xử lý cái đống giấy tờ này. Bản thân chúng tôi không bao giờ viết, vì không có thời gian. Vâng, mà chúng tôi biết viết vào lúc nào? Buổi sáng chúng tôi đọc các nhận xét, góp ý của độc giả, buổi trưa đọc tiểu thuyết của các cây bút trẻ, buổi tối đọc hồi ký của những người cao tuổi. Quả là không còn biết nghỉ ngơi vào lúc nào. Làm sao có thể ngăn chặn cái cơn lũ bài vở này? Tòa soạn chúng tôi cân nhắc mãi và cuối cùng đã quyết định áp dụng biện pháp động viên những người không viết. Có thể coi đây là một sáng kiến cải tiến mới trong công việc…

– Nhưng làm thế liệu tòa báo có bị phá sản không ạ? – Krivoruchko tỏ ra thông cảm, mặc dù vẫn chưa hiểu hết.

– Than ôi, bạn thân mến của tôi, chẳng còn cách nào khác! – Tổng biên tập vừa nói vừa thở dài. – Các bạn, những người không viết báo, thật quá ít ỏi. Cả tòa soạn tìm mãi cũng chỉ được khoảng chục người. Và chúng tôi quyết định gửi nhuận bút cho các bạn, những con người đáng quý. Vì vậy anh hãy yên tâm sử dụng số tiền chính đáng của mình. Chúc mọi điều tốt lành. Tạm biệt.

Sergey không hiểu hết lời khuyên của ông Tổng biên tập. Câu chuyện khiến anh cảm thấy thú vị đến mức vừa về tới nhà, ngay lập tức ngồi vào bàn và viết một bài báo kể lại những điều mắt thấy tai nghe, rồi gửi tới tòa soạn báo “Đường sắt”. Từ đó anh không bao giờ nhận được nhuận bút nữa.

Trần Hậu (dịch)

(Tựa đề “Nhuận Bút” do Đàn Chim Việt đặt, tựa đề nguyên bản là “Ông nói gà bà nói vịt”)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên