Giải mã bí ẩn dòng tiền các tập đoàn kinh tế

0

Như đã hứa với bạn đọc, Chuyện FLC mua 20 con Boeing 787-9 Dreamliner với số tiền lên đến 5,6 tỷ USD đang là tâm điểm của dư luận. Trước đó không lâu, Tập đoàn này cũng đã từng đặt mua 24 máy bay của Airbus của Pháp trị giá 3 tỷ USD với sự chứng kiến của cụ Tổng.

Một tập đoàn mới nổi, triển khai nhiều dự án với giá cả chục tỷ đô đang ngổn ngang trăm mối, lấy đâu ra số tiền khủng để mua máy bay?

Trong khi anh Trịnh Văn Quyết nổi đình nổi đám về chuyện mua máy bay thì anh Lê Viết Lam, chủ tịch của sun Group lại nổi lên bởi việc xây sân bay và làm những dự án khủng ở Vân Đồn, Phú Quốc, Đà Nẵng… Trước đó, người phụ nữ nhỏ nhắn thế hệ 7x là Nguyễn Thị Phương Thảo đã từng ký những hợp đồng mua máy bay dạng khủng để rồi được công chúng biết đến hãng VietJet với tần suất bay dày đặc rợp cả bầu trời…

Vậy đằng sau những đại gia mới nổi này là chuyện gì? Đằng sau những thương vụ khủng này có sự bảo kê của những thế lực tài chính nào? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra với các tập đoàn mới nổi ở VN. Vậy bản chất của dòng tiền là thế nào?

Nhiều câu hỏi, nhiều bài viết, nhiều góc nhìn khác nhau về các tập đoàn mới nổi. Những người có thiện cảm với những ngôi sao đang lên thì hết lời ca ngợi rằng: Trịnh Văn Quyết là anh hùng; Chị Thảo, anh Lam đều là hảo hán, là doanh nhân thế hệ mới….

Người không có thiện cảm thì kiếm đủ chuyện về các tập đoàn này để rồi xoi mói họ. Rằng FLC nợ đìa; Rằng, VietJet đầy tai tiếng với việc phơi bày thân xác phụ nữ trên chuyến bay chở tuyển U23. Rằng nhiều người đã cạch mặt hãng hàng không này. Rằng anh Lam đi đến đâu là ở đó có những thảm hoạ môi trường, có việc chặt phá rừng… vân vân và mây mây…
Thói đời, với những doanh nhân thành đạt, về phương diện truyền thông, họ có những nét tương đồng với giới showbiz là được nhiều người biết đến. Dĩ nhiên, khi được nhiều người biết đến thì cùng với fans hâm mộ, không tránh khỏi những ganh ghét, dèm pha. Chuyện này ở nước nào cũng có, với đại gia nào cũng có.

Giờ đây tôi chỉ xin bàn một chút về những bí ẩn về dòng tiền trong các thương vụ nổi tiếng đã được báo chí đưa tin.

Như đã nói ở phần đầu, Tập đoàn FLC công bố mua 20 con Boeing 787-9 dreamliner với tổng trị giá hợp đồng xấp xỉ 5,6 tỷ USD (128 nghìn tỷ).

Trước đó, FLC đã ký biên bản ghi nhớ mua 24 máy bay A321 NEO của Airbus với tổng trị giá 3 tỷ USD (khoảng 71.000 tỷ đồng).

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tổng giá trị hợp đồng mà Tập đoàn FLC ký kết mua máy bay để Bamboo Airways cất cánh lên đến gần 200.000 tỷ đồng.

Xin thưa, đây là số tiền lớn, thậm chí rất lớn. Nhưng không phải cứ ai ký xong là rút ra chừng ấy tiền để trả. Chẳng hạn hợp đồng với Boing, đây là Hợp đồng nguyên tắc, có đặt cọc. Số lượng máy bay gồm 20 chiếc sẽ được bàn giao bắt đầu từ tháng 4/2020 và kéo dài trong khoảng 2 năm.

Dĩ nhiên, với các hãng hàng không, với các hợp đồng bán máy bay thường có các Tập đoàn tài chính đứng ở phía sau bảo lãnh. Đây là nghiệp vụ rất quan trọng của các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực này. Họ sống bằng phí bảo lãnh. Chính vì vậy, giá trị hợp đồng khủng nhưng thường với sự bảo lãnh của các Tập đoàn tài chính, bên mua chỉ phải trả số lượng tiền chỉ độ trên dưới 10%. Với một thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam, khách đi máy bay ngày càng đông, chuyện máy bay sinh lãi không khó. Các nhà bảo lãnh tài chính thừa khôn ngoan để họ lựa chọn dịch vụ này.

Điều này đã từng xẩy ra ở Việt Nam nhưng chỉ với việc mua… ôtô. Ai đó có khoản tiền 100 triệu đồng đều có thể ra showroom mang một con xe tầm trung về. Với điều kiện là tình hình tài chính của anh lành mạnh, không dính dáng đến các khoản nợ xấu. Khi đó, hãng sẽ gọi các NH đến để bảo lãnh dưới dạng cho vay trả góp.

Nhiều người không hiểu điều này hoặc cố tình không hiểu, thậm chí ngay cả với những phóng viên kinh tế. Thế nên mới có chuyện xuất hiện những bài báo đưa những thông tin sai lệch về bản chất của các báo cáo tài chính.

Xin được trích một đoạn trong bài đăng trên tờ: Giáo dục VN: “…Tập đoàn FLC có vốn điều lệ gần 7.000 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2018, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này mới tăng lên là 8.620 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của FLC đến hết quý I/2018 cũng không hề nhỏ là 14.947 tỷ đồng, cao hơn nhiều vốn chủ sở hữu.”

Những con số này là đúng, thoạt tiên với những người không có chuyên môn về tài chính có thể thấy là FLC đang ở trong trạng thái bị “âm vốn”.

Thực tế không phải như vậy. Trong báo cáo tài chính, vốn điều lệ là con số chưa nói lên điều gì. Giá trị DN phụ thuộc rất lớn vào giá trị cổ phiếu. Có doanh nghiệp vốn điều lệ cao ngất ngưởng nhưng giá trị cổ phiếu rất thấp, thậm chí bằng không. Nhưng cũng có những DN vốn điều lệ thấp nhưng giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần.

Con số có ý nghĩa hơn trong báo cáo tài chính là “Tổng tài sản”. Với số vốn điều lệ đó, Tổng tài sản của FLC tới cuối quý 1 năm nay là xấp xỉ 24 ngàn tỷ. Trong mấy năm qua, con số này của FLC đang có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá cao. Tổng tài sản được hạch toán trên sổ sách thường thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Với FLC, tổng tài sản so với Tổng nợ vẫn còn chênh xấp xỉ 10 ngàn tỷ.

Về mặt các con số trong báo cáo tài chính là chuyên môn hẹp, tôi không muốn giải thích nhiều ở đây.

Giờ xin được nói thêm một chút về một số khoản nợ khác của các DN.

Thương trường, nợ có là chuyện bình thường. Đây cũng là cách để mà các doanh nghiệp sử dụng vốn một cách linh hoạt và có hiệu quả. Điều quan trọng là những khoản nợ đó phải nằm trong hạn mức cho phép, hơn thế là nợ lành mạnh, có thể trả đủ cả gốc lẫn lãi khi đến hạn.

Một số thông tin mà không ít người nhầm, đặc biệt là với các nhà báo salon là: DN nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng của người dân. Có hay không chuyện này?

Hầu hết với các doanh nghiệp khi tham gia các dự án thường được chính quyền địa phương giao mặt bằng. Việc đền bù giải toả do chính quyền địa phương thực hiện. Không ai khờ dại lại đứng ra thương lượng với từng người dân để giải phóng mặt bằng. Những thông tin như vậy vẫn thường thu hút sự chú ý của bạn đọc nhưng về bản chất là không đúng.

Thêm một thông tin nữa là việc trúng thầu khi đấu giá các lô đất. Thường thì việc trả tiền khi trúng thầu đấu giá còn có rất nhiều khoản được ghi chi tiết trong hợp đồng. Đặc biệt, là những lô đất mang ra đấu giá khi đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và hơn thế là hệ thống hạ tầng. Đó là chưa nói đến việc quy hoạch 1/2000 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Khi những thứ này chưa hoàn thành, việc trả tiền có thể bị chậm lại. Ai tham gia làm dự án sẽ hiểu được điều này.

Đang có chút việc, tạm dừng đề tài này ở đây và sẽ tiếp tục được bàn trong những cuộc sau.

Phan Thế Hải (Facebook)

(Phan Thế Hải là cựu nhà báo của VietNamNet)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên